TÍN NGƯỠNG VÀ TRÍ THỨC
Thu Giang Nguyễn Duy Cần
Tác giả Nguyễn Duy Cần tự Thu Giang (1907-1998) là một
trong những học giả nổi tiếng ngang hàng với các vị Nguyễn Hiến Lê, Toan Ánh, Nguyễn Đăng
Thục, Lê Văn Siêu… Ngoài việc trước tác
và tham gia viết báo, ông từng là giáo sư của trường Đại học Vạn Hạnh và là
Trưởng ban Triết Đông của Đại học Văn khoa Sài Gòn trước năm 1975.
Ông có một số lượng trước tác đồ sộ (hơn
30 tác phẩm nghiên cứu). Nổi tiếng nhất là các cuốn “Lão Tử Tinh Hoa”, “Trang
Tử Nam Hoa Kinh”, “Cái Dũng của Thánh Nhân”, … mà hầu như sinh viên, học sinh ban Triết của
thời đại nào cũng từng có đọc qua.
Xin được gửi đến bạn đọc Phần đầu của
Chương 5 của cuốn “Thuật Tư Tưởng”
như một tưởng niệm đến giáo sư Trần Chung Ngọc (1931-2014).
Giáo sư Triết Nguyễn
Duy Cần là một nhà đạo học Đông phương, Tiến sĩ Vật lý Trần Chung Ngọc là một
nhà khoa học Tây phương; tuy hai người sống cách nhau hơn một thế hệ và làm việc
trong hai nền học thuật khác nhau nhưng cả hai đều có cái nhìn về các phạm trù
Tín ngưỡng và Lý trí, về cơ bản, không khác gì nhau. - NG
■ Chương
5 (Trang 80-84)
Hiểu
biết và tin tưởng là hai điều khác nhau xa. Cái nguyên tắc của nó không giống
nhau. Thế mà xưa nay người ta hay lầm lẫn hai vấn đề nầy với nhau lắm.
Trước
kia tôi đã có nói qua vấn đề Tín Ngưỡng. Nay bàn lại cho rõ ràng và dễ hiểu
hơn. Trong thuật tư tưởng, vấn đề tín ngưỡng và trí thức thật là hết sức quan
hệ, không thể bỏ qua mà không biết cho được.
⁂
Tín
Ngưỡng là bất kỳ một ý tưởng, một giáo lý nào mà ta chỉ tin suông thôi, không
cần quan sát và thí nghiệm lại. Trái lại, một đức tin mà quan sát và thí nghiệm
thấy đúng với sự thật, thì không còn gọi là tín ngưỡng nữa, mà phải gọi là trí
thức, nghĩa là hiểu biết.
Đối
với Tín Ngưỡng, thì Lý không còn ăn thua gì nữa cả. Nó có chen vào
chăng là chỉ để mà biện hộ cái điều mình đã tin tưởng kia thôi.
Tín
Ngưỡng và Tri Thức, là hai lối tác động của tinh thần khác biệt nhau
xa.
Tín
Ngưỡng là một lối trực giác vô tâm do nhiều nguyên nhân ở ngoài ý
chí của mình. Còn Tri Thức là sự thu thập hữu tâm theo phương pháp
khoa học, nghĩa là đã quan sát và thử nghiệm qua rồi.
Nhân
loại trước đây sở dĩ chìm đắm trong vòng Tín Ngưỡng là vì khoa học
chưa được vạn năng mà lòng khao khát sự hiểu biết của con người thì
vô hạn. Những sự thật nhan nhản của khoa học đã tìm ra cũng vẫn còn
bao bọc trong một tấm màn huyền bí. Khoa học chỉ giải được "cái
cách hoạt động" của sự vật. Cái khoảng mênh mông vô sở tri của
tạo vật, mà chính không một triết học nào hiển minh ra được, là
thuộc về cái thế giới nhiệm mầu của không tưởng: Nó chứa chan biết
bao là hi vọng của người, cho nên không có một cái Lý nào phá nó cho
nổi. Bởi vậy, Tín Ngưỡng bất kì là thuộc về loại nào; tín ngưỡng
của tôn giáo hay chính trị ... đều là những lực lượng lớn lao đáng
sợ. Đã tín ngưỡng là vì Hi vọng, mà đã Hi vọng thì đừng có mong
mỏi đem Lý Luận phá đi lòng ao ước thiết tha của người ta làm chi cho
phí công tổn sức.
Sự
thật ở đời, không bao giờ làm thỏa được lòng tham muốn của con
người, cho nên có số người không hi vọng được ở hiện tại nữa. Người
ta hi vọng nơi tương lai ... nơi một tương lai mà họ tưởng tượng cho là
sẽ được thỏa mãn, sung sướng không còn có một trở ngại nào nữa cả.
Nhà duy tâm thời mong mỏi nơi một thế giới bồng lai đầy hoa lệ ngoài
cõi đời thực tế này; nhà duy vật thì mong mỏi một thế giới đại
đồng, nơi mà tất cả con người ai ai cũng được vui sướng hả hê ... Đó
toàn là cảnh trong mộng ước. Họ mong ước nên họ tín ngưỡng, họ xem
những kẻ nào hứa hẹn đưa học đến cảnh ao ước của họ đó là những
bậc đại ân nhân của họ. Ai cả gan đem lý luận mà phá hoại cái đức
tin của họ kia, cái mộng đầy hứa hẹn ngọt ngào, họ sẽ cho kẻ ấy
là kẻ thù, là bọn người phản tiến hóa, phản cách mạng v.v... Đây
là tâm lý thông thường rất dễ hiểu.
Bởi
vậy, nhà thông thái nhất có khi cũng
phải mất cả óc phán đoán phê bình của mình, một khi sang qua giới
tín ngưỡng. Như Pasteur là một vậy: Bên giới Trí Thức, ông là nhà
thông thái nhất. Bước qua giới Tín Ngưỡng, ông đọc kinh xem lễ, tín
ngưỡng Chúa Trời ngoan ngoãn như một người đàn bà hay con trẻ.
⁂
Xưa
kia, nguyên nhân của Tín Ngưỡng là nguyên nhân thần linh. Người ta nhận
nó một cách sợ sệt, không dám cãi. Ngày nay, tuy chúng ta biết rõ
nguyên nhân nó ở nơi ta, ở nơi lòng "sợ đau khổ, ham sung
sướng" của ta, nhưng nó cũng vẫn cưỡng ta phải nhận nó như thuở
xưa kia. Lý luận đối với nó không hiệu quả gì cả, cũng như đối với
sự đói khát vậy. Người ta một khi đã bị sống dưới quyền của sự đói
khát dày vò, thì đừng có đem lý luận vào làm chi nữa. Người ta chỉ
mong có một điều là đỡ khát đỡ đói đi đã. Bất kì cái gì có thể
thỏa mãn điều mong mỏi ấy là đủ. Lý luận khi ấy đều phải vứt vào
một xó cả. Cái gì thỏa mãn đặng lòng mong ước kia là đủ. Lý luận
có chen vào làm trở ngại cho lòng tin tưởng, là phải vứt nó ngay qua
một bên. Cho nên vô ý mà động đến lòng Tín Ngưỡng, dẫu là của người
yêu của mình, là một điều vụng dại nhất.
⁂
Những
cuộc cách mạng chân chính trong xã hội là những cuộc cách mạng thay
đổi những tín ngưỡng nền móng của một dân tộc, tuy những cuộc cách
mạng như thế rất ít có lắm. Vì thường thường, có thay đổi chăng là
thay đổi cái vật người tín ngưỡng đó, chớ lòng tín ngưỡng không dễ
gì thay đổi được.
Lòng
tín ngưỡng khó mà chết đặng. Nó là một nhu cầu cũng như những nhu
cầu của con người về vấn đề sướng khổ vậy. Lòng người thích yên ổn
và rất ghét sự phân vân ngờ vực. Lắm khi tâm trí cũng phải bị trải
qua nhiều lúc hoài nghi, nhưng rồi cũng không thể sống trong cảnh ấy
lâu được. Người ta cần phải có một tín điều hay luân lý dìu dắt để
khỏi phải có sự suy nghĩ, đỡ phân vân lưỡng lự. Bởi vậy, hễ có phá
hoại giáo lý này là để thay vào giáo lý khác. Đó là những nhu yếu
không thể tiêu diệt được. Lý Trí không còn chỗ nào lọt vào trong cho
được nữa. Nó mà có chen vào chăng, là chỉ để dùng làm tôi mọi cho
Tình Cảm, cho Dục Vọng, dùng để làm "ông trạng sư" biện hộ
cho điều mình đã sở vọng kia cho có vẻ lý luận, nghĩa là cho lòng
mình được yên ổn, khỏi phải có sự áy náy nghi ngờ nữa.
Nếu
xét kĩ lịch sử tư tưởng của loài người ta thấy một cách đáng thương
rằng: Trí Huệ con người thì tiến rất mau, còn Tình cảm thì gần như
bất di bất dịch.
Đành
rằng, lòng tin tưởng của con người về một giáo lý nào bất kì, dù
chỉ là một ảo tưởng thôi, ta cũng không nên khinh thường những ảo
tưởng ấy. Cũng vì nhờ các lực lượng ma thuật của nó, mà điều hư
ảo ấy lại trở nên mãnh liệt hơn sự thực thập bội. Một tín ngưỡng
mà được cả dân trong nước thu nhận, có thể làm cho dân nước ấy có
được một tinh thần thống nhất và mạnh mẽ vô cùng, có thể xoay cả
dục diện xã hội trong nháy mắt. Vấn đề Tín Ngưỡng là vấn đề quan
hệ rất lớn đến sự Tồn Vong của một nước, cả một dân tộc.
Đừng
nói chi những tín ngưỡng lớn lao căn bản của một dân tộc làm gì.
Những ý kiến, những dư luận hằng ngày thông dụng trong dân gian, sức
mạnh nó cũng lớn lao hết sức. Một khi con người vô tâm để cho nó chi
phối, thời đã mất cả tư cách tư tưởng và phán đoán vô tư rồi. Cá
nhân bấy giờ chỉ còn là cái hồn của quần đoàn, tư tưởng theo quần
đoàn, hành động theo quần đoàn, nghĩa là theo dục vọng của quần
đoàn.
Nguồn: Trích từ sách “Thuật Tư Tưởng” của tác giả Thu Giang
Nguyễn Duy Cần.
Nhà xuất bản Thanh Niên, Bến Tre, 1999.
Theo thống kê không đầy đủ, các tác phẩm đã xuất bản của
Thu Giang Nguyễn Duy Cần bao gồm (theo http://vi.wikipedia.org):
1. Duy tâm và duy vật 1935
2. Toàn chân triết luận 1936
3. Thanh dạ Văn chung 1939
4. Cổ nhân 1940
5. Cái dũng của Thánh nhân 1951
6. Óc sáng suốt 1952
7. Thuật tư tưởng 1953
8. Thuật xử thế của người xưa 1954
9. Trang Tử tinh hoa 1956
10. Lão Tử tinh hoa
11. Văn minh Tây phương và Đông phương 1957
12. Tôi tự học 1960
13. Thuật Yêu đương 1960
14. Lão Tử Đạo đức Kinh 1960
15. Một nghệ thuật sống 1960
16. Cái cười của Thánh nhân
17. Tinh hoa Đạo học Đông phương
18. Phật học tinh hoa
19. Nhập môn Triết học Đông phương
20. Văn hóa Giáo dục miền Nam Việt Nam 1970
21. Nam hoa kinh
22. Dịch học tinh hoa
23. Để trở thành nhà văn
24. Tâm sự người xưa
25. Đạo học Đông phương trong xã hội ngày
nay
26. Thuật dưỡng sinh của Đông phương Đạo học
27. Chu Dịch huyền giải
28. Liệt Tử Xung hư chân kinh
29. Chu Dịch tường giải
30. Tử vi bí kiếp
31. Thiền đạo Trung Hoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét