PHẬT GIÁO MÔNG CỔ ĐANG TRÊN ĐÀ
TUỘT DỐC
Michael Khon
Hoang Phong chuyển ngữ
Lời giới thiệu của người dịch:
Tờ Thời Luận
San Francisco (San Francisco Chronicle)một nhật báo lớn của
Mỹ, ngày 17 tháng 9 năm 2008 có đăng một bài mang tựa: "Đạo
Ki-tô đang phát triển nhanh chóng ở Mông Cổ, các nhà truyền giáo đã
cải đạo cho hàng nghìn người trong khi những người Phật Giáo đang nơm nớp lo
sợ là truyền thống văn hóa của mình sẽ bị mất đi" (Christianity
growing fast in Mongolia, Missionaries convert thousands while Buddhists fear
losing traditional culture), tác giả là Michael Khon một ký giả trong
nhóm bình luận gia thời sự quốc tế trong ban biên tập của tờ báo này. Bài báo
khá xưa, cách nay đã hơn sáu năm, thế nhưng cũng không hẳn là lỗi thời, bởi
vì tình trạng trên đây chẳng những vẫn còn đang tiếp diễn ở Mông Cổ mà cả
nhiều nơi khác trên thế giới. Bài báo cũng đã được một trang mạng Phật Giáo
có tầm cỡ quốc tế với 9 thứ tiếng khác nhau là Buddachannel dịch sang tiếng
Pháp và đăng tải ngày 6 tháng 2 năm 2009, với tựa ngắn hơn:"Phật Giáo
Mông Cổ đang bị mất đà" (Le Bouddhisme Mongol en perte de
vitesse).
Chữ "Christianity" trong bản gốc tiếng Anh mang ý nghĩa rất tổng quát
nhằm chỉ chung tất cả các tôn giáo thờ Chúa Giê-Su. Chữ này sẽ được dịch là
Ki-tô Giáo trong bản chuyển ngữ tiếng Việt, tuy nhiên cũng có thể dịch chữ
này là Cơ Đốc Giáo hay Thiên Chúa Giáo. Chữ Thiên Chúa Giáo có vẻ quen
thuộc hơn hết thế nhưng lại thường được hiểu lầm là Thiên Chúa Giáo La Mã tức
là Đạo Thiên Chúa của Giáo Hội Vatican. Ki-tô Giáo phát sinh từ Do Thái Giáo
và gồm rất nhiều tông phái khác nhau, Thiên Chúa Giáo La Mã chỉ là một trong
các tông phái ấy.
Sau phần chuyển ngữ người dịch cũng xin mạn phép chia sẻ một bài phân tích
với hy vọng cùng người đọc suy tư về một vài khía cạnh nêu lên trong nội dung
của bài báo. Ngoài ra người đọc cũng có thể xem bản gốc bằng tiếng Anh của
bài này trên trang mạng của tờ San Francisco Chronicle (SFGate):
http://www.sfgate.com/news/article/Christianity-growing-fast-in-Mongolia-3268816.php,
và bản dịch tiếng Pháp trên trang mạng Buddhachannel:
PHẬT GIÁO MÔNG CỔ ĐANG TRÊN ĐÀ
TUỘT DỐC
Ulaan Bataar, Mông
Cổ
Mitch Tillman trở thành một vị cứu rỗi linh hồn thật khá bất ngờ. Sáu năm
trước anh ta còn nằm rã rượi trong các khám đường của tiểu bang Alabama chờ
ngày ra tòa vì tội tàng trữ ma túy, thế nhưng ngày nay thì lại là người đang
đứng ra xây cất bệnh viện, nuôi trẻ bụi đời và cứu rỗi linh hồn cho người
Mông Cổ.
Hình trái: Cảnh người Mông Cổ đang cầu
nguyện trong giáo đường của đạo "Những Lời Phúc Âm Sinh Động"
(Evangelic Living Word Church) một giáo phái Tin Lành Phúc Âm, ở Ulaan
Bataar (thủ đô Mông Cổ), quy tụ khoảng 1000 tín đồ.
Giáo đường này nằm trong khuôn viên của Cung Ulaan Bataar (UB Palace), một
trung tâm văn hóa và thương mại to lớn của thủ đô, và cứ mỗi cuối tuần thì
lại biến thành nơi ăn nhậu và hộp đêm.
Hình phải: Mitch
Tillman đang giảng đạo cho các tín đồ Mông Cổ thuộc giáo xứ của mình tại một
tòa nhà mà trước đây dưới chế độ Cộng Sản đã từng là Bảo tàng viện tôn vinh
Vladimir Lenin.
(Hai ảnh này là của tác giả
Michael Khon dành cho nhật báo San Francisco Chronicle)
Đối với những người truyền giáo
Ki-tô, chẳng hạn như trường hợp của mục sư Tillman, thì Mông Cổ đúng là một
vùng đất vàng (trong bản gốc là tiếng Tây
Ban Nha Eldorado, có nghĩa là Bằng Vàng, ý nói là một vùng đất mới tha hồ
tung hoành và bành trướng). Sau
khi chế độ Cộng Sản cáo chung năm 1990 và theo danh sách đăng ký của các giáo
phái Tin Lành, chẳng hạn như Mormon (còn gọi là Latter-days Saints Church, có nghĩa là đạo của
các Thánh trong những ngày cuối cùng. Khái niệm "Những ngày cuối
cùng" là một khái niệm chung trong giáo lý của các tôn giáo độc thần chủ
trương một sự tận thế sẽ xảy ra đánh dấu sự chấm dứt của một giai đoạn dài,
và sau đó sẽ bắt đầu một thời đại mới. Thế nhưng khái niệm "tận
thế" này lại mang các ý nghĩa khác nhau tùy theo các tông phái và giáo
phái trong Ki-tô Giáo. Đối với giáo phái Mormon thì thời đại mới sẽ là thời
đại của Chúa Ki-tô), giáo phái Adventist Ngày Thứ Bảy (Seventh-day Adventist Church, chữ Adventist do chữ La
Tinh adventus mà ra và có nghĩa là "xuất hiện", ý nói sự trở về của
Chúa Giê Su sau khi đã tận thế, tuy nhiên giáo phái này lại chọn ngày thứ bảy
làm ngày thánh mà không chọn ngày chủ nhật), các giáo phái Tin Lành khác cũng như Thiên
Chúa Giáo La Mã (Catholics), thì có khoảng 60 000
người Mông Cổ đã theo Ki-tô Giáo (tổng số
dân Mông Cổ là 2.839.000 người theo thống kê năm 2013).
L.Chimgee một sinh viên 18 tuổi
trường Đại Học Kỹ Thuật Ulaan Bataar cho biết như sau: "Nhiều bạn bè của
tôi theo đạo Ki-tô, vì thế tôi cũng muốn tìm hiểu đức tin là gì. Tôi bèn tham
dự một khóa tu học cuối tuần tại một trại họp mặt Ki-tô Giáo thiết lập trong
một vùng nông thôn. Khóa tu thật hết sức là vui nhộn và nhờ đó tôi đã cảm
thấy được ý nghĩa đích thật của giáo phái này. Và cũng chính vì thế mà tôi đã
theo đạo".
Năm 2002 Tillman được tòa tha bổng
về tội tàng trữ nha phiến, anh ta quả quyết rằng sở dĩ được trắng án là nhờ
mình cầu nguyện khi nằm trong khám. Tillman gốc gác ở tỉnh Chattanooga (một thị trấn nhỏ thuộc tiểu bang Tennessee), sau khi được phóng thích bèn bán cửa hiệu
chuyên sơn sửa và làm đồng xe hơi của mình và sau đó lên đường sang Mông Cổ
tìm cha mình là một mục sư Tin Lành Báp-tít (Baptism
là đạo Tin Lành trong đó gồm chung một số các giáo phái đặt nặng tầm quan
trọng của việc rửa tội, căn cứ vào sự tích của vị tiên tri John The Baptist
được xem là đã từng rửa tội cho cả Chúa Giê-Su) đã thiết lập được một cơ sở truyền giáo
tại đây.
Tilman lúc đó 53 tuổi và có sáu
con, trong số này có ba đứa là con nuôi gốc Mông Cổ, đã cho biết như
sau: "Nước Mông Cổ đang bước vào một thời đại tự do và dân chủ,
người dân đổ xô tìm kiếm một cái gì đó mới lạ hơn. Họ ước mong khám phá ra
một niềm hy vọng và mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con cái mình. Tôi
tin rằng Chúa sẽ ban cho họ những điều ấy".
Các nhà sư Phật Giáo trong tình
trạng hốt hoảng
Thế nhưng chiến dịch cải đạo người
Mông Cổ [của các giáo phái Tin Lành] cũng đã gióng lên một hồi trống cảnh
tỉnh trong các hành lang cổ kính của các ngôi chùa trong khuôn viên của tu
viện Gandan, trung tâm Phật Giáo lớn nhất trong nước với 8000 nhà sư thường
xuyên tu học. Vị trụ trì Khunhur Byambajav rất lo ngại khi nhận thấy người
đến chùa ngày càng thưa thớt.
Nhà sư Byambajav không ngần ngại
tuyên bố: "Mọi chuyện cũng là do đồng tiền mà ra cả. Những người
truyền giáo [Ki-tô] có sẵn tiền xây cất trường học và giáo dục trẻ con. Họ
không từ nan bất cứ một phương tiện nào". Nhà sư này muốn ám chỉ
những người truyền giáo đã mang đến cho [các tín đồ của mình] đủ mọi thứ, từ
thức ăn, quần áo, đến cả học bổng để du học ở nước ngoài (nước ta có câu tục ngữ
"Theo đạo lấy gạo mà ăn", thế nhưng cũng có câu "Áo rách phải
giữ lấy lề". Ngày nay sau hàng bao thế kỷ cách biệt, thế nhưng ở Mông Cổ
việc cải đạo cũng chẳng có gì khác hơn: "Miếng trầu là đầu câu
chuyện"). "Trên
phương diện tài chính thì làm thế nào mà chúng tôi theo kịp họ được, tuy thế
chúng tôi cũng phải cố gắng thôi, nếu không thì sẽ không còn ai trong giới
trẻ theo Phật Giáo nữa".
Chẳng hạn như Trung tâm Phúc Âm
Quốc Tế (Harbor Evangelism International) của Tillman có đến hai bệnh viện,
một viện mồ côi, một nơi ăn uống miễn phí cho người nghèo, một chương trình
cai rượu trong một nước mà nạn nghiện rượu đang lan tràn, và theo các nhà
quan sát thì kể cả trong giới các nhà sư Phật Giáo!
L. Odonchimed một cựu dân biểu
quốc hội cho biết: "Chùa chiền Mông Cổ còn quá yếu kém, nhận
tiền cúng dường của bá tánh nhưng lại không đủ sức hồi đáp lại [những gì mà
họ mong cầu]. [Trong khi đó] những người truyền giáo thì lại mang tặng đủ mọi
thứ quà cáp và trợ giúp mọi người - thiết nghĩ đấy cũng là trọng trách của
một tổ chức tôn giáo".
Có nhiều nhóm cải đạo hoạt động
lén lút
Nhà sư Byambajav cho biết là ông
rất lo ngại vì có nhiều nhóm Ki-tô Giáo hoạt động lén lút, nhồi sọ trẻ con và
xúi dục người Phật Giáo đốt bỏ các lễ cụ (religious
articles, các vật sử dụng vào việc hành lễ và thờ cúng) và đập phá các bảo tháp (stupa, là
các kiến trúc to lớn biểu trưng cho sự giác ngộ). Ông cho biết thêm: "[Nhà
nước] không có một biện pháp kiểm soát nào cả, và cũng chẳng có ai quan tâm
đến hành động của các nhóm hoạt động lén lút này".
Trong tình trạng một nước [đang
gặp phải khó khăn vì] chủ trương tách rời giữa tín ngưỡng và nhà nước - tương
tự như Hoa Kỳ - Byambajav đã đề nghị với chính phủ nên đưa Phật Giáo lên hàng
quốc giáo. Theo ông thì đất nước cần đưa ra một đạo luật cho phép sử dụng
ngân quỹ quốc gia để giúp đỡ các nhà sư và cho phép giảng dạy Phật Giáo trong
các trường học nhà nước.
Nhà sư Byambajav còn cho biết
thêm: "Chúng tôi đã từng gửi thư lên chính phủ xin thay đổi đạo
luật về tín ngưỡng, thế nhưng các tổ chức tôn giáo nước ngoài vừa có thế lực
lại có nhiều tiền. Họ tạo áp lực với các người lãnh đạo chính trị bằng cách
đút lót tiền bạc. Điều này khiến chúng tôi bị thiệt thòi rất nhiều".
Trở về với Phật Giáo
Vị dân biểu lập pháp Odonchimed
cũng xác nhận là một số lớn người Mông Cổ đã bị mê hoặc bởi mọi thứ dịch vụ
của các nhóm Cơ Đốc Giáo, tuy nhiên ông cũng tiên đoán rằng mọi người sẽ
không còn quan tâm đến các nhóm này nữa một khi tình hình kinh tế trong nước
phát triển khá hơn (một lời tiên đoán quá đỗi ngây thơ) qua câu phát biểu sau đây: "Với
thời gian rồi đây người dân sẽ dần dần không còn nhờ vả những người truyền
giáo nữa, và sẽ không còn để ý đến họ nữa. Mọi người sẽ trở về với Phật
Giáo" (đây là một sự suy nghĩ vô cùng thiển cận và thiếu hiểu
biết, một hình thức cam phận và thụ động của các dân tộc quen chịu ách nô lệ,
họ không thể hình dung được là một ngày nào đó sẽ có những người Mông Cổ Tin
Lành hay Thiên Chúa Giáo - hoặc cũng có thể là những người chủ trương một chủ
thuyết ngoại lai không tưởng - được ngoại bang đưa lên nắm chánh quyền, điều
khiển quốc gia và đưa xứ sở vào vòng nô lệ. Nên hiểu rằng không có ai giúp đỡ
mình một cách bất vụ lợi cả).
Trong khi đó, Liên Đoàn Bảo Tồn
Truyền Thống Đại Thừa (Federation for the Preservation of the Mahayana Tradition,
một tổ chức Phật Giáo phi lợi nhuận đặt trụ sở tại tiểu bang Oregon, Hoa kỳ) lại sử dụng chính các phương pháp tiếp cận
của người Tây Phương nhằm giúp người Mông Cổ tìm về với Phật Giáo (dầu sao tổ
chức nhỏ này cũng không thể đọ sức với những ý đồ và sức mạnh tiền bạc của
các hội đạo Tin Lành ở Mỹ - và phía sau biết đâu cũng có những nguồn tài trợ
khác to lớn hơn - rất sở trường trong việc cải đạo người nghèo, các bộ tộc
thiểu số ở các nước đang phát triển). Liên
đoàn trên đây đã mở trường dạy học trong các chùa thuộc Tu Viện Trung Tâm ở
Ulaan Bataar. Vị chủ tịch Liên Đoàn là Ueli Minder, người Thụy Sĩ, đã lên
tiếng như sau: "Sở dĩ giới trẻ Mông Cổ ngày nay không có một kiến
thức nào về Phật Giáo chẳng qua là vì chùa chiền không đủ sức giúp những
người tu tập tại gia giữ vững được lòng tin của họ. Chủ đích của chúng tôi là
giúp đỡ mọi người tìm hiểu đâu là cội nguồn của văn hóa và tín ngưỡng".
Phương pháp của người
Tây Phương
Nhà sư Byambajav cho biết là tu
viện Gandan cũng đã tìm cách sử dụng các phương pháp của người Tây Phương,
chẳng hạn như thiết lập một đài phát thanh [Phật Giáo] và thực hiện nhiều dự
án mở trường tư cũng như thành lập một đài truyền hình.
Tuy nhiên vị chủ tịch Minder cũng
thú nhận rằng các nhà sư Phật Giáo hiện đang phải đương đầu với một sự thách
đố thật kinh hoàng khi quyết định chống lại những người truyền giáo Ki-tô:
bởi vì đối với việc cải đạo người khác thì hầu hết trong số họ (tức là các nhà sư Phật
Giáo) từ trước đến nay
không có ai quen làm công việc này.
Vị giám đốc Minder của Liên Đoàn
Bảo Vệ Đại Thừa còn cho biết thêm: "[Dù rằng] không nên biến
việc ấy thành một thứ tôn giáo nhằm cải đạo kẻ khác, thế nhưng chúng ta cũng
phải có một kế hoạch nhằm xóa bỏ [ảnh hưởng] tuyên truyền tệ hại [dưới chế độ
chính trị] trước đây cũng như các kế hoạch mê hoặc của những người truyền
giáo [ngày nay]. Các vị lạt-ma (Tây Tạng và Mông Cổ) cần phải học hỏi
thêm về các phương cách bảo vệ tín ngưỡng của mình..., hầu giúp phục hồi lòng
tin của quảng đại quần chúng".
Sự bành trướng của Cơ Đốc Giáo
trong một xứ Mông Cổ theo Phật Giáo
Trước khi chế độ Cộng Sản cấm tôn
giáo từ năm 1921 thì hầu hết người Mông Cổ theo Phật Giáo Tây Tạng (Phật Giáo Tây Tạng
được đưa vào Mông Cổ từ thế kỷ XIII, kinh sách, việc học hỏi và tụng niệm đều
phải dùng tiếng Tây Tạng. Đến thế kỷ XVI thì Phật Giáo trở thành quốc giáo
với hơn 90 phần trăm dân chúng theo tôn giáo này, thế nhưng việc dịch thuật
vẫn không đáng kể. Xin nhắc thêm là người Trung Quốc phải mất nhiều thế kỷ để
dịch kinh sách từ tiếng Phạn). Năm 1990 Cộng Sản sụp đổ, Mông Cổ được tự do
bèn hợp thức hóa Phật Giáo và cho phép chùa chiền hoạt động trở lại, thế
nhưng đồng thời cũng đã mở cửa cho các tín ngưỡng ngoại lai [được hoạt động
trong nước].
Theo thống kê của CIA (cơ quan tình báo của
Mỹ) thì
hiện nay 50 % dân chúng Mông Cổ theo Phật Giáo Tây Tạng, 6 % theo tín ngưỡng
Sa-man (Shamanism:
một hình thức tín ngưỡng dân gian với ít nhiều "mê tín", chủ trương
một sự liên hệ thần bí giữa con người, thần linh, ma quỷ, kể cả linh hồn của
các loài thú vật. Tín ngưỡng này cũng khá tương tự với "đồng bóng"
ở Việt Nam), và khoảng 40 % tuyên bố là mình không theo đạo
nào cả.
Công việc bảo toàn Phật Pháp chống
lại các kế hoạch cải đạo của các tín ngưỡng Cơ Đốc là cả một sự thách đố vì
phải vượt qua một trở ngại thật nan giải là vấn đề ngôn ngữ. Các nhà sư thì
tụng niệm bằng tiếng Tây Tạng, một ngôn ngữ mà hầu hết người Mông Cổ không
hiểu gì cả, trong khi đó thì Thánh Kinh và các bài thuyết giáo [của những
người cải đạo] thì được viết và quảng bá bằng tiếng Mông Cổ (cũng gần tương tự với
trường hợp của Việt Nam: các thuật ngữ và các khái niệm triết học Phật Giáo
đều là tiếng Hán và kinh sách cũng chịu ảnh hưởng quá nặng nề từ Hán ngữ,
giới trẻ ngày nay dù có đọc cũng không hiểu gì cả - đôi khi ngay cả đối với
một số người tu hành cũng vậy).
Theo các danh sách đăng ký các
giáo phái Cơ Đốc hoạt động tại Mông Cổ thì có 60 000 người theo các đạo Cơ
Đốc - mức độ gia tăng là 20% trong tám năm vừa qua. Về phần chính phủ Mông Cổ
thì không thấy có một bảng liệt kê nào về số người theo các tín ngưỡng khác
nhau.
Theo phúc trình của Bộ Ngoại Giao
Mỹ (U.S. State Department) thì một nửa dân chúng sinh sống ở thủ đô Ulaan
Baatar theo Cơ Đốc Giáo (Christians), và các nhà thờ thì nhất loạt tập trung
tại các khu sang trọng, chẳng hạn như giáo đường của giáo phái "Năm Câu
Chuyện của đạo Mormon" (Five-story Mormon tabernacle) sừng sững bên cạnh
khách sạn lộng lẫy nhất của thành phố. Người dân trong các khu này còn được
xem cả các chương trình truyền hình của các giáo phái Cơ Đốc [của Mỹ] trên
đài TV Chim Ưng (Eagle TV, là một đài truyền hình của Tin Lành và Thiên
Chúa Giáo Mỹ), truyền đi khắp nơi [trên thế giới] bằng vệ
tinh và do các hội đạo Tin Lành ở Mỹ tài trợ.
Cách thuyết giáo theo kiểu Mỹ cũng
rất phổ biến, trong các thính đường chật ních người, các vị mục sư hăng say
và hùng hồn thuyết giáo, cứ như là lên đồng nhập bóng. Các lời thuyết giáo
lại còn được đệm thêm nhạc rock, quang cảnh diễn ra dưới ánh đèn nê-ông sáng
choang và hình ảnh video với kỹ thuật cao được chiếu lên các màn ảnh thật
rộng. Các hộp bằng plastic trong (mục đích cho thấy các quà biếu bên trong) nhét đầy quà tặng được đem ra phân phát,
bọn trẻ vị thành niên thì chen nhau ghi danh tham dự các buổi "Họp trại
Giê Su" ("Jesus Camps") tổ chức ở các vùng nông thôn.
Vị mục sư Báp-tít Tillman cho
biết: "Đây chính thực là thể dạng (trong nguyên bản là tiếng La Tinh statu quo, có nghĩa là
"hiện trạng", "thực trạng")
giải thoát. Từ bao nhiêu năm nay người dân chỉ biết có Phật Giáo, và
sau đó thì bị Cộng Sản ức chế. [Ngày nay] họ mong cầu tìm thấy một sự mới lạ
và họ đã tìm thấy được sự mới lạ ấy nơi Chúa Giê Su".
VÀI LỜI GHI CHÚ CỦA
NGƯỜI DỊCH
Thiết nghĩ nếu muốn tìm hiểu phong
trào cải đạo vô cùng tích cực ngày nay của các giáo phái Tin Lành Mỹ thì
chúng ta cũng cần mở rộng tầm nhìn hơn, tức là phải trực tiếp ngược dòng lịch
sử di dân đã đưa đến sự hình thành của nước Mỹ và tình trạng tín ngưỡng ngày
nay của quốc gia này. Một trong số các động cơ chính yếu thúc đẩy người di
dân Âu Châu vượt Đại Tây Dương để đến nước Mỹ là tình trạng kỳ thị tín ngưỡng
và chiến tranh tôn giáo triền miên trên quê hương họ. Nơi miền đất mới
"tự do tín ngưỡng" trở thành cả một sự ám ảnh đối với họ, thế nhưng
sự tự do tín ngưỡng hay sự ám ảnh đó lại bị đẩy đi quá xa để đưa đến việc làm
phát sinh ra thêm vô số các giáo phái mới và quyết tâm thật hăng say cải đạo
kẻ khác, không những đối với người trong nước mà còn lan rộng ra khắp thế
giới. Trên thực tế quả thật hết sức khó có thể nắm bắt những chủ đích tàng ẩn
phía sau sự "hăng say" ấy. Dầu sao các kế hoạch cải đạo của các
giáo phái Tin Lảnh Mỹ hiện nay trên thế giới cũng cho thấy một vài đường nét
tương đồng nào đó với các nỗ lực truyền bá đạo Ki-tô tại các lục địa Phi
Châu, Á Châu, và cả Mỹ Châu của các nước thực dân qua nhiều thế kỷ trong các
thời kỳ thuộc địa trước đây.
Lịch sử nước Mỹ có thể thu gọn
trong lịch sử của một phong trào di dân
Dưới một góc nhìn nào đó, lịch sử
nước Mỹ có thể được xem như là lịch sử diễn tiến của một cuộc di dân ào ạt
nhất trong lịch sử nhân loại xuyên qua nhiều thế kỷ và vẫn còn tiếp diễn cho
đến ngày nay. Trong vòng thập niên đầu tiên của thế kỷ XX, mỗi năm có hơn một
triệu người di dân từ các nước Âu Châu đến vùng "đất mới". Trong
thời kỳ khủng hoảng kinh tế xảy ra vào các năm 1920 và 1930, việc di dân vào
nước Mỹ bị hạn chế và do đó đã có phần giảm xuống từ năm 1915 đến 1965, thế
rồi sau đó lại gia tăng với gần một triệu người mỗi năm trong suốt thập niên
sau cùng của thế kỷ này!
Cảnh người di dân chờ đến lượt đăng
ký
trên đảo Ellis Island năm 1907
Kha Luân Bố (Christophe Colomb)
khám phá ra Mỹ Châu vào cuối thế kỷ XV (trong đêm 11 rạng ngày 12 tháng 10
năm 1492). Không lâu sau đó người dân từ các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha và
Hòa Lan bắt đầu đổ xô đến vùng đất mới này. Giai đoạn di dân đầu tiên trên
đây kéo dài từ đầu thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVII, và trong số những người
di dân thì người Anh là đông nhất. Chính phủ hoàng gia Anh Quốc khuyến khích
dân chúng nhất là người nghèo nên di dân đến vùng đất mới để khai phá, và
thường thì họ phải vay nợ để ra đi. Dù số người di dân rất đông nhưng cũng
không thấm tháp gì với đất Mỹ mênh mông, người khai khẩn vẫn thiếu. Bắt đầu
từ năm 1622 hoàng gia Anh Quốc trực tiếp đứng ra huy động và tổ chức việc di
dân sang Mỹ bằng cách giúp đỡ phương tiện cho người nghèo trong nước. Chính
phủ trả tiền phí tổn chuyến đi cho cả gia đình và hứa sẽ cấp đất cho họ, bù
lại thì người di dân phải làm việc không lương từ 4 đến 7 năm khi đặt chân lên
đất Mỹ. Những người ra đi theo diện này được gọi là những người "giúp
việc theo giao kèo" (indentured servants). Họ làm lụng cực khổ
không khác gì những người nô lệ da đen được đưa đến từ Phi Châu. Theo ước
tính thì từ 50% đến 60% người di dân đến Mỹ trong khoảng thời gian từ 1600
đến 1776 đều là những người "giúp việc theo giao kèo".
Ở Âu Châu trong khoảng thời gian
từ 1641 đến 1661, những cuộc xung đột, hiềm khích và chiến tranh đã xảy ra
triền miên giữa Anh Quốc, Tô Cách Lan (Scotland) và Ái Nhĩ Lan (Ireland), và
số người di dân đến Mỹ không đủ, nên chính phủ hoàng gia Anh đã phải trực
tiếp đứng ra mua bán nô lệ và chính thức lập ra "Công ty Hoàng
Gia buôn bán nô lệ Phi Châu" (Royal Company of African Slave
Trade) năm 1660, với mục đích giữ độc quyền lùa bắt,
chuyên chở và buôn bán nô lệ Phi Châu. Năm 1650 số người da đen trên toàn
nước Mỹ là 5%, và con số này đã tăng lên 22% vào năm 1775, đặc biệt nhất là
trong khoảng thời gian này ở tiểu bang Virginia số người da đen đã gia tăng
từ 2 000 lên 188 000 người.
Tiếp theo là giai đoạn di dân thứ
hai mang tính cách phức tạp và đa dạng hơn giai đoạn thứ nhất trên đây. Ngoài
số người nô lệ vẫn được tiếp tục đưa vào Mỹ, hàng triệu người Tô Cách Lan, Ái
Nhĩ Lan, Đức, Pháp, Hòa Lan, Ý, Nga, Ba Lan, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Hy
Lạp, Trung Hoa, Nhật Bản, các nước Trung và Nam Mỹ kể cả một số nước Phi
Châu, ào ạt rời bỏ xứ sở của họ để đến Mỹ mong tìm một cuộc sống dễ dãi hơn.
Giai đoạn di dân thứ hai này kéo dài gần một thế kỷ, từ năm 1680 đến năm
1760. Người "da đỏ" trở thành thiểu số, người di dân tứ xứ gọi họ
là "natives" có nghĩa là dân "bản xứ", đó là cách gián
tiếp tự nhận mình là kẻ ngoại lai, thế nhưng trên thực tế thì người da đỏ
"bản xứ" bị kỳ thị, khinh miệt và gạt ra bên lề xã hội. Dù phong
trào di dân không ngớt ào ạt và người nô lệ vẫn tiếp tục được đưa vào
Mỹ, thế nhưng chính phủ Anh vẫn tìm đủ mọi cách gia tăng thêm số người
di dân theo diện giao kèo (nô lệ không công trong một thời gian), chẳng hạn
như đưa ra biện pháp trả tự do cho các tù nhân chấp nhận ký vào các giao kèo
di dân và lên đường sang Mỹ. Hầu hết các sử gia đều cho rằng các biện pháp
trên đây của Anh Quốc là nhằm đưa người nghèo và các thành phần bất hảo ra
khỏi nước, nhưng dường như không thấy có sử gia nào (?) nghĩ rằng nước Anh
đưa người ào ạt lên đất Mỹ là một cách gián tiếp áp đặt văn hóa, ngôn ngữ và
tín ngưỡng của mình, tức là một hình thức thiết lập thuộc địa một cách kín
đáo, không cần tuyên bố. Tưởng cũng nên hiểu rằng thời kỳ này là một giai
đoạn lịch sử thật căng thẳng mà các nước thực dân Âu Châu bắt đầu dòm ngó
nhau và tranh dành thuộc địa gay gắt nhất.
Nếu nhìn vào vấn đề tín ngưỡng thì
ngay trong chuyến du hành đầu tiên khám phá ra Mỹ Châu của Kha Luân Bố, cũng
đã có một vị cố đạo Thiên Chúa Giáo La Mã trên tàu. Trong thời kỳ thực dân,
các linh mục dòng Tên (Jesuits) của Thiên Chúa Giáo La Mã đã tạo được nhiều
ảnh hưởng ở Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản, và các mục sư Tin Lành người Anh
đã gây được nhiều ảnh hưởng ở Madagascar, Trung Quốc và Hawaii. Nhiều sử gia
cho rằng các vị cố đạo ra đi khắp nơi là vì nguyện vọng truyền bá đạo Ki-tô
và các đạo quân xâm chiếm thuộc địa thì chỉ giữ vai trò bảo vệ họ mà thôi,
thế nhưng trên thực tế thì một sự cấu kết và hiểu ngầm nào đó dường như có vẻ
là một sự kiện tất yếu và đương nhiên.
Trở lại với vấn đề di dân thì
tiếng đồn về một "Miền Đất Hứa " (Promised Land), rộng thênh thang,
phong phú và tự do ngày càng được phóng đại thêm và đã biến nước Mỹ trở thành
một huyền thoại, chẳng những thu hút người nghèo đói hoặc bị kỳ thị tín
ngưỡng mà cả một số người khá giả ôm mộng rời bỏ quê hương mình trên lục địa
Âu Châu già nua, chật hẹp và bon chen. Quả cũng lạ, những người di dân đến
trước cảm thấy mình là người dân Mỹ "chính thống" không thích những
người di dân mới tràn ngập nước Mỹ "của họ" và cạnh tranh với họ.
Những sự xô xát, kỳ thị, khinh miệt, ngược đãi thường xuyên xảy ra ở một số
tiểu bang như South Carolina, Maryland, Virginia..., nhất là đối với những
người Ái Nhĩ Lan thường là người nghèo khổ, quá đông và nhất là họ lại theo
Thiên Chúa Giáo La Mã. Miền Đất Hứa đôi khi cũng không hẳn là dễ sống và thật
sự tự do như nhiều người mơ tưởng khiến một số người thất vọng đã phải
quay về quê hương họ ở Âu Châu.
Thế nhưng đặt chân lên Miền Đất
Hứa thì nào có phải là chuyện dễ dàng đâu. Tùy biển êm hay bão tố, cuộc hành
trình vượt Đại Tây Dương mất từ 6 tuần đến 6 tháng. Hành khách chen chúc trên
tàu, không chỗ nằm, thiếu vệ sinh, lây bệnh, ói mửa..., nhiều người già yếu
và trẻ con đã không đến được bờ. Nếu cuộc hành trình kéo dài quá lâu thì
thiếu nước, thiếu ăn. Năm 1741 một chiếc tàu Ái Nhĩ Lan chở 106 hành khách,
khi đến được đất Mỹ thì chỉ còn 60 người sống sót, sáu xác trong số những
người chết đã bị những người khác ăn thịt. Năm 1752 một chiếc tàu Hòa Lan chở
340 hành khách cặp bến ở tiểu bang Philadelphia thì chỉ vỏn vẹn còn lại 21
người sống sót, những người khác đều chết vì đói. Người di dân ra đi là cả
một sự liều lĩnh, bọn chủ tàu hám lợi chở khách chật ních, thiếu thức ăn,
thiếu nước. Thế nhưng nếu gặp gió thuận biển êm, tàu đến sớm thì bọn thủy thủ
lại không cặp bờ, lấy cớ là còn phải chờ kiểm dịch để hạch sách hành khách
bắt họ phải trả thêm tiền, cho đến khi nào hết sạch thì mới cho lên bờ. Những
chuyện đại loại như thế thường xuyên xảy ra cho đến giữa thế kỷ XIX. Năm 1853
người di dân Na Uy trên một chuyến tàu đưa khách của người Anh thuật lại là
hành khách bị đối xử như thú vật, phụ nữ lo sợ bị hãm hiếp, những chuyện gây
hấn và xô xát giữa các gia đình hay tập thể trên tàu xảy ra ngày một. Cứ mỗi
lần phân phát thực phẩm thì không sao tránh khỏi chuyện tranh dành và cướp
giật lẫn nhau.
Đến được bờ cũng không có nghĩa là
mọi sự gian nan chấm dứt. Những người "làm công theo giao kèo" bị
chủ đến tìm và mang đi, trong cùng một gia đình mỗi người một ngã. Theo giao
kèo nếu gia đình nào cha mẹ chết hết thì người chủ thuê phải nuôi đám con cái
sống sót và chúng phải làm việc thay cha mẹ đến 21 tuổi mới được trả tự do.
Thật xa với nước Mỹ, nơi các vùng ven biển xa xôi của lục địa Phi Châu, cả ở
bờ phía tây lẫn phía đông, các bộ lạc người da đen bị bao vây và lùa bắt. Tất
cả đàn ông khỏe mạnh đều bị bắt sạch, một số ít đàn bà và trẻ em cũng bị bắt.
Anh và Pháp là hai nước lùng bắt nô lệ nhiều nhất và quy mô nhất. Nhiều làng
và bộ lạc chỉ còn lại phụ nữ, trẻ con và người già yếu. Người nô lệ bị nhốt
chật ních dưới khoang tàu, họ bị say sóng, đói khát, bệnh tật, chết chóc rất
nhiều. Mỗi chuyến tàu phải mất từ hai tháng hoặc có khi phải lênh đênh hàng
nửa năm mới đến được các bến cảng ở Âu Châu. Ở Pháp các cảng tạm chứa người
nô lệ hầu hết nằm ven bờ biển Đại Tây Dương như Bordeaux, La Rochelle,
Nantes..., và ở Anh là các cảng Luân Đôn, Liverpool, Bristol, Playmouth... Từ
các nơi này những người người nô lệ sống sót được chuyển sang tàu khác để đưa
đi Mỹ. Tuy nhiên cũng có những đường tàu chuyên chở người nô lệ thẳng từ các
bờ biển phía tây Phi Châu đến các cảng ở bờ biển phía đông của nườc Mỹ.
Sơ đồ một chiếc tàu (frigate, một loại tàu lớn có ba
cột buồm) chở nô lệ của Pháp, tên tàu là Aurore, chủ nhân là một người ngụ ở
cảng Nantes (Pháp). Tàu gồm ba tầng: boong tàu, tầng giữa và gầm tàu. Gầm tàu
dùng để chứa các thùng gỗ đựng nước uống. Tầng giữa cao vừa đầu người dùng để
chứa nô lệ, có thể chứa được 600 người, trong số này thường là gồm khoảng 400
đàn ông, 120 đàn bà và 80 trẻ em. Ngoài ra tầng này còn có thêm các gác hẹp
dọc theo vách tàu với diện tích chung là 55 m² có thể chứa thêm 190 người.
Tính đổ đồng mỗi người nô lệ được 1/3 m² trên tàu.
Quảng cáo trên báo ở Mỹ về việc buôn bán nô
lệ. Xin lược dịch quảng cáo trong hình số 6 như sau: Charleston (tiểu
bang Nam Carolina), ngày 24 tháng 7 năm 1769. Sẽ rao bán vào thứ năm, ngày
thứ ba trong tháng 8, một chuyến hàng gồm 94 người mọi thuộc loại tốt nhất,
đầy đủ sức khỏe, gồm 39 đàn ông, 15 con trai, 24 đàn bà và 16 con gái, do
thuyền nhỏ hai cột buồm (brigantine) tên tàu là Dembia vừa mới cặp bến,
thuyền trưởng là Francis Bare, tàu đến từ Sierre Leone (Phi Châu), (các tư
liệu trên đây được trích từ các sách giáo khoa cấp Trung Học ở Pháp)
Một quốc gia trên nguyên tắc được
hình thành từ một cộng đồng dân chúng với ngôn ngữ, văn hóa, tín ngưỡng và
quá trình lịch sử của họ, nói lên một sự hòa hợp và đồng nhất nào đó. Thế
nhưng nước Mỹ lại là một trường hợp đặc biệt, được hình thành từ một cuộc di
dân lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Như đã nói trên, trong số những người
di dân thì người Anh là đông nhất và họ đã áp đặt ngôn ngữ, văn hóa, tập quán
và cả tín ngưỡng của mình cho toàn thể quốc gia mới mẻ này. Vì thế nếu muốn
tìm hiểu tín ngưỡng của nước Mỹ thì tất phải tìm hiểu tín ngưỡng mà người di
dân Anh Quốc đã mang vào vùng đất "trinh nguyên" ấy. Chúng ta hãy
thử trở ngược về nguồn gốc và nguyên nhân đưa đến sự hình thành của các tín ngưỡng
trên đất Anh trước khi được người di dân đưa vào nước Mỹ.
"Thâm cung bí sử" và sự hình thành
của Anh Giáo vào thế kỷ XVI
Tiền bán thế kỷ XVI dưới triều đại
của vua Henry VIII là một giai đoạn lịch sử khá quan trọng của nước Anh,
riêng trên phương diện tín ngưỡng đã đưa đến sự hình thành của đạo Tin Lành
Anh Quốc còn gọi là Anh Giáo (Anglicanism). Sự hình thành của tín ngưỡng này
cũng trùng hợp với các đợt di dân đầu tiên của người Anh vào đất Mỹ. Thật hết
sức trớ trêu, nguyên nhân đưa đến sự hình thành của Anh Giáo, đánh dấu một sự
chuyển hướng tín ngưỡng vô cùng trọng đại của cả một dân tộc cũng chỉ là hậu
quả của những "chuyện thâm cung bí sử" thời bấy giờ. Những gì
trớ trêu chính là những chuyện "tình sử" dưới đủ mọi hình thức
"mưu mô" và " dàn xếp" xảy ra bên trong các lâu đài kín
cổng cao tường, thế nhưng đã mang lại những hậu quả thật sâu rộng bên ngoài
dân gian, làm chuyển hướng và thay đổi đức tin của cả một dân tộc, và còn gây
ra ảnh hưởng đến cả nền tín ngưỡng của nước Mỹ sau này.
… [Lời Tòa Soạn - Chương “Thâm cung bí sử”
nầy rất quan trọng cho những ai quan tâm đến lịch sử hình thành của Anh Giáo
trong giai đoạn khai sinh của nó. Vì xuất sinh từ đó, tôn giáo nầy đã trở
thành “bà mụ đở đầu” cho hàng trăm giáo phái Tin Lành tại Mỹ sau nầy … Với
tài liệu xúc tích và cách lý giải rõ ràng, tác giả đã cho thấy “các
câu chuyện "thâm cung bí sử" trên đây đã phơi bày cho chúng ta thấy
là các nguyên nhân sâu xa làm phát sinh ra Anh Giáo cũng "chỉ là con
người" và mang bản chất cũng "rất là con người", những con
người bình thường, lại gây ra những tác động vô cùng sâu rộng trong dân gian
đưa đến các cảnh kỳ thị, xung đột và đàn áp tôn giáo, và người di dân đã mang
theo với họ những đường hướng "cải cách" ấy sang tận nước Mỹ để
phát triển thêm, và rồi một ngày đẹp trời, cha con Tillman lại tiếp tục mang
theo sang tận xứ Mông Cổ xa xôi để cải đạo những người dân ở cái xứ này,
những người dân chất phác chẳng hiểu biết gì về những chuyện "thâm cung
bí sử" của Anh Quốc xảy ra từ năm thế kỷ trước.”
Rất
tiếc, vì dung
lượng của trang Blog có giới hạn, chúng tôi đã không thể đăng được toàn bộ Chương
nầy. Xin thành thật cáo lỗi cùng bạn đọc và tác giả/dịch giả Hoang Phong.
Chúng tôi xin ân cần giới thiệu với bạn đọc Phân đoạn đó trên trang web Thư Viện Hoa Sen:
Sự hình thành của các giáo phái
Tin Lành Mỹ
Miền Đất Hứa không nhất thiết chỉ
thu hút những người nghèo đói hoặc nuôi mộng làm giàu mà còn là mảnh đất an
toàn cho những người mong muốn tìm được sự tự do tín ngưỡng, được tôn thờ
Thượng Đế theo quan điểm của mình. Nơi Miền Đất Hứa sự tự do tôn giáo đó đã
bùng lên thật mạnh và đưa đến sự hình thành của vô số các giáo phái thật đa
dạng. Các giáo phái này tuy thuộc chung trong Ki-tô Giáo nhưng tất cả đều chủ
trương đứng ngoài quyền lực của Tòa Thánh La Mã. Sau đây là một vài giáo phái
thịnh hành và tiêu biểu đã được đưa vào nước Mỹ hoặc được hình thành trên đất
Mỹ.
Giáo phái Thanh Giáo (Puritanism)
được hình thành năm 1559 ở Anh Quốc với chủ đích triệt để "thanh
lọc" (purify) Anh Giáo, chẳng hạn như loại bỏ các tàn tích nghi thức
hành lễ của Thiên Chúa Giáo La Mã còn sót lại trong Anh Giáo. Các hình thức
cải cách khá cực đoan của Thanh Giáo đã khiến các thành phần bảo thủ trong
Anh Giáo chỉ trích thậm tệ và xem Thanh Giáo là "ngoại đạo". Những
người theo Thanh Giáo bị kỳ thị và ngược đãi bèn di dân sang Mỹ và thiết lập
trở lại giáo phái này ở các vùng New England (gồm sáu tiểu bang thuộc tây bắc
nước Mỹ).
Giáo phái Quakersism (còn gọi là
Society of Friends/Hiệp Hội Thân Hữu, hoặc cũng còn được gọi một cách vắn tắt
là Đạo của những người Quakers, chữ quakers có nghĩa là "những người run
sợ" [trước Thượng Đế]) là một giáo phái Tin Lành do George Fox
(1624-1691) thành lập ở Anh Quốc năm 1647 dưới hình thức một sự ly giáo chống
lại Anh Giáo. Giáo phái này chủ trương một sự bình đẳng tuyệt đối, phá bỏ mọi
đẳng cấp, tôn tri và thứ bậc (chủ trương đức tin mang tính cách cá nhân, tất
cả mọi người đều là thân hữu và bình đẳng trên phương diện đức tin, không có
chức tước, cha con hay giáo phẩm gì cả, và cũng không phân biệt Chúa Trời qua
ba ngôi là Cha, Con, Thánh Thần). Người theo đạo Quaker bị kỳ thị, ngược đãi
và tàn sát ở Anh, thế nhưng họ có đức tin rất vững và là những người rất gan
lì (dù rằng được gọi là những người run sợ/quakers). Giáo phái này được đưa
vào tiểu bang New-Jersey năm 1660 và bành trướng sau đó ở một số các tiểu
bang như Rhode-Island, Maryland, Pennsylvania...
Giáo phái Báp-tít (Baptism) là một
giáo phái Tin Lành do John Smyth (1570-1612) một mục sư người Anh thành lập ở
Hòa Lan năm 1609, sau đó giáo phái này được chính thức đưa vào nước Anh năm
1689 và người di dân Anh Quốc đã mang sang Mỹ vào đầu thế kỷ XVII. Báp-tít là
một giáo phái có nhiều tín đồ, nhiều tiền và cũng thế lực nhất ở Mỹ ngày nay
(Tillman là một mục sư của giáo phái này). Chủ trương của Báp-tít là phải
trực tiếp căn cứ vào giáo lý nêu lên trong Thánh Kinh và đặt vai trò của Giáo
Hội cũng như uy quyền của hàng giáo phẩm vào hàng thứ yếu, đặc biệt nhất là
rất tin vào phép rửa tội bằng cách trầm mình và ngụp đầu trong nước (theo tác
giả Jay E. Adams trong quyển Meaning and Mode of Baptism, thì
phép rửa tội theo cách trên đây đã được áp dụng từ những năm 1643). Trong
thời kỳ chiến tranh Nam-Bắc ở Mỹ, đạo Báp-tít bị chia đôi thành hai giáo
phái: Báp-tít Bắc và Báp-tít Nam, và sau đó mỗi giáo phái lại làm phát sinh
ra nhiều chi phái nhỏ hơn.
Rửa tội bằng cách trầm mình
trong nước của các giáo phái Báp-tít. Trên phương diện tổng quát, ý
niệm tội lỗi là một sự ám ảnh rất sâu kín và nặng nề trên phương diện tâm lý
con người nói chung, và những người theo các giáo phái của Ki-tô Giáo nói
riêng. Rửa tội là một hình thức bên ngoài mang tính cách biểu trưng giúp làm
nhẹ bớt đi sự ám ảnh đó bên trong nội tâm.
Giáo
phái Methodism (nguyên nghĩa của chữ này là "phương pháp" hay
"phương cách") chủ trương phát huy các phương pháp thuyết giảng
thật hữu hiệu nhằm thuyết phục người nghe và giúp họ phát huy đức tin,. Mục
đích chính yếu của giáo phái này là làm gia tăng số người tin có Thượng Đế.
Giáo phái Methodism do John Wesley (1703-1791) thành lập ở Anh vào thế kỷ thứ
XVIII. Các mục sư của giáo phái này phải tích cực hô hào và thuyết giảng ở
các nơi công cộng nhằm thu hút, quy tụ và thuyết phục người nghe. Anh Giáo
chính thống không công nhận giáo phái này. Có thể kể ra một số các nhân vật
nổi tiếng theo giáo phái Methodism như: Margaret Thatcher, George W.
Bush, Hillary Clinton, Nelson Mandela...
Giáo Phái Presbyterianism là một
giáo phái Tin Lành do John Knox (1513-1572) thành lập ở Tô Cách Lan
(Scotland) vào thế kỷ XVI với chủ đích độc lập và đứng ra ngoài Giáo
Hội Anh Quốc (trong lịch sử, Tô Cách Lan và Anh Quốc là hai "nước"
khác nhau, luôn kình chống và gây chiến với nhau). Giáo phái này chủ trương
một sự bình đẳng tuyệt đối, không chấp nhận các hình thức phẩm trật của Thiên
Chúa Giáo La Mã như các vị phó tế (deacon), linh mục, giám mục, tổng giám
mục... và mỗi tín đồ đều là một "mục sư". Gần đây hơn, ngày 17
tháng 3 năm 2015 vừa qua, có tin là giáo phái Presbyterianism (Presbyterian
Church) ở Mỹ chính thức cho phép những người đồng tính luyến ái được kết hôn.
Giáo phái Cơ Đốc Phục Lâm
(Adventism), là một giáo phái do nhà tiên tri William Miller (1782-1849) sáng
lập ở Mỹ năm 1844, chủ trương sự "xuất hiện trở lại của Chúa
Ki-tô". William Miller gốc nông dân, tự học và say mê nghiên cứu Thánh
Kinh, trước đó theo Tin lành Báp-tít. Theo các con tính của ông thì Chúa
Ki-tô sẽ hiện xuống địa cầu trong khoảng thời gian giữa 21 tháng 3 năm 1843
và 21 tháng 3 năm 1844, thế nhưng sau thời điểm trên đây chẳng có gì khác
thường xảy ra cả. William Willer bèn giải thích là trong các con tính của
mình có một chỗ sai nhỏ, và sau khi tính lại thì ông nhất định là Chúa Ki-tô
sẽ hiện xuống địa cầu ngày 22 tháng 10 năm 1844. Thế nhưng lại thêm một lần
nữa cũng sai nốt. Các tín đồ theo ông bèn tách ra làm hai nhóm, một nhóm quay
về với các giáo phái trước đây của mình, một nhóm tiếp tục tin theo William
Miller và thành lập ra giáo phái Adventism (Evangelical Adventists, còn gọi
là Giáo Phái ngày Thứ Bảy, có nghĩa là ngày chết của Chúa và cũng là ngày báo
hiệu sự phục sinh của Ngài).
Giáo phái Mormonism (còn gọi
là "Giáo Hội Ki-tô của Các Thánh Cuối Cùng") do Joseph Smith
(1805-1844, chết vì bị ám sát) sáng lập ở Mỹ năm 1830. Những người theo giáo
phái này diễn đạt Thánh Kinh theo quan điểm của họ và viết thành một quyển
Thánh Kinh mới gọi là Kinh Mormon. Họ tin rằng Chúa Ki-tô đã phục sinh và
hiện nay vẫn còn sống trên địa cầu, do đó họ không sử dụng các biểu tượng như
thánh giá, các ảnh tượng Chúa Giê Su..., mà chỉ duy nhất sử dụng ảnh tượng
của vị tiên tri Moroni của họ, dưới thể dạng một vị thiên thần ngước cổ thổi
kèn biểu trưng cho việc quảng bá Phúc Âm. Giáo phái này chủ trương đa thê với
mục đích làm gia tăng tín đồ cho giáo phái (ngoài việc thuyết phục người
khác). Giáo chủ Joseph Smith có khoảng 30 đến 40 vợ, trong số này các bà vợ
trẻ nhất chỉ mới 14 tuổi (1/3 các bà vợ của ông ở lứa tuổi từ 14 đến 20). Chế
độ đa thê được áp dụng trong suốt 50 năm, trong thời gian này khoảng 20% đến
40% tín đồ đàn ông đã thực thi chế độ đa thê, có một ông có đến hơn 50 bà vợ.
Giáo phái này cho biết là chế độ đa thê chỉ là hình thức tái lập lại những gì
mà các vị tiên tri trong quá khứ đã từng nói đến, và theo lời các vị tiên tri
ấy thì ngay cả Chúa Trời cũng đã từng tạm thời cho phép với mục đích làm gia
tăng số con chiên của Ngài trên địa cầu. Trong các năm gần đây dư luận và báo
chí ở Mỹ và khắp nơi trên thế giới bỗng xôn xao trở lại về chuyện này vì cho
rằng giáo phái Mormonism ở Mỹ đang âm thầm tái lập lại chế độ đa thê.
Một số vợ và con của giáo chủ Joseph
Smith.
Hình trái: Joe Darger và ba bà vợ, và cũng là ba
người em họ của ông. Trong số này hai người là hai chị em sinh đôi. - Hình phải: Gia đình của Joe Darger, vợ và 24
người con.
(Hình trích từ trang
mạng MailOnline của Mỹ đăng ngày 2 tháng 5 năm 2012. Nhiều trang mạng khác và
báo chí khắp nơi trên thế giới (trong số này có tạp chí Nouvel Observateur
của Pháp số ngày 3 tháng 3 năm 2014) cũng đã tường thuật về sự kiện này và
đăng lại các hình trên đây, và cho rằng chế độ đa thê dường như đang được
giáo phái Mormon kín đáo tái lập (theo bản tin của hãng thông tấn AFP).
Giáo phái Nhân Chứng Giê-hô-va
(Jehovah's Witness) tách ra từ giáo phái Cơ Đốc Phục Lâm (Adventism), do
Charles Taze Russell (1852-1916) sáng lập năm 1870 ở tiểu bang Nữu Ước. Giáo
phái này bác bỏ khái niệm về Chúa Ba Ngôi (Trinity/Cha, Con, Thánh Thần) và
chỉ tin vào một vị Trời duy nhất mang tên là Giê-hô-va. Về phần giáo lý thì
họ tin vào thuyết tận thế (echatology), và con người hiện nay đang sống ở
giai đoạn cuối cùng trước khi tận thế xảy đến. Bằng các phương tiện như chiến
tranh, nghèo đói, bệnh tật, thiên tai (nhất là động đất)...,vị Trời Giê-hô-va
sẽ tận diệt tất cả những ai không thần phục Ngài, và sau đó sẽ khởi đầu một
giai đoạn mới gọi là "Thời đại của Chúa Ki-tô", và thời đại này sẽ
kéo dài 1000 năm. Trong "Thời đại của Chúa Ki-tô" sẽ không còn
những cảnh bất công, chiến tranh, thiên tai, động đất..., và nhất là con
người sẽ không còn bệnh tật và tất cả đều trở nên bất tử. Giáo phái này cấm
tiếp máu dù bị tai nạn hay bệnh tật ngặt nghèo, bởi vì sinh mạng của mỗi
người là do ý chí và sự quyết định của Trời. Ngoài ra giáo phái này còn
khuyến cáo tín đồ không được tố cáo những chuyện lạm dụng tính dục với trẻ em
(pedophilia) vì có thể làm phương hại đến thanh danh của giáo phái,
v.v...
Thật ra còn rất nhiều các giáo
phái và chi phái khác phát triển ở Mỹ, thế nhưng không sao kể ra hết được
trong khuôn khổ những lời ghi chú này. Nói chung Tin Lành Giáo là một hình
thức ly giáo, tách ra khỏi Thiên Chúa Giáo La Mã vào thế kỷ XVI, với chủ đích
phủ nhận uy quyền của Giáo Hoàng và toàn bộ hệ thống Giáo Quyền của Tòa Thánh
Vatican, và đồng thời đưa ra một số cải cách trên phương diện giáo lý cũng
như việc thực thi nghi lễ. Trước đó vào năm 1054 cũng đã từng có một sự ly
giáo quan trọng khác xảy ra đưa đến sự hình thành của Chính Thống Giáo
(Orthodox Christianity), thế nhưng sự ly giáo này lại chủ trương một đường
hướng trái ngược lại với Tin Lành Giáo bằng cách tự cho mình là trung thực và
theo đúng truyền thống của Ki-tô Giáo và cho rằng Thiên Chúa Giáo La Mã là
lệch lạc.
Một cách tổng quát, Tin Lành Giáo
gồm có bốn nhóm chính, mỗi nhóm phát sinh và bành trướng trong các vùng địa
lý khác nhau. Nhóm thứ nhất là đạo/giáo phái Luther (Lutherianism) do Martin
Luther thành lập ở Đức năm 1521. Ông bị Tòa Thánh La Mã khai trừ và phải lánh
nạn ở Thụy Sĩ. Giáo phái Luther sau đó phát triển ở Đức, Đan Mạch và các nước
Bắc Âu. Nhóm thứ hai là Anabaptism (nguyên nghĩa của chữ này trong tiếng Hy
Lạp là "rửa tội trở lại" với hậu ý nói lên một sự "cải
cách" hay "đổi mới) gồm chung nhiều phong trào "cách
mạng" tách ra khỏi Thiên Chúa Giáo La Mã. Các nhóm này lần lượt được
hình thành trong suốt thế kỷ XVI ở Đức và Thụy Sĩ, và sau đó được đưa vào Hòa
Lan và Anh Quốc. Ngày nay các giáo phái trong nhóm thứ hai này được gọi chung
là đạo Tin Lành Phúc Âm (Evangelical Church), trong số này có thể kể ra các
giáo phái Báp-tít và Tin Lành Ngũ Tuần (Pentecotism). Nhóm thứ ba là Anh Giáo
(Anglicanism) do vua Henry VIII thiết lập năm 1534 (đã được nói đên trên
đây). Nhóm thứ tư là giáo phái Calvin phát sinh từ nhiều nhóm khác nhau do
nhiều người chủ xướng, trong số này có Jean Calvin (1509-1564) là người nổi
bật nhất, do đó "phong trào" cải cách gồm nhiều nhóm trên đây được
gọi chung là giáo phái Calvin hay Calvinism. Jean Calvin là người Pháp, bỏ
đạo Thiên Chúa La Mã và gia nhập các phong trào cải cách này năm 1530, trong
lúc mà Tin Lành Giáo đang bị ngược đãi và sát hại ở Pháp, và Jean Calvin đã
phải lánh nạn sang Thụy Sĩ. Giáo phái Calvin phát triển ở các nước Thụy Sĩ,
Hòa Lan, Tô Cách Lan, Hung Gia Lợi, Ba lan và Pháp.
Ngoài lý do sinh tồn, bối cảnh tín
ngưỡng sôi sục ở Âu Châu tạo ra bởi tình trạng kỳ thị các giáo phái Tin Lành
vừa được thành lập, đã thúc đẩy một số người Âu Châu theo các giáo phái này
rời bỏ quê hương họ để lánh nạn ở Mỹ. Nơi Miền Đất Hứa tự do, các giáo phái
này lại được tổ chức trở lại, và sau đó tiếp tục biến dạng và làm phát sinh
ra vô số những giáo phái mới đưa đến sự hình thành của nền tín ngưỡng đặc thù
của nước Mỹ.
Những đóng góp của người di dân
vào sự hình thành của nền tín ngưỡng ở Mỹ
Nếu sự pha trộn và hòa đồng giữa
các nhóm di dân mang nguồn gốc khác nhau đã làm phát sinh ra "dân
tộc" Mỹ, và nếu sức làm việc của họ đã mang lại sự phồn vinh cho một
vùng đất mới mênh mông, thì các giáo phái mà họ mang theo cũng đã tạo ra một
tình trạng tín ngưỡng vô cùng đa dạng và phức tạp. Người ta thường ví sự
"pha trộn" và "hòa đồng" giữa những người di dân nơi Miền
Đất Hứa với một "lò nung kim loại" (melting-pot). Thuật ngữ này
xuất hiện lần đầu năm 1924 và các thống kê thời bấy giờ cho biết là 80% dân
chúng cho rằng hình ảnh so sánh ấy có thể biểu trưng trung thực cho xã hội
Mỹ, thế nhưng ngày nay không còn mấy ai đồng tình với cách so sánh đó nữa mà
nhiều người cho rằng sự "hòa đồng" ấy thật ra cũng chỉ là một
"thố sà lách" (salad bowl, người Tây Phương thường trộn chung sà
lách với cà chua, củ hành, v.v.). Lò nung kim loại hay cái thố sà lách ấy gồm
có nhiều chủng loại và màu sắc khác nhau, từ xã hội, văn hóa, tập quán cho
đến tín ngưỡng. Trong khuôn khổ những lời ghi chú này, chúng ta cũng sẽ chỉ
tìm hiểu sơ lược một vài nét về sự hình thành của nền tín ngưỡng chung của
nước Mỹ mà thôi.
Trong số các tập thể di dân thì
tập thể nói tiếng Anh là đông nhất, gồm người Bắc Ái Nhĩ Lan (thời bấy giờ
gọi là Scotch-Irish), người Anh, người Tô Cách lan, người Ga-lơ (Welsh/miền
nam nước Anh). Trong số này người Bắc Ái Nhĩ Lan là tập thể đông nhất, họ
theo Thiên Chúa Giáo La Mã và cũng thường là những người nghèo khổ nhất nơi
quê hương họ trước khi ra đi. Trên đất Mỹ họ thường gây ra nhiều việc phạm
pháp, do đó cũng mang nhiều tai tiếng nhất. Họ rất "liều lĩnh" và
thường xung phong "di dân" lần thứ hai, ra đi tìm đất sống ở miền
Viễn Tây xa xôi (Far West), và thường hay bị người da đỏ phục kích giết hại.
Tống Thống Robert Kennedy là người gốc Bắc Ái Nhĩ Lan theo Thiên Chúa Giáo La
Mã. Số còn lại trong tập thể những người nói tiếng Anh đều theo Tin Lành Giáo
với nhiều giáo phái khác nhau.
Nhóm di dân quan trọng thứ hai là
người Đức, thường tập trung ở tiểu bang Pennsylvania. Thống kê năm 1760, cho
biết là 33% dân số của tiểu bang này là người gốc Đức. Họ rất khắc khổ, cần
cù, chịu khó, rất giỏi về canh nông và chăn nuôi. Tín ngưỡng của họ cũng phức
tạp nhất, gồm các giáo phái Tin Lành như: Pietist, Menonist, Moravian,
Swenkfelder, Amish, Dunker, v.v... Họ sống chung đụng với nhau, nói tiếng
Đức, chính vì thế mà những người di dân Anh không thích tập thể này, lý do là
lối sống của người Đức đi ngược lại với chủ trương của họ là áp đặt tập quán,
văn hóa cũng như ngôn ngữ của mình cho toàn thể nước Mỹ. Benjamin Franklin
(1706-1790), gốc người Anh theo Thanh Giáo (Puritanism), là một trong những
người soạn thảo bản tuyên ngôn độc lập và bản hiến chương của Hoa Kỳ, và cũng
được xem là một trong những vị cha đẻ của nước Mỹ, rất lo ngại là nước Mỹ sau
này sẽ bị Đức hóa. Trong một lá thư viết cho Ezra Stlies (1727-1795) theo đạo
Tin Lành Calvin ông có viết một câu như sau: "Tôi chỉ tin vào một vị
Thượng Đế duy nhất... Đối với Giê Su Nazareth..., thì tôi không tránh khỏi ít
nhiều Nghi Ngờ về tính cách Thiêng Liêng của Vị này/I believe in one God...
As for Jesus of Nazareth ... I have ... some Doubts to his Divinity). Năm
1754 "Hiệp hội quảng bá Kiến Thức Ki-tô Giáo cho người Đức ở Mỹ"
(Society for the Propagating of Christian Knowledge among the Germans in
America) đã được thành lập. Điều này cho thấy giữa các tập thể di dân cũng đã
xảy ra rất sớm sự kỳ thị tín ngưỡng và các ý định "cải đạo" lẫn
nhau.
Ở Pháp trong suốt hậu bán thế kỷ
XVI, tám trận chiến tranh tôn giáo liên tiếp xảy ra giữa Thiên Chúa Giáo La
Mã và Tin Lành Giáo, nhiều làng mạc bị giết sạch. Chiến tranh chấm dứt bằng
"Sắc lệnh Nantes" (Édit de Nantes) do vua Henri IV ban hành năm
1598, cho phép những người theo đạo Tin Lành được tự do hành đạo, được giữ
quyền công dân và tham gia chính trị. Thế nhưng gần một trăm năm sau sắc lệnh
này lại bị vua Louis XIV hủy bỏ vào tháng 10 năm 1685 bằng một sắc lệnh khác
gọi là "Sắc lệnh Fontainebleau". Sau khi sắc lệnh mới này được ban
hành, khoảng 300 000 người theo các giáo phái Tin Lành, thường được gọi chung
là những người huguenots, đã rời bỏ nước Pháp. Hầu hết chạy sang Mỹ, số còn
lại tản mác khắp nơi ở Âu Châu. Người Pháp di dân sang Mỹ rất sở trường về
việc buôn bán và trở nên giàu có nhanh chóng. Câu tục ngữ "giàu có như
người huguenots" rất phổ biến thời bấy giờ. Người di dân Pháp theo đạo
Tin Lành sinh sống tại các vùng hải cảng dọc bờ Đại Tây Dương. Họ học tiếng
Anh rất nhanh và ngoài việc thương mại ra thường được đề cử đảm trách các
chức vụ hành chánh quan trọng. Không như người Đức, họ được người di dân Anh
rất quý trọng. Thế nhưng sau khi các cuộc chiến tranh tranh dành các quyền
lợi thuộc địa bùng nổ giữa Anh và Pháp vào đầu thế kỷ XIX thì người di dân
Pháp trên đất Mỹ bị người di dân Anh kỳ thị và phải dần dần rút về phía miền
nam (New Orleans).
Người Hòa Lan di dân đến Mỹ rất
sớm và thiết lập "Quốc Gia Hòa Lan Mới" (1609-1674), với "thủ
đô" là Nieuw Amsterdam (New Amsterdam). Năm 1664 người di dân Anh tiến
chiếm thành phố này và đổi tên là New York (Nữu Ước). Cũng tương tự như
trường hợp người Đức, người di dân Hòa Lan tìm cách sống chung với nhau nhằm
bảo tồn tập quán, văn hóa và ngôn ngữ của mình. Các trường học của họ giảng
dạy bằng tiếng Hòa Lan. Thế nhưng dần dần với thời gian, người di dân Hòa Lan
cũng như người Đức không sao tránh khỏi bị đồng hóa bởi văn hóa, tập quán và ngôn
ngữ của người Anh. Phần đông người di dân Hòa Lan theo Do Thái Giáo, một ít
theo Tin Lành. Nói chung ở Mỹ người di dân theo Do Thái Giáo vẫn bị kỳ thị
không kém gì ở Âu Châu, tuy thế trong khoảng thời gian từ 1880 đến 1924 cũng
đã có hơn ba triệu rưởi người theo Do Thái Giáo rời bỏ Âu Châu để đến Mỹ,
nhất là từ các nước Đông Âu, tập thể này chiếm một nửa tổng số những người di
dân trong khoảng thời gian trên đây. Trước khi xảy ra Thế Chiến Thứ Hai, lại
có thêm một đợt di dân khác của những người theo Do Thái Giáo ở Âu Châu,
trong số những người này có nhà bác học Albert
Einstein.
"Lò nung kim loại" của
Miền Đất Hứa dần dần biến người di dân đến từ khắp nơi trở thành công dân của
một quốc gia mới, hội nhập vào một nền văn hóa mới. Thế nhưng dường như trên
phương diện tín ngưỡng thì vẫn còn là một "thố sà lách" gồm những
gì mà họ mang theo từ lục địa Âu Châu kỳ thị, già nua và cằn cỗi. Thố sá lách
đó được pha trộn thêm các gia vị mới, phù hợp với khẩu vị của một dân tộc đa
nguyên trong một bối cảnh tín ngưỡng tự do quá trớn. Ngoài các giáo phái phát
sinh từ trước ở Âu Châu tiếp tục được phát triển thêm trên đất Mỹ với ít
nhiều biến dạng, thì người di dân trên đất Mỹ còn phát minh ra thêm vô số các
giáo phái mới nữa. Thế nhưng thật ra "giáo lý" của tất cả các giáo
phái này cũng như của các giáo phái đã được du nhập từ Âu Châu chẳng có gì
mới lạ, cũng chỉ loanh quanh dựa vào các cách diễn đạt khác nhau về một vài
câu hay một vài khái niệm nào đó trong Thánh Kinh, và nhất loạt không thừa
nhận sự độc tôn của Tòa Thánh Thiên Chúa Giáo La Mã.
Sự tự do tôn giáo và nhà nước ở Mỹ
Như đã nói đến trên đây, một trong
các động cơ chính yếu thúc đẩy người di dân là tình trạng kỳ thị tín ngưỡng
Tin Lành trên quê hương họ. Tự do tôn giáo trở thành một nỗi ám ảnh to lớn nhất
đối với người di dân nói chung. Trong lần sửa đổi Hiến Pháp đầu tiên của nước
Mỹ, một bản Tuyên Ngôn các Quyền Hạn (Bill of Rights) đã được đưa ra và được
biểu quyết ngày 25 tháng 9 năm 1789, và sau đó được áp dụng kể từ ngày 15
tháng 12 năm 1791. Điều khoản sửa đổi (Amendment) số I trong bản Tuyên Ngôn
trên đây nêu lên hai điểm chủ yếu: thứ nhất là Quốc Hội không được quyền đưa
ra bất cứ một đạo luật nào nhằm thiết lập một tôn giáo chính thức (có nghĩa
là không được xem bất cứ một tôn giáo nào là quốc giáo), điều thứ hai là
không được cấm đoán sự tự do hành đạo, tức là chủ trương sự tự do tôn giáo
(Amendment I: Congress shall make no law respecting an establishment of
religion, or prohibiting the free exercise thereof).
Thế nhưng trên thực tế thì thật hết
sức trớ trêu, nghịch lý và mâu thuẫn, bởi vì chính quyền Mỹ cũng như xã hội
Mỹ luôn tự nhận mình là một quốc gia theo Ki-tô giáo. Các vị tổng thống Mỹ
khi nhậm chức phải áp tay lên một quyển Thánh Kinh để thề nguyện và mỗi khi
đọc diễn văn thì thường là phải nhắc đến Thượng Đế. Ở đầu giường trong các
khách sạn thường có đặt sẵn một quyển Thánh Kinh của Tin Lành Giáo ("King
James Bible", một bản "Thánh Kinh" được dịch ở Anh Quốc
năm 1611, dưới triều đại của vua James Stuart). Trong thời kỳ chiến tranh
lạnh giữa Mỹ và Liên Bang Xô Viết vào hậu bán thế kỷ XX, khẩu hiệu "Một
Quốc Gia dưới [quyền lực/sự bảo vệ của] Thượng Đế" (A Nation under God)
đã được nhà nước Mỹ nêu cao, quảng bá và tuyên truyền rầm rộ, với mục đích tự
phân biệt mình với các nước Cộng Sản vô thần. Ngoài ra trên đồng đô-la cũng
như trong bản quốc ca đều có câu "Chúng tôi đặt lòng tin nơi Thượng
Đế" (In God we trust). Trên phương diện hiến pháp thì Nhà Nước phải độc
lập và tách ra khỏi Nhà Thờ, thế nhưng trên thực tế thì Nhà Nước lại xem
Ki-tô Giáo là "quốc giáo".
Hình trái: Đồng đô-la có hàng chữ "In God
we Trust" (Chúng tôi đặt lòng tin nơi Thượng Đế). Hình phải: Kể cả đồng tiền một xu cũng có khắc
câu này.
(Đồng tiền đôi khi cũng không được sạch sẽ
gì, vì thế thiết nghĩ - nếu tin vào Thượng Đế - thì tốt hơn nên đặt Thượng Đế
trong tâm hồn mình hay trong con tim của mình).
Đối với điều khoản thứ hai là sự
tự do hành đạo thì như thế nào? Nếu điều khoản bắt buộc Nhà Nước phải độc lập
và đứng ra ngoài Nhà Thờ không hề được tôn trọng ở Mỹ, thì trái lại điều
khoản tự do hành đạo lại được tôn trọng một cách quá đáng, hơn nữa lại còn
được đẩy đi quá xa: người dân chẳng những có quyền theo bất cứ đạo nào, giáo
phái nào mà cả việc sáng chế ra các giáo phái mới cũng hoàn toàn được tự do.
Sự tự do hành đạo và sáng chế ra các giáo phái mới chẳng phải là chủ đích mà
những người di dân hằng mong cầu khi rời bỏ xứ sở của họ để đến Miền Đất Hứa
hay sao? Thế nhưng sự tự do quá trớn đó đã đưa đến những sự lạm dụng không
thể chấp nhận được. Chỉ cần nêu lên một thí dụ cũng đủ, đó là giáo phái
"Giáo đường của người dân" (The People's Temple) do James Warren
Jones (1931-1978) thường được gọi dưới tên Jim Jones, sáng lập sau khi được
thụ phong mục sư Tin Lành của giáo phái "Các tông đồ của Chúa Ki-tô"
(The Disciples of Christ) năm 1964. Giáo phái do Jim Jones sáng lập cổ súy
việc tự tử tập thể, và việc này cũng đã xảy ra ở Guyana (Nam Mỹ), ngày 18
tháng 11 năm 1978, khiến 918 người chết trong đó có cả Jim Jones, và trong số
này có 276 trẻ em.
Mục sư Jim Jones và trẻ em
Người di dân Âu Châu sở dĩ phải ra
đi cũng chỉ vì trên quê hương họ các giáo phái "cải cách"
(non-conformist) bị ngược đãi và chính bản thân họ cũng bị hăm dọa. Họ vượt
Đại Tây Dương để đặt chân lên đất Mỹ hầu tìm cho mình một mảnh đất "an
toàn" (refuge). Sự tự do tín ngưỡng nơi Miền Đất Hứa trở thành một lý
tưởng và cả một sự ám ảnh đối với họ. Trong khi đạo luật tách rời Nhà Thờ và
Nhà Nước ở Pháp chỉ được Quốc Hội biểu quyết vào năm 1905, thì điều khoản này
(dù chỉ là trên mặt lý thuyết) và sự tự do tín ngưỡng đã được đưa vào hiến
pháp Mỹ từ năm 1791! Cũng xin mạn phép ghi chú thêm là ngày nay ở các nước Âu
Châu, chính quyền vẫn thường xuyên canh chừng và kiểm soát các giáo phái nhằm
ngăn chận mọi sự lạm dụng và lừa bịp những người yếu đuối và nhẹ dạ. Nói
chung không như ở Mỹ nhiều giáo phái ngày nay ở Âu Châu không hề được xem là
tôn giáo và không được hưởng các quy chế quy định cho một tôn giáo.
Năm 1777 Thomas Jefferson
(1743-1826, trở thành tổng thống thứ ba của nườc Mỹ từ năm 1801 đến 1809) đã
bắt đầu kín đáo soạn thảo Đạo Luật Tự Do Tín Ngưỡng của tiểu bang Virginia
(Virginia Statute for Religious Freedom) và sau đó đã đưa ra bàn thảo trước
"Đại Hội Dân Biểu" (Virginia General Assembly) của tiểu bang này
năm 1779, và đã được Đại Hội Dân Biểu của tiểu bang biểu quyết và trở thành
luật năm 1786. Trong lần sửa đổi hiến pháp đầu tiên của nước Mỹ năm 1791 đạo
luật này đã được đưa vào Hiến Pháp của nước Mỹ dưới cái tên là Bản Tuyên Ngôn
về các Quyền Hạn (Bill of Rights) như đã được nói đến trên đây.
Nếu nhìn vào trường hợp của Việt
Nam thì làn sóng di cư từ miền Bắc năm 1954 với một số tập thể theo Thiên
Chúa Giáo La Mã đã tạo ra ít nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt xã hội và chính
trị ở miền Nam. Các ảnh hưởng đó có thể phản ảnh qua sự chi phối trực tiếp
hay gián tiếp của ngoại bang vào chính trường Việt Nam xuyên qua các vị tổng
thống theo Thiên Chúa Giáo La Mã. Dù rằng hình ảnh trên đây mang tính cách
thật giới hạn và thu hẹp thế nhưng cũng có thể mang lại một vài ý niệm nào đó
giúp chúng ta tìm hiểu và so sánh với ảnh hưởng của các phong trào di dân của
các tập thể tín ngưỡng ở Âu Châu vào nước Mỹ qua nhiều thế kỷ liên tiếp. Thật
vậy các giáo phái Tin Lành du nhập hay phát sinh trên đất Mỹ rất sinh động,
tích cực và nhất là rất dồi dào về tài chính, đã gây ra nhiều tác động đối
với sinh hoạt xã hội, và các đường hướng chính trị ở Mỹ. Tổ Chức Từ Thiện Hoa
Kỳ (Foundation Giving USA) cho biết là tổng số tiền quyên góp với mục đích từ
thiện của người dân Mỹ năm 2008 là 307.65 tỉ đô-la, xấp xỉ với ngân quỹ quốc
gia của cả nước Pháp trong cùng năm này (người chuyển ngữ không tìm được các
thống kê mới hơn). Trong số tiền quyên góp này, 35% là dành cho Nhà Thờ,
trong khi đó các tổ chức khác chẳng hạn như các cơ quan y tế từ thiện chỉ
nhận được 7% và các tổ chức bảo vệ môi sinh 2%. Các con số này
cho thấy hết sức rõ ràng ảnh hưởng rộng lớn của tín ngưỡng trong sự sinh hoạt
của xã hội Mỹ. Người làm chính trị tất nhiên là phải nhận thấy sự kiện này.
Tín ngưỡng phải chăng cũng là một
thứ vũ khí?
Sở dĩ dông dài như trên đây là
nhằm giúp chúng ta hiểu được tại sao Tillman đã bán hết cơ sở sinh nhai của
mình để tìm cách cải đạo người dân Mông Cổ và cha của Tillman đã thiết lập
được một cơ sở truyền giáo ở một xứ sở thật xa xôi. Thật ra các giáo phái Tin
Lành của Mỹ và Ki-tô Giáo nói chung không những chỉ nhắm vào mục đích cải đạo
người Mông Cổ mà cả thế giới. Nếu nhìn vào phúc trình năm 2013 của Chủng Viện
Thần Học Gordon-Conwell (Gordon-Conwell Theological Seminary) thuộc giáo phái
Báp-tít được thành lập từ năm 1888 với trụ sở chính ở tiểu bang
Massachusetts, về sự phát triển nhanh chóng của đạo Ki-tô trên thế giới sẽ
không khỏi khiến chúng ta phải kinh ngạc. Trong số 20 quốc gia mà các giáo
phái Ki-tô phát triển nhanh nhất thế giới, có 11 nước theo Hồi Giáo (6 ở Trung
Đông và 5 ở Phi Châu). Trong số 20 quốc gia này, nước chiếm kỷ lục là Nepal
(theo Ấn Giáo) với chỉ số người theo Ki-tô giáo gia tăng trung bình hàng năm
(Percentage Christianity Average Annual Growth Rate - AAGR) là 10.93%. Đứng
hàng thứ hai là Trung Quốc (được xem là quốc gia không tôn giáo) với chỉ số
10.86%. Trong danh sách này có 3 nước Phật Giáo: Mông Cổ đứng hàng thứ 8 với
5.96%, Campuchea đứng hàng thứ 9 với 5.87%, và Singpore đứng hàng thứ 19 với
4.12%. Nếu so chỉ số cải đạo (Chrstianity AAGR) với chỉ số gia tăng dân số
(Population AAGR) thì ba quốc gia có chỉ số cải đạo theo Ki-tô Giáo cao nhất
thế giới là Trung Quốc, Nepal, Campuchea và Mông Cổ (xem phụ lục 1). Riêng
đối với trường hợp Việt Nam thì Bộ Ngoại Giao Mỹ đưa ra con số rất "ấn tượng"
(nói theo ngôn ngữ mới của báo chí ngày nay) là 600% chung cho 10 năm sau
này! ("Annual Report on International Religious Freedom for 2005 -
Vietnam". U.S. Department of State, 2005-06-30. Retrieved
2007-03-11). Trong khi đó thì Hồi Giáo nào có "buông tay" vô điều
kiện đâu: chỉ số cải đạo của Hồi Giáo trên thế giới cũng gia tăng không kém,
đặc biệt nhất là đối với những người gốc Trung Đông và Phi Châu đã du nhập và
định cư bên trong lãnh thổ của các nước Tây Phương! Trên bình diện tổng quát,
trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2010, chỉ số gia tăng toàn cầu của
Ki-tô Giáo là 1.31% và chỉ số gia tăng của Hồi Giáo là 1.83% (xem phụ lục 2).
Những gì nêu lên trên đây cho thấy
là một cuộc xung đột kín đáo, êm thắm, không hề được tuyên bố, nhưng không
phải vì thế mà kém sôi sục, đã và đang mở ra cho nhân loại, và vũ khí được
mang ra sử dụng là tín ngưỡng. Thật vậy chiến tranh nóng và chiến tranh lạnh
đã lỗi thời từ cuối thế kỷ XX. Chiến tranh ngày nay đã thay đổi bộ mặt: đó là
một cuộc chiến với các loại "vũ khí nguội" là kinh tế, kỹ thuật và
tín ngưỡng. Chiến tranh kinh tế là cách làm cho kẻ địch phải lệ thuộc vào sự
giàu có và giá trị đồng tiền của mình, nhằm biến họ trở thành những người nô
lệ phục vụ cho sự tiêu dùng của mình. Chiến tranh kỹ thuật là cách làm cho kẻ
địch luôn ở trong tình trạng lạc hậu, không bao giờ bắt kịp sự tiến bộ khoa
học và kỹ thuật mà mình đang có. Các nước tân tiến luôn luôn có sẵn các phát
minh mới trong két sắt và chỉ tung ra khi nào các nước chậm tiến bắt đầu bắt
chước được, hoặc theo kịp các kỹ thuật mà mình đang nắm giữ ưu thế. Chiến
tranh tín ngưỡng là cách làm cho kẻ địch tự đánh mất nhân phẩm, cá tính và
truyền thống văn hóa của dân tộc mình, biến họ trở thành những con người nô
lệ, ngoan ngoãn trên phương diện tâm lý và mất gốc trên phương diện văn hóa.
Nêu lên điều này không phải là một cách khích động sự hận thù giữa các tôn
giáo và các dân tộc khác nhau mà trái lại là cách giúp mỗi người trong chúng
ta ý thức được là không nên để mình vô tình trở thành những người lính của các
đạo quân tín ngưỡng. Ý thức được điều ấy sẽ giúp chúng ta biết thận trọng
hơn, không hăng say cải đạo người khác một cách mù quáng. Đấy mới thật là
cách mang lại một sự hòa đồng tôn giáo đích thật và chân
chính.
Nếu bom hạt nhân, hàng không mẫu
hạm, phi cơ oanh tạc khổng lồ trong cuộc chiến tranh lạnh của hậu bán thế kỷ
XX đã lỗi thời, thì thị trường các loại vũ khí nóng tầm cỡ trung bình và cá
nhân vẫn tiếp tục được sản xuất mạnh và tràn ngập khắp nơi trên thế giới.
Nước Mỹ đứng hàng đầu trong việc xuất cảng vũ khí nóng và cũng là nước xuất
cảng vô địch về vũ khí "êm dịu" là các giáo phái Tin Lành rất hiện
đại, tân tiến và dồi dào về tài chính. Dủ không tạo ra các tác động ngoạn
mục, thế nhưng tín ngưỡng là một loại vũ khí hay ít ra cũng là một công cụ
"đạo đức", ít tốn kém và hữu hiệu trong lâu dài. Nước Nga đứng hàng
thứ hai về xuất cảng vũ khí nóng thế nhưng Chính Thống Giáo thì lại quá xưa
và không thấy ai mua! Trung Quốc đứng hàng thứ ba thế nhưng về vấn đề tín
ngưỡng và tâm linh - kể cả đạo đức - lại là con số không, bởi vì không có gì
để mà bán. Phật Giáo Trung Quốc ngày nay đã lỗi thời chỉ còn rơi rớt lại một
chút vang bóng mà thôi. Hai nước xuất cảng vũ khí nóng đứng hàng thứ tư và
thứ năm là hai nước cựu thực dân: đó là nước Pháp và nước Anh, hai nước này
cũng đã từng tích cực sử dụng loại vũ khí "đạo đức" trên đây trong
thời kỳ thuộc địa. Dù chế độ thực dân đã cáo chung vào đầu thế kỷ XX, thế
nhưng hậu quả gây ra bởi các thứ vũ khí ấy vẫn còn tiếp tục gây ra tác hại
ngày nay. Trong một số các quốc gia từng là thuộc địa, các cuộc xung đột kín
đáo giữa những người dân cùng một giống nòi, xử dụng các loại vũ khí "êm
thắm" mà những người thực dân lưu lại cho họ, đôi khi cũng đã bùng lên
thật nóng bỏng
Trở về với nước Mỹ thì những người
di dân trước đây cũng đã từng sử dụng loại vũ khí này trong các kế hoạch
"phúc âm hóa" (evangelisation) người da đỏ bản xứ (natives) và
người nô lệ da đen được mang từ Phi Châu vào nước Mỹ. Phúc âm hóa người da đỏ
là để đồng hóa và diệt chủng họ, và người di dân Mỹ cũng đã thành công trong
mục đích này. Đối với người nô lệ da đen thì ngày nay các kế hoạch phúc âm
hóa đã đưa đến những kết quả như thế nào? Người nô lệ da đen được phúc âm hóa
bắt đầu từ thế kỷ thứ XVIII, có nghĩa là vào giai đoạn gọi là "Sự Thức
Tỉnh Lớn" (Great Awakening), một giai đoạn mà các giáo phái Tin Lành bộc
phát rầm rộ và bành trướng đồng loạt ở Anh và ở Mỹ. Lúc đầu các giáo đường
ngụy trang dành cho người nô lệ được dựng lên lén lút trong các vùng khai
quang và đồn điền, dần dần sau đó mới được công khai hóa. Phúc âm hóa người
nô lệ là một cách làm nhẹ bớt đi sự đày đọa của họ.
Ngày nay trong các nhà thờ Tin
Lành của người da đen, các vị mục sư rất rành tâm lý và khéo léo, họ lợi dụng
việc cầu nguyện và ca hát tập thể để tạo ra các hình thức xúc cảm thật mạnh.
Đôi khi họ còn tận dụng cả sự mộ đạo (piety/sự thành tín) bằng các động tác
trên thân thể, chẳng hạn như vỗ tay thật nhịp nhàng, lắc lư và nhún nhảy, tạo
ra những xúc động thật mạnh khiến người tín đồ có thể la hét hoặc khóc sướt
mướt. Các thể dạng xúc cảm này phản ảnh một sự mê mẫn tâm thần cao độ, tương
tự như bị thôi miên (trance/nhập hồn hay lên đồng), nói lên một thể dạng hòa
nhập nào đó với nhân vật mà mình tin tưởng và cầu xin. Cầu nguyện bằng cách
ca hát và các động tác cơ thể được đệm thêm các điệu nhạc rock là một cách
biểu lộ đức tin thật "căng thẳng" của người da đen và cũng là một
phương tiện giúp họ tự nhân bản hóa mình (self-humanization) mang lại một
hình thức tự do nào đó trong nội tâm, giúp họ quên đi - dù chỉ trong chốc lát
- thân phận và nguồn gốc nô lệ của chính mình. Cách bộc lộ xúc cảm qua các
hình thức ca hát và các động tác tay chân mang lại cho họ sự nhẫn nhục, giúp
họ thoát ra khỏi sự tuyệt vọng và các ý nghĩ đen tối của sự nổi loạn và tình
trạng hận thù chính mình và kẻ khác, Các hình thức biểu lộ xúc cảm trong khi
hành lễ trên đây dường như nói lên một hình thức tín ngưỡng Tin Lành đặc thù
dành cho người da đen. Chúng ta hãy thử tìm hiểu trường hợp tiêu biểu của ca
sĩ quá cố Michael Jackson. Cách diễn đạt xúc cảm bằng tiếng hát gần như là la
hét và các động tác cơ thể cực mạnh và "rắn rỏi" của ca sĩ này nói
lên tâm trạng và sự "nổi loạn" sâu kín trong lòng mình, thế nhưng
bên trong tâm thức thì người ca sĩ này lại không hề ý thức được sự kiện ấy và
cũng không chấp nhận cái số phận ấy của chính mình, mà lại chỉ muốn mình trở
thành người da trắng. Sự mâu thuẫn đó phải chăng cũng đã nói lên phần nào
những nỗi khổ đau sâu kín trong lòng của người ca sĩ da đen, và biết đâu cũng
đã phản ảnh ít nhiều tâm trạng, thân phận và những ước mơ của tổ tiên mình từ
nhiều thế kỷ trước?
Khổ đau sâu kín của con người có
thể phát lộ qua muôn ngàn hình thức khác nhau. Tillman tàng trữ ma túy nhưng
nhờ cầu nguyện mà được trắng án nên đã bán cơ nghiệp của mình để làm phương
tiện cải đạo người Mông Cồ. Thế nhưng cũng có những người cầu nguyện thế
nhưng khi ra tòa thì vẫn bị lãnh án. Cũng tương tự như thế, có những thuyền
nhân nhờ cầu nguyện mà đến được bờ thì gửi tiền về nước tu bổ hoặc xây nhà
thờ, thế nhưng cũng có những người dù cầu nguyện thật chân thành nhưng đã
không đến được bờ. Cha con Tillman là những người cải đạo thật hăng say, thế
nhưng thật ra thì họ cũng chẳng khác gì những tay súng tình nguyện của một
đạo quân yên lặng mà thôi.
Đến đây thiết nghĩ chúng ta cũng
nên bỏ ra thêm vài phút để nhìn lại những người phụ nữ Mông Cổ trong tấm hình
số 1 ở đầu bài chuyển ngữ, và biết đâu khi nhìn vào những người phụ nữ ấy
chúng ta cũng sẽ khó tránh khỏi dâng lên trong lòng mình một niềm đau nào đó.
Đôi mắt nhắm nghiền và động tác hai tay của những người phụ nữ ấy dường như
nói lên là có những viên đạn bọc nhung đang bắn trúng vào giữa ngực mình.
Phải chăng gương mặt đau thương và cử chỉ cầu cứu của những người phụ nữ
ngoan đạo đó cũng chỉ là cách che dấu những niềm đau thật sâu kín trong nội tâm
mình? Chỉ khi nào giải trừ được tất cả các loại vũ khí trong tâm thức và
những vết đau cũng như những niềm tin mù quáng trong con tim mình, thì khi đó
chúng ta mới có thể mang lại một sự hòa đồng tôn giáo chân thật, một sự giải
thoát tâm linh đúng nghĩa của nó và một nền hòa bình lâu bền cho nhân loại.
Cha con Tillman và những người phụ nữ Mông Cổ cũng chỉ là những nạn nhân của
vô minh, của những thể dạng u mê trong tâm thức mình. Tín ngưỡng đơn thuần
dưới một góc nhìn nào đó đôi khi cũng có thể chỉ là một phương tiện để đánh
lừa và lợi dụng kẻ khác. Chỉ có sự "hiểu biết" mà đôi khi người ta
còn gọi là "trí tuệ" mới có thể giúp chúng ta biết yêu thương và
kính trọng con người một cách chân thật và sâu xa mà thôi. Tôn giáo không hẳn
chỉ đơn giản là một phương tiện quảng bá đức tin mà phải mang lại "sự
thật" và sự "hiểu biết" cho con người.
Bures-Sur-Yvette,
28.05.15
Hoang Phong chuyển
ngữ
PHỤ LỤC 1
Table 1. The Top 20 Countries Where Christianity Has the
Highest Percentage Growth Rate
Độc
giả có thể tham khảo toàn bộ tư liệu này trên trang mạng:
https://discipleallnations.wordpress.com/2013/08/25/the-top-20-countries-where-christianity-is-growing-the-fastest/
PHỤ LỤC 2
|
Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét