SAI LẦM CỦA VIỆT
NAM QUỐC GIA
(Trích đoạn Chương
10 của
“Việt Nam 1945-1995 - Chiến tranh, Tị nạn và
Bài học Lịch sử”)
GS Lê Xuân Khoa
...
khi Ngô Đình Diệm đã làm chủ được tình hình chính trị và quân sự ở miền Nam thì
ông lại bắt đầu thiết lập một chế độ độc tài gia đình trị. Có thể nói rằng quan
niệm trị nước của ông Diệm căn bản là quan niệm “dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân) của đạo Khổng mà ông đã thực hiện
từ thời ra làm quan gần ba mươi năm về trước. Ông cương quyết đòi lại nền độc
lập cho quốc gia và thành thật mong muốn đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân
và làm cho miền Nam trở nên giàu mạnh, hơn hẳn chế độ cộng sản ở miền Bắc. Thêm
vào đó, với tư cách một tín đồ Công giáo nhiệt thành, ông tin tưởng đã được Thiên Chúa trao cho sứ mệnh thiêng liêng khi ông
trở thành Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà và ông càng kiên quyết thực hiện sứ
mệnh thiêng liêng ấy. Trên nền tảng tinh thần đó, ông không chấp nhận những quan điểm khác biệt và không tha thứ ai làm trái
ý ông. Ngày 15.1.1956, ông giải tán Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng để loại trừ
những người có công với ông trong việc lật đổ Bảo Đại nhưng cũng là những lãnh
tụ chính trị độc lập như Nguyễn Bảo Toàn, Hồ Hán Sơn và Nhị Lang.
Ngày
4 tháng Ba, 1956, cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến được diễn ra gồm 123 dân biểu
mà hầu hết là người của chính phủ hay thân chính phủ. Ngày 17 tháng Tư, Tổng
Thống Diệm gửi thông điệp cho Quốc Hội đưa ý kiến về việc soạn thảo Hiến Pháp,
về việc này, Bernard Fall viết: “Ông
(Diệm) dẫn lời của Emmanuel Mounier, tác giả của chủ nghĩa Nhân Vị, để cảnh
giác các nhà lập pháp về những nguy cơ của nền dân chủ Tây phương, ‘đem tự do
tương đối cho một thiểu số nhưng đồng thời làm suy giảm hiệu năng của Quốc
gia.’ Ông cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam cần phải bác bỏ cả hai chủ nghĩa cực
đoan là Phát-xít và Cộng sản.” 28
Sau vài lần duyệt xét và đề nghị sửa đổi bản dự thảo, Tổng thống Diệm chính
thức ban hành bản Hiến Pháp ngày 26 tháng Mười, 1956. Ngoài những quyền hành
thông thường của vị nguyên thủ quốc gia dưới chế độ Tổng Thống, Hiến Pháp VNCH
còn dành cho Tổng Thống những quyền đặc biệt trong địa hạt an ninh và tình
trạng khẩn cấp. Tổng Thống có nhiệm kỳ là 5 năm và có thể ứng cử ba nhiệm kỳ liên tiếp, về mặt dân
quyền, bản Hiến pháp cũng bao gồm đầy đủ mọi quyền tự do căn bản của dân chúng
như bất cứ một nước dân chủ nào ở Tây phương, nhưng trong thực tế có nhiều hạn chế và vi phạm.
Dưới
thời Đệ Nhất Cộng Hòa, không thể không nhắc đến hai đạo luật khắt khe do dân
biểu Trần Lệ Xuân, tức bà Ngô Đình Nhu, là tác giả. Thứ nhất là Luật Bảo Vệ Gia Đình, ban hành ngày 29
tháng Năm, 1958, còn được gọi nôm na là “luật cấm ly dị” trừ khi được Tổng
Thống cứu xét và cho phép. Thứ nhì là Luật
Bảo Vệ Luân Lý, ra đời bốn năm sau, cũng thường được biết dưới tên nôm na
là “luật cấm nhảy đầm” ở bất cứ nơi nào, ngay cả trong những tiệc vui của gia
đình. Trên thực tế, đạo luật này còn cấm nhiều thứ khác như cấm ngừa và phá
thai, cấm nghề mãi dâm, đấu quyền Anh, chọi gà, mê tín dị đoan. Tháng Sáu 1962,
khi đạo luật vừa được ban hành, một số nhà báo Mỹ hỏi bà Nhu tại sao lại có sự
cấm đoán gắt gao như thế, nhất là lại áp dụng luôn cho cả người ngoại quốc, bà
Nhu trả lời rằng “người Á châu không quen
thói dâm đãng giữa đàn ông và đàn bà, con trai và con gái,” và rằng người
Mỹ “đến Việt Nam là để giúp chúng tôi chứ
không phải để nhảy đầm.”29
Ngoài ra, cần phải nhắc đến sắc lệnh số 10/62 hạn chế tự do cá nhân do Tổng
Thống ban hành ngày 16.5, qui định mọi
cuộc hội họp hay tụ họp dù là xum họp gia đình cũng phải có giấy phép của Sở
Cảnh sát địa phương.
Về
mặt an ninh, từ tháng Giêng 1956 đã có sắc lệnh số 6/56 của Tổng Thống cho phép
các cơ quan an ninh bắt giữ bất cứ người nào có hành động phương hại đến an
ninh quốc gia, tháng Năm 1959 lại có đạo Luật số 10/59 thiết lập Toà Án Quân Sự Lưu Động để gia tăng hiệu lực ngăn
chặn những hoạt động khủng bố của cộng sản. Tháng Năm 1962, Tổng thống lại ra
sắc lệnh số 11/62 thiết lập Toà Án Quân Sự Mặt Trận tại ba Vùng Chiến thuật với
thẩm quyền kết án chung thân mà người bị
kết tội không được phép kháng cáo. Các bản án tử hình đều được trình lên
Tổng Thống xem xét và quyết định. Tất cả những văn kiện pháp lý này đều có lý
do chung là ngăn ngừa và trừng trị những hành động phá hoại của cộng sản, nhưng
thực tế cũng nhắm cả vào những thành
phần đối lập không cộng sản. Đó là một sai lầm chính trị quan trọng của Ngô
Đình Diệm không những làm suy yếu hàng ngũ quốc gia mà còn khiến cho nhiều
người yêu nước ở miền Nam đồng ý hợp tác với cộng sản. Thật khác hẳn chủ trương
liên hiệp với những lãnh tụ quốc gia, dù chỉ là sách lược tạm thời, của Hồ Chí
Minh sau Cách mạng tháng Tám 1945 để xây dựng và củng cỗ lực lượng kháng chiến
chống Pháp. Sách lược đó cũng đã được sử dụng thành công chống lại Ngô Đình
Diệm mà kết quả là sự ra đời của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam.
Trong
những năm đầu của chính quyền Ngô Đình Diệm, chiến dịch tố cộng và diệt cộng đã
truy lùng và trừng phạt không những các cán bộ cộng sản nằm vùng mà còn cả những
người đã đi theo Việt Minh chống Pháp mặc
dù họ không phải là đảng viên cộng sản. Những người này đã không chọn di cư
ra Bắc sau khi hiệp định Genève chia đất nước làm đôi nhưng, ngoại trừ một số
rất ít, đều không ủng hộ chính phủ Diệm. Cuối năm 1958 có tin là 1,000 người đã bị giết ở trại tập trung Phú
Lợi khiến Hà Nội tổ chức biểu tình phản đối và đòi Ủy hội Quốc tế Kiểm soát
Đình chiến (UHQT) điều tra. Thân nhân của nhiều cán bộ ra Bắc tập kết cũng bị
bắt giữ, tra khảo và làm tiền bởi các viên chức địa phương. Tác giả Bùi Tín
nhắc lại những biện pháp hãi hùng đối với những nạn nhân của chiến dịch tố
cộng:
… các chiến dịch tố cộng, diệt cộng, với sắc lệnh 10/59, đưa máy chém
khắp các vùng để trừng trị các lực lượng cộng sản đang ẩn dấu trong dân. Hà Nội
gọi đó là cuộc chiến tranh một bên trong các tài liệu tổng kết.
Các
chiến dịch tố cộng ở đồng bằng sông Cửu Long, ở khu 5, bắt vợ con những người
“cộng sản” (thật ra phần lớn chưa hoặc không phải cộng sản, chỉ là những người
kháng chiến chống thực dân Pháp) từ bỏ những người chồng đi tập kết ra Bắc;
những người kháng chiến cũ, gia đình họ bị quản thúc, kiểm soát gắt gao, gây
nên một không khí rất căng thẳng.30
Đối
với các đảng phái quốc gia có khả năng trở thành đối thủ trong cuộc tranh giành
quyền lực thì những cuộc thanh trừng đã được chính quyền Ngô Đình Diệm thực
hiện từ đầu năm 1955, trước khi dẹp yên loạn quân Bình Xuyên và những nhóm tôn
giáo đối lập. Ở miền Trung, vào tháng Ba, Ngô Đình Cẩn đã dẹp xong các mật khu
của Đại Việt tại Ba Lòng (Quảng Trị)
và Phú Yên. “Kế tiếp, bắt đầu tiêu diệt
các hệ Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kontum và
nhiều tỉnh khác. Tại Quảng Nam, trên 20 người bị bắt giữ, kể cả Trịnh Thể,
Nguyễn Tiến Long, Trần Bích Kiện, Hồ Văn Anh, Phan Thiệp (Quận trưởng Tam Kỳ)
cùng nhiều giáo viên trường Khải Định Huế.”31
Khi
thành lập chính phủ cũng như trong những lần cải tổ nội các, Ngô Đình Diệm đều
không muốn có sự tham gia của Phan Huy
Quát, một lãnh tụ Đại Việt cũng được Hoa Kỳ tin cậy. Trong cuộc bầu cử Quốc
Hội Lập Hiến tháng Ba 1956, ứng cử viên đối lập Phan Quang Đán đắc cử nhưng không được công nhận vì “gian lận”, và
bị thua phiếu ứng cử viên chính phủ trong lần bầu lại. Năm 1959, ông Đán ra
tranh cử lần nữa và trúng cử với đa số phiếu nhưng vẫn bị loại vì “vi phạm luật
bầu cử”. Một ứng cử viên đối lập khác là Nguyễn
Trân cùng đắc cử với ông Đán ở Sài-gòn cũng bị loại với cùng một lý do.
Ngày 15.3.1958, Nghiêm Xuân Thiện,
cựu Tổng trấn Bắc phần, trong một lá thư ngỏ “Gửi Dân biểu của tôi” đăng trên tuần
báo Thời Luận do ông làm Chủ nhiệm, nhận xét rằng:
Dưới
thời chính phủ phong kiến thực dân Nguyễn Văn Tâm, “trong những cuộc bầu cử hội
đồng tỉnh và hội đồng xã, dân chúng bị dọa nạt và ép buộc phải đi bầu, nhưng
còn khá hơn những cuộc bầu cử của quí vị, vì không có ai dùng xe cam- nhông chở
lính vào Sài-gòn để “giúp việc bỏ phiếu”… Quí vị lấy làm hãnh diện đã tạo lập
cho Việt Nam một chính thể mà quí vị nghĩ là tương tự như nước Mỹ. Nếu có tương
tự thì cũng như một toà nhà chọc trời và một ngôi nhà mái tôn giống nhau ở chỗ
cùng là những nơi có người ở.
Ở
Hoa Kỳ, Quốc Hội đích thực là một nghị trường và các dân biểu là những nhà làm
luật tức là những người tự do và có công tâm không sợ hãi chính phủ, biết rõ
nhiệm vụ của họ và dám đem ra thực hiện. Ở đây, dân biểu là những viên chức
chính trị làm luật như một xướng ngôn viên trên đài phát thanh, lớn giọng đọc
những bản văn đã được soạn sẵn từ trước.”32
Ngay
sau đó, báo Thời Luận bị đóng cửa và chủ nhiệm Nghiêm Xuân Thiện bị đưa ra tòa
về tội phỉ báng chính quyền và bị xử mười tháng tù giam.
Ngày
26 tháng Tư, 1960, mười tám nhân vật danh tiếng họp báo tại khách sạn Caravelle
công bố lá thư chung gửi Tổng thống Ngô Đình Diệm kêu gọi “khẩn cấp thay đổi chính sách, ban hành các quyền tự do dân chủ để có thể
cứu vãn tình thế và đưa đất nước ra khỏi cơn nguy biến.” Lá thư nhấn mạnh
đến những vụ bắt bớ, giam cầm và xử án
phi pháp, nạn lũng đoạn hàng ngũ công chức và quân đội của các tổ chức
chính trị của chính quyền đưa đến những vụ thăng thưởng hay trừng phạt bất
công, các tệ nạn độc quyền kinh tế và tham nhũng làm cho dân chúng mất niềm tin
và dễ bị cộng sản lôi cuốn. Lá thư chung này, được dư luận đặt tên là “Bản
Tuyên cáo Caravelle,”33
đã không được ông Diệm quan tâm đến.
Bộ
Ngoại giao Mỹ, qua Đại sứ Elbridge Durbrow, tìm mọi thuyết phục ông Diệm cải
thiện các điều kiện chính trị và bộ hành chánh nhưng không có kết quả. Ngay cả
cố vấn cải cách điền địa và phát triển nông thôn Wolf Ladejinsky rất có thiện
cảm với Diệm cũng trở nên lạnh nhạt và xa lánh ông. Chỉ còn một người vẫn còn
nhiệt tình ủng hộ ông Diệm là Edward G. Lansdale không được Bộ Ngoại giao cho
trở lại Việt Nam.
Ngày
11.11.1960, một số tiểu đoàn Nhảy Dù do Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương
Văn Đông cầm đầu thực hiện một cuộc đảo chánh, chiếm giữ một số cơ quan
chính phủ và bao vây Dinh Độc Lập. Nhóm sĩ quan này được sự ủng hộ của một số
chính trị gia chống Diệm như Hoàng Cơ
Thụy, Phan Quang Đán, Phan Khắc Sửu. Cuộc đảo chính bất thành
vì mục đích chính của những người làm đảo chính chỉ nhằm ép buộc ông Diệm thay
đổi chính sách và lập chính phủ mới. Đại sứ Mỹ giữ thái độ trung lập và khuyến
khích hai bên thương thuyết. Ông Diệm hứa thay đổi chính trị nhưng kéo dài cuộc
điều đình cho đến khi viện binh của Trần Thiện Khiêm và Huỳnh Văn Cao từ Mỹ Tho
và Biên Hoà về giải cứu ngày 12.11. Nhóm cầm đầu đảo chính phải bỏ trốn qua Nam
– Vang.
Sau
vụ đảo chính hụt này, tình hình chính trị và quân sự của VNCH càng ngày càng
bất lợi. Ngô Đình Diệm nặng tay hơn với : Từng thành phần đối lập và kiểm soát
sự trung thành của quân đội chặt chẽ hơn trước. Trong khi đó, Hoa Kỳ vẫn không
thể thuyết phục ông thực hiện những cải cách chính trị và ngăn chặn nạn bè mái
tham nhũng. Đại sứ Durbrow báo cáo tình trạng bi quan và cho rằng cần phải thay
đổi lãnh đạo trong một tương lai gần.
Ngày
27.2.1962, hai phi công Nguvễn Văn Cử
và Phạm Phú Quốc cất cánh từ Biên
Hoà trong một phi vụ oanh tạc quân cộng sản ở Gò Công thình lình đổi hướng bay
về Sài-gòn, ném bốn trái bom và bắn một số hoả tiễn vào dinh Độc Lập. Hai ông
Diệm, Nhu đều thoát nạn, chỉ có bà Nhu bị thương nhẹ. Sau vụ ám sát hụt này,
Tổng thống Diệm càng tin chắc mình luôn luôn được ơn trên che chở.
-aaa-
Ngô
Đình Diệm mất dần những người bạn Mỹ ủng hộ ông. Mặc dù không tìm cách xa lánh
Diệm như Ladejinsky, Lansdale rất
quan tâm đến những sai lầm trầm trọng của người lãnh đạo VNCH và đã không ngần
ngại nói thẳng những điều lo ngại và những lời khuyến cáo rất chân tình của
mình. Lá thư của Lansdale gửi Ngô Đình Diệm ngày 30 tháng Giêng 1961 sau hai
tuần trở lại Việt Nam quan sát tình hình cho thấy rõ thái độ của người bạn có
công lớn nhất và đáng tin cậy nhất của Tổng thống Diệm. Sau khi cám ơn ông Diệm
về cuộc tiếp đón nồng hậu và tỏ nỗi vui mừng được gặp lại ông, Lansdale xác
nhận tình cảm thân thiện của Tổng thống Kennedy và các nhà lãnh đạo quốc phòng
và ngoại giao đối với ông Diệm sau khi nghe Lansdale tường thuật về kết quả
chuyến đi. Sau đó, Lansdale thẳng thắn nói đến những điều ông đã ghi nhận được
trong những cuộc tiếp xúc với các giới ở Việt Nam, theo đó
“nguy cơ hiện thời của Ngài phát xuất từ những hành động của chính Ngài.
Họ nói rằng Ngài muốn tự làm lấy quá nhiều việc, rằng Ngài không chịu trao
trách nhiệm thực sự cho người khác và cứ can thiệp vào việc làm của họ, rằng
Ngài cho rằng mình không bao giờ sai lầm,
và rằng có quá nhiều tổ chức của Ngài như Đoàn Thanh Niên Cộng Hòa và Đảng Cần
Lao được thành lập do ép buộc —nghĩa là người ta gia nhập vì sợ— chứ không phải là những tổ chức thật sự bắt nguồn từ
trong lòng người Việt Nam. Tôi tin rằng sẽ có nhiều tiếng nói chỉ trích
riêng tư ở bên đây khi tin tức lan truyền về những phản ứng thuận lợi đối với
bản phúc trình của tôi.
Cách
trả lời hay nhất cho những lời chỉ trích đó là hành động của Ngài ở Việt Nam.
Những người chỉ trích sẽ phải im miệng trước những việc làm của Ngài. Một việc
Ngài có thể làm là thông báo sắp cải tổ chính phủ. Ngài cũng có thể làm cho Hội
đồng An ninh của Ngài trở nên sống động hơn. Xin Ngài nhớ đề nghị của tôi:
triệu tập các tư lệnh quân đội và tỉnh trưởng từ các Quân khu 1 và 5 về họp với
Hội đồng An ninh. Ngài có thể tuyên bố trước hội nghị này và cho truyền thanh
tới nhân dân trên toàn quốc. Xứ sở của Ngài cần được Ngài nâng cao tinh thần.
Đồng bào của Ngài cần được biết rằng Việt Nam đang bị hiểm họa Cộng sản, rằng chính
phủ hoan nghênh sự giúp đỡ của mỗi người dân, và rằng Việt Nam phải được và sẽ
được gìn giữ trong độc lập và tự do.
Sau
khi nói chuyện, Ngài trao việc điều khiển phiên họp cho Phó Tổng thống Thơ hay
Bộ trưởng Thuần. Đây phải là một phiên họp kín. Tôi tin rằng mỗi tỉnh trưởng,
mỗi chỉ huy quân sự, và các đại biểu vùng sẽ báo cáo công khai và thẳng thắn
những vấn đề khó khăn ở địa phương họ. Việc này Ngài đã làm một lần trước đây,
vào tháng Hai 1955, và thật là một hành động rất khôn ngoan và lành mạnh. Ngài
sẽ được nghe nhiều điều, không phải chỉ những vấn đề xấu mà cả những ý kiến tốt
nữa.
Phiên
họp sẽ rất lợi cho Ngài nếu có sự tham gia của một số người Mỹ đang muốn giúp
Ngài. Hãy mời những người mà Ngài tin là thành thật. Họ cũng sẽ học được rất
nhiều và sẽ trở nên thực tế hơn trong nhiệm vụ của họ ở Việt Nam. Tôi nghĩ nên
mời McGarr và Colby.
Bây
giờ điều làm tôi hết sức lo ngại là phe chính trị đối lập với Ngài. Tôi đã bỏ
ra nhiều ngày giờ để suy nghĩ về chuyện này từ khi rời Việt Nam. Có nhiều lời
đàm tiếu và cảm nghĩ xấu trong nhiều giới ở Sài-gòn. Những điều đó xấu và tệ
đến độ tôi lo ngại có thể khiến những người thiếu suy xét sẽ toan tính một vụ
đảo chính khác. Ngài là một trong những lãnh tụ vĩ đại của Thế giới Tự do và
một người bạn mà tôi vô cùng quý mến. Vì vậy, xin Ngài hãy nhận lấy những lời
bộc lộ rất thân tình của tôi.
Đàn áp đối lập chính trị bằng
cách bắt giam người hay đóng cửa báo sẽ chỉ làm cho những lời chê trách biến
thành những xúc cảm thù hận và đưa đến sự thành lập các tổ chức bí mật và những
âm mưu chống lại Ngài… Nếu Ngài có thể tập hợp những
người đối lập soạn thảo một chương trình cứu quốc với những ý kiến cụ thể và có
thể làm chương trình này một cách tự do giữa họ với nhau ngoài chính phủ, Ngài
sẽ chuyển một phần lớn năng lực chính trị của họ thành một việc làm xây dựng.
Họ sẽ tranh luận với nhau, người này cố thuyết phục người kia chấp nhận ý kiến
của mình thay vì sử dụng năng lực chính trị của họ vào việc đả kích Ngài….
Có
lẽ hành động khôn ngoan nhất là kêu gọi giới trẻ trong thành phần đối lập. Hay
nhất là chính Ngài đích thân nói chuyện với họ. Ngài có thể cho họ biết rằng Việt Nam đang lâm vào tình thế bị đe dọa
mất tự do, rằng mọi người Việt Nam phải làm việc để cứu lấy tự do, rằng
Ngài biết các chính trị gia đối lập không đồng ý với tất cả các chương trình
của Ngài, nhưng việc điều hành một chính phủ đang bị Cộng sản tấn công kịch
liệt không thể đơn giản như sự suy nghĩ của những người chỉ trích. Ngài muốn họ
không chỉ chê trách chính quyền. Nếu họ có ý kiến hay, họ hãy viết xuống và
thỏa thuận về một chương trình mà họ tin là có thể cứu được đất nước. Không
phải chương trình của Cộng sản mà là chương trình của những người Việt Nam tự
do. Nếu họ ngồi xuống viết và thỏa thuận với nhau về một chương trình như vậy,
Ngài có thể bảo đảm với họ rằng Ngài sẽ không cản trở đường đi của họ —dù cho
điều đó có nghĩa là sự thành lập một đảng đối lập duy nhất và mạnh mẽ.
Ngài
cũng có thể nói với họ như Ngài đã nói với tôi năm 1955 và 1956—rằng điều mơ
ước của Ngài là nướcViệtNam có hai đảng chính trị mạnh. Ngài có thể nói rõ rằng
Ngài mời gọi những người trẻ tuổi trong các nhóm đối lập vì họ là những người
có trách nhiệm xây dựng tương lai. Họ sẽ sống trong tương lai. Có quá nhiều
chính trị gia lớn tuổi đang sống trong quá khứ hay chỉ đi tìm quyền lực một
cách vị kỷ….34
Lá
thư này được trích dẫn gần hết để chứng tỏ mối thân tình và lòng sốt sắng giúp
đỡ của Lansdale đối với Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên, dù đã có công “cứu” ông Diệm
hồi tháng Tư 1955 (bằng điện văn gửi ngoại trưởng Dulles, chống lại cuộc vận
động thay Diệm của Đại sứ Collins), lại đích thân giúp cho ông Diệm loại được
Nguyễn văn Hinh và các lực lượng vũ trang chống đối lúc đó (bằng việc hối lộ
các giáo phái) và tồn tại được nhiều năm sau, Lunsdale nay đã không thể thuyết
phục được ông Diệm nghe theo những lời khuyến cáo thực tế và đầy thiện chí của
mình.
Một
người bạn thân khác của ông Diệm là Wesley
R. Fishel, giáo sư chính trị và là trưởng đoàn cố vấn của Đại Học Michigan
giúp cho VNCH về tổ chức và điều hành bộ máy chính quyền từ 1954. Fishel gặp
ông Diệm ở Nhật năm 1950, giới thiệu ông với các nhân vật ở Mỹ và hết sức bênh
vực chính quyền Diệm cho đến khi ông và nhóm cố vấn Michigan thất vọng với hai ông Nhu-Diệm, bắt đầu chỉ
trích chế độ và kết quả là chương trình Michigan bị hủy bỏ năm 1962.
Thượng
Nghị sĩ Mike Mansfield, người đã
thuyết phục Tổng thống Eisenhower và Ngoại trưởng Dulles ủng hộ Ngô Đình Diệm
trước áp lực của Pháp và các lực nổi loạn trong những năm 1954-1955, cũng trở
nên thất vọng với Diệm mấy năm sau
đó. Đại sứ Durbrow kể lại rằng, trong dịp trở về Washington điều trần trước
Thượng Viện năm 1960, ông có gặp riêng Mansfield và được vị Thượng Nghị sĩ này
nói chuyện về “những chính sách thiếu dân
chủ, tình trạng tham nhũng và những nhược điểm khác của chính phủ Diệm.”
Theo Durbrow, khi đó Mansfield đã “hoàn toàn lạnh nhạt với Diệm.”35 Đáng chú ý nhất là, sau
chuyến đi Việt Nam tháng Mười Hai 1962, Mansfield đã viết một bản phúc trình
cho Tổng Thống Kennedy về những sai lầm
của ông Diệm và đề nghị Hoa Kỳ nên rút ra khỏi Việt Nam trước khi bị sa lầy
trong “một cuộc nội chiến tuyệt vọng” của miền Nam chống cộng sản miền Bắc.
Ông cũng đích thân gặp Kennedy để nói rõ quan điểm của mình. Sau cuộc tiếp kiến
này, Kennedy nói với phụ tá Kenny O’ Donnell, “Tôi tức giận Mike vì ông ta đã bất đồng ý với chính sách của chúng ta,
nhưng tôi cũng tự giận mình vì tôi đã thấy chính mình đồng ý với Mike.”
Trong lần gặp gỡ thứ nhì với Mansfield, Kennedy cho hay ông đồng ý sẽ rút hết cố vấn quân sự ra khỏi Việt Nam, nhưng không
thể làm chuyện này cho tới năm 1965, sau khi đã tái đắc cử. Sau đó, Kennedy tâm
sự với Charles Bartlett, phái viên thân cận ở Bạch Cung của tờ Chattanooga
Times: “Chúng ta không cầu mong ở lại
Việt Nam. Những người ở đó ghét chúng ta. Có thể họ sẽ tống cổ chúng ta ra khỏi
nơi đó bất cứ lúc nào. Nhưng tôi không thể bỏ một miền đất như vậy cho cộng sản
để rồi vẫn được dân chúng bầu lại tôi.”36
Trước
tình hình suy yếu của VNCH năm 1960, Đảng Cộng sản đã không bỏ lỡ cơ hội tiến
hành chiến dịch Đồng Khởi được bắt đầu từ 1959 ở các tỉnh miền Trung, tiếp theo
Nghị quyết thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Công cuộc sách động quần
chúng đấu tranh vũ trang và chính trị lan tràn xuống các tỉnh đồng bằng sông
Cửu Long, phá hoại các khu trù mật và thiết lập một hệ thống “chính quyền cách
mạng” hoạt động công khai hay bí mật tùy theo mức độ “giải phóng” ở mỗi địa
phương. Tình hình chính trị miền Nam sau cuộc đảo chánh hụt 11.11 của nhóm
Nguyễn Chánh Thi-Vương Văn Đông cũng đủ chín để Hà Nội giúp các đảng viên và
thân hữu của họ ở miền Nam cho ra đời một tổ chức chính trị có danh nghĩa chính
thức trong cuộc tranh đấu chống Mỹ và lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngày 20
tháng Mười Hai 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành
lập và công bố Bản Tuyên ngôn và Chương trình Mười Điểm (xem thêm chương Bảy).
Ngoài
chính sách độc tài gia đình trị, chính phủ Diệm còn phạm nhiều sai lầm trong việc hoạch định và thi hành các chương trình
tranh thủ nhân dân chống cộng.
■
Trước hết là cải cách điền địa (ngoài Bắc gọi là cải cách ruộng đất). Quyền sở
hữu đất đai thời thực dân đã tạo ra nhiều bất công xã hội do tình trạng bất
bình đẳng giữa thiểu số đại điền chủ và đa số nông dân nghèo khó. Điều này đặc
biệt đúng ở miền Nam với 2.5 phần trăm đại điền chủ sở hữu 45 phần trăm tổng số
ruộng đất trong khi 73 phần trăm tiểu điền chủ chỉ có được 15 phần trăm. Với 80
phần trăm dân chúng sống ở nông thôn, cải cách điền địa để san bằng những bất
công ấy là một việc làm cần thiết của chính quyền ở miền Nam để lôi cuốn sự ủng
hộ của đa số dân chúng. Điều đáng nói là ở miền Bắc thực ra không có nhu cầu
cải cách ruộng đất vì 98.2 phần trăm đất đai thuộc quyền sở hữu của những người
chỉ có tư 5 ha trở xuống.37
Do đó, như đã thấy ở chương Ba, việc ấn định thành phần địa chủ ở nông thôn
miền Bắc đã rất lúng túng và gượng ép, đến độ có nhiều trường hợp phải “đôn”
trung nông và phú nông lên thành địa chủ để có đủ tỉ lệ người đem ra đấu tố,
như kết quả sửa sai cho thấy ở khu Tự trị Việt Bắc đã có đến 83 phần trăm hộ bị
“quy sai” (xem chương Ba.) Chính sách cải cách ruộng đất của Đảng Cộng sản Việt
Nam chỉ là một sự áp dụng máy móc của mô hình đấu tranh giai cấp đã được thực
hiện ở Nga và Trung Quốc nhưng không thích hợp ở Việt Nam.
Qua
chính sách cải cách ruộng đất kiểu cộng sản, chính quyền miền Bắc đã gây dựng
được một tầng lớp bần nông và cố nông làm nền tảng, với hàng trăm ngàn người
tình nguyện làm dân công đưa đến chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Mặc dù
chính sách cải cách ruộng đất đã giết oan quá nhiều người khiến cho Đảng và Nhà
nước phải nhận lỗi trước nhân dân và tìm cách sửa sai, các chương trình hợp tác
hóa nông nghiệp và tập thể hoá ruộng đất trong những năm về sau đã làm cho ngay
cả các giới bần nông và cố nông cũng cảm thấy bất mãn. Tuy nhiên, sau hàng chục
năm được nhà nước tuyên truyền, tổ chức và kiểm soát chặt chẽ, dân chúng đã
quen chịu đựng nỗi đau khổ hiện tại và hi vọng ở hạnh phúc tương lai.
Chính
sách cải cách điền địa ở miền Nam, qua Dụ số 57 ngày 22 tháng Mười 1956, mang
tính chất ôn hoà, vừa không làm cho quyền lợi của địa chủ bị thiệt hại nhiều,
vừa cải thiện cuộc sống của nông dân nghèo bằng cách giảm địa tô và tạo cơ hội
cho tá điền trở thành địa chủ. Theo luật, đại điền chủ chỉ được giữ lại tối đa
100 ha ruộng, số còn lại sẽ bị truất hữu để bán lại cho các tá điền. Số ruộng
truất hữu sẽ được chính phủ bồi thường 10 phần trăm bằng tiền mặt và 90 phần
trăm bằng trái phiếu. Tá điền được giảm địa tô xuống 25 phần trăm vụ mùa thu
hoạch so với 50 phần trăm khi trước. Tá điền có quyền mua ruộng truất hữu, tối
đa mỗi gia đình là 5 ha, trả cho nhà nước trong 12 năm. Tiền mua ruộng bằng số
tiền nhà nước bồi thường cho chủ điền.
Trên
thực tế, việc thi hành không đơn giản như vậy. Nhiều người trong chính phủ Ngô
Đình Diệm kể cả những cấp lãnh đạo ở địa phương đều thuộc thành phần trung hay
đại điền chủ. Trong thời gian chiến tranh, vì họ phải bỏ lên thành thị nên
ruộng đất của họ bị Việt Minh tịch thu và phân phát cho các tá điền. Theo Dụ số
57, họ được khôi phục quyền sở hữu ruộng đất, được hưởng địa tô dù bị giảm một
nửa, và những người có trên 100 ha đều được tiền bồi thường trên số ruộng bị
truất hữu. Tá điền, mặc dù được ưu đãi hơn so với thời Pháp thuộc, cảm thấy bị
thua thiệt so với thời sống dưới sự kiểm soát của Việt Minh họ được cấp ruộng
mà không phải trả, hay trả rất thấp, địa tô. Ngoài ra họ còn bị các viên chức
địa phương sách nhiễu và làm tiền trong các thủ tục vay tiền nhà nước và làm
giấy tờ mua ruộng truất hữu. Do đó, chính
sách cải cách điền địa của Ngô Đình Diệm đã không thành công, tạo cơ hội cho
cộng sản phản tuyên truyền, xúi dục nông dân bất hợp tác. Chính sách cải
cách điền địa càng thất bại hơn nữa khi MTGPMN ra đời năm 1960 đã chủ trương
phát không ruộng đất cho nông dân hoặc giảm địa tô xuống mức độ tượng trưng.
■
Năm 1959, chính phủ Ngô Đình Diệm thiết lập chương trình “khu trù mật,” được
coi như một sáng kiến tách rời nông dân ở những vùng hẻo lánh ra khỏi vòng ảnh
hưởng và kiểm soát của cộng sản. Mỗi khu trù mật được xây dựng như một thành
phố nhỏ ở một địa điểm gần các trục lộ giao thông, thuận tiện cho các sinh hoạt
nông nghiệp, tiểu thương và tiểu công nghệ, có máy phát điện, trường học, nhà
thương, chùa và nhà thờ. Mỗi gia đình được cấp 3,000 mét vuông và vật liệu xây
nhà, cộng thêm một mảnh vườn để trồng cây với chuồng heo chuồng gà có khả năng
sinh lợi tức. Mỗi khu trù mật là một thành lũy với những đội dân vệ vũ trang để
bảo vệ an ninh và ngăn chặn sự xâm nhập của cộng sản. Mặc dù được quan niệm tốt
đẹp như vậy, chương trình khu trù mật vẫn không đạt được kết quả mong đợi. Chỉ hai năm sau chương trình này bị dẹp bỏ
khi mới thành lập được 20 khu trù mật trên tổng số 80 theo kế hoạch dự trù.
Các
quan sát viên ngoại quốc đều cho rằng chương trình khu trù mật thất bại vì kéo
dân ra khỏi nơi sinh sống lâu đời của họ để tập trung họ vào một khu xa lạ
khiến họ phải làm lại cuộc sống từ đầu. Điều này chỉ đúng một phần vì làng mạc
ở miền Nam không khép kín và tổ chức chặt chẽ với những truyền thống lâu đời
như ở miền Bắc. Đã đành người dân nông thôn ở đâu cũng không muốn rời bỏ nơi
quen thuộc nhưng họ cũng sẵn sàng thích ứng nếu cuộc sống mới thực sự đem lại
cho họ sự yên ổn và hạnh phúc. Lý do chính vẫn là tệ nạn quan liêu, tham nhũng
của các viên chức cầm quyền địa phương khiến họ thường bị sách nhiễu và đời
sống vẫn bị khó khăn, thiếu thốn, Họ bị cắt xén các vật liệu được chính phủ
cung cấp hoặc phải trả tiền túi ra mua, Họ ít khi ra khỏi khu trù mật vì lý do
an ninh hay vì bị chính những người có nhiệm vụ bảo vệ họ hạch hỏi, gây khó dễ
để làm tiền khi biết họ ra ngoài để buôn bán làm ăn. Nhiều tỉnh trưởng muốn lập
công với Tổng thống đã bắt dân làm việc quá sức để phá kỷ lục mau chóng lập khu
trù mật hoặc kịp trình diễn một bề ngoài sung túc của khu trù mật khi Tổng
thống tới kinh lý.
■
Tháng Ba năm 1962, khu trù mật được thay thế bằng chương trình “Ấp Chiến lược.”
Chương trình này, do Sir Robert Thompson quan niệm, đã được thực hiện thành
công trong chiến dịch tiễu trừ cộng sản ở Mã-Lai trong thập niên 1950 nhưng
trong những điều kiện khác với Việt Nam. Giữa năm 1961, kinh tế gia Eugene
Staley được Tổng thống Kennedy phái sang Việt Nam nghiên cứu tình hình. Giáo sư
Vũ Quốc Thúc được cử làm đối tác phía VNCH để làm việc với giáo sư Staley. Trong
bản phúc trình cho Kennedy, ngoài những đề nghị cải thiện đời Sống kinh tế, xã
hội và chính trị ở miền Nam, Staley còn nhấn mạnh đến nhu cầu tăng cường lực
lượng dân vệ và nghĩa quân để bảo vệ an ninh cho dân chúng. Ông đề nghị xây
dựng một hệ thống ấp chiến lược như những tiền đồn chống cộng của nhân dân Việt
Nam. Tổng thống Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu rất tán thành ý kiến này và coi đây
là cơ hội tốt để hoàn thiện quan niệm về khu trù mật. Ông Nhu đích thân điều
động chương trình.
Khác
với quan niệm của Thompson về ấp chiến lược là lập hàng rào an ninh bên ngoài
những thôn ấp hiện hữu, ông Nhu chủ trương tiến hành xây dựng những địa điểm
chiến lược mới và dân chúng tập trung vào đó được cung cấp các phương tiện cần
thiết để bảo vệ an ninh và phát triển cuộc sống. Ngoài việc được phân phát vũ
khí và huấn luyện chiến đấu, dân trong ấp còn có phương tiện thông tin trực
tiếp với các lực lượng quân sự địa phương trong trường hợp khẩn cấp. Dân chúng
sẽ được chính phủ giúp đỡ nâng cao cuộc sống và do đó sẽ đoàn kết làm hậu thuẫn
cho chính phủ trong công cuộc chống cộng. Ấp chiến lược được đưa lên thành quốc
sách có tầm quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, mọi tính toán lý thuyết tốt đẹp này
lại thất bại một lần nữa khi thực hiện. Do chỉ tiêu phải hoàn tất 7,200 ấp chiến
lược trong năm đầu tiên38
trên tổng số dự định là 14,000, nhiều ấp
chiến lược đã được thành lập một cách vội vàng, cẩu thả và dân chúng bị áp lực
làm việc quá sức, chịu sự kiểm soát gắt gao và phải đóng góp nhiều thì giờ vào
công tác phòng vệ. Việc xây dựng ấp chiến lược quá nhiều và quá nhanh cũng
làm suy giảm khả năng của quân đội trong việc bảo vệ dân chúng ở những vùng do
chính phủ kiểm soát. Lợi dụng những nhược điểm này, bộ đội cộng sản gia tăng
tấn công các ấp chiến lược yếu và cắt đứt các đường tiếp viện của quân đội. Hệ
thống ấp chiến lược tan rã dần.
-bbb-
Năm
1963, các biến chuyển bất lợi cho chính quyền Ngô Đình Diệm liên tiếp xảy ra
đưa đến cái chết thê thảm của các ông Diệm, Nhu, Cẩn và sự sụp đổ của đệ Nhất
Cộng Hoà. Ngày 2 tháng Giêng, quân đội VNCH mở cuộc tân công vào Ấp Bắc, một
địa điểm do cộng sản kiểm soát thuộc quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho, cách tây- nam
Sài gòn khoảng 40 dặm. Mặc dù đông gấp bốn lần quân địch và có sự yểm trợ của
xe thiết giáp và máy bay trực thăng, ba tiểu đoàn bộ binh của VNCH đã bị quân cộng sản phục kích gây thiệt hại
nặng nề. Họ chỉ rút lui khi quân quốc gia được một tiểu đoàn dù đến tiếp
cứu. Ngày 25.2, phúc trình Mansfield khuyến cáo Hoa Kỳ nên rút khỏi Việt Nam được công bố khiến cho quan hệ Việt-
Mỹ trở nên căng thẳng. Tinh thần chống Mỹ của gia đình Tổng thống Diệm lên đến
cao độ. John Mecklin, cố vấn toà Đại sứ, báo cáo về bộ Ngoại giao Mỹ rằng “sự cay đắng bị đè nén này có thể gây hậu quả
tai hại cho quan hệ của chúng ta với chính phủ Việt Nam hơn là một sự phản đối
công khai”.39 Vào
cuối tháng Ba, ông Nhu có một “buổi thảo luận đặc biệt của Quân ủy Cần Lao” với
Trung tướng Tôn Thất Đính, Tổng tư
lệnh Quân đoàn III và Thủ đô Sàigòn và Đại tá Lê Quang Tung, Chỉ huy trưởng Lực lượng Đặc biệt, để ra chỉ thị về các
biện pháp ngăn chặn đảo chánh do Mỹ sắp đặt.40
Từ
tháng Tư trở đi, một chuỗi biến cố giữa chính quyền và Phật giáo dẫn đến cuộc
đảo chính 1 tháng Mười Một. Nguyên nhân đầu tiên là lệnh cấm treo cờ Phật giáo
ngoài khuôn viên chùa chiền trong ngày lễ Phật Đản. Thông thường, cờ của tôn
giáo nào cũng chỉ treo ở những nơi thờ tự của tôn giáo ấy, nếu đôi khi có ngoại
lệ thì chẳng có gì đáng để cho chính quyền phải ngăn cấm. Tuy nhiên, riêng năm
1963 thì xảy ra chuyện đáng tiếc về vụ treo cờ Công giáo và cờ Phật giáo ở
thành phố Huế. Đầu tháng Tư, nhân dịp lễ Ngân Khánh kỷ niệm 25 năm Tổng Giám mục Ngô Đình Thục được thụ
phong giám mục,41 cờ Vatican được treo nhiều nơi ngoài nhà
thờ ở Huế và những vùng phụ cận. Đầu tháng Năm, để chuẩn bị tổ chức lễ Phật
Đản, các Phật tử treo cờ Phật giáo tại tư gia nhiều hơn cờ Công giáo trong dịp
chúc mừng Tổng Giám mục Ngô Đình Thục. Điều này dễ hiểu vì đa số dân Việt Nam
vốn theo đạo Phật từ lâu. Do sự can thiệp của Tổng Giám mục Thục, ngày 6.5 Phủ
Tổng thống ra lệnh không cho treo cờ Phật giáo ngoài khuôn viên các chùa. Ngày
8.5, Thượng Tọa Trí Quang thuyết pháp tại chùa Từ Đàm, phản đối lệnh cấm và tố
cáo chính quyền đàn áp Phật giáo. Sau đó, khoảng ba ngàn Phật tử xuống đường
biểu tình phàn đối chính phủ. Phó Tỉnh trưởng Đặng Sỹ cho lệnh cảnh sát và quân
đội giải tán đám biểu tình khiến cho 8 người chết và 15 bị thương.42
Các
cuộc biểu tình của tăng ni và Phật tử lan ra một số tỉnh miền Trung và đặc biệt
ở Sài-gòn trong khi những cuộc điều đình giữa chính quyền và các nhà lãnh đạo
Phật giáo chưa đạt được kết quả. Ngày 11.6, Thượng tọa Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài-gòn. Tấm hình của vị tu
sĩ ngùn ngụt lửa do Malcom Browne, phái viên AP, chụp được bỗng nhiên làm sôi
nổi dư luận thế giới về cuộc tranh đấu của Phật Giáo Việt Nam. Tổng thống Diệm
lúc đầu muốn giải quyết vấn đề Phật giáo một cách ổn thỏa, nhưng ông trở nên
bất lực trước những lời tuyên bố của bà Ngô Đình Nhu (Trần Lệ Xuân) có tính
cách nhục mạ đối với các nhà lãnh đạo Phật giáo, đồng thời kịch liệt chỉ trích Hoa
Kỳ can thiệp vào nội bộ Việt Nam.
Ngày
7.7, nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam,
một lãnh tụ của VNQDĐ và Đại Việt Dân Chính uống thuốc độc tự tử để phản đối
chính quyền đưa ông ra Tòa Án Mặt Trận xét xử cùng với những người liên quan
đến vụ đảo chính hụt gần ba năm trước (11.11.1960.) Bác sĩ Trần Kim Tuyến, Giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị phủ Tổng Thống —cơ
quan mật vụ được CIA yểm trợ để kiểm soát các phần tử chống đối chính phủ— là người đầu tiên trong chính quyền âm mưu
đảo chính nhằm loại bỏ hai vợ chồng ông Ngô Đình Nhu trước nguy cơ sụp đổ của
VNCH. Cùng chủ mưu trong vụ này là Đại tá Phạm Ngọc Thảo,43
Tổng Thanh tra chương trình Ấp chiến lược. Âm mưu của Tuyến-Thảo được sự ủng hộ
của một số sĩ quan trẻ, một số nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị. Được tin
này, Lucien E. Conein, nhân viên CIA đang làm cố vấn cho Bộ Nội Vụ, báo tin cho
người bạn thân là Trung tướng Trần Văn
Đôn khi đó cũng đang bàn tính chuyện đảo chính với các tướng Lê Văn Kim, Dương Văn Minh và Trần Thiện Khiêm.
Tướng Khiêm gặp Đại tá Thảo và chặn được kế hoạch đảo chính sớm này. Sau đó,
Trần Kim Tuyến bị Ngô Đình Nhu nghi ngờ và đẩy đi làm Tổng Lãnh sự bên Ai Cập.44
Đêm
21.8, Ngô Đình Nhu điều động Lực Lượng Đặc Biệt tấn công chùa Xá Lợi, bắt giữ
hàng trăm tăng ni, trong đó có hai nhà lãnh đạo giáo hội Phật giáo là Hòa
thượng Thích Tịnh Khiết và Thượng tọa Thích Tâm Châu. Đồng thời, tại Huế và
nhiều nơi khác cũng xảy ra những vụ tấn công chùa chiền và bắt bớ tăng ni, Phật
tử. Sau vụ này, Đại sứ Cabot Lodge
được Tổng thống Kennedy chấp thuận quyết định “không ngăn cản” cuộc đảo chánh nếu Tổng thống Diệm không chịu thay
đổi đường lối lãnh đạo và loại bỏ vai trò của vợ chồng ông Nhu.
Khi
biết là quan hệ với Washington có thể phải đoạn tuyệt, hai ông Nhu và Diệm tỏ ra muốn thương thuyết với Hà Nội. Ý định này có
thể đã nảy sinh từ cuối tháng Năm khi Hồ Chí Minh tuyên bố trong một buổi
phỏng vấn với nhà báo Úc Wilfred Burchett rằng chính phủ Ngô Đình Diệm và
MTGPMN có thể thương thuyết ngưng bắn và thành
lập một chính phủ liên hiệp. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi được Mieczyslaw Maneli, Trưởng đoàn Ba-Lan
trong UHQT, thăm dò khả năng hiệp thương với miền Nam, còn cho biết rõ rệt hơn:
“Vấn đề chính là Mỹ phải ra đi. Trên cơ
sở chính trị này, chúng tôi có thể thương thuyết về mọi chuyện. Tất cả mọi
chuyện.”45 Một vài
cuộc tiếp xúc bí mật giữa ông Nhu và đại diện của Hà Nội được diễn ra như Ellen
J. Hammer đã thuật lại, và cả Đại sứ Pháp Roger
Lalouette lẫn Trưởng đoàn Ba-Lan Mieczyslaw Maneli cũng đều biết.46 Tuy nhiên, những cuộc
tiếp xúc này rõ rệt chỉ có tính cách thăm dò. Ngày 2.9, qua sự thu xếp của Đại
sứ Ý d’Orlandi và Chủ tịch UHKSQT Goburdhun, Ngô Đình Nhu tiếp Maneli tại Dinh
Gia Long để được biết tin tức chuyến đi Hà Nội của ông ta hồi tháng Bảy. Theo
Maneli, khi được hỏi về khả năng trao đổi kinh tế và văn hoá giữa Nam và Bắc
như một bước đầu để tiến đến thoả hiệp về chính trị, Phạm Văn Đồng không những
chỉ nhấn mạnh rằng trở ngại chính không phải là Diệm mà là sự hiện diện của Mỹ,
ông còn gợi ý về bước đầu của hiệp thương là mở đường bưu điện và đổi gạo ở
miền Nam lấy than đá ở miền Bắc.
Ngày
29.8, giữa lúc quan hệ Saigon-Washington đang cực kỳ căng thẳng và một cuộc đảo
chánh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, Tổng thống de Gaulle lên tiếng kêu gọi hai
miền Nam, Bắc tham dự một hội nghị hòa bình, thống nhất và trung lập. Mặc dù
Tổng thống Diệm không đáp ứng tích cực lời kêu gọi này, và dù ông Nhu đã thông
báo cho Đại sứ Lodage về nội dung những cuộc gặp gỡ giữa ông với Maneli và với
đại diện miền Bắc để chứng tỏ ông không giấu giếm việc tìm hiểu đối phương đồng
thời xác nhận không đồng ý với đề nghị trung lập của de Gaulle, ông Nhu cũng muốn gửi một tín hiệu cảnh cáo
Hoa Kỳ rằng hậu quả của việc ngưng ủng hộ Ngô Đình Diệm sẽ là một chính phủ
trung lập đòi Mỹ rút ra khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, tín hiệu đó lại càng
khiến cho Mỹ muốn mau chóng lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Maneli tiếp tục
đóng vai trung gian không chính thức giữa Ngô Đình Nhu và Phạm Văn Đồng, nhưng
chưa có điều gì cụ thể thì cả hai ông Nhu, Diệm đã bị hạ sát trong cuộc đảo chính
1 tháng Mười Một.
Sai
lầm chính của Tổng thống Ngô Đình Diệm trong vụ Phật giáo là chỉ nghe lời những người trong gia đình và
che chở họ ngay cả khi ông biết những người đó làm sai, như trường hợp Tổng
Giám mục Thục và bà Nhu. Công bằng mà nói, ông Diệm là người Công giáo đang
ở vị thế cầm quyền tất không khỏi có những hành vi đối xử có lợi cho Công giáo,
nhưng điều đó không có nghĩa là các ông Diệm, Nhu và Cẩn có chủ trương kỳ thị
và đàn áp Phật giáo. Quyết định sai lầm của ông Diệm khi chiều ý TGM Thục về vụ
treo cờ lúc đầu là do tình cảm gia đình, khi bị phản đối thì lại phản ứng vì tự
ái, thay vì thỏa mãn những thỉnh nguyện bình thường của Phật giáo, ông lại áp
dụng luật lệ không công bằng khiến phát sinh một phong trào tranh đấu mang tính
chất chính trị bị cộng sản lợi dụng. Đến lúc đó thì ông Nhu nhúng tay vào và chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ là do
những quyết định chính trị sai lầm của ông Nhu. Vì tin tưởng mạnh mẽ ở khả
năng và thiện chí của mình và vì tình gắn bó chặt chẽ với gia đình, Tổng thống
Diệm đã chống lại mọi khuyến cáo hay áp lực tách ông ra khỏi những người thân,
nhất là Ngô Đình Nhu là người mà ông tin tưởng có thể giúp ông giải quyết được
mọi chuyện khó khăn. Giả thử cuộc đảo chánh thành công trong việc loại bỏ hai
vợ chồng ông Nhu và ông Cẩn bằng cách giam giữ, giết chết hoặc lưu đày họ ra
ngoại quốc, Tổng thống Diệm chắc chắn sẽ có những phản ứng tiêu cực và không
khi nào chịu hợp tác với (và bị hạn chế bởi) những người đã phá hủy hệ thống
quyền lực và triết lý cai trị của ông. Người Mỹ đã không hiểu được điều này khi
tìm mọi cách “tách Nhu ra khỏi Diệm”.
Nói
như vậy không có nghĩa là biện minh cho việc hạ sát Tổng thống Diệm và hai ông
Nhu, Cẩn. Mặc dù sai lầm vì chính sách độc tài và tinh thần gia đình trị, ông
Diệm không phạm những tội ác đối với dân tộc và đất nước để có thể bị giết chết
một cách tàn nhẫn sau khi đã gọi cho những người cầm đầu đảo chính đến bắt
mình. Không ai có thể phủ nhận ông là một người nhiệt thành yêu nước và ngay cả
Chủ tịch Hồ Chí Minh, kẻ thù chính trị của ông, cũng đã bày tổ thái độ kính
trọng lòng yêu nước và tinh thần can đảm của ông.47 Những người lãnh đạo nước Mỹ, dù có ghét đầu óc độc
lập của ông Diệm đến đâu, cũng chưa bao giờ có thái độ khinh thường ông như đối
với các tướng lãnh đã lật đổ và thay thế ông.48 Ngô Đình Nhu, éminence grise của Tổng thống Diệm,
thông minh nhưng nhiều thủ đoạn, là người chịu trách nhiệm chính về những biện
pháp sai lầm của chế độ. Tuy nhiên, ông cũng phải được nhìn nhận là một trí
thức yêu nước và có lý tưởng, dù thiếu thực tế với học thuyết “cần lao nhân vị”
của ông. Khi xảy ra chuyện Phật giáo là lúc ông đang lo đối phó với các áp lực
của Hoa Kỳ tách rời ông ra khỏi ông Diệm. Ông rất bực mình không hiểu tại sao
Tổng thống phải quan tâm và can thiệp vào chuyện treo cờ Phật giáo.49 Tuy nhiên, ông cũng có
một nhược điểm lớn là luôn luôn bênh vực bà vợ ông ngay cả khi bà phát biểu
những lời lẽ xúc phạm quá đáng đối với Phật giáo.
Ngô
Đình Cẩn có thể đã gây nhiều kẻ thù không những chỉ về phía đảng viên cộng sản
mà cả trong hàng ngũ các đảng phái quốc gia, nhất là VNQDĐ và nhóm Đại Việt
Cách Mạng mà ông đã triệt hạ ở miền Trung. Nhưng riêng về vụ Phật giáo thì ông
lại là một nạn nhân của chính gia đình ông. Ngay từ đầu, ông Cẩn đã bất đồng ý kiến với TGM Ngô Đình Thục về vụ cấm treo cờ Phật
giáo. Ông vốn có quan hệ tốt với chùa Từ Đàm và thường giúp đỡ cho Tổng hội
Phật giáo Việt Nam. Khi có những người Công giáo đến gặp ông phàn nàn về việc
ông tài trợ cho Phật giáo, ông bực mình gắt, “Đã đến lúc họ cần được giúp đỡ. Dưới thời Pháp người Công giáo đã được
đủ mọi thứ. Nay đến lượt tín đồ đạo Phật.”50 Nhưng từ khi TGM Thục được Vatican bổ nhiệm về Huế
năm 1961 thì vai trò của ông Cẩn bắt đầu bị lấn át và mất dần thế lực. Đầu năm
1963, Ngô Đình Nhu phái người thân tín ra nhắn với ông Cẩn là ông nên sang Nhật
nghỉ một thời gian nhưng ông không chịu. Khi Phủ Tổng thống ra thông tư về vụ
cấm treo cờ, ông Cẩn ra chỉ thị cho Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng không thi hành
và đã cử phái đoàn chính phủ tham dự lễ Phật Đản tại chùa Từ Đàm.51
Việc
hạ sát các ông Diệm, Nhu, Cẩn là những quyết định chính trị mà cả Hoa Kỳ và
những người làm đảo chánh đều có trách nhiệm nhưng sau này lại đổ lẫn cho nhau.
Nhóm tướng lãnh có thể lo ngại rằng nếu các ông Nhu, Diệm không bị giết, sau
này các ông ấy sẽ có thể trở lại cầm quyền và trả thù. Nhưng ai cũng thấy rõ là
vào thời điểm của cuộc đảo chánh 1963,
chính phủ Ngô Đình Diệm đã hoàn toàn bị thất thế cả về đối nội lẫn đối ngoại.
Đại đa số các giới quân sự, chính trị và dân chúng trong nước đều chống đối. Dư
luận thế giới đều bất mãn và Hoa Kỳ đã quyết định chấm dứt hợp tác với Ngô Đình
Diệm. Khi Tổng thống Diệm bị lâm nguy, không thấy có một hành động can
thiệp nào của các lực lượng “Thanh niên Cộng hòa” hay “Phụ nữ Liên đới” mà ông
bà Nhu vẫn tự hào là những lực lượng nòng cốt với hàng triệu thành viên. Nhiều
người từng ủng hộ Ngô Đình Diệm đã thấy sự sai lầm của ông và đã trở nên thờ ơ
hay chống đối. Như vậy, trong trường hợp hai ông Nhu, Diệm không bị giết và chỉ
bị lưu đày ra ngoại quốc, các ông cũng không còn cơ hội nào để có thể trở lại
lãnh đạo cuộc chiến đấu chống cộng sản. Cho dù hai ông có tìm cách liên kết với
Cộng sản để tính chuyện trung lập hóa miền Nam và chấm dứt vai trò của Mỹ ở
Việt Nam, các ông cũng không còn có những điều kiện để nói chuyện được với họ,
nhất là khi tình hình chính trị và quân sự đã trở nên thuận lợi cho họ.
CƯỚC
CHÚ
28 Bernard Fall, The Two Vietnams, 260-261.
29 ibid., 266.
30 Bùi Tín, Mây Mù Thế Kỷ (Westminster, CA: Đa Nguyên, 1998), 198-199.
31 Tuyên cáo ngày 7.4.1955 của VNQDĐ. Tài liệu Văn Khố Vincennes, Pháp, trích
dẫn bởi Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu, tập I-C: 1955-1963, 24-25.
32 Bernard Fall, The Two Vietnams, 270-271.
33 Mười tám nhân vật này là: Trần Văn
Văn, tốt nghiệp Cao đẳng Thương Mại Pháp, cựu Tổng Trưởng Kinh tế và Kế
hoạch; Phan Khắc Sửu, Kỹ sư Canh
nông, cựu TT Canh nông, cựu TT Lao động; Trần
Văn Hương, giáo sư Trung học, cựu Đô trưởng Sài gòn-Chợ lớn; Nguyễn Lưu Viên, Bác sĩ, cựu giáo sư Y
khoa, cựu Đặc ủy về Tị Nạn; Huỳnh Kim Hữu,
Bác sĩ, cựu TT Y tế; Phan Huy Quát,
Bác sĩ, cựu TT Giáo dục, cựu TT Quốc phòng; Trần
Văn Lý, cựu Tổng trấn Trung phần; Nguyễn
Tiến Hỷ, Bác sĩ; Trần Văn Đỗ, Bác
sĩ, cựu Ngoại trưởng, Trưởng phái đoàn tại Hội nghị Genève 1954; Lê Ngọc Chấn, Luật sư, cựu Bộ trưởng
Quốc phòng; Lê Quang Luật, Luật sư,
cựu Đại biểu chính phủ tại Bắc phần, cựu TT Thông tin và Tuyên truyền; Lương Trọng Tường, Kỹ sư Công chánh, cựu
BT Kinh tế; Nguyễn Tăng
Nguyên, Bác sĩ cựu Tổng trưởng Lao động và Thanh
niên; Phạm Hữu Chương, Bác sĩ, cựu TT
Y tế và Xã hội; Trần Văn Tuyên, Luật
sư, cựu BT Thông tin và Tuvên truyền; Tạ
Chương Phùng, cựu Tỉnh trưởng Bình Định; Trần Lê Chất, khoa bảng Tam trường 1903; Hồ Văn Vui, Linh mục, cựu LM Giáo phận Sài-gòn. đương kim LM Giáo
xứ Tha La, Tây Ninh.
34 FRUS, 1961-1963,I: 21-23.
35 Mann, A Grand Delusion, 218.
36 Langguth, Our Vietnam, 208.
37 Những con số bách phân về diện tích ruộng đất và số điền chủ ở Bắc và Nam
là do Bernard Fall sưu tầm (Fall, The Two Viet-Nams,308).
38
Ngày 1.10.1962, Tổng thống Diệm loan báo trước Quốc Hội: “Việc xây dựng ấp
chiến lược được ấn định là 600 ấp một tháng. Như vậy đến cuối năm 1962 sẽ có
9,253,000 dân tức hai phần ba tổng số dân chúng (ở miền Nam) sẽ sinh sống trong
các ấp chiến lược.” (Đại sứ quán VNCH ở Paris: Bulletin du Vietnam, số
226, tháng Mười-Mười Một 1962, do B. Fall trích dẫn trong The Two Vietnams,
p. 376).
39 FRUS. 1961-1963,111:154.
40
Tôn Thất Đính, 20 năm Binh nghiệp (San Jose, CA: Tuần báo Chánh Đạo xuất
bản, 1998), 270.
41 Ngô Đình Thục làm Giám mục ở Vĩnh Long từ 1938 đến 1961 thì được Vatican
thăng chức Tổng Giám mục địa phận Huế.
42 Có nghi vấn về nguyên nhân vụ nổ làm chết người liên quan đến cộng sản hay
CIA, đến nay chưa được làm sáng tỏ. Xem Ellen J. Hammer, A Death in November
(New York: E.p. Dutton, 1987), 114-116.
43 Xem chú thích số 62 dưới đây về Phạm Ngọc Thảo.
44 Trần Kim Tuyến không sang Ai Cập mà ở lại Hong Kong để tiếp tục âm mưu đảo
chánh. Sau khi hai ông Diệm và Nhu bị giết, ông Tuyến trở về Việt Nam nhưng bị
nhóm đảo chính bắt giữ một thời gian. Nhờ sự giúp đỡ của Phạm Xuân Ấn, phái
viên báo Time, một đại tá cộng sản nằm vùng từng hợp tác với ông, Trần
Kim Tuyến chạy thoát khỏi Việt Nam ngay trước khi Sài- gòn thất thủ. Ông sang
định cư tại London và mất tại đó năm 1995.
45 Hammer, 222.
46 ibid., 224.
47 Ramchundur Goburdhun, Chủ tịch Ủy Hội Quốc Tế Kiểm soát Đình chiến, cho
biết Hồ Chí Minh nhận xét rằng Ngô Đình Diệm với cá tính độc lập rất khó hợp
tác với Mỹ vì Mỹ muốn kiểm soát mọi chuyện. Theo Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm là
“một người yêu nước theo cách của ông ta” và nhắn Goburdhun: “Khi nào gặp ông
Diệm thì bắt tay ông ta dùm tôi.” (Hammer, 222)
48 Một thí dụ về thái độ của chính phủ Mỹ coi thường Hội đồng các tướng lãnh
và các chính phủ sau Ngô Đình Diệm là việc Johnson quyết định đưa quân Mỹ tham
chiến vào Việt Nam tháng Ba năm 1965 mà không hề hỏi ý kiến hay báo trước cho
chính phủ Việt Nam.
49 Hammer,
110.
50 Ibid,
109.
51 Tôn
Thất Đính, 304.
(Nguồn:
http://ttxcc6.wordpress.com/2013/01/31/viet-nam-1945-1995-chien-tranh-ti-nan-va-bai-hoc-lich-su/ )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét