Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013


HUYỀN THOẠI

Cao Huy Thuần

 
Như một người dân hèn mọn đứng xếp hàng trên đường Hoàng Diệu, tôi xin gửi mấy dòng đơn sơ này kính viếng anh linh Đại Tướng.

Thật lòng mà nói, người dân hèn mọn có cả một nỗi lòng để thốt ra với Đại Tướng trong ngày quốc táng, nhưng nỗi lòng ấy nghẹn lời ở cổ. Nói được gì chăng, chắc Đại Tướng đã nghe rồi và sắp nghe nữa, quá nhiều. Nhưng quá nhiều mà vẫn chưa đủ. Đáng lẽ phải dùng một con tàu mang di hài của Đại Tướng đi từ Ải Bắc đến Cà Mau để Đại Tướng nghe tiếng nói không nói được trong tim mọi người trên mọi con đường của đất nước.

Bởi vì, thưa Đại Tướng, Đại Tướng là anh hùng của dân tộc. Của cả một dân tộc từ Bắc chí Nam, không phải của riêng ai. Và thế nào là anh hùng? Thế nào là anh hùng dân tộc? Anh hùng là người đã hiến cả cuộc đời của mình cho một cái gì cao hơn chính mình. Cái ấy phải là thiêng liêng. Anh hùng dân tộc là người đã hiến cả cuộc đời của mình cho một cái gì cao hơn chính mình và cái đó, dân tộc ấy cho là thiêng liêng chung. Với Việt Nam trong thế kỷ 20, cái đó là độc lập. Nhưng như thế vẫn chưa đủ để Đại Tướng là anh hùng dân tộc. Không ai là anh hùng nếu không được người khác truy nhận. Không ai là anh hùng dân tộc nếu không được chính dân tộc truy nhận. Và sự truy nhận ấy trở thành thiêng liêng khi được chuyên chở trên sức mạnh của huyền thoại. Không có huyền thoại thì không có anh hùng. Không có huyền thoại cộng đồng thì không có anh hùng dân tộc. Huyền thoại ấy không phải do một thế lực nào nặn ra. Tự nhiên nó đến qua sự giao cảm thần kỳ giữa một dân tộc với vị anh hùng của họ.

 
Đại Tướng đang đi vào huyền thoại ấy. Đã là huyền thoại thì không nên cắt nghĩa bằng luận lý. Không nên hỏi: đâu phải chỉ một mình Đại Tướng hiến cả cuộc đời cho độc lập dân tộc? Nhưng huyền thoại là vậy: huyền thoại của Việt Nam muốn rằng vị anh hùng của dân tộc là tướng. Chẳng phải Đại Tướng là cha đẻ của một quân đội chỉ có dăm ba khẩu súng trường lúc khai sinh đó sao? Chẳng phải chỉ gọi "Đại Tướng" là ai cũng biết đích danh một người? Cũng đừng nên hỏi: bao nhiêu vua đã chống xâm lăng, đâu phải chỉ tướng? Nhưng huyền thoại là vậy: huyền thoại là lịch sử được cảm xúc hóa, tưởng tượng hóa. Lịch sử tôn quý vua, nhưng huyền sử sắc phong thần cho tướng. Vua chỉ huy nhưng tướng ra quân. Và trận mạc đã đi vào tưởng tượng của mọi cái đầu từ thời cắp sách trong suốt thế kỷ. Mở sách giáo khoa của lớp ba ngày xưa, cả mấy thế hệ học trò say mê gì, say mê ai, nếu không phải là sông Như Nguyệt, sóng Bạch Đằng, ải Chi Lăng, áo bào đẫm mùi thuốc súng của Nguyễn Huệ, Thoát Hoan chui vào ống đồng chạy dài? Hơn thế nữa, cao tột bậc, lịch sử có Trần Nhân Tông, nhưng huyền sử có đức Thánh Trần. Từ nhỏ, trong tưởng tượng, chiến công là của tướng. Vua thì có minh quân và hôn quân, tướng chỉ có trận mạc hiển hách, vuốt ve tự hào dân tộc. Như con người có xương có thịt, dân tộc cần thương yêu và được thương yêu, cần vỗ về và được vỗ về. Nhất là trong giai đoạn mất nước. Nhất là trong giai đoạn thui chột tự hào.

Tôi đã lặp đi lặp lại quá nhiều hai chữ dân tộc. Là bởi vì huyền sử của dân tộc đang làm nhiệm vụ cảm xúc hóa lịch sử để đưa Đại Tướng vào vai trò trưởng tử của Trần Hưng Đạo. Nhân dân đang sắc phong cho Đại Tướng. Bất cứ ở đâu, mọi con mắt đều nhìn về một phương, mọi trái tim cùng đập chung một nhịp. Trong lịch sử chiến tranh gần đây, nếu lấy một thời điểm để nói chính xác rằng mọi con tim cùng đập một nhịp, thì thời điểm duy nhất ấy là Điện Biên Phủ. Tôi thuộc thế hệ những anh học trò sống trong vùng ảnh hưởng của Pháp có bạn bè, thân nhân bị động viên để tham gia chiến trận ngoài Bắc. Không mấy ai trong các anh ấy nghĩ rằng mình cầm súng để bảo vệ một lý tưởng. Không mấy ai nghĩ rằng mình đang đứng vào phía dân tộc. Họ thầm nghĩ: phía của dân tộc là phía kia. Và phía ấy đang vang vọng gầm trời tiếng pháo Điện Biên. Kể cả những người đang cầm súng ở bên này chiến tuyến, súng ấy cũng có trái tim để cùng đập một nhịp với nhịp máu tự hào của cả một dân tộc chiến thắng. Điện Biên không có giới tuyến. Không phải là chiến thắng của một phe. Cho nên Điện Biên là Bạch Đằng. Điện Biên là duy nhất trong huyền sử thoát nhục thuộc địa. Giống như Bạch Đằng, một bên là dân tộc, một bên là kẻ thù chung, từ phưong Tậy hoặc từ phương Bắc.

Và Điện Biên, và Bạch Đằng chỉ nói lên một điều: là anh hùng dân tộc vị nào đã cầm thanh gươm mà chính dân tộc trao cho để chém một kẻ thù chung. Anh hùng là người ngồi trên ngựa, giữa trận mạc. Huyền sử của Việt Nam muốn thế. Không cần lý luận. Trái tim cộng đồng tạo ra huyền sử ấy không cần lý luận. Cũng không có giới tuyến. Đại bác Điện Biên không có giới tuyến.

"Bất hạnh thay cho những dân tộc nào cần anh hùng", xin Đại Tướng đừng nghe câu nói ấy của Brecht. Dân tộc Việt Nam đang cần anh hùng.

 

 
NHỮNG ĐIỀU ÍT ĐƯỢC BIẾT ĐẾN VỀ TƯỚNG GIÁP

By Trọng Nghĩa / RFI

 
Vào hôm nay, 13/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về đến nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà tỉnh Quảng Bình. Từ lúc ông qua đời đến nay, đã có rất nhiều bài viết về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Trong khuôn khổ tạp chí đặc biệt hôm nay, RFI Việt ngữ xin giới thiệu nhận định của Giáo sư Carl Thayer - chuyên gia kỳ cựu về quân sự và chính trị Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc (Đại học New South Wales) - về một số yếu tố ít được nói đến, nếu không muốn nói là hoàn toàn vắng bóng - trong tiểu sử chính thức của Đại tướng Giáp.

 
RFI : Cho đến nay, các nhà báo và các nhà bình luận đã nói rất nhiều về cuộc đời của tướng Giáp. Theo quan điểm của Giáo sư, di sản chính của ông Giáp là gì ?

CarleThayer : Sự nghiệp của Tướng Võ Nguyên Giáp trải dài trên 64 năm kể từ năm 1927, khi ông bị trục xuất khỏi trường Quốc Học vì hoạt động chính trị, cho đến năm 1991 khi ông chính thức rời bỏ tất cả các chức vụ trong Đảng và Nhà nước. Sự nghiệp của ông có thể chia thành năm giai đoạn :

- 1927-1944 : Ông còn là một học sinh đấu tranh, nhà báo, một nhà tuyên truyền chính trị, một tù nhân, một giáo viên và một sinh viên sau đại học ;

- 1944-1973 : Ông giữ nhiều chức vụ trong đó có chức chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Ủy viên Bộ Chính trị ;

- 1974-1980 : Ông từ bỏ quyền kiểm soát hoạt động của quân đội và giữ chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Ủy viên Bộ Chính trị ;

- 1980-1991 : Ông thôi làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Ủy viên Bộ Chính trị ; trong thời gian này, ông phụ trách khoa học và công nghệ, dân số và kế hoạch hóa gia đình, và sau đó giáo dục ;

- 1991-2013 : Tướng Giáp rời khỏi chức vụ cuối cùng là Phó Thủ tướng chính phủ và nghỉ hưu vĩnh viễn.

Di sản chính của Tướng Giáp xuất phát từ vai trò tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trong giai đoạn hai (1944-1973). Ông bắt đầu chỉ huy một trung đội 34 người và phát triển lực lượng này thành một đạo quân nhân dân gồm vài trăm ngàn người trong không đầy mười năm. Tướng Giáp đồng thời kết hợp các tác phẩm quân sự của Napoleon, Clausewitz và Mao Trạch Đông với truyền thống quân sự cổ xưa của Việt Nam.

Tướng Giáp nắm vững nghệ thuật chiến tranh nhân dân bằng cách vận động dân chúng để chiến đấu và trở thành nhân công trong mạng lưới hậu cần rộng lớn của ông. Tướng Giáp biết kết hợp đấu tranh chính trị và quân sự. Mục tiêu của ông là đuổi Pháp ra khỏi Việt Nam trong một cuộc chiến tranh trường kỳ.

Chiến công lẫy lừng nhất của ông là chiến dịch dẫn đến sự thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ. Tướng Giáp dùng chiến thuật nghi binh, gửi lực lượng của mình sang Lào và rồi sau đó cấp tốc chuyển hướng tiến đến vùng thung lũng Điện Biên Phủ. Tướng Giáp đã nhanh chóng bác bỏ lời khuyên của các chuyên gia Trung Quốc tung các làn sóng người tấn công vào doanh trại quân Pháp. Ông đã sử dụng chiến thuật bao vây, với lực lượng được tiếp ứng liên tục về mặt hậu cần, cung cấp lương thực, thiết bị vật tư, vũ khí và đạn dược cho chiến trường.

Tầm quan trọng của trận Điện Biên Phủ là nó không chỉ đánh dấu sự thất bại của thực dân Pháp ở Đông Dương, mà cả của chủ nghĩa thực dân như một hệ thống trên toàn thế giới. Trong vòng tám năm sau đó, Pháp sẽ phải chịu thất bại ở Algeri.

 
Hai tiểu sử : Chính thức và không chính thức

RFI : Giáo sư đánh giá sao về một số « điều được che giấu » về cuộc đời của Tướng Võ Nguyên Giáp, những điều không hề xuất hiện trong tiểu sử chính thức ?

Carl Thayer : Có hai phiên bản về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước hết là tiểu sử chính thức mang tính chất tôn vinh, gán cho ông tất cả những thành công quân sự của Việt Nam kể từ năm 1944 và miêu tả ông như một viên tướng tài ba hoàn hảo.

Phiên bản thứ hai về sự nghiệp của Tướng Giáp không mang tính chất chính thức và cho thấy rằng ông là một người kiên định – có người cho đây là tính kiêu ngạo về mặt trí thức – một người cá nhân chủ nghĩa dễ nổi giận khi bị can thiệp vào vai trò tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang của ông. Ông được mô tả như là "ngọn núi lửa dưới lớp băng tuyết" chính vì yếu tố được cho là nóng nảy đó.

Tướng Giáp có nhiều người ủng hộ nhưng cũng bị nhiều người gièm pha. Lúc còn công tác, ông thường xuyên đụng chạm với những người gièm pha và các đối thủ của ông, những người không ngần ngại chỉ trích ông. Những người phê phán ông xuất phát từ hai động cơ : Chủ nghĩa giáo điều về mặt ý thức hệ và lòng ghen tị, sợ rằng Tướng Giáp nổi tiếng sẽ làm quyền lực của họ suy yếu. Đấy là thời kỳ lãnh đạo tập thể vô danh.

Trong suốt sự nghiệp của mình, ông Giáp từng bị chỉ trích vì đã tìm kiếm một học bổng của chính quyền thực dân Pháp, có người thậm chí còn hàm ý rằng - nếu không nói là buộc tội ông - là một nhân viên Sở Mật thám Pháp.

Ông cũng bị đả kích vì học chương trình Pháp, có được bằng tú tài baccalauréat, học tại trường Trung học Albert Sarraut có uy tín, nơi ông đứng đầu môn triết học, và Trường Đại học Luật Hà Nội, nơi ông tốt nghiệp thủ khoa về kinh tế chính trị. Đối thủ của Tướng Giáp đã dùng thành tích học tập của ông để quật lại ông. Dẫu sao thì ông thành viên duy nhất trong ban lãnh đạo bên trong (tối cao) của Đảng có được một nền giáo dục phương Tây.

Các yếu tố không được phép nêu lên trong sự nghiệp của Tướng Giáp cho thấy một tập thể lãnh đạo chia rẽ và sự ganh đua rõ ràng giữa các cá nhân. Cuộc đối đầu giữa Tướng Giáp với nhà ý thức hệ Trường Chinh đã thành huyền thoại, tương tự như các cuộc đụng độ sau này của ông với Tướng Nguyễn Chí Thanh và ông Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất của Đảng Cộng sản.

 
Bất đồng với Trường Chinh về vai trò cố vấn Trung Quốc

Năm 1946, Trường Chinh, đứng thứ hai trong ban lãnh đạo sau Hồ Chí Minh, đã thất bại trong việc ngăn không cho ông Giáp được phong cấp Đại tướng và chức chỉ huy Quân đội Nhân dân. Trường Chinh và Tướng Giáp bất đồng về phạm vi và mức độ mà các cố vấn quân sự Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến chiến lược chiến trường của Việt Nam, và trên quyền của Tướng Giáp được đơn phương bổ nhiệm các trợ lý quan trọng.

Vào năm 1951, Tướng Giáp đã cho mở một cuộc tấn công quá sớm vào các vị trí kiên cố của Pháp ở đồng bằng sông Hồng. Chiến dịch thất bại và Quân đội Nhân dân bị thương vong nặng nề. Tướng Giáp bị buộc phải tự phê bình, cách chức một số phụ tá quan trọng, cho phép thành lập một hệ thống chính trị viên trong quân đội, và chấp nhận các cố vấn quân sự Trung Quốc ở các cấp độ khác nhau trong Quân đội Nhân dân.

Sau khi Chiến tranh Đông Dương đầu tiên (1946-1954) kết thúc Việt Nam bị chia cắt. Mặc dù Tướng Giáp đã có uy tín rất lớn, nhưng những kẻ đả kích ông vẫn tiếp tục thách thức quyền lực của ông và đặt nghi vấn về cách ông điều hành cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam. Bí thư Thứ nhất của Đảng là Lê Duẩn muốn đẩy mạnh việc lật đổ chính quyền miền Nam, ông Giáp thận trọng hơn và hai người kình chống nhau.

Phe gièm pha Tướng Giáp đã thành công trong việc đề bạt ông Nguyễn Chí Thanh (1959) và sau đó là ông Văn Tiến Dũng (1974) lên cấp Đại tướng. Trước lúc những người này được thăng cấp, chỉ có ông Giáp mang cấp Đại tướng mà thôi. Cả hai vị tướng mới đề bạt về sau, đều đã giành lấy quyền kiểm soát hoạt động chiến tranh trong Nam từ tay của ông Giáp.

Vào năm 1960, Tướng Giáp đã bị đẩy lùi từ hàng thứ tư xuống hàng thứ sáu trong Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba. Chủ trương chung sống hòa bình của lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev vào năm 1960 là điều đã tác hại đến nhiều người trong giới lãnh đạo Việt Nam.

Tướng Giáp, người thiên về phía Liên Xô – nước đã hỗ trợ quân sự cho Việt Nam – và có thái độ phê phán với Trung Quốc, đã không đồng nhịp với các lãnh đạo khác. Một lần nữa, ông đã bị các đồng chí chỉ trích.

Trong năm 1965, khi Hoa Kỳ tung lực lượng chiến đấu vào Việt Nam, Lê Duẩn và Nguyễn Chí Thanh ra lệnh tung các đơn vị Quân đội Nhân dân miền Bắc vào cuộc chiến. Nguyễn Chí Thanh là người thiết kế chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 nhưng qua đời vì một cơn đau tim trước khi chiến dịch được thực hiện. Lực lượng Cộng sản miền Nam nằm vùng bị thương vong rất lớn, Tướng Giáp được phuc hồi và uy tín của ông tăng thêm.

Sau cái chết của Hồ Chí Minh vào năm 1969, một bộ ba lãnh đạo mới nổi lên : Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp. Vào thời điểm đó, Tướng Giáp nắm ba vai trò quan trọng : Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, ông không bao giờ lấy lại được quyền kiểm soát hoạt động của các lực lượng vũ trang. Tướng Giáp đã phản đối cả hai chiến dịch Tết Mậu Thân và chiến dịch Nguyễn Huệ 1972, và ý kiến ông đã bị bác bỏ cả hai lần.

Tháng 4 năm 1972, Tướng Văn Tiến Dũng chỉ huy chiến dịch Nguyễn Huệ và đến tháng 10 năm 1973, ông được trao quyền chỉ huy của cuộc tấn công cuối cùng của cuộc chiến : Chiến dịch Hồ Chí Minh. Điểm đáng chú ý, đó là sự kiện chính một Ủy viên dân sự cao cấp của Bộ Chính trị - ông Lê Đức Thọ - chứ không phải là Tướng Giáp, là người ra chỉ thị cho Quân đội Nhân dân bắt đầu chiến dịch tấn công cuối cùng của mình bằng cách tấn công Ban Mê Thuột ở vùng Cao nguyên.


Sau năm 1975, bị gạt ra bên lề, nhưng vẫn lên tiếng

RFI : Về các hoạt động của ông sau năm 1975, một số người cho rằng ông đã hoàn toàn không còn vai trò gì, nhưng cũng có người thấy rằng người ta gạt được ông ra bên lề, nhưng không hoàn toàn bịt miệng được ông. Ý kiến ​​của Giáo sư như thế nào ?

Carl Thayer : Sau khi Việt Nam thống nhất, Tướng Giáp vẫn làm Bộ trưởng Quốc phòng cho đến năm 1980. Nhưng chính Tướng Văn Tiến Dũng là người chỉ huy quân đội Việt Nam đánh qua Cam Bốt vào cuối năm 1978 và bảo vệ miền Bắc Việt Nam vào tháng Hai - tháng Ba năm 1979 khi Trung Quốc xâm lăng Việt Nam để trả thù.

Rõ ràng ngôi sao của Tướng Giáp vào thời điểm đó lu mờ nhanh chóng. Năm 1976, Tướng Văn Tiến Dũng là người đọc báo cáo quân sự tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ tư, còn Tướng Giáp được phân công nói về các chính sách của Đảng về khoa học và công nghệ. Tướng Giáp cũng không thành công khi phản đối việc giao cho quân đội nhiệm vụ xây dựng đất nước sau chiến tranh. Ông đã phải cúi đầu trước nguyên tắc "tập trung dân chủ" của Đảng và bảo vệ chính sách của Đảng trước công chúng.

Tháng 2 năm 1980, Tướng Giáp rời khỏi Bộ Quốc phòng, nhưng vẫn giữ chức Phó Thủ tướng. Năm 1981, ông thoạt đầu bị giáng cấp từ Phó Thủ tướng thứ nhất xuống làm Phó Thủ tướng thứ ba. Đến tháng Ba năm 1982, Tướng Giáp bị loại ra khỏi Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ năm, nhưng vẫn giữ được chức Ủy viên Trung ương Đảng.

Tướng Võ Nguyên Giáp rất được lòng dân và có hậu thuẫn mạnh mẽ trong Đảng. Vào giữa những năm 1980, những người ủng hộ ông đã thất bại trong việc đưa ông lên thay thế ông Phạm Văn Đồng ở chức Thủ tướng. Cũng có rất nhiều tin đồn về việc những người ủng hộ Tướng Giáp vận động để ông trở thành lãnh đạo Đảng. Sau đó, ông Giáp lần lượt phụ trách vấn đề nhân khẩu học và kế hoạch hóa gia đình, rồi vấn đề giáo dục. Ông rời khỏi chính quyền vào năm 1991 khi về hưu trong tư cách là Phó Thủ tướng.

Rất khó đánh giá về những đóng góp của Tướng Giáp trong giai đoạn này. Việt Nam khi ấy được lãnh đạo tập thể, và cho đến năm 1986 vẫn tiếp tục đi theo mô hình kế hoạch tập trung không thành công của Liên Xô. Điều đáng nêu bật là Tướng Giáp tiếp tục hoạt động trong chính phủ cho đến năm tám mươi tuổi.

 
Kiên trì bảo vệ chủ quyền Việt Nam trước Trung Quốc

RFI : Có người cho rằng gần đây Tướng Giáp rất lo ngại về sự thao túng của Trung Quốc đối với Việt Nam. Nhận định này có phần nào đúng hay không ?

Carl Thayer : Sự nghiệp quân sự lâu dài của Tướng Giáp cho thấy rõ là ông sẵn sàng chấp nhận sự giúp đỡ của Trung Quốc và kể cả những tư vấn, nhưng ông vẫn đấu tranh để giữ được sự tự chủ và độc lập trong hành động của Việt Nam.

Tướng Giáp nghiêng về Matxcơva nhiều hơn Bắc Kinh trong thời kỳ chiến tranh, vì sự chi viện quân bị to lớn của Liên Xô cho Việt Nam - bao gồm cả tên lửa phòng không. Mặc dù Liên Xô được cho là đã khuyên Tướng Giáp “thực hiện một vụ Afghanistan” bằng cách tấn công Cam Bốt và lật đổ chế độ Khmer Đỏ được Trung Quốc ủng hộ, Tướng Giáp vẫn chống lại việc can thiệp quân sự trên quy mô lớn.

Khi Trung Quốc và Việt Nam bình thường hóa quan hệ trở lại vào năm 1991, Tướng Giáp đã hoàn toàn nghỉ hưu

Trong những năm tháng nghỉ hưu, Tướng Giáp rất được biết đến với hai lần lên tiếng.

Năm 2004, ông đã viết thư cho Bộ Chính trị phê phán sự can thiệp của tình báo quân đội (Tổng Cục II) vào các công việc nội bộ của Đảng.

Năm 2009, ông thu hút sự chú ý của công luận khi viết ba thư ngỏ gửi tới các lãnh đạo Đảng và Nhà nước cảnh báo tác động môi trường của dự án khai thác bauxite, do Trung Quốc tài trợ, ở Cao nguyên Trung phần. Ông đề cập đến vấn đề này với lập luận rằng đó là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Sự kiện đó gây ra một dây chuyền cộng hưởng trong dân chúng nói chung, đang ngày càng lo lắng trước sự quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông.

 
Vị anh hùng Việt Nam cần khi phải đối mặt với ngoại bang xâm lược

RFI : Giáo sư giải thích thế nào về việc Tướng Giáp được lòng dân đến như vậy ?

Carl Thayer : Tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà chiến lược quân sự tầm cỡ thế giới. Vào năm 1944 - khi ông chỉ huy một trung đội 34 người - ai có thể nghĩ được rằng trong vòng 10 năm, ông đã phát triển lực lượng lên thành một quân đội có hàng trăm ngàn binh sĩ và đánh bại được Pháp, một trong những thế lực quân sự mạnh nhất vào thời điểm đó ? Tướng Giáp đã có được uy phong rất lớn với chiến thắng tại Điện Biên Phủ, một sự kiện đã để lại dấu ấn trong suốt cuộc đời ông.

Sự được lòng dân của ông dựa trên nhiều nền tảng. Trước tiên, hàng triệu người Việt Nam đã phục vụ trong Quân đội Nhân dân khi Tướng Giáp là Tổng chỉ huy và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông là nguồn cảm hứng của họ. Các cựu chiến binh và gia đình của họ là một thành phần to lớn trong cư dân tại Việt Nam.

Thứ hai, sau Hồ Chí Minh và có thể Phạm Văn Đồng, Tướng Giáp là lãnh đạo quốc gia duy nhất nổi bật bên trên một ban lãnh đạo tập thể mờ nhạt. Ông có sức lôi cuốn, phát biểu lưu loát và truyền cảm hứng cho người dân. Ông là vị anh hùng mà Việt Nam cần có khi phải đối mặt với sự xâm lược của ngoại bang, từ năm 1946 đến 1973 và sau đó, trong những năm 2000, khi Trung Quốc đe dọa chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Sau thời gian làm một nhà quân sự, Tướng Giáp đã phụ trách những lãnh vực quan trọng liên quan đến sự phát triển như khoa học và công nghệ, dân số và kế hoạch hóa gia đình và giáo dục. Đó là nền tảng thứ ba của việc ông được lòng dân.

Uy tín Tướng Giáp trong dân chúng còn dựa trên sự thành công của ông trong suốt 64 năm phục vụ Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam và đất nước Việt Nam. Ông sẽ luôn luôn được tưởng nhớ như là người chỉ huy chính, đã đánh bại hai cường quốc lớn.

Rõ ràng, Tướng Giáp đã thu hút được cảm tình của cả hai thế hệ trẻ và già tại Việt Nam. Điều này được thấy qua việc người dân đủ mọi lứa tuổi thể hiện sự đau buồn, tự động đổ xô đến nhà ông để thắp nến và hương.

Tướng Giáp là hiện thân của một chính khách Việt Nam biết sử dụng trí tuệ để đưa ra các chiến thuật và chiến lược cho phép kẻ có vẻ là yếu đánh bại được kẻ mạnh.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét