Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014



BÀI HỌC CHIẾN TRANH VIỆT NAM
NHÌN TỪ HẬU TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOA KỲ

Lương Minh Sơn

LGT – Trong biến cố giàn khoan nước sâu HD-981 được Trung Quốc cắm sâu vào Thềm Lục địa Việt Nam từ đầu tháng 5 năm 2014 trên Biển Đông, giữa nhiều thảo luận công khai của giới trí thức trong và ngoài nước, có một xu thế cho rằng Việt Nam cần “thoát Trung”.
Lẽ dĩ nhiên là dân tộc ta cần “thoát Trung”. Không những “thoát Trung” mà còn cần “thoát” nhiều thứ khác còn quan trọng và hắc ám hơn rất nhiều, nhất là trong lãnh vực văn hóa. Tuy nhiên, từ niềm phấn kích nầy, có một số “nhà dân chủ” còn chủ xướng là “thoát Trung” để “ôm Mỹ”, một chiêu bài tuy ồn ào và quyến rũ nhưng thật …lãng mạng và nguy hiểm ! Các “Nhà bất đồng chính kiến” Công giáo loại Lê Quốc Quân, Jean Baptiste Nguyễn Hữu Vinh hô hào như thế thì cũng dễ hiểu vì đó là truyền thống lịch sử 400 năm “ôm ngoại bang” của Công giáo Việt Nam; nhưng những “Nhà Dân chủ” như Nguyễn Quang A hay Phạm Chí Dũng mà cũng ùa theo thì nghe … buồn cười quá, không giống ai cả !
  
Mới đây thôi, trong chủ đề “Hoa Kỳ khờ khạo hay gian hùng” của Chương Trình Giờ Giải Ảo do NGƯỜI VIỆT TV phát hành ngày 28-6-2014 ( http://nguoiviettv.com/?p=15600 ), chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa (từng mang hàm tương đương với Thứ trưởng Tài Chánh của chính phủ VNCH năm 1975) đã chứng minh và khẳng định nhiều lần rằng Mỹ là một nước có đặc tính “gian hùng”. Không phải tự nhiên mà ông Nghĩa đi đến kết luận đó đâu. Phải từng sống và biết rõ lẽ sinh-tử của hai chế độ Cọng hòa tại miền Nam với các ông quan “Thái thú” (cụm từ của báo chí miền Nam trước 1975 để chỉ hai Đại sứ Ellsworth Bunker và Graham Martin) đã khống chế dinh Độc Lập như thế nào; và phải từng sống và tìm hiểu cơ cấu vận hành chính trị và các chính sách của Mỹ, mới thấm thía được điều nầy. Ông Nghĩa cũng không phải là “người VNCH” duy nhất nói lên điều nầy. Cứ hỏi/đọc thành phần lãnh đạo chính trị và quân sự Việt Nam Cọng Hòa đang lêu bêu ở hải ngoại thì biết họ cay đắng về thân phận “đồng minh” như thế nào !
Mấy ông “trí thức Bắc Kỳ” ở Hà Nội, quanh quẩn trên Internet và bờ Hồ Hoàn Kiếm, không hiểu được đâu. “Ôm Mỹ” không phải dễ, làm tay sai bán nước lúc nào không hay đấy !

Bài viết công phu dưới đây của tác giả Lương Minh Sơn mô tả hoàn cảnh và những “bà mụ” Mỹ đã hình thành chế độ Ngô Đình Diệm như thế nào, và sau đó là đề cập đến mối quan hệ giữa Mỹ và chế độ Đệ Nhất Cọng hòa đã biến thiên như thế nào. Qua đó, nhất là qua các tư liệu giải mật của chính phủ Mỹ, độc giả đặc biệt sẽ  thấy được sự vận hành và cách triển khai các chính sách của bộ máy chính trị Mỹ. Tuy phức tạp nhưng luôn luôn nhất quán, tuy hai đảng chính trị nhưng chỉ có một mục tiêu quốc gia. Và chủ nghĩa nước lớn thì chảy xuyên suốt chủ trương và hành trạng của giai tầng lãnh đạo chính quyền Hợp Chúng Quốc.
Bài viết được Nhật báo Người Việt đăng làm 6 kỳ vào cuối năm 1996, nhưng tiếc thay đến kỳ thứ 6 thì bài viết bị ngưng dang dở mà Người Việt không có lời giải thích. Do đó, loạt bài nghiên cứu nầy thiếu phần quan trọng nhất như đề bài đã hứa là “Bài học chiến tranh Việt Nam” là gì ? Tuy nhiên, qua nội dung cũng như cách lập luận và qua những tài liệu trích dẫn, ta cũng đoán được tác giả muốn trao gửi hai điều vì quá hiển nhiên nên ít ai chịu suy gẫm cho sâu: (1) Mỹ là một nước lớn với quyền lợi giăng mắc khắp nơi nên họ không suy nghĩ kiểu nước nhỏ, và (2) Khi còn mang căn tính nô lệ trong đầu mà lại đi “ôm Mỹ” thì chẳng chóng thì chày cũng sẽ mang vận mệnh quốc gia ra đùa với lữa. 

[Năm 2013, một tập họp những tài liệu của chính phủ Mỹ về giai đọa cuối cùng của chế độ Ngô Đình Diệm mới được giải mật lại càng làm sáng tỏ thêm những biến cố và cũng cố thêm các luận điểm của tác giả Lương Minh Sơn từ 17 năm trước đó. Xin đọc     Hồ Sơ Mật 1963 - Từ các nguồn tài liệu của Chính phủ Mỹ (Thien Tri Thuc Publications, Hoa Kỳ, 2013) ] – BlogHNG




BÀI HỌC CHIẾN TRANH VIỆT NAM
NHÌN TỪ HẬU TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOA KỲ

Lương Minh Sơn

Năm 1995, Robert S. McNamara, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ (1961-1968), đã nêu ra và giải thích một số quyết định sai lầm của hội đồng chính phủ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, [MCN]. Qua những dẫn chứng đáng chú ý, ông cho rằng những quyết định sai lầm đó đều dựa trên lý do”thiếu khả năng hiểu biết và suy xét” về tình hình chính trị và văn hoá của Việt Nam hơn là vì “khác biệt quan điểm về giá trị đời sống hoặc cố ý.” Bằng những lời lẽ mang âm hưởng ăn năn của một người khoa bảng ngây thơ như thời ông vừa từ bỏ chức chủ tịch đại công ty xe Ford về làm Bộ trưởng Quốc Phòng, ông chấp nhận mọi trách nhiệm cho tấn thảm kịch vỉ đại của Việt Nam. Tuy nhiên, McNamara thú tội với người Hoa Kỳ nhiều hơn là với người Việt Nam, một dân tộc đã phải hứng chịu nhiều đau khổ trực tiếp nhất trong cuộc chiến. Và mặc dù đã kéo dài những lời kể lể ân hận như một thể kinh cầu nguyện, một người đã từng điều khiển cuộc chiến tranh Việt Nam trong suốt hai đời tổng thống như ông vẫn không viết được gì nhiều về những điều thầm kín bên trong hội đồng chính phủ của Kennedy cũng như của Johnson, về tiến trình đã đưa đến những quyết định sai lầm đó, và về sự mâu thuẩn giữa các cấp lãnh đạo dân sự và quân sự.

Nói theo lời của sử gia George C. Herring [1], “... chúng ta cần phải nhìn xa hơn những công cụ mà McNamara đã sử dụng để giải thích trong quyển bút ký. Cuộc chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh của McNamara, đúng, nhưng nó cũng là cuộc chiến tranh của Dwight Eisenhower và John Foster Dulles, cuộc chiến tranh của John Kennedy và Lyndon Johnson, và cuộc chiến tranh của Richard Nixon và Henry Kissinger. Và hơn bất cứ những gì khác, ý thức hệ của giới soạn thảo chính sách, cùng với sự tập hợp của những chính sách rạn nứt đó mới chính là những gì có thể giải thích tại sao Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam để rồi cuối cùng đưa đến thất bại,” [HER].

Hôm nay nhân dịp ngày giỗ của cố Tổng thống đầu tiên của nền Đệ I Cộng Hoà của miền Nam Việt Nam, bài viết nầy xin có một vài nhận định về một số thảm cảnh của cuộc chiến tranh Việt Nam dựa trên những dữ kiện đã xảy ra từ phía hậu trường chính trị Hoa Kỳ và thế giới, nhất là trong suốt thời kỳ của chế độ Ngô Đình Diệm. Ước mong rằng những dữ kiện nầy sẽ đóng góp được phần nào cho những công cuộc nghiên cứu lịch sử trong mai sau.

Bài đi 6 kỳ

Kỳ 1: Thí Điểm Đầu Tiên Của Cuộc Chiến Tranh Lạnh
(Nhật báo NGƯỜI VIỆT, ngày 9 tháng 11 năm 1996)

Muốn nhìn vào cuộc chiến tranh Việt Nam (VN), chúng ta cần phải nhìn lại cuộc chiến tranh ở Đại Hàn, bởi vì đó là tiền thân của chiến tranh VN. Nói cách khác, chiến tranh VN là nước cờ tiếp của cuộc chiến tranh lạnh mà Triều Tiên là nước cờ đầu bàn.
Thập niên 1950 là thời điểm mở đầu cho những tình trạng căng thẳng chính trị và quân sự giữa hai trục siêu cường mới vừa được nổi bật từ sau cuộc Đệ II Thế Chiến. Hoa Kỳ (HK) và Nga Sô. Thế giới quen gọi thời kỳ nầy là thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, và một trong những thử điểm đầu tiên của cuộc Chiến Tranh Lạnh ở Á châu là Đại Hàn.
Sau Đệ II Thế Chiến, Triều Tiên bị chia hai thành hai quốc gia chỉ vì vị thế đóng quân của Nga Sô và HK. Từ vỉ tuyến 38 trở ra Bắc là Dân Chủ Cộng Hoà Triều Tiên, theo chủ nghĩa Cộng Sản (CS) và chịu ảnh hưởng của Nga Sô. Từ vỉ tuyến 38 trở vào Nam là Cộng Hoà Triều Tiên, theo chủ nghĩa Cộng Hoà và chịu ảnh hưởng của HK. Ngày 25-06-1950, quân đội CS Bắc Hàn cùng với sự hổ trợ của cộng sản quốc tế vượt vỉ tuyến 38 tiến đánh Nam Hàn và chiếm thủ đô Seoul. Để trả đủa, Tướng Douglas MacArthur chỉ huy quân đội Liên Hiệp Quốc, đa số là các lực lượng HK và Nam Hàn, đổ bộ lên Inchon thuộc về mạn Bắc của vỉ tuyến 38 và đánh ngược về Nam. Quân đội Liên Hiệp Quốc lấy lại Seoul trong ngày 26 tháng 9, nhưng không cô lập được địch thủ để CS Bắc Hàn chạy thoát được về bên kia vỉ tuyến. MacArthur xua quân vượt vỉ tuyến chiếm thủ đô Pyongyang của Bắc Hàn vào ngày 9 tháng 10 đẩy bật CS Bắc Hàn qua bên kia biên giới Trung Cộng. Từ đó quân đội Liên Hiệp Quốc dừng chân bên nầy biên giới, gạch phòng tuyến ở phía nam sông Yalu, coi như đã thâu gồm Đại Hàn thành một khối. Phần lớn các chiến sĩ HK tin tưởng rằng họ sẽ được về kịp đón Giáng Sinh.
Ngày 26 tháng 11, trong cơn bão tuyết dưới không độ, 300 ngàn “Chí Nguyện Quân” Trung Cộng cùng với quân đội CS Bắc Hàn dùng chiến thuật biển người vượt sông Yalu và phá vỡ phòng tuyến của Liên Hiệp Quốc. Quân Liên Hiệp Quốc bị đánh bất ngờ nên mất đội hình, rút lui gần như trong tan rả. Trên đường mở đường máu rút về Nam, Sư đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến HK bị tổn thất gần hai phần ba quân số, trong số đó có 3 ngàn quân bị tử vong, và 7 ngàn quân bị thương nặng. Quân đoàn 8 Bộ Binh HK phải triệt thoái khỏi Pyongyang, bỏ luôn vỉ tuyến 38 về trấn thủ vỉ tuyến 37. Tháng Giêng năm 1951, chiến đấu cơ MIG của Không quân Nga Sô bắt đầu tham dự mặt trận mở màn cho nhiều cuộc không chiến đẫm máu. Khi quân đội Liên Hiệp Quốc lấy lại Seoul, tám mươi phần trăm thành phố thủ đô của Nam Hàn đã trở thành bình địa.
Ngày 28-6-1951, Jacob Malik, Đại biểu của Nga Sô tại Liên Hiệp Quốc lên tiếng đề nghị ngưng bắn. Tướng Mathew B. Ridgway, Tổng Tư Lệnh Quân Đội Liên Hiệp Quốc ở mặt trận Triều Tiên thay thế cho MacArthur cũng ngỏ ý chịu ngồi vào bàn hội nghị. Tuy nhiên, cuộc hội nghị không kéo dài được bao lâu thì cuộc chiến càng ngày càng trở nên tàn khốc. Tháng 9 năm 1951, tổng số quân của quân đội Liên Hiệp Quốc ở Nam Hàn lên đến nửa triệu, nhiều hơn quân số của Bắc Hàn và Trung Cộng. Trong suốt hai năm sau đó, sự giao tranh chỉ xảy ra ở hai bên bờ vỉ tuyến 38. Giữa năm 1953, theo một kế hoạch vừa đánh vừa dỗ, HK oanh tạc các hệ thống đê điều của Bắc Hàn làm ngập lụt ruộng lúa đồng thời trao trả tù binh cho Bắc Hàn để kêu gọi khối CS ngồi vào bàn hội nghị. Ngày 13-06-1953, trong một nổ lực thử lửa cuối cùng, 60 ngàn quân Trung Cộng đánh qua vỉ tuyến, nhưng hai ngày sau đã bị 45 ngàn quân Liên Hiệp Quốc đánh bật về vị trí cũ. Ngày 27-07-1953, hai bên ngồi lại ở PanMunjon, ký thỏa hiệp ngưng bắn, chấm dứt cuộc chiến mà cả Bắc và Nam Hàn đều đã gần sụn bại. Trong 3 năm chiến tranh, Bắc Hàn và Trung Cộng bị tổn thất gần 1 triệu rưởi quân, vừa chết vừa bị thương, Liên Hiệp Quốc bị tổn thất khoảng 345 ngàn quân vừa chết vừa bị thương; trong số đó, Hoa Kỳ có 25,604 quân tử trận, và hơn 103 ngàn quân bị thương. Về phiá thường dân, gần 2 triệu người Đại Hàn đã gục ngả trên khắp hai miền nam bắc, và hàng trăm ngàn gia đình đã phải sống cảnh màn trời chiếu đất [TRA, “Korean War”].

Mặt Trận Điện Biên Phủ: Khúc Quanh Lịch Sử
Mặt trận Điện Biên Phủ không phải là nước đi của bàn cờ Chiến Tranh Lạnh, nhưng nó lại là cơ hội thuận tiện để HK thiết lập một thử điểm chiến lược mới trong cuộc Chiến Tranh Lạnh ở VN.
Mặc dù đã phải viện trợ cho Pháp trở lại Đông Dương sau cuộc Đệ II Thế Chiến để đổi lấy lá phiếu ủng hộ của Charles De Gaulle trong khối Phòng Thủ Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)[2]. HK vẫn nghĩ rằng chủ nghĩa Thực Dân không còn sức hấp dẫn trước lý thuyết đầy hứa hẹn của chủ nghĩa CS. HK nghĩ rằng đã đến lúc các đệ Tam quốc gia như VN cần phải có một chủ nghĩa mới để có thể đối đầu với sự bành trướng của CS Quốc Tế. Lúc nầy, Ngô Đình Diệm (NĐD) và Đức Cha Ngô Đình Thục đã bắt đầu tiếp xúc với một số giới chức ở Washington để tìm sự ủng hộ.
Về phía CS, sau khi đã chứng minh được tiềm lực sẵn sàng giao chiến với các siêu cường như HK, Trung Cộng hăng hái gởi 30 ngàn “Chí Nguyện Quân” cùng một số vũ khí thặng dư qua giúp CSVN vây đánh Pháp ở Điện Biên Phủ. Trong lúc quân đội Viễn Chinh và Thuộc Địa Pháp đang hứng chịu tổn thất nặng nề vì những trận sơn pháo dồn dập của CS. Ngoại trưởng Georges Bidault của Pháp tuyên bố rằng HK cần phải viện trợ thoả đáng để giải vây Điện Biên Phủ, bằng không thì Pháp buộc lòng phải đi tới một “giải pháp chính trị mới”, ý nói sẽ điều đình với CS. Ngoại trưởng John Foster Dulles của HK nhất quyết không chấp nhận thấy Pháp điều đình với CS, và cho đó là hành động “thoả hiệp với quỉ Sa Tăng.” Ông ráo riết vận động Quốc Hội HK can thiệp. Đề Đốc Arthur Radford, Tổng Tham mưu trưởng Quốc Phòng HK lập tức soạn thảo kế hoạch hành quân giải vây Điện Biên Phủ. Kế hoạch, với ám danh “Vulture” (Kên Kên) dự trù sẽ quy động 60 oanh tạc cơ B-29 từ Philippines cùng với 150 oanh tạc cơ các loại lớn nhỏ từ các mẩu hạm vào không tập quân đội CS. Radford tự tin rằng hoả lực không tập khủng khiếp của HK sẽ làm rúng động tinh thần chiến đấu của một đạo quân mà ông cho là chưa được tinh nhuệ [WEI, Trg. 165].
Tháng 4 năm 1954, Quốc Hội HK không chấp thuận thi hành kế hoạch “Vulture” vì không muốn dấn thân vào vào Điện Biên Phủ mà không có sự hợp tác của Anh quốc. Giới chính trị ở Washington trách cứ Anh quốc đã bỏ mặc HK chống cộng một mình ở Đại Hàn. Trong một cố gắng chót, Tổng thống Eisenhower kêu gọi Anh quốc gởi một vài oanh tạc cơ từ Hong Kong và bán đảo Mả Lai tháp tùng theo các phi đoàn HK, coi như cho có tính cách “liên hiệp”. Anh quốc vẫn nhất quyết không muốn dính líu vào VN vì đã có thoả thuận ngầm với Trung Quốc trong vần đề an ninh của nhượng địa Hong Kong.
Ngày 07-04-1954, Eisenhower mở một cuộc họp báo và đưa ra lý thuyết Domino để cảnh cáo về một sự mất mát lớn nếu thế giới tự do không biết cân nhắc trước việc Pháp đang bị điêu đứng ở Đông Dương. Ông nói, “Nếu chúng ta sắp các con domino theo một đội hình và hất ngã con đầu thì các con sau sẽ lần lượt ngã xuống một cách rất nhanh chóng.” [WEI, Trg. 165]. Con domino đầu của Eisenhower là miền Nam VN, và các con sau đó là bán đảo Mả Lai, Miến Điện, Thái Lan và Nam Dương, cùng với các nguồn tài nguyên và thổ sản trù phú như: thép, lúa, cao su, đồng và dầu hoả (Nam Dương). Phó Tổng thống Richard M. Nixon cũng tin tưởng rằng tình hình ở Đông Nam Á đang đòi hỏi HK phải có thái độ quyết liệt với CS. Ông tuyên bố, “Nếu để ngăn chận sự bành trướng của CS ở Châu Á, chúng ta cần phải dấn thân bằng cách gửi thanh niên HK qua đó ... Tôi sẽ đích thân ủng hộ quyết định nầy”. [WEI, Trg. 165-166]. Ngày 24-04-1954, Anh quốc rút lui ra khỏi mọi cuộc hội đàm có tiêu đề hành quân hỗn hợp Anh-Mỹ, và Quốc Hội HK vẫn nhất quyết duy trì tư thế không can dự vào Điện Biên Phủ. Ngày 07-05-1954, quân đội Viễn Chinh ở Điện Biên Phủ đầu hàng quân Việt Minh. Tháng 6 năm 1954, chính phủ Pháp ở Paris sụp đổ. Pierre Mendès France lên nắm chức Thủ Tướng Pháp và quyết định triệt thoái quân đội Viễn Chinh ra khỏi VN trong im lặng.

Hiệp định Genève: Điều kiện Rút quân trong danh dự
Trong những ngày đầu của cuộc hội nghị, HK không chịu trực thoại với Trung Quốc vì không muốn nhìn nhận Trung Quốc là một thực lực ngang hàng trên chính trường quốc tế. Một huyền thoại kể lại rằng khi Thủ tướng Chu Ân Lai, Trưởng phái đoàn Trung Quốc đưa tay ra để bắt với Ngoại trưởng John Foster Dulles, Foster Dulles quay qua hướng khác và nói với một người trong phái đoàn HK rằng, “Tôi không muốn nói chuyện gì với hắn ngoại trừ khi tôi mắc phải tai nạn xe cộ với hắn,” (ý nói để cãi lộn). Sau nầy, Foster Dulles viện cớ là bận việc nên ở lại HK, và người thay thế ông trong chức vụ Trưởng phái đoàn HK trong cuộc hội nghị Genève là Walter Bedell Smith, cựu Phó Giám Đốc CIA (1950-1953). Và cũng cùng với lý do như HK, Pháp không muốn trực thoại với Bắc Việt mà chỉ với Trung Quốc và Nga Sô.
Trong lúc chiến trường ngoại giao vẫn còn đang căng thẳng, Ngoại trưởng Mikhailovich V. Molotov của Nga Sô, Ngoại trưởng Anthony R. Eden của Anh Quốc, Thủ tướng Pierre Mendès France của Pháp, Thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Quốc, và Thủ tướng Phạm Văn Đồng của miền Bắc VN cùng nhau họp riêng ở ngôi biệt thự Le Bocage của Molotov. Tại nơi nầy, Molotov đưa ra đề nghị chia đôi VN ở vỉ tuyến 17 và mọi phe tham dự đã cùng nhau đồng ý, [KAR, Trg. 203]. Bedell Smith và Ngoại trưởng Trần Văn Đổ của miền Nam VN không được mời họp nên sau này không chịu ký vào bản hiệp định.
Trong khi Nga Sô và Trung Quốc đều ra mặt giả đò tôn trọng Bắc Việt như một đồng minh ngang hàng và có thực lực thật sự trên bàn hội nghị, Pháp không còn tư thế và cũng không màng đòi hỏi cho miền Nam VN được vào họp, mặc dù sự quyết định của buổi họp hôm đó có liên hệ trực tiếp đến đời sống của tất cả những người đã từng tin tưởng vào sự bảo hộ của họ. Điều nầy cho thấy người Pháp quan tâm đến vấn đề “rút quân trong danh dự” nhiều hơn là vấn đề nhân nghĩa với miền Nam VN. Anh Quốc chỉ đóng vai giám khảo miễn sao cho họ khỏi phải từ bỏ quyền lợi ở nhượng địa Hong Kong để dấn thân vào cuộc xung đột ý thức hệ vô lợi ích giữa chủ nghĩa “Thực Dân và Cộng Sản” rồi đến “Cộng Sản và Tư Bản”. Miền Nam VN lúc đó là một chính phủ sơ khai, vừa được trả độc lập kể từ ngày 04-06-1954 nên gần như không có tiếng nói. Đối với HK, cuộc hội nghị ở Genève có công bằng hay không, John Foster Dulles và hội đồng An Ninh Quốc Gia ở Washington cũng đã khởi động một kế hoạch riêng cho tương lai của miền Nam VN.

Kỳ 2: Chủ Trương Trả Đũa Mãnh Liệt
(Nhật báo NGƯỜI VIỆT, ngày 10 tháng 11 năm 1996)

Trong một quốc gia siêu cường như Hiệp Chủng Quốc nhiệm vụ của một ngoại trưởng là phụ giúp tổng thống soạn thảo chính sách đối ngoại, và giải thích chính sách đối ngoại của Phủ Tổng Thống cho Quốc Hội để mưu tìm sự hậu thuẩn. John Foster Dulles là Ngoại trưởng cho Tổng thống Dwight D. Eisenhower trong những năm đầu khi HK dấn thân vào Đông Nam Á.
Dwight D. Eisenhower là một quân nhân chuyên nghiệp. Mỗi khi làm việc gì, ông thường chủ trương phải làm cho hết sức, nhưng ông biết chọn con đường hoà giải. Ông cổ xúy nhiều chương trình có tính cách nổ lực chung cho quốc tế, chẳng hạn như chương trình khuyến khích các cường quốc sử dụng năng lượng nguyên tử cho lợi ích chung cho nhân loại, và chương trình tài giảm vũ khí. Ông không ham nghe những lời chỉ trích quá trớn về người Nga Sô. Có lần, ông nói với các cố vấn trong hội đồng chính phủ rằng “HK cần phải chấm dứt những lời dỡn cợt vô ý thức nầy và phải cố gắng tiến tới một nền hoà bình chung.” Trái lại, Foster Dulles là một người dân sự và luôn luôn sống trong thế giới của những thuật ngữ lớn tiếng. Ông chống lại mọi cuộc thương thuyết có vẻ thừa nhận Nga Sô là một xã hội có một “nền đạo đức tương đồng với HK.” Ông hay hăm doạ về một sự “trả đủa mãnh liệt” hoặc về viễn ảnh cùng nhau tiến tới bờ vực thẳm của chiến tranh. Sự khác biệt trên đường hướng hoạt động của Eisenhower và Foster Dulles càng trở nên rõ ràng nhất là trong lần thương thuyết cuối cùng cho cuộc ngưng bắn ở Đại Hàn. Eisenhower cho đối phương thấy một cách kín đáo rằng ông sẽ sẵn sàng gia tăng chiến tranh nhưng ông cũng hy vọng đối phương sẽ chấp nhận giải pháp ôn hoà và cho phép ông tránh con đường mà ông buộc lòng phải chọn. Trong khi đó, Foster Dulles nhất quyết không muốn có một thoả thuận cho đến khi nào ông chứng minh được sự cứng rắn của HK bằng cách dạy cho Trung Quốc “một bài học đích đáng.” [WEI, Tr. 154].
Nếu Eisenhower và Foster Dulles là hai nhân vật có hai cá tánh khác biệt như thế thì điều tương quan lớn nhất giữa hai người là chính sách ngăn chận sự bành trướng của CS Quốc Tế, một chính sách được để lại từ thời Tổng thống Harry S. Truman (1945-1953) và Ngoại trưởng Dean G. Acheson (1949-1953), [TRA, “Truman”, “Acheson”]. Chính sách nầy có thể là phản ảnh mặc cảm của một hội đồng chính phủ đã để Trung Quốc rơi vào tay CS (1949). Đầu thập niên năm 1950, giới soạn thảo chính sách ở HK đã có lần bàn thảo về vấn đề trao đổi mậu dịch thương mại với Nga Sô theo quan niệm quyền lợi tài chánh sẽ làm cho chính quyền Nga Sô bớt căng thẳng. Tuy nhiên, năm 1953 lại là khởi điểm căng thẳng của cuộc Chiến Tranh Lạnh. Một trong những lý do là vì sau khi Eisenhower vừa nhận chức tổng thống được 2 tháng, Joseph Stalin chết, để lại một khoảng trống trong giới quyền lực ở Điện Cẩm Linh. Từ đó, mọi dự án tương trợ Nga-Mỹ đều bị đình hoãn một cách vô hạn định, để nhường chỗ cho một cuộc chạy đua chế tạo vũ khí có sức công phá tàn khốc, nhân danh “an ninh” và “hoà bình” cho mỗi trục. Từ đó, một thế hệ của con người đã phải lớn lên không có một ý niệm nào khác, ngoại trừ phải “theo Nga” hoặc “theo Mỹ.”
Giữa năm 1953, John Foster Dulles lên tiếng báo hiệu cho các quốc gia đã bị Nga Sô thôn tính rằng họ “có thể trông cậy nơi HK.” Năm 1954, khi Pháp còn đang lưỡng lự trước lời kêu gọi của HK về vấn đề tái vũ trang cho Tây Đức, ông tuyên bố truớc một cuộc họp báo rằng sự chậm chạp của Pháp có thể khiêu khích HK “tái thẩm định” mối liên hệ ngoại giao với Pháp và kết quả có thể sẽ “không mấy gì dễ chịu.” Lời tuyên bố nầy có vẻ muốn ám chỉ rằng các quốc gia nào không chịu theo sự chủ xướng của HK sẽ bị bỏ rơi. Năm 1955, giữa phiên họp của một hội đồng tư vấn đối ngoại, Foster Dulles thuyết trình về một “tư thế mới” của HK, một tư thế mà HK có thể sẽ đương đầu với mọi khiêu khích bằng một sự “trả đủa mãnh liệt,” (hình như ý muốn nói đến loại bom nguyên tử với bí danh “H-Bomb” vừa được hoàn tất). Tháng Giêng năm 1956, Foster Dulles trả lời phóng viên James Shepley của tuần báo Life, “Các anh phải thử thời vận may rủi với hoà bình cũng như các anh phải thử thời vận may rủi với chiến tranh ... Nếu sợ đi tới bờ vực thẳm thì các anh đã thất bại,” [WEI, Tr. 156].
Từ năm 1953 đến năm 1959, Eisenhower và Foster Dulles cùng nhau duy trì quyền lực và tư thế lãnh đạo của HK trước sự bành trướng của Nga Sô. Cả hai đều xem đời sống vật chất dư giả là minh chứng thành công cho hệ thống đạo đức và chính trị của HK. Cả hai đều muốn sử dụng nền kinh tế của HK để làm khuôn mẫu cho cái mà họ gọi là “Thế Giới Tự Do.”

Xây Dựng Thành Trì Chống Cộng
John Foster Dulles là ngoại trưởng đầu tiên đi công du nhiều nhất của Hoa Kỳ. Với trên nửa triệu dặm Anh, ông thăm viếng nhiều quốc gia Âu, Á để thiết lập một hệ thống mà các quốc gia đệ Tam thân Mỹ thường tự hào là “Thành Trì Chống Cộng.” Các quốc gia nầy cần cảm thấy sự hiện diện của một nhân vật cao cấp như Foster Dulles như một biểu tượng tiên quyết cho một niềm tin mới, và ông thì cần tránh né guồng máy chính trị phe đảng ở Washington để được rảnh tay sắp đặt kế hoạch ngăn chướng sự bành trướng của CS Quốc Tế.
Kể từ những năm còn trẻ, người ta đã nhận thấy Foster Dulles là một ngôi sao sáng trong vòm trời ngoại giao. John W. Foster, cha đỡ đầu của ông là Ngoại trưởng cho Tổng thống Benjamin Harrison (1885-1889). Robert Lansing, cậu của ông là Ngoại trưởng cho Tổng thống Woodrow Wilson (1913-1921). Chỉ khoảng 10 năm sau khi tốt nghiệp ở viện đại học Princeton, năm 1919, John Foster Dulles, 30 tuổi đã được làm thành viên của phái đoàn HK trong cuộc hội nghị Versailles ở Pháp. Hội nghị nầy bàn thảo về những điều khoản để kết thúc cuộc Đệ I Thế Chiến. Năm 1945, ông tham dự buổi họp thành lập tổ chức Liên Hiệp Quốc, và sau này được cử làm Đại biểu cho HK trong thành phần Chủ tọa. Eisenhower đã từng nói, “Dulles thực tập làm ngoại trưởng kể từ hồi ông vừa lên chín.”
Tuy nhiên ngay từ lúc còn trẻ và thường đi lễ nhà thờ Cơ Đốc (Presbyterian) ở Watertown, New York, khả năng đối thoại của John Foster Dulles là một khả năng lấy căn bản đạo đức của tôn giáo làm nền tảng. Qua thập niên 1930, ông thường xuyên tham dự những buổi hội thảo về vấn đề hoà bình thế giới do World Council of Churches và Federal Council of Churches tổ chức. Hai hội đồng nầy là những tổ chức của những giáo phái có cùng một niềm tin nơi Thiên Chúa (Christian), được thành lập phần lớn với mong muốn tạo “sự liên kết trước những vấn đề tương quan trên thế giới.” Từ những buổi họp nầy, Foster Dulles tin tưởng rằng, con người cần phải lấy lời Thánh Kinh làm phương cách để đối phó với mọi trở ngại trong đời sống. Đến năm 1940, ông có khuynh hướng xem tất cả mọi vấn đề chính trị, dù có phức tạp đến đâu, cũng đều là những sự xung đột giữa một bên là những người Thiên Chúa Giáo (TCG) đang bị tiêu diệt, và một bên là kẻ thù của họ. Có lần, khi một vài người trong chính phủ khuyên nhủ ông nên xem xét lại chuyện lạm quyền và tham nhũng của Tưởng Giới Thạch của Đài Loan và Lý Thừa Vãn của Nam Hàn, đôi mắt của Foster Dulles bị chớp một cách liên tục như mỗi khi ông thường bị kích thích. Ông ngồi bật dậy từ chiếc ghế và nói, “Không cần biết các ông nói gì về họ, hai vị đó là những người tương đuơng với hàng giáo phẩm đã sáng lập ra các thánh đường. Họ là những vị TCG đã chịu khổ nhục vì đức tin của họ”, [WEI, Tr. 155]. Thành thử chuyện một tín đồ Ngô Đình Diệm đưọc John Foster Dulles chọn đưa về Việt Nam làm Tổng thống đầu tiên của miền Nam Việt Nam không phải là một ngẫu nhiên.

Quan Điểm Của Vatican Về Chiến Tranh Việt Nam
Năm 1861, người Pháp đem quân đội và tôn giáo vào để cai trị VN nhưng năm 1954, người Pháp chỉ có thể triệt thoái quân đội mà không có một kế hoạch thoả đáng để cứu vản tình thế cho các giáo dân VN đã từng đặt niềm tin nơi người Pháp. Trong lúc hồi tưởng về những ngày cuối cùng ở miền Bắc, Đại tá Vanuxem  của quân đội Viễn Chinh đã kể lại những lời lẽ trách cứ của Giám mục Phạm Ngọc Chi, một người bạn thân của Vanuxem, khi đơn vị ông sửa soạn rút khỏi Giáo phận Bùi Chu, như sau “Chúng tôi cứ tưởng rằng chúng tôi xứng đáng được hưởng sự độc lập mà chúng tôi đã có bổn phận góp công giúp đỡ, nhưng đến khi nhận ra thì đã quá muộn. Những người mà chúng tôi đã trông cậy lại là những kẻ thù đang muốn chúng tôi bị mất linh hồn” [VAN, Tr. 159-159].
Ở Vatican, Đức Giáo Hoàng Pius Thứ XII có lẽ cũng đã dự đoán được tình trạng cực kỳ nguy hiểm cho giáo dân VN một khi quân đội Pháp rút khỏi miền Bắc, nên kể từ cuối thập niên năm 1940, Ngài đã khuyến khích Đức Hồng Y Francis Joseph Spellman vận động chính phủ HK sửa soạn can dự vào VN. Điều nầy có thể là một thắc mắc không nhỏ đối với những người chuyên nhìn trên phương diện tôn giáo thuần tuý, tuy nhiên dưới khía cạnh chính trị, ngoài nhiệm vụ lãnh đạo đời sống tâm linh của giáo dân trên thế giới, Đức Giáo Hoàng của TCG - La Mã (The Roman Catholics) còn có trách nhiệm đại diện cho Hội Đồng Giáo Hội (The Council) và quốc gia Vatican để phản ảnh quan niệm và phát huy ảnh hưởng chính trị của Toà Thánh đối với thế giới. Thành thử, muốn tìm hiểu về quan niệm và ảnh hưởng chính trị của quốc gia Vatican trong cuộc chiến tranh “Quốc Cộng” ở VN nói riêng, và trong cuộc Chiến Tranh Lạnh nói chung, lịch sử cần nhìn lại quan điểm chính trị của một số Giáo Hoàng, bắt đầu từ Đức Giáo Hoàng Pius Thứ XII.
Đức Giáo Hoàng Pius Thứ XII tên thật là Euginio Pacelli, sanh năm 1876 ở Ý Đại Lợi. Năm 1930, Ngài được cử làm Ngoại trưởng cho Đức Giáo Hoàng Pius Thứ XI. Năm 1933, Ngài lập công lớn với Toà Thánh vì đạt được thoả hiệp dung hoà với Phát Xít Đức (The 1933 Concordat). Theo thoả hiệp, Toà Thánh coi như sẽ không phát biểu ý kiến về tình hình chính trị của Đức Quốc Xã, chẳng hạn như chuyện Đức Quốc Xã đang chuẩn bị guồng máy chiến tranh cho cuộc Đệ II Thế Chiến. Ngược lại, Đức Quốc Xã coi như sẽ tôn trọng thực thể và chủ quyền của Toà Thánh. Sau nầy, trên đường tiến vào thôn tính thủ đô La Mã, thiết đoàn chiến xa Panther của biệt đội SS Phát Xít Đức đã phải chẻ thành hai đường đi vòng qua Toà Thánh thay vì có thể san bằng để băng qua nếu họ muốn.
Trong suốt cuộc Đệ II Thế Chiến quan điểm của Đức Giáo Hoàng Pius Thứ XII về đường lối tiến tới hoà bình là duy trì tư thế trung lập cho Toà Thánh đối với mọi phe lâm chiến. Tuy nhiên, lịch sử thế giới Tây phương chỉ trích Ngài nặng nề nhất vì Toà Thánh đã không lên án Đức Quốc Xã khi quốc gia này thẳng tay tàn sát 6 triệu người Do Thái và vì Toà Thánh đã không tận dụng khả năng để che chở những người Ý gốc Do Thái khi mật vụ SS Đức lùng bắt họ ở Ý Đại Lợi.
Khi một số giới chức lãnh đạo Tây phương khuyên Joseph Stalin, Chủ tịch Đảng Cộng sản Nga Sô nên cho người TCG – La Mã giảng đạo tự do ở Nga để lấy lòng Đức Giáo Hoàng, Stalin hỏi, “Đức Giáo Hoàng? Đức Giáo Hoàng có mấy sư đoàn?”, [WIN], [CDQ]. Năm 1949, Đức Giáo Hoàng Pius Thứ XII kêu gọi giáo dân trên thế giới đứng lên chống lại chủ nghĩa CS, và đồng thời tuyên bố “phạt tuyệt thông” (excommunicate) tất cả những giáo dân nào theo CS [CUP, “Pope Pius XII]. Nhưng, tại sao chính trị lại có tôn giáo, và tôn giáo lại có chính trị? Tổng thống Richard M. Nixon (1969-1974) đã từng nói: “Mặc dù người CS là những người vô thần nhưng chủ nghĩa CS lại là một tôn giáo với hơn một phần tư tín đồ trên thế giới,” [NIX, Chg. 5]. Thành thử, ngoài vấn đề “an ninh phòng thủ” cho Hiệp Chủng Quốc, sự bành trướng của khối “tôn giáo vô thần” CS trong thập niên năm 1950 còn là mối đe dọa trực tiếp đến ảnh hưởng của Vatican nói riêng, và của khối TCG hữu thần nói chung. Giáo sĩ Malachi Martin, người đã từng phục vụ trong Toà Thánh Vatican cũng đã xác nhận, “Đức Giáo Hoàng (Pius Thứ XII) lo ngại CS sẽ bành trướng và làm suy hại đến uy tín của Giáo hội,” [COO, Tr. 241-242]. Nhưng quan điểm của quốc gia Vatican có ảnh hưởng gì đến chiến tranh VN? Các dữ kiện của đầu thập niên năm 1950 cho thấy Ngô Đình Diệm được Đức Giáo Hòang Pius Thứ XII gửi gắm cho Đức Hồng Y Spellman dẫn qua HK để vận động chính trị vì quan niệm tôn giáo nhiều hơn là vì quan niệm cho phép một quốc gia nhược tiểu như VN được sống lại sau hơn 80 năm bị đô hộ.
Tháng 10 năm 1950, Đức Hồng Y Spellman, Linh mục McGuire và ba nhân vật Ủy Viên Chính Trị (political churchmen) của một số Giáo phái TCG ở HK như Cha Emmanual Jacque, Giám mục Carroll và Giáo sư Edmund Walsh đưa NĐD và Đức Cha Ngô Đình Thục đi gặp một số nhân viên của bộ Ngoại giao HK tại khách sạn Mayflower ở Washington. Ông Dean Rusk là một trong những nhân vật của Bộ Ngoại Giao có mặt trong buổi cơm tối hôm đó. Sau nầy, ông Rusk làm Ngoại trưởng HK từ năm 1961 đến 1969. Mục đích của cuộc gặp gỡ xã giao nầy là để chính phủ HK tìm hiểu về tình hình VN và để xác định lập trường chính trị của ông Diệm và Đức Cha Thục. Sự kiện chín mươi phần trăm người dân VN không phải là tín đồ Thiên Chúa Giáo không làm ông Diệm quan tâm vì ông đã tuyên bố trong bữa cơm tối hôm đó rằng ông “tin tưởng vào quyền lực của Vatican và ông chống Cộng một cách cực lực.” [COO, Tr. 242].
Với hai yếu tố vì tôn giáo và vì chống Cộng, ông Diệm được Đức Hồng Y Spellman tiếp tục giới thiệu với William O. Douglas, Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện; Thượng Nghị Sĩ Mike Mansfield; Thượng Nghị Sĩ John F. Kennedy; Allen Dulles Giám đốc Trung ương Tình báo CIA; và anh của ông Dulles là Ngoại trưởng John Foster Dulles [MAN, Tr. 58]. Từ đó ông Diệm trở thành con đáp số gần như mỹ mãn trong bài toán chính trị của mọi phe phái có ý muốn can dự vào VN:
·   Chính sách đối ngoại đang đòi hỏi HK cần phải xây dựng một thành trì chống Cộng ở VN.
·   Ngoại trưởng John Foster Dulles đang muốn tìm một lãnh tụ chống Cộng theo khuôn mẫu đạo đức và xã hội của người TCG.
·   Đức Hồng Y Spellman đang cần HK thay thế Pháp ở VN, và cũng cần một giáo dân trung kiên như ông Diệm để lãnh đạo công cuộc chống Cộng như lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Pius Thứ XII.
Điều còn lại sau cùng cho kế hoạch chính trị hỗn hợp nầy là làm thế nào để giái thích cho hội đồng chính phủ và Quốc hội HK về kinh nghiệm chính trị và khả năng  lãnh đạo của NĐD? Tổng thống Eisenhower cũng chỉ có thể trấn an hội đồng chính phủ bằng câu nói, “Trong đám thằng mù, thằng chột sẽ làm vua,” [HER]. Điều nầy cho thấy: một là ông Diệm không có một thành tích chính trị nào đáng kể, hai là ông Diệm không có khả năng lãnh đạo, hoặc ba là người Mỹ hoàn toàn không biết gì về ông Diệm.
Đầu năm 1954, Ngoại trưởng John Foster Dulles khuyến dụ Pháp khuyên nhủ Bảo Đại bổ nhiệm NĐD về VN làm Thủ tướng. Ngay sau khi hiệp định Genève vừa được ký ở Thụy Sĩ, Allen Dulles, Giám đốc CIA lập tức gửi Edward Lansdale, một cựu Đại tá Không quân, và một toán chuyên viên CIA sang VN với hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ trước nhất là để thiết lập một tổ chức gài điệp viên ra Bắc, và nhiệm vụ sau đó là để “trợ giúp đưa NĐD, một người Thiên Chúa Giáo – La Mã về làm Tổng thống,” [TOU, Tr. 7].

Kỳ 3: Tình Báo Hoa Kỳ và Việt Nam
(Nhật báo NGƯỜI VIỆT, ngày 11 tháng 11 năm 1996)

Năm 1954, Hoa Kỳ thật sự không xa lạ gì với tình hình chính trị ở Việt Nam. Trước đó 9 năm nhân viên tình báo HK cũng đã có mặt ở VN nhưng với một mục đích khác. Đồng minh của HK lúc đó sẽ là đối thủ của người mà HK đang chuẩn bị đưa về miền Nam VN làm Tổng thống. Archimedes L.A. Patti, Trưởng phòng Hành quân của Phòng Cung Cấp Tin Tức Chiến Lược (OSS) với bản doanh đặt tại Kunming (Trung Quốc) vẫn còn nhớ về những ngày đầu của tháng 7 năm 1945 khi ông gửi Trung tá Allison R. Thomas và Toán “Deer” nhảy dù vào vùng Tuyên Quang thuộc miền Bắc VN để liên lạc với Hồ Chí Minh [PAT, Tr. 127]. Nhiệm vụ của toán tình báo nầy là thiết lập một hệ thống phản gián dài hạn để chống lại quân đội Nhật Bổn. Các sĩ quan OSS của Thomas huấn luyện hai biệt đội “Hành Động Đặc Biệt” của Tướng Võ Nguyên Giáp, từ cách ăn cắp tài liệu tuyên truyền, chỉ điểm, ám sát và cho đến cấp cứu các phi công đồng minh bị bắn rơi trên bầu trời Đông Nam Á, [PAT, Tr. 65-67, 96].
Thoạt đầu Patti có ý muốn sử dụng tất cả các đảng phái chính trị quan trọng ở VN, theo lối suy luận càng nhiều càng tốt. Nhưng sau nầy, ông loại bỏ Đại Việt và VN Quốc Dân Đảng vì cho rằng các đảng phái nầy không đáng tin cậy. Theo Patti, Đại Việt là một đảng phái thân Nhật và đã hoạt động tình báo cho quân đội Hồng Nhật trước khi Patti sang VN, còn VN Quốc Dân Đảng là một tổ chức theo kiểu của Tưởng Giới Thạch  và thân Trung Hoa Quốc Gia. Patti có thử sử dụng một vài người của VN Quốc Dân Đảng, nhưng các điệp viên nầy vừa cung cấp tin tức tình báo cho HK, “vừa cho Trung Hoa Quốc Gia và vừa cho cả quân đội Pháp,” [PAT, Tr. 504,530]. Patti cho rằng Việt Minh là nhóm có thực lực duy nhất còn lại để giúp HK chống Nhật Bổn. Sự nhận định nầy không hẳn là đúng. Chưa có một tài liệu nào cho thấy Patti đã chính thức gặp các lãnh tụ cao cấp của Đại Việt lẫn VN Quốc Dân Đảng trong thời gian nầy. Nếu những người mà Patti đã gặp gở chỉ là những nhân viên ngoại vụ của các tổ chức nầy thì những điều Patti nhận định về họ chỉ là những sự nhận định có tính cách phiến diện. Tuy nhiên điều quan trọng ở đây là dù cho Patti có hiểu đúng hay sai về tình hình chính trị lúc đó, sự quyết định của một sĩ quan tình báo cấp trung như ông vẫn đã thay đổi lịch sử của cả một quốc gia như VN. Nếu HK hợp tác với các tổ chức của người Việt quốc gia thì Pháp đã khó lòng đòi hỏi HK phải ủng hộ Pháp trở lại thuộc địa sau cuộc Đệ II Thế Chiến.
Mặc dù vẫn biết rằng thực chất của nhóm Việt Minh lúc đó là một tổ chức với đa số thành viên là người Cộng Sản, Patti nhận xét rằng cái dáng vẻ “quốc gia đại chúng” của Việt Minh là chìa khoá mà HK đang cần có để bước chân vào Đông Nam Á. Thật sự, quyết định ủng hộ một tổ chức Cộng Sản trá hình như Việt Minh cũng không phải là quan điểm của một cá nhân trưởng phòng OSS như Patti, mà là từ chính sách của HK trong thời Đệ II Thế Chiến. Năm 1943, Washington cho phép tình báo OSS hợp tác với các tổ chức kháng chiến Cộng Sản trải dài từ Âu sang Á, miễn mục đích chung là để chống lại trục Phát Xít Nhật-Đức-Ý. Năm 1990, Nhân chuyến đi VN để dự đám giỗ 100 tuổi của Hồ Chí Minh, Patti có cho biết các “Biệt Đội Hành Động” của Võ Nguyên Giáp do sĩ quan OSS của ông huấn luyện ngày trước đều am hiểu về đường đi nước bước của tình báo HK. Đây là một trong những yếu tố quan trọng đã phá hũy toàn bộ chương trình cấy gián điệp ra Bắc của HK và miền Nam VN trong cuộc chiến [TOU, Tr. 1].
Trong lúc hợp tác với nhau để chống Nhật Bổn, Hồ Chí Minh được cơ hội tưởng tượng rằng Washington sẽ công nhận một VN độc lập dưới tay ông, sau khi chiến tranh thế giới chấm dứt. Tháng 8 năm 1945, Patti đáp xuống phi trường Gia Lâm ở Hà Nội để chuẩn bị giải giới quân đội Nhật Bổn. Tháng 9 sau đó, Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập cho VN ở Công Viên Ba Đình bằng một bài diễn văn dịch lại từ bản Hiến Chương của Hiệp Chủng Quốc, nhưng HK không lên tiếng ủng hộ. Washington cho rằng Hồ Chí Minh đã có ràng buộc với Nga Sô (mặc dù HK đã biết từ trước) và HK thì đang cần phải ủng hộ Pháp trở lại thuộc địa (vì vấn đề NATO). Cuối tháng 10 năm 1945, Patti và toàn thể sĩ quan OSS thình lình rút khỏi VN. Các lá thư của Hồ Chí Minh gửi cho Tổng thống Truman không được phúc đáp, coi như để dứt khoát một vài tháng liên hệ ngắn ngủi và đùa dỡn với Hồ Chí Minh.
Năm 1952, Pháp bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với cuộc chiến tranh chống lại Việt Minh, nhất là ở những vùng rừng núi ở miền Thượng Du Bắc Việt. Vào khoảng thời gian nầy, đa số những người VN không chấp nhận cộng sản cũng đã rời bỏ tổ chức Việt Minh. Khi Pháp lên tiếng kêu gọi HK viện trợ để Pháp “chống cộng”, David Whipple, một sĩ quan tình báo của Toà Lãnh Sự HK ở Hà Nội đã kể lại một sự tranh chấp quan trọng giữa hai quan điểm chính trị tương phản của HK lúc đó. Quan điểm thứ nhất là của Donald Heath, Đại sứ HK tại Hà Nội, Heath muốn HK tiếp tục ủng hộ Pháp và nhóm người Việt thân Pháp để chống Việt Minh. Quan điểm thứ hai là của Ed Gullian, Phụ Tá Trưởng Phòng Tình Báo cho Toà Lãnh sự HK. Gullian cho rằng HK không thể có chính nghĩa trong việc chống cộng ở VN nếu chỉ tiếp tục ủng hộ Pháp và nhóm thân Pháp, mà còn cần phải ủng hộ cả nhóm VN Quốc Dân Đảng. David Whipple giải thích, “Pháp và Việt Minh có một sự tương quan về vấn đề VN Quốc Dân Đảng. Việt Minh cần tiêu diệt mọi phe nhóm quốc gia càng nhiều càng tốt. Hành động nầy đã quá rõ ràng. Pháp thì muốn tiêu diệt VN Quốc Dân Đảng vì tổ chức nầy là của người quốc gia chân chính và vì VN Quốc Dân Đảng có vẻ có chính nghĩa để được quốc tế ủng hộ, kể cả HK. Pháp muốn thế giới Tây phương thấy rằng họ đang chiến đấu chống lại Việt Minh, một tổ chức của Cộng Sản, hơn là chống lại VN Quốc Dân Đảng, một tổ chức của người Quốc Gia chân chính ... Thành thử, Pháp và Việt Minh vừa chống nhau mà cũng vừa hợp tác với nhau để tiêu diệt VN Quốc Dân Đảng” [TOU, Tr. 4].
Trong khi Ed Gullian qua mặt Donald Heath để ráo riết yêu cầu Washington ủng hộ VN Quốc Dân Đảng trước khi Pháp và Việt Minh ra tay tiêu diệt đảng nầy, David Whipple liên lạc với người của VN Quốc Dân Đảng để tìm hiểu về lập trường của họ và đồng thời cũng để bầy tỏ tư thế của HK trong cuộc chiến “Pháp-Cộng”. Tuy nhiên Washington quyết định không can thiệp vào vụ VN Quốc Dân Đảng. Điều nầy cho thấy, vì quyền lợi với Pháp, Washington đã từ chối cứu VN Quốc Dân Đảng mặc dù vẫn biết rằng quân đội Viễn Chinh và các binh đoàn Thuộc Địa không có chính nghĩa bằng VN Quốc Dân Đảng trong con đường chống Cộng.        
Năm 1954, khi VN Quốc Đân Đảng chỉ còn là một tổ chức trên hình thức nhiều hơn là trên thực tế, và khi Pháp cũng sửa soạn rời bỏ VN vì đã thua Việt Minh, Washington bị hụt chân trong chính sách chống Cộng ở VN nên quay sang ủng hộ nhóm giáo dân VN, vì cho rằng đoàn thể TCG – La Mã là nhóm người có đủ lý do và thực lực để giúp HK chống Cộng tới cùng. Trong buổi phỏng vấn ngày 13-04-1994 với một cựu Trưởng Phòng Tình Báo của bộ Quốc Phòng HK, David Whipple cho thấy sự sai lầm của HK khi xem nhóm người TCG – La Mã là một khối có một thực lực đồng nhất. Whipple nói, “Điều nầy có thể đúng trên nhản quan của Vatican, nhưng ở VN mỗi Giám mục của một giáo phận là một lãnh chúa với đường lối cai quản khác nhau” [TOU, Tr. 5]. Mặc dù có một tinh thần chống cộng rất cao và kinh nghiệm của cuộc chiến Pháp-Cộng năm xưa, các giáo dân thường có khuynh hướng tin tưởng nhau vì mức đồng đạo hơn là dựa trên những điều tra về lý lịch một cách căn bản. Điều nầy đã trở thành một cơ hội thuận lợi cho người Cộng sản dễ bề trà trộn vào đoàn giáo dân di cư và xâm nhập vào Nam trong năm 1954.
Một trong những trường hợp điển hình nhất là vụ Phạm Xuân Ẩn. Ông Ẩn được coi là một tín đồ TCG  - La Mã sùng đạo nên rất được lòng tin cậy của hai Đức Giám mục của Giáo phận Bùi Chu lẫn Phát Diệm. Năm 1954, ông tháp tùng theo Đức Giám mục Lê Hữu Từ vào Nam với một sứ mạng hoàn toàn ngược lại với tinh thần chống Cộng của Đức Giám mục Từ. Khi Đại tá Edward Lansdale qua Sài Gòn cũng vào năm 1954, ông Ẩn đến liên lạc và xin gia nhập vào tổ chức cấy gián điệp ra Bắc. Sau khi được nhiều người chứng nhận là một “giáo dân trung kiên,” ông Ẩn bắt đầu làm việc cho văn phòng tình báo HK dưới danh xưng trá hình là văn phòng Sứ Quán Quân Sự Sài Gòn (Saigon Military Mission). Cả Lansdale và Đức Giám mục Từ đều không biết được Phạm Xuân Ẩn là một sĩ quan tình báo Cộng Sản với hơn 10 năm đảng tịch. Lúc còn ở ngoài Bắc, ông là Trưởng Phòng Tình Báo của Việt Minh ở tỉnh Thái Bình. Ông được chỉ thị vào Nam với mục đích xâm nhập vào tổ chức của Lansdale.

Kỳ 4:
(Nhật báo NGƯỜI VIỆT, ngày 12 tháng 11 năm 1996)

Thật ra Cộng sản cũng không phải tốn bao nhiêu công sức để tìm hiểu về hoạt động tình báo của HK. Trước khi qua Sài Gòn, Đại tá  Edward Lansdale đã nổi tiếng là một sĩ quan tình báo có thành tích chống cộng hữu hiệu ờ Philippines. Còn Thiếu tá Lucien Conein, phụ tá cho Lansdale là cựu sĩ quan OSS đã từng theo Archimedes Patti ra Bắc huấn luyện cho các biệt đội tình báo của Võ Nguyên Giáp hồi năm 1945. Thành thử, Cộng Sản chỉ cần nhắm vào hai sĩ quan tình báo cao cấp nầy là có thể tìm ra được nhiều chi tiết hoạt động khác. Trong hai năm đầu của kế hoạch cấy người ra Bắc (1954-1956), nhóm của Lansdale đã gởi tổng cộng khoảng 20 điệp viên và một số vàng trị giá gần 1 triệu đô-la thời đó. Được biết, số vàng nầy được chôn dấu dưới các căn nhà có nền xi-măng với mục đích để tổ chức một số lực lượng nổi dậy từ ngoài Bắc, nếu miền Nam bị đánh chiếm.
Thoạt đầu các gián điệp còn gởi báo cáo. Có tin còn cho hay số vàng đã được chôn dấu kỹ lưỡng. Tuy nhiên đến cuối năm 1956, mọi liên lạc với ngoài Bắc đều bị mất dấu một cách đột ngột. “Lou” Conein nói, “Miền Bắc hoàn toàn yên lặng. Giống như cái xách tay bị lũng đáy, (và đồ mất tự lúc nào mà không ai hay biết).” Năm 1961, CIA có nghĩ đến chuyện sử dụng điệp viên của Russ Miller để ra Bác thâu hồi lại số vàng, nhưng kế hoạch bị hủy bỏ vì không có cơ hội thành công [TOU, Tr. 26].
Ngoài chuyện Phạm Xuân Ẩn, tình báo HK còn bị thêm một yếu tố khác, có ảnh hưởng ít nhiều đến sự thất bại của các toán biệt kích nhảy Bắc trong suốt thập niên năm 1960. Năm 1954, trước khi triệt thoái khỏi VN, quân đội Viễn chinh Pháp có gởi một số sĩ quan người Việt từ các tiểu đoàn Thuộc Địa qua Pháp để được huấn luyện về tình báo. Lê Văn Bưởi, một cựu Thiếu tá Tình báo đang nằm chờ chết ở bịnh viện New York vì bịnh sưng màn óc, vẫn còn nhớ về những ngày khi ông được Pháp chọn đi thụ huấn. Lúc đó, ông là một thanh niên TCG – La Mã vừa ngoài 20 tuổi và rất sùng đạo. Ông nói, “Người Pháp cần những người Công giáo trung thành như chúng tôi để làm tai mắt cho họ trong cộng đồng VN. Khi Điện Biên Phủ mất, tôi là một trong những người được chọn đi Pháp để học khoá tình báo. Mục đích chính là để thành lập một nhóm Công giáo trung kiên ở lại miền Bắc làm gián điệp, sau khi Pháp rút đi trong năm 1955 [TOU, Tr. 61]. Thiếu tá Bưởi sau này được biệt phái ra miền Trung làm điệp viên cho tổ chức tình báo của Ngô Đình Cẩn. Trong một điệp vụ riêng cho ông Cẩn, ông Bưởi bị Cộng sản bắt và cầm tù hơn 20 năm trên đất Bắc.
Việc người Pháp bố trí một mạng lưới gián điệp ở lại miền Bắc cho thấy Pháp vẫn còn có ý muốn trở lại VN trong một tương lai gần. Tuy nhiên, đến đầu năm 1956, sau khi thấy cơ hội không thể nào thực hiện được phần lớn vì không còn được HK ủng hộ, Pháp chuyển giao các hồ sơ của mạng lưới gián điệp miền Bắc lại cho một vị linh mục. Theo Thiếu tá Bưởi, vị linh mục đó sau nầy được gọi về Vatican để nhận lãnh một chức vụ khác có liên quan đến vùng Đông Nam Á. Thỉnh thoảng, vị linh mục nầy có trở qua VN, giảng đạo ở thánh đường Huế. Mỗi lần qua, ông mang theo một số hồ sơ gián điệp của Pháp và giao lại cho Ngô Đình Nhu, cố vấn miền Nam của Ngô Đình Diệm. Sau nầy, cuối thập niên năm 1950, ông Nhu có chia sẽ một số hồ sơ đó cho tình báo HK, nhưng số lượng đó không cung ứng đủ tin tức để HK có thể thẩm định về tình hình của Cộng sản ở miền Bắc. Ngược lại, một số tin tức do tình báo HK gởi ra cho các gián điệp nầy để chuẩn bị đón nhận các toán biệt kích xâm nhập của HK đều gần như bị bại lộ.
Theo tài liệu “Đạo Quân Bí Mật, Chiến Tranh Bí Mật”, do Viện Ngiên Cứu Chiến Tranh Đặc Biệt của bộ Hải Quân HK vừa xuất bản hồi cuối năm 1995, toàn bộ kế hoạch Oplan-34 Alpha thả biệt kích ra Bắc từ năm 1961 đến năm 1967 bị thất bại một cách đáng kinh ngạc. Mãi đến khi Oplan-34 Alpha bị “đóng sổ”, HK mới biết được kế hoạch nầy có nội tuyến, ít nhất là ở hai trường hợp tiêu biểu. Trường hợp thứ nhất là việc một sĩ quan Truyền Tin của sở Liên Lạc là một gián điệp Cộng sản. Sở Liên Lạc có nhiệm vụ phối hợp với tình báo HK để thả biệt kích, và phần lớn mọi liên lạc với miền Bắc đều qua phòng thông tin của cơ quan nầy. Trường hợp thứ hai là Phạm Chuyên, một gián điệp Cộng sản được gài vào Sài Gòn để làm gián điệp đôi.
Năm 1959, Phạm Chuyên từ miền Bắc trốn vào Nam xin chiêu hồi. Ông tự khai là cháu của Phạm Văn Đồng, Thủ tướng của Cộng sản Bắc Việt và có đảng tịch khá cao. Tổ chức tình báo của bác sĩ Trần Kim Tuyến thâu nạp, cải huấn, và sau nầy đưa ông Chuyên qua cho HK sử dụng. Theo tài liệu của Liên Đội Cố Vấn Thám Sát (MACSOC)[4], Bộ Quốc Phòng HK, kế hoạch Oplan-34 Alpha đã thả tổng cộng là 52 toán với gần 500 biệt kích ra Bắc. Phạm Chuyên với bí danh ARES là toán đầu tiên, một người một, nhảy Bắc tháng 2 năm 1961 và vẫn còn giữ điện thoại thường xuyên với miền Nam cho đến tháng 4 năm 1969. Tất cả 51 toán còn lại đều được ghi nhận là đã bị mất tích, bị phục kích giết hoặc bị bắt ngay tại địa điểm thả. Toán cuối cùng là toán VOI, 4 người nhảy ngày 18-10-1967, bị mất liên lạc ngay sau khi xâm nhập.
Trong cuộc chiến tình báo, Cộng sản chẳng những đã cấy điệp viên ngay trong lòng tình báo của miền Nam VN và HK, mà còn có cả kế hoạch gài phản gián ngay trong mạng lưới tình báo TCG – La Mã “được chỉ thị ở lại miền Bắc.” Kế hoạch nầy là để đề phòng trường hợp có toán thoát khỏi lưới phục kích ở địa điểm xâm nhập. Biệt kích Trần Quốc Hùng xâm nhập thành công bằng đường biển vào HàTỉnh ngày 08-05-1962. Sau đó, ông lên Hà Nội để móc nối và bị bắt ngay tại ngôi nhà thờ mà ông nói rằng ông có nhiệm vụ “liên lạc với những linh mục đã từng cộng tác với Pháp trước năm 1955,” [TOU, Tr. 59]. Ông Hùng không thể nào biết được rằng đầu năm 1962, biệt đội phản gián đặc trách về việc chống lại các tổ chức TCG – La Mã, thuộc sở Công An Hà Nội, thừa hành Sắc Lệnh Tập Trung của đảng Cộng sản đã bắt giam gần hết các giới chức hàng giáo phẩm TCG – La Mã ở miền Bắc. Đa số các nhân vật còn lại là những thành phần đã chấp nhận làm “tai mắt” cho Cộng sản, hoặc đã được Cộng sản cho tự do để dễ bề theo dõi.
Năm 1989, trong một buổi phỏng vấn người Việt tị nạn, một vị linh mục gốc Hà Nội đã khai với nhân viên điều tra của Thượng Viện HK rằng ông đã từng hợp tác với tình báo Cộng sản VN. Đầu thập niên năm 1960, Đảng Cộng sản nói với những người như ông rằng mọi người cần phải hợp tác với chính quyền và đề cao cảnh giác về “những hoạt động xâm nhập của ngoại bang”. Ngoài khía cạnh tín ngưỡng, vị linh mục nầy có lẽ đã tin tưởng về một sự độc lập cần thiết cho VN sau gần một thế kỷ bị đô hộ nên chấp nhận hợp tác với sở Công An Hà Nội. Sau hơn 2 năm báo cáo các tin tức phản gián cho Cộng sản, ông bị bắt giam 15 năm khổ sai, không một lời tuyên án. Vị linh mục già ngồi khoanh hai tay trước ngực, người đong đưa nhè nhẹ trước tiếp liều tị nạn, như để vơi đi cơn đau. Khi được hỏi về những năm tù ở các trại giam Phong Quang và Tuyên Quang, ông chỉ có thể gằng được hai chữ, “Khổ nhục”. Vì ý thức chính trị hay tôn giáo, hơn một thế hệ người Việt đã trở thành những chiếc lá khô trong trận bão dân tộc, mặc cho căm thù dày xéo lên đời họ một cách vô nghĩa.

Vài Lời Ngõ Trước Khi Tiếp Tục Theo Dõi.
Chiến tranh VN là một cuộc chiến tranh dai dẳng và phức tạp nhất quân sử thế giới hiện đại. Từ năm 1945 đến năm 1975, nhiều dữ kiện cho thấy các phe nhóm tham dự cuộc chiến gồm có: Cộng Sản, Quốc Gia, Thực Dân Pháp, các đảng phái chính trị, các đảng phái tôn giáo, Hoa Kỳ và khối Đồng Minh. Nhưng dù muốn dù không, HK vẫn là siêu cường đã có ảnh hưởng trực tiếp nhất cho toàn bộ cuộc chiến. Thành thử, các khiá cạnh từ phiá hậu trường chính trị HK vẫn nói lên một giá trị quan trọng và đặc thù về những cái nhìn của giới chính khách của HK trong suốt thời gian chiến tranh.
Tuy nhiên, để có thể tiếp tục theo dõi và phân tích các diễn biến, vấn đề cần được khẳng định ngay từ lúc nầy là mỗi người trong chúng ta cần phải chuẩn bị cho mình một tinh thần cởi mở, hết sức vô tư và vô cùng bình tĩnh trước những dữ kiện lịch sử. Nếu có những điểm nào có liên hệ đến một vài đoàn thể của tôn giáo thì đó cũng có thể vì một vài nhân vật đã tự nguyện bước ra khỏi phạm vi của tôn giáo thuần túy để dấn thân vào lãnh vực chính trị hoặc quân sự. Nếu có những điểm nào cho thấy một số người lợi dụng tôn giáo để mưu đồ tham vọng cá nhân, xin hãy đừng quên rằng đa số các tín đồ chân chính của tôn giáo đó cũng là những nạn nhân trực tiếp nhất của sự lợi dụng, và chính xương máu của họ cũng đã đổ xuống một cách oan uổng.
Chiến tranh VN là nỗi nghiệt ngã chung cho toàn thể người VN, không phân biệt ý thức chính trị hoặc tôn giáo. Mặc dù phải chịu ảnh hưởng xung đột ý thức hệ giữa các trục siêu cường, một số nhân vật lãnh đạo của cả hai miền Nam Bắc cũng đã từng bám víuvào thời thế để bành trướng mộng bá vương hoặc để trục lợi hoàn cảnh, mặc cho người dân phải hứng chịu những tai ương tàn khốc. Thành thử, nếu muốn tạo dựng lại một tinh thần VN đoàn kết và vững chắc, tất cả mọi người VN chúng ta cần phải có khát vọng muốn tìm hiểu về những gì đã thật sự xãy ra cho quê hương nhược tiểu. Hiểu để thông cảm, để chia sẽ khổ đau của nhau. Hiểu để không còn đố kỵ và hiềm khích nhau. Nhất là hiểu để biết được tư thế của người Mỹ trong vấn đề chính trị trong tương lai. Cách đây 122 năm, triết gia Friedrich Nietzsche có nói, “Chỉ có những cá tính cứng cỏi mới có thể chịu đựng được lịch sử, còn những người nhẹ dạ đều đã bị lịch sử thiêu hủy.”

Nền Đệ I Cộng Hoà.
Ngày 10-06-1954, Vua Bảo Đại ký sắc lệnh 38/QT chuyển giao toàn quyền quyết định về dân sự lẫn quân sự cho Ngô Đình Diệm. Một tuần sau, ngày 26-06-1954, ông Diệm về nước nắm chức Thủ tướng. Ngày 07-07-1954, ông ra mắt Hội Đồng Nội Các gồm 16 tổng bộ trưởng. Vài năm sau, 14 trong 16 vị tổng bộ trưởng đó đã đứng qua tư thế đối lập hoặc trở thành kẻ thù của ông Diệm.
Đầu năm 1955, trong một cuộc tranh chấp quyền lực với Trung tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Miền Nam VN, một sĩ quan của Pháp đưa về để bảo vệ Bảo Đại, ông Diệm bị Bảo Đại cách chức vì lý do không còn được tín nhiệm. Tuy nhiên HK đồng ý trả 100 triệu đô-la bằng viện trọ quân sự cho quân đội Viễn chinh để Pháp chấm dứt ủng hộ Bảo Đại nên ông Diệm có tư thế không tuân hành lệnh giải nhiệm. Ngày 23-10-1955, qua sự vận động của tình báo HK và một số văn bút ở Sài Gòn, ông Diệm tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý. Trước khi trở về HK để lánh mặt trong cuộc bầu cử, Đại tá Edward Lansdale căn dặn ông Diệm, “Trong lúc vắng mặt, tôi không muốn bỗng nhiên nhận được tin ông đắc cử với tỉ số 99.99 phần trăm số phiếu,” [MCC, Tr. 62]. Ông Diệm đắc cử với tỉ lệ 98.2% và kết quả nầy cho phép ông chính thức truất phế Bảo Đại. Sau khi chỉnh đốn một số tệ trạng xã hội và củng cố quyền lực, ngày 26-10-1956, ông lên làm Tổng thống, dưới thể chế của một nền cộng hoà đầu tiên của miền Nam VN.

Kỳ 5:
(Nhật báo NGƯỜI VIỆT, ngày 13 tháng 11 năm 1996)

Từ năm 1954-1956 quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm thể hiện một số thành quả có tính cách cải cách xã hội. Chẳng hạn như vụ bài trừ á phiện, đóng cửa sòng bạc Kim Chung Đại Thế Giới, đóng cửa xóm mãi dâm Bình Khang, và truy tố một số chính khách về tội biển thủ ngân sách quốc gia. Tuy nhiên dư luận quốc tế khâm phục nhất là việc ông giúp đỡ cho hơn 850 ngàn người VN từ Bắc định cư trong Nam, trong số đó có hơn 700 ngàn là người TCG – La Mã. Thế giới Tây phương nhìn ông qua hình ảnh của một Thánh Moses đang dẫn dắt các con Chúa về miền đất hứa. Nhiều người ngoại quốc gốc TCG, sau khi hay tin cuộc di dân, đã tình nguyện qua VN làm công tác nhân đạo và xã hội trong các chương trình định cư. Một số viết sách ca ngợi thành quả tốt đẹp của nền Đệ I Cộng Hoà, làm tăng thêm uy tín ông Diệm trước quốc tế. Nhưng nếu thế giới Tây phương khen ngợi và HK đã lên tiếng khẳng định ủng hộ cũng như cương quyết bảo vệ ông Diệm cho đến gần cuối thập niên năm 1950, thì tại sao ông lại bị “bỏ rơi” cho đến sụp đổ trong năm 1963, và bằng một cái chết quá thê thảm?

Sự Ra Đi Trong Giới Quyền Lực.
Một trong những lý do quan trọng trong vấn đề Tổng thống Ngô Đình Diệm bị “mất tín nhiệm” với Tây phương là sự thay đổi trong giới quyền lực quốc tế đã từng ủng hộ ông trong thập niên năm 1950. Đức Giáo Hoàng Pius thứ XII mất năm 1958. Từ đó giáo hội TCG – La Mã đeo đuổi một quan điểm mới trong vấn đề đối ngoại. Nếu quan điểm của giáo hội trong thập niên năm 1940 là thoả hiệp với người Phát-Xít nhưng không thể dung hoà được với người Cộng sản thì bước sang những năm cuối cùng của thập niên năm 1950 và đầu thập niên 1960, giáo hội cũng đã bắt đầu thấy rằng chống Cộng bằng vũ lực hầu như không giải quyết được vấn đề cho nhân loại, nhất là ở VN. Quan điểm có tính cách chuyển hướng nầy là tư tưởng của Đức Giáo Hoàng John thứ XXIII, người thừa kế Đức Giáo Hoàng Pius thứ XII.
Đức Giáo Hoàng John thứ XXIII tên thật là Angelo Giuseppe Roncali sanh năm 1881 tại Ý. Trong lãnh vực chính trị và ngoại giao, Ngài đã từng là thành viên ngoại giao cho toà thánh ở vùng Balkan và Trung Đông (1925-1944), Đại sứ cho toà thánh (Đức Khâm Sứ) ở Pháp (1944-1953), và Đức Hồng Y của Venice (1953). Trên cương vị của một Đức Giáo Hoàng, Ngài rất chú trọng đến các vấn đề: cải tổ đường lối hoạt động của toà thánh, chủ trương sống hoà bình với thế giới, đề cao chuyện an cư lạc nghiệp cho xã hội, và khuyến khích đàm thoại giao hữu với các giáo phái khác, điển hình là việc hoà giải với giáo phái Tin Lành (Protestants) hồi năm 1962.
Ngài triệu họp đại hội Cộng Đồng Vatican II mà mục đích chính là để điều nghiên lại tư thế của giáo hội trong bối cảnh của thế giới hiện đại. Thập niên năm 1960 được ghi nhận là thập niên có nhiều biến chuyển quan trọng trong vấn đề ý thức hệ của nhiều sắc dân trên thế giới. Năm 1870, nếu Cộng Đồng Vatican I [5] đã phán quyết rằng “chủ trương của Đức Giáo Hoàng không bao giờ sai” thì  97 năm sau, Cộng Đồng Vatican II biểu quyết rằng chủ trương của Đức Giáo Hoàng vẫn có thể được sửa đổi để cho phù hợp với tình thế của xã hội. Kết quả của đại hội Cộng Đồng Vatican II kêu gọi nhiều sự cải tổ từ trong căn bản của giáo luật, chẳng hạn như: không còn nghiêm cấm chuyện lấy người “ngoại đạo”, chấp nhận chuyện thờ cúng ông bà tổ tiên, và cho phép làm lễ bằng ngôn ngữ địa phương thay vì bằng tiếng Latin, vân vân. Nói cách khác, Đức Giáo Hoàng John thứ XXIII là Đức Giáo Hoàng được thế giới yêu mến nhất trong lịch sử hiện đại [CUP, “John XXIII”].
Năm 1962 cũng là thời điểm mà một số giới chức Việt Nam đã cho rằng chính quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm có gửi người đi họp mật với Cộng Sản Bắc Việt để tìm một giải pháp mới cho cuộc chiến tranh Việt Nam [NGU, Trg.?].
Tiếp tục với chuyện ra đi trong giới quyền lực quốc tế, Ngoại trưởng John Foster Dulles bị bịnh chết năm 1959, Allen Welsh Dulles, Giám đốc CIA bị mất chức năm 1961 và Dwight Eisenhower hết nhiệm kỳ tổng thống cũng vào năm 1961. Từ đó người gần như là duy nhất còn lại và có quyền hành để có thể tiếp tục ủng hộ ông Diệm hay không là Tổng thống John Fitzgerald Kennedy. Tuy nhiên vấn đề không thể chỉ đơn giản ở chỗ “quyền lực ủng hộ” đã bị thay đổi. Theo các điểm đã trình bày ở phần “Xây Dựng Thành Trì Chống Cộng” thì những người đã ra đi đều là những người đã chọn ông Diệm vì lý do tôn giáo nhiều hơn là vì nhu cầu chiến lược toàn cầu của Hiệp Chủng Quốc. Bài toán chính trị hỗn hợp của những phe nhóm muốn can dự vào VN của thập niên năm 1950 vẫn còn một hàm số để làm hậu thuẫn cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, nếu HK nghĩ rằng ông Diệm vẫn còn đủ thực lực để “chống Cộng” theo cường độ “cực lực” mà ông đã phát biểu. Điều gì đã làm HK không còn tín nhiệm ông?

Hung Thần Tây Ban Nha.
Năm 1971, dựa theo tập tài liệu “Hồ Sơ Ngũ Giác Đài”, bình luận gia Neil Sheehan có đúc kết một phần nhận định về chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm như sau, “Ngay từ những ngày đầu, chính cá nhân của Tổng thống Diệm và quan niệm chính trị của ông đã làm giảm thiểu hiệu năng của chính quyền … Được trưởng thành trong một gia đình vừa cuồng tín theo TCG - La Mã, vừa mang nặng tính phong kiến của giai cấp quan lại thống trị, ông Diệm là một người độc đoán, cô chấp, thơ lại, đa nghi và câu nệ về phương diện luân lý. Tinh thần của ông là tinh thần của một ‘Spanish Inquisitor’ …,” một loại hung thần của Tây Ban Nha thời Trung Cổ, [SHE, Tr. 70-72].
Ngô Đình Diệm làm quan lên đến chức Thượng thư Bộ Lại, tương đương với chức Bộ Trưởng Giáo Dục gần 10 năm cho triều đình thân Pháp, trong thời kỳ đất nước còn bị đặt dưới quyền bảo hộ của người Pháp (1923-1933). Ngô Đình Khôi, anh của Ngô Đình Diệm, làm Tổng Đốc ở Quảng Nam, tương đương với chức tỉnh trưởng, cho đến khi bị Việt Minh xử tử cùng với người con trai lớn vì mang tội theo Pháp. Năm 1885, trong khi người VN trong phong trào Cần Vương phò vua Hàm Nghi nổi lên chống Pháp, Ngô Đình Khả, thân phụ của Tổng thống Diệm, làm quan chức An Phủ Sứ chuyên lo việc “dẹp loạn” dưới quyền điều khiển của một sĩ quan Viễn Chinh, một Ủy Viên Chính Phủ Bảo Hộ vùng Bắc Trung Kỳ. Sau năm 1893, ông Khả được phong làm Tổng Quản Cấm Thành (Palace Superintendent) dưới thời vua Thành Thái.
Năm 1984, chương trình “Vietnam: A Television History” trên đài PBS có đối chiếu hai khúc phim tài liệu của 2 lãnh tụ trong cuộc chiến tranh “Quốc-Cộng”: một người là Hồ Chí Minh với miếng khăn trầu, đang đứng dưới sình lầy cấy mạ với nông dân; và một người là Ngô Đình Diệm đang ngồi chễm chệ trên chiếc ghế bành của một chiếc thuyền, do một số sĩ quan đang đứng dưới đẩy, theo sau là một toán lính bồng súng trong tư thế giàn chào hơn là  để bảo vệ. Điều nầy cho thấy, nếu Hồ Chí Minh là một người với nhiều thủ đoạn, đang diễn xuất dưới sình với chủ đích mị dân trong hoàn cảnh đấu tranh chính trị của đất nước thì hình ảnh của Ngô Đình Diệm trên chiếc thuyền nhắc nhở cho khán giả HK về các triều đại phong kiến hồi thế kỷ thứ 19 ở các nước thuộc địa, nhiều hơn là về một tổng thống của một nền dân chủ hay cộng hoà.

Đúng hay sai, “Hồ Sơ Ngũ Giác Đài” vẫn hướng người Mỹ về con người của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Lời nhận định vừa nêu ra cho thấy hồi năm 1954 nếu Ngoại trưởng John Foster Dulles và một thiểu số chính khách HK đã chọn ông Diệm trên căn bản của một người có cùng một niềm tin nơi TCG (Christianity) cùng đạo và cực lực chống Cộng thì năm 1963 hình ảnh của một Spanish Inquisitor là một trong những lý do quan trọng mà HK không dám và không thể tiếp tục ủng hộ ông. Thành thử muốn hiểu được thái độ của HK và của thế giới Tây phương nói chung đối với các “Spanish Inquisitor”, những danh từ như “inquisitor” và  “inquisition” cần phải được tham khảo một cách cặn kẻ và đúng theo nguyên vị của chúng trong lịch sử.
“Inquisition” có 3 nghĩa tùy theo lối sử dụng trong câu văn. Thứ nhất là một sự kết tội và tuyên án của toà thánh TCG – La Mã (The Roman Catholic Church) đã từng áp đặt nhằm mục đích đè bẹp các giáo phái khác. Thứ hai là một cuộc điều tra có tính cách vi phạm đến đời tư và quyền tư hữu của người khác. Và thứ ba là một cuộc tra khảo có tính cách nghiêm khắc và tàn nhẫn [MIF, “Inquisition”]

Kỳ 6:
(Nhật báo NGƯỜI VIỆT, ngày 14 tháng 11 năm 1996)

“The Spanish Inquisition” là thời kỳ hoàng gia Tây Ban Nha ra lệnh bắt bớ và tàn sát những người theo các giáo phái khác vì cho là “dị giáo”. Thời kỳ nầy bắt đầu từ năm 1478, khi Hoàng Hậu Isabella de Castille khởi động phong trào bắt bớ những người Do Thái mặc dù đã theo TCG – La Mã nhưng vẫn còn bí mật duy trì những tục lệ của Do Thái Giáo. Năm 1483, Vua Ferdinand và Hoàng Hậu Isabella cử giáo sĩ Tomas de Torquemada của giòng tu Spanish Dominican lên nắm quyền tư lệnh để thi hành chương trình “Iquisition” trên toàn lãnh thổ và những vùng thuộc địa của Tây Ban Nha. Năm 1487, Đức Giáo Hoàng Innocent thứ VIII phong thưởng cho giáo sĩ de Torquemada danh hiệu “The Grand Spanish Inquisitor”, một “inquisitor” vĩ đại, và ra lệnh khởi động chương trình “Inquisition” trên toàn thế giới.
Ngày 31-03-1492, Hoàng gia Tây Ban Nha ra sắc lệnh bắt buộc 150 ngàn người Do Thái ở thành phố Granada phải bán tháo hết của cải để rời khỏi Tây Ban Nha trước ngày 31 tháng 7 vì lý do để làm sạch cho “danh dự và sự rực rở của Thượng Đế”. Hàng ngàn người Do Thái phải miễn cưỡng “theo đạo” nhưng sau nầy vẫn bị nguyền rủa là “Los Marranos” (Loài Heo Dơ Bẩn). Hơn 60 ngàn người phải đút lót tìm đường vào định cư ở Bồ Đào Nha. Một số khác được Hoàng đế Bajazet của Ottoman (Cổ Thổ Nhỉ Kỳ) thâu nhận, mặc dù giáo phái chính của đế quốc nầy là Chánh Thống Giáo (Orthodox).
Năm 1499, một “Spanish Inquisitor” khác là Tướng Francisco Jimenez de Cisneros áp đặt phương cách làm lễ biến đổi những người “dị giáo” sang TCG – La Mã một cách tập thể, và chuyện nầy đã bắt lửa cho cuộc đại loạn đẫm máu ở Granada. Năm 1543, các “Spanish Inquisitor” ra lệnh xử đốt những người Tin Lành (Protestants) trên các phong thánh giá. Cuộc đàn áp tôn giáo nầy kéo dài 342 năm. Năm 1820, khi Hoàng đế Ferdinand thứ VII ra lệnh chấm dứt thời kỳ “Inquisition” thì đế quốc Tây Ban Nha cũng đã mất gần hết các thuộc địa vùng Trung Mỹ, [TRA, “Human Rights and Social Justice”: 1478, 1483, 1492, 1499, 1543, 1820]. Gần thế kỷ sau, ngày 14-11-1994, trong một bài hiệu triệu gởi các hàng giáo phẩm của TCG – La Mã, Đức Giáo Hoàng John Paul thứ II lên tiếng kêu gọi “Giáo hội của Ngài cần phải ăn năn thống hối đối với những tội lỗi mà người TCG – La Mã đã lầm lẫn gây ra trong quá trình lịch sử, chỉ vì họ đã bảo vệ đức tin một cách quá nhiệt thành”. Ngài nói, “Giáo hội TCG – La Mã không thể nào bước qua được ngưỡng cửa của thiên niên kỷ mới nếu không khuyến khích giáo dân hãy rửa mình cho tinh khiết, bằng cách ăn năn về những lỗi lầm trong quá khứ”, [LAT].

Hoa Kỳ và Tôn Giáo.
Đối với HK, mặc dù là một đất nước được gầy dựng trên nền tảng luân lý và đạo đức của niềm tin nơi Thiên Chuá (Judeo-Christian), tổ tiên của người Mỹ là những người Âu châu đã từng bỏ chạy qua đây để tránh sự ruồng bắt của Toà Thánh La Mã trong thời kỳ “Inquisition”. Thành thử, Hiến Pháp HK nghiêm cấm và tách rời mọi sự liên hệ về quyền lực chính trị giữa chính quyền và tôn giáo, không phải chỉ vì trình độ ý thức chính trị cao mà còn là vì những kinh nghiệm đau đớn có thật lúc trước. Nếu HK đã cấm bang giao với Cộng Sản Trung Quốc trong 23 năm (1949-1972), với Cộng Sản VN trong 19 năm (1975-1994) vì không tương quan trên chính kiến và quyền lợi, thì HK cũng đã từng cấm bang giao với Vatican trong 117 năm (1867-1984). Điều nầy cho thấy, trong thập niên năm 1950, Ngô Đình Diệm được Đức Hồng Y Spellman và các Ủy Viên Chính Trị Tôn Giáo của một số nhà thờ Mỹ đưa đi gặp một số giới chức HK chẳng những phải bằng trường hợp bí mật để che dấu nhân dân HK mà còn không thể nào hợp pháp được với hiến pháp của Hiệp Chủng Quốc. Trong khi ông Diệm cho giới chức HK biết rằng ông “tin tưởng vào Vatican và ông chống Cộng cực lực” thì năm 1960, Thượng nghị sĩ John F. Kennedy đã phải khẳng định với Phó Tổng thống Richard Milhous Nixon và hằng chục triệu người Mỹ rằng mọi quyết định của ông trên cương vị của một Tổng thống Hiệp Chủng Quốc sẽ không thể nào bị chi phối bởi tôn giáo của ông. Lý do là vì Kennedy đang tranh cử để trở thành vị tổng thống đầu tiên và duy nhất của HK cho đến ngày hôm nay là người TCG – La Mã, trong một quốc gia mà gần 80 phần trăm dân số không phải là người có cùng giáo phái, và không có quyền bang giao với Vatican, [WAR, ‘Census of Religious Groups in the U.S.”].
Richard M. Nixon và dư luận người Mỹ thắc mắc về trường hợp tín ngưỡng của John F. Kennedy không phải vì tôn giáo nhưng là vì chính trị. HK là một quốc gia chấp nhận đa tôn giáo với hơn 180 hệ phái từ đủ mọi tôn giáo, trong đó có khoảng 60 triệu là người TCG – La Mã. Vatican vừa là toà thánh với nhiệm vụ phát huy và bảo tồn giáo luật vừa là một quốc gia có nhiệm vụ phát biểu và khẳng định quan điểm chính trị để bảo vệ quyền lợi đối với các quốc gia khác trong cộng đồng thế giới. Và Kennedy muốn trở thành tổng thống của một quốc gia đang bị cấm bang giao với quốc gia mà tâm linh ông tin tưởng là điều mà nhân dân HK có quyền muốn biết trong năm 1960. Nỗi thắc mắc nầy đã hiện ra trong cuộc bỏ phiếu với sự kiện Kennedy được trội hơn Nixon chỉ có 113,057 dân phiếu trong tổng số 69 triệu phiếu đi bầu, có nghĩa là chưa được 2 phần ngàn số phiếu [6], [TRA, “Political Events – 1960”].
Thành thử, nếu Ngô Đình Diệm đã trở thành một “Spanish Inquisitor” thì ngay cả Kennedy cũng không thể nào có thẩm quyền để tiếp tục dung túng ông. Và nếu vấn đề “Inquisition” đã từng có thật ở miền Nam VN thì Cộng sản không phải là nỗi kinh hoàng duy nhất đã xãy đến cho dân tộc Việt.

“Hồ Sơ Ngũ Giác Đài”.

Năm 1968, sau khi thấy rằng mọi chiến lược và chiến thuật áp dụng ở VN hầu như đều không thành công, Bộ trưởng Robert S. McNamara ra lệnh thành lập một ủy ban cao cấp đặc biệt để điều nghiên về những gì đã thật sự xãy ra ở Đông Nam Á, kể từ sau cuộc Đệ II Thế Chiến cho đến hết tháng 5 năm 1968. Vì chương trình có tính cách học tập nội bộ, ủy ban đặc biệt được toàn quyền ghi chép lại tất cả những dữ kiện tìm thấy mà không sợ phản ứng chính trị hoặc “đụng chạm”. Chương trình nầy được mang tên là “Hồ Sơ Ngũ Giác Đài” và được định loại tối mật.

Tháng Giêng năm 1969, chương trình “Hồ Sơ Ngũ Giác Đài” được hoàn tất với một bản tài liệu gồm 47 tập. Nhiều dữ kiện trong đó cho thấy các giới chức soạn thảo chính sách của HK đã quyết định sai lầm phần lớn vì thiếu hiểu biết về tình hình chính trị của VN và vì bản tánh kiêu ngạo của họ. Trầm trọng hơn hết là chính phủ HK đã liên tiếp che dấu nhân dân HK về mức độ thật sự mà quân đội HK đã bị trưng dụng ở Đông Nam Á. Giữa năm 1971, trước sự “lừa dối qui mô” nầy, Daniel Ellsberg, một nhân viên cao cấp của Bộ Quốc Phòng đem bản sao của bộ tài liệu dầy 3 ngàn trang và chuyển giao cho nhật báo New York Times để công bố cho quần chúng. Ngày 13-06-1971, New York Times bắt đầu đăng một số bài bình luận dựa trên những tài liệu của tập “Hồ Sơ Ngũ Giác Đài”. Vài tuần sau, John Mitchell, Bộ Trưởng Tư Pháp yêu cầu New York Times ngưng trích đăng tập tài liệu với lý do là các bài viết nầy sẽ làm nguy hại đến vấn đề “an ninh phòng thủ của HK tới một mức độ không thể nào hàn gắn”. New York Times từ chối lời yêu cầu và chia sẽ tập tài liệu với nhật báo Washington Post. Bộ Tư pháp xin trát toà liên bang để ngăn cấm báo chí sử dụng tập tài liệu nhưng Tối Cao Pháp Viện phủ quyết chuyện ngăn cấm đăng tải vì lý do vi phạm đến quyền tự do báo chí mà hiến pháp đã qui định. Ngày 12-09-1971, chính phủ truy tố Ellsberg và Anthony Russo, một người đồng loã, về 3 tội trạng: ăn cắp, gián điệp và âm mưu phá hoại chính phủ. Ngày 11-05-1973, toà án liên bang tha bổng mọi cáo trạng vì lý do chính phủ đã có những hành vi bất hợp thức. Từ đó, tập “Hồ Sơ Ngũ Giác Đài” được dư luận HK xem là một trong những tập tài liệu trung thật về chiến tranh VN, ít nhất là trên cái nhìn của những giới chức HK có liên hệ [CUP, “Pentagon Papers”], [TRA, “Communication & Media, 1971”].

Hiệu Quả của Chính Phủ Ngô Đình Diệm.

Trở lại phần nhận định về chính phủ của Ngô Đình Diệm, “Hồ Sơ Ngũ Giác Đài” tiếp tục viết, “Bộ máy chính trị của ông Diệm quả thật là một định chế gia đình trị, được tổ chức cứng ngắc và có đặc tính trung ương tập quyền quá mức ... Tổng thống Diệm vẫn tiếp tục là nhà cai trị không thể chối cãi được của miền Nam VN. Tất cả những vấn đề trọng đại và thứ yếu đều do chính ông quyết định.” Điều nầy cho thấy, ông Diệm đã biết hầu hết các chuyện lạm dụng quyến hành của ông bà Ngô Đình Nhu, ông Ngô Đình Cẩn, Đức Giám Mục Ngô Đình Thục nhưng vẫn chấp nhận dung túng họ một cách vô điều kiện.
Về tổ chức chính phủ, “Hồ Sơ Ngũ Giác Đài” viết, “Chế độ của ông Diệm phản ảnh quan niệm của ông: Bộ mặt chính phủ đại nghị vẫn được duy trì nhưng trên thực tế, chính phủ đã cai trị một cách hoàn toàn độc đoán ... Quyền lập pháp của Quốc hội bị giới hạn chặt chẽ, quyền tư pháp không được phát triễn và bị lệ thuộc vào hành pháp. Thành phần nhân sự của hành pháp lại không ai khác hơn là những thuộc hạ của ông.” Điều nầy cho thấy, Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm không khác nhau trong chính sách cai trị đất nước. Khác hay không chỉ trên hình thức và trên nhân sinh quan.

Về các chương trình cãi cách đất nước, “Hồ Sơ Ngũ Giác Đài” viết:
Các chương trình nhằm gia tăng an ninh ở nông thôn đã được thực hiện một cách tồi tệ đến nỗi thay vì tạo được sự phân cách giữa quân phiến loạn và nông dân thì chương trình nầy lại tạo sự phân cách giữa nông dân và chính quyền. Hậu quả là đáng lẽ an ninh phải được gia tăng thì bị suy giãm ... Chương trình Dân Sự Vụ được quan niệm như một công cụ để tạo mối cảm thông giữa chính phủ Sài Gòn và dân quê nhưng đã không đạt được mục tiêu khi ông Diệm đưa toàn người Bắc di cư và tín đồ TCG – La Mã về thôn ấp. Đối với dân quê (miền Nam), các đoàn dân sự vụ đó là những người ngoại cuộc (outsiders) ... Chương trình Cải Cách Điền Địa thay vì phân phối đất cho người nghèo, kết cuộc chỉ để tước lấy lại những gì mà nông dân đã được Việt Minh cấp phát để đem trả lại cho điền chủ.” Năm 1957, HK có cấp một số tiền khá lớn để ông Diệm mua ruộng của điền chủ và phân phát lại cho nông dân. HK nhận thực rằng truất hữu ruộng đất để cấp phát cho dân nghèo là một trong những kế hoạch chiến tranh tâm lý quan trọng nhất để giúp miền Nam ngăn chận tình trạng các tá điền bất mãn bỏ theo Cộng sản. Ông Diệm chỉ chính thức thi hành chương trình nầy vào năm 1959 và sau khi ông bị lật đổ vào năm 1963, chỉ có khoảng 150 ngàn trong tổng số 1 triệu tá điền của miền Nam VN được cấp ruộng đất. Nói cách khác, “15% dân số (điền chủ) vẫn làm chủ gần 75% đất đai của miền Nam VN. Nhưng mỉa mai thay cho tổng số ruộng đất mầu mỡ đó, năm 1959, “miền Nam VN đã phải bắt đầu nhập cảng khoảng 20 triệu Mỹ kim thực phẩm” cho cái gọi là “Thực phẩm cho Hoà Bình”, [FIT, Tr. 101-104]. Điều nầy cho thấy, một là đa số tá điền đã bỏ theo Cộng sản, hai là vì thôn quê miền Nam không còn được an ninh, có nghĩa là các chương trình Dinh Điền không được thành công.
Trong chiến dịch gọi là Tố Cộng bắt đầu từ mùa Hè năm 1955, từ 50 ngàn đến 100 ngàn người bị nhốt vào các trại tập trung. Trong số những kẻ bị giam cầm, có rất nhiều người không liên hệ gì đến Cộng sản”. Năm 1954, đa số các cán bộ Cộng sản đã tập kết ra Bắc để chuẩn bị cho một giai đoạn mới của cuộc chiến tranh VN. Mặc dù Cộng sản vẫn còn lưu lại một số cán bộ hạ tầng để làm công tác móc nối tuyên truyền và giao liên; số lượng nầy khó có thể nào lên đến con số hàng chục ngàn mà HK đã nhận được từ phiá chính quyền của ông Diệm. Điều nầy cho thấy, một là các con số báo cáo đã bị ngụy tạo như một bằng chứng để xin thêm tiền viện trợ chống Cộng, hai là có rất nhiều người không phải là Cộng sản nhưng vẫn bị bắt vì oán thù cá nhân hoặc vì nhu cầu của chỉ số cần bắt.


Bài viết chưa kết thúc nhưng Nhật báo Người Việt đã … cho chấm dứt loạt bài ở đây mà không đưa ra một lời giải thích nào. Theo chổ chúng tôi biết, tác giả/bút hiệu “Lương Minh Sơn” cũng không thấy xuất hiện trên các tạp chí ở hải ngoại. Thật tiếc ! - NG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét