Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014


CHỨNG THƯ ĐỌC TẠI TÒA ÁN CÔNG LUẬN QUỐC TẾ
VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM VIỆT NAM

Trần Tố Nga

Tôi là Trần Tố Nga, tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội bộ môn Hóa hữu cơ năm 1965, thuộc vào lớp những cô gái trẻ đầu tiên đi vào chiến trường miền Nam Việt Nam đầu năm 1966 bằng con đường bộ mà người ta gọi là “Đường mòn Hồ Chí Minh”. Chúng tôi vào miền Nam với mục đích dạy chữ cho trẻ em các vùng mới được giải phóng. Nhưng sau 4 tháng đi vượt núi, trèo đèo, về đến Tây Ninh thì quân đội Mỹ đã vào miền Nam, gây nên cuộc chiến tranh cục bộ giữa Quân đội Giải Phóng miền Nam Việt Nam và quân đội Mỹ. Không còn làng mạc để cho trẻ học vì hố bom đã thay thế cho làng mạc, tôi về làm việc tại Thông tấn xã Giải phóng, trở thành phóng viên chiến trường.

Cuối năm 1966, tôi ở tại Củ Chi, nơi quân đội Mỹ dùng mọi cách để biến thành một vùng trắng, không còn sự sống, không có dân, theo chính sách “tách cá ra khỏi nước”, cô lập bộ đội giải phóng, bảo vệ căn cứ  Đồng Dù nơi đóng quân của quân đội Mỹ. Củ Chi biến thành mảnh đất không còn màu xanh, cây trơ cành, ban ngày không có bóng nguời. Cuộc sống của người dân cũng như của tất cả các chiến binh, du kích đều ở trong lòng đất.

Phi cơ UC-123 phun chất độc da cam trong chiến dịch Ranch Hand 
(Hình của Không quân Mỹ)

Một hôm, nghe tiếng máy bay quần rất lâu trong vùng, ngước nhìn lên, tôi thấy như có một đám mây phủ trên đầu. Nguời con gái còn quá ngây thơ với chiến truờng là tôi lúc ấy, tò mò leo ra khỏi hầm để nhìn cho rõ. Tôi ho sặc sụa, cả người ướt đẫm bởi một chất bột …

Hai năm sau, tôi sinh cháu gái đầu lòng, một đứa bé mới sinh bụ bẫm, xinh xắn. Nhưng rồi da của cháu tróc từng lớp, cháu không lớn, thở một cách khó nhọc. Người mẹ trẻ chưa được một lần ôm con vào lòng vì cháu không chịu được sức ép, dù là sự ôm ấp nhẹ của mẹ… Cháu bị dị tật tim, căn bệnh mang tên tứ chứng Falot. Cháu sống được 17 tháng. Mấy mươi năm ròng, tôi ân hận đã không biết giữ gìn khi mang thai để đến nỗi con bị chết. Đứa con gái thứ hai của tôi còn sống, nhưng đã bị tôi truyền cho một căn bịnh khó chữa: Alpha thalassémie.

Câu chuyện của tôi quá nhỏ bé, quá tầm thường so với câu chuyện của hàng triệu nạn nhân chất độc da cam đang sống trên khắp đất nước Việt Nam. Nếu như hôm nay, tôi xin được làm nhân chứng tại Tòa án này, chính vì tôi muốn nói thay cho những người không còn nói được, không đến được nơi này, hy vọng rằng những lời nói tự đáy lòng sẽ góp phần đánh thức lương tâm của những kẻ đã tạo ra chết chóc, thương đau, thảm cảnh diệt hàng loạt gia tộc.

Đúng vậy, tôi xin được dùng chữ diệt gia tộc.

Trong số các bạn nhà giáo cùng vào chiến trường với tôi năm ấy, có nhiều nguời đã chết vì ung thư như các anh Nguyễn Văn Ba, Lê Phụng, Phạm Xuân Phương… chỉ vì các anh đã đi đến những vùng bị quân Mỹ rải chất độc, tìm các em nhỏ để dạy chữ. Các anh chết đi mà nào đã biết được hạnh phúc có một người yêu, có một gia đình, có những đứa con nối dõi theo truyền thống của xã hội Việt Nam. Có những anh cùng làm việc với tôi tại Thông tấn xã Giải phóng, mà đa số là phóng viên  thì đương nhiên phải đi chiến truờng, khi hòa bình về, cưới vợ, sinh con như mọi nguời. Anh Phạm Văn Thính, phóng viên chiến trường miền Đông Nam bộ và vợ Nguyễn Thị Kim Liên hiện đã được các bác sĩ kết luận chỉ còn 23% sức khỏe, đã sinh 3 lần, 3 lần con không sống được. Vợ chồng anh Lê Trường Kỳ  sinh 2 người con, cứ đến 3 tuổi, 4 tuổi cháu bị ung thư máu rồi chết. Cuối cùng rồi chính anh cũng chết, gia đình họ Lê của anh Kỳ, gia đình họ Phạm của anh Thính  không còn ai tiếp nối. Như vậy gia tộc không bị diệt là gì?
Tôi quyết định giành những năm tháng còn lại chăm sóc những người bất hạnh hơn mình, những người khuyết tật, các cháu mồ côi … Tôi quay về với những nỗi thống khổ do chiến tranh để lại dù đã hơn 30 năm trôi qua.

Một giáo sư Đài Loan, ông Chen Chin Cheng giành tiền xây 200 căn nhà cho những người nghèo. Việt Nam chúng tôi gọi là “ngôi nhà của tình thương”. Ông chấp nhận  xây nhà cho nạn nhân chất độc da cam vùng Thái Bình, một tỉnh có 1.810.000 dân  mà đã có 30.000 nạn nhân chất độc da cam, trong đó có 19.500 nạn nhân thuộc thế hệ thứ nhất, 9.500 thuộc thế hệ thứ hai và 1.600 nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba.

Chỉ một ngày đi thăm một vài gia đình ở các huyện Tiền Hải, Kiến Xương, Vũ Thư mà cả tháng trời sau, tôi không ngủ được, nước mắt cứ chực trào ra khi nghĩ đến những gì tôi đã thấy. Chỉ xin đưa ra đây một vài câu chuyện:

- Một người lính trẻ trở về làng. Anh cưới cô Nhu, cô gái xinh nhất làng đã chờ anh trong mấy năm anh đi vào chiến trường. Cuộc sống tưởng chừng êm đềm, hai vợ chồng hạnh phúc khi người vợ có thai lần đầu. Ngờ đâu, họ cho ra đời, không phải là một đứa bé, mà là một bọc thịt. Vừa mất con, vừa bị làng xóm dè bỉu, cho là họ đã làm nên tội lớn ở kiếp trước, họ sống trong cô đơn, trong mặc cảm tội lỗi, nhưng cũng không thể không tiếp tục sinh con theo phong tục tập quán phải có con nối dõi. Lần thứ hai, lần thứ ba, vẫn cứ là những bọc thịt. Lần thứ tư, lần thứ năm, hai đứa bé trai ra đời, mang hình người nhưng không có óc. Họ đã sinh ra hai người con mang bịnh tâm thần. Khi tôi đến, một đứa bé đang đập đầu vào góc cây, đứa kia nằm dãy dụa, phát những âm thanh không thành lời. Nguời cha cũng bị tâm thần, giờ chỉ còn như một nắm xương, đang nằm bất động. Cô Nhu xinh đẹp ngày nào, nay đã là một bà già 40 tuổi hom hem, nét đầy khắc khổ. Chị  nói trong tiếng khóc : “Đã ba lần tôi ra sông, định tự tử, nhưng nghĩ đến khi tôi chết, ai là người chăm sóc người chồng liệt, ai là người lo cho hai đứa con điên, đành kéo dài kiếp sống đọa đày”. Người phụ nữ, nguời mẹ ấy, cả ngày quần quật ngoài đồng nuôi 3 nguời vừa bịnh vừa mất trí,  mấy mươi năm qua chưa một lần được một lời yêu thương, một lần an ủi, chưa một ngày được sống cuộc sống của một con người bình thường.

- Tại một gia đình khác ở xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư: Đô, một chàng trai – nếu gọi được hình hài đó là một chàng trai vì cậu đã hơn 20 tuổi, tay chân cong queo như mấy cây que cắm vào một thân chia làm 3 khúc, chỉ có thể nằm sấp vì mấy cục bướu lớn ở sau lưng, ngước chào tôi bằng nụ cuời méo mó của cậu. Cậu dùng mấy ngón tay cong lau giọt nước mắt của tôi đang lăn dài,  ú ớ an ủi con người khỏe mạnh !

- Còn nữa, còn nhiều nữa, đi qua 30 gia đình trong số 15.000 gia đình nạn nhân của Thái Bình, tôi đã gặp không phải 30 cảnh đau khổ, 30 con nguời đau khổ, mà là gấp đôi, gấp ba. Có những gia đình đã cho ra thế hệ thứ ba nạn nhân, thế hệ thứ ba khuyết tật, dị tật, điên khùng….

- Còn nữa, còn nhiều nữa những cảnh đời bị tước đoạt niềm vui làm vợ, niềm hạnh phúc làm mẹ… Và khi chúng tôi xây được 50 ngôi nhà đầu tiên thì đã có ba người không chờ được nhà mới, ra đi về với tổ tiên.

Mà tôi cũng chỉ mới đến một vài xã của Thái Bình thôi. Còn Quảng Trị, A Lưới, còn Bến Tre, còn Củ Chi… còn bao nhiêu gia đình tôi chưa đến được. Tôi sẽ không bao giờ kể hết được nỗi đau thể xác, nỗi đau tâm hồn, những vết thương không thể nào hàn gắn của một xã hội do hậu quả tội ác mà quân đội Mỹ đã để lại trên đất nước tôi khi rải cái chất được gọi là chất độc da cam.


Phi vụ rải chất độc diệt cây cỏ tại Nam Việt Nam từ 1965 đến 1971
(Nguồn: Bộ Lục quân Mỹ)

Các bạn đừng hỏi tại sao đã một lần sinh con dị tật mà người ta vẫn tiếp tục sinh? Bản thân tôi  đã học ngành hóa mà mãi sau này mới nghĩ ra là có thể bản thân mình đau ốm, con mình chết, con mình bịnh vì cái chất bột đã phủ lên nguời mình năm nào. Còn họ, những người nông dân, những người còn trẻ, chưa kịp học hành đã dấn thân vào chiến tranh, cho đến khi hiểu biết về hậu quả của chất độc da cam đến với họ thì đã quá muộn rồi. Vả chăng, ai có thể cắt được của con người những tia hy vọng được làm cha, làm mẹ, được hoàn thành sứ mạng nối dõi tông đường như tập quán dân tộc?

Tôi xin có một lời mời, mà cũng là một lời thách thức: Tất cả những người cầm quyền Mỹ đang lớn tiếng yêu cầu tôn trọng quyền con người, tất cả những tập đoàn sản xuất chất hóa học đã rải lên Việt Nam từ năm 1961 đến 1971 đang chối bỏ trách nhiệm của mình, xin hãy đến Việt Nam, đến với các nạn nhân chất độc da cam dù chỉ một ngày thôi, để tận mắt thấy, để tận tay sờ lên những vết thương, để cảm nhận đến tận cùng nỗi thảm khốc ghê tởm mà mình đã gây ra, để cùng tìm một giải pháp chuộc lại lỗi lầm. Dù tuổi cao, sức yếu, tôi xin tình nguyện cùng đi với các vị, đi đến cùng trời cuối đất, đi đến tất cả những nơi có nạn nhân chất độc da cam, đi đến khi nào các vị đã thấy rõ điều cần làm.

Lòng tôi ngổn ngang trăm câu hỏi không có lời giải đáp:
Thảm họa này sẽ kéo dài đến bao giờ ? Tất nhiên là cho đến khi nạn nhân cuối cùng của gia đình ấy chết đi và dòng họ ấy bị xóa sổ hoàn toàn. Tên gọi của tội ác ấy là gì nếu không phải là diệt chủng?
Khi thế hệ cha mẹ – thế hệ nạn nhân đầu tiên mất đi, ai sẽ là người lo cho những thế hệ sau? Một người mẹ có thể quên thân mà lo cho những đứa con của mình, dù chu đáo hay không, nhưng vắng mẹ rồi, những con người không có óc, những thân thể không ra hình người kia sẽ do ai chăm, ai lo? Bao nhiêu trung tâm từ thiện cho vừa, bao nhiêu tiền thuốc thang cho đủ?
Vậy thì, những kẻ đã gây ra thảm họa ấy sao không bị trừng trị ? Tòa án Mỹ đã hai lần bác bỏ vụ kiện, phủi sạch trách nhiệm của mình.

Để kết thúc, tôi xin đuợc kể về một người lính Mỹ  tôi đã quen khi là đại diện cho Hội Cựu tù binh Đông Dương trong các hoạt động xã hội tại Viêt Nam. Anh tên là William Fry, thường gọi là Bill Fry, đi lính vào những năm 60 của thế kỷ trước. Giải ngũ, anh về sống tại quê nhà ở Tahiti. Yêu đất nước anh đã đến thời trẻ, anh xin đuợc cưới một cô gái Việt làm vợ. Đưa vợ và hai người con của vợ về Tahiti không bao lâu, anh vui mừng báo tin: Vì anh đã từng ở Quảng Trị là nơi máy bay Mỹ đã rải chất độc da cam, nên với căn bệnh tiểu đường loại 2, anh được chính phủ Mỹ cho một khoản bồi thuờng thiệt hại lớn. Cả gia đình chuyển về Mỹ  sinh sống vì ngoài tiền bồi thường, anh được Chính phủ Mỳ trợ cấp suốt đời trong khi Tòa án Mỹ đã hai lần bác bỏ đơn kiện của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và các tập đoàn sản xuất ra chất độc này vẫn từ chối trách nhiệm.

Nhân danh những người đã chết vì chất độc da cam, nhân danh những nạn nhân đang sống ngắc ngoải vì chất độc da cam, nhân danh lương tâm loài người, tôi xin hỏi chính phủ Mỹ và tất cả các tập đoàn sản xuất ra chất độc đã rải xuống Việt Nam từ năm 1961 đến 1971: TẠI SAO? 

Paris  15/05/2009
T. T. N. 

Tác giả gửi trực tiếp cho Bauxite Việt Nam (3/2014)




Photos courtesy Brian Driscoll


10 thành phố bị hậu quả nặng nề nhất của chất độc da cam tại Nam Việt Nam:
Đà Nẵng, Phú Cát, Biên Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Thừa Thiên, Kon Tum, 
Tây Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Bình Định.
Record courtesy The Aspen Institute

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014


BẺ GÃY CÁC LUẬN CỨ CỦA THIÊN CHÚA GIÁO

VỀ SỰ HIỆN HỮU CỦA CHÚA TRỜI

 

A.L. De Silva

(Trích dịch từ tác phẩm Beyond Belief
A Buddhist Critique of Fundamentalist Christianity)

 Tác phẩm Beyond Belief của tác giả A.L. de Silva  trước hết xuất hiện dưới dạng in ấn bằng giấy (Three Gems Publications, Australia, 1994), sau đó, khoảng cuối thập niên 90’, xuất phát từ Tích Lan (Sri Lanka), toàn bộ cuốn sách dưới dạng điện tử với một vài thay đổi nhỏ và hình bìa mới đã được phổ biến rộng rãi trên Internet. Về tông tích của tác giả A.L. de Silva, chúng ta không biết gì nhiều ngoài gốc dân của ông là người Úc, và đã từng là một Giáo sĩ Thiên Chúa giáo trong nhiều năm. Sau đó, chúng ta được biết thêm là ông đã nghiên cứu Phật học và trở thành một Tỳ kheo.

Tác giả viết cuốn nầy để trang bị cho các Phật tử một số luận cứ hầu trả lời cho những nhà truyền đạo Thiên Chúa giáo trong các chiến dịch cải đạo Phật tử tại Á châu. Dưới đây là Chương 2 của cuốn sách, được Trí Tánh dịch ra tiếng Việt.


Các tín đồ Thiên Chúa giáo khẳng định rằng một Chúa Trời thông thái nhân từ đã tạo ra và cai quản vũ trụ. Họ đã dùng nhiều luận cứ để chứng minh cho khẳng định này. Chúng ta sẽ nghiên cứu từng luận cứ một và phản bác các điều đó từ góc độ Phật giáo.

Thẩm quyền của cuốn Kinh Thánh

Khi được hỏi làm sao để chứng minh sự hiện hữu của Chúa Trời, các tín đồ Thiên Chúa giáo thường mở Kinh Thánh ra và bảo rằng "Kinh Thánh bảo Chúa Trời hiện hữu, thì Ngài phải hiện hữu thôi.”  Vấn đề là nếu chúng ta hỏi một người Ấn Độ giáo, một  người Hồi giáo, người đạo Sikh hay Do Thái giáo cùng một câu hỏi đó, thì tín đồ các tôn giáo nầy lại cũng sẽ chỉ vào các Thánh thư tương tự của họ như là bằng chứng về sự hiện hữu của Thương đế của họ. Tại sao chúng ta tin vào Kinh Thánh Thiên Chúa giáo mà không tin vào Thánh thư của những tôn giáo khác. Thực ra, chúng ta sẽ chứng minh sau này với chứng cớ mạnh mẽ rằng Kinh Thánh là một tài liệu không đáng có độ tin cậy cao.

Kinh Coran Hồi giáo, Kinh Thánh Thiên Chúa giáo, Kinh Vệ Đà Ấn giáo

Tại sao chúng ta tin vào Kinh Thánh Thiên Chúa giáo mà không tin

vào Thánh thư của những tôn giáo khác ?


Sự hiện hữu của Vũ trụ

Trong các nỗ lực của họ để chứng minh sự hiện hữu của Chúa Trời, tín đồ Thiên Chúa giáo đôi lúc sẽ nói rằng “Vũ trụ đã không thể tự nhiên mà có được, phải do ai đó đã tạo ra, và vậy thì phải có một Chúa Trời đấng tạo hoá.” Luận cứ này có một điều thiếu sót rất lớn. Khi trời bắt đầu mưa, các bạn sẽ không hỏi “Ai đang làm ra mưa?” bởi vì chúng ta biết rằng mưa không do ai gây ra cả mà là do cái gì khác làm ra, “cái” đó là các hiện tượng thiên nhiên khác như nhiệt năng, sự bốc hơi của nước, sự đóng băng của chất lỏng v.v. Khi chúng ta thấy các viên sỏi trơn nhẵn trong một giòng sông, chúng ta sẽ không hỏi “Ai đã đánh bóng các viên sỏi đó?” vì chúng ta biết rằng bề mặt trơn tru của các viên sỏi đó không do một ai gây ra cả mà do một cái gì khác – là các nguyên nhân thiên nhiên như tác động bào mòn của nước và cát.

Tất cả các điều này đều có một hay nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân đó không nhất thiết phải là một thực thể “Ai”. Với vũ trụ cũng thế - nó hiện hữu không phải do một Chúa Trời mà do các hiện tượng thiên nhiên như sự phân thân của hạt nhân, trọng lực, lực quán tính, v.v. Tuy nhiên, ngay cả nếu chúng ta tin rằng một thực thể “Ai” thiêng liêng là cần thiết để giải thích vũ trụ đã hiện hữu như thế nào, thì chứng cớ nào cho biết thực thể đó là Chúa Trời của Thiên Chúa giáo?  Có thể vũ trụ được tạo ra do Thượng đế của Ấn Độ giáo, Thương đế của Hồi giáo hay các vị thần linh được những tôn giáo bộ lạc tôn thờ. Nói cho rốt ráo, hầu hết các tôn giáo, không chỉ riêng Thiên Chúa giáo, đều khẳng định rằng Thượng đế hay thần linh của họ đã sáng tạo ra vũ trụ.

Luận cứ về khả năng Thiết kế

Để trả  lời những phản bác trên, tín đồ Thiên Chúa giáo sẽ cứ cãi rằng vũ trụ không thể hiện hữu khơi khơi như vậy mà sự hiện hữu của nó là một thiết kế hoàn hảo. Họ có thể nói rằng chính một trật tự và một sự quân bằng hoàn hảo như thế đã chứng tỏ rằng vũ trụ phải được thiết kế bằng một trí thông minh cao hơn, và sự thông minh cao hơn đó là Chúa Trời. Nhưng như trước, luận cứ này lại có một số vấn đề.

Trước hết, làm sao tín đồ Thiên Chúa giáo biết rằng Chúa Trời của họ là người ở đằng sau sự sáng tạo đó? Có thể là các thần linh của những tôn giáo “phi-Thiên Chúa” đã thiết kế và sáng tạo ra vũ trụ thì sao.

Thứ hai, làm sao tín đồ Thiên Chúa giáo biết rằng chỉ mỗi Chúa Trời là thiết kế ra mọi thứ? Thực ra, vì vũ trụ quá phức tạp nên chúng ta nghi rằng có thể phải cần sự thông minh của nhiều, có thể hàng tá, thần linh để thiết kế và tạo dựng ra vũ trụ. Do đó, điều mà luận cứ về khả năng thiết kế chứng tỏ được là phải cần đến nhiều thần chứ không phải chỉ có một Thần như Thiên Chúa giáo khẳng định.

Hình trái: Thế giới CỰC ĐẠI (Vũ trụ “quan sát được”: bán kính khoảng 46.600.000.000 năm ánh sáng, và chứa đựng khoảng 10.000.000.000.000.000.000.000.000 ngôi sao)

Hình phải: Thế giới CỰC TIỂU (Có vào khoảng 75.000.000.000.000 phân tử trong cơ thể một người trưởng thành. Phân tử nhỏ nhất là Diatomic Hydrogen với “đường kính” là 0,00074 nanometer)

Theo Kinh Thánh, trong một ngày, có một ông Chúa đã chế tạo ra hai thế giới cực đại và cực tiểu nầy. Cũng theo Kinh Thánh, từ ngày đó cho đến nay đã được khoảng 6.000 năm, ông Chúa đã theo dõi, kiểm soát và quản lý đời sống và vận hành của từng ngôi sao, từng phân tử trong hai thế giới đó… Thế mà cũng có người tin !


Kế tiếp, chúng ta sẽ phải hỏi rằng liệu vũ trụ có được thiết kế một cách hoàn hảo không? Chúng ta phải hỏi điều này vì nếu Chúa Trời hoàn hảo đã thiết kế và sáng tạo ra vũ trụ, thì vũ trụ ấy tất cũng phải hoàn hảo. Đầu tiên, chúng ta hãy nhìn các hiện tượng vô tri giác để xem liệu chúng có được thiết kế hoàn hảo không. Mưa cho chúng ta giọt nước trong lành để uống nhưng đôi lúc vì mưa quá nhiều nên con người bị chết đuối chết chìm, bị mất nhà cửa và mất cả phương kế sinh nhai của họ trong lũ lụt. Lại có đôi lúc chẳng mưa tí nào cả và hàng triệu người đã bị chết vì hạn hán và đói kém. Đấy là thiết kế hoàn hảo sao? Núi non cho chúng ta niềm vui khi thấy chúng vươn lên bầu trời cao. Nhưng những vụ lở đất và núi lửa phun trào từ hàng thế kỷ nay đã gây ra tàn phá và chết chóc.  Đấy là thiết kế hoàn hảo sao? Những cơn gió nhẹ mơn man chúng ta nhưng cũng có những cơn giông bão liên tục gây ra chết chóc và tàn phá. Đấy là thiết kế hoàn hảo sao?  Những điều đó và các thiên tai khác chứng tỏ rằng các hiện tượng vô tri giác nầy không biểu hiện ra được một thiết kế hoàn hảo và, vì thế, chúng đã không phải do một Chúa Trời hoàn hảo sáng tạo ra.

Bây giờ chúng ta hãy nhìn các hiện tượng có tri giác để xem liệu chúng có biểu lộ sự thiết kế hoàn hảo không. Nhìn một cách hời hợt, thiên nhiên có vẻ xinh đẹp và hoà hợp; thiên nhiên cung cấp cho mọi tạo vật và mỗi tạo vật đều có một nhiệm vụ riêng để chu toàn. Tuy nhiên, như bất cứ một nhà sinh vật học nào cũng sẽ xác nhận, rằng thiên nhiên thì cũng cực kỳ tàn nhẫn. Để sống sót, mỗi sinh vật đều phải ăn các sinh vật khác và tranh đấu để tránh bị các sinh vật khác ăn mình. Trong thiên nhiên, chẳng có thì giờ để thương xót, yêu thương hay nhân từ. Nếu có một Chúa Trời lòng lành đã thiết kế ra mọi thứ, thì tại sao vị đó lại tạo ra một thiết kế với hậu quả tàn nhẫn như thế? Giới động vật chẳng những không hoàn chỉnh trong ý nghĩa đạo đức, mà cũng không hoàn chỉnh ngay chính trong quá trình tạo dựng ra giới động vật. Mỗi năm, có hàng triệu trẻ sơ sinh bị sinh ra trong điều kiện thể chất và tinh thần khiếm khuyết, chết non hay chết ngay sau khi vừa mới sinh ra. Tại sao một tạo hoá hoàn hảo và lòng lành như Chúa Trời lại thiết kế các điều kinh khủng như thế?

Vậy thì, nếu có một thiết kế trong vũ trụ, đa phần thiết kế đó thì khiếm khuyết và tàn bạo. Điều này có vẻ chỉ ra rằng vũ trụ đã không được sáng tạo bởi một Chúa Trời lòng lành và hoàn hảo.

Luận cứ về Nguyên nhân Đầu tiên

Tín đồ Thiên Chúa giáo đôi lúc sẽ nói rằng mọi thứ trên đời đều có một nguyên nhân, và từ đó, cứ truy tầm lên mãi sẽ phải có một nguyên nhân đầu tiên, và Chúa Trời của họ chính là nguyên nhân đầu tiên đó. Luận cứ xưa cũ này tự nó đã phản bác lại chính nó, vì nếu mọi thứ đều có nguyên nhân đầu tiên, thì nguyên nhân đầu tiên đó cũng phải có một nguyên nhân chứ.

Có một vấn nạn khác với luận cứ nguyên nhân đầu tiên nầy. Chẳng  có lý do hợp lý nào để cho rằng mọi thứ đều chỉ có một nguyên nhân đầu tiên độc nhất. Có thể có sáu, có mười, hay có ba trăm nguyên nhân xảy ra cùng một lúc để tạo ra mọi thứ.

Luận cứ về các Phép lạ mầu nhiệm

Tín đồ Thiên Chúa giáo khẳng định rằng các phép lạ đôi lúc được thực hiện nhân danh Chúa Trời, và phép lạ sau đó đã xảy ra, điều nầy chứng tỏ rằng Chúa Trời quả thật hiện hữu. Đây là một luận cứ hấp dẫn cho đến khi ta nhìn kỹ hơn

Trong lúc tín đồ Thiên Chúa giáo vội vàng khẳng định rằng nhờ những lời cầu nguyện của họ mà kẻ mù có thể nhìn thấy, người điếc có thể lắng nghe và người bị tay chân co quắp được nắn lại thẳng thắn, thì họ lại rất chậm chạp trong việc đưa ra bằng chứng để hổ trợ cho các khẳng định của họ. Thật ra, vì có một số tín đồ Thiên Chúa giáo quá quan tâm đến chuyện chứng minh rằng các phép lạ xảy ra tại các buổi lễ cầu nguyện của họ, nên sự thật thường bị lạc mất trong một giòng thác các khẳng định bừa bãi, các khoác lác quá độ, và thậm chí đôi lúc là những dối trá có hậu ý.


Trái: Hốc đá tại Massabielle, ở Lourdes (Pháp), nơi cô bé 14 tuổi Bernadette Soubirous khẳng định đã thấy Bà Maria, mẹ của Chúa Giêsu, hiện ra và sau đó bay lên trời nhiều lần vào năm 1858. Bốn năm sau, Vatican chính thức xác nhận phép lạ nầy … có thực. Và từ đó, hốc đá nầy trở thành nơi hành hương để chửa bệnh của tín đồ Công giáo.

Phải: Cũng như các Mục sư Tin Lành tại Mỹ, các đạo sĩ Bà La Môn ở Ấn Độ cũng có “khả năng chửa bệnh” thông qua quyền năng của Thần linh - Trong hình, Thần Goud của Ấn Độ giáo nhập vào một vị đạo sĩ để làm phép lạ như chửa bệnh suyển cho một bệnh nhân tại thành phố Hyderabad, Ấn Độ.


Sự thật là những việc khác thường và khó giải thích đôi lúc đã xảy ra trong các hoạt động tín ngưỡng – nhưng không chỉ xảy ra cho tín đồ Thiên Chúa giáo mà thôi. Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Lão giáo, v.v. tất cả đều khẳng định rằng Thượng đế hay các thần linh của họ đôi lúc cũng thực hiện các phép lạ. Chắc chắn Thiên Chúa giáo không có độc quyền về các phép lạ. Do đó, nếu các phép lạ được thực hiện nhân danh Chúa Trời để chứng tỏ rằng Chúa Trời của Thiên Chúa giáo có thật, thì các phép lạ được thực hiện nhân danh nhiều Thượng đế khác cũng phải chứng tỏ điều tương tự, nghĩa là Thượng đế của các tôn giáo khác cũng có thật. 

Tín đồ Thiên Chúa giáo có thể cố vượt qua phản bác này bằng cách khẳng định rằng khi các phép lạ xảy ra ở các tôn giáo khác thì các phép lạ nầy được thực hiện do quyền năng của Ma Quỷ. Có lẽ phương thức tốt nhất để chống lại luận cứ này là trích dẫn ngay chính Kinh Thánh của Thiên Chúa giáo. Khi Giê-su chữa lành người ốm, những kẻ thù của Ngài buộc tội Ngài làm việc này thông qua quyền năng của Ma Quỷ. Ngài trả lời rằng chữa lành người ốm dẫn đến việc thiện và nếu Ma Quỷ lẩn lút quanh đó làm việc thiện thì nó sẽ bị tự hoại (Mk, 3:22-26). Như thế, ta cũng có thể nói tương tự như vậy đối với các phép lạ do Ấn Độ giáo, Do Thái giáo, đạo Sikhs thực hiện. Nếu các phép lạ tạo ra tốt lành, làm sao chúng có thể là tác phẩm của Ma Quỷ được?


Luận cứ về sự Cần thiết phải có Chúa Trời


Tín đồ Thiên Chúa giáo  thưòng khẳng định rằng chỉ bằng cách tin tưởng vào ý muốn của Chúa Trời thì con người mới có sức mạnh để đương đầu với các vấn đề của cuộc sống, và vì thế niềm tin vào Chúa Trời là tất yếu cần thiết. Khẳng định này hình như được hỗ trợ bằng nhiều cuốn sách do các tín đồ Thiên Chúa giáo viết ra (mà họ gọi là  “chứng nhân”) thường  vốn đã cam chịu và vượt qua các khủng hoảng khác nhau thông qua quyền năng của Chúa Trời. Một số sách này tạo hứng khởi cao độ trong lúc đọc, nhờ vậy mà sự khẳng định rằng con người chỉ có thể đương đầu với các vấn đề bằng sự giúp sức của  Chúa Trời có vẻ thuyết phục hơn. Cho đến khi chúng ta nhìn sâu hơn một tí.

Nếu khẳng định này là thật, chúng ta sẽ thấy rằng hầu hết những người phi-Thiên Chúa trên thế giới sẽ phải kéo dài một cuộc sống trong đau khổ, bối rối và vô vọng, trong lúc đó thì đa số tín đồ Thiên Chúa giáo, thông qua niềm tin với Đức Chúa Trời của họ, sẽ có thể luôn luôn đương đầu được với các vấn đề của họ và chẳng bao giờ cần tìm các cố vấn hay các chuyên gia tâm thần để giúp đỡ gì cả. Tuy nhiên, rõ ràng rằng những người của các tôn giáo phi-Thiên Chúa, và thậm chí những người không theo tôn giáo nào, cũng đủ khả năng đương đầu với các khủng hoảng của cuộc sống như tín đồ Thiên Chúa giáo, thậm chí có khi còn giỏi hơn nữa. Cũng đôi khi có người sùng đạo Thiên Chúa mà lại đánh mất niềm tin nơi Chúa sau khi trực diện với các vấn đề cá nhân nghiêm trọng. Do đó, khẳng định rằng niềm tin nơi Chúa là cần thiết để đương đầu và vượt qua các vấn nạn của cuộc sống là vô căn cứ.


Luận cứ “Thử và Phản Chứng”


Khi tín đồ Thiên Chúa giáo nhận ra rằng họ không thể chứng minh sự hiện hữu của Chúa Trời với các chứng cớ và luận lý đáng ngờ ở trên nữa, họ có thể chuyển chiến thuật và bảo “Có thể tôi không thể chứng minh được rằng Chúa Trời của chúng tôi hiện hữu, nhưng các người cũng không thể phản chứng được rằng Chúa của chúng tôi không có thật.” Tất nhiên phản biện nầy của họ hoàn toàn có lý. Bạn không thể chứng minh được Chúa Trời của Thiên Chúa giáo không hiện hữu – thì cũng giống như bạn không thể chứng minh được Thượng đế của Lão giáo, Ấn Độ giáo và hàng tá các tôn giáo khác cũng không hiện hữu vậy. Nói cách khác, mặc cho mọi ngoa ngữ, mặc các khẳng định quá mức và mặc các tuyên bố chắc nịch, chứng cớ về sự hiện hữu của Chúa Trời Thiên Chúa giáo thì cũng chẳng nhiều gì hơn các chứng cớ về sự hiện hữu thần linh mà các tôn giáo khác thờ phụng.


Lời Chứng 


Sau khi mọi luận cứ đều thất bại, cuối cùng người tín đồ Thiên Chúa giáo có thể sẽ cố thuyết phục chúng ta rằng Chúa Trời hiện hữu bằng cách đánh vào mối xúc động của người đối thoại. Một tín đồ như thế sẽ nói, và có thể nói một cách rất thành thực, rằng “Tôi thường không có hạnh phúc và sống bất mãn, nhưng sau khi hiến mình cho Chúa Trời thì tôi sung sướng và bình an với chính mình” Các lời chứng đó có thể làm ta cảm động sâu xa, nhưng họ chứng minh được cái gì? Có hàng triệu người cũng sống hạnh phúc và có ý nghĩa như vậy sau khi họ theo Phật giáo, Ấn Độ giáo, hay Hồi giáo. Tương tự như thế, sự thật là có nhiều người mà cuộc sống đã chẳng thay đổi gì tốt hơn sau khi họ trở thành tín đồ Thiên Chúa giáo – đôi lúc các nhược điểm xưa và các vấn nạn cũ trong cuộc sống vẫn còn đó. Thế thì luận cứ này, cũng như tất cả mọi luận cứ khác, chẳng chứng minh được sự hiện hữu của Chúa Trời của Thiên Chúa giáo.


A.L. De Silva

 



Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014


XIN MÃI MÃI LÀ NGƯỜI VIỆT NAM

Trần Tiên Long


Thường thì bất cứ vấn đề nào cũng có hai mặt: mặt trái và mặt phải; mặt nổi và mặt chìm; chiêu bài và thực chất; hoặc điểm và diện.
Bài viết “Chúng Tôi Không Phải Là Việt Kiều” (click đây)  của Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng (NĐT) chỉ dựa trên một mặt nổi của vấn đề nhưng đã bỏ qua mặt chìm. Mặt nổi đó là một khía cạnh pháp lý về quyền lợi của người có quốc tịch, thường được tô vẽ hoa hòe, nhưng chỉ là chiêu bài, không phải là thực chất. Nó chỉ là diện, là bề ngoài, không phải là điểm quan trọng để dựa vào đó mà phán đoán. Tốt hơn, chúng ta cần phải nhìn vấn đề từ cả hai mặt trước khi quyết định cách hành xử sao cho hợp với lý lẽ.

Bài viết này có mục đích trình bày một mặt khác, mặt thực của vấn đề. Và vấn đề đặt ra ở đây là việc khẳng định về thân phận, về cái giống người của chúng ta, những người đã vì hoàn cảnh phải xa lìa đất tổ để tiếp tục mưu sinh cho cuộc sống. Vậy chúng ta có còn là người Việt-Nam nữa không sau khi đã gia nhập một quốc tịch khác? Đối với tôi, như cái tựa của bài viết đã khẳng định rồi, rằng tôi xin mãi mãi được là người VN vì tôi phán đoán dựa trên thực chất chứ không trên cái nhãn hiệu bề ngoài.

Sau đây, tôi xin lần lượt biện minh qua các tiểu mục sau:
·         Nếu đã là thực chất thì không dễ gì thay đổi
·         Di hại của việc đồng hóa chế độ với quốc gia và dân tộc
·         Nếu tôi không còn là người Việt Nam
·         Kết luận

1.             Nếu đã là thực chất thì không dễ gì thay đổi

Là người Việt-Nam từ khi mới chào đời, và vì hoàn cảnh chính trị của đất nước, tôi đã vượt biên ngay giữa tháng 5 năm 1975 và được tị nạn tại Pháp. Khi rời VN vừa bước vào tuổi 21, tôi không nghĩ rằng lần ra đi này là đoạn tuyệt với mọi quá khứ. Ở Pháp một năm, tôi qua Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Trong những năm cuối cùng của thập niên 70, khi đang còn mài đủng quần tại University Of New Orleans, LA, anh chị em sinh viên VN chúng tôi thường chỉ quấn quít bên nhau, ít chịu  hội nhập ngay với xã hội mới. Mỗi lần gặp gỡ, tụ họp, chúng tôi thường ngóng cổ hỏi thăm tin tức về VN. Ở vào thời điểm đó, bang giao giữa Hoa Kỳ và VN chưa có nên tin tức chỉ đến từ những người sang sau. Chẳng có ai trong chúng tôi ý thức được rằng sẽ có ngày chúng tôi vĩnh viễn trở thành công dân Mỹ. Khi ra trường Kỹ sư Cơ khí vào năm 1982, tôi vẫn không tìm ngay được việc làm thích hợp. Những việc liên quan đến kỹ thuật cao thường đòi hỏi phải có quốc tịch Hoa Kỳ. Ngày nay, khi đã có quốc tịch và làm việc cho Bộ Quốc Phòng vài chục năm nay rồi, tôi vẫn nghĩ rằng tôi là người VN.

Thực vậy, nếu tôi là người Mỹ gốc Việt, thì đó chỉ là trên danh nghĩa, trong giấy tờ; vì thực chất dòng máu VN vẫn luôn luôn luân lưu trong con người tôi. Làm sao tôi có thể che giấu được thân phận da vàng mũi tẹt đối với các đồng nghiệp xung quanh tôi? Nhớ những lần đầu tiên gặp họ, sau một vài câu xã giao với cách phát âm còn nặng giọng VN, ai ai cũng đặt cho tôi cùng một câu hỏi, “where are you from?”, ngụ ý rằng họ không xem tôi là người Mỹ như họ. Tôi không phải ngại ngùng, e dè, nhưng nói ngay với họ rằng tôi là người VN, và dĩ nhiên ai ai cũng hiểu tôi phải có quốc tịch Hoa Kỳ.
Mỗi ngày tôi đi làm 8 tiếng, bao gồm hội họp, bàn thảo, làm việc nghiên cứu, viết các bài tường trình đúc kết những kết quả của các cuộc điều tra, hay viết emails, gọi điện thoại trao đổi về các vấn đề kỹ thuật… hoàn toàn xử sự như một người Mỹ. Lúc đó, tôi là người Mỹ gốc Việt. Ngược lại, khi về nhà, tôi chỉ nói tiếng Việt, đọc sách báo Việt, nghe nhạc Việt, ăn các món ăn VN, giao tiếp với các người bạn VN. Vậy tôi là người VN trong suốt 16 tiếng đồng hồ còn lại, cộng thêm 24 tiếng mỗi ngày cho cả hai ngày cuối tuần.

Nếu khi sinh ra đời tôi không có quyền tự do chọn lựa hình hài của người dân nước nào thì tại sao tôi phải từ chối điều mà tôi đã không có quyền lựa chọn? Có điều gì để phải xấu hổ đến mức độ công khai khước từ một định mệnh đã an bài? Tờ giấy quốc tịch chỉ là sự chứng nhận cho tôi được hưởng quyền lợi công dân của một đất nước, nhưng bù lại, tôi cũng phải có những bổn phận và nghĩa vụ đối với đất nước đó. Vì hoàn cảnh mưu sinh của cuộc sống, tôi đã chọn Mỹ. Nhưng cái nhãn hiệu bề ngoài hay thẻ quốc tịch trên giấy tờ không thể thay đổi hình hài mẹ VN đã cưu mang tôi, bao gồm cả phần thể xác lẫn tinh thần, những thực chất của con người VN. Và cái thực chất đó mới là điều quan trọng hơn cái nhãn hiệu, giấy tờ.

Nhưng tại sao vẫn có những người muốn chối bỏ cội nguồn, chẳng hạn như Tiến sĩ NĐT đã lên tiếng “Chúng Tôi Không Phải Là Việt Kiều”, hoặc ông giám mục Công giáo nọ lại cho rằng“Thật là nhục nhã khi cầm tờ hộ chiếu VN”, mặc dù ông giám mục vẫn hiện còn là công dân của nước VN? Có lẽ họ muốn phản kháng để thiên hạ biết rằng họ không phải là công dân của một chế độ hiện tại? Nhưng lý lẽ đó không vững, bởi vì chúng ta không thể đồng hóa một chế độ với một quốc gia và dân tộc. Chế độ hay chủ nghĩa chỉ là giai đoạn, luôn luôn biến đổi, nay còn mai mất; trong khi dân tộc và quốc gia thì mãi mãi trường tồn. Tôi cũng vẫn luôn luôn là người VN cho dù đất nước VN đang được cai trị bởi chế độ VNCH hay XHCNVN. Và tôi cũng dư biết rằng đất nước VN tôi là một quốc gia rất nghèo, có lịch sử 1,000 năm nô lệ giặc Tàu, 100 năm nô lệ giặc Tây, và còn “20 năm nội chiến từng ngày”. Có phải chỉ vì nghèo khó mà tôi thực lòng cam tâm chối bỏ thân phận làm người VN?

Danh từ “Việt kiều” được định nghĩa là người Việt-Nam cư ngụ ở nước ngoài, cho dù họ có đổi quốc tịch hay không. Người Cộng sản hay người Quốc gia thì trước tiên họ cũng vẫn là người VN. Chẳng ai xem “Việt kiều” là người VNCH hay người XHCNVN đang sống ở nước ngoài cả. Quốc tịch cho chúng ta quyền hạn pháp lý của một công dân, nhưng không thay đổi hình hài, máu mũ, và cả cái nền văn hóa đã hấp thụ bao năm qua từ khi mới chào đời, những bản chất đích thực bên trong của một nòi giống dân tộc, những thứ không dễ gì có thể thay đổi một sớm một chiều.
Chẳng hạn, ở Mỹ, khi ra đường, chúng ta bắt gặp một người có vóc dáng Tàu hay Ấn Độ, chúng ta vẫn thường gọi họ là người Tàu hay Ấn Độ, chẳng ai gọi họ là người Mỹ gốc Tàu hay gốc Ấn Độ cả. Nếu có thì cũng chỉ có trên giấy tờ, không phải trong thực tế của cuộc sống hằng ngày. Và, dĩ nhiên, họ cũng đối xử với người VN chúng ta như vậy. Chúng ta thấy có nhiều phố Tàu (China Town), nhưng tuyệt đối chúng ta chưa thấy phố Mỹ gốc Tàu bao giờ cả. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Nếu mai này có phải di cư qua Pháp và vì hoàn cảnh cần phải thay đổi quốc tịch thì tôi cũng là người Pháp gốc Việt, không phải là người Pháp gốc Mỹ, cho dù hiện tại tôi đang là công dân Mỹ.

Còn đối với người VN ở quốc nội, dù chúng ta là những người Mỹ hay người Pháp gốc Việt thì họ cũng cứ gọi chúng ta là Việt kiều, một danh từ đã có từ rất lâu đời, trước rất xa biến cố 30/4/1975, để chỉ tất cả những người VN đang sống ở ngoại quốc, bất kể tình trạng pháp lý của họ như thế nào. Dù chúng ta đã có quốc tịch mới hay chỉ là những thường trú nhân, chưa có thẻ quốc tịch, ăn ở nước ngoài hợp pháp hay không hợp pháp, thì họ cũng vẫn gọi chúng ta là những Việt kiều, chẳng chạy đi đâu được. Như vậy, dựa vào lỹ lẽ nào để có thể chối bỏ một sự thực đã có từ ngàn đời như Tiến sĩ NĐT đang làm, rằng “Chúng Tôi Không Phải Là Việt Kiều”?
Chúng ta hãnh diện mình là người Mỹ gốc Việt, từ chối thân phận làm người VN, nhưng đã ở Mỹ gần 40 năm rồi mà vẫn còn rất nhiều người trong chúng ta chưa nói được tiếng Mỹ để hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ. Qua vụ bão Katrina ở New Orleans, LA, tình trạng không nói được tiếng Mỹ này đã được phàn nàn nhiều bởi các cơ quan chức năng chính quyền khi họ cố gắng giúp đỡ những nạn nhân người Mỹ gốc Việt.

Tác giả Trần Bình, trong bài “Gửi Các Bạn Hải Ngoại” được ông tuyen do [tonguyenviet@yahoo.com] đưa vào diễn đàn ngày22/3/2014, viết:
Có một sự việc đáng buồn nhưng ít ai biết từ mấy chục năm qua, đến gần đây mới lộ ra. Ở New Orleans, US, nếu không có cơn bão Katrina vừa rồi, thì đâu có ai biết là rất nhiều người Việt định cư ở New Orleans không biết nói tiếng Anh và không thể tiếp xúc với Cảnh Sát khi có việc cần. (đây là những người qua đây từ 1975 đã có cơ nghiệp vững vàng, chứ không phải những người mới qua).
Ở những nơi tập trung đông người Việt như California, Georgia, Texas, và vùng Washington DC, mọi giao dịch đều dùng tiếng Việt, kết quả là trình độ ngoại ngữ của người Việt rất kém.” (Hết trích).
Như vậy, chúng ta vẫn là người VN trong thực chất, không thể chối cãi được, cho dù chúng ta có nhập tịch để là công dân của một quốc gia khác trong giấy tờ.

2.             Di hại của việc đồng hóa chế độ với quốc gia và dân tộc

Sự đồng hóa một chế độ với một quốc gia và dân tộc một cách lầm lẫn như đã bàn ở trên sẽ đưa đến những cách thức hành xử nguy hại cho quyền lợi của quốc gia và dân tộc, vô tình biến chúng ta thành những tội đồ của dân tộc VN. Nhiều khi chúng ta nhân danh việc chống Cộng, tưởng là chúng ta đang chống một chế độ, nhưng thực ra là chúng ta đang chống lại quyền lợi của quốc gia và dân tộc VN chúng ta.

Khi toàn dân cả nước đang cố gắng làm sao cho dân giầu, nước mạnh, bằng cách hội nhập vào cộng đồng quốc tế, và khi toàn thể các quốc gia trên thế giới muốn bang giao, làm bạn, hợp tác, làm ăn với VN, kể cả tòa “thánh” Vatican, thì người VN ở hải ngoại cứ lo loay hoay chống họ. Chúng ta chống Mỹ bang giao với VN, chống VN gia nhập Liên Hiệp Quốc, chống VN được là thành viên của Ủy Ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, chống thế giới làm ăn với VN, chống VN xuất cảng hàng hóa ra ngoại quốc, chống du lịch về VN, chống cả việc làm từ thiện, giúp đỡ dân nghèo trong các vụ thiên tai, bão lụt ở VN… nhưng kết quả của những thứ chống đó chỉ làm hại đến quyền lợi của quốc gia và dân tộc, làm chính đất nước và anh em bà con ruột thịt của chúng ta muôn đời nghèo đói vì bị cô lập, ở vào thế bế quan tỏa cảng như Bắc Hàn, chứ không thể đoạt được quyền lực đang trong tay của một chế độ. Những kẻ đang làm nguy hại đến quyền lợi của quốc gia và dân tộc đều là những tội đồ hay kẻ thù của quốc gia và dân tộc, cho dù họ núp dưới chiêu bài Quốc gia hay Cộng sản.


Mà thực ra, chúng ta chống Cộng chỉ là trên danh nghĩa, chúng ta chống nhau mới là bản chất đích thực của vấn đề. Cứ mỗi khi muốn chống ai trong việc làm ăn hay tranh dành chức vụ thì việc đầu tiên chúng ta đội cho họ cái nón cối Cộng sản, rồi sau đó tha hồ thoải mái tự do tố Cộng mà chẳng cần phải chứng minh họ là Cộng sản. Bao nhiêu tội lỗi của Cộng sản từ trước tới nay được vô tư đổ lên đầu các đối thủ, nhưng chẳng bao giờ chúng ta tự hỏi rằng họ đã làm gì, ngoài sự khác biệt một ý kiến, một quan điểm, một nhận thức về cùng một vấn đề. Có thể khẳng định mà không sợ nói quá đáng rằng có hơn 95% những ý kiến được phát tán hằng ngày trong các diễn đàn công cộng của người Việt hải ngoại là để chửi bới và mạt sát giữa những người Việt Quốc gia với nhau. Bây giờ thì lại có bài của tác giả Trịnh Viết Bắc với nội dung tố ngược ở ngay tựa đề “Chính “Việt Kiều” tỵ nạn cộng sản đã giúp đỡ cộng sản!”.

Cái nghị quyết 36 của Cộng sản tự nhiên trở thành một lý do để chúng ta biện minh cho việc chống nhau, cứ làm như Cộng sản có thuộc tính toàn năng của Thượng đế, luôn luôn núp sau những đối thủ đang chống phá chúng ta. Ngay cả những tội lỗi, bê bối, đã có từ ngàn xưa, của các ông bà chuyên nghề buôn thần bán thánh cũng được đổ lên đầu người Cộng sản. (Nguồn: Nghề Đi Tu - Cộng Sản Không Phải Là Thần Thánh:http://sachhiem.net/index.php?content=showrecipe&id=5915 ). Tại sao chúng ta không thể can đảm mở rộng mắt ra để nhìn thấy Lỗi Tại Chúng Ta Mọi Đàng? Vì chúng ta cứ lo chụp mũ, đổ tội cho Cộng sản để chạy quanh như vậy nên xung quanh chúng ta chỉ còn toàn là Cộng sản. Nếu Cộng sản có thuộc tính toàn năng thần thánh như chúng ta đang xưng tụng thì chúng ta lấy gì để thắng họ?

3.             Nếu tôi không còn là người Việt Nam

Có một hệ lụy nghiêm trọng khác khi chúng ta từ chối mình là người VN, đó là chúng ta cũng đương nhiên từ chối thân phận người Việt Quốc gia của chúng ta, nếu còn muốn gọi là người Việt Quốc gia. Bởi vì “Chúng Tôi Không Là Việt Kiều”, vậy còn lý do gì để tự nhận mình là người VN tranh đấu cho quyền lợi của dân tộc và quốc gia VN? Và có mấy người VN tị nạn chính trị từ năm 1975 tới mãi giờ này vẫn chưa vào quốc tịch để còn được gọi là người VN? Nhưng khổ một điều, chỉ có chúng ta, những người VN còn nặng lòng với quê hương và dân tộc, mới thực sự thương yêu đất nước và dân tộc VN.
Nếu chúng ta cứ tưởng mình thực sự là những người Mỹ thì tại sao chúng ta không bắt chước hành xử như người Mỹ, họ đang xem dân tộc VN như những người bạn, mặc dù trong quá khứ đã có một thời là những kẻ thù của nhau? 


Khi Ngoại trưởng John Kerry đến thăm VN vào tháng 12 năm 2013, ông đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ tăng thêm viện trợ 32,5 triệu đô để giúp các quốc gia Đông Nam Á bảo vệ chủ quyền biển, và để bảo đảm quyền tự do hàng hải. Riêng Việt Nam sẽ nhận thêm 18 triệu, kể cả 5 tàu tuần tiểu cao tốc cho Hải Quan Việt Nam. Với sự giúp đỡ từ phía Hàng Hải Hoa Kỳ này, số tiền viện trợ sẽ lên đến hơn 156 triệu trong vòng hai năm cho vùng Đông Nam Á. (Nguồn: Kerry announces new US maritime security aid to Vietnam amid China tensions, pushes reforms)
Như vậy, nếu tôi là người Mỹ làm việc cho bộ Quốc Phòng thì đương nhiên tôi phải trung thành với chính sách ngoại giao của quốc gia đang cưu mang tôi và gia đình tôi. Và chính sách hiện nay của Hoa Kỳ là hợp tác song phương ở nhiều lãnh vực, bao gồm kinh tế, chính trị, quân sự, xã hội, văn hóa, giáo dục, tôn giáo… cho sự lợi ích của cả hai bên. 

Tiến sĩ NĐT khẳng định rằng “Chúng tôi không là Việt kiều. Chúng tôi là người Mỹ gốc Việt,…” Rồi ông giải thích thêm: “Cái gốc Việt ấy cho phép chúng tôi lên tiếng về các vi phạm nhân quyền và một số vấn đế khác nữa ở Việt Nam.” Nhưng thưa ông Tiến sĩ, bất cứ ai ở Mỹ, chẳng cần phải có cái gốc gác VN như ông đang đòi hỏi, cũng đều có quyền “lên tiếng về các vi phạm nhân quyền và một số vấn đế khác nữa ở Việt Nam”. Chẳng có ai ở một đất nước có tự do ngôn luận như ở Mỹ có thể cấm đoán và bịt miệng ông Tiến sĩ. Vậy chúng ta không nên phàn nàn hay xử sự dựa trên một điều gì không bao giờ có thực. Một điều không thực thì chẳng có thể là lý do để ông dùng biện minh có tính thuyết phục điều ông vừa khẳng định.

4.             Kết luận

Thế giới càng ngày càng bé nhỏ, nhất là ở thời điểm có thông tin điện tử và trao đổi toàn cầu. Nếu không thể loại trừ nhau thì chỉ còn có mỗi một cách duy nhất là sống chung hòa bình với nhau. Không phải chỉ có chiến tranh mới có thể làm thay đổi lịch sử. Lịch sử chứng minh cho chúng ta thấy rằng đã có biết bao cuộc chiến tranh rồi, nhưng sau mỗi một cuộc chiến, chúng ta lại tiếp tục chung sống với nhau. Ngày nay, chúng ta đang sống chung với những kẻ đã gây ít nhất 7 cuộc thánh chiến, những kẻ đã xưng thú 7 núi tội ác đối với đồng loại; chúng ta cũng đang làm bạn với những người Đức quốc một thời hủy diệt toàn dân Do thái; chúng ta cũng đang làm bạn với các quốc gia Cộng sản có một thời gia nhập Liên Bang Xô Viết gây biết bao tội ác cho nhân loại; và chúng ta cũng đang làm bạn với các quốc gia thực dân Pháp và Nhật Bản một thời đã xâm chiếm đất nước của chúng ta. Lấy oán trả oán, oan oan tương báo cứ chồng chất, chẳng bao giờ chấm dứt.

Đối với tôi, có một cuộc chiến quan trọng và trường kỳ kể từ khi có con người, đó là một cuộc chiến giữa thiện và ác; giữa những điều sai lầm, mê tín dị đoan và các chân lý; giữa tinh thần cực đoan cuồng tín giáo điều và lòng bao dung chấp nhận những quan điểm đối nghịch; giữa độc tài và tự do; giữa tham nhũng, bất công và công lý, v/v… mà vấn đề chủ nghĩa hay chế độ chỉ là một trong những biểu hiệu của cuộc chiến. Đó là một cuộc chiến mà tôi nghĩ bất cứ người trí thức nào cũng không thể từ chối dự phần. Chẳng cần phải khẳng định cương vị của một người dân nước nào thì tôi cũng có thể tham gia trận chiến trong khả năng và hoàn cảnh giới hạn của cá nhân tôi.
Nhưng có một điều tôi biết chắc chắn rằng chẳng bao giờ tôi muốn là một “chiến sĩ” chỉ biết chống Cộng bằng cách trùm mền hô xung phong ở thời điểm mà chủ nghĩa Cộng sản chỉ còn là một xác chết thuộc về lịch sử. Một thái độ cực đoan tương tự như kiểu “it’s my way or the highway” không phải là thái độ thích hợp mà tôi cần phải theo đuổi.

Năm xưa, tướng quân Trần Bình Trọng khẳng định rằng, “thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Quan niệm này chỉ trình bày được cái mặt lý tưởng cực đoan nhưng bỏ qua cái mặt thực tế và thực dụng của vấn đề. Ngày nay, tôi thà làm vương đất Bắc, bởi vì ở thời điểm chính trị, kính tế hội nhập toàn cầu này, với quyền thế của một ông vua, tôi có thể giúp đỡ quốc gia và dân tộc VN tôi dễ dàng hơn là từ vị thế của một thằng quỷ, cho dù là thằng quỷ của nước Nam. Do vậy, tôi sẽ sẳn sàng nhập một quốc tịch mới để có cơ hội phục vụ hiệu quả hơn, trong sự giới hạn của khả năng và hoàn cảnh, cho dân tộc và quốc gia VN nói riêng, và cho cộng đồng nhân loại nói chung. 

Dù sao chăng nữa, hình hài do mẹ VN cưu mang và dòng máu tiên rồng trong con người tôi không thể thay đổi, nay còn mai mất. Vậy tôi xin mãi mãi được là người VN, cho dù không còn trên danh nghĩa giấy tờ. Là người VN trong thực chất, tôi chẳng phải là người của riêng chế độ nào, nhưng chỉ là con dân của nước Việt, một quốc gia của tổ tiên dân tộc tôi. Chế độ hay chủ nghĩa thì chỉ là giai đoạn, còn dân tộc và quốc gia thì mãi mãi trường tồn.

Trần Tiên Long
Havelock, NC
March 23, 2014