LGT: Đây là một bài thuộc loại
“văn học”. Bài viết đã lâu, in trong sách, xuất bản ở Cali. Hoàng Lan Chi lưu
trữ trong web site Hoàng Lan Chi vì nhận thấy bài viết có nhiều điểm mà HLC
đồng ý. LS Trần Thanh Hiệp, như thường lệ, HLC nhận thấy ông viết rất “chắc”.
Lý luận của ông có “cơ sở’ nghĩa là hợp lý. LS TTH nhận định Nhất Linh NTT khi đặt vào đúng hoàn cảnh của
1963, không phải của 2003 hay 2013. Nhất Linh NTT, cuộc đời còn nhiều khoảng
tối mà sự soi rọi không dễ dàng vì ông không để lại hồi ký. Thế hệ sau, con
cháu ông và cả hậu duệ Tự Lực Văn Đoàn, không ai có đủ tài để gỡ vài mảnh màn
tối phủ quanh ông. Dựa vào tiểu sử, vào bối cảnh lịch sử của 1930, 1945, 1954
và 1963, LS Trần thanh Hiệp đã cho rằng cái chết của Nhất Linh, có thể đi theo
hai logic đặc biệt và không theo logic chính trị thông thường. Cuối cùng, LS
Trần Thanh Hiệp kết luận: “Phong thái lẫm liệt ấy hiếm thấy trong lịch sử Việt
Nam hiện đại. Người Việt Nam có thể tự hào đã
có một nhân vật Nhất Linh Nguyễn Tường Tam trong lịch sử”.
Hoàng Lan Chi rất đồng ý với
câu kết của LS Trần Thanh Hiệp về Nhất Linh NTT.
ĐỂ TRẢ
NHẤT LINH NGUYỄN TƯỜNG TAM VỀ
CHO LỊCH SỬ
Trần Thanh Hiệp
Tự hủy đời mình…
Trong quyển Nhất Linh, cây bút trụ cột của Tự Lực Văn Đoàn,
do Văn Hóa-Thông Tin xuất bản ở Hà Nội
năm 2000, Nguyễn Tường Thiết có kể lại rằng, trên đường chở cha vào bệnh viện
Grall để cấp cứu, “(…) tôi thò tay vào túi áo ngủ của cha tôi lấy ra một tờ giấy mà lúc ở nhà
tôi không kịp xem. Trên một vuông kẻ ô, cha tôi để lại những hàng chữ cuối cùng
trong đời ông. Đọc xong, gần như vô ý thức, miệng tôi cứ lập đi lập lại mãi một
câu ‘’đời tôi để lịch sử xử’’…”. Giáo sư Nguyễn Thành Vinh – người
hoạt động chính trị ở miền Nam Việt Nam, đầu thập niên 60 được coi như gần với
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, trong cuốn hồi ký tập thể Biến Cố 11. Từ đảo chính đến tù đày, do Trần Tương tuyển chọn và
biên soạn, xuất bản tại Saigon năm 1971, đã ghi lại đầy đủ lời tuyên bố trên
như sau :
“Đời tôi để lịch sử xử, tôi
không chịu để ai xử cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử Đối lập Quốc Gia
là một tội nặng sẽ làm cho nước mất về tay Cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự
hủy mình cũng như Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người
chà đạp mọi thứ tự do,
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.
7-7-1963”
… để đời sau phán xét !
“Để lịch sử xử” là một lối nói có thể hiểu theo nhiều
cách, tùy hoàn cảnh, tùy thời đại. “Lịch sử”, ở phương Đông có nghĩa gốc là bản
sách chép những việc đã qua của một người hay của một nước. Ý chính trong nghĩa
này là sự ghi chép (phong tình cổ lục còn truyền sử xanh).
Ở phương Tây, nghĩa vượt trội của từ “lịch sử” không phải là việc ghi chép mà
là những kiến thức – nay đã thành khoa học – giúp chọn lựa những điều gì của
quá khứ đáng ghi chép để ghi chép. Rồi từ đó người ta tách đối tượng của những
công trình nghiên cứu ghi chép quá khứ, coi đối tượng ấy như một thực thể trừu
tượng độc lập, có một đời sống riêng biệt, chẳng những trong dĩ vãng mà cả
trong tương lai. Nhà văn nổi tiếng của Pháp, J.P.Sartre, có câu «Chúng ta sống trong lịch sử như cá sống trong nước.»
Và nghĩa của từ lịch sử lại rộng thêm khi tiếng này được dùng để chỉ ký ức của
loài người, sự phán xét của đời sau. Cách nói «lịch sử sẽ phán xét»
(l’histoire jugera) là do hiện tượng trượt nghĩa (như trượt tuyết) này mà có.
Khi viết “để lịch sử xử”, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam muốn nói:
để cho lịch sử phán xét hành động của ông. Gần bốn mươi năm đã trôi qua. Nguyện
vọng cuối cùng này của ông đã được thỏa mãn hay chưa? Nhiều người, đồng chí,
bạn bè, đồng nghiệp, thân nhân v.v… của ông đã bàn về cái chết của ông. Nhưng
không vì thế mà có thể khẳng định rằng “để lịch sử xử”. Nhất
Linh Nguyễn Tường Tam đã không chấp nhận cho bất cứ ai – trừ đời sau – được
quyền đánh giá việc làm của ông. Nhưng lịch sử – đời sau – là ai? Xử ai, Nhất Linh hayNguyễn Tường Tam hay Nhất Linh Nguyễn Tường Tam? Xử nghĩa là phán xét,
nhưng phán xét về những gì, phán xét như thế nào v.v…? Biết bao nhiêu nghi vấn
đã được đặt ra, còn được đặt ra. Chưa có giải đáp nào được coi là thỏa đáng. Sự
thật, nói “để lịch sử phán xét” là suy nghĩ theo cách phương Tây. Trong môi
trường này, dư luận làm nền tảng cho phán xét của lịch sư đồng thời là con kênh
để các sự kiện được lưu trữ vào trí nhớ tập thể.
Việt Nam những năm 2000
không còn là Việt Nam những năm 60. Bước phát triển quốc tế của vùng đất này,
phát khởi từ phần nửa sau thế kỷ XX, đã ngày càng gia tăng mức độ phương Tây
hóa của nó. Dư luận Việt Nam bây giờ cũng phải lớn lên để tầm nhìn lịch sử của
người Việt Nam được mở rộng mà phán xét. Và nó sẽ làm công việc Nhất Linh
Nguyễn Tường Tam đã ủy thác. Để lại di ngôn “Đời tôi để lịch sử xử,”
ông ký tên Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, một tên gọi kết hợp ông chỉ mới dùng
những năm cuối đời. Kết hợp con người làm văn học nghệ thuật và con người làm
cách mạng chính trị. Cái chết rất đặc biệt của ông là cái chết của cả hai con
người ấy, hay nói đúng hơn, cả hai con người này đã làm ra cái chết ngày
7-7-1963 của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.
Lịch sử “chính danh” hay lịch
sử “nhân danh”?
Muốn “để cho lịch sử xử” thì trước hết phải có “lịch sử” đã. Vậy lịch sử
là gì? Cho đến nay, dù nhân loại đã bước vào kỷ nguyên khoa học thần kỳ, vẫn
chưa có một định nghĩa nào – đúng tuyệt đối về lịch sử – vạch rõ được bản chất
của lịch sử. Nhưng người ta tin rằng có một dòng diễn biến khách quan, thị hiện
bằng một chuỗi biến cố có vẻ ngẫu hữu, theo chiều hướng tiến bộ, dưới sức đẩy
của ba động cơ là ngẫu nhiên, tuân nguyên và tự do. Tạm gọi thứ lịch sử này là
lịch sử “chính danh,” lịch sử viết bằng chữ hoa “Lịch Sử.” Bên cạnh lịch sử
chính danh này còn có những lịch sử người ta nhân danh lịch sử chính danh để
ghi chép theo một sử quan riêng. Hay lịch sử người ta nhân danh tự do mà làm
ra. Tạm gọi những loại lịch sử này là lịch sử “nhân danh.” Do đó, có sự cách
biệt giữa hai loại lịch sử và đã phát sinh tệ trạng ngụy tạo lịch sử, viết lại
lịch sử với những quy mô cá nhân hay tập thể. Một tệ trạng đã gây biết bao thảm
họa không thể phai mờ trong ký ức của loài người, và đặc biệt của những người
Việt Nam hơn nửa thế kỷ bị chìm đắm trong các tội ác khủng bố, diệt chủng, dưới
danh nghĩa giai cấp.
Trong trường hợp Nhất Linh
Nguyễn Tường Tam, có những lý do để e ngại rằng vẫn còn những khoảng tranh tối
tranh sáng xung quanh cái chết của ông. Những công trình nghiên cứu, ghi chép
về thân thế và sự nghiệp của ông chưa đủ để cho lịch sử có thể phán xét thật
công bằng công tội của ông, như ông muốn.
Một cá nhân, ở vào một vị
thế nào đó trong xã hội – và đây là trường hợp Nhất Linh Nguyễn Tường Tam – có
thể viết cho riêng mình một lịch sử vi mô đóng góp vào việc việc viết nên lịch
sử vĩ mô cho xã hội. Mấy luồng dư luận – chính quyền Ngô Đình Diệm qua bản cáo
trạng của Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt truy tố ông về tội “xâm phạm an ninh quốc gia,” những đồng chí của ông có
dính líu vào cuộc binh biến 11-11-60 phải ra tòa – đã không giúp làm sáng tỏ
công tội của ông trước lịch sử, không cho thấy rõ lô gích nào đã đưa tới cái
chết ngày 7-7-63 của ông. Người đời sau còn phải đẩy cho dư luận đi tới xa hơn
nữa, để tìm ra ý nghĩa lịch sử của cái chết này. Dĩ nhiên, ai cũng có quyền
nghĩ hay nói về cái chết ấy. Và càng nhiều người nghĩ hay nói thì dư luận càng
đầy đủ. Nhưng điều nên tránh là đừng tự cho mình quyền “nhân danh” lịch sử vĩ
mô để viết lại, theo chủ quan của mình, lịch sử vi mô Nhất Linh Nguyễn Tường
Tam. Tốt hơn, nên trả Nhất Linh Nguyễn Tường Tam về thời đại của ông để các sự
kiện có tiếng nói. Như vậy ông sẽ được trả về cho lịch sử, điều tương xứng với
sự nghiệp, phong cách của ông. Và để cho lịch sử phán xét ông.
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam và
thời đại của ông
Muốn trả ông về cho lịch
sử, trước hết phải trả ông về cho thời đại của ông. Để xem ông đã đột xuất như
thế nào trước thời đại ấy.
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam
sinh ra đời năm 1906 và 57 năm sau, năm 1963, ông tự kết liễu đời mình. Khoảng
thời gian này, tuy rất ngắn trên dòng lịch sử, nhưng ở Việt Nam, nhiều biến đổi
dồn dập xảy ra, trên khắp các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa. Nó là sự thể
hiện của cuộc vận động Duy Tân đã bắt đầu từ thế kỷ trước, qua một tiến trình
trong đó Việt Nam, từ một nước nô lệ lạc hậu, tự chuyển hóa thành một nhân xã
độc lập đối với ngoại bang và một chủ thể chính trị trên đường dân chủ hóa nội
trị. Hàng triệu người đã góp phần viết nên lịch sử vĩ mô này, bằng những lịch
sử vi mô của mỗi người hay của mỗi nhóm họp lại. Để phán xét Nhất Linh Nguyễn
Tường Tam không thể không tìm hiểu cách đóng góp và sự đóng góp – mà nhiều
người thường tự ý thêm hay bớt – của ông vào lịch sử vĩ mô nói trên, qua hai
con người Nhất Linh và Nguyễn Tường Tam. Sự thật khó mà chia
phần một cách thật chính xác giữa Nhất Linh và Nguyễn Tường Tam. Nhất là khi sử
dụng quyền tự hủy, ông đã nhân danh cả hai con người Nhất Linh và Nguyễn Tường
Tam. Nếu dưới đây vẫn cứ phân chia thì đó chỉ là để thuận tiện cho sự trình bày
mà thôi.
Nhìn dưới độ góc này,
Nguyễn Tường Tam đã đột xuất trước thời đại, dưới tên gọi Nhất Linh – nhà văn,
nhà báo, nhà hội họa, nhà trí thức, nhạc sĩ v.v…- cha đẻ của một loạt nhân vật
hư cấu, những Lệ Nương, Loan, Dũng, Nhung, Nghĩa, Phương, Thái, Triết, Trương,
Thu, Mùi v.v… Những nhân vật hư cấu nhưng linh hoạt như đang sống thực ở ngoài
đời, tuy chỉ hiện hữu trong tưởng tượng. Những nhân vật, vì vậy, phản ánh được
một bộ mặt nhất định của xã hội đương thời, mở ra được một chiều hướng đi lên
cho cuộc sống. Trong từ ngữ chuyên môn của văn học, người ta gọi đó là “không
gian văn chương” của Nhất Linh. Không gian cung cấp cho xã hội một kiểu mẫu
sống, một rung cảm mới và và nhất là một ngôn ngữ mới, một văn phong mới. Công
trình mở đường này đã khiến cho Nhất Linh được đồng thanh nhìn nhận là người mở
đuờng cho văn học sử Việt Nam vào thời điểm thập niên 30, mang lại cho bộ môn
tiểu thuyết một bước tiến bộ theo hướng nghệ thuật, và thổi vào báo chí tiếng
Việt một sức sống vươn lên. Trong chừng mực đó, Nhất Linh đã đi vào lịch sử của
đất nước.
Còn Nguyễn Tường Tam? Hành
trình của con người “làm cách mạng” này không sáng tỏ như hành trình của Nhất
Linh. Chẳng những ngoài xã hội mà cả trong gia đình ông, các bạn bè, văn hữu
của Nguyễn Tường Tam cũng không ai biết đích xác về những hoạt động chính trị
của ông. Theo tiểu sử nòng cốt của ông, do Nguyễn Ngu Í công bố ở Sài Gòn năm
1966, Nguyễn Tường Tam năm 1939 lập đảng chống Pháp lấy tên là Hưng Việt sau đổi thành Đại Việt Dân Chính.
Năm 1942, Nguyễn Tường Tam ra ngoài nước để sang Trung Quốc, đứng vào hàng ngũ
phe tranh đấu người Việt xu hướng quốc gia tại Liễu Châu. Ông hoạt động trong Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội với cụ
Nguyễn Hải Thần và một thời gian có cả Hồ Chí Minh. Sau đó, ông về Côn Minh
tranh đấu dưới màu cờ Việt Nam Quốc Dân Đảng. Cho đến giữa 1945, ông có về
nước ở vùng Hà Giang nhưng rồi lại quay sang Côn Minh và đi Trùng Khánh. Khi
đảng Cộng Sản Việt Nam cướp chính quyền dưới danh nghĩa Việt Minh thì Nguyễn
Tường Tam vẫn còn ở ngoài, mãi đầu năm 1946 mới về nước. Tổ chức Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội cũng
dời địa bàn hoạt động về Việt Nam.
Để có lực lượng đối lập
công khai với chính quyền cộng sản, một Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất ra đời với Nguyễn Tường Tam làm Phó
chủ tịch, bên cạnh Nguyễn Hải Thần, chủ tịch. Vào thời điểm này, dưới áp lực
của Trung Quốc, và của tình hình mới do sự hiện diện của quân đội Pháp ở Việt
Nam, hai phe quốc cộng ở Việt Nam phải thành lập một chính phủ Liên Hiệp.
Nguyễn Tường Tam nhận lời tham gia, giữ chức vụ bộ trưởng Ngoại giao. Nhưng
ngày 5-3-1946, Nguyễn Tường Tam gửi thư cho Hồ Chí Minh xin từ chức bộ trưởng
ngoại giao, nói rõ rằng quyết định rút lui của ông chỉ có tính cách “hoàn toàn cá nhân,” không “liên quan gì đến sự đoàn kết các đảng phái.”
Bởi vậy, ông không cầm đầu phái đoàn Việt Nam sang Pháp tham dự cuộc đàm phán
Việt Pháp tại Hội nghị Fontainebleau. Trước khi cuộc chiến tranh Việt Pháp bùng
nổ vào gần cuối tháng 12-1946, Nguyễn Tường Tam lại trở qua Trung Quốc, cùng
với cựu hoàng Bảo Đại tìm một giải pháp chính trị tranh thủ độc lập cho Việt
Nam.
Việc này không đi tới kết
quả cụ thể nào đối với Nguyễn Tường Tam và một số đồng chí cùng lưu vong với
ông ở Trung Quốc. Năm 1949, tất cả những người này quyết định giữ vững lập
trường không hợp tác với Pháp, cũng không bắt tay với cộng sản Việt Nam, dù để
kháng chiến. Một trong những người này, Nguyễn Tường Bách, tác giả quyển Hồi ký
nhan đề Việt Nam một thế kỷ qua viết rằng : “Đối với ý kiến của chúng tôi đi tìm một con đường mới để thoát khỏi bế
tắc, anh Tam không biểu lộ ý nghĩ cụ thể, không tán thành hay phản đối việc
chúng tôi làm. Xưa nay, anh không ép buộc ai phải theo ý muốn của mình cả, có
thể vì thế mà anh không tổ chức được hàng ngũ đấu tranh có kỷ luật chặt chẽ
(…)” Năm 1949, Nguyễn Tường Tam trở về Hà Nội, tuyên bố không hoạt động chính
trị nữa. Năm 1953, ông lên Đà Lạt ở ẩn, 1958 trở về Saigon, hoạt động văn nghệ,
ấn hành tờ tạp chí Văn Hóa Ngày Nay,
được 11 số thì đình bản. Ngày 7-7-1963, ông tự sát vì không chịu để tòa án của
chính quyền Ngô Đình Diệm xét xử ông. Mặt khác , ông còn muốn chống lại “Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử Đối lập Quốc Gia là một
tội nặng sẽ làm cho nước mất về tay Cộng sản.” Ông
minh xác: “Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa thượng Thích Quảng
Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do.”
Trong lịch sử chính trị
cận đại Việt Nam chưa có một người làm chính trị nào chọn cái chết như Nguyễn
Tường Tam. Trong chừng mực đó, ông cũng đã trở thành một nhân vật lịch sử,
nhưng không theo lô gích chính trị. Sự thật, Nguyễn Tường Tam không trực tiếp
hay gián tiếp liên hệ gì với nhóm quân nhân đảo chính, ngày 11-11-1960 tấn công
Dinh Độc Lập nhằm lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Tội danh “xâm phạm an ninh
quốc gia” đã được áp đặt cho ông vì nhu cầu đàn áp. Đã vậy, cũng không có đủ
tội chứng để biện minh cho bất cứ một hình phạt nào ông có thể gánh chịu. Sau
hết, vào thời điểm chính quyền Ngô Đình Diệm đưa ông ra xét xử trước tòa, trong
dư luận quần chúng, chính quyền này đã
tới bên bờ vực thẳm của tiêu vong. Cái chết của Nguyễn Tường Tam quả thật
không phải là điều tất yếu của tình thế. Nhưng Nguyễn Tường Tam đã chết “để cảnh cáo” một bạo quyền.
Như vậy, có thể là Nguyễn
Tường Tam đã chết theo hai lô gích. Hoặc là lô gích “luân lý” để tỏ bày cái “thượng
dung” của một đấng trượng phu. Phải chăng Nguyễn Tường Tam đã trở lại với nhân
sinh quan “Nho phong” mà ông vẫn còn thấm nhuần khi bắt đầu sự nghiệp văn
chương của mình? Hoặc là lô gích thẩm mỹ, Nguyễn Tường Tam đã trở thành một “nhân
vật tiểu thuyết” của Nhất Linh ? Trong các tiểu thuyết của Nhất Linh người ta
luôn luôn gặp những nhân vật, vì lý do này hay lý do khác, tính chuyện kết liễu
cuộc đời mình một cách bình thường, tự nhiên. Phiên xử ngày 9-7-1963 của Tòa Án
Quân Sự Đặc Biệt là giọt nước làm tràn ly. Như một người viết tiểu thuyết đi
tìm chi tiết dựng tác phẩm, Nguyễn Tường Tam đã thản nhiên bố trí cái chết của
mình. Chết như vậy là một vẻ đẹp trong một toàn bộ thẩm mỹ mà tác giả, như
Thượng Đế, có toàn quyền sắp xếp. Phải chăng vì vậy mà ông đã ký tên dưới di
ngôn của mình là Nhất Linh Nguyễn Tường Tam? Hai con người này đã nhập làm một
để lấy một quyết định chót.
Ba mươi chín năm sau khi
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam nằm xuống, có lẽ nay và mãi sau vẫn còn những người
tưởng nhớ đến ông. Dù muốn hay không muốn, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã là quá
khứ mà những lớp người ở Việt Nam lựa chọn làm văn học nghệ thuật hay làm cách
mạng chính trị đã mang trong mình. Trọng lượng của quá khứ ấy có thể nặng nhẹ,
tùy theo cách đánh giá của mỗi người. Đối với một số người, Nhất Linh Nguyễn
Tường Tam đã làm xong công việc của một chặng trên con đường đổi mới nghệ thuật
(xin xem Thảo Luận,
nhà Xuất bản Sáng Tạo, Sài Gòn 1965). Đối với một số người khác – những người
duy lịch sử, tự cho mình là Lịch Sử – sự đóng góp của Nhất Linh Nguyễn Tường
Tam chỉ đáng kể trong một giới hạn nào đó thôi (xin xem Nhất Linh, cây bút trụ cột của Tự Lực Văn Đoàn,
nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin, Hà Nôi 2000).
Trong trí nhớ tập thể, vẫn
còn những khoảng tối trên thân thế và sự nghiệp Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.
Không dễ gì mà có được một “cây đàn muôn điệu” (văn, họa, nhạc) như ông. Lại
thêm một vốn sống thượng vàng hạ cám, phong phú, không phải ai cũng có. Vậy tại
sao Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã ngưng sáng tác sau Bướm Trắng, Xóm Cầu Mới, Giòng Sông Thanh Thủy (1961)? Ông có mặt
tại nhiều nơi, đã liên tục dấn thân cho cách mạng chính trị từ thập niên 30,
lúc nào cũng ở trên cấp bậc lãnh đạo, vậy tại sao ông đã tuyên bố rút lui khỏi
chính trường đầu thập niên 50 và hơn một thập niên sau, lại tự sát vì chính trị
? Những bí ẩn này gợi ý rằng sự hiểu biết của đời sau về nhân vật Nhất Linh
Nguyễn Tường Tam vẫn còn phải bổ sung. Nói như vậy không có nghĩa là chỉ có thể
có một thái độ của khách bàng quan, trong khi chờ đợi.
Miền Nam Việt Nam đã mất
vào tay Cộng Sản, điều mà Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã lo ngại. Tất nhiên
không hẳn hoàn toàn do những hành động ông lên án. Nhưng lịch sử đã bắt đầu việc
phán xét và sẽ còn tiếp tục phán xét. Nhất Linh Nguyễn Tường Tam không có ý
định để lại cho đời sau một thông điệp với một nội dung nhất định nào. Vào cái
tuổi 57 chưa hẳn quá về chiều của cuộc đời, ông đã lấy cái chết của mình để cảnh cáo những người cầm quyền bạo ngược,
ngang nhiên chà đạp lên mọi thứ tự do và nhân phẩm, thứ giá trị khiến cho
con người khác biệt được với các sinh vật khác. Không phải ai cũng lấy được một
quyết định như vậy.
Phong thái lẫm liệt ấy
hiếm thấy trong lịch sử Việt Nam hiện đại.
Người Việt Nam có thể tự
hào đã có một nhân vật Nhất Linh Nguyễn Tường Tam trong lịch sử.
Trần Thanh Hiệp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét