Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015


BÔNG HỒNG CHO TƯỚNG MINH
[NHÂN NGÀY 30/4]

Phúc Tiến

Bàn thờ Tướng Dương Văn Minh tại nhà ông sáng 29/4/2015
(ảnh do tác giả gửi)

Sáng 29/4/2015, tôi đến nhà Đại tướng Dương Văn Minh (1916-2001) để thắp nén nhang tưởng nhớ ông. Trên bàn thờ dòng họ Tướng Minh, ở trên cao là tượng Phật và một bức hoành phi viết chữ Nho. Bên dưới là chân dung song thân ông, sau đấy là ảnh thờ của ông và phu nhân cùng người con trai – Dương Minh Đức và một người thân trong gia đình.

Bàn thờ bày biện đơn giản. Ngoài các bát nhang và chân đèn cùng một bức liễn khắc một bài thơ Hán Việt, trên bàn thờ chỉ có thêm hai cành phong lan tím bằng vải. Dường như hoa phong lan, là loại hoa ông thích nhất và trồng rất nhiều trước đây tại nhà ông. Cho nên có một thời gian, người ta gọi ngôi biệt thự của ông là “Dinh Hoa Lan”. Nó nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, cách Dinh Độc lập chỉ khoảng 5 phút đi bộ.

Đúng 40 năm trước, từ “Dinh Hoa Lan”, tướng Minh đi qua Dinh Độc lập nhận lãnh cương vị Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, vị Tổng thống 48 giờ. Ngẫm nghĩ trong thời gian ngắn ngủi ấy, Tướng Minh làm được ba việc quan trọng nhất: thả tù chính trị, tuyên bố ngưng bắn đơn phương, và rồi cuối cùng tuyên bố đầu hàng vào trưa 30/4/1975.

Tướng Minh và nội các của ông đã không chọn hành động mù quáng là “tử thủ ”, hay rút về miền Tây để “cố thủ ”. Hoặc dễ dàng hơn nữa là bỏ chạy, mặc kệ một bộ máy chính quyền và quân đội đang trong cơn hấp hối có thể giẫy đạp, dẫn đến những tổn thất sinh mạng và vật chất không tiên liệu được.

Tướng Minh, dưới nhiều sức ép, kể cả sự vận động khéo léo của nhiều nhóm tình báo cách mạng có mặt bên ông, đã thức thời và quyết đoán chọn con đường chấp nhận đầu hàng. Máu ở Sài Gòn và nhiều nơi khác, ở cả hai bên chiến tuyến cũng như máu của người dân, đã không đổ thêm vô ích sau lời tuyên bố chấp nhận đầu hàng không điều kiện của Tướng Minh. Tuy nhiên, sau giờ phút kết thúc cuộc chiến, một hành động dũng cảm như vậy vẫn khiến ông phải “đi giữa nhiều lằn đạn ”.

Nhìn nhận thế nào về vai trò của Tướng Dương Văn Minh trong suốt cuộc chiến, đặc biệt là vào giờ phút cuối, chắc sẽ còn phải có thêm thời gian. Nhưng điều ông làm – chấp nhận thua để dân tộc vẫn sống hòa bình, chính là một nhân cách đáng kính trọng !

Tôi gởi ở bàn thờ ông những bông hồng, xin phép nói lời cảm ơn Tướng Minh thay cho những đứa bé, những gia đình ở Sài Gòn 40 năm trước đã không phải “chạy loạn ”, đã không chịu cảnh tang tóc như đã xảy ra ở Berlin khi bị công phá năm 1945.

Phúc Tiến





Berlin, 1945

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét