Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014


THUNG LŨNG CHÙA THÁP

Ngọc Bảo


Trên hòn đảo Oahu của Hawaii, từ thành phố Honolulu đi lên phía bắc một chút có một nơi gọi là "Thung Lũng Chùa Tháp" (Valley of the Temples). Chúng tôi đi về phía ấy để đến thăm một ngôi chùa nổi tiếng của Nhật Bản, gọi là chùa Byodo-In (Bình Đẳng Viện). Ngôi chùa này là bản sao của ngôi chùa chính ở Uji, gần Kyoto, đã được Liên Hiệp Quốc phong tặng cho danh hiệu "Di sản văn hóa của thế giới".  Càng đi xa khỏi chốn phồn hoa đô hội của Honolulu, không khí càng trong mát hơn. Hai bên đường cây cối xanh rì, xen lẫn trong đó là những loại cây nhiệt đới, gợi nhớ đến hình ảnh ở Việt Nam. Phong cảnh ở đảo núi và biển đi liền với nhau, một bên là dãy núi thấp với mây mờ bao phủ trông thật huyền ảo, một bên là biển xanh sóng vỗ rì rào. Theo chỉ dẫn của chiếc máy chỉ đường GPS, chúng tôi đến đúng địa chỉ đang tìm. Nhưng chẳng thấy chùa tháp đâu cả, chỉ là cửa vào của một nghĩa địa. Đi lầm đường chăng? Không thể nào! Nhưng tại sao đây lại là nghĩa địa? Nhìn lại cổng vào, thấy rõ hàng chữ ghi đậm: Thung Lũng Chùa Tháp. Thì ra đó chính là tên của nghĩa địa!

            Không còn cách gì hơn, chúng tôi lái xe thẳng vào trong. Con đường ngoằn ngoèo đi qua những nấm mồ san sát, với những bia mộ đủ kiểu, đủ cỡ dựng lên, thay vì nằm sát xuống sân cỏ như ở California.  Và ở cuối đường, dưới con dốc thoai thoải, đi về sát chân núi là một chiếc cầu mầu đỏ, với mái ngói cong của một ngôi chùa hiện lên!  Nơi bãi đậu xe thấp thoáng bóng người với vài chiếc xe bus cho tour du lịch. Vậy là chúng tôi đã đến được nơi muốn đến!

            Đi qua chiếc cầu cong, phong cảnh trước mắt như đưa tôi trở về lại Kyoto Nhật Bản. Ngôi chùa được xây cất theo đúng kiểu của ngôi chùa chính, với cây cảnh khuôn viên phối trí mỹ thuật bên một bờ hồ tĩnh lặng.  Hàng cây cao rủ bóng bên lạch nước trong veo uốn khúc, những con cá koi đủ mầu bơi lội phía dưới.  Bên bờ nước, những con chim nhỏ từ đâu xà xuống, ríu rít đón nhận những thức ăn do du khách rải cho. Ở gần thác nước nhỏ, vài con công dại rũ cánh khua vang.  Khung cảnh ảm đạm của nghĩa địa đã biến mất để nhường chỗ cho một không gian thật yên bình tươi mát.  Trên con đường đi vào chánh điện có một tháp chuông thật lớn để du khách có thể tự do đánh lên. Giữa phong cảnh huy hoàng tráng lệ, tiếng chuông đại hồng ngân nga trầm hùng như đánh động tâm hồn, đưa người xa rời chốn trần ai hệ lụy mà đi vào cõi an bình.  Mỗi lần tiếng chuông ấy đánh lên, phải chăng không chỉ thức tỉnh những người đang sống, mà còn cả những linh hồn đang phiêu bạt ở những cõi nào khác ?  


Chùa Byodo-In và gác Đại hồng chung trong Thung lũng Chùa tháp tại Hawaii

Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm
Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới
Khắp nơi u tối mọi loài nghe
Siêu nhiên vượt thoát vòng sinh tử
Giác ngộ tâm tư một hướng về.

Chánh điện khá nhỏ hẹp, chỉ có một bức tượng A Di Đà bằng đồng khá lớn, trông cũng uy nghi. Tuy nhiên ngôi chùa này không phải là nơi thờ phượng, cũng chẳng là nơi tu tập. Tất cả chỉ là cái vỏ đẹp đẽ cho mục đích du lịch và những dịch vụ tang ma, cưới hỏi nhiều hơn.  Phải chăng đạo Phật ở đây đã thoái hóa đến tận cùng chăng?

            Nhưng có lẽ không hẳn là như vậy. Ngôi chùa không có Phật, cũng chẳng có tăng.. nhưng khung cảnh  ở đây cũng có thể đưa người ta đến một cảnh giới an bình, tiếng chuông đại hồng ngân vang cũng có tác dụng nào đó để đánh thức tâm hồn. Những người đã xây dựng nên ngôi chùa này, hẳn phải có một mục đích nào đó sâu xa hơn chỉ là lập nên một phong cảnh du lịch. Vì sao xây dựng một ngôi chùa nguy nga như vậy trong lòng nghĩa địa? Còn gì thức tỉnh con ngưòi bằng sự đối diện với cái chết trước mặt. Thế thì trong phong cảnh u tịch của những nấm mồ, lại có một cảnh giới yên bình đẹp đẽ như cõi Tịnh Độ, chẳng phải đó là một bài pháp vô ngôn sao. Tuy không có một lời nói pháp, nhưng ngôi chùa Byodo-In ở đây có lẽ cũng độ sanh ngay ở trong lòng nơi độ tử vậy.
  
            Khuôn viên của một ngôi chùa đóng vai trò rất quan trọng, vì phong cảnh thanh tịnh có thể làm cho tâm hồn khách vãng lai trở nên an bình, và cũng nói lên phần nào tâm của người đã tạo lập ra cảnh vườn ấy.  Nhật Bản nổi tiếng với những vườn cảnh ngoạn mục đưa người ta trở về với thiên nhiên, với sự sắp xếp khéo léo hài hòa của cây, đá và nước.  Nổi tiếng nhất là vườn thiền của một số chùa, trong số đó độc đáo nhất là vườn đá ở Long An Tự  (thạch viên).  Vườn đá không có cây, không có hoa, chỉ là một sân cát sỏi trắng trên đó rải rác vài tảng đá nằm trên đám cỏ rêu. Trên sân cát sỏi ấy, các vị sư dùng cào rạch lên những đường thẳng đều nhau, uốn quanh những tảng đá, trông như những hòn đảo nằm giữa đại dương mông mênh. Ý nghĩa sâu xa của vườn đá này là "chân không diệu hữu" , là sự vận hành của sự sống, trong đó bản chất của mọi sắc tướng chính là không, và không cũng chính là sắc tướng  - sắc tướng chẳng khác gì không, và không cũng chẳng khác gì sắc tướng (kinh Bát Nhã).           


Vườn Zen trong một ngôi chùa tại Kyoto

  Có một câu chuyện thiền của Nhật Bản về vườn cảnh như sau:

Một vị sư được giao quản lý khu vườn của một ngôi chùa nổi tiếng là có khuôn viên đẹp. Vị sư này rất thích làm vườn, nên công việc này hoàn toàn thích hợp với ông. Cạnh ngôi chùa của ông có một ngôi chùa khác nhỏ hơn, trong đó có một thiền sư đã già sống một mình. Vị sư thường qua lại thăm nom thiền sư già, vì ông này không có thị giả bên cạnh.

Một hôm, nghe nói có người khách quan trọng đến viếng chùa, vị sư bỏ hết buổi sáng ra làm vườn cho thật hoàn hảo. Ông thu vén hết lá rụng, tưới nước trên cỏ rêu cho mướt, rải một ít hoa nơi chỗ thích hợp. Rồi ông đứng ngắm nghía khu vườn, đầy vẻ hài lòng. Thiền sư già đứng bên kia hàng rào, theo dõi tất cả một cách thích thú. Vị sư hỏi:

- Thầy thấy đẹp không? Con trang trí lại trông cứ y như là cảnh vườn của các vị tổ ngày xưa vậy
Thiền sư già gật đầu:
 - Đẹp lắm, nhưng vẫn còn thiếu sót một điều gì ấy. Con đem ta qua bên ấy, ta sẽ sửa lại cho.
Vị sư ngần ngại một chút nhưng rồi cũng phải chiều ý, đưa thiền sư già qua vườn. Vừa bước vào vườn, ông già đi từ từ lại một gốc cây ở trong một khu đá và cỏ rêu sắp xếp thật hài hòa. Lúc ấy vào mùa thu, lá chết rất nhiều. Thiền sư đứng dưới gốc cây lay mạnh - thế là lá vàng rụng tứ tung, bay rải rác khắp nơi trong khu vườn vừa được dọn sạch ngăn nắp.  


           Vì sao thiền sư già lại làm như vậy? Có lẽ đó là một cách để phá chấp sự vướng mắc quá nhiều của vị sư kia trong ước muốn làm cho khu vườn ấy được toàn hảo. Cái đẹp không chỉ tìm thấy trong sự toàn hảo, mà cũng ở nơi bất toàn hảo - vì cái đẹp thực sự không ở nơi hình tướng, mà ở nơi tâm hồn.  Ngay trong chỗ khiếm khuyết, chỗ bất toàn cũng có cái đẹp, đó chính là nét đẹp muôn mầu muôn vẻ trong pháp giới kỳ diệu của chúng ta.
 
          Tuy nhiên, cỏ cây gỗ đá chỉ là vật vô tình, một ngôi chùa quan trọng nhất là phải có Phật.  Phật không phải ở nơi mấy bức tượng, mà do công đức hoằng pháp và nguyện lực của tăng chúng. Vị sư trụ trì là linh hồn của ngôi chùa, gánh vác trách nhiệm một người con trưởng của Như Lai. Không gian trong một ngôi chùa là môi trường thấm thấu, tiếp nhận và lan tỏa năng lượng của đạo lực cũng như công phu tu trì trong ngôi chùa đó. Khách đến chùa khi ở trong không gian đó tự nhiên sẽ bị thu hút trong từ trường của đạo lực ấy, và cảm nhận sự biến chuyển nào đó trong tâm.

         Người ta thường nói: "Phật tại tâm, đâu cần phải đến chùa mới thấy Phật?" Điều đó rất đúng, nhưng nếu tâm còn vô minh thì làm sao thấy Phật trong đó được. Giống như bộ mặt của ta lúc nào cũng có ở đó, nhưng nếu không có gương thì làm sao chúng ta thấy bộ mặt của mình được. Giáo lý của Đức Phật và sự tu tập theo hướng dẫn của các bậc thầy là phương tiện cho ta có thể tìm thấy cái gương để soi chiếu được bộ mặt bản lai của mình, để được an bình và giải thoát. Thật tai hại biết bao nếu người hướng dẫn lại đi sai đường!

         Có một giai thoại đặc biệt về Thiền sư Hoàng Bá như sau. Khi Hoàng Bá đến ẩn cư tại ngôi chùa Khai Nguyên, có một vị đại quan của nhà Đường là tướng quốc Bùi Hưu đến thăm chùa. Vị sư trụ trì tiếp đãi rất long trọng. Khi tới nhà Tổ thấy hình các vị cao tăng treo trên vách, Bùi Hưu muốn thử sức trụ trì,  mới hỏi rằng:

 - Hình Cao tăng ở đây, mà cao tăng ở đâu?

Sư trụ trì không trả lời được, Bùi Hưu mới hỏi tiếp:
- Trong đây có vị thiền sư nào không?

Trụ trì nói:
- Có người mới tới, trông có vẻ như thiền sư.

Bùi Hưu bảo:
- Xin mời vị đó ra đây dùm.

Sư trụ trì mới mời Hoàng Bá ra. Thấy ngài, Bùi Hưu thưa:
- Khi nẫy, tôi có một câu hỏi Hòa thượng trụ trì, nhưng ngài tiếc lời không đáp, nay xin hỏi thiền sư: "Hình cao tăng ở đây mà cao tăng ở đâu?"

Ngài Hoàng Bá cất cao giọng gọi:
Bùi Hưu!

Bùi Hưu giật mình đáp:
- Dạ!

Ngài Hoàng Bá hỏi:
- Cao tăng ở đâu?

Ngay đó, Bùi Hưu ngộ được câu trả lời.

           Một ngôi chùa có cao tăng là có Phật. Nhưng ta không thể tìm Phật nơi cao tăng, mà phải tìm Phật ngay nơi tự thân mình. Người có thể dùng phương tiện khéo, tùy duyên mà khai thị và hóa độ được cho tất cả mọi người thấy được Phật của mình, không phân biệt căn cơ trình độ,  mới gọi là cao tăng.
  
          Hiện nay, có phong trào xây chùa ở Việt Nam cũng như trong cộng đồng Việt ở hải ngoại. Điều đó là một dấu hiệu tốt, nhưng không có nghĩa là đạo Phật đang hưng thịnh. Trong một số triều đại xưa ở Trung Hoa, chùa chiền được xây lên rất nhiều, người xin vào chùa tu thật là đông đảo đến nỗi phải qua kỳ thi tuyển, thế nhưng phần lớn những hiện tượng đó chỉ là những hình thức trống rỗng, một cách "mua phước" của những người có quyền uy trong triều- khi triều đại sụp đổ thì những chùa chiền đó cũng sụp đổ theo.  Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma khi vừa từ Ấn Độ qua đến miền Nam Trung Hoa, được vua Lương Vũ Đế thỉnh vào cung hỏi rằng: 

- Trẫm từ khi lên ngôi tới nay xây chùa độ tăng vô số kể, in kinh hành thiện không ngừng, xin hỏi như vậy được công đức gì?

          Đạt Ma trả lời: 
- Chẳng có công đức gì hết.

         Lương Vũ Đế tức giận hỏi: 
- Vì sao?

         Đạt Ma trả lời: 
- Vì tất cả chỉ là hình tướng hữu vi. Công đức thực sự là trí tuệ chứng ngộ được thực tướng vô tướng, bản lai vốn không tịch, viên minh vi diệu. Công đức ấy không thể đem hình tướng mà cầu lấy được.

         Vẫn biết chùa là một phương tiện cần thiết để hoằng pháp, nhưng đôi khi trong một số trường hợp, ngôi chùa lại được tôn lên thành cứu cánh biện minh cho những hoạt động có tính cách thế gian, hơn là những nỗ lực tu tập và xiển dương chánh pháp để tự độ độ tha, tự giác giác tha.  

         Đạo Nguyên là một đại thiền sư của Nhật Bản, đã sáng lập giòng thiền Tào Động tại Nhật. Khi còn trẻ, ngài đã vượt bao sóng gió hiểm nguy để qua Trung Hoa tìm thầy học đạo. Lúc bấy giờ Trung Hoa đang ở trong triều đại nhà Tống. Đạo Nguyên đến một ngôi chùa danh tiếng, vào đảnh lễ nói lời thỉnh nguyện cầu đạo. Sư trụ trì nói:

            - Con đang trên đường tìm đạo, điều đó tốt lắm. Nhưng con phải biết rằng trong sự tu tập đạo Phật không nên dựa vào một người thầy, mà phải dựa vào chính tự thân mình để giác ngộ. Đó là điều sư phụ của ta đã dạy cho ta. Thôi, bây giờ ta bận công việc phải đi gặp giới quan quyền đây. Điều này rất cần thiết để giúp hộ trì cho nhà chùa đó.  Rồi con sẽ hiểu.

            Đạo Nguyên thưa:
            - Bạch thầy, con biết điều đó cần thiết để giúp hộ trì cho nhà chùa, nhưng...
            - Nhưng sao?
            - Nhưng không biết điều đó có giúp hộ trì cho Phật Pháp không? 

          Sư trụ trì nghe vậy đổi sắc mặt, bỏ đi một nước.

          Trong Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận, Đức Phật nói rằng trong thời mạt pháp, có "lục sư ngoại đạo",  mang tướng là sư nhưng ở chùa làm việc bại hoại, hủy báng pháp Phật, phỉnh gạt người đời. Đó gọi là những loài ma ba tuần hiện thân để phá hoại đạo Phật.  Có những ngôi chùa được dựng lên để buôn thần bán thánh, lợi dụng lòng mê tín dị đoan của dân chúng để biến chùa thành một cơ sở kinh doanh nhiều hơn là một cơ sở hoằng pháp. Vì vậy Phật tử phải sáng suốt minh mẫn, biết nhận xét các hoạt động trong chùa xem có hợp với chánh pháp hay không.  Gotami là nhũ mẫu của Đức Phật, đã nuôi nấng thái tử Tất Đạt Đa từ nhỏ đến khôn lớn, sau này được Đức Phật cho phép xuất gia. Bà đã học từ Đức Phật những lời khuyên như sau:

        " Này Gotami, nếu pháp tu nào đưa đến khát vọng mong cầu, ngã mạn, ưa thích chốn phồn hoa náo nhiệt, không làm cho an vui, không gợi lên niềm tôn kính, không làm cho tinh tấn và có trí tuệ đạo hạnh, pháp tu ấy không phải là Chánh Pháp, không phải là Giới Luật của Như Lai.

        Còn bất luận pháp tu nào không đưa đến khát vọng mong cầu, không ngã mạn, làm cho an vui, ưa thích nơi yên tĩnh thanh tịnh, gợi lên niềm tôn kính, làm cho tinh tấn và có trí tuệ đạo hạnh, thì đó đúng là Chánh Pháp, là Giới Luật của Như Lai."

        Đức Đạt Lai Lạt Ma, trong tinh thần cởi mở và thức thời, đã nói như sau  về vấn đề xây thêm chùa trong thế kỷ 21: "Tôi không đặc biệt khuyến khích xây thêm chùa chiền hay tu viện, tôi muốn thấy một trung tâm giáo dục nhiều hơn, và ở đâu cũng có thể có một ngành học chuyên biệt về đạo Phật, đạo Lão cũng như những lý thuyết đạo đức thế gian. Gần đây tôi mới nói với những người ở Ladakh rằng họ phải nhắm đến việc biến những tu viện của họ thành những trung tâm học hỏi nhiều hơn."  Phải chăng Đức Đạt Lai Lạt Ma muốn ngụ ý rằng nên giảm bớt sự tập trung vào những hình thức cúng tế lễ nghi cổ truyền mà phải trau dồi kiến thức nhiều hơn, để có thể đưa đạo vào đời một cách thích hợp hơn với thời đại ?

         Kể từ đầu thế kỷ 20, khi người Nhật và người Hoa bắt đầu di dân sang Mỹ, chùa chiền cũng bắt đầu được dựng nên tại nơi định cư mới, nhưng theo thời gian, các ngôi chùa khởi thủy này đã mai một dần và gần như mất hẳn.  Tuy nhiên, trong những thập niên cuối của thế kỷ 20 cho đến ngày nay, đạo Phật đã phát triển vượt bực ở  nước Mỹ, có lẽ phần lớn nhờ vào sự phổ biến của mạng lưới internet và phương tiện truyền thông tân tiến.  Mặc dù những cơ sở hoằng pháp vẫn còn rất ít, nhưng vì không phải vướng mắc trong những nghi thức cúng lễ cổ truyền như các nước Á Châu, người Âu Mỹ đã đi thẳng vào những điểm tinh túy trong triết lý đạo Phật và lựa lọc trong đó những pháp môn tự lực như tu thiền để áp dụng vào đời sống. Trong tinh thần đó, Phật pháp đã từ từ thâm nhập vào nền văn hóa của xã hội Âu Mỹ trong những bước âm thầm mà vững chắc.

        Nhưng mặc dù thời thế đã thay đổi, khi thế hệ thứ nhất của những người Việt di dân không còn nữa, những ngôi chùa đang được xây dựng hiện nay theo truyền thống Việt Nam liệu có thích nghi được với môi trường mới và vượt qua được những thách đố của thời đại để thường tồn không, hay cũng rơi vào số phận những ngôi chùa khởi thủy của người Nhật, người Hoa trước kia?  

        Điều đó chỉ có thời gian mới trả lời được. Dầu gì, tất cả cũng chỉ là nhân duyên mà thôi.  Nhưng dù cho những ngôi chùa có thường tồn hay mất đi, Phật giáo có phát triển hay suy vi,  Pháp Phật bao giờ cũng còn đó, hiện diện khắp nơi trên thế giới này, bất sinh bất diệt, bất tăng bất giảm, dù có người biết đến hay không biết đến.  Lại nhớ đến Thung Lũng Chùa Tháp, đến ngôi chùa Byodo-In ở Hawaii, tuy không thực sự là một ngôi chùa, nhưng khi thấy tượng Phật A Di Đà, khi nghe tiếng chuông đại hồng ngân vang, cũng để lại trong lòng người một chút gì đó.
         
Ngọc Bảo
Tháng 1, 2014




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét