TRẦN TRỌNG KIM VÀ "VIỆT NAM SỬ LƯỢC"
An Chi
(Petrotimes) -
Bạn đọc: Tạp chí Xưa & Nay số 346 có
đăng bài “Trần Trọng Kim với Việt Nam Sử Lược” của Mai Khắc Ứng, hết lời
ca ngợi Trần Trọng Kim và quyển sử của ông ta. Xin ông An Chi vui lòng cho
biết, ông có đồng tình với sự đánh giá của tác giả Mai Khắc Ứng hay không? Xin
cảm ơn. Nguyễn Hữu Vinh (Q.1, TP HCM)
Học giả An Chi: Trong cái bài đầy dụng
ý bào chữa và đề cao này, sau phần mào đầu, tác giả Mai Khắc Ứng đã ca ngợi
Trần Trọng Kim: “Viết như vậy mới đích
thực là nhà sử học. Có nói có. Không nói không. Sai nói sai. Đúng nói đúng”.
Và cuối cùng, Mai Khắc
Ứng kết luận: “Với tôi, Trần Trọng Kim
qua Việt Nam Sử Lược là một người yêu nước thành tâm, một nhà sử học chân
chính, trung thực, một người cầm bút có nhân cách, một học giả xuất sắc đã cống
hiến phần trí tuệ, chí ít cho các thế hệ nửa đầu thế kỷ XX (…)”.
Vậy ta hãy thử đi vào
tận “gan ruột” cuốn Việt Nam Sử Lược và tận “tim” của Trần Trọng Kim xem có
thật đúng như Mai Khắc Ứng đã khẳng định hay không. Trong cuốn sách dày 588
trang của mình (chúng tôi dùng bản của NXB Tân Việt - Hà Nội, in và phát hành
tại Sài Gòn, 1949), Trần Trọng Kim đã dành 470 trang cho thời gian từ khởi thủy
đến trước khi Pháp cướp nước ta. Số trang còn lại viết về lịch sử nước ta từ
khi “Nước Pháp lấy đất Nam Kỳ” (quyển
V, chương VII) đến “Công việc của Bảo hộ”
(cùng quyển, chương XVI). Trong gần 100 trang này, hai trang 487-488 đã nói lên
tận đáy lòng của Trần Trọng Kim, sự trung thành của ông ta đối với nhà nước Đại
Pháp mà ông ta không thể không mang ơn khi chính bản thân mình lại là sản phẩm
do chế độ cai trị và chính sách giáo dục của nó đào tạo ra.
Trần Trọng Kim thi đỗ
vào Trường Thông ngôn năm 1900, rồi đến 1903 thì tốt nghiệp. Năm 1904, ông ta
làm Thông sự ở Ninh Bình. Năm 1905, sang Pháp học Trường Thương mại ở Lyon, rồi
được học bổng vào Trường Thuộc địa Pháp. Năm 1909, vào Trường Sư phạm Melun rồi
về nước sau khi tốt nghiệp và dạy Trường Trung học Bảo hộ (Trường Bưởi), Trường
Hậu bổ và Trường nam Sư phạm. Từng là Thanh tra Tiểu học (1921), Trưởng ban
Soạn thảo Sách Giáo khoa Tiểu học (1924), dạy Trường Sư phạm thực hành (1931),
Giám đốc các trường nam tiểu học tại Hà Nội (1939). Ông ta còn là Phó trưởng
ban Văn học của Hội Khai trí Tiến Đức và đặc biệt còn là Nghị viên Viện Dân
biểu Bắc Kỳ nữa. Bảo Trần Trọng Kim đừng biết ơn nhà nước Đại Pháp sao được?
Trong hơn 20 vạn chữ của
cả quyển sách, Trần Trọng Kim đã đền ơn Nhà nước Bảo hộ chỉ bằng vài chục chữ
len lỏi ở mấy chỗ thực sự đắc địa trong cái rừng chữ rậm rịt đó. Đây mới là
điều thực sự nguy hiểm và vô cùng tai hại. Nó như một kẻ bắn tỉa, nấp ở một chỗ
tuyệt đối an toàn để bắn cho đúng vào não của người đọc làm cho anh ta hoàn
toàn không kịp phản ứng về nhận thức. Đây chính là cái điểm son, không phải
chói lọi, mà tiềm ẩn, giúp cho Trần Trọng Kim trả được cái ơn đối với công lao đào tạo của nhà nước Đại Pháp. Có
lẽ vì quá mê mẩn tâm thần với “dòng sữa
ngọt rót vào tâm hồn tôi” (chữ của Mai Khắc Ứng chỉ Việt Nam Sử Lược) nên
tác giả Mai Khắc Ứng đã không thấy, hoặc lờ đi vì đồng tình, cái chỗ rất tệ hại
này của Trần Trọng Kim khi nhà làm sử này viết:
“Trong
thời đại khó khăn như đời vua Dực Tôn, mà vua quan cứ khư khư giữ lấy thói cũ,
không biết theo thời mà mở nước cho người ta vào buôn bán, không biết nhân dịp
mà khai hóa dân trí, lại vì sự sùng tín mà đem giết hại người trong nước, và
đem làm tội những người đi giảng đạo. Bởi những sự lầm lỗi ấy, cho nên nước
Pháp mới dùng binh lực để báo thù cho những người bị giết hại” (Xin theo
chính tả hiện hành cho tiện - Sđd, tr.487).
Cái câu “Bởi những sự lầm lỗi ấy, cho nên nước Pháp
mới dùng binh lực để báo thù cho những người bị giết hại” của Trần Trọng
Kim là một câu “xanh rờn” mà bất cứ người Việt Nam nào thông thạo tiếng mẹ đẻ
và có tinh thần dân tộc cũng có thể nghĩ là do một “ông Tây mũi lõ” viết ra để bào chữa cho âm mưu của giặc Pháp nhằm
cướp nước Đại Nam chứ không phải do một anh an-na-mít mũi tẹt viết ra trong
quyển sách có nhan đề là Việt Nam sử lược.
Anh mũi tẹt này lẽ ra phải biết rằng, dù dân tình của nó ra sao, dù vua quan
của nó thế nào thì Đại Nam vẫn là một quốc gia có chủ quyền. Bọn Tây mũi lõ nếu
không muốn bị giết hại thì đừng có xâm
phạm lãnh thổ của người ta mà làm chuyện bất hợp pháp. Chúng phải biết rằng
- và Trần Trọng Kim càng biết rõ hơn chúng! - Đại Nam là một nước theo tam giáo
từ lâu đời nên đối với thứ đạo mà mấy ông Tây râu xồm đem vào thì người ta dễ
xem là tà đạo nên kỳ thị là chuyện dễ hiểu. Chẳng phải chính Công giáo cũng từng kỳ thị việc thờ cúng ông bà của lương dân
Việt Nam và từng bắt ép người lấy vợ hoặc chồng Công giáo cũng phải theo đạo
của họ hay sao? Chẳng phải cố đạo Alexandre de Rhodes từng phỉ báng Đức Thích
Ca là “thằng hay dối” trong Phép giảng
tám ngày đó sao?
Cố đạo Alexandre de
Rhodes (1591-1660) và hình bìa cuốn Cathechismus tức
“Phép giảng tám ngày
cho kẻ muốn chịu phép rửa tội” (Roma, 1651)
Vậy thì trong cái thế
“đối đầu tôn giáo” đó, chủ trương cấm đạo của nhà Nguyễn là một việc làm mà hậu
thế phải thông cảm vì thực ra đằng sau
việc truyền đạo còn là chuyện gì nữa thì có lẽ các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và
Tự Đức đã tiên cảm đúng hơn là Trần Trọng Kim, mặc dù tác giả này có điều
kiện để biết rõ ràng và dễ dàng hơn. Ta cũng nên biết rằng, trước đó hơn ba thế
kỷ, việc truyền đạo (Công giáo) đã đi
đầu trong công cuộc thuộc địa hóa châu Mỹ Latinh của bọn thực dân da trắng;
điều này đã buộc Giáo hoàng John-Paul II phải xin lỗi các dân tộc bản địa châu
Mỹ Latinh trong cuộc họp của Hội đồng Giám mục Mỹ La Tinh năm 1992. Sau chuyến
viếng thăm 5 ngày gây bất bình của Giáo hoàng Benot XVI tại Brazil hồi trung
tuần tháng 5/2007, nhà nữ thần học Cecilia Domevi, chịu trách nhiệm về những
vấn đề của người bản địa châu Mỹ trong Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh, đã nói với
phóng viên AFP rằng, việc truyền đạo đã
diễn ra như là một sự xung đột giữa các nền văn hóa và gây phương hại toàn diện
cho người bản địa.
Trong một quyển sách về
lịch sử nước mình, nhà sử học và cựu Tổng thống Bolivia là Carlos Mesa đã chỉ
ra rằng, bọn xâm lược và các giáo sĩ đã
triệt diệt không phân biệt tất cả các thần linh của người bản địa và áp đặt
việc lập bàn thờ với cây thánh giá và hình của Đức Mẹ. Còn Mauricio Arias,
nhà lãnh đạo tối cao của Hội đồng Quốc gia người bản địa Aymara thì khẳng định
rằng, (đạo) Công giáo đã được áp đặt bằng vũ lực. Luis Evelis Andrade, Giám đốc
Tổ chức Quốc gia người bản địa ở Colombia nói: “Với tư cách là những dân tộc bản địa, nếu chúng tôi là tín đồ thì chúng
tôi không thể chấp nhận việc Giáo hội chối bỏ trách nhiệm của họ trong việc
triệt tiêu bản sắc và văn hóa của chúng tôi”. Trong bài viết ngày 19/5/2007
về tội diệt chủng đối với người bản địa châu Mỹ, Jacques Serieys đã khẳng định
rằng, Giáo hội Công giáo đã đóng một vai
trò trung tâm trong cuộc chinh phục rồi thuộc địa hóa châu Mỹ Latinh của Tây
Ban Nha và đã gây ra cái chết cho từ 80 đến 93% dân số của lục địa này, ước
tính đã có từ 80 đến 100 triệu người vào năm 1492.
Chúng tôi phải dài dòng
như trên để chứng minh rằng việc cấm đạo
của ba vị vua triều Nguyễn là có lý chứ không phải là việc đáng phê phán,
thậm chí đáng lên án, như có những người đã từng phát biểu. Sự thể là như vậy
nhưng ngay ở một đoạn dưới, Trần Trọng Kim còn “điều trần” như sau:
“Nguyên từ
năm Tân Hợi (1851) là năm Tự Đức thứ 4 về sau, nghĩa là từ khi có tờ dụ cấm đạo
lần thứ hai, ở Bắc Kỳ có mấy người giáo sĩ là ông Bonnard, ông Charbonnier, ông
Matheron và ông giám mục I-pha-nho tên là Diaz bị giết. Còn những giáo sĩ khác
thì phải đào hầm, đào hố mà ở, hoặc phải trốn tránh ở trong rừng, trong núi để
giảng đạo. Những tin ấy về đến bên Tây, báo chí ngày ngày kể những thảm trạng
của các giáo sĩ đi truyền đạo ở nước ta, lòng người náo động cả lên”.
Đọc những dòng này,
chúng tôi cứ tưởng như đây là lời của một đặc phái viên nước Pháp được gửi sang
Đại Nam để điều tra rồi về báo cáo lên chính phủ. Giọng văn mới thiểu não làm
sao. Không ngờ rằng đây là những lời ai oán của một anh an-na-mít than vãn cho
những kẻ phải ngủ bờ ngủ bụi vì xâm phạm
lãnh thổ của nước khác để tuyên truyền bất hợp pháp. Nhưng câu sau đây của
Trần Trọng Kim mới làm cho người ta thấy kinh hoàng hơn khi ông nói đến việc
“Pháp hoàng sai quan đem binh thuyền sang đánh nước ta”: “Ấy cũng tại vua quan mình làm
điều trái đạo, giết hại những người theo đạo Gia Tô cho nên mới có tai biến như
vậy” (tr.488).
Với câu này thì Trần
Trọng Kim rõ ràng rất xứng đáng được thực dân Pháp đúc tượng với dòng chữ ghi
công “Trạng sư thượng thặng của hành động cướp nước”. Đấy, người yêu nước thành
tâm, nhà sử học chân chính, trung thực, người cầm bút có nhân cách, học giả xuất
sắc của tác giả Mai Khắc Ứng là như thế đấy. Thực ra, theo chúng tôi, tự Trần
Trọng Kim cũng có thể giải thích tại sao vua quan mình phải “làm điều trái đạo”
mà “giết hại những người theo đạo Gia Tô” vì chính ông ta cũng đã ghi nhận như
sau khi nói về dự định đánh Đà Nẵng rồi tiến vào lấy Huế của Rigault de
Genouilly:
“Nhân vì
khi trước các giáo sĩ đều nói rằng, hễ quân Pháp sang đánh, thì dân bên đạo (Công
giáo - AC) khắc nổi lên đánh giúp, đến
nay không thấy tin tức gì, mà quân lính của trung tướng (Rigault de
Genouilly - AC) thì tiến lên không được
(…)” (tr.489).
Dĩ nhiên là khi viết
những dòng trên đây thì Trần Trọng Kim không phải không biết rằng, các cố đạo đi tiền trạm cho binh lính đến
sau và trong hàng ngũ giáo dân thì cũng không thiếu những kẻ vì “nước Chúa” mà
sẵn sàng phản bội tổ quốc. Còn việc “đến nay không thấy tin tức gì” thì đó
chẳng qua là vì chúng nó chuẩn bị chưa đến nơi đến chốn hoặc phối hợp với nhau
chưa chặt chẽ mà thôi. Nguy cơ mất nước và nguyên nhân của nó hiển nhiên như
vậy mà các vua nhà Nguyễn không cấm đạo mới là chuyện lạ.
Một nhà viết sử như thế
mà lại được tác giả Mai Khắc Ứng ca ngợi là “một ngôi sao trong đêm tối tỏa sáng đến vậy là đủ dẫn dắt rồi”.
Nhưng dẫn dắt như thế là dẫn dắt trở lại
kiếp nô lệ chứ tỏa sáng như thế nào, thưa ông Mai Khắc Ứng? Đã thế, ông lại
còn dạy: “Để cùng lớn lên xin đừng sợ sự thật”. Để kết luận, xin mạn phép sửa
thành: “Để cùng lớn lên, xin phát hiện cho đúng “boong” sự thật”.
A.C.
23/10/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét