ĐÒN
ÁC LIỆT CUỐI CÙNG CỦA CHÍNH QUYỀN
Nguyễn Lang (HT Thích Nhất Hạnh)
(Trích đoạn từ Việt Nam Phật Giáo Sử Luận,
Tập III, Chương 39, trang 15 – Phiên
bản Điện tử)
Chính quyền Ngô Đình Diệm
không lùi bước. Ngày 21.8.1963 chính quyền này đánh một đòn ác liệt cuối cùng:
tất cả các ngôi chùa làm căn cứ cho cuộc tranh đấu của phật tử trên toàn quốc
đều bị tấn công một lần và tất cả các vị lãnh đạo của cuộc tranh đấu, tăng ni
cũng như cư sĩ, đều bị tống vào ngục tối.
Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ
Phật Giáo tại chùa Xá Lợi được mật báo về cuộc đánh úp này vào lúc 5 giờ chiều
ngày 20.8.1963. Một buổi họp thu hẹp của Ủy Ban Liên Phái được tổ chức ngay sau
đó để bàn định kế hoạch đối phó với cuộc tấn công này mà các vị lãnh đạo Phật
giáo cho là lá bài chót của chế độ. Sau buổi lễ Phật vào tám giờ rưỡi tối, các
phật tử đến hành lễ tại chùa Xá Lợi được yêu cầu ra về trước chín giờ thay vì
ra về trước mười một giờ như thường nhật. Vào khoảng mười giờ đêm thì cảnh chùa
đã trở lại yên tĩnh. Tam quan chùa và các cửa hông đều được đóng lại kỹ lưỡng.
Đèn ngoài sân chùa được để sáng chứ không tắt như mọi hôm. Các tiểu ban của Ủy
Ban Liên Phái vẫn im lặng làm việc. Một số thanh niên tăng ngồi canh gác sau
các cổng chùa. Vào lúc mười lăm phút sau nửa đêm, Ủy Ban Liên Phái nhận được
một tin nữa bằng điện thoại do một người không xưng danh tin cho biết chùa Xá
Lợi sắp bị tấn công và các vị lãnh đạo Phật giáo sẽ bị bắt cóc. Tất cả tăng ni
trong chùa đều im lặng niệm Phật để chờ đợi. Đúng ba mươi phút sau nữa đêm, một
hồi còi ré lên phía ngoài và xe cảnh sát đổ đến vây quanh chùa. Khoảng 200
người của Lực Lượng Đặc Biệt ào tới tấn công chùa. Giây điện thoại và dây đèn
bị cắt đứt. Các vị lãnh đạo cao cấp của Phật giáo lúc này đã rút lên chánh
điện, bao bọc bởi chư tăng ni. Một số thanh niên tăng trấn ở cầu thang để ngăn
không cho bọn người hung dữ tiến lên xâm phạm vào các bậc trưởng thượng của họ.
Những cuộc đập phá đã bắt đầu. Bàn thờ thiền sư Quảng Đức bị lật đổ, các cánh
cửa và hương đài bị đập phá. Một số chư tăng đánh trống và dộng chuông để báo
hiệu nguy cấp cho dân cư trong khu phố. Nhiều vị khác gõ vào bất cứ thứ gì có
thể tạo nên âm thanh để góp phần báo hiệu. Sau khi phá phách bên dưới xong
xuôi, những người tấn công bắt đầu leo lên thượng điện. Tại đây, thanh niên
tăng đã chất ghế và bàn đầy cầu thang khiến họ không tiến lên ngay được. Những
người tấn công tung lựu đạn cay lên. Bị khói cay, các tăng ni ho sặc sụa, nước
mắt nước mũi chảy ròng ròng. Họ dùng khăn ướt bịt mặt lại và tiếp tục liệng
thêm bàn ghế xuống để chặn đường cầu thang. Thanh niên tăng cầm cự được khoảng
gần một giờ rưỡi thì kiệt lực. Nhiều vị ngã ra bất tỉnh. Lựu đạn cay ném lên
chánh điện nhiều quá khiến không còn không khí để thở. Áo quần họ cháy sém.
Những người tấn công đã lên tới chánh điện, dùng súng và lưỡi lê dồn tất cả
tăng ni vào một góc. Họ còng tay từng người rồi dẫn ra trước sân thượng điện.
Những ai kháng cự đều bị đánh đập không nương tay. Những người mệt mõi không đi
nhanh đều bị họ tống báng súng vào lưng. Nhiều tăng ni mặt mày bị dập, máu tuôn
ướt áo.
Trong khi đó, một số
trong những người tấn công đi lùng soát các phòng ốc khác trong chùa. Họ phá
cửa một căn phòng khóa kín trên tăng xá và tìm thấy gần mười vị thiền sư đang
tĩnh tọa. Đại lão thiền sư Tịnh Khiết có mặt trong số người này. Ông bị những
người tấn công xô ngã sấp và bị một vết thương nơi mắt trái.
Trong lúc cuộc đàn áp
đang diễn ra trên thượng điện một số tăng sĩ ở bên dưới tìm cách leo lên bức
tường sau chùa Xá Lợi để thoát ra bên ngoài. Bốn vị trong số đó bị bắn rơi lại
dưới chân tường. Hai vị trèo thoát được sang địa phận của cơ quan USOM (193) của Hoa Kỳ và xin tỵ nạn ở đây.
Ngót hai trăm năm mươi vị
tăng ni bị bắt. Những người tấn công được lệnh áp giải các thiền sư Tịnh Khiết,
Tâm Châu, Thiện Minh, Quảng Độ, Giác Đức và các vị quan trọng khác trong Ủy Ban
Liên Phái đi trước. Các vị tăng ni khác lần lượt áp giải ra xe. Năm chiếc xe
cam nhông lớn chất đầy các vị tăng ni, người thì bị thương, người còn bất tỉnh,
rời chùa Xá Lợi. Cuộc tấn công chùa chấm dứt vào lúc 2 giờ 15' sáng ngày
21.8.1963.
Chùa Xá Lợi bị phá tan
hoang. Tượng Phật Thích Ca tại Chánh Điện cũng bị xâm phạm. Những người tấn
công đã móc mắt tượng Phật để chiếm lấy hai hạt kim cương trong hai mắt tượng.
Trong khi chùa Xá Lợi ở
Sài Gòn bị tấn công thì trong toàn lãnh thổ Việt Nam các chùa lớn làm căn cứ
cho cuộc tranh đấu của Phật giáo cũng đều bị tấn công nhất loạt. Cuộc tấn công
chùa Từ Đàm ở Huế gặp sức kháng cự của khoảng năm ngàn phật tử trong chùa, đã
phải kéo dài từ một giờ khuya tới tám giờ sáng. Lực lượng tấn công là hai ngàn
rưỡi, tất cả đều thuộc Lực Lượng Đặc Biệt. Các chùa Diệu Đế, Linh Quang, Ấn
Quang, Giác Minh, Từ Quang, Báo Quốc và các chùa hội quán các tỉnh hội Phật
giáo trong nước đều bị đánh úp cùng một ngày một giờ, khắp nơi, các tăng sĩ đều bị đánh đập và bắt trói trước
khi dẫn đi. Số lượng những vị tăng sĩ và cư sĩ toàn quốc bị bắt nhốt đêm đó,
theo tài liệu của chính quyền là 1.400 vị, nhưng có thể cao hơn nhiều. Tài liệu
mật của Ngũ Giác Đài (194) về cuộc chiến tại
Việt Nam cũng nói đến 1.400 vị bị bắt trong đêm đó.
Theo sách Công Cuộc Tranh Đấu Của Phật giáo Việt Nam
của Đuốc Tuệ, ngoài số tăng ni và cư sĩ lãnh đạo cuộc tranh đấu bắt vào đêm
20.8.1963, chính quyền đã cho người đi bắt thêm khoản hai ngàn người khác tại
tư gia của họ trong đêm đó và những ngày kế tiếp. Bác sĩ Lê Khắc Quyến, khoa
trưởng Y Khoa Huế và thi sĩ Vũ Hoàng Chương tác giả bài Lửa Từ Bi cũng bị bắt
giam trong dịp này. Trong số những người bị bắt sau này, có nhiều giáo sư, luật
sư và sinh viên nhất là ở Sài Gòn và Huế. Tất cả các nhân viên của Ban Chấp
Hành Đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn và Huế cũng đều bị bắt tại tư gia của họ.
Sáng tinh sương ngày
21.8.1963 trên toàn lãnh thổ Việt Nam Công Hòa, sắc lệnh thiết quân luật đã
được dán đầy trên thành phố. Xe phóng thanh của chính quyền chạy khắp phố
phường và thôn xã để loan tin "chính
phủ đã diệt xong bọn phản động". Truyền đơn và hiệu triệu của chính
quyền bay đầy đường.
Các chùa chiền trong toàn
quốc hoang tàn và vắng lạnh đến não nùng. Một sự im lặng nặng nề và tang tóc
bao trùm lên đời sống của toàn dân chúng. Tất cả các vị lãnh đạo Phật giáo đều
đã bị bắt. Sóng gió do phong trào phật tử gây ra hình như không còn nữa. Nhưng
sóng gió bắt đầu nổi dậy trong lòng mọi người. Những đợt sóng ngầm vĩ đại trong
lòng đại dương không còn ai ngăn chặn và không có cách nào ngăn chặn được nữa.
Đêm 20.8.1963 chính quyền của tổng thống Diệm đã chọn cho chính mình một tuyệt
lộ.
--------------------------------------------------------------------------------
(183) Sách Phật Giáo Đấu Tranh do Quốc Oai biên
soạn (Tấn Sanh, 1963) có in danh sách 21 vị tăng
ni bị cảnh sát đã thương trầm trọng ngày 17.7.1963. Theo Quốc Oai, tất cả các
vị tăng ni trong cuộc biểu tình ngày 17.7.1963 đều bị đánh đập, không nhiều thì
ít. Cảnh sát xé nát áo nhiều người. Có vị bị thương máu me đầy người.
(184) Bản kê khai một số
hành động vi phạm Thông Cáo Chung, Công Cuộc Tranh Đấu Của Phật
Giáo Việt Nam. Quốc Tuệ, trang 276-278.
(185) Phật Giáo Tranh Đấu. Quốc Oai, trang
135-140.
(186) Sách đã dẫn, trang
137-140
(187) Một tháng sau,
trung tá Trần Thanh Chiêu được công khai tuyên dương công trạng và được gắn
Trung Dũng Bội Tinh (Công Cuộc Tranh Đấu
Của Phật Giáo Việt Nam. Quốc Tuệ, trang 231).
(188) Sách đã dẫn, trang
237-239.
(189) Sách vừa dẫn, trang
318-319.
(190) Sách vừa dẫn, trang
278-291)
(191) Công Cuộc Tranh Đấu Của Phật giáo Việt Nam.
Quốc Tuệ, trang 362.
(192) Bà Ngô Đình Nhu đã
từng gọi hành động tự thiêu của các thiền sư là "nướng chả" và đã
từng tuyên bố công khai với báo chí trong nước và ngoại quốc là các vị tăng
càng tự thiêu càng nhiều thì bà càng vỗ tay hoan hô.
(193) U.S.O.M. là United
State Operation Mission.
(194) The Pentagone
Papers do nhật báo The
New York Times xuất bản năm 1971, New York.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét