Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014


CHỨNG THƯ ĐỌC TẠI TÒA ÁN CÔNG LUẬN QUỐC TẾ
VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM VIỆT NAM

Trần Tố Nga

Tôi là Trần Tố Nga, tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội bộ môn Hóa hữu cơ năm 1965, thuộc vào lớp những cô gái trẻ đầu tiên đi vào chiến trường miền Nam Việt Nam đầu năm 1966 bằng con đường bộ mà người ta gọi là “Đường mòn Hồ Chí Minh”. Chúng tôi vào miền Nam với mục đích dạy chữ cho trẻ em các vùng mới được giải phóng. Nhưng sau 4 tháng đi vượt núi, trèo đèo, về đến Tây Ninh thì quân đội Mỹ đã vào miền Nam, gây nên cuộc chiến tranh cục bộ giữa Quân đội Giải Phóng miền Nam Việt Nam và quân đội Mỹ. Không còn làng mạc để cho trẻ học vì hố bom đã thay thế cho làng mạc, tôi về làm việc tại Thông tấn xã Giải phóng, trở thành phóng viên chiến trường.

Cuối năm 1966, tôi ở tại Củ Chi, nơi quân đội Mỹ dùng mọi cách để biến thành một vùng trắng, không còn sự sống, không có dân, theo chính sách “tách cá ra khỏi nước”, cô lập bộ đội giải phóng, bảo vệ căn cứ  Đồng Dù nơi đóng quân của quân đội Mỹ. Củ Chi biến thành mảnh đất không còn màu xanh, cây trơ cành, ban ngày không có bóng nguời. Cuộc sống của người dân cũng như của tất cả các chiến binh, du kích đều ở trong lòng đất.

Phi cơ UC-123 phun chất độc da cam trong chiến dịch Ranch Hand 
(Hình của Không quân Mỹ)

Một hôm, nghe tiếng máy bay quần rất lâu trong vùng, ngước nhìn lên, tôi thấy như có một đám mây phủ trên đầu. Nguời con gái còn quá ngây thơ với chiến truờng là tôi lúc ấy, tò mò leo ra khỏi hầm để nhìn cho rõ. Tôi ho sặc sụa, cả người ướt đẫm bởi một chất bột …

Hai năm sau, tôi sinh cháu gái đầu lòng, một đứa bé mới sinh bụ bẫm, xinh xắn. Nhưng rồi da của cháu tróc từng lớp, cháu không lớn, thở một cách khó nhọc. Người mẹ trẻ chưa được một lần ôm con vào lòng vì cháu không chịu được sức ép, dù là sự ôm ấp nhẹ của mẹ… Cháu bị dị tật tim, căn bệnh mang tên tứ chứng Falot. Cháu sống được 17 tháng. Mấy mươi năm ròng, tôi ân hận đã không biết giữ gìn khi mang thai để đến nỗi con bị chết. Đứa con gái thứ hai của tôi còn sống, nhưng đã bị tôi truyền cho một căn bịnh khó chữa: Alpha thalassémie.

Câu chuyện của tôi quá nhỏ bé, quá tầm thường so với câu chuyện của hàng triệu nạn nhân chất độc da cam đang sống trên khắp đất nước Việt Nam. Nếu như hôm nay, tôi xin được làm nhân chứng tại Tòa án này, chính vì tôi muốn nói thay cho những người không còn nói được, không đến được nơi này, hy vọng rằng những lời nói tự đáy lòng sẽ góp phần đánh thức lương tâm của những kẻ đã tạo ra chết chóc, thương đau, thảm cảnh diệt hàng loạt gia tộc.

Đúng vậy, tôi xin được dùng chữ diệt gia tộc.

Trong số các bạn nhà giáo cùng vào chiến trường với tôi năm ấy, có nhiều nguời đã chết vì ung thư như các anh Nguyễn Văn Ba, Lê Phụng, Phạm Xuân Phương… chỉ vì các anh đã đi đến những vùng bị quân Mỹ rải chất độc, tìm các em nhỏ để dạy chữ. Các anh chết đi mà nào đã biết được hạnh phúc có một người yêu, có một gia đình, có những đứa con nối dõi theo truyền thống của xã hội Việt Nam. Có những anh cùng làm việc với tôi tại Thông tấn xã Giải phóng, mà đa số là phóng viên  thì đương nhiên phải đi chiến truờng, khi hòa bình về, cưới vợ, sinh con như mọi nguời. Anh Phạm Văn Thính, phóng viên chiến trường miền Đông Nam bộ và vợ Nguyễn Thị Kim Liên hiện đã được các bác sĩ kết luận chỉ còn 23% sức khỏe, đã sinh 3 lần, 3 lần con không sống được. Vợ chồng anh Lê Trường Kỳ  sinh 2 người con, cứ đến 3 tuổi, 4 tuổi cháu bị ung thư máu rồi chết. Cuối cùng rồi chính anh cũng chết, gia đình họ Lê của anh Kỳ, gia đình họ Phạm của anh Thính  không còn ai tiếp nối. Như vậy gia tộc không bị diệt là gì?
Tôi quyết định giành những năm tháng còn lại chăm sóc những người bất hạnh hơn mình, những người khuyết tật, các cháu mồ côi … Tôi quay về với những nỗi thống khổ do chiến tranh để lại dù đã hơn 30 năm trôi qua.

Một giáo sư Đài Loan, ông Chen Chin Cheng giành tiền xây 200 căn nhà cho những người nghèo. Việt Nam chúng tôi gọi là “ngôi nhà của tình thương”. Ông chấp nhận  xây nhà cho nạn nhân chất độc da cam vùng Thái Bình, một tỉnh có 1.810.000 dân  mà đã có 30.000 nạn nhân chất độc da cam, trong đó có 19.500 nạn nhân thuộc thế hệ thứ nhất, 9.500 thuộc thế hệ thứ hai và 1.600 nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba.

Chỉ một ngày đi thăm một vài gia đình ở các huyện Tiền Hải, Kiến Xương, Vũ Thư mà cả tháng trời sau, tôi không ngủ được, nước mắt cứ chực trào ra khi nghĩ đến những gì tôi đã thấy. Chỉ xin đưa ra đây một vài câu chuyện:

- Một người lính trẻ trở về làng. Anh cưới cô Nhu, cô gái xinh nhất làng đã chờ anh trong mấy năm anh đi vào chiến trường. Cuộc sống tưởng chừng êm đềm, hai vợ chồng hạnh phúc khi người vợ có thai lần đầu. Ngờ đâu, họ cho ra đời, không phải là một đứa bé, mà là một bọc thịt. Vừa mất con, vừa bị làng xóm dè bỉu, cho là họ đã làm nên tội lớn ở kiếp trước, họ sống trong cô đơn, trong mặc cảm tội lỗi, nhưng cũng không thể không tiếp tục sinh con theo phong tục tập quán phải có con nối dõi. Lần thứ hai, lần thứ ba, vẫn cứ là những bọc thịt. Lần thứ tư, lần thứ năm, hai đứa bé trai ra đời, mang hình người nhưng không có óc. Họ đã sinh ra hai người con mang bịnh tâm thần. Khi tôi đến, một đứa bé đang đập đầu vào góc cây, đứa kia nằm dãy dụa, phát những âm thanh không thành lời. Nguời cha cũng bị tâm thần, giờ chỉ còn như một nắm xương, đang nằm bất động. Cô Nhu xinh đẹp ngày nào, nay đã là một bà già 40 tuổi hom hem, nét đầy khắc khổ. Chị  nói trong tiếng khóc : “Đã ba lần tôi ra sông, định tự tử, nhưng nghĩ đến khi tôi chết, ai là người chăm sóc người chồng liệt, ai là người lo cho hai đứa con điên, đành kéo dài kiếp sống đọa đày”. Người phụ nữ, nguời mẹ ấy, cả ngày quần quật ngoài đồng nuôi 3 nguời vừa bịnh vừa mất trí,  mấy mươi năm qua chưa một lần được một lời yêu thương, một lần an ủi, chưa một ngày được sống cuộc sống của một con người bình thường.

- Tại một gia đình khác ở xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư: Đô, một chàng trai – nếu gọi được hình hài đó là một chàng trai vì cậu đã hơn 20 tuổi, tay chân cong queo như mấy cây que cắm vào một thân chia làm 3 khúc, chỉ có thể nằm sấp vì mấy cục bướu lớn ở sau lưng, ngước chào tôi bằng nụ cuời méo mó của cậu. Cậu dùng mấy ngón tay cong lau giọt nước mắt của tôi đang lăn dài,  ú ớ an ủi con người khỏe mạnh !

- Còn nữa, còn nhiều nữa, đi qua 30 gia đình trong số 15.000 gia đình nạn nhân của Thái Bình, tôi đã gặp không phải 30 cảnh đau khổ, 30 con nguời đau khổ, mà là gấp đôi, gấp ba. Có những gia đình đã cho ra thế hệ thứ ba nạn nhân, thế hệ thứ ba khuyết tật, dị tật, điên khùng….

- Còn nữa, còn nhiều nữa những cảnh đời bị tước đoạt niềm vui làm vợ, niềm hạnh phúc làm mẹ… Và khi chúng tôi xây được 50 ngôi nhà đầu tiên thì đã có ba người không chờ được nhà mới, ra đi về với tổ tiên.

Mà tôi cũng chỉ mới đến một vài xã của Thái Bình thôi. Còn Quảng Trị, A Lưới, còn Bến Tre, còn Củ Chi… còn bao nhiêu gia đình tôi chưa đến được. Tôi sẽ không bao giờ kể hết được nỗi đau thể xác, nỗi đau tâm hồn, những vết thương không thể nào hàn gắn của một xã hội do hậu quả tội ác mà quân đội Mỹ đã để lại trên đất nước tôi khi rải cái chất được gọi là chất độc da cam.


Phi vụ rải chất độc diệt cây cỏ tại Nam Việt Nam từ 1965 đến 1971
(Nguồn: Bộ Lục quân Mỹ)

Các bạn đừng hỏi tại sao đã một lần sinh con dị tật mà người ta vẫn tiếp tục sinh? Bản thân tôi  đã học ngành hóa mà mãi sau này mới nghĩ ra là có thể bản thân mình đau ốm, con mình chết, con mình bịnh vì cái chất bột đã phủ lên nguời mình năm nào. Còn họ, những người nông dân, những người còn trẻ, chưa kịp học hành đã dấn thân vào chiến tranh, cho đến khi hiểu biết về hậu quả của chất độc da cam đến với họ thì đã quá muộn rồi. Vả chăng, ai có thể cắt được của con người những tia hy vọng được làm cha, làm mẹ, được hoàn thành sứ mạng nối dõi tông đường như tập quán dân tộc?

Tôi xin có một lời mời, mà cũng là một lời thách thức: Tất cả những người cầm quyền Mỹ đang lớn tiếng yêu cầu tôn trọng quyền con người, tất cả những tập đoàn sản xuất chất hóa học đã rải lên Việt Nam từ năm 1961 đến 1971 đang chối bỏ trách nhiệm của mình, xin hãy đến Việt Nam, đến với các nạn nhân chất độc da cam dù chỉ một ngày thôi, để tận mắt thấy, để tận tay sờ lên những vết thương, để cảm nhận đến tận cùng nỗi thảm khốc ghê tởm mà mình đã gây ra, để cùng tìm một giải pháp chuộc lại lỗi lầm. Dù tuổi cao, sức yếu, tôi xin tình nguyện cùng đi với các vị, đi đến cùng trời cuối đất, đi đến tất cả những nơi có nạn nhân chất độc da cam, đi đến khi nào các vị đã thấy rõ điều cần làm.

Lòng tôi ngổn ngang trăm câu hỏi không có lời giải đáp:
Thảm họa này sẽ kéo dài đến bao giờ ? Tất nhiên là cho đến khi nạn nhân cuối cùng của gia đình ấy chết đi và dòng họ ấy bị xóa sổ hoàn toàn. Tên gọi của tội ác ấy là gì nếu không phải là diệt chủng?
Khi thế hệ cha mẹ – thế hệ nạn nhân đầu tiên mất đi, ai sẽ là người lo cho những thế hệ sau? Một người mẹ có thể quên thân mà lo cho những đứa con của mình, dù chu đáo hay không, nhưng vắng mẹ rồi, những con người không có óc, những thân thể không ra hình người kia sẽ do ai chăm, ai lo? Bao nhiêu trung tâm từ thiện cho vừa, bao nhiêu tiền thuốc thang cho đủ?
Vậy thì, những kẻ đã gây ra thảm họa ấy sao không bị trừng trị ? Tòa án Mỹ đã hai lần bác bỏ vụ kiện, phủi sạch trách nhiệm của mình.

Để kết thúc, tôi xin đuợc kể về một người lính Mỹ  tôi đã quen khi là đại diện cho Hội Cựu tù binh Đông Dương trong các hoạt động xã hội tại Viêt Nam. Anh tên là William Fry, thường gọi là Bill Fry, đi lính vào những năm 60 của thế kỷ trước. Giải ngũ, anh về sống tại quê nhà ở Tahiti. Yêu đất nước anh đã đến thời trẻ, anh xin đuợc cưới một cô gái Việt làm vợ. Đưa vợ và hai người con của vợ về Tahiti không bao lâu, anh vui mừng báo tin: Vì anh đã từng ở Quảng Trị là nơi máy bay Mỹ đã rải chất độc da cam, nên với căn bệnh tiểu đường loại 2, anh được chính phủ Mỹ cho một khoản bồi thuờng thiệt hại lớn. Cả gia đình chuyển về Mỹ  sinh sống vì ngoài tiền bồi thường, anh được Chính phủ Mỳ trợ cấp suốt đời trong khi Tòa án Mỹ đã hai lần bác bỏ đơn kiện của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và các tập đoàn sản xuất ra chất độc này vẫn từ chối trách nhiệm.

Nhân danh những người đã chết vì chất độc da cam, nhân danh những nạn nhân đang sống ngắc ngoải vì chất độc da cam, nhân danh lương tâm loài người, tôi xin hỏi chính phủ Mỹ và tất cả các tập đoàn sản xuất ra chất độc đã rải xuống Việt Nam từ năm 1961 đến 1971: TẠI SAO? 

Paris  15/05/2009
T. T. N. 

Tác giả gửi trực tiếp cho Bauxite Việt Nam (3/2014)




Photos courtesy Brian Driscoll


10 thành phố bị hậu quả nặng nề nhất của chất độc da cam tại Nam Việt Nam:
Đà Nẵng, Phú Cát, Biên Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Thừa Thiên, Kon Tum, 
Tây Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Bình Định.
Record courtesy The Aspen Institute

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét