HIẾN
PHÁP ĐỆ NHẤT CỌNG HÒA (1956),
DÂN
CHỦ HAY ĐỘC TÀI ?
Bản chung quyết của
Hiến pháp Việt Nam Cọng Hòa trước khi được biểu quyết tại Quốc Hội Lập Hiến để
trở thành văn kiện căn bản của quốc gia là do ông Nhu nhuận đính và chung
quyết. Bản Hiến pháp này, ngoài một vài từ ngữ mà trên mặt tượng thanh có vẻ
Nhân Vị hoặc có liên hệ đến thuyết Duy Linh như “giá trị siêu việt”, “sứ
mạng”, “nhân vị”, “duy linh”, “tạo hóa”,... còn nội dung thật sự của nó đã không triển khai được chút nào yếu tính căn
bản - nếu có - của thuyết Nhân Vị mà ông Nhu cũng “tạm cho” là tác giả.
Có hai lý do để giải
thích hiện tượng này: Thứ nhất là vì thuyết Nhân Vị mang nội dung Công giáo lộ
liễu quá nên không có những yếu tính phổ
quát tạo ra nét độc đáo riêng biệt cho bộ luật cao nhất của toàn dân tộc;
và thứ hai là nhu cầu quyền lực chính
trị quá lớn nên ông Nhu đã bất chấp cái nội dung Nhân Vị - dù còn mơ hồ
chưa thành hình - để đưa vào Hiến pháp những nguyên tắc chính trị chà đạp sinh
hoạt dân chủ của quốc gia và quyền tự do của công dân hầu tập trung quyền hành
vào một thiểu số thống trị. Nghĩa là chủ xướng tối đa tính độc tài
trong bộ luật căn bản và cao cấp nhất của quốc gia.
Muốn xem một hiến pháp
là dân chủ hay độc tài, ta chỉ cần nghiên cứu hai quan niệm: một là quyền
lực quốc gia qua hình thái tổ chức cơ cấu quốc gia thuộc về ai, và hai là quyền
hành của công dân được công nhận và quy định như thế nào?
x x
x
Hiến pháp Đệ Nhất Cộng
Hòa, trong thiên “Điều khoản Căn bản”, điều 2, tuy viết rằng “Chủ quyền thuộc về toàn dân” nhưng đoạn
3, điều 3 thì lại xác định “Tổng thống
lãnh đạo quốc dân” [Điều 89 của Hiến Pháp trong mục tu chính còn quy định
rằng không được xâm phạm hay tu sửa
điều 3 này] nghĩa là tách rời hai ý niệm
“chủ quyền” và “quyền lực” ra khỏi nhau. Làm sao nhân dân có thể làm chủ được
quốc gia khi Tổng thống - chứ không phải họ - lãnh đạo quốc dân?, dù “quốc dân ủy nhiệm vụ hành pháp cho Tổng
thống dân cử và nhiệm vụ lập pháp cho quốc hội cũng do dân cử” (điều 3,
đoạn 1). Mà “ủy” theo bản dịch Pháp
văn chính thức [theo Công báo Việt Nam Cọng Hòa (số
48 ngày 26-10-56). Phụ lục trang
2669] lại có nghĩa là “phong”
(investir) tức là trao toàn quyền. Một cách thực tế, cứ 5 năm, người dân cầm lá
phiếu để “phong” một ông Tổng thống để cai trị mình rồi trở về không còn tham
dự gì vào quyền lực quốc gia nữa. Như ta sẽ thấy rõ trong bản Hiến pháp ở các
mục sau cũng như trên thực tế của 9 năm cai trị, Tổng thống Diệm tập trung trong tay những quyền hành hợp hiến to lớn mà Quốc
hội chỉ là một bộ phận phụ thuộc được dùng để luật hóa các quyết định chính trị
của hành pháp mà thôi. Cũng do đó, nguyên
tắc Phân quyền cơ bản được đề ra trong Hiến pháp chỉ còn là chiêu bài xảo trá
để đánh bóng cho chế độ.
Chủ quyền thuôc về
toàn dân và Tổng thống lãnh đạo quốc dân nghe không khác gì Đảng
lãnh đạo, nhân dân làm chủ... của Hiến pháp Cộng Sản hiện nay tại quê nhà.
Điểm khác biệt duy nhất là Cộng Sản tập trung quyền lực vào một chính trị bộ
nhiều người còn hiến pháp 1956 thì tập
trung quyền lực vào một Tổng thống Diệm. Nguyên tắc chủ quyền đã bị chà đạp
như thế, đến quan niệm toàn dân thì lại càng mơ hồ hơn nữa. Bản dịch tiếng Pháp
đăng trên công báo là “Chủ quyền thuộc về
toàn thể quốc dân” và chữ quốc dân này còn được dùng nhiều lần trong Hiến
pháp.
Quốc dân, theo lý
thuyết dân chủ Tây phương mà hiến pháp 1956 áp dụng, là một tập thể trừu tượng
không những bao gồm thế hệ hiện tại mà còn cả các thế hệ đã qua và sau này nữa,
nó là một “pháp nhân tách rời khỏi những
cá nhân hợp thành quốc gia” [theo Vedel, G. Etudes des
Constitutions, tr. 130 (“La nation est une personne juridique distincte des
individus qui les composent”)], và luật có thể ấn định những điều
kiện để hành xử chức năng “quốc dân” đó như điều 18 đã quy định rằng “quyền bầu
cử và ứng cử phải theo thể thức và điều kiện luật định” hoặc “quyền bầu cử và
ứng cử phải theo thể thức và điều kiện luật định” hoặc điều 50 xác định rằng
phải hội “đủ các điều kiện khác dự liệu trong luật tuyển cử”.
Vì quốc dân (national
Vietnamien) không phải là nhân dân (peuple Vietnamien) nên ngay cả cái chủ quyền mà người dân miền Nam được nắm giữ một cách trừu tượng ở phần
đầu của Hiến pháp thật ra cũng chỉ là một thứ chủ quyền lý thuyết
trên giấy tờ.
Như vậy, 2 nguyên lý
căn bản nhất làm cơ sở chỉ đạo cho hiến pháp 1956 là Chủ quyền của ai và
Ai lãnh đạo đã nói lên rất rõ ý đồ của ông Ngô Đình Nhu muốn tập trung
quyền lực vào một cá nhân Tổng thống để có thể cai trị một cách độc tài, phản
dân chủ. Cho nên ta không lấy làm ngạc nhiên khi thấy quyền Hành pháp của Tổng thống chẳng những đã lấn át quyền của Quốc hội
mà có khi còn bao gồm cả tính Lập pháp nữa.
Tổng thống bổ nhiệm và
cách chức tất cả các công chức dân và
quân sự (điều 37); bổ nhiệm các sứ thần (điều 35), là tổng tư lệnh tối cao của
quân đội (điều 37); có quyền ân xá, ân giảm, hoán cải hình phạt, huyền án (điều
37); ký kết, phê chuẩn các hiệp định quốc tế, thay mặt quốc gia trong việc giao
thiệp với ngoại quốc (điều 35), tuyên chiến và ký kết hòa ước với sự thỏa thuận
của chỉ một nửa túc số quốc hội (điều 36); tuyên bố tình trạng khẩn cấp báo
động, giới nghiêm (điều 44); tổ chức trưng cầu dân ý (điều 40). Và vì các vị
thẩm phán tối cao đều do Tổng thống bổ nhiệm (và được xem như một công chức có
thể bị cách chức) nên trên thực tế Tổng thống chẳng
những đã trực tiếp nắm gần hết mọi cơ cấu của Hành pháp từ cấp Bộ trưởng, Tướng
lãnh cho đến nhân viên hốt rác, anh binh nhì mà còn có khả năng khuynh loát và
điều động Tư pháp nữa.
Quyền Lập pháp tuy nói
là thuộc về Quốc hội (điều 55) nhưng trên thực tế Tổng thống cũng có quyền làm
luật; nhưng trong khi quyền làm luật của
Tổng thống thì bất khả xâm phạm ngược lại, quyền làm luật của Quốc Hội có thể
bị Tổng thống khống chế. Thật vậy, ngoài cái quyền đương nhiên được chuyển
dự thảo ra Quốc hội (để hầu hết) được phê chuẩn nhanh chóng (điều 56), hiến
pháp 1956 còn cho phép Tổng thống, vì lý do khẩn cấp, có quyền ban hành sắc
luật giữa hai khóa họp Quốc hội (điều 41), hoặc trong “tình trạng khẩn cấp,
chiến tranh, nổi loạn, khủng hoảng kinh tế hoặc tài chính”, Tổng thống có thể
được Quốc hội ủy quyền ra sắc luật
thường xuyên (điều 41). Điều khôi hài là chỉ có Tổng thống
mới được nhận định và tuyên bố trong trường hợp nào thì tình trạng trở thành
khẩn cấp (điều 44).
Vì ngân sách là sức
mạnh huyết mạch của chế độ nên ông Ngô Đình Nhu đã duy trì cho được điều 43 của
Hiến pháp để đề phòng đối lập có thể làm tê liệt chính quyền. Điều 43 viết rằng
“trong trường hợp ngân sách không được
Quốc hội chung quyết trong thời hạn ấn định ở điều 60 thì Tổng thống có quyền
ký sắc luật ngân sách cho tài khóa sau” và “nếu về sau Quốc hội có bác bỏ hoặc sửa đổi những điều khoản của sắc
luật ngân sách thì Quốc hội phải giải quyết các hậu quả gây nên do việc bác bỏ
hoặc sửa đổi”. Thật chưa có một hiến pháp nào có lối văn vừa cảnh cáo
vừa đe dọa Quốc hội như điều 43 này!
Cũng trong hiến pháp này,
về thể thức biểu quyết của Quốc hội, “một
dự án hoặc dự thảo luật được Quốc hội chấp thuận chỉ có giá trị nếu hội đủ túc
số 1/3 tổng số dân biểu” (điều 69). Quy định “đa số phục tùng thiểu số”
phản dân chủ này chỉ có thể giải thích bằng ý đồ chính trị đen tối của ông Nhu
muốn đề phòng trường hợp tổng số dân
biểu gia nô của mình bị trở thành thiểu số (chỉ còn 1/3) trong Quốc hội.
Nhưng trong khi Quốc hội “dễ dãi” với Tổng thống như thế thì ngược lại khi Tổng
thống phủ quyết một đạo luật của lập pháp, Quốc hội phải hội đủ túc số 3/4 khó
khăn mới được tái thông qua. Mà 3/4 này phải “minh danh đầu phiếu” (điều 58) để Tổng thống điểm mặt xem ai đã dám
chống lại quyền phủ quyết của mình!
Ngoài ra Tổng thống có
quyền đình chỉ việc áp dụng một hoặc nhiều đạo luật trong những vùng mà Tổng
thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp (điều 44). Một viện Bảo hiến có được quy
định để nghiên cứu và quyết định xem các điều khoản có bất hợp hiến không,
nhưng viện này gồm 9 người thì vị chủ
tịch và 4 thẩm phán hay luật gia đã do Tổng thống bổ nhiệm rồi (điều 86).
Cuối cùng, Tổng thống có quyền đề nghị sửa đổi hiến pháp (điều 90) và Uỷ ban
sửa đổi hiến pháp phải “tham khảo ý kiến”
không những của Viện Bảo hiến (bù nhìn) rồi mà còn của cả Tổng thống nữa (điều
91).
Tóm lại, theo Hiến pháp
1956 này, cái Hiến pháp đã làm bình phong dân chủ cho chế độ Ngô Đình Diệm suốt
7 năm, thì Tổng thống có đầy đủ quyền lực để triệt tiêu hoặc làm tê
liệt các đạo luật nào mà mình không vừa ý cũng như để ban hành và thi hành các
đạo luật nào có lợi cho mình.
Nếu Tổng thống đã khống
chế quốc hội như vậy, thì ngược lại Quốc hội có quyền gì đối với Tổng thống
không ? Tổng thống không bắt buộc phải
điều trần trước Quốc hội, không chịu trách nhiệm trước Quốc hội và không thể bị
Quốc hội bất tín nhiệm để lật đổ. Tổng thống tiếp xúc với Quốc hội “bằng thông điệp” và nếu muốn “có thể dự các phiên họp của Quốc hội”,
cũng như chỉ “khi thấy cần, Tổng thống
thông báo cho Quốc hội biết tình hình Quốc gia” (điều 39).
Qua những điều kể trên,
ta thấy rõ rằng khi thiết kế ra Hiến pháp này, quả thật ông Nhu đã muốn cho anh mình trở thành một thứ Đế vương phong kiến với những hình thức và
ngôn ngữ có vẻ dân chủ tự do... Chính ông Ngô Đình Diệm cũng đã công
khai bày tỏ sự tán đồng nội dung của bản Hiến pháp này trong bài phỏng vấn của
nhật báo Pháp Le Figaro ngày 23 và 24 tháng 3 năm 1959: “Cần phải nhớ lại quá khứ của chúng tôi. Chế độ chính trị ở Việt Nam
thời nào cũng vậy, đã thành lập trên nguyên tắc điều khiển việc nước không phải do những đại biểu của quốc dân
mà do những ông vua có những tể tướng sáng suốt phụ tá... Chúng tôi phải lập
lại ở Việt Nam hệ thống luân lý như ngày xưa” (Bản dịch của
nhật báo Tự Do ngày 4-4-59)
Ông
Nhu đúng là vị “tể tướng sáng suốt” đã mang vị vua Ngô Đình Diệm phong kiến của
thời đại quân chủ về làm nguyên thủ của nước Việt Nam Cộng hòa theo Tổng thống
chế, để xây dựng tự do dân chủ cho miền Nam chống Cộng! Trách gì nước chẳng
mất!
x x
x
Quan
niệm thứ nhì của Hiến pháp 1956 mà ta phải xét đến là quyền hành của người dân
được quy định như thế nào trong chương “Quyền
lợi và nhiệm vụ của người dân”. Đây cũng là chương nói lên rõ ràng nhất cái
kỹ thuật lừa bịp tinh vi của ông Ngô
Đình Nhu, cha đẻ của Hiến pháp 1956, phát xuất từ sự đánh giá sai lầm sức
mạnh của một chế độ dân chủ tự do, và sức mạnh vô địch của quần chúng trong
cuộc chiến tranh chống lại một kẻ thù như Cộng sản.
Phát xuất từ quan niệm
cơ bản rằng chỉ cần một chính quyền mạnh (trong nghĩa bạo lực quân sự hoặc bạo
lực chính trị) là chế độ có thể tồn tại vững bền, Hiến pháp 1956 đã nhân danh chủ nghĩa chống Cộng để kiểm soát và giới hạn tối đa
mọi quyền tự do và dân chủ của người dân. Quan niệm này không đếm
xỉa đến nhân dân như là sức mạnh trụ cột và trường kỳ của miền Nam Việt Nam,
cũng như không đếm xỉa đến sinh hoạt dân chủ như là vũ khí hữu hiệu nhất để đối
kháng với kẻ thù.
Thật vậy, sau khi đã mở
đầu Hiến pháp với một mớ từ ngữ ma quái trong triết lý Duy linh và sau khi đã
bắt buộc phải xác định một cách không thể tránh được những nguyên lý căn bản mà
Hiến pháp nào cũng phải đề ra như “quốc
gia công nhận và bảo đảm những quyền căn bản của con người” (điều 5), “mọi người dân đều có quyền sinh sống tự do
và an toàn” (điều 9), thì đến lúc đi vào từng chi tiết cụ thể của từng sinh
hoạt của người dân, mọi điều đưa ra cho có vẻ tự do
dân chủ đều bị giới hạn lại ngay bằng một điều khác liền.
Hiến pháp xác định “quyền tự do nghiệp đoàn và quyền đình công
được công nhận” nhưng điều 25 ngay sau đó lại nói rằng việc sử dụng các
quyền này phải “theo những thể thức và
điều kiện luật định” (Luật định như Dụ số 23 về việc thành lập Nghiệp đoàn
bắt phải nộp điều lệ để chính quyền cứu xét và quyết định, nhưng Dụ này lại không định ra một giới hạn nào cả về
thời gian cứu xét). Hiến pháp cũng xác định có quyền đình công nhưng cũng ngay
trong điều 25 đó thì “quyền đình công
không được thừa nhận đối với nhân viên và công nhân trong các ngành hoạt động
liên quan đến quốc phòng, an ninh công cộng hoặc các nhu cầu thiết yếu của đời
sống tập thể” nhưng lại không có một văn kiện “luật định” nào giải thích rõ
ràng các ngành đó cả mà chỉ do Tổng thống hoặc chính quyền xác định lấy.
Cũng vậy, nói rằng ‘tính cách riêng tư của thư tín không thể bị
xâm phạm” nhưng lại thêm “trừ khi cần
bảo vệ an ninh công cộng hay duy trì trật tự chung” (điều 12); cho người
dân có quyền “tự do đi lại và cư ngụ”
rồi lại thêm ngoại trừ trường hợp “luật
pháp ngăn cản vì duyên cớ vệ sinh hay an ninh công cộng”; xác định người
dân có quyền “tự do xuất ngoại” nhưng
trừ “trường hợp luật pháp hạn chế vì lý
do an ninh, quốc phòng, kinh tế, tài chánh hay lợi ích công cộng” (điều
13); nói rằng có quyền “tự do hội họp và
lập hội” nhưng giới hạn “trong khuôn
khổ luật định” (điều 15); Hiến pháp cũng công nhận là “chỉ có thể bắt giam người khi có câu phiếu của cơ quan có thẩm quyền”
mà lại không xác định “cơ quan có thẩm
quyền” là những cơ quan nào cho nên sau này có rất nhiều cơ quan mật vụ an
ninh chìm nổi của ông Nhu, ông Cẩn, không nằm trong hệ thống của Bộ
Tư pháp mà vẫn có quyền bắt người dù có hoặc không có câu phiếu.
Nói chung, để kiểm soát
và bóp nghẹt quyền của người dân, Hiến pháp 1956 đã tung ra một mớ gươm
Damoclès treo trên đầu người dân với những từ
ngữ mà chính quyền muốn giải thích như thế nào cũng được như “điều kiện luật định, lý do quốc phòng, an
ninh công cộng, an toàn chung, trật tự chung, lợi ích công cộng, đạo lý công
cộng...” Và để bảo đảm tối đa sự kiểm soát này, Hiến pháp còn nâng chủ trương nầy lên thành nguyên tắc
tổng quát trong điều 28: “quyền của
mỗi người đều được xử dụng theo những thể thức và điều kiện luật định”.
Điều 28 quỷ quyệt này đóng kín một cách hoàn toàn và
vĩnh viễn tất cả mọi hy vọng của người dân về mọi sinh hoạt dân chủ và an toàn
cá nhân dưới chế độ, đồng thời trao lại một cách hoàn toàn và vĩnh viễn quyền
sinh sát vào tay một thiểu số gia đình họ Ngô đang nắm quyền lực trong tay.
■ Ngoài một số nhà nghiên cứu Mỹ như Joseph Buttinger
(trong Vietnam, a Political History, 1968), Stanley Karnow (trong
Vietnam A History, 1983), Frances Fitzgeral (trong Fire in the
Lake, 1972), Robert Shaplen (trong The Cult of Diem, 1972) đã
nặng lời chỉ trích Hiến pháp 1956 của Đệ nhất Cộng hòa, nhiều luật gia Việt Nam
tên tuổi cũng đã nghiêm khắc lên án Hiến pháp đó là thoái hóa, kỳ thị và độc
tài, không liên hệ gì với thuyết Nhân Vị cả. Luật gia Đoàn Thêm trong “Những ngày chưa
quên” đã phải bỏ ra 11 trang (kể từ trang 23) để phân tách sự liên hệ giữa
thuyết Nhân Vị và Hiến pháp Đệ Nhất Cộng hòa, liên hệ giữa Hiến pháp và Quốc
hội, giữa Quốc hội và Tổng thống, đã có một nhận xét như sau đây:
“Triết lý chính trị của ông (Ngô Đình Nhu)
muốn đưa ra, đã được tóm tắt trong đoạn mở đầu và phần căn bản của Hiến pháp
26-10-1956, lại được nhấn mạnh... đã thành khẩu hiệu chính thức. Tuy nhiên,
những ý tưởng này chỉ thể hiện ra hai thiên đầu của hiến pháp 1956. Còn ở phần
cơ cấu chính quyền, nghĩa là khi chuyển sang phần ứng dụng, và nếu xét về luật công pháp thì rất khó thấy
tương quan gì giữa lý thuyết Nhân Vị và các guồng máy quốc gia. Bởi thế,
năm 1956 tôi không hoài nghi, tuy một số người hài lòng và cho là lần đầu tiên
chúng ta mới kiến tạo được trên một căn bản triết lý chính trị vững vàng. Trái
lại, tôi đã ghi nhận áp lực rất mạnh mẽ
của thực tế, của nhân vật và thời cuộc trong việc xây đắp móng nền của chế
độ.”
■ Luật gia Nguyễn Hữu Châu, giáo sư đại học Luật
khoa Paris, nguyên Bộ trưởng Bộ Phủ Thủ tướng VNCH năm 1957, 1958 và có liên hệ
gia đình với giòng họ Ngô Đình, đã có những phán xét không tốt đẹp gì cho Hiến
pháp Nhân Vị 1956 của Đệ nhất Cộng hòa. Trong Luận án Cao học Luật khoa
(Mémoire DES, 1960) ông Nguyễn Hữu Châu sau khi phân tách từng chương từng mục
đã kết luận rằng:
“Xét đến lịch sử các cơ chế và tư tưởng
chính trị của Việt Nam, thật khó mà không công nhân rằng hệ thống của Hiến pháp ngày 26-10-1956 quả là một sự thoái hóa so với hệ
thống chính trị cổ truyền. Tại vì Hiến pháp 26-10-1956 đã giữ lại những gì kém tiến bộ nhất của chế độ xưa cũ, rồi bổ túc bằng
những sự kiềm chế tân tiến nhất.
Do đó mà cái ý niệm về lãnh đạo
(leadership) được trình bày trong bản dịch chính thức của Hiến pháp Việt Nam
Cộng hòa không có cái ý nghĩa mà các nhà
Xã hội học Mỹ trao gửi lúc đầu”.
(Dans l’histoire des institutions et des idées politiques du Vietnam, il
sera difficile de ne pas reconnaitre que le système de la constitution du 26
Octobre 1956 constitua une regression par rapport au système politique
traditionnel. Car il a repris de l’ancien système ce qu’il a le moins
progressiste pour le completer par les moyens de contrainte les plus modernes.
Ainsi cette notion de Leadership qui
figure dans la traduction officielle de la Constitution de la République du
Vietnam n’a pas le sens que les sociologues Américains lui donnent original).
■ Còn giáo sư Nguyễn
Văn Bông, Thạc sĩ Công Pháp, Viện trưởng Viện Quốc gia Hành chánh Sài Gòn
thì trong đoạn kết của giáo trình năm thứ nhất Cử nhân Luật về môn Luật Hiến
pháp và Chính trị học của Đại học Luật khoa Sài Gòn, đã viết rằng:
“Thật vậy, ngay ở điều khoản thứ ba, chúng ta nhận thấy “Tổng thống Lãnh đạo Quốc gia”. Tổng
thống bổ nhiệm và cách chức các sứ thần cùng công chức cao cấp không cần ý kiến
của Quốc hội. Trái với nguyên tắc phân nhiệm mà điều 3 ghi rõ là “nguyên tắc phân nhiệm giữa hành pháp và lập
pháp phải rõ rệt”. Hiến pháp 1956 dành cho Tổng thống quyền ký sắc luật
giữa hai khóa họp Quốc hội, quyền ký sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp, báo
động hoặc giới nghiêm.
Một
sự tập trung quá mức quyền hành cùng sự thủ tiêu đối lập và sự hiện diện của
một chính đảng duy nhất đã đưa chế độ Ngô Đình Diệm lần lần đi đến một chế độ
quyền hành cá nhân áp dụng những phương tiện chuyên chế mà tiếng súng ngày 1-11-1963 đã đưa vào
dĩ vãng.”
[NLT sưu tầm trên Internet, 10/2012]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét