Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014


"QUYỀN LÀM CHỦ CỦA NHÂN DÂN"

Cao Huy Thuần



            Từ đầu năm đến nay, nghĩa là từ khi có Thông điệp đầu năm của thủ tướng, nở rộ lên trên mạng nhiều bài viết và nhiều lời tuyên bố đề cao dân chủ, trong đó "quyền làm chủ của nhân dân" phất phới như một ngọn cờ tiên phong. Ai mà không thấy hồ hởi phấn khởi trước một khí thế bùng lên như vậy? Vận hội mới như đang hiện ra trước mắt. Dân chủ như bình minh chợt sáng ở chân trời. Thế nhưng, phải đón nhận thế nào đây khái niệm "quyền làm chủ của nhân dân"? Rằng hay thì thật là hay, nhưng cũng phải coi chừng để nó đừng trở thành một khẩu hiệu rỗng như bao nhiêu khẩu hiệu đã từng nghe từng thấy. Phân tích nội dung của nó một cách chi li, mong rằng đó không phải là việc làm gàn dở của một anh đồ nho ngồi chẻ sợi tóc làm tư.

            Dù biện minh thế nào đi nữa, khó mà chối cãi rằng khái niệm "quyền làm chủ của nhân dân" đã xuất phát từ hiến pháp 1980 dưới ngôn từ"quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động". Điều 2 của hiến pháp ấy nói: "Sứ mệnh lịch sử của nhà nước là thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động". Điều 3 hùng hồn hơn: "Nhà nước bảo đảm... chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, làm chủ trong phạm vi cả nước, từng địa phương, từng cơ sở, làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân". Ngày nay, ta bỏ chữ "tập thể" và chữ "lao động" đi vì đã quá lỗi thời, nhưng, đứng về mặt khái niệm, hãy coi chừng, cháu chắt và tổ tiên ấy cùng chung máu mủ. Xin phân tích.

            Trước hết là hai chữ "làm chủ" trong "quyền làm chủ". Làm chủ là gì? Có người trả lời: là tự mình quyết định vận mệnh của mình. Nếu có ai vặn lại: thế nào là tự mình quyết định vận mệnh của mình?, lại sẽ có lắm câu trả lời khác nhau, lại sẽ lý luận ngày đêm. Cho nên có người trả lời đơn giản: làm chủ là ra lệnh. Đó là sự khác biệt giữa chủ và tớ. Không có tớ nào ra lệnh cho chủ. Không có chủ nào tuân lệnh của tớ. Rạch ròi phân biệt.
            Vậy thì nhân dân có ra lệnh không? Không! Dù ở trong thực tế hay trong lý thuyết, nhân dân không ra lệnh. Vì lẽ giản dị là nhân dân không tự mình cai trị mình. Đâu đâu cũng có sự phân biệt giữa chính quyền và dân chúng. Lệnh là từ chính quyền ban ra, dù chính quyền đó được dân bầu ra đàng hoàng đi nữa. Có điều là: không chính quyền nào hoàn toàn dựa trên mệnh lệnh mà cai trị. Không chính quyền nào tồn tại được nếu chỉ cai trị bằng mệnh lệnh, nếu mệnh lệnh ngự trị trên sự cúi đầu thụ động của người dân. Dù độc tài đến đâu, chính quyền nào cũng cố tạo ra, dù chỉ là giả tạo, ít nhiều hưởng ứng tích cực của người dân. Các chế độ dân chủ thì khác: họ cố thúc đẩy hưởng ứng tích cực của người dân, càng nhiều càng tốt, càng tích cực càng đạt lý tưởng. Nhưng chắc chắn không bao giờ và không ở đâu có chuyện dân hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình. Đó là lý tưởng phải đi đến, nhưng không bao giờ đến, bởi vì nếu đến mức đó thì chính quyền sẽ không còn nữa, dân và chính quyền đã là một. Nhưng dù không đến, vẫn phải đi, càng đi đến gần lý tưởng được bước nào, mệnh lệnh càng ít được cảm thấy bước đó, tính cách "chủ" của dân càng hiển hiện. "Làm chủ" chỉ có thể hiểu với ý nghĩa đó thôi.

            Nhưng làm thế nào để mà đi? Tự đi chăng? Tất nhiên! Ta có chân thì ta phải sử dụng chân. Xã hội sinh ra vốn đã có chân, vốn đã có đời sống riêng, vậy xã hội phải tự đi. Nhưng, xã hội nào cũng cần phải được dẫn dắt để đi trên con đường mình muốn, và đó là sự khác biệt căn bản giửa sự dẫn dắt độc tài và sự dẫn dắt dân chủ. Dẫn dắt dân chủ là dẫn dắt trên con đường mà dân chọn, chứ không phải quan chọn. Và dẫn dắt như vậy là để làm gì? Để đưa nhân dân lên địa vị chủ. Để nhân dân làm chủ. Hôm nay, làm chủ một ít, ngày mai làm chủ thêm nữa, và cứ thế mỗi ngày một thêm. Nhưng nếu có ai cắc cớ hỏi dân: "Vậy thì ông đã thành chủ chưa?", chắc chắn câu trả lời là chưa, và hơn thế nữa, không bao giờ. Bởi lẽ, như đã nói, làm chủ là một quá trình dài thăm thẳm, có đi mà không có đến. Nếu đến thì còn đâu nữa quyền lực, khi dân và chính quyền đã là một? Đó là một trạng thái thiên đường mà ai đó đã vẽ ra để mơ ước cho vui một xã hội không giai cấp, chứ ai mà chẳng biết nhân loại chưa bao giờ và sẽ không bao giờ thổi kèn đưa đám ma quyền lực?
            Dĩ nhiên có người sẽ bắt bẻ: làm chủ mỗi ngày, mỗi lúc, trong nhiều sự việc khác nhau, trong nhiều quan hệ khác nhau, như vậy đích thực là làm chủ rồi, sao còn ngụy biện? Vâng, trên quá trình làm chủ, mỗi bước đi, mỗi thực hiện cụ thể là mỗi hân hoan, mỗi chiến thắng của lý tưởng làm chủ. Nhưng làm chủ trong sự việc này, làm chủ trong sự việc kia, là làm chủ trong những sự việc cụ thể. Làm chủ trong những sự việc cụ thể thì có, mà làm chủ chung chung thì không. Làm chủ chung chung đã là không, thì quyền làm chủ chung chung cũng không nốt. Không có cái gì cả. Trống rỗng.

            Từ đó, xin bước qua quyền làm chủ. Suy ngẫm cho kỹ, khái niệm "quyền làm chủ" cũng có thể đưa vào ngõ bí! Bởi vì đó là một thứ "quyền" không giống các quyền khác. Những quyền khác là những quyền mà ngay khi được công nhận, bảo đảm, thì được thực hiện liền. Tôi có chân, nên khi được quyền tự do đi lại là tôi đi. Đi bộ, đi xe, đi máy bay. Tôi có miệng nên khi được quyền ăn nói là tôi nói. Tôi viết được nên khi báo chí được cởi trói là tôi viết. Luật pháp cấm không được xâm phạm gia cư nên nửa đêm có ai đấm cửa tôi cứ yên giấc ngủ khò. "Quyền làm chủ" thì không như vậy. Không phải cứ hô lên: "Anh làm chủ!" là tôi tức khắc làm chủ. Nói là nói, đi là đi, viết là viết, ai cũng hiểu. Nhưng làm chủ, ai biết làm chủ là như thế nào? Một đằng, tự tôi, tôi đã có sẵn khả năng, tiềm lực, để thực hiện quyền được công nhận; một đằng, tự tôi, tôi loay hoay, lúng túng, không biết phải làm gì với cái quyền mà người ta đặt vào tay tôi. Làm chủ, tôi đã không biết phải làm chủ như thế nào, làm sao tôi hình dung ra được cái "quyền làm chủ" của tôi? Làm sao tôi đòi thực hiện được một cái quyền mà chính nội dung mờ mờ mịt mịt trong đầu tôi? Tôi đòi một cái mà tôi không biết là cái gì, sao gọi là quyền được? Chẳng lẽ có ai hỏi tôi: "anh đòi cái quyền gì vậy?", tôi lại ấp a ấp úng "ấy, anh cứ hỏi lãnh đạo của tôi"?

            Chẳng phải tôi muốn bới bèo ra bọ đâu. Điều tôi muốn nói rất là quan trọng trong lúc này. Không có cái chuyện làm chủ chung chung nên cũng không có cái quyền làm chủ chung chung đang trở thành khẩu hiệu. Làm chủ, là làm chủ trong từng sự việc cụ thể, cho nên mỗi sự việc cụ thể đưa đến một quyền khác nhau. Nghĩa là có nhiều quyền khác nhau mà sự thực hiện triệt để sẽ đưa nhân dân lên địa vị chủ. Có nhiều quyền để làm chủ, những quyền để làm chủ. Không có một "quyền làm chủ". Và nhiều quyền, những quyền đưa nhân dân lên địa vị chủ đó, có gì lạ lùng đâu! Đó là những quyền dân chủ mà ai cũng biết! Nói "quyền làm chủ" là đi vào trừu tượng, sương khói, nghe thật sảng khoái, nhưng đố ai sờ được, nắm được, thấy được, mân mê được, âu yếm được. Nói "những quyền dân chủ", câu chuyện thành ra giản dị, ai cũng thấy trước mắt những quyền cụ thể, cầm được, sử dụng được, ôm ấp được. Quyền bầu cử trung thực chẳng hạn. Trước mắt tôi là cái lá phiếu, cái thùng phiếu, cái yên tâm muốn bỏ cho ai thì bỏ, cái người mà tôi tin tưởng, cái hồi hộp chờ xem kết quả... Trong khi tôi đang thích thú như thế, giá có ai nói: "anh vừa thực hiện quyền làm chủ của nhân dân đấy!", chắc tôi sẽ mất hưng phấn như nghe một điệp khúc quen tai trong đó chỉ thiếu chữ "tập thể". Tôi vừa thực hiện một quyền cá nhân cơ mà. Quyền bầu cử là một quyền cá nhân! Quyền của những cá nhân như tôi! Quyền của con người! Những con người có xương có thịt như tôi! Có hàng triệu bàn tay bỏ những lá phiếu khác nhau; không có một "bàn tay nhân dân", một bàn tay tập thể! Đây là lúc ta cần cụ thể hóa mọi quyền, càng cụ thể hóa càng đi tới dân chủ, đừng dùng mãi những điệp khúc trừu tượng. Càng tổng quát hóa, càng trừu tượng hóa khái niệm quyền, ta càng làm vô dụng những quyền, càng đẩy những quyền ấy vào lý thuyết suông, càng mồ côi quyền trong thực tế. Đó là sự khác biệt một trời một vực giữa ngôn ngữ ý thức hệ và ngôn ngữ pháp lý.

            Những quyền dân chủ cụ thể đó, hãy nhân chúng nó lên! Những quyền đó càng nhiều, dân càng "làm chủ". Gộp tất cả những quyền đó lại, nhốt chung tất cả vào một bình hồ lô "quyền làm chủ của nhân dân", mở nút ra: dân chẳng thấy gì, chỉ còn khẩu hiệu. Một vấn đề tựa tựa như vậy đã đặt ra ở Tây phương trong thế kỷ trước. Còn gì cao đẹp hơn tự do - la liberté! Nhưng thế nào là tự do? Anh nói tự do, tôi nói tự do, nhưng có chắc anh và tôi cùng nói một chuyện không? Chẳng thế mà có người đã thốt ra một câu xót xa: "Ôi, tự do! Nhân danh ngươi, bao nhiêu tội ác đã phạm!". Nếu tự do có thể giết chết tự do, thì ngược lại, những tự do, những quyền tự do, les libertés, định nghĩa một cách rành rọt, bằng ngôn ngữ pháp lý phân minh, lại bảo vệ con người, bảo vệ tự do. Những quyền tự do đưa đến tự do. Thì cũng vậy, những quyền dân chủ cụ thể, chính xác, định nghĩa bằng ngôn ngữ pháp lý sáng sủa, đâu vào đấy, đưa nhân dân lên địa vị làm chủ. Cho nhân dân những quyền đó mà không nói gì đến "quyền làm chủ của nhân dân", nhân dân vẫn làm chủ như thường. Tỷ như cho nhân dân cá, cơm, mắm, muối, mà không nói gì đến quyền ăn no, dân vẫn no phủ phê. Còn như cho nhân dân quyền ăn no nhưng không cho cá, cơm, mắm, muối, thì nhân dân đành phải ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch.

            Đi xa thêm một chút nữa, mấy chữ "quyền làm chủ" nghe nó điệp nghĩa với nhau thế nào. Cứ lẩn thẩn mà tìm xem: có một thứ quyền nào mà không đưa đến làm chủ chăng? Quyền đi lại, ờ thì mình làm chủ cái chân. Đi khắp thế giới chứ phải vừa đâu. Nghĩa là ta đây làm chủ biên giới. Làm chủ không gian. Quyền nghỉ ngơi hàng năm, sướng quá, buổi sáng tha hồ ngủ, thế là mình làm chủ con mắt, muốn nhắm cũng được, muốn mở thì cứ mở. Mặt trời lên cao? Mặc xác nó, tôi làm chủ nó. Nhờ ăn, nhờ ngủ, nhờ nghỉ ngơi, tôi làm chủ sức khỏe của tôi, nhờ sức khỏe tốt, tôi vui vẻ trong mọi giao tế, kể cả giao tế với vợ. Tý nữa thì quên, với vợ tôi, hiến pháp cho tôi quyền bình đẳng. Thì tôi cũng làm chủ! Không bình đẳng thì phân vân, không biết ai là chủ. Bình đẳng thì mình cũng là chủ vậy! Mấy ông râu quặp nhờ vậy mà làm chủ được cả bộ râu! Đó là chỉ mới kể vài quyền cá nhân quen thuộc. Còn những quyền chính trị, xã hội, văn hóa quan trọng nói suốt trong hiến pháp, tính cách làm chủ không cần phải chứng minh. Như vậy, nếu hễ có quyền là có làm chủ, nếu bất cứ quyền nào cũng đưa đến chuyện làm chủ, tìm đâu cho được nội dung pháp lý riêng biệt, chính xác, của "quyền làm chủ"? Và như vậy, phải chăng "quyền làm chủ của nhân dân" là một lối nói có tính cách tuyên ngôn - déclaratoire trong tiếng Pháp - để nêu cao một lý tưởng, nhưng thực chất pháp lý là rỗng không?

            Vậy thì, anh đi đường anh tôi đường tôi, tôi tiễn anh đi về quá khứ của khẩu hiệu "làm chủ tập thể", còn tôi, tôi tiếp tục đi trên con đường của Thông điệp mà năm mới 2014 vừa vẽ ra trước mắt. Đất nước đã lâm vào tình trạng không lui được nữa, chỉ còn cách tiến tới mà thôi.

 Cao Huy Thuần

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 15-1-14


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét