Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014


HỒ CHÍ MINH : NHỮNG VIỄN CẢNH MỚI
NHÌN TỪ HỒ SƠ CỦA QUỐC TẾ CỌNG SẢN

Sophie Quinn-Judge
Nguyễn Kha dịch


Cuối năm 2000, tác phẩm Ho Chi Minh - A Life của William J. Duiker, do nhà xuất bản Theia ở New York phát hành, đã là một đóng góp to lớn cho những nhà nghiên cứu về Việt Nam nói chung và về nhân vật Hồ Chí Minh nói riêng. Đây là một công trình nghiên cứu rất công phu, vừa tổng hợp có phê phán những nghiên cứu của rất nhiều tác giả trước đó, vừa khám phá và đối chiếu với những thông tin mới nhất đã được giải mật cho đến năm 2000.
Nhưng có  lẽ giá trị nổi bật nhất của tác phẩm nầy là mức độ khả tín rất cao của các tài liệu và phương pháp  luận sâu sắc của tác giả. Có nhiều lý do giải thích hai phẩm chất sử học nầy, nhưng chủ yếu là vì bốn đặc điểm sau đây: 
  • Trước hết là môi trường hoạt động nghề nghiệp của tác giả: Ông là nhân viên ngoại giao của chính phủ Mỹ tại Nam Việt Nam và Đài Loan trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, là giáo sư Sử Đông-Á nhiều năm tại đại học Penn State, và hiện nay là chuyên viên tư vấn cho chính phủ Mỹ và các định chế nghiên cứu về Việt Nam và Trung Quốc hiện đại.
  • Thứ hai là lãnh vực nghiên cứu chuyên đề của chính bản thân tác giả: Ông không nghiên cứu rộng và nhiều lãnh vực mà chỉ chú tâm vào chuyên đề Việt Nam. Trong 13 tác phẩm giá trị mà ông đã hoàn tất và được xuất bản thì có đến 9 tác phẩm đã lấy phong trào Cọng sản Việt Nam (và các phó sản chính trị của nó) làm đối tượng nghiên cứu.
  • Thứ ba là khả năng và cơ hội tiếp cận các nguồn tài liệu rất hiếm và quý trong quá trình nghiên cứu của ông: Chỉ riêng cho tác phầm Ho Chi Minh – A Life, ngoài 807 footnotes chứa đầy những nguồn tài liệu vừa chính thống công cọng vừa tư liệu cá nhân, trong phần Preface, ông cho biết để viết tác phẩm nầy, ông đã đi 8 nước (Nga, Trung quốc, Anh, Hồng Kông, Úc, Nhật, Pháp và Việt Nam, trước và sau 1975), tra cứu tài liệu của 29 định chế nghiên cứu (Đại học, Viện bảo tàng, Viện nghiên cứu, Thư viện, Trung tâm Lưu trữ tài liệu, Viện Sử học) và trao đổi thảo luận với 67 chuyên viên về Hồ Chí Minh thuộc 10 quốc tịch khác nhau.
  • Cuối cùng là, khi đọc hết tác phẩm, ta thấy được ở ông thiên chức rất đặc biệt của một người làm nghiên cứu kiểu mẫu và chân chính của ngành Sử học: Khách quan, khoa học, lương thiện, và kiên trì. Ông tìm đến nơi đến chốn, đối chiếu cùng một dữ kiên với nhiều nguồn tài liệu khác nhau, chuyện gì không chắc, không biết thì ông nói rõ ra như thế, và hầu như không phê phán mà chỉ để sự thực lịch sử nói lên ý nghĩa của chính sự kiện. Ông trân trọng người đọc và tin tưởng ở trình độ của người đọc tác phẩm của ông.
Đọc xong Ho Chi Minh – A Life, tôi lại càng buồn cho đa số các nhà gọi là “nghiên cứu Sử” Việt Nam, nhất là những người gọi là “nghiên cứu và lý luận”ở nước ngoài, và quyết định từ nay sẽ đọc sách và báo của người Việt trong và ngoài nước với tất cả sự dè dặt và thận trọng.   Vì sách của các tác giả Việt Nam, khi viết về ông Hồ Chí Minh, thì thường lạc dẫn, chủ quan, phiến diện, cục bộ, có dụng ý tuyên truyền, không chuyên nghiệp, ít trung thực và nhất là thiếu lương thiện trí thức.
Trong Ho Chi Minh – A Life, tác giả William Duiker có nhắc đến công trình và có sử dụng tài liệu của Sophie Quinn-Judge, người Mỹ đầu tiên được phép tra cứu tại Trung tâm Bảo tồn và Nghiên cứu Tài liệu thuộc Viện Mác-Lê của Đảng Cọng sản Nga tại Moscow sau khi chế độ Nga Sô Viết sụp đổ. Về lại Mỹ, bà viết một bài ghi nhận ngắn tựa đề là "Hồ Chí Minh: New Perspectives From The Comintern Files”, đăng trên The Vietnam Forum 14, Yale University Council on South East Asia Studies, mà chúng tôi chuyển dịch dưới đây để thông tin giới hạn cho bạn bè ngành Sử có quan tâm đến chủ đề nầy. Sau đó, bà Quinn-Judge sử dụng các tài liệu thu thập được và triển khai thành tác phẩm Ho Chi Minh, The Missing Years (C Hurst & Co. Publishers Ltd, London 2003).


Những đoạn nhấn mạnh là của người dịch để lưu ý người đọc đến một trong những nghi vấn lịch sử: Khi mới qua Nga lần đầu tiên (30-6-1923) để chính thức tiếp cận với chủ nghĩa Mác-Lê và Phong trào Quốc tế Cọng sản, thì ông Hồ Chí Minh vẫn giử lập trường quốc gia dân tộckhuynh hướng chính trị thực tiễn của một người yêu nước trên đường tìm một đồng minh, một công cụ hữu hiệu nhất sẵn sàng giúp ông chống ngoại xâm giải phóng dân tộc, hay ông đã thực sự muốn làm một người Cọng sản ngay khi còn bôn ba trong môi trường xã hội tả khuynh (kể cả trở thành đảng viên đãng Cọng sản Pháp) của giới trí thức và thợ thuyền tại Paris ?
Sophie Quinn-Judge thấp thoáng cho ta biết một phần nhỏ. nhưng Ho Chi Minh – A Life của William Duiker thì cho người đọc biết rõ hơn nhiều ! -  NGUYỄN KHA



Vào khoảng thời gian cuối cùng trong sáu năm tôi ở tại Mạc Tư Khoa, tức là vào mùa Đông năm 1992, tôi bắt đầu nghiên cứu về những năm mà ông Hồ Chí Minh (HCM) sống với Tổ chức Quốc tế Cọng sản (QTCS). Viện Mác-Lê cũ, nơi lưu trữ hồ sơ của tổ chức nầy, là văn khố đảng Cọng sản đầu tiên tại Nga sô cũ mở cửa cho các học giả vào nghiên cứu. Viện đó bây giờ được gọi là “Trung tâm Bảo tồn và Nghiên cứu Tài liệu về Lịch sử Hiện đại Nga” và được điều hành theo cung cách văn khố quốc tế, khác hẵn với những văn khố về các tài liệu chính trị bí mật của Ủy ban Trung ương Đảng, hoặc của cơ quan mật vụ KGB. Hồ sơ Việt Nam tại đó là một tập sưu tầm lộn xộn những phúc trình và công văn Đi và Đến, có phúc trình không đề tên ai cả, có những lá thư riêng, và có cả những mẩu báo chí mà QTCS thu thập. Các tài liệu nầy được viết bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, chủ yếu là tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Anh, vài tài liệu được dịch ra Anh, Pháp, Nga và Đức ngữ.

Quan hệ của ông HCM với QTCS, đặc biệt những hoạt động của ông tại Mạc Tư Khoa từ năm 1934 đến 1938, đã là đối tượng của nhiều nghiên cứu suy đoán. Đảng Cọng sản Việt Nam (CSVN) đã luôn luôn xem nhẹ những bất đồng ý thức hệ hoặc bất đồng cá nhân giữa các đảng viên; lịch sử đảng đã nói rất ít về thời kỳ nầy của ông HCM, khi đề cập đến cuộc đời hoạt động của ông. Dù rõ ràng những hồ sơ mà tôi đọc được thì rời rạc, nhưng tôi cũng đã tìm được khá đủ (tài liệu) để tự thuyết phục về nhu cầu phải xét lại cuộc đời và di sản chính trị của ông. Những phúc trình, thư từ và các mẫu ghi chép mà tôi đọc được đã làm sáng lên hai khía cạnh chính của đời ông HCM. Thứ nhất là triết lý chính trị, thái độ của ông trong cuộc tranh luận về chủ nghĩa đã phân cách QTCS và đảng CS Việt Nam trong nhiều năm. Và thứ hai là những quan hệ cá nhân của ông.
Về quan điểm chính trị của ông Hồ, tài liệu của Mạc Tư Khoa xác nhận những gì mà các học giả đã suy diễn: Rằng ông Hồ đã bị đảng cho thất sủng vào năm 1931 và 1932 (Hồ fell out of political favor within his party in 1931-32). Điều mà các học giả không ngờ tới là mức độ trầm trọng của những lời cáo buộc ông Hồ.

Nội dung những cáo buộc có tính chính trị nầy là ông đã không hiểu được vai trò vĩ đại của giai cấp công nhân (he did not understand the paramount role of the working class). Và vào năm 1934, các lời buộc tội về sai lầm chính trị đó lại nặng nề thêm với lời tố cáo rằng ông đã hoạt động với “một tên phản bội mà ai cũng biết” tại Quảng Đông trong quá trình tổ chức Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, hay còn được gọi tắt là nhóm “Thanh Niên”. Theo lá thư gửi từ Phòng Hải Ngoại tại Hồng Kông cho Mạc Tư Khoa vào năm 1935, thì chính ông HCM phải chịu trách nhiệm về đợt bắt giữ đã gần như làm tiêu tan cấp lảnh đạo của đảng vào năm 1931 [1]. Không rõ là sau khi ông Hồ xuất hiện trở lại, những lời cáo buộc trên có được biện minh như là vì các động cơ chính trị không. Một sự thay đổi về chính sách của QTCS vào năm 1935 đã không phục hồi được ông Hồ; ông ở lại Mạc Tư Khoa, không hoạt động chính trị cho đến khi ông được gửi về Trung Quốc (TQ) vào cuối năm 1938 như một lá thư khác đã đề cập đến.

Về đời sống riêng tư của ông Hồ, tôi kiếm được bằng chứng là đã có lần ông cưới một nữ đồng chí cách mạng tên là Nguyễn thị Minh Khai, người đã hoạt động gần gũi với ông tại Hồng Kông trong những năm 1930 và 1931, và cũng đã ở Mạc Tư Khoa cùng với ông từ cuối năm 1934 đến đầu năm 1937. Ngay cả cho đến nay, giới lãnh đạo Việt Nam vẫn thấy cần thiết phải bác bỏ sự kiện ông Hồ có những quan hệ lãng mạng lâu dài, hay đã có con. Điều khẳng định nầy hình như xuất phát từ quyết định muốn biến ông Hồ thành một vị thánh của dân tộc, được mô tả  như người hoàn toàn cống hiến đời mình cho đất nước và đứng trên những ràng buộc cá nhân. Chuyện thật về quan hệ của ông Hồ với bà Minh Khai, dù sao cũng đã làm tỏ hiện thêm nhiều điều, ngoài (tình cảm) yếu đuối rất con người; vì chuyện nầy còn cho chúng ta biết thêm một chút nữa về những liên minh chính trị của ông Hồ.

Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941)
Source: Wikipedia
Mục đích của bài viết nầy là thảo luận về những tài liệu của QTCS, và đề nghị xem chúng có thể ăn khớp với những gì đã biết, để làm sáng tỏ các điểm còn khó hiểu trong cuộc đời của ông Hồ. Những hồ sơ nầy, ít nhất là tài liệu mà bây giờ chúng ta đang có, chỉ là một điểm khởi đầu mới trong cuộc tìm tòi về con người đứng đàng sau nhiều huyền thoại. Điều tôi sẽ viết ở phần kết luận là đề nghị một số câu hỏi mà các tài liệu nầy đã đặt ra về cuộc đời hoạt động của ông Hồ, sau khi ông rời Mạc Tư Khoa vào cuối năm 1938.
Những lá thư của ông Hồ trong thập niên 20s, từ khi rời Paris đến Mạc Tư Khoa, thường ký tên Quốc hoặc Nguyễn ái Kvak [2]. Những lá thư nầy chứng tỏ ông là người sinh động một cách rất trí thức, có lý luận, và bướng bỉnh. Ông Hồ viết cho một đồng chí không rõ tên ở QTCS vào ngày 5-2-1924, yêu cầu được phỏng vấn để thảo luận về vấn đề thuộc địa. Vào thời điểm đó, ông Hồ không làm việc ở văn phòng của QTCS vì, ông viết rằng, mũi và các ngón tay của ông đã bị tê cóng khi dự đám tang của Lê Nin vào tháng Giêng năm đó. Ngày 15-3, ông Hồ viết thư khác cho đồng chí Zinoviev, phàn nàn chuyện không nhận được phúc đáp về yêu cầu xin được phỏng vấn.
Một lá thư thứ ba gửi ngày 20-5 cho Bí thư của Phòng Đông Phương lúc bấy giờ là đồng chí Petrov, trình bày những đề nghị của ông Hồ về một Liên đoàn Cọng sản Đông Dương.  Ông Hồ viết rằng ông đã suy nghĩ về vấn đề nầy lâu lắm rồi, và thấy có nhiệm vụ chia sẻ với mọi người. Quan tâm của ông Hồ là những người đấu tranh Á châu phải thoát ra khỏi sự cô lập, vốn là nhược điểm của họ. Ông viết: thật là ích lợi biết mấy nếu một người An Nam biết được những anh em Ấn Độ đã tổ chức chống đế quốc Anh như thế nào, hay công nhân Nhật đã đoàn kết để chống lại sự bóc lột của tư bản như thế nào, hoặc người Ai Cập đã hy sinh để đòi hỏi tự do như thế nào. Ông viết tiếp: “Các dân tộc Đông Phương thường nhiều tình cảm, và một kinh nghiệm sống thì giá trị với họ hơn là một trăm bài tuyên truyền”.

Vào thời điểm nầy, hình như QTCS không coi trọng ông Hồ lắm (he does not seems to have been treated with great esteem by the Comintern). Ông lại viết cho đồng chí Petrov để giải thích vì sao ông không trả tiền phòng cho khách sạn Lux, là nơi mà những người hoạt động cho QTCS đang lưu ngụ. Trong ba tháng Mười hai, Giêng và Hai, ông chia phòng với bốn năm người. Ban ngày thì ồn ào liên tục, còn ban đêm thì bị rận cắn. Ông nói rằng “Đó là vì sao tôi đã không muốn trả 5 rubles tiền phòng, như một dấu hiệu  phản động”; Vào tháng ba, ông được chuyển qua một phòng riêng với giá mà ông vẫn cho là “kinh tởm”
Khi ông Hồ được gửi gấp về Quảng Đông để theo phái bộ cố vấn của Mikhail Borodin, hình như nhiệm vụ của ông đã chỉ được xác định một cách mơ hồ (his mission seems to have been vaguely defined). Đến Quảng Đông vào tháng 11-1924, ông Hồ lại viết thư xin làm việc cho Krestintern (Phong trào Nông dân Quốc tế) tại Mạc Tư Khoa, vì ông vốn ở trong Chủ tịch đoàn của Phong trào nầy [3]. Ông yêu cầu họ đừng cho ai biết ông đã rời Mạc Tư Khoa vì ông hiện đang là một cư dân “bất hợp pháp” tại TrungQuốc. Những kinh nghiệm của ông ở đây đã là những bài học làm cách mạng đầu tiên và có lẽ đã để lại những dấu ấn sâu sắc  trong cuộc đời hoạt động của ông sau nầy.
Cuộc liên hiệp với Quốc Dân Đảng Trung quốc (QDĐ) kéo theo cuộc đàn áp đẩm máu ở Công xã Quảng Đông vào tháng 12 -1927, đã là một biến cố đặc trưng cho những người Cọng sản Á châu và cho các nhân viên của QTCS đang cố vấn cho ông Tưởng Giới Thạch.

Sau sự phản bội rõ ràng của ông Tưởng Giới Thạch vào giữa năm 1927, Stalin đã sửa sai và thực hiện một đường lối gần giống với nhóm Trốt-Kít, vốn từng chỉ trích Stalin đã hợp tác với giai cấp tư sản Trung Quốc [4] . Trong nhận thức, đối với những lời chỉ trích khuynh tả, thật dễ dàng thấy Stalin quả thật là khùng khi đầu tư vào sự hợp tác với phe tư sản quốc gia. Những luâđiểm dùng trong lời ai điếu cuộc liên minh nầy đã cứ trở lại ám ảnh đảng CS Việt Nam và ông HCM.
Ông Hồ ít xuất hiện trong những năm đó. Sau nầy, một người đàn bà Nga sống cùng nhà đã nhớ lại rằng ông Hồ cứ đi đi về về mà không nói cho ai biết đang làm gì, rằng ông ta là “người cô độc” trong căn nhà của ông Borodin [5] .
Chúng ta biết rằng trong hai năm sống ở Quảng Đông, ông Hồ đã mở lớp huấn luyện cho các thanh niên Việt Nam xa xứ để đào tạo những cán bộ cách mạng toàn thời đầu tiên. Từ năm 1925 đến tháng 4-1927, đã có mười khóa huấn luyện để đào tạo vào khoảng 200 đến 300 cán bộ [6]. Ông Jacques Doriot, nguyên chủ tịch của Phân bộ Thuộc địa đảng Cọng sản Pháp, hình như là người đầu tiên giới thiệu tổ chức Việt Nam Thanh niên Đồng chí Hội tân lập nầy cho QTCS. Trong một lần công tác tại Trung Quốc vào năm 1927, vào ngày 4-3, ông Doriot gửi một lá thư cho hai đồng chí Petrov và Vasiliev ở Phòng Viễn Đông tại Mạc Tư Khoa. Sau một vài nhận định tổng quát về tình hình Đông Dương, ông Doriot nhắc đến nguồn gốc của tổ chức “Jeunesse Révolutionnaire” ở Đông Dương, mà thành phần nòng cốt được các đồng chí ở Quảng Đông gửi về. Ông Doriot kể ra một nhóm ở Nam kỳ, hai ở Trung kỳ, sáu ở Bắc kỳ, và bốn ở Xiêm [7].
Những biên bản của buổi họp về “Vấn đề Đông Dương” vào ngày 3-3 tại Quảng Đông trình bày một ngân sách ký tên “Lee (Nguyễn ái Kvak)”: ông Hồ đòi hỏi một số tiền 20,000 Hoa tệ để huấn luyện 100 cán bộ tuyên truyền và tổ chức, và 20,000 Mỹ kim nữa để yểm trợ cho 10 cán bộ toàn thời hoạt động một năm trong nước. Ông Doriot và một người tên “Voline” cũng chứng ký trên những biên bản nầy [8].
Nội dung huấn luyện cho cán bộ tại Quảng Đông đã trở thành một cuốn cẩm nang chính trị có tên là “Đường Kách Mệnh”. Vào thời điểm mới xuất hiện đó, cuốn sách mỏng nầy đã trở thành thánh kinh cho những người cách mạng Việt Nam. Nhưng vào những năm đầu của thập niên 30s thì một cán bộ Việt Nam được đào tạo tại MTK lại mô tả nó là sơ đẳng một cách đáng tuyệt vọng (it would be described by one Moscow-trained Vietnamese activist as hopelessly primitive). Trong một Memo dài viết tay bằng tiếng Pháp, một cán bộ nầy là ông Hà Huy Tập (còn có tên là Sinitchkin, hay là Joseph Marat), giải thích rằng cuốn cẩm nang đã định nghĩa cuộc Cách mạng Việt Nam như một cuộc cách mạng chống đế quốc, nhưng lại không xác định rõ ràng giai cấp nào lãnh đạo cuộc cách mạng đó (but failed to define which class should direct it[9] .

ờng Kách Mệnh, ấn bản 1927

Về mặt lý thuyết, ông Hồ không phi chính thống vào lúc đó, ngược lại, còn đi đúng với đường lối của QTCS, vốn chẳng thay đổi mấy kể từ Đại hội II vào năm 1920 [10] . Một lá thư của ông Doriot gửi cho Đông Dương Thanh niên Cách mạng Hội vào ngày 4-3-1927 cũng nhấn mạnh đến tinh thần liên minh, mà (tinh thần nầy) chỉ thay đổi nhanh từ cuối năm 1927 mà thôi : “quý Đảng phải luôn luôn nhớ rằng những lực lượng chủ yếu của cuộc đấu tranh tại Đông Dương là giai cấp công nhân, nông dân, và tiểu tư sản ở thành thị”. Sau đó, ông còn viết tiếp:  “nhưng đừng quên rằng dưới ách thống trị của đế quốc, ngoại trừ một thiểu số lợi dụng, chính toàn dân (công nhân, nông dân, phú thương, trí thức) đều quan tâm đến cuộc đấu tranh chống đế quốc. Đừng từ bỏ một nỗ lực nào nhằm lôi kéo và tổ chức họ từng ngày cho cuộc đấu tranh. Đừng từ chối một sự hợp tác nào. Ngược lại, hãy làm tất cả để động viên họ” [11] .
Trong thời gian ở Quảng Đông, ông Hồ đã đóng vai liên lạc giữa phong trào nông dân của Quốc Dân Đảng và Phong trào Nông dân Quốc tế (Krestintern) ở Mạc Tư Khoa. Trong lá thư đề ngày 12-11-1924, ông Hồ đã yêu cầu Krestintern gửi tất cả tài liệu mà họ có như báo chí, tuyên ngôn, v.v... Ông viết: “Tôi sẽ phụ trách việc các đồng chí ở đây phổ biến các tài liệu nầy” [12].

Vào năm 1925, ông Hồ giúp phổ biến Bản Câu Hỏi 11-điểm đến tất cả các tổ chức nông dân của tỉnh Quảng Đông. Có lẽ kết quả của Bản Câu Hỏi nầy là một báo cáo đánh máy mà Krestintern nhận được vào ngày 2 tháng 3 năm đó. Bản báo cáo liệt kê sáu nguyên nhân có tính nguyên tắc của “Thảm trạng Nông dân Trung Quốc”, gồm có tình trạng đông dân cư, tình trạng sơ khai của nền nông nghiệp, kỹ nghệ không đủ phát triển để thu nhận lượng nhân công thặng dư, sự xâm lăng của các nguồn tư bản ngoại quốc, lụt lội và các thiên tai khác, và lòng tham của giới địa chủ. Báo cáo của ông Hồ còn có thêm phần chiết tính chi-thu hàng năm của một tá điền bị lỗ 6.50 Mỹ kim.
Ông Hồ viết rằng nông dân phải được tổ chức mới thắng được các “lực lượng áp bức” nầy với sự động viên của công nhân kỹ nghệ và chính quyền vùng Nam Trung Quốc. Quy chế của những Hội Nông dân nầy loại trừ những địa chủ có trên 100 mẫu đất, những kẻ phạm tội bóc lột nông dân, các lãnh tụ tôn giáo, những kẻ có quan hệ với đế quốc, những người nghiện thuốc phiện và mê cờ bạc. Để chống lại những tổ chức “phát xít” của giới địa chủ, nông dân phải tổ chức các toán võ trang của họ. Ông Hồ cũng nói rằng sinh viên và nghiệp đoàn phải giúp đỡ nông dân.

Kinh nghiệm sớm sủa nầy hình như đã cung cấp một mô thức Liên hiệp cho ông Hồ vào thập niên 40s, khi ông khuôn nắn Việt Minh thành một phong trào quần chúng. Cho đến hết cuộc đời hoạt động, ông Hồ là người đi vận động những thỏa hiệp chính trị và đi xây dựng các liên minh, hơn là một người đi cổ súy cho ý thức hệ (he remained a practitioner of political compromise and coalition building, rather than a proponent of ideology). Hình như ông Hồ chưa bao giờ phủ nhận loại mặt trận tả khuynh rộng rãi đã đưa những người Trung Hoa quốc gia đến thành công đầu tiên trong hai năm 1925 và 1926. Cụ thể, ông Hồ và các đảng viên của đảng CS Việt Nam đã tiếp tục sử dụng vùng đất phía Nam Trung Quốc như một nơi trú ẩn, đã duy trì quan hệ với những nhân vật đở đầu cho họ, vốn thuộc cánh tả của Quốc Dân Đảng, suốt thập niên 30s và những năm đầu thập niên 40s [13] . Điều nầy làm cho ông Hồ bị xem như một nhà cải cách tiểu tư sản dân tộc dưới mắt những người Cọng sản vô sản (This would mark him as a petty-bourgeois national reformer in the eyes of the proletarian communists), vốn sẽ đóng vai chủ động sau Đại Hội VI của QTCS vào năm 1928.
Hoạt động của những cố vấn Cọng sản nước ngoài cho Liên minh với Quốc Dân Đảng đã không khởi sắc sau đó. Từ khi được ông Tưởng Giới Thạch cho trở về Mạc Tư Khoa, ông Borodin trở thành một chức sắc trong giới báo chí, và cuối cùng đã biến mất trong một nhà tù của Stalin. Jacques Doriot  thì bị đuổi ra khỏi đảng CS Pháp vào năm 1934, và sau đó trở thành một kẻ ủng hộ cho đảng Quốc xã Đức. Còn ông Hồ, theo tài liệu của đảng CS Việt Nam, thì rời Trung Quốc trước cả Borodin, và hình như gặp một vài khó khăn trong việc được bổ nhiệm công tác mới. Ông bị bỏ rơi lang thang tại Berlin trước khi được trở lại Á châu. Theo một nguồn tài liệu [14] , sở dĩ ông bị như vậy vì đã chỉ trích quyết định của QTCS (because he criticized the Comintern decision) phát động cuộc nổi dậy tại Quảng Đông.

Hồ sơ của Krestintern ghi rõ ông Hồ ở Berlin vào tháng 12-1927, đợi trở về Việt Nam trong vòng hai hay ba tuần. Đầu tháng 12, ông Hồ tham dự hội nghị của Liên đoàn chống Đế quốc tại Brussels, cùng với ông Nerhu, bà Tôn Dật Tiên, bà Tống Chung Linh. Dù hình như Krestintern ít khi trả lời, ông Hồ cũng đã viết thư yêu cầu Phong trào nầy cung cấp 500 Mỹ kim lộ phí tại vì ông đã hết tiền. Ông thêm rằng “ Dù có tiền hay không, hãy gửi cho tôi một kế hoạch tổ chức để tôi có thể hoạt động một cách hữu ích” [15]. Theo niên biểu mà Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lê và Tư Tưởng Hồ Chí Minh (Hà Nội) phổ biến, thì Phó Bí thư Dombal của Krestintern đã từ chối cả tiền lẫn kế hoạch tổ chức trong một lá thư viết vào tháng Giêng năm 1928. Điều nầy không có gì đáng ngạc nhiên vì Stalin đang trong tiến trình chấp thuận một cách tiếp cận mới với vấn đề Nông dân, và Phân bộ Á châu của Krestintern thì đang chìm dần trong sự bất động. Rất khó mà nói rằng liệu có phải ông Hồ đã ngây thơ không biết những chuyển đổi tại Mạc Tư Khoa, hay tại vì ông quá muốn rời Berlin nên gì cũng làm miễn là có lộ phí di chuyển.
Lợi dụng thời gian chờ đợi ở Berlin, ông Hồ viết hồi ký về Phong trào Nông dân tại Quảng Đông. Ông viết cho Krestintern rằng người anh hùng của ông là đồng chí Ping Pai, một cựu Uviên Nông nghiệp của Công xã Quảng Đông. Ông Hồ cho biết rằng tập bản thảo dày 120 trang nầy hoàn toàn không đề cập đến chính trị hay những con số thống kê, mà chỉ minh họa đời sống thường nhật. Krestintern trả lời rằng họ không có thời giờ để tái biên tập một bản thảo như vậy, và đề nghị ông cứ gửi về cho họ định giá. Hình như hồi ký nầy, sau đó, không bao giờ được xuất bản.

Bản niên biểu mới được cập nhật của Hà Nội gồm một lá thư đề ngày 12-4-1928 của ông Hồ gửi cho Phòng Đông Phương của QTCS khi ông còn ở Berlin. Rõ ràng ông Hồ đã hết kiên nhẫn (He was clearly getting impatient) khi ông viết “Tôi không thể hoạt động tại Pháp, còn ở Đức thì vô ích, trong lúc Đông Dương lại đang cần tôi. Chính vì vậy mà trước đây tôi đã yêu cầu để được trở lại đó”. Ông Hồ còn nói rằng ngay cả không có tiền ông cũng tìm cách để trở về “tại vì từ một năm nay, tôi cứ lang thang từ nước nầy sang nước khác, trong khi ở Đông Dương thì có khối việc cần làm” [16]. Cuối cùng, theo bản niên biểu trên, ông Hồ được Ban Chấp hành QTCS chính thức chấp thuận cho trở về Đông Dương “theo nguyện vọng của ông” [17] . Đảng CS Pháp sẽ trả lộ phí cho chuyến đi và một khoản lương cho ba tháng công tác đầu tiên.
Lúc ông Hồ quay về Đông Nam Á vào năm 1928, ông lại bắt đầu đi vào chu kỳ lang thang mới một cách bí mật. Trước khi ông Hồ trở lại Mạc Tư Khoa lần nữa vào năm 1934, ông tìm cách hoàn tất công tác mà ông đã bắt đầu tại Quảng Đông, bằng cách thành lập một đảng Cọng sản hoàn bị cho Việt Nam. Có lẽ ông đã cưới người đồng chí trẻ tuổi Nguyễn thị Minh Khai vào thời gian nầy (Tôi sẽ đề cập đến mối quan hệ nầy ở dưới). Nhưng vào năm 1931, là năm chấm dứt một giai đoạn hưng phấn của cánh Tả khuynh tại Việt Nam, ông Hồ không còn gặp may nữa.

Thái Lan trở thành một căn cứ địa cho phong trào cọng sản còn non yếu của Việt Nam, và ông Hồ đã xuất hiện tại đấy vào tháng Tám năm 1928, có lẽ sau một chuyến hải hành dài. Ông không có vẽ nôn nóng muốn đi tham dự Đại hội Quốc tế Cọng sản lần thứ VI (He does not seems to have been urged to attend the Sixth Comintern Congress) sẽ chấm dứt vào tháng Chín, khi có lệnh buộc “tình huynh đệ cọng sản quốc tế” phải cắt đứt liên lạc với các đảng Dân chủ Xã hội và Tư sản Xã hội, và phải tự “vô sản hóa” bằng cách kết nạp thêm nhiều đảng viên mới thuộc giai cấp công nhân (Có lẽ phái đoàn Việt Nam được đại diện bởi Trần Phú, Lê Hồng Phong và Phùng Chí Kiên, vốn đang theo học tại Mạc Tư Khoa lúc bấy giờ).
Nguồn tài liệu tốt nhất mà chúng ta có về khoảng thời gian ông Hồ ở Thái Lan thì vụn vặt, nhưng nó cũng đủ khả tín để ta có thể lấp đầy những khoảng trống từ lúc ông rời Berlin đến lúc ông xuất hiện ở Hồng Kông vào cuối năm 1929. Nguồn tài liệu đó là Hồi ký của người bỏ đảng Hoàng văn Hoan, được xuất bản tại Bắc Kinh vào năm 1991 [18] . Sau khi tốt nghiệp khóa huấn luyện của nhóm Thanh Niên ở Quảng Đông, ông Hoan được gửi đến Đông-Bắc Thái Lan để công tác với cộng đồng người Việt sống tại đấy. Họ chủ yếu là những người làm tiểu công nghiệp, buôn bán và nhà nông đến từ miền Trung Việt Nam. Vùng đất tù hãm nầy vốn đã là một nơi chốn an toàn cho những người Việt nam chống Thực dân. Một vài dư đảng Cần Vương của nhà cách mạng Nghệ An tên là Phan Đình Phùng vẫn còn sống tại Nakhon Phanom và Phichit trong thập niên 20s.

Những cán bộ tổ chức của nhóm Thanh Niên bắt đầu bằng một ngôi trường nhỏ trong một làng ở ngoại ô tỉnh Udon, để huấn luyện các người hoạt động cách mạng. Hầu hết những người theo học đều ở miền Trung đến, nhưng cũng có vài người được tuyển chọn ngay tại địa phương. Mười tám học viên và các huấn luyện viên sống và làm việc chung trong hai căn nhà tranh đơn giản, nuôi gà và heo, và đổi khoai lấy gạo trong phiên chợ làng. Ông Hoan viết rằng ông Hồ thường tham dự vào đời sống của trường, và sau đó đã giúp xây dựng thêm ngôi trường thứ nhì. Ông Hồ cũng để thì giờ để dịch những tác phẩm căn bản của lý thuyết Cọng sản như Tuyên Ngôn Cọng sản, và Chủ nghĩa Cọng sản Nhập môn của Bukharin và Preobrazhensky. Ông Hồ thảo luận những vấn đề chính trị và địa phương với thành viên của Hội những người Việt Nam Yêu nước Thân Ái, và giúp họ cho ra đời một tạp chí. Theo mô tả của ông Hoan, những di dân đó đã đối xử với ông Hồ như một vị Tiên Chỉ hay như một vị sư Phật giáo : họ thường đến gặp ông để vấn kế về những vấn đề khó khăn trong gia đình.      
Hình ảnh nầy của ông Hồ Chí Minh, hình ảnh của một nhà giáo sống đơn giản giữa những người dân quê, và rất quyến rũ đối với chúng ta, lại có vẽ không đồng điệu với những đặc trưng cọng sản lúc bấy giờ (was apparently out of sync with the communist ethos at the time). Trong lúc ông Hồ đang truyền bá giáo lý giải phóng dân tộc, thì những cán bộ mà ông huấn luyện tại Quảng Đông lại kéo nhau về Việt Nam để tìm đồng minh giữa tập thể vô sản non trẻ của nền thuộc địa. Vào những năm 1928 và 1929, họ tìm được mảnh đất màu mỡ cho thông điệp của họ giữa những công nhân hầm mỏ ở miền Bắc, các nhà máy tại Vinh ở miền Trung, và tại các đồn điền cao su ở miền Nam. Những cán bộ tổ chức trẻ tuổi nầy cũng tự mình vô sản hóa : Ngô Gia Tự đi Sài Gòn làm cu-li để đốc thúc đồng chí đi tổ chức trong các hãng cao su [19] . Trường Chinh tổ chức tại các mõ than. Hà Huy Tập thiết lập tổ Cọng sản trong một đồn điền mía gần Sài Gòn [20] .

Tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc của nhóm Thanh Niên tại Hồng Kông vào tháng 5 năm 1929, thành phần đại biểu cực tả, mà Ngô Gia Tự là một, ly khai khỏi các đồng chí của họ để thành lập một đảng Cọng sản hoàn toàn, hầu “dẫn đường giai cấp vô sản” và để “tiêu diệt giai cấp đặc quyền đặc lợi cũng như những kẻ cổ súy các cuộc cách mạng giả hiệu” [21] .Ban lãnh đạo chi bộ Hồng Kông của nhóm Thanh Niên, vốn vừa quan hệ mật thiết vừa do ông Hồ tuyển chọn, cho rằng lực lượng vô sản tại Đông Dương hãy còn quá yếu và chưa biết gì về chủ thuyết Cọng sản để hình thành một đảng Bôn-sê-vít chân chính.  Một cán bộ nòng cốt khác tại hội nghị là ông Phạm văn Đồng, đại biểu cho miền Nam Việt Nam, bỏ phiếu thuận với khuynh hướng của ban lãnh đạo Hồng Kông, và trở thành một trong những đồng minh gần gủi nhất với ông Hồ cho đến khi người đở đầu nầy chết.
Vào cuối năm 1929, ông Hồ dời về Hồng Kông và trở thành đại diện cho Phòng Phương Nam của QTCS [22] . Vào khoảng thời gian nầy, QTCS có vẽ như đang bành trướng những công tác nội thành bí mật tại Thượng Hải, để từ đó phối hợp các công tác ở Viễn Đông. Sở trường về ngôn ngữ của ông Hồ đã biến ông thành một sợi giây liên lạc hữu ích giữa người Aⵠvà người Á. Ông có thể giao thiệp dễ dàng bằng tiếng Pháp (dù khi viết, nhiều khi ông không chia động từ), bằng tiếng Anh bập bẹ nhưng hiểu được, bằng tiếng Nga tàm tạm, và bằng tiếng Quan Hỏa hay tiếng Quảng Đông. Địa vị nầy đã làm cho ông có nhiệm vụ liên lạc với các chi bộ đảng ở Mã Lai và Singapore, cũng như ở Thái Lan và Việt Nam. (Vì chính quyền Pháp đã kêu án tử hình ông năm 1929 nên ông không thể liều về Việt Nam được).
Hồ sơ của QTCS  lại bắt được dấu vết của ông Hồ một lần nữa tại Hồng Kông, với rất nhiều gián đoạn bực mình giữa những lá thư. Tôi không tìm được tài liệu gì cho biết bằng cách nào ông Hồ đã mời được các đảng viên của những đảng Cọng sản đối nghịch, được thành lập từ sau đổ vỡ của Đại hội Toàn quốc năm 1929, lại về gặp nhau ở Hồng Kông; hoặc bằng cách nào ông Hồ đã thống nhất được họ trong một đảng CSVN với một chương trình hành động vừa ngắn vừa có tính thỏa hiệp. Theo giải thích chính thức về lịch sử Đảng thì ông Hồ đã hoàn thành công tác nầy trong một bầu không khí dịu ngọt và hòa hợp [23] . Nhưng không khí hòa hợp đó, nếu thật có, cũng không kéo dài được lâu.

Chúng ta biết rằng chương trình hành động đó đã bị ông Trần Phú, tân Tổng Bí thư Đảng, và vừa mới ở Mạc Tư Khoa đến, thay đổi nhiều trong phiên họp khoáng đại toàn đảng vào tháng Mười. Tuy nhiên, một lá thư do Phòng Viễn Đông tại Mạc Tư Khoa ký ngày 13 tháng 11 năm 1930 đã cung cấp cho ta những chỉ trích đầu tiên của Mạc Tư Khoa đến các đảng CS địa phương. (Không rõ lá thư nầy là để trả lời cho phúc trình về phiên họp khoáng đại nói trên, hay cho một bản báo cáo riêng của ông Hồ. Có lẽ cho bản báo cáo riêng thì đúng hơn vì trong một lá thư sau đó của ông Trần Phú, ông nầy đã phàn nàn).
Lá thư của Mạc Tư Khoa bắt đầu như sau: “Các đồng chí thân mến. Trước hết, chúng tôi đề nghị rằng tài liệu của phiên họp khoáng đại vừa qua không nên gọi là “chương trình hành động của đảng”, mà trong hiện tại, nên phổ biến như Dự thảo Nghị quyết của phiên họp, để đảng viên thảo luận hầu chuẩn bị cho một Đại hội Đảng sắp tới. Chúng tôi cho rằng thời gian chưa thật sự chín mùi cho đảng CS Đông Dương thông qua một chương trình có tính toàn đảng ... ngay cả các đảng lâu đời và kinh nghiệm hơn trong QTCS cũng chưa có một chương trình toàn đảng”.
Lá thư viết tiếp: “Mục đích của cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn nầy là phá hủy sự thống trị của chế độ đế quốc và phong kiến, và thiết lập những chính quyền sô-viết của công nhân và nông dân. Quyền lực mới của chính quyền sô-viết nầy chính là quyền lực và công cụ duy nhất để hoàn thành cuộc đấu tranh chống đế quốc và giải phóng dân tộc cho toàn cỏi Đông Dương ...”
Ghi chú : Theo ý chúng tôi, điểm yếu nhất trong tài liệu của các đồng chí là vấn đề chính quyền sô-viết của công nhân và nông dân, vốn là khẩu hiệu chính yếu về chính trị và khích động cũng như về tổ chức, trong thời điểm nầy, thì lại bị bỏ quên hoàn toàn (Chúng tôi được thông báo rằng có một hai địa phương, nông dân đã tự động nỗi dậy thành lập chính quyền sô-viết)” [24]
Lá thư nầy quạt bùng thêm ngọn lữa của phong trào Sô-viết Nghệ-Tĩnh, vốn đã bắt đầu từ mùa Hè năm 1930. (Cho đến mùa Xuân năm 1931 thì phong trào càng trở nên bạo động và đứng bên bờ của một cuộc chiến tranh giai cấp). Hình như ông Hồ đã không  đóng vai trò quan trọng trong những biến chuyển tại Hồng Kông, mà chính vị Bí thư cực tả của Đảng bộ miền Trung là Nguyễn Phong Sắc, mới có những ảnh hưởng mạnh nhất trên những biến cố. Một lá thư của Trung ương Đảng tại Sài Gòn, đề ngày 17-4-1931, đã thật sự chứng tỏ rằng phong trào Nghệ-Tĩnh được phát động trong sự bất đồng liên tục giữa nội bộ đảng. Lá thư nầy có lẽ do ông Trần Phú viết, vì ông ta là Uviên Trung ương duy nhất còn tại đào như sau nầy ông Hồ đã báo cáo lại [25]

Ông Trần Phú đã công kích triệt để chương trình hành dộng của ông Hồ. Ông Phú chỉ trích ông Hồ đã cho tổ chức phiên họp thống nhất vào năm 1930 trước khi nhận được những chỉ thị chính thức của QTCS. Ông Phú cũng phàn nàn rằng chương trình do ông Hồ chỉ đạo đó đi ngược lại với đường lối Cọng sản (the programme adopted under Hồ’s guidance contradicted the communist line). Chương trình nầy kêu gọi sự hợp tác của thành phần tư sản dân tộc, không xác định được một chánh sách về giai cấp cho thành phần lãnh đạo nghiệp đoàn, và cổ vỏ sự thành lập các nghiệp đoàn nông dân vốn chỉ là các hội cách mạng trong làng mà thôi.
Lá thư viết rằng “Kết quả của hội nghị thống nhất nầy giống như thời kỳ hợp tác giữa Quốc Dân Đảng và đảng CS Trung Quốc, chỉ chủ yếu phản ánh một chính sách hữu khuynh trong đảng CS Trung Quốc từ năm 1925 đến 1927”. Và tiếp tục rằng “Chúng tôi lưu ý các đồng chí đến tình huống nầy, không phải với mục đích chỉ trích đồng chí Quốc, mà chỉ để nhắc nhở các đồng chí về việc đảng CS Đông Dương thống nhất đã ra đời như thế nào, và chỉ để chứng tỏ nó đã sai lầm cho đảng của chúng tôi ngay cả cho đến nay”, Ông Trần Phú chấm dứt lá thư bằng cách yêu cầu QTCS hãy đuổi ông Hồ ra khỏi các khâu thông tin vì ông ta có thói quen chỉ truyền đi ý kiến riêng của ông ta thay vì chỉ thị của Mạc Tư Khoa (to cut Hồ out of the communications loop, because he had a habit of transmitting his own opinions instead of Moscow’s instructions[26]

Ông Hồ Chí Minh có vẽ đã nghĩ rằng ông có quyền bày tỏ ý kiến riêng của ông. Hầu như chắc chắn là ông đã viết một lá thư khuyến dụ không ký tên, đề ngày 12-5-1931, cho các đồng chí tại Việt Nam. Lá thư viết bằng tiếng Anh, có lẽ để đánh lạc hướng các theo dỏi. Cách đánh máy, lối bố cục và loại tiếng Anh lệch lạc tuôn tràn như thế, rất giống với một lá thư khác ký tên “Victor” do ông Hồ viết gửi cho QTCS cũng vào gần khoảng thời gian đó.
“Hởi các đồng chí ở Đông Dương, các đồng chí có thi hành đường lối (Cọng sản) đầy đủ không ? Chúng ta phải công nhận là không đầy đủ. Dù trong những lá thư trước đây, các đồng chí có viết là hoàn toàn đồng ý với hai văn kiện mới đây của QTCS, chúng ta cần khẳng định rằng trên thực tế, các đồng chí đã đi lệch ra khỏi đường lối. Trong một lá thư, các đồng chí cho chúng tôi biết rằng đã đòi hỏi công an phải thả các đồng chí bị bắt, nếu không, sẽ dùng võ lực để giải cứu. Trong một trường hợp khác, một đồng chí sắp bị bắt đã bắn vào công an. Chúng tôi nghỉ rằng những điều trên không dính líu gì đến chủ nghĩa CS, chỉ có hại mà thôi, và không giúp gì cả cho phong trào của chúng ta. Những hành động như thế mà không có một hỗ trợ của quần chúng, sẽ không bao giờ mang lại cho chúng ta ...(không rõ)..., ngược lại, chỉ gây tổn hại dù tất cả tính anh hùng chủ quan của nó” [27]

Ông Hồ cũng biểu lộ tính độc lập cố hữu đến như ương ngạnh (his  old stubborn independence) trong lá thư đề ngày 28-8-1931, gửi cho Mạc Tư Khoa, để chỉ trích chính sách vô sản của QTCS. Than phiền về tiêu chuẩn chọn sinh viên đi huấn luyện tại Mạc Tư Khoa, ông viết (bằng tiếng Pháp) : “Trình độ của học viên Đông Dương thì mù chử. Đó cũng là tình trạng của những đảng viên gốc công nhân và nông dân. Điều đó có nghĩa là dù can đảm và sẳn sàng hy sinh, trình độ tư tưởng và chính trị của họ vẫn rất thấp ... kết quả của tình trạng thiếu học vấn nầy là trong công việc hàng ngày , những đồng chí công nhân và nông dân nầy vẫn phải lệ thuộc hoàn toàn vào các đồng chí trí thức” [28]
Sự gia tăng bất đồng giữa ông Hồ và Trung ương Đảng bị hoãn lại vì những cuộc bắt bớ vào năm 1931. Mùa thu năm đó, ông Trần Phú chết trong nhà lao, toàn bộ cấp lãnh đạo của đảng bị tống giam tại Việt Nam, và nhiều cán bộ đầy triển vọng cũng như chính ông Hồ đều bị bắt tại Trung Quốc.
Ông Hồ bị bắt khi một nhân viên người Pháp của QTCS là Joseph Ducroux bị câu lưu tại Singapore với một cuốn sổ địa chỉ, sau khi nhân viên nầy đã xuôi ngược khá nhiều tại Đông Dương để tìm cách giải quyết cuộc tranh chấp nội bộ đảng. Sở Cảnh sát Anh quy cho Ducroux đã vi phạm “thủ tục lộ liễu trong khi gặp các đảng viên đia phương, và gửi và nhận tin mật mã từ các địa chỉ ở Thượng hải, Brussels và Paris ...” nên bị chú ý theo dỏi [29]

Nhưng cuộc tổng càn quét tổ chức đảng tại Việt nam lại xảy ra trước khi Ducroux bị câu lưu, nên tài liệu huyễn hóa của đảng thì cho là có mật báo viên trà trộn trong hàng ngũ những người cách mạng Việt nam. Daniel Hemery phát hiện được ông Ngô Đức Trì, một ủy viên trung ương đảng bị bắt năm 1931, là người đã khai báo trong một lần bị lấy khẩu cung [30] . Trớ trêu thay, trong lá thư đề ngày 28 tháng 4 nói trên, ông Hồ lại mô tả ông Ngô Đức Trì, bí danh Leman hay Lemine, như “một trong những bí thư có khả năng nhất của Trung ương đảng”. Đó là một giai đoạn thật sự chao đảo của QTCS : Cuốn sổ địa chỉ của Ducroux đã giúp Cảnh sát Anh bắt cán bộ cao nhất của QTCS tại Thượng Hải là Paul Ruegg, bí danh Hilaire Noulens. Lẽ dĩ nhiên, QTCS rất muốn tìm ra thủ phạm của vụ nầy.

Ông Hồ trốn được, hay được thả, nhờ sự giúp đở của một luật sư người Anh khuynh tả. Rồi ông đi Mạc Tư Khoa trong năm 1934. Nhưng ông không trở lại Mạc Tư Khoa như một vị anh hùng. Đầu năm 1935, không những ông bị chỉ trích vì thái độ tiểu tư sản, mà còn vì như một cán bộ cách mạng cẩu thả, đã làm việc với một tên phản bội mà ai cũng biết tại Quảng Đông và Hồng Kông. Tên phản bội đó là Lâm Đức Thụ (Nguyễn Công Viên), vốn đã một thời là lãnh tụ của tổ chức Thanh Niên và đã bị nghi ngờ trao hình ảnh của các đoàn viên Thanh Niên cho mật thám Pháp. (hình như ông Thụ đã không bị nghi ngờ gì cả trong tháng 5-1929, khi ông chủ tọa Đại hội đầu tiên của nhóm Thanh Niên).
Lời kết tội ông Hồ nổi lên trong một lá thư đề ngày 20-4-1935 của ông Hà Huy Tập, vị bí thư mới của “Phòng Hải ngoại” Đông Dương (với nét chử nhỏ nhắn của một ông thầy giáo, ông được biết có tính chi ly nhưng bợ đỡ. Ông Tập chỉ trình bày những gì người khác đã nói). Ông ta viết : “Trước và sau đại hội, vài đồng chí đã nhắc đến đồng chí Quốc trong các buổi nói chuyện. Họ đòi ông phải chịu trách nhiệm về vụ bắt giử hơn 100 đồng chí của Thanh Niên Hội ... tại vì a) ông Quốc biết Lâm Đức Thụ là một kẻ khích động mà vẫn tiếp tục làm việc với hắn, b) ông Quốc đã sai lầm khi bắt mỗi học viên phải nộp hai tấm hình, khai tên và địa chỉ thật, tên cha mẹ, ông bà và cố tổ, cũng như địa chỉ của từ hai đến mười người bạn, c) trong nước, bên Xiêm, và trong nhà tù, các học viên tiếp tục nói về trách nhiệm của ông Quốc, trách nhiệm mà không bao giờ ông có thể chối bỏ được ...”
Nhưng có lẽ lời cáo buộc ông Hồ nặng nề nhất là lời cáo buộc cuối cùng trong lá thư của Hà Huy Tập. Ông Tập viết rằng : “vì chính sách của đảng càng ngày càng được đảng viên và nhân dân thấy rõ, nên nhiều người lại càng chỉ trích nặng nề chính sách trước kia của đồng chí Quốc. Chính Tổng Bí thư Đảng CS Xiêm, một đồng chí trước kia là học trò kiên cường của ông Quốc, là một trong những người đã nói rằng trước năm 1930, ông Quốc không phải là một người Cọng sản !!” (that before 1930, Quốc was not a communist[31]  

Văn kiện duy nhất của QTCS xác nhận ông Hồ đang khốn đốn là một lá thư không đề ngày của một người đàn bà phụ trách về Việt Nam sự vụ vào lúc đó tên Vera Vasilieva, gửi cho Văn phòng Hải ngoại. Bà Vasilieva viết rằng : “Về phần ông Quốc, chúng tôi nghĩ rằng trong hai năm sắp tới, ông phải học tập rốt ráo, và không thể làm được việc gì cả. Sau khi học tập tốt, chúng ta sẽ có những kế hoạch đặc biệt để dùng ông ta”.[32]
Có lẽ vụ ông Hồ được ra khỏi tù ở Hồng Kông một cách dễ dàng, đã làm tăng sự nghi ngờ về ông vào giai đoạn mà MTK đang đặc biệt sợ hải một cách hão huyền. Một mật báo viên người Nga đã nói với tôi rằng theo ông thì ông Hồ đã bị ra tòa sau khi về lại Mạc Tư Khoa (Hồ was put on trial after his return to Moscow). Không có một tài liệu (có thể đang bị chôn vùi trong hồ sơ của KGB)  nào chứng tỏ có một phiên tòa cả, nhưng điều nầy thì không có gì là bất thường trong những năm 1934-35. Tài liệu ghi lại sự thiết lập một bộ ba chủ tọa làm cho câu chuyện trở nên đáng tin : Đảng viên Trung Quốc Kang Sheng, người trở thành kẻ thừa hành của Mao vài lần trong cuộc đời hoạt động của y; Dmitri Manuilsky (Orgvald), một nhân viên người Nga tầm thường sống sót được sau cuộc thanh trừng của Stalin; và bà Vera Vasilieva, một công chức ngây thơ của QTCS, thường bảo vệ cho bạn bè khi họ bị tấn công về mặt chính trị.[33]
Câu chuyện kể rằng Kang Sheng muốn phạt thật nặng, Manuilsky thì dung hòa, còn bà Vasilieva cho rằng hành động của ông Hồ chỉ là sơ suất vì còn thiếu kinh nghiệm. Nhiều người Trung Quốc ở Mạc Tư Khoa tin rằng Kang Sheng làm việc cho NKVD. Trong những năm sống tại thủ đô của Chủ nghĩa Xã hội, Kang Sheng đã tự mình thanh trừng nhiều “phần tử có lập trường sai trái” của đảng CS Trung Quốc tại đấy (Điều nầy có liên hệ đến việc ông Hồ đã từng là đảng viên đảng CS Trung Quốc trong chuyến đầu tiên ông đến công tác ở Quảng Đông).[34]

Một bằng chứng khác để làm cho sự kiện đó đáng tin hơn là trong những năm 1934-35, đảng CS Trung Quốc đã đóng một vai trò áp đảo hơn khi cố vấn cho phía Việt Nam. Trung ương Đảng CSTQ (mà đại diện tại Mạc Tư Khoa là Wang Ming và Kang Sheng), đã viết một lá thư chỉ trích phía Việt Nam và được QTCS phổ biến vào tháng 4-1934. Tài liệu nầy tấn công gay gắt những kẻ cải cách dân tộc “dù chúng có nấp đàng sau những khẩu hiệu tả khuynh” [35] . Bà Vasilieva đã viết thư vào tháng 3-1935 cho phía Việt Nam biết rằng lá thư nầy trình bày “những công tác cơ bản mà các đồng chí phải đặc biệt chú tâm hiện nay” [36] . 
Ông HCM từ đó trở thành một học viên thầm lặng tại Học viện Lenin dành cho cấp lãnh đạo CS, và chỉ được biết đến dưới bí danh “Lin” hay “Linov”. Sau đó ông được cử làm giảng viên tại Đại học Thợ Thuyền Đông phương. Mặc dù tại Đại hội 1935, QTCS rời bỏ chính sách “proletkult” (văn hóa vô sản) của đại hội 1928, và chấp nhận một chính sách mới cổ súy cho những mặt trận dân tộc giữa các đảng CS và những lực lượng khuynh tả khác, hình như ông Hồ cũng không lấy lại được tầm vóc cũ trong đảng vào nhiều năm sau đó. Lá thư của ông gửi cho QTCS  ngày 6-6-1938 đã làm rõ điều nầy:
“Đồng chí thân mến. Hôm nay là ngày kỷ niệm năm thứ bảy, ngày tôi bị bắt ở Hồng Kông. Đây cũng là ngày bắt đầu năm thứ tám của sự tê liệt hoạt dộng của tôi. Nhân dịp nầy, tôi viết thư nầy để yêu cầu đồng chí thay đổi tình trạng đau đớn nầy”.

“Gửi tôi đi đâu, hay giữ tôi ở đây cũng được. Muốn tôi làm gì mà đồng chí nghĩ là hữu ích thì được. Điều tôi yêu cầu là đừng để tôi sống mà không hoạt động quá lâu, và sống cách biệt ngoài đảng” [37] . 
Vấn đề cuộc sống tình cảm cá nhân của ông HCM thì lại gắn liền với những bí ẩn chính trị của những năm của thập niên 30s. Bằng chứng về chuyện ông Hồ cưới bà Nguyễn thị Minh Khai thì hình như đã rõ, nhưng lại không giải thích được nhiều khía cạnh khác của mối quan hệ nầy. Theo tiểu sử chính thức của bà Minh Khai thì bà nguyên là một đảng viên của đảng Tân Việt ở miền Trung Việt Nam, và được mời gia nhập đảng CSVN thống nhất ngay sau khi đảng nầy thành lập [38] . Bà vốn đã là một đảng viên kỳ cựu và sống sót sau trận càn quét hầu hết cấp lãnh đạo của đảng Tân Việt vào năm 1929. Vào năm 1930, bà được cử đi công tác tại cảng Hải Phòng và sau đó được gửi đi Hồng Kông để phụ tá cho ông Hồ.  
Một tiểu sử bán hư cấu xuất bản tại Hà Nội lại nhấn mạnh đến sự kiện bà đã được ông Hồ tự tay huấn luyện về chủ nghĩa CS trong khi bà đang sống tại bộ chỉ huy của đảng [39] . Đồng chí Lý Thụy, mà các đồng chí Việt Nam khác lúc bấy giờ đều biết, thường đến văn phòng bộ chỉ huy lúc sáu giờ sáng. Lúc nào không bận lắm, ông Hồ thường để ra một tiếng đồng hồ để thảo luận chính trị với hai nữ học viên trẻ tuổi, bà Minh Khai và một phụ nữ trẻ từ Thái Lan đến.
Trước cuối năm, ông Hồ giao nhiệm vụ cho bà Minh Khai làm liên lạc giữa ông và đảng CS Trung Quốc. Loại công tác nầy hiển nhiên là rất bí mật, và ta có thể phỏng đoán rằng ông Hồ đã chỉ chọn những đồng chí trẻ tuổi nhưng trung thành riêng với ông. Liền sau đó, hình như ông Hồ bắt đầu có những tình cảm lãng mạng. Một lá thư đề tháng Giêng năm 1931 của Phòng Viễn Đông ở Mạc Tư Khoa yêu cầu ông Hồ báo trước hai tháng ngày làm đám cưới [40] . Nếu quả thật bà Minh Khai là người vợ sắp cưới của ông Hồ, như tôi sẽ chứng minh trong tài liệu trích dẫn dưới đây, thì không rõ họ có kịp chính thức hóa mối quan hệ trước lúc bà Minh Khai bị bắt vào ngày 29 tháng Tư năm đó không.
Cả hai đều bị tù vào khoảng một năm. Bà Minh Khai vờ khai là một cán bộ (người) Quảng Đông để tránh khỏi bị trục xuất về lại Đông Dương; còn ông Hồ thì nhờ sự giúp đỡ của một luật sư giỏi mà ông quen biết qua những liên hệ với QTCS, nên cũng không bị trục xuất [41] . Sau đó, cả hai đều mất liên lạc với đảng CS Đông Dương và đảng CS Trung Quốc. Họ có gặp lại nhau trước khi riêng rẽ đi Mạc Tư Khoa không ? Điều nầy có xác nhận tin đồn về chuyện ông Hồ sống với một người đàn bà Trung Quốc trong những năm tháng bôn ba không ?
Dầu sao, sau khi nhờ một số cựu đồng chí Thái giúp bắt liên lạc lại được với đảng, bà Minh Khai cũng đã đến được Mạc Tư Khoa vào cuối năm 1934 với tên của chồng là “Lin”. Khi điền đơn, ở mục tình trạng gia cảnh, bà đã viết tên “Lin” gần với chử “có chồng” [42] . Một lá thư của Phòng Hải ngoại tại Hồng Kông cũng xác nhận tình trạng gia cảnh nầy. Lá thư xác nhận rằng đại biểu được chọn để tham dự Hội nghị Khoáng đại QTCS lần thứ VII gồm có : Litvinov (Lê Hồng Phong), Quốc, Kao-Bằng, vợ Quốc, và hai cán bộ từ Nam kỳ và Lào [43] .  Vì bà Minh Khai là đại biểu phái nữ duy nhất của Việt Nam tham dự đại hội, hẵn bà là người được nói đến như “vợ Quốc”. (Một lá thư viết vào tháng Ba năm 1931 trong hồ sơ nói trên cũng liệt kê Litvinov là đảng viên cao cấp nhất của Ủyban Trung ương Đảng, còn ông Nguyễn ái Quốc thì thứ Mười ba, như một ủy viên dự khuyết).

Những người viết tiểu sử chính thức của bà Minh Khai viết rằng trước khi, hay trên đường, đi dự hội nghị QTCS, bà Minh Khai và ông Lê Hồng Phong đã bắt đầu yêu nhau. (Có nhiều bản khác nhau về thật sự họ đã cưới nhau ở đâu, Hồng Kông hay Mạc Tư Khoa). Như vậy, có phải ông Hồ đã vừa bị mất vợ vừa mất địa vị lãnh đạo đảng vào tay ông Lê Hồng Phong không ? Nếu như vậy thì sự thất sủng chính trị nầy của ông quả thật bội phần nhục nhã.
Chỉ có một vài chứng liệu nhỏ giúp chúng ta ở đây. Trước hết, trong hồ sơ cá nhân của bà Minh Khai tại Mạc Tư Khoa, có một mẩu phiếu đi dự Hội nghị QTCS mà chử “được quyền bầu cử” bị xóa đi và thế bằng chử “tư vấn” [44] . Nếu bà Minh Khai là vợ của vị lãnh đạo đảng (tức Lê Hồng Phong), thì bà có chịu thay đổi tư cách (tham dự) như thế không ? Tuy nhiên, để cho quân bằng với sự có vẽ hạ chức nầy, hồ sơ lưu ký cho ta thấy bà đã đọc một bài diễn văn về Phụ nữ tại Đông Dương trong Đai hội, và một bức ảnh chụp bà Minh Khai ngồi ở ghế danh dự kế bên bà Krupskaya, vợ của Lenin. Nhân chứng sống duy nhất về các biến cố nầy mà tôi đã gặp được ở Mạc Tư Khoa là con gái của bà Vera Vasilieva. Cô nầy chỉ vào khoảng mười tuổi vào thời điểm Đại hội VII. Cô nhớ lại rằng ông Hồ thì ngủ trên ghế dài trong căn hộ của gia đình cô ở một chung cư vào năm 1934; cô cũng nhớ sau đó thì ông Hồ thường đến chung với một phụ nữ Việt Nam xinh đẹp tên là Phan Lan (bí danh của bà Minh Khai tại Mạc Tư Khoa), và đôi khi đến với một người đàn ông khác.

Theo hồ sơ cá nhân, bà Minh Khai ở lại Mạc Tư Khoa để học cho đến tháng Hai năm 1937. Qua ngả Pháp, bà trở về Việt Nam, và công tác cho đảng ủy tại Sài Gòn vào năm 1938. Tiểu sử của bà cho biết vào thời điểm đó bà tái đoàn tụ với ông Lê Hồng Phong, đang điều hành hoạt động của đảng từ Chợ Lớn. Nhưng cái chết tữ đạo của họ đã gần kề. Ông Lê Hồng Phong bị bắt vào giữa năm 1938, được thả rồi bị bắt lại vào năm 1939. Cuối cùng, ông chết vào năm 1942. Còn bà Minh Khai thì vẫn hoạt động cho đến khi bị bắt vào tháng Bảy năm 1940. Bà bị Pháp xử bắn vào tháng Tám năm 1941 cùng với vài cán bộ lãnh đạo khác [45] .
Chúng ta không được biết về nhiệm vụ mà QTCS định giao phó cho ông HCM sau khi học xong tại MTK, vì hồ sơ hiện có về Đông Dương chấm dứt vào năm 1938. Theo ngày đóng dấu trên hồ sơ cá nhân thì ông Hồ rời Mạc Tư Khoa đi Trung Quốc vào khoảng gần cuối năm. Lúc đó, (tầm quan trọng của) chiến lược cách mạng toàn cầu của Mạc Tư Khoa bị tình hình đe dọa của (Đệ nhị) thế chiến lấn vượt lên. Là một chuyên viên lão luyện về hoạt động bí mật, có lẽ ông Hồ đã được gửi về lại Nam Trung Quốc để giúp liên minh kháng Nhật với Quốc Dân Đảng. Đã có lúc ông làm thiếu tá truyền tin cho Đệ Bát Lộ quân. Không chắc chắn là ông Hồ đã được Mạc Tư Khoa ủy quyền kiểm soát phong trào dành độc lập tại Việt Nam (It is not at all certain that Hồ had Moscow’s mandate to take control of the independence movement in Việt Nam).

Lúc ông Hồ trở về Quảng Tây và thiết lập được những khu giải phóng đầu tiên trong vùng đất gồ ghề của dân tộc thiểu số dọc biên giới Việt Nam, những chuyển biến lại lần nữa thuận lợi cho ông. QTCS sắp bị giải thể; dù sao, ông cũng không còn thì giờ để đợi chỉ thị của Mạc Tư Khoa. Hầu hết các đối thủ của ông trong đảng đều hoặc chết hoặc bị tù. Như lúc ở Hồng Kông, ông Hồ phải nắm lấy tình thế trong tay và xây dựng một liên minh dân tộc để đấu tranh dành độc lập. Người phụ tá đắc lực nhất của ông không còn là những chiến hữu già nua của đảng mà là một giáo sư trẻ tuổi xuất sắc, ông Võ Nguyên Giáp, người đã lấy em gái bà Minh Khai. Nếu ông Hồ vẫn còn vợ, thì hai người đã là anh em cột chèo rồi.
Sự chuyển đổi vận hội của ông Hồ lên đến cao điểm vào tháng Tám năm 1945, khi lực lượng Việt Minh của ông nắm quyền lúc Nhật đầu hàng. Ông tuyên xưng là Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cọng hòa vào ngày 2 tháng 9. Trước hết ông nhiệt tình vận động sự hỗ trợ của người Mỹ, sau đó là người Pháp, hãy công nhận địa vị mới của nước ông. Ông nói với vị đại diện của OSS là ông Archimedes Patti rằng ông không còn nghĩa vụ gì với người Nga nữa (he had no more obligations to the Russians). Ông nói rằng ông đã trả nợ cho họ bằng nhiều năm hoạt động cho đảng [46] . Vào năm 1945, rõ ràng đối với ông Hồ, Nga sô không có phương tiện mà cũng chẳng còn động cơ để giúp ông (it would have been clear to Hồ that the USSR had neither the means nor the motive to help out). QTCS bị giải thể vào năm 1943, trong lúc người Nga đang dự đoán đảng CS sẽ tiến mạnh tại Pháp,  và họ chẳng muốn dính bùn ở Đông Dương. 
Cả Mỹ lẫn Pháp đều từ chối lời kêu gọi của ông Hồ, và cuộc chiến tranh Đông Dương bùng lên cho đến năm 1954. Đến đó, thì chiến thắng của CS Trung Quốc đã lại lần nữa đặt ông Hồ dưới sự bảo trợ ý thức hệ của kẻ thù truyền kiếp của Việt Nam. Cố vấn Trung Quốc và những người Việt Nam đối tác của họ nhanh chóng bắt đầu đặt một nhịp điệu mới cho đời sống chính trị ở Bắc Việt Nam [47].   

KẾT LUẬN

Những hồ sơ của QTCS giúp ta vẽ ra được một tình huống chính trị mờ ảo của ông HCM trong thập niên 30s. Nhưng những hồ sơ đó cũng đặt cho người viết tiểu sử ông Hồ những vấn nạn to lớn. Một trong những vấn nạn chính là ông Hồ đã tái lập quyền hành đến được mức độ nào trong đảng CS ở thập niên 40s ? Có phải ông đóng một vai trò quan trọng hơn là chỉ biểu tượng cho sự đoàn kết và cha già dân tộc sau khi đảng Lao Động tái xuất hiện vào năm 1951, dưới sự lãnh đạo của ông Trường Chinh ? Liệu ông có đồng ý với bài viết ở báo Nhân Dân ngày 25-3-1951 gọi Chủ tịch HCM là “linh hồn của cuộc cách mạng Việt Nam và cuộc kháng chiến Việt Nam”  trong khi mô tả ông Trường Chinh là “người xây dựng và chỉ huy” hai công cuộc nầy ? [48] . Khi ông Võ Nguyên Giáp viết báo cáo lên án những lạm dụng quá trớn (không phải chỉ bạo động mà còn có tính kỳ thị giai cấp) của chính sách Cải cách Ruộng đất vào năm 1956, thì có phải ông Giáp đã nhân danh ông Hồ không ? Ông Hồ có dung dưỡng vụ bắt giử các cán bộ đấu tranh trong vụ “Trăm Hoa Đua Nở” vào năm 1958 không ? Ông Hồ đã nhận định như thế nào về những cải cách ý thức hệ của Khrushchev bắt đầu ở Đại hội QTCS thứ XX ? Nói tóm lại, câu hỏi rốt ráo là trong thập niên 50s, ông HCM có còn giữ lại gì được nữa không những đặc tính thích tranh luận, bướng bỉnh của một HCM vào những năm 1920s, một HCM đặt thực tế chính trị lên trên các giáo điều ý thức hệ ? 



CƯỚC CHÚ :
[1] Chi tiết của lời buộc tội nầy được viết trong một lá thư của Hà Huy Tập từ Phòng Hải Ngoại ở Hồng Kông gửi cho Phòng Viễn Đông của QTCS tại MTK. Lá thư sẽ được trích đầy đủ hơn ở những phần sau của bài này. Lá thư  thuộc bộ collection (fond) 495, series (opis) 154, file (delo) 586. (Từ đây trở đi, Tôi sẽ cước chú hồ sơ của QTCS tại MTK theo ba mã số nầy. Ví dụ : MTK 495,154,586).
[2] Tôi chịu ơn William Duiker đã gửi cho tôi phóng ảnh của những lá thư  rất củ (của ông Hồ viết) từ Mạc Tư Khoa, vì tôi không tìm được những lá thư nầy khi tôi còn ở đó. (Ông Duiker đã được Viện Nghiên cứu Mác-Lê và Tư tưởng HCM gửi cho nên đã không có mã số văn khố).
[3] Thư của bộ lưu trữ Krestintern (PTNDQT : Phong trào Nông dân Quốc tế)
[4] Để biết thêm về một quan điểm khúc chiết và đầy đủ của những ngưởi Trotskyist về các biến cố nầy, xin đọc The Tragedy of the Chinese Revolution của Harold Issacs, Stanford University Press, 1938 và 1951.   
[5] V.V. Vishnyakova-Akimova, bài viết “In Borodin’s House”, trong Hồ Chí Minh, Selected Reminiscences, Political Literature Press, Mạc Tư Khoa, 1990: 282.
[6] Thanh Đạm, Khóa Huấn luyện Chính trị lần thứ nhì tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nghiên Cứu Lịch Sử, Hà Nội, số 6, XI-XII, 1992.
[7] Mạc Tư Khoa,495,154,555
[8] Ibid.
[9] Mạc Tư Khoa, 495,201,45.
[10] Từ năm 1920 trở đi, chính sách cho các nước châu Á của QTCS xác định một cuộc cách mạng gồm hai giai đoạn: trước hết là “cuộc cách mạng dân tộc dân chủ” để dành độc lập từ thực dân, sau đó mới đến cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, sự nhấn mạnh trên chính sách hợp tác với các thành phần “tư sản yêu nước” trong giai đoạn thứ nhất có vẽ tùy thuộc vào từng cá nhân một, và ngay cả đến năm 1920, cũng không được các thành phần cực tả như cán bộ cọng sản AᮠM.N. Roy chấp nhận. Xem thêm Allen S. Whitting, Soviet Policies in China, 1917-1924, Stanford University Press, 1953: 51.
[11] Mạc Tư Khoa, 495, 154, 555
[12] Mạc Tư Khoa, 535, 1, 42
[13] Xem Hoàng văn Hoan, Giọt Nước Trong Biển Cả, Nhà Xuất bản Tin Việt Nam, Beijing, 1991: 102-109, về chuyện ông Hồ Học Lãm giúp đở cho các cán bộ Cọng sản tha hương. Cũng xin xem Huỳnh Kim Khánh, Vietnamese Communism 1925-1945, Cornell University Press, 1982: 119 về liên hệ của nhóm Thanh Niên với Quốc Dân Đảng Trung Hoa.
[14] Nguồn tài liệu nầy là của đảng viên đảng CS Đức Erich Wollenberg, bí danh Walter, do Pierre Rousset trích dẫn trong Le Parti Communist Vietnamien, Francois Maspero, Paris, 1975: 37. Điều lạ lùng là bài viết “Công tác quân sự của Đảng trong giới Nông dân” mà Wollenberg nói là do ông Hồ viết về giai cấp nông dân tại Trung quốc, trong thời gian ông ở Berlin, lại không được in lại trong bất kỳ một tuyển tập nào do ông Hồ viết cả. Có thể bài viết nầy do một tác giả Việt Nam khác, dính líu nhiều đến quân sự như Lê Hồng Phong, viết chăng ?
[15] Mạc Tư Khoa 535, 1, 42
[16] Lá thư vào tháng Giêng năm 1928 của ông Dombel đã không được in lại toàn phần, mà chỉ được tóm tắt trong Hồ Chí Minh, Biên Niên Tiểu Sử, Tập 1, Nhà Xuất bản Thông Tin Lý Luận, Hà Nội, 1992: 293.
[17] Ibid.: 296
[18] Ibid.:299
[19] Hoàng văn Hoan, op. cit.: 55-64
[20] Xem Trần Tử Bình, The Red Earth: A Memoir of Life on a Colonial Rubber Plantation, do John Spragens Jr. dịch, Ohio University Monographs trong International Studies, Athens, Ohio, 1985.
[21] Mạc Tư Khoa, 495, 201, 45
[22] Huỳnh Kim Khánh, op. cit.: 119
[23] Điều nầy được xác nhận trong phúc trình về “Vụ Noulens” ghi trong hồ sơ của Sở Cảnh sát Thành phố Thượng Hải, và hiện nay có thể tìm thấy ở National Archives, Washington DC, hồ sơ số D 2527/45. Trong hồ sơ nầy, ông Hồ được nhận ra dưới các bí danh “Nguyễn Ái Quốc”, “K”, “Victor”, “T.V. Wang”, “Lê Swee”, và “Sung Man Sho”. Ông được ghi nhận là “người viết nhiều lá thư cho Phòng Viễn Đông ỏ Hồng Kông, có vẽ như là với tư cách của một chi bộ (Phòng Phương Nam) của Phòng Viễn Đông đặc trách liên lạc với Đông Dương và Mã lai” (trang 32).  Ngoài ra, phúc trình còn ghi rằng “một đống thư hổn độn và viết rất lạ lùng của người nầy gửi cho Phòng Viễn Đông đã bị tịch thu trong văn khố vụ Noulens, và đã cho ta biết những bí ẩn chính về tình hình của CS trong các nước nầy ...” (trang 35).
[24] William Duiker nhắc đến chuyện nầy trong The Communist Road to Power in Vietnam, Westview Press, 1981. Tác giả là Nguyễn Nghĩa, viết trong tập san Nghiên Cứu Lịch Sử, Hà Nội, 1964.
[25] Mạc Tư Khoa, 495, 154, 561.
[26] Mạc Tư Khoa, 495, 154, 462. Trong một lá thư ký tên “Victor”, ông Hồ viết “Bí thư Leequeen bị bắt vào ngày 19 hay 20 tháng Tư. Lúc đầu, báo chí nghĩ rằng ông ta tên là Quốc. Và từ khi bản tái xét của cảnh sát được công bố, 7 trên 101 người đã bị bắt. Như vậy chỉ còn có một người thợ trẻ cho Ban Bí thư”
[27] Mạc Tư Khoa, 495, 154, 462.
[28] Mạc Tư Khoa, 495, 154, 569.
[29] Mạc Tư Khoa, 495, 154, 462.
[30] Hồ sơ D 2527/6 của Sở Cảnh sát Thành phố Thượng Hải. Theo một báo cáo của Sở Mật Thám Pháp tại Hà Nội thì (từ sau khi bị bắt) ông Ducroux đã gặp hai ủy viên của Ủyban Trung ương Đảng tại Sài Gòn vào ngày 23, 24, và 25 tháng Ba. Ông Lefranc, với tư cách là “Giám sát viên” của Đệ Tam Quốc tế đã cho họ một số khuyến cáo. Ông khuyên họ nên thiết lập tức khắc một đường dây liên lạc giữa Sài Gòn và Singapore. Ông cũng cho họ biết rằng Nguyễn Ái Quốc đã yêu cầu xin chuyển về Thượng Hải, làm việc cho Phòng Viễn Đông. (trang 30).
[31] Daniel Hemery, Révolutionnaires Vietnamiens et Pouvoir Colonial en Indochine, Francois Maspero, Paris, 1975: 59 và 170. Huỳnh Kim Khánh cũng chỉ rõ rằng Mật thám Pháp có một “tên lấy tin tín cẩn” trong nhóm Thanh Niên từ năm 1929: Dương Hạc Đính. Xem Khánh, op cit.: 118.
[32] Mạc Tư Khoa, 495, 154, 586.
[33] Mạc Tư Khoa, 495, 154, 585.
[34] Hai người con của bà Vera Vasilieva là Neiya Zorkaya và Peter Zorki,đã cho biết trong lần tôi phỏng vấn tại Mạc Tư Khoa rằng mẹ của họ thật sự “lưỡng nhân cách” (dual personality). Bà vẫn là một người CS trung kiên cho đến lúc chết vào năm 1959, nhưng bà lại ghét giai cấp đặc quyền (apparatchiks) trong đảng và sẳn sàng che chở cho vợ con các đồng chí bị bắt. Theo bản lý lịch của QTCS, bà đã từng bào chữa cho chính chồng bà là Mark Zorkii, chống lại lời buộc tội rằng ông ấy quá gắn bó với một cán bộ QTCS đã bị sa thải là Madiyar, rằng chính bà mới là người làm việc chung với Madiyar tại Phòng Viễn Đông (MTK, 495, 65a, 956).
[35] Mạc Tư Khoa, 495, 201, 1.
[36] Những phần trích dẫn trong lá thư nầy đã được công bố bởi Pierre Rousset, op. cit.: 68-70. Toàn bộ lá thư đã được đăng tải trong tạp chí “Communist International”, số ra ngày 5-8-1934.
[37] Mạc Tư Khoa, 495, 154, 585.
[38] Ông William Duiker đã trao laiho tôi một phóng ảnh của lá thư nầy.
[39] Những Người Cọng Sản, Nhà Xuất bản Thanh Niên, Thành phố Hồ Chí Minh, 1976: 219. Bản Kê khai Lý lịch mà bà Nguyễn thị Minh Khai viết cho QTCS năm 1934 xác nhận điều nầy (Mạc Tư Khoa, 495, 201, 35).
[40] Nguyệt Tú, Chị Minh Khai, Nhà Xuất bản Phụ Nữ, Hà Nội, 1976
[41] Mạc Tư Khoa, 495, 154, 569.
[42] Bà Minh Khai thuật lại trong Bản Kê khai Lý lịch của QTCS rằng bà đã bị tù một năm (Mạc Tư Khoa, 495, 201,35).
[43] Ibid.
[44] Mạc Tư Khoa, 495, 154, 688.
[45] Mạc Tư Khoa, 495, 201, 45.
[46] Những Người Cọng Sản: 228.
[47] Archimedes Patti, Why Vietnam ?, University of California Press, Berkeley, 1980: 373-4.
[48] Georges Boudarel, Cent Fleurs Écloses dans la Nuit du Vietnam, Communisme et Dissidence 1954-1956, Éditions Jacques Bertoin, 1991: 13-15.


Tác giả gửi trực tiếp cho namgiao.blog / 3-2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét