THỰC HƯ HẢI CHIẾN HOÀNG SA 1974
Bill Hayton
Nhà báo Bill Hayton,
làm việc ở BBC, là tác giả cuốn Vietnam: Rising
Dragon (2010). Tác phẩm mới
của ông về tranh chấp Biển Đông, The South China Sea - dangerous
ground, sẽ được xuất bản năm nay bởi NXB Đại học Yale.
Nhân kỉ niệm lần thứ
40 vừa qua, đã có hàng loạt các bài báo viết về trận hải chiến Hoàng Sa
19/1/1974 và lòng dũng cảm của quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Tuy vậy, lại có
ít thảo luận về điều thực sự diễn ra trong trận chiến.
Trong hàng thập niên, nó vẫn được giữ kín, nhưng gần đây
một vài cựu binh đã viết hoặc kể lại câu chuyện của mình. Chính quyền Hoa Kỳ
cũng đã công bố một vài tư liệu quan trọng từ kho lưu trữ. Gộp lại những thông
tin đó, chúng kể ta nghe câu chuyện về những cá nhân anh hùng bị làm hại bởi kế hoạch tác chiến kém, lãnh đạo tệ hại, và
lực lượng không cân sức.
Tháng 1/1974 là quãng thời gian rất khó khăn cho Nam Việt
Nam. Lệnh ngừng bắn, được thiết lập sau khi quân Mỹ rút khỏi Việt Nam, đã sụp
đổ, buộc chính quyền Sài Gòn phải tham chiến với một nền kinh tế hầu như bị tê
liệt. Sự kiện ở mấy mỏm đá ngoài khơi cách Đà Nẵng 350 dặm không phải là ưu
tiên. Quân lính canh gác Hoàng Sa cũng không có đủ nguồn lực lẫn chiến lược
đúng đắn để tự bảo vệ.
Vào thứ Hai 14/1, một tàu thủy của VNCH phát hiện hai tàu
hải quân Trung Quốc đang thả neo gần đảo Hữu Nhật (Robert), thuộc nhóm đảo Lưỡi
Liềm trong quần đảo Hoàng Sa do Nam Việt Nam chiếm giữ. Chỉ quen với việc đóng
quân trên đất liền, quân VNCH đột nhiên phải đối diện với nguy cơ chiến đấu
trên biển. Ngay ngày hôm sau, 15/1, tổng thống Thiệu đã trực tiếp đến thăm hải
quân tại Đà Nẵng.
Hôm đó, Jerry Scott từ lãnh sự quán Hoa Kỳ đã đề nghị Tư
lệnh Hải quân vùng I duyên hải và là bạn tốt của mình, phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, cho phép Gerald Kosh, một nhân viên dưới quyền,
được lên tàu đi Hoàng Sa.
Ông Thoại nhanh chóng đồng ý và Kosh đã có mặt trên tàu
HQ-16. Con tàu này là một trong bảy chiếc tàu tuần tra bờ biển cũ của Hoa Kỳ
giao lại cho VNCH đầu những năm 1970. Mặc dù ra đời từ thời Thế chiến Đệ nhị, loại
tàu này được trang bị những khẩu súng cỡ nòng lên tới 5 inch (127mm), tốt nhất
trong cả lực lượng hải quân của VNCH. Kosh sau
đó đã viết một bản tường trình dài về trận chiến mà hiện đã được phép công bố.
Ngày hôm sau, 16/1, HQ-16 đưa 16 lính Biệt Hải của VNCH
đến bảo vệ đảo Hữu Nhật. Nhưng quân Trung Quốc đã có mặt trên đảo Duy Mộng
(Drummond) và đảo Quang Hòa (Duncan) với lực lượng hỗ trợ ở gần đó. Tất cả
những thông tin này đều được khẩn báo về Đà Nẵng.
Ở sở chỉ huy đã có sự hoang mang. Tham mưu phó Hải quân Đỗ Kiểm, người có cấp bậc cao thứ ba
trong hàng ngũ hải quân VNCH, đã đề nghị phải phản ứng nhanh và kiên quyết. “Nếu chúng ta hàng động bây giờ thì có thể
lấy lại được đảo,” ông Kiểm nhớ lại lời ông nói với tư lệnh hải quân, Đề
đốc Trần Văn Chơn. Thay vì thế, theo
lời ông Kiểm, ông Chơn đã yêu cầu phải có bằng chứng lịch sử về chủ quyền của
Việt Nam với quần đảo đó. Mấy giờ sau ông Kiểm đã phải tìm trong thư viện hải
quân và phòng lưu trữ chỉ để tìm các tài liệu.
Vào ngày thứ Năm, 17/1, 15 lính Biệt Hải đổ bộ lên đảo
Quang Ảnh (Money). Trong 7 hòn đảo thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm, lúc đó 3 được quân
VNCH chiếm giữ và 2 nằm trong tay quân Trung Quốc. Thêm 3 tàu được vội vàng
điều tới Hoàng Sa: HQ-5 (tàu tuần tra bờ biển cũ của Mỹ), HQ-4 (tàu khu trục USS
Forster cũ, được trang bị súng cỡ nòng 3 inch) và HQ-10 (tàu quét thủy lôi cũ
USS Serene của Hoa Kỳ, được cải biên thành tàu tuần tra).
Vào sáng thứ Sáu ngày 18/1, tất cả 4 con tàu trên đã có
mặt tại Hoàng Sa. Chỉ huy đội tàu, Thuyền trưởng Hà Văn Ngạc, quyết định thể hiện sức mạnh bằng cách cho lực lượng
đổ bộ xuống đảo Quang Hòa. Nhưng hai tàu hộ tống Trung Quốc đã được điều động
đến đó và ông Ngạc phải hủy kế hoạch. Quân Trung Quốc thắng hiệp 1.
Vào tối thứ Sáu, mật tin đã được gửi cho ông Ngạc từ Đà Nẵng.
Một mệnh lệnh rất kì quặc: tái chiếm đảo
Quang Hòa một cách hòa bình. Ông Ngạc quyết định đổ bộ vào sáng hôm sau,
thứ Bảy ngày 19/1. Vào lúc 8.29, khi đội lính đi vào đảo, quân Trung Quốc nổ
súng, làm một lính VNCH thiệt mạng. Người thứ hai bị giết hại khi cố lấy lại
xác đồng đội. Quân thủy đánh bộ VNCH phải rút lui.
Ông Ngạc liên lạc về để tìm mệnh lệnh. Trong trụ sở Hải
Quân VNCH ở Sài Gòn, Đỗ Kiểm chạy đi tìm Đề đốc Chơn. Ông ta biến mất. Một trợ
lý bảo rằng ông Chơn đã ra sân bay để chuẩn bị đi Đà Nẵng. Ông Kiểm gọi cho
phó của ông Chơn ở Đà Nẵng. Ông ta cũng biến mất, để ra sân bay đón ông Chơn. Ngay tại thời điểm mà số phận của Hoàng Sa
đang ngàn cân treo sợi tóc, hai lãnh đạo tối cao của Hải Quân VNCH đều mất tích.
Cuối cùng, ông Kiểm là người ra lệnh nổ súng.
Vào lúc 10.29, hai giờ
sau khi hai lính thủy đánh bộ bị giết hại, 4 tàu của phía Việt Nam nổ súng vào
6 tàu Trung Quốc.
Thật không may, súng trên tàu HQ-4 lại bị hỏng và con
tàu nhanh chóng bị trúng đạn bởi một trong hai tàu hộ tống Trung Quốc. HQ-5 đã
bắn trúng và làm hư hỏng nặng tàu hộ tống còn lại, nhưng rốt cuộc nó cũng bị
trúng đạn. Mười lăm phút sau, HQ-5 vô
tình đâm trúng tàu HQ-16. HQ-16 bị mất kiểm soát nguồn điện và bị nghiêng
20 độ. Sau đó tàu HQ-5 lại bị trúng đạn, hỏng mất tháp pháo và hệ thống radio.
Cuối cùng, tàu HQ-10 nhỏ nhất đoàn, bị trúng tên lửa của quân Trung Quốc khiến
cho đài chỉ huy bị phá hủy và thuyền trưởng thiệt mạng.
Chỉ trong vòng một giờ
đồng hồ, mặc dù đã làm hư hỏng nặng hai tàu của Trung Quốc, đội tàu của VNCH
hầu như đã mất khả năng chiến đấu. HQ-10 bị chìm còn ba chiếc còn lại lê lết về
được Đà Nẵng.
Đánh giá một cách
khách quan, trận chiến là một thảm họa, tuy nhiên những lính quay trở về được
chào đón như những người hùng. Truyền thông Nam Việt Nam được kể lại rằng đội
tàu VNCH đã làm chìm hai tàu và ngăn cản được hạm đội Trung Quốc lớn hơn nhiều
lần. Trận chiến được thêu dệt ly kì như
huyền thoại vào đúng dịp Tết. Nhưng trên thực tế, đó lại là một thảm họa.
Cập nhật: 13:14
GMT - chủ nhật, 2 tháng 2, 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét