Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014



BÊN GIÒNG LỊCH S
(Chương 38 - Chế độ bắt đầu nứt rạn)

Linh mục Cao Văn Luận


Linh mục Cao Văn Luận và hình bìa tác phẩm “Bên Giòng Lịch Sử - 1945-1965”,
ấn bản 1972, Nhà Xuất bản Trí Dũng, Sài Gòn.

■ Sau 1975, LM Luận đã cho tái bản Hồi ký của mình tại Mỹ, thêm vào nhiều đoạn mới để giải trình với nhóm Cần lao Công giáo ở hải ngoại hầu biện hộ cho hành động LM “dám” từ chức phản đối chế độ Diệm lúc làm Viện trưởng Đại học Huế vào năm 1963.
■ Đồng thời, trong tình hình thiếu vắng những nhân chứng và tài liệu sau cuộc đổi đời 1975, LM đã thêm thắt những điều không thật, khó kiểm chứng, để đề cao mình, bênh vực ông Diệm và lên án cuộc đấu tranh của phong trào Phật giáo. Ấn bản hải ngoại nầy do một người học trò cũ tên là Ngô Đình Thịnh giúp hoàn thành và được đặt tên mới là “Bên Giòng Lịch Sử Việt Nam – 1945-1975”, do TAN TU Reseach xuất bản năm 1983 (địa chỉ tại 9045 Leather River Way, Sacramento, CA.95826, USA).
■ Để biết rõ hơn về ý đồ “chạy tội” cho chế độ Diệm của LM Luận trong ấn bản 1983, xin xem thêm  Chương 19, Việt Nam Máu Lữa Quê Hương Tôi, Nxb Văn Nghệ, 1963, USA. Chương 19 nầy (“Chế độ Diệm Không Diệm”) chủ yếu đề cập đến vai trò siêu Cố vấn cho ông Nguyễn Văn Thiệu của LM Luận trong ý đồ khởi động lại phong trào “Phục hồi Tinh thần Ngô Đình Diệm”, đồng thời cũng chỉ rõ những đoạn thêm vào không trung thực trong ấn bản 1983 tại Mỹ.
■ Trích đoạn Chương 38 dưới đây được lấy từ bản Online của ấn bản 1983 tại Mỹ. Độc giả tinh ý và hiểu biết về biến cố lịch sử năm 1963 sẽ thấy những đoạn “thêm vào cho nhẹ tội ông Diệm” của vị chức sắc Công giáo nầy. Tuy nhiên, toàn chương vẫn không che dấu được chính sách độc tài Công giáo trị của chế độ Diệm vốn đã được tác giả tố cáo trong ấn bản đầu tiên năm 1972.

Hình bìa với tựa sách thay đổi của ân bản 1983, Sacramento, Hoa Kỳ

Chương 38- Chế độ bắt đầu nứt rạn

    Vào năm 1961 tôi bắt đầu nghe những luồng dư luận bất mãn đối với Tổng thống Diệm trong nhiều thành phần dân chúng.
      Ít ai dám chỉ trích lớn tiếng, nhưng nhiều lúc tôi nhận thấy nhiều người khi phải nghe ca tụng suy tôn đã lấy làm ngượng ngập, khó chịu.

      Sự bất mãn đó đã có cơ hội xuất hiện trong biến cố 11-11-1961. Vụ đảo chánh hụt năm đó không phải chỉ lôi cuốn được một số sĩ quan bất mãn mà thôi, mà còn kéo theo nhiều nhà trí thức, và giả sử trong thời gian cô lập được dinh Độc Lập, sử dụng được đài phát thanh, họ chỉ cần biết dùng đài này để đưa ra một vài đường lối xã hội thật táo bạo, thì tình thế đã có thể thay đổi ngay lúc bấy giờ không cần chờ đến 1963. Nhóm đảo chánh cũng không chú trọng đến công việc xách động quần chúng.
      Xách động quần chúng là một việc làm dễ nếu biết và dám làm, nhưng rất khó nếu không hiểu tâm lý và những phản ứng quần chúng. Hơn nữa thời bấy giờ dân chúng đang sống yên ổn, thịnh vượng cho nên ít ai muốn xáo trộn. Sự bất mãn chỉ mới bắt đầu trong số trí thức không được trọng dụng, hay trong một số người sáng suốt nhận thấy trước con đường cụt mà chế độ đang đi dần vào.
     Tôi đã thấy buồn cười khi nghe những hô hào hiệu triệu ngây ngô trên đài phát thanh. Tôi không nhớ rõ vì một công việc gì liên quan đến đại học Huế tôi có việc vào Sài Gòn trước ngày 11-11-1961 vài hôm và đêm đó tôi đang ở tại một nhà gần dinh Tổng thống Diệm và ông Nhu không có vẻ lo sợ gì cho lắm.
     Các đơn vị Liên binh phòng vệ phủ Tổng thống tuy chỉ được võ trang bằng những loại vũ khí nhẹ, nhưng rất trung thành không một nhóm nào bị lung lạc. Quân đội nói chung đã không có đơn vị lớn nào ngã về phe đảo chánh. Ngay sáng hôm sau những điện tín bày tỏ sự trung thành được tấp nập gửi đến ông Diệm, sáng ngày 2-11 tôi làm lễ tạ ơn trong dinh. Ông Diệm, ông bà Nhu và đầy đủ những người thân cận tham dự buổi lễ đó. Ông Diệm cũng tin tưởng ở cái thiên mệnh mà ông coi như được chúa giao phó cho ông.

     Biến cố này không thay đổi tình thế bề ngoài nhưng đã làm cho ông Diệm, ông Nhu bà Nhu và nhiều thuộc hạ thân tín trở nên độc đoán hơn. Những vụ thanh trừng, bắt bớ tiếp theo sau hẳn là đã có tác dụng dâng cao thêm sự bất mãn trong nhiều thành phần dân chúng.
     Đặc biệt, nó làm cho nhiều người thấy rằng chế độ ông Diệm không phải là một chế độ không thể lật đổ được, và điều đó có lẽ làm cho nhiều người nghĩ đến câu tục ngữ: thua keo này bày keo khác.
     Sáng hôm sau, dân chúng, nhiều đoàn thể, nhiều đại diện các cơ quan vội vàng kéo vào dinh hoan hô và bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Diệm. Tôi vì tò mò đứng núp sau một chiếc cột trước dinh nhìn đám đông đang kéo vào chật sân trước dinh. Tôi thoáng thấy ông bà Nhu cũng nấp sau một chiếc cột khác ở góc dinh nhìn ra. Ông Diệm từ trong phòng bước ra đón nhận những lời hoan hô. Mặt ông hớn hở, kiêu hãnh. Khi đi ngang chỗ tôi đứng nấp, ông cau mày hỏi khó:  Sao cha lại ra đây? Ý ông hình như muốn trách tôi tại sao tôi lại ra đây để đón nhận và hưởng những sự hoan hô, ủng hộ đáng lẽ chỉ dành riêng cho ông. Tôi khó chịu và bỏ vào trong lập tức. Tôi hiểu thêm một khía cạnh của con người ông Diệm: tự kiêu, độc đoán, khó dùng ai được. Sự kiện nhỏ mọn này bắt đầu làm cho tôi suy nghĩ nhiều hơn và từ đó về sau, trước mọi việc làm của ông Diệm, tôi suy nghĩ đắn đo, và thường tìm ra hai lối giải thích, một lối không lợi gì cho ông.

      Cũng từ đây, tôi bớt thân với ông Diệm. Mặt khác những công việc quanh đại học Huế đã ổn định, điều hòa, tôi ít cần phải vào dinh để yêu cầu ông Diệm trực tiếp giúp đỡ hay giải quyết một vấn đề gì quan trọng. Cũng từ đây tôi chỉ chú ý đến những công việc của đại học Huế, nó đã vững, tôi cố làm cho nó mạnh.
      Có lẽ vì tâm trạng đặc biệt mà những biến cố dồn dập năm 1963 làm cho tôi hơi ngỡ ngàng. Năm đó, Đức cha Ngô Đình Thục đã được giữ chức Tổng Giám Mục địa phận Huế, và nghe nhiều tin đồn nói rằng có những cuộc vận động để đưa Đức cha Thục lên làm Hồng Y đầu tiên của Việt Nam. Tôi cũng chẳng quan tâm nhiều đến việc này.
      Vào khoảng tháng ba 1963 nhiều ông Dân biểu, Tổng trưởng và những người tai mắt trong chính quyền thời đó đã tổ chức một Ủy ban mừng lễ Ngân khánh (25 năm thụ phong Giám mục) của Đức cha Thục. Ủy ban này bắt đầu quyên tiền khắp nước. Tôi nghĩ là ngoài số người muốn tìm cơ hội để xu nịnh, lợi dụng cơ hội tâng công với họ Ngô, cũng có một số người công giáo thành tâm muốn bày tỏ lòng kính mến khâm phục đối với Đức cha.

      Khi còn làm Giám mục địa phận Vĩnh Long, Đức cha Thục đã làm được nhiều việc hữu ích cho địa phận và cho dân chúng trong vùng. Sự kính mến khâm phục thành thật đối với Đức cha Thục không phải là không có và số người thành thật không phải là ít.
      Trong việc tổ chức mừng lễ Ngân khánh Đức cha Thục (nhằm ngày 29-6-1963) có vài chi tiết làm tôi chú ý.
      Một buổi sáng cuối tháng ba, vào khoảng 7 giờ, Đức cha Thục đến gặp tôi tại nhà riêng, và nói thẳng với tôi:
      - Cha Luận à, bây giờ các anh em ở Sài Gòn có lập một Ủy ban tổ chức mừng lễ Ngân khánh của tôi, do ông Chủ tịch quốc hội đứng đầu, gồm cả ông Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Quang Trình và Viện trưởng đại học Sài Gòn Lê Văn Thới với vài ông Bộ trưởng nữa. Cha là Viện trưởng đại học Huế, cha nên vào trong Ủy ban đó.
      Ngay lúc này, tôi cho rằng mình đứng vào ban tổ chức mừng lễ Ngân khánh Đức cha Thục cũng là một việc tự nhiên. Tôi chỉ hơi ngạc nhiên về cái việc là đích thân Đức cha lại đến gặp tôi nói chuyện đó. Tôi nghĩ là đáng lý một người nào đó trong Ủy ban tổ chức sơ khởi bàn với tôi việc đó thì đúng hơn.
      Tôi im lặng một lúc rồi thưa: - Thưa Đức cha, cố nhiên con có bổn phận giúp vào việc tổ chức lễ Ngân khánh của Đức cha. Trước đây khi chưa nghe nói đến Ủy ban, con đã có ý định làm vài công việc nhỏ để mừng lễ Ngân khánh của Đức cha. 

     Đức cha Thục lần đó chỉ nói với tôi thế thôi, rồi ra về. Tôi nhân danh Viện trưởng viện đại học Huế viết thư cho ông Chủ tịch quốc hội (Trương Vĩnh Lễ) hỏi về Ủy ban tổ chức mừng lễ Ngân khánh Đức cha Thục và tỏ ý sẵn sàng gia nhập Ủy ban này. Tôi thông báo cho ông biết rằng vì Huế xa xôi tôi lại bận bịu nên cử một đại diện vào hợp tác trực tiếp với Ủy ban là ông Nguyễn Hạnh.
     Tôi cho Nguyễn Hạnh tới tiếp xúc với Ủy ban. Ông Hạnh có viết thư về cho tôi biết là Ủy ban có tổ chức một bữa tiệc với điều kiện là mỗi người 5000 đồng. Ông Hạnh được giao cho 20 phần ăn, và chỉ tìm được 10 người (những thương gia ở Chợ Lớn) đóng tiền dự tiệc, còn 10 phần ăn còn lại thì ông phải nhận hết và đóng tiền.

      Vào tháng tư tôi nhận thấy những công việc chuẩn bị mừng lễ Ngân khánh của Đức cha Thục tiến đến một qui mô quá rộng lớn có hy vọng thành một quốc lễ chính thức. Các tỉnh cũng lập một tiểu ban tổ chức mừng lễ Ngân khánh và dĩ nhiên do ông Tỉnh trưởng đứng đầu, cũng có những trò đi quyên góp tiền bạc, và tất nhiên là xảy ra nhiều trường hợp cưỡng bách, hay ít ra áp lực đóng tiền cho tiểu ban.
     Dư luận dân chúng bắt đầu xôn xao bàn tán chế nhạo. Tôi thấy điều này không có lợi gì cho quốc gia và giáo hội, trái lại có thể làm cho giáo hội mang tiếng và làm cho chế độ bị chỉ trích nặng nề và có cớ. Tôi nghĩ rằng chỉ nên tổ chức mừng lễ Ngân khánh của Đức cha Thục trong phạm vị địa phận hay giáo hội mà thôi. Tôi băn khoăn và đến gặp ông Cẩn. Lúc bấy giờ mọi người quanh ông đều gọi ông là cậu, cậu Cẩn. Tôi cũng không làm cách gì khác hơn.
     - Thưa cậu, lễ Ngân khánh 25 năm làm Giám mục của Đức cha là một ngày đáng ghi nhớ đối với người thân cũng như đối với giáo hội. Đức cha lại đang là niên trưởng các Giám mục Việt Nam. Tôi nghĩ là nên tổ chức mừng lễ Ngân khánh của ngài một cách trọng thể, nhưng chỉ nên tổ chức trong phạm vi giáo hội và địa phận mà thôi, chớ không nên tổ chức trong phạm vi quốc gia theo một thứ quốc lễ. Vậy cậu nên tìm cách nói với Đức cha nên tổ chức lễ Ngân khánh của ngài một cách vừa phải thôi.
     Ông Cẩn gật đều đồng ý:
     - Con đồng ý với cha hoàn toàn. Con cũng thấy trong tình thế hiện tại, nhiều người bất mãn với chúng ta, đang bới móc tìm cơ chỉ trích và gây hiềm khích với chính phủ. Làm như vậy thực ra không có lợi chi cả. Nhưng cha biết đó, từ khi Đức cha về Huế, con chẳng còn quyền hành gì nữa. Mọi việc Đức cha bao biện hết.
     Thậm chí những anh em thân tín cũ ra vào gặp con còn bị người của Đức cha theo dõi và báo cáo cho Đức cha. Gia đình chúng con sau khi anh Khôi mất, thì Đức cha là kẻ quyền huynh thế phụ, lớn tuổi hơn con nhiều và nghiêm khắc lắm, con không nói gì với Đức cha cả. Hay nhất là cha nên vào gặp Tổng thống, xin Tổng thống nói lại với Đức cha, thì may ra Đức cha còn nghe theo mà không giận. 

     Vì việc đó tôi vào Sài Gòn xin gặp ông Nhu trước. Tôi định trình bày với ông Nhu những điều đã bàn với ông Cẩn, nhưng sợ đường đột nên tôi mở đầu bằng một vấn đề khác:
     - Thưa ông cố vấn, tôi xin gặp ông cố vấn để được biết đại cương về quốc sách ấp chiến lược. Đại học Huế nhận được thông tri kêu gọi các giáo sư đi dự khóa huấn luyện về ấp chiến lược tại suối Lồ Ồ. Tôi muốn cho họ hăng hái đi dự khóa huấn luyện đó nên muốn hiểu rõ hơn mà về giải thích cho họ rõ.
     Ông Nhu say mê nói về những cái hay cái tốt của ấp chiến lược sẽ đạt được hai mục đích lớn: bảo về an ninh nông thôn và thực hiện công cuộc cách mạng nông thôn. Ông Nhu nói liên miên về ấp chiến lược hơn một giờ đồng hồ. Lúc nghe ông thuyết xong tôi vào vấn đề.
     - Thưa ông cố vấn, nhân dịp này tôi muốn trình bày với ông cố vấn một việc. Lễ Ngân khánh của Đức cha nhằm vào cuối tháng sáu. Bây giờ đã có một Ủy ban tổ chức lễ đó, gồm ông Chủ tịch quốc hội và nhiều Bộ trưởng. Theo lề lối hoạt động của Ủy ban thì tôi xem chừng họ muốn tổ chức lễ Ngân khánh hết sức trọng thể, không thua gì một quốc lễ. Trong tình thế hiện tại, tôi và ông Cẩn đã có bàn bạc với nhau nếu tổ chức trọng thể quá sẽ bất lợi cho chính thể cũng như cho giáo hội.
     Ông Nhu cũng trả lời như ông Cẩn:
     - Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với nhận định của cha. Tôi và anh tôi đôi khi buồn Đức cha vì ngài lầm lẫn phạm vi tôn giáo với phạm vi quốc gia. Khi ở Vĩnh Long, tôi cũng đã không biết làm sao khi thấy từng đoàn từng lũ dân biểu, tỉnh trưởng, bộ trưởng nườm nượp kéo đến chầu Đức cha. Tôi tưởng rằng Đức cha ra Huế xa xôi một chút sẽ bớt được cái nạn đó, không ngờ họ lại viện cớ lễ Ngân khánh của ngài để làm ồn ào hơn. Nhưng cha cũng biết, gia đình chúng tôi anh cả mất sớm, Đức cha tuy là anh lớn trong gia đình, nhưng đối với chúng tôi chẳng khác gì bậc cha. Riêng tôi thì biết là không có cách gì, mà cũng không dám nói thẳng với Đức cha. Chỉ còn Tổng thống may ra có thể can gián được Đức cha vài phần, để rồi tôi liệu nói với Tổng thống khuyên can Đức cha bớt đi đôi chút, nhưng tôi sợ cũng không được. 

     Tôi về Huế lại với tâm trạng buồn rầu, chán nản khó chịu và lo lắng. Dựng được một uy quyền, thế lực như ông Diệm không phải là chuyện dễ, nhưng làm suy giảm uy quyền thế lực đó thì dễ lắm. Tôi không hy vọng có ai tài giỏi hơn thay thế được ông Diệm. Cho nên chẳng những vì cảm tình và sự tin tưởng nơi ông Diệm mà tôi lo lắng cho tương lai của chính phủ ông Diệm, mà cũng vì số phận quốc gia mà tôi lo lắng.
     Nhưng tôi không có tư cách hay thẩm quyền gì đáng kể để chen lấn vào những việc làm của chính ông Diệm. Hình như độ sau này chẳng hiểu vì lý do nào, gia đình ông Diệm có vẻ bớt tin cậy nơi tôi mặc dầu sự giao thiệp vẫn bình thường, thân thiết. 
     Những nỗi lo lắng của tôi quả thực chẳng sai chút nào. 

     Ngày 7-5 [-1963] Đức cha đi viếng La Vang trở về Huế dọc đường nơi nào cờ Phật giáo cũng tung bay. Điều này chẳng có chi lạ. Dân Huế 90 phần trăm theo đạo Phật và tại đây từ ngày tôi có mặt (1949) Phật giáo hoạt động rất mạnh, có tổ chức qui củ. Ở Huế nơi nào cũng có chùa chiền, sư tăng. Đức cha Thục có vẻ không bằng lòng, và ngay chiều đó, cho mời đại biểu chính phủ là ông Hồ Đắc Khương vào tòa Tổng Giám Mục Huế khiển trách tại sao đã có sắc lệnh cấm treo cờ tôn giáo hay đảng phái bên ngoài trụ sở hoặc khuôn viên mà nay Phật giáo lại treo cờ đầy đường như vậy.
     Ông đại biểu chính phủ Hồ Đắc Khương không biết quyết định thế nào, vì ông cũng dư biết rằng nhắc lại nghị định cấm treo cờ Phật giáo ngay lúc này thật là không thích hợp, có thể bị hiểu lầm là cố tình làm nhục Phật giáo, cho nên ông đánh điện vào dinh Độc Lập xin chỉ thị. Không rõ điện văn của ông đại biểu chính phủ có đến Tổng thống hoặc ông cố vấn hay không nhưng có điện văn trả lời từ văn phòng phủ Tổng thống đánh ra Huế xác nhận rằng nghị định cấm treo cờ tôn giáo hay đảng phái bên ngoài khuôn viên và trụ sở vẫn có giá trị. 

     Ông đại biểu chính phủ ra lệnh cho chính quyền địa phương tại miền Trung phải triệt hạ cờ Phật giáo. Ông tỉnh trưởng Thừa Thiên là ông Nguyễn Văn Đẳng bị đặt trong một tình thế hết sức khó xử và khẩn cấp, ông xin vào gặp ông Cẩn để giải bày và xin bỏ qua việc triệt hạ cờ Phật giáo, ít ra cho hết ngày lễ Phật Đản năm nay. Ông Cẩn tỏ ra hiểu biết ra lệnh cho tỉnh trưởng rằng người ta (Phật tử) đã lỡ treo thì cứ để treo hết ngày lễ, sau sẽ liệu.
     Ông Cẩn còn cho tỉnh trưởng Thừa Thiên đánh điện tín đi tất cả các tỉnh miền Trung chỉ thị mật không được hạ cờ Phật giáo. Tưởng vụ này tạm yên được, và cách giải quyết đó có thể trì hoãn được. Nhưng tối hôm 7 tháng 5 có nhà sư thuyết pháp ở chùa lớn ở Huế như Từ Đàm, Bảo Quốc, Diệu Đế v.v… Quần chúng địa phương đến tham dự đông đảo. Nhiều bài thuyết pháp đã lên tiếng đả kích chính quyền một cách nặng nề, tố cáo chính quyền có chủ trương đàn áp Phật giáo và nêu lệnh cấm treo cờ tôn giáo như nhắm riêng vào Phật giáo. Các nhà sư cũng nhắc đến những vụ lễ lạc của Công giáo trước đây ít lâu, lúc đó cờ Công giáo đã được treo khắp đường phố, sao lại không cấm, mà nhằm ngày lễ Phật Đản rồi cấm. 

     Các tổ chức Phật tử ở Huế yêu cầu phát thanh trực tiếp các cuộc thuyết pháp và các buổi lễ Phật Đản của chùa Từ Đàm. Vì có nhiều bài thuyết pháp đả kích chính quyền, tòa tỉnh và tòa đại biểu miền Trung ngần ngại không phát thanh. Một đám Phật tử đông đảo kéo đến đài phát thanh biểu tình đòi phải phát thanh trực tiếp và trọn vẹn các bài thuyết pháp và các cuộc lễ Phật giáo.
     Trong lúc các nhà chức trách tìm cách dàn xếp, thì một trái lựu đạn không biết từ đâu đã nổ ngay giữa đám Phật tử biểu tình làm nhiều người chết và bị thương. Cuộc tranh đấu của Phật giáo chính thức bùng nổ từ ngày đó. 

     Có vài giả thuyết được nêu lên về xuất xứ của trái lựu đạn.
     Giả thuyết thứ nhất, và khó tin nhất cho rằng một cán bộ chính quyền hoặc là binh sĩ hay cảnh sát bảo vệ đài phát thanh đã ném trái lựu đạn đó. Một giả thuyết thứ hai đổ cho mật vụ Mỹ là tác giả trong vụ này. Giả thuyết thứ ba thì cho rằng chính phe đấu tranh, tôi xin nói là phe đấu tranh trong đó còn nhiều thành phần khác ngoài Phật giáo đã thâm độc cho ném trái lựu đạn gây nên cảnh đổ máu để tạo căm phẫn trong quần chúng Phật tử hầu kích động mạnh hơn cuộc đấu tranh và dồn hai bên đến cái thế một sống một chết với nhau.
     Tôi chỉ nêu lên những giả thuyết được bàn tán lúc bấy giờ, mà không nghiêng theo giả thuyết nào. 
     Tôi thấy tình hình gay cấn, và không lối thoát. Chiều hướng của cuộc đấu tranh và tương lai chế độ rõ rệt lắm rồi. Tôi lo sợ bị lôi cuốn vào một tình trạng khó xử. Ở cương vị một Viện trưởng đại học, với truyền thống tự trị của đại học mà tôi đã thâm nhiễm từ Pháp, tôi không thể nào đi ngược lại các phong trào sinh viên mà tôi biết chắc trước sau cũng bùng lên. 

     Thực tình tôi không chủ trương lánh mặt hay chạy trốn, nhưng biết mình bất lực trong các cuộc hỗn loạn sắp tới nên chỉ mong thoát ra ngoài. Tôi đi Mỹ, và sáng ngày 9-5 tôi vào chào Đức cha Thục để từ giã sào Sài Gòn thu xếp lên đường.
     Tôi thưa với Đức cha:
     - Thưa Đức cha, những sự việc vừa xảy ra mấy hôm nay làm cho con lo ngại lắm. Thủ phạm không rõ là ai, nhưng đã có chuyện đổ máu, con sợ sự chống đối sẽ lan rộng và nổ mạnh. Con nghĩ chính quyền nên mềm dẻo, khéo léo hơn một chút.
     Đức cha Thục có vẻ coi thường:
     - Cha cứ yên tâm ra đi đừng lo chi cả, các phong trào chống đối của quần chúng bất quá chỉ như ngọn lửa rơm, bùng lên một chốc rồi tắt ngay, có chi phải sợ.
     - Đức cha nhận định như thế thật đúng nếu bên trong có những nguyên nhân sâu kín và mạnh mẽ. Nhưng xin Đức cha nhìn vào những nguyên nhân bên trong. Công giáo trước ngày di cư, ở miền Nam chỉ có vài trăm ngàn người. Sau di cư nhờ gần 1 triệu dân công giáo từ Bắc vào, con số đông hơn trước nhưng tỉ lệ cũng vẫn chỉ là 10 phần trăm hay kém hơn trong dân số Việt Nam, vậy mà hiện nay mọi chức vụ lãnh đạo quốc gia đều trong tay người Công giáo.
     Chỉ riêng điều này cũng có thể gây những bất mãn và chống đối trầm trọng, chưa nói chi đến những lầm lỗi không thể tránh được của bất cứ chính quyền nào. 
     Đức cha Thục xem chừng không muốn nghe và cũng chẳng để ý chi đến những điều tôi nêu lên. Đức cha trao cho tôi một số thư từ gửi tay cho các cha bên Mỹ. 

     Tôi vào Sài Gòn được mấy hôm thì có giấy mời đi dự lễ đặt viên đá đầu tiên xây cất đại học Sư phạm Thủ Đức ngày 14-5. Sau lễ Tổng thống và quan khách gồm đủ ngoại giao đoàn đi xem xét sơ đồ và khu đất xây trường. Lúc bấy giờ đại sứ Nolting đến gần tôi hỏi về tình hình ở Huế.
     - Theo ý cha thì chính phủ có lỗi gì trong vụ đài phát thanh Huế vừa rồi không?
     Tôi ngập ngừng một lúc, rồi thành thật trả lời:
     - Bàn chuyện lỗi phải của ai, thì hơi khó, nhưng tôi cho rằng chính phủ phải chịu trách nhiệm một phần, vì đã cố tình nhắc lại nghị định cấm treo cờ đúng vào ngày lễ Phật Đản. Tôi cho hành động này không đúng lúc, không thích hợp, dù nghị định có đứng đắn, hữu lý. Cách đây chỉ ít tháng có nhiều cuộc lễ bên Công giáo, như lễ tựu chức các Giám mục, và các cuộc rước kiệu, bên Công giáo đã treo cờ khắp nơi bên ngoài khuôn viên nhà thờ, sao lúc ấy không có lệnh cấm, và không thi hành lệnh cấm một cách nghiêm chỉnh? 

     Bây giờ nhằm vào lúc Phật giáo mừng Lễ Phật Đản mà nhắc lại lệnh cấm treo cờ thì có thể hiểu là cố tình nhằm vào Phật giáo, nhục mạ và đàn áp Phật giáo. Vả lại khi ra lệnh cấm treo cờ đã không có một sự giải thích nào cho dân chúng hiểu rằng lệnh này áp dụng cho mọi tôn giáo, và chỉ có mục đích tránh sự lạm dụng treo cờ.
     Tôi không hiểu trong thâm tâm ông Nolting nghĩ gì chỉ thấy lúc đó ông gật gù.
     - Cha nói có lý.
     Sau đó câu chuyện không có gì đặc biệt. 
     Ngày 15-5 tôi vào dinh Độc Lập gặp ông Diệm để chào ông đi Mỹ, ông Diệm trách tôi:
     - Sao hôm qua cha chỉ trích chính phủ trước một đại sứ ngoại quốc như vậy? Tôi thật tình thưa lại:
     - Thưa Tổng thống tôi không dám chỉ trích chính phủ trong câu chuyện tôi chỉ đưa ra một vài giải thích sau khi tường thuật cho ông đại sứ Mỹ nghe những biến cố xảy ra ở Huế. Tôi thiết tưởng trong một quốc gia tự do mọi người đã được biết những chuyện đó, và cũng có quyền phê phán. Nhưng thực tình tôi không phê phán điều gì đáng coi là bất lợi cho chính quyền. Tôi chỉ nói rằng đáng tiếc là khi ra lệnh cấm treo cờ tôn giáo ngoài khuôn viên chùa hay nhà thờ, cán bộ thông tin đã không giải thích rõ điều đó là có mục đích để làm cho cờ quốc gia trở nên có giá trị hơn, thành ra gây sự hiểu lầm cho một số người, và gây cớ cho họ bất mãn và chỉ trích.
     Ông Diệm im lặng, nhưng vẫn có vẻ không bằng lòng. Tôi tiếp:
     - Thưa cụ, nhân dịp này, tôi xin thưa dài dòng hơn đôi chút. Nếu cụ muốn hiểu tâm trạng những Phật tử Việt Nam cụ nên đặt mình vào địa vị của họ. Trước khi cụ về, số giáo dân chỉ vài trăm ngàn, nhờ phong trào di cư, có thêm gần một triệu giáo dân từ Bắc vào. Tỷ lệ công giáo trong toàn quốc vẫn là thiểu số, mà nay Tổng thống và các chức vụ lớn trong chính quyền đều do người công giáo đảm trách. Dù không có sự thiên vị nào, mà chỉ dựa theo tài năng mà chọn người, thì bên ngoài người ta cũng có thể hiểu rằng cụ thiên vị bên Công giáo mà bạc đãi các tôn giáo khác. Mặt khác, ai cũng thấy từ khi cụ cầm quyền, thì nhà thờ mọc lên khắp nơi, các nhà thờ bị phá hủy trong chiến tranh đều đã được tái thiết gần hết, cả những nơi không có bao nhiêu giáo dân cũng có nhà thờ đồ sộ. Số người theo đạo mới cũng tăng lên mau chóng. Những sự kiện này làm cho Phật giáo có mặc cảm bị chèn ép, bị bạc đãi, bị bỏ rơi, hay là bị lép vế. Cụ nên hiểu tâm lý đó của họ mà đối xử cho tế nhị hơn mới có thể dàn xếp dễ dàng được.
     Ông Diệm cau mày:
     - Cha có thể thấy là nếu đôi lúc tôi tin người Công giáo cũng chỉ vì nghĩ rằng người Công giáo ít có ai theo cộng sản dễ dàng. Hơn nữa nhiều người không công giáo vẫn được tôi tin cậy và trọng dụng. Tôi cũng đã giúp cho nhiều chùa chiền. Tôi cho chùa Xá Lợi 500.000đ để xây cất. Tôi cũng giúp cho các chùa Từ Đàm, Diệu Đế để trùng tu. Tại các tỉnh tôi có nhắc các tỉnh trưởng giúp đỡ trùng tu các chùa chiền.
     Bây giờ cụ nói ra tôi mới biết. Đáng lý cụ nên nói rõ điều đó cho toàn dân biết để họ khỏi hiểu lầm, và đặt những công việc đó vào một chính sách chung đối với mọi tôn giáo. Tôi vẫn biết nhiều công cuộc kiến thiết của công giáo do sự đóng góp của giáo dân và các tổ chức công giáo ngoại quốc, nhưng dân chúng bên ngoài không hiểu nguồn gốc những khoản tiền lớn lao đó, nghĩ rằng chỉ có chính quyền giúp tiền cho công giáo. Nhiều cha còn quá nhiệt thành đến thẳng tỉnh trưởng, các bộ trưởng xin giúp đỡ, và có nhiều trường hợp, hoặc là tỉnh bộ trưởng có đạo nên hăng hái giúp đỡ, hoặc là họ nể cụ là người công giáo, nên cũng tìm cách giúp đỡ, tưởng làm như thế được lòng cụ. Những điều đó tạo nên dư luận chỉ trích chính quyền của cụ thiên vị bên công giáo. 

     Ông Diệm làm thinh không nói gì. Tôi giã từ ông ra về.
     Hôm sau tôi đi Mỹ với Âu Ngọc Hồ, mục đích là vận động sự giúp đỡ ở Mỹ để mở một trung tâm kỹ thuật ở Huế, đồng thời cũng muốn tìm hiểu dư luận ngoại quốc đối với chính quyền ông Diệm trong lúc này.

(Hết Chương 38)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét