TỰ DO NGÔN LUẬN VÀ ĐỨC TIN TÔN
GIÁO
Phan Thành Đạt
Tự do ngôn luận và tự do về tư tưởng
là những quyền con người cơ bản được Hiến pháp, Tuyên ngôn về quyền con người
năm 1948 và Công ước châu Âu về quyền con người năm 1950 bảo vệ. Nhà luật học
Jean Rivero phân chia quyền con người thành ba loại: Quyền tự nhiên, quyền tham
gia vào các hoạt động chính trị xã hội, quyền được hưởng từ các chính sách của
Nhà nước nhằm chăm lo cho con người. Quyền con người thuộc thế hệ thứ nhất là
những quyền tự nhiên nếu thiếu chúng, tự do, hạnh phúc của con người sẽ không
được đảm bảo. Quyền được sống, tự do đi lại, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo là
các quyền cơ bản thuộc thế hệ thứ nhất.
Sống trong một xã hội văn minh, công
dân tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội. Quyền tự do lập hội, thành
lập các đảng phái chính trị hoạt động trong khuôn khổ của luật pháp, quyền tự
do ứng cử và bầu cử, quyền biểu tình, đình công… là các quyền quan trọng của
công dân thuộc thế hệ thứ hai. Các quyền về chính trị và xã hội này cần được
Nhà nước tôn trọng vì đây là những tiêu chuẩn đánh giá mức độ dân chủ của mỗi
nước. Quyền con người thuộc thế hệ thứ ba bao gồm những lợi ích mà Nhà nước đem
lại với mục đích giúp cho con người trở nên hoàn thiện. Các quyền này bao gồm
quyền được chăm sóc y tế khi đau ốm, quyền được học hành, quyền lao động…
Tự do ngôn luận là quyền được nói và viết ra những suy nghĩ
của mình mà không sợ bị đe dọa hay bắt bớ. Điều 11 Tuyên ngôn nhân quyền và dân
quyền năm 1789 có nội dung khái quát nhưng khá đầy đủ về tự do ngôn luận: “Tự
do bày tỏ suy nghĩ hay trình bày quan điểm là một trong những quyền quý giá
nhất của con người. Công dân có quyền nói, viết, truyền bá các thông tin, trừ
những trường hợp bị pháp luật ngăn cấm khi lạm dụng quyền này”.
Tự do về tư tưởng thể hiện qua tự do
tôn giáo, tự do suy nghĩ, nhận thức của con người. Tự do tôn giáo chính là điều
kiện quan trọng đảm bảo tự do tư tưởng. Tự do tôn giáo được tôn trọng khi con
người có quyền lựa chọn tôn giáo mà mình thích hoặc từ chối không theo bất cứ tôn
giáo nào. Con người có quyền thờ cúng, tham gia các nghi lễ tôn giáo và thể
hiện đức tin tôn giáo của mình.
Tự do ngôn luận có những biểu hiện
ra bên ngoài như các phát ngôn, sách báo còn tự do tôn giáo thường thể hiện ở
bên trong mỗi con người vì đức tin tôn giáo mang tính chủ quan và không dễ đo
đếm được. Một câu hỏi rất quan trọng được đặt ra là làm thế nào để bảo đảm tốt
các quyền tự nhiên này vì tự do ngôn luận và tự do tôn giáo trong một số trường
hợp đặc biệt có thể xung đột và phủ định lẫn nhau một khi khi vách ngăn giữa
hai quyền tự do này khó xác định. Nếu đề cao tự do ngôn luận, đức tin tôn giáo
của một cộng đồng người hay một nhóm người có thể bị xúc phạm còn nếu bênh vực
tự do tôn giáo, tự do ngôn luận có thể bị hạn chế. Đây có thể là một bước lùi
nguy hiểm trong mỗi thể chế dân chủ.
Tôn trọng tự do ngôn luận và tự do
tôn giáo cũng chính là tôn trọng con người. Nhưng để bảo đảm cả hai quyền này
cùng song song tồn tại, điều này không phải dễ dàng. Nhiều phán quyết của tòa
án mỗi khi xảy ra những xung đột giữa tự do ngôn luận và tự do tôn giáo không
thuyết phục được các tổ chức tôn giáo. Những người đệ đơn cho rằng tự do ngôn
luận cần bị hạn chế khi quyền này đụng đến đức tin tôn giáo của mỗi người.
Ngược lại, những người đề cao tự do ngôn luận lại muốn có quyền tự do phê phán,
tự do châm biếm vì theo họ đó là biểu hiện của tự do ngôn luận.
Một bức tranh biếm họa, một tác phẩm
văn học hay một bộ phim bàn về tôn giáo đụng chạm đến những điều thiêng liêng
của tôn giáo, có thể khiến một nhóm người hay cả một cộng đồng người nổi giận
vì đức tin tôn giáo của họ bị xúc phạm. Nhưng nếu ngăn cấm tự do ngôn luận, xã
hội sẽ không thể phát triển. Khi một quốc gia được lãnh đạo bởi các chính khách
tôn sùng tôn giáo, coi tôn giáo là nền tảng của chính trị, xã hội, khi đó tôn
giáo sẽ quyết định vận mệnh của đất nước. Tự do ngôn luận sẽ bị hạn chế, những
tư tưởng tiến bộ định hướng cho sự phát triển của đất nước sẽ bị bóp nghẹt một
khi những ý tưởng đó có mâu thuẫn với tôn giáo, phủ định tôn giáo. Kết quả là
xã hội sẽ chìm đắm trong cảnh tối tăm. Ví dụ đêm trường Trung Cổ ở châu Âu kéo
dài gần 1000 năm dưới sự thống trị của giáo hội La Mã là một minh chứng cho sự
can thiệp quá sâu của nhà thờ đến đời sống của con người. Phải đợi đến thời kì
phục hưng con người mới bắt đầu thoát khỏi vòng kiểm tòa của nhà thờ để được
giải phóng về tư tưởng.
Tự do ngôn luận và tôn trọng đức tin
tôn giáo luôn là những quyền cơ bản cần được bảo vệ. Nếu hai quyền này có những
mâu thuẫn, khi đó quan tòa phải vào cuộc để xác định ranh giới cụ thể nhằm đảm
bảo tốt cả hai quyền này. Nếu chỉ được phép chọn lựa một trong hai quyền, quan
tòa cần dựa vào hoàn cảnh thực tế, phân tích lợi ích và thiệt hại từ quyết định
của mình để từ đó phán quyết hoặc là đề cao tự do ngôn luận hay tự do tôn giáo.
Một số ví dụ dưới đây chứng minh những mâu thuẫn giữa tự do ngôn luận với tôn
giáo khi con người thể hiện quyền của mình:
I. Một số vụ tranh chấp về giới hạn của tự do ngôn luận và
tôn trọng đức tin tôn giáo
1.
Salman
Rushdie và những vần thơ của quỷ Satan
Salman Rushdie là nhà văn người Anh
gốc Ấn Độ, năm 1988 ông cho xuất bản cuốn tiểu thuyết những vần thơ của quỷ
Satan. Cuốn sách lấy cảm hứng từ một số sự kiện có thật như vụ khủng bố máy bay
ở hãng hàng không Ấn Độ năm 1985, vụ bạo động ở Brixton, Luân Đôn năm 1981,
chiến tranh ở Iran năm 1979. Cuốn sách miêu tả những giấc mơ và ảo giác của
nhân vật chính có tên là Gibreel Farishta. Qua những cơn ác mộng của Gibreel
Farishta, người đọc nhận thấy những chi tiết có tính lịch sử và truyền thuyết
của tiên tri Mohamed. Những chủ đề lớn như đức tin tôn giáo, sự cuồng tín, nạn
phân biệt chủng tộc, chiến tranh đã được Salman Rushdie phân tích. Đầu đề của
cuốn sách dựa theo những giả thiết về cuộc đời của tiên tri Mohamed. Mohamed
muốn thiết lập chế độ đơn thần tại Mecca, ông chỉ cho phép một vị thần duy nhất
là chúa trời, trước khi từ bỏ điều đó.
Nhà văn Salman Rushdie
và tác phẩm những vần thơ của quỷ Satan gây tranh cãi
Những vần thơ của quỷ Satan khiến
cộng đồng người Hồi giáo nổi giận, nhiều vụ biểu tình đã diễn ra tại Anh,
Pakistan, Ấn Độ, Indonésia… Người Hồi giáo cho rằng Salman Rushdie có ý báng bổ
đạo hồi và tiên tri Mohamed. Giáo chủ hồi giáo dòng Chiit Khomeini đã yêu cầu
người Hồi giáo phải có nhiệm vụ ám sát Salman Rushdie. Các nhà xuất bản ở các
nước phương tây nhận được nhiều thư đe dọa, yêu cầu cấm xuất bản tác phẩm của
Salman Rushdie, một số dịch giả bị ám sát. Nhiều vụ bạo động đã diễn ra. Bản
thân Salman Rushdie phải sống lẩn trốn trong suốt 10 năm. Ông không dám gặp mặt
con, không dám tiếp xúc với người lạ, ngay cả với người thợ đến sửa ống nước.
Quan hệ ngoại giao giữa Anh và Pakistan bị gián đoạn trong gần một năm do những
tranh cãi về cuốn sách này. Với thế giới phương tây, Salman Rushdie là biểu
tượng của tự do ngôn luận nhưng với nhiều người Hồi giáo, ông là kẻ thù.
2.
Những bộ
phim và những vở kịch có thể xúc phạm đến đức tin tôn giáo của một số
người
Bộ phim Kính mừng Maria (Je vous salue
Marie) của đạo diễn Jean-Luc Godard được chiếu tại các rạp ở châu Âu năm 1985.
Bộ phim kể về câu chuyện tình yêu của Marie và Joseph. Marie là sinh viên yêu
thích thể thao, ngoài giờ đến giảng đường, cô còn đến giúp việc cho gia đình
mình ở một trạm xăng. Joseph là lái xe taxi. Hai người gặp gỡ và có tình cảm
với nhau. Thiên thần Gabriel báo tin và thuyết phục Joseph phải chấp nhận cái
thai trong bụng Marie. Nội dung phim gây scandal vì tên của hai nhân vật chính
trong phim trùng với tên của đức mẹ Marie và thánh Joseph, đặc biệt là chi tiết
thiên thần Gabriel báo tin. Những cảnh trần tục trong phim đã khiến một số
người biểu tình phản đối bộ phim. Giáo hoàng Jean-Paul II tuyên bố rằng bộ phim
đã xúc phạm nghiêm trọng đến tình cảm tôn giáo của những người mộ đạo. Ở Pháp bộ
phim Kính mừng Maria đã thu hút được hơn 350 nghìn khán giả,
đạo diễn Jean-Luc Godard cho rằng bộ phim không có mối liên hệ gì đến đức mẹ
Marie mà đó chỉ là nhân vật nữ có cùng tên bị đặt vào một tình huống đặc biệt
mà cô không muốn.
Bộ phim Sự cám dỗ cuối cùng của chúa Jésus (The Last
Temptation of Christ) của đạo diễn người Mỹ Martin Scorsese miêu tả
Jésus như một người bình thường sống trong tội lỗi và sợ hãi. Jésus muốn có
cuộc sống đơn giản như như nhiều người khác. Jésus yêu Marie-Madeleine. Nhưng chúa
trời đã chọn Jésus là đấng cứu thế. Jésus đi thuyết giáo và có rất nhiều môn
đệ, một trong số đó là Judas. Jésus hiểu rằng chúa trời muốn mình chết trên cây
thập giá, để xóa hết mọi tội lỗi của con người vì thế Jésus đã yêu cầu Judas tố
cáo mình cho quân La Mã. Bị đóng đinh trên cây thập giá, Jésus được thiên thần
cứu thoát và từ đó ông có cuộc sống bình thường có vợ và con, ông sống đến già
tại Jérusalem. Thành phố này sau đó bị quân La Mã đốt phá, Judas báo với Jésus
rằng không phải thiên thần đã cứu ông mà đó là quỷ Satan đã giải thoát Jésus.
Với cách suy luận hoàn toàn sai lệch so với kinh thánh, bộ phim đã xúc phạm đến
đức tin tôn giáo của nhiều người. Bộ phim đã vấp phải sự phản đối ở khắp nơi.
Khi bộ phim được chiếu tại Pháp, các tờ truyền đơn và những lời đe dọa khủng bố
đã cảnh báo các khán giả đến xem phim. Các tín đồ tôn giáo đã gây ra nhiều vụ
cháy ở các rạp chiếu phim. Bộ phim bị cấm trong một thời gian dài ở các nước Mỹ
la tinh. Hiện nay, bộ phim vẫn bị cấm chiếu ở Philippines và Singapour.
Bộ phim Ave Maria
và bộ phim Amen cũng gây nhiều tranh
cãi về giới hạn của tự do ngôn luận và sự tôn trọng đức tin tôn giáo. Bộ phim Ave Maria, được giới thiệu bằng hình ảnh
người phụ nữ để ngực trần và bị trói tay trên cây thập giá. Các tổ chức tôn
giáo đã đệ đơn kiện vì nội dung quảng cáo xúc phạm nghiêm trọng đến đức tin của
nhiều người công giáo và coi đó là hành động báng bổ, bất kính đối với họ. Kết
quả là tòa án đã ra phán quyết ngăn cấm ảnh quảng cáo của phim Ave Maria. Các quan tòa nhận định: “Hình
tượng cây thập giá được giới thiệu qua hình ảnh quảng cáo của bộ phim ở những
nơi công cộng chính là hành động khiêu khích, xúc phạm nghiêm trọng đến đến đức
tin và nhân phẩm của con người“.
Bộ phim Amen lại được giới thiệu với công chúng bằng hình ảnh một linh mục
bên cạnh biểu tượng chữ thập ngoặc của Đức Quốc Xã, ám chỉ giáo hội La Mã đã
không có những hành động thiết thực để ngăn chặn nạn diệt chủng của Hitler.
Hình tượng linh mục đại diện cho nhà thờ ở bên cạnh biểu tượng chữ thập gây
chết chóc đã gây sốc cho nhiều người. Tuy nhiên, trong bộ phim, linh mục này có
những hoạt động tích cực cứu giúp con người khỏi nạn diệt chủng.
Áp Phích của bộ phim Amen
Vở kịch Golgota Picnic
của nghệ sĩ Argentina Rodrigo Garcia trình diễn tại Paris năm 2011 cũng gây
nhiều tranh cãi về ranh giới giữa tôn trọng tình cảm tôn giáo và tự do sáng
tạo. Vở kịch miêu tả cảnh đóng đinh trên cây thập giá của chúa Jésus và có xu
hướng bình thường hóa cảnh tượng thiêng liêng, khi chúa Jésus chịu khổ nạn để
cứu rỗi con người. Trong vở kịch, một người đàn ông trần truồng chơi đàn piano
để thể hiện những lời nói của chúa Jésus. Các tổ chức tôn giáo như Civitas,
Le Collectif culture et foi phản đối nội dung xuyên tạc của vở kịch.
Tổng giám mục giáo phận Paris André Vingt-Trois nhận xét: “vở kịch châm biếm
và diễn tả thô thiển cảnh chúa Jésus bị đóng đinh trên cây thập giá, vở kịch đã
xúc phạm đến chúa“. Ngược lại, các tổ chức nhân quyền và tổ chức công đoàn
lại bênh vực tác giả của vở kịch với mục đích đề cao năng lực sáng tạo của người
nghệ sĩ.
Một vở kịch khác của nghệ sĩ người Ý Roméo Castellucci có
tên Cách nhìn nhận về diện mạo của đức chúa Jésus được giới
thiệu tại Avignon năm 2011 cũng gây ra một làn sóng phản đối khắp nơi. Các tổ
chức tôn giáo cho rằng vở kịch có nội dung khiêu khích và thù ghét đạo thiên
chúa. Các thành viên tích cực của các tổ chức tôn giáo tìm mọi cách để ngăn cản
vở kịch đến với công chúng vì theo họ nội dung vở kịch đã xúc phạm nghiêm trọng
đến tình cảm tôn giáo. Hơn nữa vở kịch thiếu tính nghệ thuật và thẩm mĩ.
3.
Bức tranh
bữa tiệc ly biệt của Léonard de Vinci và tấm pano quảng cáo quần áo
Bữa
tiệc ly biệt là một trong những kiệt tác nghệ
thuật của Léonard de Vinci. Bức tranh miêu tả bữa ăn cuối cùng của Jésus với
các môn đệ trước khi chia tay. Jésus cũng thông báo với 12 tông đồ rằng mình sẽ
bị giao nộp cho quân La Mã vì một người trong số họ sẽ là người phản bội Jésus.
Đây là một trong những cảnh thiêng liêng nhất trong kinh thánh. Jésus cầm bánh
mì và nói với các môn đệ: “Này là mình thầy sẽ bị nộp vì các con, các con hãy
nhận lấy mà ăn”. Jésus lại cầm cốc rượu và nói với các môn đệ: “Đây là
chén máu thầy, máu tân ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được
xóa tội. Các con hãy nhận lấy mà uống”. Cảnh bữa ăn chia tay giữa Jésus và 12
vị tông đồ còn được miêu tả trong nhiều bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng. Nhà
thờ coi bữa tiệc ly biệt giữa Jésus với các tông đồ, cùng những lời dặn dò của
Jésus là những điều rất thiêng liệng, được chọn để rao giảng trong các buổi
thánh lễ.
Bức tranh bữa tiệc ly
biệt của Léonard de Vinci hiện được trưng bày
tại tu viện Santa
Maria delle Grazie ở Milan, Ý
Công ti GIP quảng cáo quần áo hiệu
Marithé et François Girbaud lấy ý tưởng từ bức tranh bữa tiệc li biệt (La Cène)
của Léonard de Vinci. Hình ảnh 12 tông đồ được thay thế bằng 12 người phụ nữ
mặc các bộ trang phục do hãng này sản xuất. Hình tượng Jésus ngồi giữa bàn tiệc
được thay thế bằng hình ảnh một người phụ nữ có cử chỉ và điệu bộ như của
Jésus. Bên cạnh người phụ này là một người đàn ông lưng trần, dáng điệu đang ôm
ấp một người phụ nữ. Hình ảnh một tông đồ có vóc dáng nữ, ngồi cạnh Jésus trong
bức tranh của Léonard de Vinci được thay thế bằng hình ảnh người đàn ông này.
Tấm áp phích quảng cáo như muốn gửi đến một thông điệp rằng những phụ nữ có
trang phục của hãng quần áo Marithé et François Girbaud đều ăn mặc đẹp, hợp
thời trang, không mặc quần áo của hãng này, chẳng khác gì ở trần như người đàn
ông trong ảnh. Tấm áp phícH quảng cáo quần áo dài 4 mét được treo vào đúng dịp
mùa chay tại Porte de Maillot, lối vào Paris, nơi có nhiều người đi lại.
Tấm pano quảng cáo của
công ty GIP dựa theo bức tranh của Léonard de Vinci
Tổ chức tôn giáo có tên là Đức tin và tự do đã kiện công ty
GIP tại Tòa án cấp đệ nhị Paris. Tổ chức này cho rằng tấm quảng cáo đã xúc phạm
nghiêm trọng đến tình cảm và đức tin của những người công giáo. Bức tranh đã
báng bổ đạo thiên chúa và chửi rủa những điều thiêng liêng sâu thẳm của người
công giáo. Tổ chức này yêu cầu tòa án dẹp bỏ ngay tấm quảng cáo có mục đích thương
mại tầm thường này. Tòa án cấp đệ nhị Paris đã xử phạt công ty GIP vì cho rằng
công ty này vi phạm tự do tôn giáo. Ngày 14 tháng 11 năm 2006, Tòa án tối cao
đã bác bỏ phán quyết của các quan tòa cấp dưới và bác đơn của tổ chức Đức tin
và tự do. Tòa án tối cao lập luận như sau: “Việc nhại lại bức tranh Bữa
tiệc ly biệt với mục đích kinh doanh không phải là việc làm bất hợp pháp, và
cũng không gây rối loạn. Mục đích quảng cáo không có ý xúc phạm hay khiêu khích
những người có đức tin tôn giáo. Đây cũng không phải là hành động chửi rủa hay
tấn công mang tính cá nhân, trực tiếp đến một nhóm người vì lí do niềm tin tôn
giáo”. Các chuyên gia luật của Tòa án tối cao đã suy xét trong việc chọn
lựa giữa tự do ngôn luận và tôn trọng đức tin tôn giáo. Họ đã đề cao tự do ngôn
luận trong phán quyết quan trọng này.
4.
Bức ảnh
Piss Christ và sự đề cao sáng tạo nghệ thuật
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Andres Serrano người Mỹ gốc Cuba đã tạo ra
bức ảnh có tên Immersion (sự chìm
đắm) theo cách riêng của mình. Ông lấy một cốc nước tiểu và máu của mình rồi
nhúng một cây thập giá vào đó. Với khả năng phối cảnh và tạo ra màu sắc vàng và
đỏ có tính nghệ thuật, ông đã tạo ra bức ảnh Immersion đầy tai tiếng, bức ảnh
này còn được gọi là Piss Christ. Đây
là cách sáng tạo khá kì lạ và là tâm điểm của những lời bàn tán cũng như nhiều
tiếng nói phản đối. Ông đã phát biểu: “Nếu tôi chụp ảnh một cây thập
giá, điều đó là một chuyện hết sức bình thường ở Mỹ. Nhưng bức ảnh này đã gợi
nhớ đến máu, nước tiểu và nước mắt. Cách giới thiệu của tôi sẽ gây ra nhiều
phản ứng, nhưng đó cũng là cách nhắc với mọi người đến những khổ đau mà chúa
Jésus phải trải qua”.
Bức ảnh Immersion
(Piss Christ) của Andres Serrano và bức ảnh sau khi bị phá hủy
Bức ảnh Piss Christ
đã được triển lãm ở nhiều nước và trở thành trung tâm của mọi sự rắc rối. Ở tất
cả những nơi tác giả triển lãm ảnh, ở đó đều có các cuộc biểu tình phản đối,
nhiều người cho rằng bức ảnh thể hiện thái độ khiêu khích của tác giả đối với
những người có đức tin. Nhiều người đã có những lời đe dọa đối với các nhà tổ
chức buộc họ phải từ bỏ triển lãm. Tại những nơi triển lãm, an ninh được tăng
cường để đảm bảo an toàn cho người xem. Bức ảnh đã bị phá hủy nhiều lần bởi các
tín đồ quá khích. Năm 1997, bức ảnh bị hư hại nghiêm trọng trong một cuộc triển
lãm tại Melbourne. Năm 2007, bức ảnh lại bị thiệt hại khi trưng bày tại Thụy
Điển. Năm 2011, bức ảnh được trưng bày tại một bảo tàng ở Avignon Pháp. Một
cuộc biểu tình đã diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn người, nhà thờ ủng hộ
những người biểu tình. Nhiều người đã yêu cầu giám đốc bảo tàng không được tổ
chức triển lãm ảnh. Nhưng bức ảnh vẫn được giới thiệu. Hai kẻ quá khích đã giả
làm khán giả đến xem triển lãm. Họ mang theo búa và phá hủy nghiêm trọng bức
ảnh. Andres Serrano đã đệ đơn kiện lên toàn án cấp đệ nhị ở Avignon. Đơn kiện
của tác giả đã bị tòa án bác bỏ, vì không có mục đích rõ ràng. Năm 2014, bức
ảnh lại được triển lãm tại Ajaccio, đảo Corse. Một nhóm các tín đồ nhiệt thành
đã biểu tình với dòng chữ Vì danh dự của chúa Jésus và vì đảo Corse,
Serrano hãy cút đi. Nhóm người này đã yêu cầu tòa thị chính phải đóng cửa
bảo tàng. Để bảo đảm trật tự công cộng, thị trưởng thành phố đã quyết định hủy
bỏ cuộc triển lãm. Nhiều chính khách cũng lên tiếng bày tỏ sự phản đối vì tác
phẩm đã xúc phạm đến tình cảm tôn giáo của nhiều người. Bức ảnh gây ra những
rắc rối về an ninh trật tự. Tuy nhiên, những người có thẩm quyền vẫn cho trưng
bày tác phẩm để đề cao tự do ngôn luận và sức sáng tạo nghệ thuật, cho dù đây
là cách sáng tạo kì cục, mang tính khiêu khích và khó chấp nhận.
5.
Charlie
Hebdo và tự do ngôn luận
Charlie
Hebdo là tờ báo trào phúng của Pháp. Đây
là tờ báo nhỏ không được nhiều người chú ý. Tờ báo này được biết đến qua một số
vụ kiện của các tổ chức tôn giáo vì lí do báng bổ tôn giáo, xúc phạm đến danh
dự và nhân phẩm của các tín đồ. Tuy nhiên, tòa án đã bác đơn kiện của các tổ
chức này nhiều lần. Năm 2005, Charlie Hebdo đã đăng lại 12 bức tranh châm biếm
của một tờ báo Đan Mạch. Các bức tranh giới thiệu chân dung tiên tri Mohamed.
Bức tranh gây sốc nhất đối với nhiều người Hồi giáo là hình ảnh tiên tri
Mohamed quấn một chiếc khăn có hình quả bom trên đầu. Hội những người Hồi giáo
ở Pháp đã đệ đơn kiện báo Charlie Hebdo. Năm 2007, tòa án cấp đệ nhị Paris đã
bác đơn vì cho rằng Charlie Hebdo không vi phạm luật. Các quan tòa cho rằng: “Xã
hội Pháp là xã hội thế tục thể hiện sự đa dạng. Tôn trọng đức tin tôn giáo luôn
đi kèm với tự do phê bình tôn giáo, kể cả tôn giáo đó có những quy định như thế
nào, tôn giáo đó có thể được giới thiệu bằng các nhân vật đại diện, hay được
các tín đồ đặc biệt tôn kính, nhưng quyền báng bổ thần thánh hay tôn giáo, không
bị ngăn cấm ở Pháp“.
Nhiều bức biếm họa về tôn giáo tiếp
tục xuất hiện trên các trang báo của Charlie Hebdo. Các họa sĩ cho rằng họ đang
thực hiện quyền tự do ngôn luận được luật pháp bảo vệ. Họ có quyền châm biếm
tôn giáo, chính trị. Họ luôn nhấn mạnh quyền biếm họa là nguyên tắc quan trọng
của tự do ngôn luận nếu quyền này bị ngăn cấm đây sẽ là bước thụt lùi của nền
dân chủ.
Đức giáo hoàng, tiên tri Mohamed, chúa Jésus, phật, những
nhân vật nổi tiếng, các chính khách đều là mục tiêu châm biếm của Charlie
Hebdo. Họ không trừ ai cả. Ví dụ khi giáo hoàng Benoît XVI tuyên bố một câu nói
hớ: “Việc sử dụng bao cao su cũng không góp phần giảm đại dịch HIV
AIDS”. Benoît XVI bị công kích bằng những bức vẽ châm biếm. Một bức họa
khác của một tổ chức phòng chống HIV AIDS đã lấy hình tượng chúa Jésus đang
dùng phép mầu bằng cách tạo ra thật nhiều bao cao su để phân phát cho người dân
ở châu Phi. Tổ chức này cho rằng thiên chúa luôn yêu thương con người nhưng con
người đang tỏ ra bất lực trước đại dịch HIV AIDS. Chúa hãy dùng phép mầu của
mình để cứu lấy con người, (trong kinh thánh, chúa Jésus đã dùng phép mầu để
tạo ra nhiều bánh mì, nuôi sống những người đói rách). Bức họa này đã gây sốc
đối với nhiều người có đức tin vì tính trần tục khác xa với những điều thiêng liêng
của tôn giáo.
Khi giáo hoàng Benoît XVI phản đối đám cưới của những người
đồng tính vì cho rằng điều này trái với quy luật tự nhiên. Ngay lập tức,
Charlie Hebdo phản ứng bằng cách đặt câu hỏi liệu một ông già hơn 80 tuổi,
không biết đến phụ nữ thì có hợp với quy luật tự nhiên hay không? Với ngôn ngữ
đơn giản, thô tục, kèm theo những bức họa có tính khái quát cao, Charlie Hebdo
bàn luận về các vấn đề chính trị, văn hóa, tôn giáo, chiến tranh, nạn phân biệt
chủng tộc, sự bất bình đẳng nam nữ trong xã hội… Đây là những nét rất riêng của
tờ báo này. Điều này tạo ra nhiều điểm khác biệt với các báo châm biếm khác
như le carnard enchaîné và
les guignols des infos. Charlie Hebdo luôn chạm đến ranh giới của tự
do ngôn luận và tự do tôn giáo và muốn mở rộng hơn phạm vi của tự do ngôn luận.
Những bức tranh và những lời bình luận của tờ báo này có thể dễ dàng gây tổn
thương đến tình cảm tôn giáo và sự sùng kính của một số tín đồ Hồi giáo, đặc
biệt là những người quá khích. Tuy nhiên, những việc làm của họ không vi phạm
luật pháp vì nhiều vụ kiện chống lại họ đã bị bác bỏ. Cho dù những bức tranh
giễu cợt tôn giáo hay chính trị có thể gây sốc đối với nhiều người nhưng các
nhà báo, họa sĩ của Charlie Hebdo có quyền nói lên tiếng nói của mình về các
vấn đề chính trị, xã hội, tôn giáo. Họ cho rằng mình trở thành những người đi
tiên phong để bảo vệ tự do ngôn luận trong xã hội dân chủ.
Bức họa chân dung nhà tiên tri Mohamed đang
khóc và cầm trên tay tấm biển
có dòng chữ: Tôi là Charlie, báo Charlie
Hebdo
II. Những cố gắng nhằm đảm bảo quyền tự do ngôn luận và tự
do tôn giáo
Tự do ngôn luận và tôn trọng đức tin
tôn giáo là những quyền con người có nguy cơ mâu thuẫn và xung đột với nhau.
Thực hiện tự do ngôn luận có thể gây tổn thương đến tình cảm tôn giáo của một
số người nhưng để bảo đảm tốt tự do tôn giáo, tự do ngôn luận có thể bị giới
hạn trong những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Trong một chế độ dân chủ, con
người luôn lo lắng làm thế nào để đảm bảo tự do bày tỏ chính kiến của mình
nhưng không làm tổn thương đến đức tin của người khác. Điều này không hể đơn
giản, các nhà luật học, các thẩm phán cố gắng tìm kiếm sự dung hòa giữa tự do
ngôn luận và tự do tôn giáo. Họ đưa ra một số giải pháp nhằm đảm bảo cả hai
quyền quan trọng này. Nhưng trong những trường hợp đặc biệt, họ buộc phải chọn
lựa tự do ngôn luận hay tự do tôn giáo. Khi đó, họ dựa vào các điều kiện, hoàn
cảnh cụ thể, để có sự lựa chọn thỏa đáng. Cũng cần khẳng định rằng bảo vệ tự do
tôn giáo không phải là bảo vệ thần thánh và các giáo lí mà chính là bảo vệ con
người vì con người là mối quan tâm lớn nhất trong xã hội. Tuy nhiên, quan điểm
về tự do ngôn luận và tự do tôn giáo của phương Tây và khu vực Trung Đông có
nhiều điểm khác nhau.
1.
Hai quan
điểm khác nhau về tự do ngôn luận và tự do tôn giáo
Quyền châm biếm tôn giáo và báng bổ
thần linh không bị ngăn cấm ở Pháp, không có một điều luật nào kết tội con
người khi con người có những hành động nhạo báng tôn giáo. Thời kì triết học
ánh sáng thế kỉ XVIII và cuộc cách mạng Pháp năm 1789 đã xóa bỏ những trói buộc
của nhà thờ. Nước Pháp trở thành Nhà nước thế tục, tội báng bổ tôn giáo đã bị
loại bỏ. Ở các nước châu Âu khác như Đức, Hy Lạp, Ý… vẫn quy định tội báng bổ
tôn giáo nhưng về cơ bản, con người có quyền phê phán tôn giáo.
Nhà nước thế tục không coi thần thánh
là đối tượng cần bảo vệ bởi vì thần thánh là những con người của truyền thuyết,
lịch sử hoặc là những nhân vật mang bản chất tôn giáo. Vì vậy thần thánh không
phải là những con người tồn tại trong đời sống hiện tại, do đó thần thánh không
có tư cách pháp nhân nên không phải là đối tượng được bảo vệ. Ngược lại, con
người mới là đối tượng được luật pháp bênh vực. Bảo vệ niềm tin và tình cảm tôn
giáo chính là bảo vệ con người khi con người thực hành tôn giáo và tuân theo
giáo lí của tôn giáo đó. Đối với các quốc gia có tôn giáo chi phối đời sống
chính trị, văn hóa thì bảo vệ tôn giáo gắn liền với bảo vệ quyền lực. Truyền bá
và củng cố đức tin tôn giáo cho con người cũng chính là một hình thức bảo vệ
quyền thống trị đối với con người.
Tự do ngôn luận và tự do về tư tưởng
được đề cao ở các nước dân chủ vì đây là tiền đề cho năng lực sáng tạo của con
người và cũng là cơ sở cho sự phát triển của xã hội. Đạo luật năm 1881 ra đời ở
Pháp quy định các quyền tự do báo chí và truyền bá thông tin. Điều 29 của đạo
luật này quy định khi các thông tin thiếu chính xác gây tổn thương đến một nhóm
người thì những thông tin đó cần được kiểm chứng và sẽ bị loại bỏ để bảo vệ lợi
ích cho họ. Tuy nhiên, quy định này khó có thể áp dụng đối với những thông tin
có mục đích báng bổ tôn giáo, gây tổn hại đến tình cảm tôn giáo của con người.
Quy định này chỉ có thể áp dụng trong trường hợp có những thông tin sai trái
như bôi nhọ, vu khống làm hại đến danh dự, nhân phẩm của con người.
Giáo dục có ảnh hưởng lớn đến
quyết định lựa chọn tôn giáo hay xa rời tôn giáo của con người. Trong một nền
giáo dục nhân bản, tiên tiến, con người được trang bị những kiến thức cơ bản để
hoàn thiện bản thân. Con người sẽ quyết định mình nên theo hoặc không theo tôn
giáo. Còn nền giáo dục bị chi phối bởi tôn giáo, con người dễ bị áp đặt phải
theo một tôn giáo chính thống. Vì thế, quyền tự do lựa chọn tôn giáo, quyền từ
bỏ tôn giáo sẽ khó được đảm bảo khi giáo dục và truyền bá tôn giáo có nhiều mối
liên quan.
Ở phương Tây, luật pháp quy định
chính trị và tôn giáo là hai lĩnh vực tách biệt. Các quyết định chính trị không
chịu tác động của tôn giáo. Nhưng ở các nước Trung Đông, chính trị và tôn giáo
luôn có những mối quan hệ mật thiết. Tôn giáo bao trùm đến mọi hoạt động kinh
tế, chính trị, xã hội. Vì vậy, rất khó để phân biệt đâu là lĩnh vực chính trị
hay tôn giáo. Hiến pháp của nhiều nước Trung Đông coi đạo Hồi là quốc giáo,
luật pháp phải dựa trên nền tảng của đạo Hồi, luật charia được một số nước chọn là đạo luật cơ bản để quản trị xã hội.
Do những tác động của tôn giáo, tự do ngôn luận bị hạn chế tối đa. Quyền báng
bổ thần linh bị coi là trọng tội. Tất cả những lời nói xúc phạm đến tiên tri
Mohamed, đến kinh Coran đều bị lên án. Mohamed là đấng tiên tri được người Hồi
giáo kính trọng, mỗi người đều có cách hình dung khác nhau về Mohamed. Việc vẽ
hình ảnh nhà tiên tri này, đi kèm những lời châm biếm là điều không chấp nhận
được đối với nhiều người Hồi giáo. Tuy nhiên, quyền tự do châm biếm tôn giáo
lại được luật pháp cho phép ở nhiều nước phương Tây. Đây là những khác biệt rõ
rệt về văn hóa và tôn giáo của phương Tây và khu vực Trung Đông. Có thể đó là
cú sốc về văn hóa và tôn giáo.
Các nhà báo của Charlie Hebdo theo
văn hóa phương Tây, cách nhìn nhận các vấn đề chính trị, tôn giáo, xã hội của
họ cũng theo cách phân tích đánh giá của người phương Tây. Những bức tranh châm
biếm về tiên tri Mohamed đối với người phương Tây không gây sốc vì họ thực hiện
quyền tự do ngôn luận được luật pháp bảo vệ. Tuy nhiên đối với nhiều người Hồi
giáo cực đoan đó là sự khiêu khích. Xã hội phương Tây đã có những bước tiến lớn
về dân chủ và quyền con người trong nhiều thế kỉ. Trong khi đó, xã hội phương
Đông và khu vực Trung Đông vẫn chịu sự chi phối rất lớn của tôn giáo. Những
nguyên tắc của đạo Hồi vẫn được áp dụng từ những thế kỉ trước. Đây chính là
những cản trở lớn cho sự phát triển của xã hội.
Tự do ngôn luận và tự do tôn giáo ở
phương Tây và khu vực Trung Đông có nhiều điểm khác biệt. Tự do ngôn luận ở các
nước dân chủ thể hiện quyền được nói và viết ra những suy nghĩ của mình mà
không bị ngăn cản. Tự do tôn giáo là quyền được theo một tôn giáo, thờ phụng và
thực hành tôn giáo của mình hoặc không theo tôn giáo nào cả. Ở các nước Hồi
giáo, tự do ngôn luận không có nghĩa là quyền được báng bổ tôn giáo, quyền châm
biếm thần linh, quyền được phê phán những nguyên tắc cứng rắn và lạc hậu của
kinh Coran, hay quyền đòi bãi bỏ luật charia…Tự
do tôn giáo cũng không có nghĩa là quyền hoàn toàn được tự do về tư tưởng, hay
có những suy nghĩ phóng khoáng, trái ngược với những giáo lí áp đặt. Các nước
Hồi giáo đã có kiến nghị đến Hội đồng nhân quyền của Liên hiệp quốc để bảo vệ
quyền tự do tôn giáo của con người, nhưng thực chất là đề nghị coi báng bổ tôn
giáo là vi phạm quyền con người. Các tổ chức tôn giáo ở các nước phương Tây
cũng tạo ảnh hưởng để Nhà nước bàn lại về tội báng bổ tôn giáo và tiến đến ngăn
cấm điều này để bảo vệ tốt hơn tình cảm tôn giáo của con người. Tuy nhiên, rất
khó xác định, báng bổ tôn giáo ở mức độ nào sẽ làm tổn thương con người bởi vì
đức tin và tình cảm tôn giáo là những điều sâu kín. Mỗi người đều có những suy
nghĩ và tình cảm ở mức độ khác nhau. Nếu ngăn cấm mọi thứ sẽ hạn chế tự do ngôn
luận.
2.
Bảo đảm
quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo
Bản tuyên bố về quyền con người của
Hội đồng châu Âu năm 1950 đã được 47 quốc gia châu Âu kí kết. Điều 9 và điều 10
của văn bản này bảo vệ quyền tự do tôn giáo và tự do ngôn luận. Điều 18 và 19 của
Hiến chương về quyền con người của Liên hiệp quốc năm 1948 cũng bảo vệ hai
quyền cơ bản này. Tòa án về quyền con người của Hội đồng châu Âu đã ra nhiều
phán quyết quan trọng để bảo vệ tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Các quyết
định của cơ quan này thường là những quyết định khung mang tính chất khái quát
và tổng hợp. Tòa án châu Âu muốn tạo ra một khuôn mẫu về việc bảo vệ các quyền
tự do, đồng thời cho phép các nước có các phán quyết riêng về tự do ngôn luận
và tự do tôn giáo dựa theo hoàn cảnh chính trị, xã hội của mình, nhưng những
phán quyết đó phải dựa theo định hướng đã được vạch ra.
Trong phán quyết có tên Handyside c/Royaume-Uni năm 1975,
tòa án này có một định nghĩa rất quan trọng về tự do ngôn luận: “Tự do ngôn
luận không chỉ thể hiện bằng những thông tin và những ý tưởng được đón nhận
bằng sự vui vẻ, cổ vũ, đó có thể là những thông tin bình thường, không làm tổn
thương người khác. Tự do ngôn luận còn thể hiện qua những thông tin gây sốc,
gây lo lắng và tổn hại đến một số người. Tự do ngôn luận gắn với sự đa dạng về
thông tin, sự cảm thông, cùng trí tuệ rộng mở, không có các điều kiện đó, sẽ
không có xã hội dân chủ“.
Điều 9 trong Tuyên ngôn về quyền con người của Hội đồng châu
Âu ghi nhận về quyền tự do tôn giáo: “Mỗi người đều có quyền tự do tư tưởng,
tự do tôn giáo. Quyền này thể hiện tự do thay đổi tôn giáo hay đức tin tôn
giáo, cũng như quyền thể hiện tôn giáo bằng cách tham gia vào các nghi lễ tôn
giáo, truyền bá và thực hành tôn giáo“. Tự do tôn giáo và tự do ngôn luận
có thể bị hạn chế trong những hoàn cảnh đặc biệt, thật sự cần thiết.
Khi các quyền tự do trên có xung đột
với nhau, các nhà luật học tuân theo ba tiêu chí quan trọng để lựa chọn cả hai
quyền trên, hoặc loại bỏ một trong hai quyền: (i) Điều kiện chính thống, phù
hợp với sự công bằng và đạo lí, hợp với lẽ phải. (ii) Điều kiện hợp pháp, đúng
với những tiêu chuẩn và quy định của luật pháp. (iii)Điều kiện cần thiết đảm
bảo lợi ích chung của xã hội, vì trật tự, an toàn xã hội và vì con người.
Ví dụ về trường hợp bức ảnh Piss Christ của nghệ sĩ Andres Serrano,
không có điều luật nào quy định cách thức sáng tạo nghệ thuật của người nghệ
sĩ. Mỗi người có cách sáng tạo riêng, xét về mặt luật pháp việc tạo ra bức ảnh
gây tranh cãi không vi phạm luật pháp, xét về mặt đạo đức và tôn trọng tình cảm
tôn giáo, chắc chắn bức ảnh đã gây tổn thương cho một số người có tình cảm tôn
giáo nhiệt tình. Khi bức ảnh được trưng bày ở nhiều nơi, vấn đề trật tự và an
toàn xã hội trở thành mối lo của các nhà tổ chức. Vì thế để đảm bảo an toàn xã
hội và trật tự công cộng, ở một số nơi như đảo Corse, cuộc triển lãm của Andres
Serrano đã bị hủy bỏ. Tuy nhiên, bức ảnh vẫn tiếp tục được trưng bày ở nhiều
nơi khác vì sự đề cao tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Trong trường hợp này, tự
do ngôn luận được đề cao hơn tự do tôn giáo.
Đối với trường hợp của tờ báo
Charlie Hebdo, tờ báo này thường xuyên bị các tổ chức tôn giáo, các chính
khách, các tổ chức cực hữu kiện ra tòa. Đã có 50 đơn kiện Charlie Hebdo kể từ
năm 1992 đến nay, tuy nhiên tờ báo này vẫn trụ vững vì nội dung cơ bản của tờ
báo này là chống phân biệt chủng tộc, chống phân biệt đối xử, bảo vệ bình đẳng. Charlie
Hebdo phân tích các vần đề chính trị, xã hội bằng những bức tranh châm biếm.
Charlie Hebdo cho rằng tự do ngôn luận là được nói lên tất cả những suy nghĩ
của mình, kể cả đó là những điều cấm kị. Những bức tranh châm biếm là cách nhìn
nhận các vấn đề, tôn giáo, chính trị, xã hội theo cách khái quát của tờ báo
này. Vì thể hiện tự do ngôn luận thẳng thắn và không kiêng nể, những bức vẽ của
Charlie Hebdo thường gây nhiều tranh cãi, tòa báo này luôn nhận được những lời
đe dọa. Tuy nhiên, Charlie Hebdo không gây kích động bạo lực, không khuyến
khích hận thù tôn giáo và sắc tộc, không cổ vũ chiến tranh, vì đây là những
giới hạn quan trọng của tự do ngôn luận. Khi xét đến những tiêu chuẩn cơ bản
như điều kiện hợp pháp, điều kiện đảm bảo lợi ích chung của xã hội, sự tồn tại
của Charlie Hebdo có nhiều ý nghĩa.
Những bức vẽ của Charlie Hebdo gây
tổn thương cho một số người Hồi giáo, nhất là những người có tư tưởng cực đoan.
Nhà nước có thể ngăn cấm việc xuất bản các số báo của Charlie Hebdo trong một
thời gian nhất định, một là để bảo vệ quyền sống cho chính những nhà báo vì họ
thường xuyên nhận được những lời đe dọa, hai là để đảm bảo trật tự công cộng vì
những bức vẽ nhà tiên tri Mohamed của Charlie Hebdo gây ra nhiều rối loạn, như
việc đốt cờ Pháp, biểu tình trước đại sứ quán, và bạo loạn. Sự nổi giận của một
bộ phận người Hồi giáo có thể gây ra những nguy hiểm cho cộng đồng người Pháp
đang sinh sống tại nước ngoài. Trái ngược với những giả thuyết trên, chính phủ
Pháp quyết định hỗ trợ Charlie Hebdo một triệu euros, để tờ báo này tiếp tục
hoạt động, nhiều tổ chức cũng trợ giúp tài chính cho tờ báo, rất nhiều người
đặt mua tờ báo theo quý, khiến doanh thu của tờ báo này tăng vọt. Qua vụ việc
của Charlie Hebdo, có thể thấy ý thức bảo vệ các quyền tự do của con người
trong xã hội dân chủ. Tự do ngôn luận bị bịt miệng qua vụ khủng bố, lại được
bảo vệ tốt hơn.
Đại hội nghị viện của Hội đồng châu Âu đã ban hành nghị
quyết 1510, năm 2006 trong đó khẳng định: “Không có tự do ngôn luận sẽ không
có xã hội dân chủ. Tiến bộ xã hội và sự phát triển của mỗi cá nhân phụ thuộc
vào khả năng tiếp nhận và chia sẻ các thông tin, các luồng tư tưởng. Tự do về
tư tưởng và tự do tôn giáo là điều kiện cơ bản của một xã hội dân chủ“. Tôn
giáo luôn là yếu tố quan trọng của văn hóa và việc hình thành nhân cách của con
người. Mỗi quốc gia có sự đa dạng về văn hóa và tôn giáo sẽ tạo ra sự đa dạng
về các di sản. Những giới hạn của tự do ngôn luận và những nguyên tắc đảm bảo
đức tin tôn giáo cần được thảo luận rộng rãi để tìm ra những giải pháp đảm bảo
sự tồn tại hài hòa của hai quyền cơ bản này. Con người không thể lấy lí do bảo
vệ tôn giáo để bóp nghẹt tự do ngôn luận, nhưng cũng không thể đề cao tự do
ngôn luận thái quá nhằm gây tổn thương đến tình cảm tôn giáo của một số người.
Trong những trường hợp xung đột giữa bảo vệ tự do ngôn luận và tự do tôn giáo,
cần có những quyết định đúng đắn của luật pháp.
Những phán quyết của tòa án về quyền
con người của Liên minh châu Âu và của tòa án thuộc các nước thành viên đang có
xu hướng đề cao tự do ngôn luận hơn là bảo vệ đức tin tôn giáo. Con người sống
trong xã hội dân chủ đang ngày càng khẳng định bản thân, cái tôi của con người
ngày càng lớn vì các quyền tự do cơ bản được đề cao trong khi tôn giáo không
còn giữ vai trò quan trọng như trước đây trong đời sống chính trị, xã hội. Các
bức tranh châm biếm, những bộ phim hay những vở kịch thể hiện sự sáng tạo nghệ
thuật nhiều hơn là sự khiêu khích đối với tôn giáo. Đó là những cách khác nhau
để thể hiện tự do ngôn luận. Trong những trường hợp đặc biệt, tự do ngôn luận
có thể vượt quá giới hạn, khi đó cần có sự can thiệp của tòa án để bảo vệ tự do
tôn giáo và các quyền tự do khác của con người.
P.T.Đ.
Tác giả gửi BVN
Tài liệu tham khảo
8.
La liberté d’expression, les grands
textes de Voltaire à Camus, le Monde hors-série, mars 2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét