TÌM NIẾT BÀN TRONG SINH TỬ
Thích Nhất Hạnh
Sinh Phật bất nhị
Những người Cơ đốc giáo thường đặt vấn đề: Thượng đế có phải là
một con người hay không? Nếu Thượng đế không phải là một con người thì làm sao
chúng ta có thể cầu nguyện? Đây là một vấn đề rất lớn trong Cơ đốc giáo. God is a person or is not a person?
Vào hạ bán thế kỷ thứ 20, những nhà thần học cho rằng: Tuy
Thượng đế không phải là một con người nhưng Ngài cũng không ít hơn một con
người. God is not a person but is not
less than a person. Người ta đi tới quan niệm: Thượng đế không phải chỉ là
một con người. Đó là một bước
tiến rất lớn!
Trong đạo Bụt, chúng ta có quan niệm chúng sinh và Bụt. Chúng
sinh là những người mê mờ đang đau khổ và Bụt là một người giác ngộ không còn
đau khổ. Chúng ta thường phân biệt chúng sinh khác với Bụt. Ta thường có khuynh
hướng nghĩ rằng khi đã thành Bụt thì không còn là chúng sinh nữa. Nhưng quan
niệm đó không đúng với cái thấy của Phật giáo đại thừa. Theo cái thấy của Phật
giáo đại thừa, nếu không có chúng sinh thì không có Bụt. Đó là lý thuyết Sinh Phật bất nhị 生 佛 不 二, tức Bụt và chúng
sinh không phải là hai cái riêng biệt. Cái này không thể có ngoài cái kia.
Chúng sinh và Bụt không phải là hai thực thể riêng biệt. Sở dĩ có Bụt là nhờ có
chúng sinh, không có chúng sinh thì không bao giờ có Bụt. Bụt và chúng sinh là
một cặp, tuy bề ngoài có vẻ như đối lập nhau nhưng phải nương nhau mà thành.
Cũng như bùn và sen, không có bùn thì ta không thể có sen.
Theo giáo lý duyên khởi thì tất cả đều là duyên sinh. Nhìn vào
con người ta thấy những yếu tố không phải con người như đất đá, cây cỏ, cầm
thú. Những yếu tố như đất, nước, lửa, gió lâu ngày có đủ điều kiện thì sinh ra
cây cỏ và những loài chúng sinh, rồi từ những loài chúng sinh phát sinh ra con
người. Nếu lấy những loài khoáng chất, cây cỏ và cầm thú ra khỏi con người thì
con người không còn nữa. Vì vậy con người cũng là đất đá, cây cỏ và cầm thú. Ta
không thể cho rằng khi trở thành con người rồi thì ta không còn là đất đá, cây
cỏ và cầm thú nữa. Ta vẫn tiếp tục làm đất đá, cây cỏ và cầm thú tại vì những
yếu tố không phải con người vẫn còn trong ta. Tuy đã là Bụt rồi nhưng những yếu
tố không phải Bụt vẫn còn trong Bụt. Trong Bụt có những yếu tố như: chúng sinh
và những khổ đau, những phiền não, những si mê đã được chuyển hóa. Nhìn vào sen
ta thấy những yếu tố không phải sen như là bùn. Nếu muốn tiếp tục làm bông sen
thì sen phải sử dụng chất bùn để làm ra sen. Ta đã là con người, nhưng nếu
không có đất đá, cây cỏ và cầm thú thì ta không thể tiếp tục làm con người. Vì
vậy con người và cái gọi là sinh môi không phải là hai cái khác nhau, hai cái
phải dựa trên nhau mà có. Chừng nào không còn chúng sinh thì cũng không còn
Bụt. Chừng nào không còn đất đá, thảo mộc, cầm thú thì không còn con người. Vì
vậy ta đừng nên hy vọng hão huyền là khi thành Bụt rồi thì ta vĩnh biệt chúng
sinh. Sinh Phật bất nhị là cái thấy bất nhị (non dualistic) và cái thấy này
phải được áp dụng cho tất cả mọi trường hợp như tay trái và tay phải, chừng nào
có tay phải thì có tay trái. Tay phải không thể có mặt một mình mà không cần
tay trái. Phật và chúng sinh hay con người và đất đá, cỏ cây, cầm thú cũng như
vậy: không có cái này thì không có cái kia. Đó gọi là duyên sinh, là tương đãi.
Thành Bụt rồi có còn thực tập nữa không?
Trong Bụt có hạnh phúc, có tuệ giác, có bồ đề. Bồ đề ngược lại
với phiền não, tuệ giác ngược lại với si mê và hạnh phúc ngược lại với khổ đau.
Nhưng theo tuệ giác mà ta có được do sự quán chiếu thì tất cả đều vô thường.
Không phải chỉ có khổ đau là vô thường mà hạnh phúc cũng vô thường. Không phải
chỉ có phiền não là vô thường mà bồ đề cũng vô thường. Tuy có bồ đề nhưng nếu
ta không tiếp tục tu thì bồ đề của ta cũng hao mòn. Ta đừng tưởng một khi có bồ
đề rồi thì ta sẽ có nó mãi mãi, tại vì bồ đề cũng vô thường. Có khi ta có giác
ngộ nhưng vì ta không biết nuôi nấng nên giác ngộ đó lu mờ và ta không sử dụng
được. Điều này ta thấy rất rõ: Có nhiều cái ta đã biết rồi nhưng ta không đem
ra sử dụng, ta hành xử giống như ta không có tuệ giác.
Bụt cũng vô thường, vô ngã. Nếu muốn tiếp tục làm Bụt thì ta
phải tiếp tục sử dụng chất liệu khổ đau, phiền não và si mê để chế tác hạnh
phúc, bồ đề và tuệ giác. Chúng ta thường đặt câu hỏi: “Thành Bụt rồi có còn thực tập nữa không?” Câu hỏi này rất đơn sơ
nhưng cũng rất quan trọng. Phần lớn trong chúng ta, có thể nói là 99% thường
nghĩ rằng: Khi đã thành Bụt rồi thì ta khỏi tu nữa, tại vì thành Bụt là có bồ
đề, có tuệ giác, có hỷ lạc. Sự thật là Đức Thế Tôn vẫn đi thiền hành, vẫn ngồi
thiền, vẫn thực tập An ban thủ ý. Hạnh phúc, bồ đề, tuệ giác đều vô thường. Nếu
muốn nuôi dưỡng nó thì Đức Thế Tôn phải tiếp tục thực tập và Ngài cũng sử dụng
khổ đau, phiền não, si mê để tạo ra hạnh phúc, bồ đề và tuệ giác. Bông sen, tuy
đã thành bông sen nhưng vẫn không thể nhảy ra khỏi bùn. Muốn tiếp tục làm bông
sen nó phải ở với bùn và tiếp tục sử dụng bùn.
Có thể nhận diện được Bụt qua những hình thái khác hay không?
Bụt Thích Ca có hình dáng của một con người. Ta biết rằng con
người là một sinh vật sinh sau đẻ muộn, xuất hiện rất trễ trên địa cầu này, trễ
hơn tất cả những chủng loại khác trên trái đất. Như vậy trước khi có Bụt thì
không có tuệ giác, không có bồ đề, không có hạnh phúc hay sao? Trước khi có Bụt
vẫn có tuệ giác, vẫn có bồ đề, vẫn có hạnh phúc, nhưng dưới hình thức khác. Bây
giờ ta đặt một câu hỏi rất đơn sơ: "Có thể nhận diện được Bụt qua một hình
thức khác, nghĩa là qua một hình thức không phải con người hay không?"
Kinh Kim Cương nói rất rõ: "Phàm sở
hữu tướng, giai thị hư vọng." Nếu bị mắc kẹt vào tướng con người thì
ta không thể thấy được Bụt. Bụt không phải chỉ là con người. Nếu đi tìm Bụt qua
hình tướng, âm thanh thì sẽ không tìm ra được.
Nhược dĩ sắc kiến
ngã
Dĩ âm thanh cầu
ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai
Ai đi tìm Bụt qua hình sắc, âm thanh thì người đó đang đi trên
con đường tà và ít có cơ hội thấy được Như Lai. Vì vậy chúng ta đừng kẹt vào
tướng Bụt là một con người. Bụt có thể là một hành tinh như trái đất. Trái đất
của chúng ta là một vị Bụt. Trong trái đất có tuệ giác, có bồ đề, có hạnh phúc
và nhiều đức tính khác. Vị Bụt này là một bà mẹ, Bụt không phải chỉ là đàn ông.
Trong Cơ đốc giáo người ta thường nghĩ Thượng đế là đàn ông, Thượng đế không
thể nào là đàn bà. Nhưng trong đạo Bụt thì có Phật bà. Trái đất là Phật bà, là
một bà mẹ. Mẹ của ai? Mẹ của những vị Bụt dưới hình thái con người và mẹ của
những vị Bụt dưới hình thái khác. Một cây thông hay một bông hoa hồng cũng là
Bụt. Không những con người thành Bụt thuyết pháp mà cây thông cũng đang thuyết
pháp, bông hoa cũng đang thuyết pháp. Nó thuyết pháp về cái gì? Nó thuyết về vô
thường, vô ngã, Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần.
Nhìn với con mắt của Phật giáo đại thừa ta thấy Bụt khắp nơi. Ta thấy Bụt nơi
một đóa hồng, nơi một cây thông. Thấy được như vậy ta sẽ không có khó khăn để
nhận diện trái đất là một vị Đại Bồ tát gọi là Bồ tát Thanh Lương Đại Địa, hay
nhận diện mặt trời là một vị Bụt gọi là Bụt Đại Nhật Như Lai. Không bị kẹt vào
cái tướng thì ta nhận diện được Bụt dễ dàng hơn.
Chúng ta hay có tính kỳ thị. Nói tới bùn và sen thì ta thích
sen, không thích bùn, ta kỳ thị bùn. Nhưng nếu không có bùn thì sẽ không có
sen. Vì vậy không những trong sen có Phật tánh mà trong bùn cũng có Phật tánh.
Trong kinh Bát Nhã có nói Phật tánh đó không
dơ cũng không sạch, không thêm cũng không bớt. Ta phải có con mắt vô tướng,
(animitta) thì mới có thể nhận diện được sự có mặt của Bụt. Bụt không chỉ có
hình thức của một con người. Bụt có thể là một hành tinh, một bông hoa hay một
viên sỏi. Vì vậy trong kinh nói: Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh. Ta phải
lấy đi cái ranh giới giữa Bụt và chúng sinh.
Bụt có trong ta, ta có trong Bụt
Trước khi lạy Bụt, ta được dạy phải quán chiếu tính duyên sinh
của Bụt. Ta đọc bài "Năng lễ sở lễ
tính không tịch." Đứng trước tượng Bụt ta nói:
Bạch Đức Thế Tôn, Ngài cũng duyên sinh như con vậy. Tự tánh của
Ngài cũng là Không. Ngài được làm bằng những yếu tố không phải Ngài. Nhờ có
phiền não, khổ đau mà Ngài có thể thành Bụt cũng như bông sen nhờ có bùn mới
thành ra sen. Con thấy Ngài như vậy nên con thấy con trong Ngài.
Nhìn vào Bụt ta thấy tính Không (the nature of Emptiness) của
Bụt. Ta thấy Bụt chứa đựng tất cả chứ không phải chỉ có trí tuệ, từ bi, bồ đề,
hạnh phúc mà thôi. Nhìn lại mình, ta thấy mình không chỉ là chúng sinh, ta cũng
có Phật tánh. Trong Bụt có ta và trong ta có Bụt. Thấy được như vậy rồi thì ta
mới nên lạy xuống, lạy xuống như vậy mới có sự truyền thông. Nếu Bụt chỉ là Bụt
và ta chỉ là ta thì không có sự truyền thông đích thực. Lấy đi ranh giới giữa
ta và Bụt thì lạy Bụt mới có hiệu quả. Bụt không phải ở ngoài ta, Bụt ở trong
ta, vì vậy khi lạy Bụt ta tiếp xúc được với Phật tánh trong mình. Nếu cho rằng
Bụt khác với ta thì vĩnh viễn ta chỉ có thể là ta và Bụt chỉ là Bụt. Bụt không
bao giờ trở thành ta và ta không bao giờ trở thành Bụt và không có sự thông cảm
giữa Bụt và ta. Cảm ứng đạo giao nan tư nghì có nghĩa là sự
cảm thông giữa Bụt và chúng sinh khó có thể diễn tả được, tại vì ta thoát khỏi
cái thấy lưỡng nguyên phân biệt.
Trong kinh Kim Cương nói rất rõ: Ta có một ý niệm về ngã 我 , về nhân
人, về chúng sinh 眾 生, đó là ba ý niệm mà
ta cần phải vượt thắng. Nhìn vào ngã ta phải thấy vô ngã, nhìn vào con người ta
phải thấy những yếu tố không con người, nhìn vào chúng sinh ta phải thấy Bụt.
Kinh Kim Cương dạy ta phải lấy đi bốn ý niệm là: ngã, nhân, chúng sinh và thọ
mạng. Thọ mạng là đời sống của con người, lấy đi ý niệm về thọ mạng thì ta trở
thành bất tử. Ta không chỉ có mặt ở đây trong 100 năm.
Không có ranh giới đích thực giữa hữu tình và vô tình
Ta cần phải thoát khỏi một ranh giới khác nữa, đó là ranh giới
giữa hữu tình và vô tình. Hữu tình là chúng sinh, vô tình là những cái không
phải chúng sinh như đất, nước, lửa, gió, khoáng vật. Vô tình, tiếng Anh là inanimate things. Một thi sĩ người Pháp
đã hỏi: Objets inanimés, avez vous donc une âme? Hỡi
các vật vô tri kia, chúng bây có một linh hồn hay không? Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
cũng có một câu tương tự: Làm sao em biết bia đá không đau? Ngày sau
sỏi đá cũng cần có nhau. Những vật vô tri đều có tình trong nó nên
không thể gọi chúng là vô tình. Học về lịch sử của trái đất, ta thấy lúc bắt
đầu chỉ có các loại vô tình. Trong nước cháo thời nguyên thỉ (primordial soup)
từ từ sinh ra các loại hữu tình đơn tế bào. Những sinh vật đơn tế bào sinh ra
những sinh vật đa tế bào. Những sinh vật này từ dưới nước bò lên trên đất và
trở thành rong rêu, cây cỏ, các loại cầm thú và thành con người. Vì vậy không
có ranh giới giữa các vật vô tình và hữu tình.
Hiện nay khoa học khám phá ra những vật mà ta cho là vô tình như
những quang tử, những điện tử rất là thông minh. Nó có cái biết ở trong, ví dụ
như nhìn vào một hột bắp ta không thể nói hột bắp là vô tình. Trong hột bắp có
thức, có tài năng, có cái biết trong đó. Ta chỉ cần gieo hột bắp xuống đất thì
nội trong bảy ngày nó biết nẩy mầm thành cây bắp con rồi tiếp tục làm lá, làm
hoa và làm trái bắp. Hột bắp không vô tình, nó cũng là hữu tình.
Chúng ta được làm bằng những chất liệu vô tình. Giữa vô tình và
hữu tình không có ranh giới đích thực. Vì vậy cho nên đất đá cũng có Phật tánh.
Trong Thiền người ta thường hỏi: “Con chó có Phật tánh hay không?”. Không những
con chó có Phật tánh mà cục đá kia cũng có Phật tánh.
Chúng ta phải tìm cách vượt thoát ý niệm: Bụt chỉ là một con
người. Chúng ta có một bài thiền hướng dẫn: Mời Bụt thở, mời Bụt
ngồi. Bài tập rất hay và tôi đã thực tập rất nhiều. Khi ngồi xuống ta
nói:
Mời Bụt thở nhẹ,
mời Bụt ngồi yên
Bụt ở đây không phải là một thực tại ở ngoài mình. Ta nói: “Lạy
Đức Thế Tôn, xin Ngài hãy dùng lưng của con để ngồi, xin Ngài hãy dùng phổi của
con để thở”. Bụt không phải là một cái ngã. Mỗi khi thở có an lạc, hạnh phúc,
bình an là có Bụt. Mỗi khi ngồi có vững chãi, thảnh thơi là có Bụt. Bụt không
phải chỉ là người, đồng nhất Bụt với con người là sai. Hễ có vững chãi, an lạc,
thảnh thơi là có Bụt. Ta biết rằng Bụt không ngồi thì thôi, nếu ngồi thì Ngài
ngồi rất thẳng và thoải mái; Bụt không thở thì thôi, nếu thở thì Ngài thở nhẹ
và có ý thức. “Mời Bụt thở, mời Bụt ngồi”, ta đưa hai lá phổi cho Bụt thở, ta
đưa lưng cho Bụt ngồi. Khi đó ta bắt đầu vượt thoát ý niệm: Bụt là một thực thể
ở ngoài mình. Nếu Bụt thở bằng phổi của mình và ngồi bằng lưng của mình thì Bụt
và mình rất là gần.
Bụt đang thở nhẹ, Bụt
đang ngồi yên
Mình được thở nhẹ,
mình được ngồi yên
Bụt đang dùng phổi của mình để thở, đang dùng sống lưng của mình
để ngồi. Nếu Ngài đang thở nhẹ và đang ngồi yên thì mình cũng được thở nhẹ và
cũng được ngồi yên. Ta không còn thấy Bụt là một cái gì ngoài mình nữa. Nếu ta
thấy nhẹ và yên thì cứ như vậy mà thở. Bài tập này đưa tới thoải mái, hạnh phúc
rất nhiều. Ta tiến thêm một bước nữa với bài tập thứ ba:
Bụt là thở nhẹ, Bụt là
ngồi yên
Mình là thở nhẹ, mình
là ngồi yên
Ta không thể tìm một vị Bụt ở ngoài “thở nhẹ và ngồi yên”. Là
Bụt thì phải biết thở nhẹ và ngồi yên. Không biết thở nhẹ và ngồi yên thì không
phải là Bụt. Bụt không phải là một hình hài, Bụt là sự có mặt của hơi thở nhẹ
nhàng và dáng ngồi bình yên. Ta đi tìm Bụt ở đâu nữa? Ta thấy hơi thở đang nhẹ
và dáng ngồi bình yên tức là đã có Bụt ngay trong giây phút hiện tại. Đó là cái
nhìn vô tướng về Bụt. Mình cũng vậy, mình không có cái ngã riêng biệt. Mình là
thở nhẹ, mình là ngồi yên. Vì vậy cái ranh giới giữa mình và Bụt được xóa liền
lập tức.
Bụt là hơi thở nhẹ, Bụt là thế ngồi yên. Mình là hơi thở nhẹ,
mình là thế ngồi yên. Như vậy ta và Bụt là một, ta vượt thoát cái nhị nguyên.
Đi tới một bước nữa ta đốn ngã cái cây ngã chấp với bài tập thứ tư:
Chỉ có thở nhẹ, chỉ có
ngồi yên
Không ai thở nhẹ,
không ai ngồi yên
Đó là vô ngã. Có Bụt và có ta, nhưng ta và Bụt đều là hơi thở
nhẹ, đều là dáng ngồi yên. Không cần phải có một chủ thể, một cái ngã. Với bài
tập thứ tư ta vượt thoát ý niệm về một cái ta đang thở nhẹ và đang ngồi yên.
Chỉ có sự thở nhẹ và sự ngồi yên đang xảy ra, mà không cần có một cái ta đang
thở nhẹ hay đang ngồi yên.
Chúng ta thường nói: "Gió thổi" hay "Mây
bay" hay “Mưa rơi”. Gió đã là thổi rồi, là gió thì không cần phải thổi
nữa, nếu không thổi thì không phải là gió. Mưa mà không rơi thì không phải là
mưa. Nhìn kỹ ta không thấy có một cái ngã chủ trương thổi hay chủ trương rơi.
There is no blower, no rainer, there is only the wind and the rain. Không có
Bụt và không có ta như những cái ngã, chỉ có thở nhẹ, chỉ có ngồi yên.
Nhìn về địa cầu của chúng ta, ta thấy địa cầu cũng đang thở nhẹ,
cũng đang ngồi yên. Ta không cần phải tưởng tượng Bụt dưới hình dáng một con
người. Khi có sự yên tĩnh và an lạc thì có Bụt. Bụt không phải là một chủ thể.
Đi tới bài tập thứ năm ta thấy rất rõ:
An khi thở nhẹ, lạc
khi ngồi yên
An là thở nhẹ, lạc là
ngồi yên
Có an và lạc là tại vì có thở nhẹ và ngồi yên. Không cần phải có
người an và người lạc mà vẫn có thể có an lạc. Không cần phải có cái ngã rồi
mới có an lạc.
Nói tóm lại chỉ có thở nhẹ, ngồi yên và nhờ vậy có an và có lạc.
Không cần có Bụt, không cần có ta mà an lạc vẫn có. Muốn tìm Bụt ta không cần
phải trở về Ấn Độ của 2600 năm trước. Ta cũng không cần phải đi vô chùa, tại vì
vô chùa ta chỉ thấy tượng Bụt bằng cẩm thạch hay bằng đồng. Nếu thấy Bụt bắt
buộc phải là một con người có 80 vẻ đẹp và 32 tướng tốt là ta bị kẹt vì ta đi
tìm Bụt qua hình tướng và âm thanh. Nếu ta ngồi yên, thở nhẹ, chế tác hỷ lạc và
giải thoát thì ta thấy được Bụt thật mà không phải là Bụt bằng đồng hay bằng
đá.
Xử lý phiền não là chế tác hạnh phúc
Chính nhờ những phiền não, bất an, lăng xăng, rối loạn nên ta
mới có khuynh hướng đi tìm Bụt. Từ những bức xúc, khổ đau, buồn tủi đó ta chế
tác ra chất thảnh thơi, an lạc cũng như nhờ bùn mà ta làm ra được bông sen. Vì
vậy ta đừng nên chạy trốn phiền não, khổ đau. Nếu biết cách thì ta có thể sử
dụng những phiền não, khổ đau để chế tác ra hạnh phúc, bồ đề và tuệ giác.
Câu hỏi “Thành Bụt rồi có cần tu nữa hay không?” rất là hay.
Thành Bụt là có hạnh phúc, bồ đề, tuệ giác. Nhưng dù có rồi mà nếu ta không
thực tập thì hạnh phúc, bồ đề, tuệ giác cũng đi mất từ từ. Vì vậy ta phải nuôi
dưỡng nó bằng sự thực tập. Ta phải sử dụng khổ đau, phiền não và si mê để chế
tác hạnh phúc, bồ đề và tuệ giác.
Trong Phật giáo đại thừa nói rất rõ: Phiền não tức bồ đề, Niết
bàn là sinh tử. Niết bàn và sinh tử là một cặp bài trùng, không có cái này thì
không có cái kia, cũng như mặt trái và mặt phải là một cặp bài trùng, không có
trái thì không có phải. Nghĩ rằng khi có Niết bàn rồi thì không còn sinh tử nữa
là ta bị kẹt vào cái thấy lưỡng nguyên. Một người đệ tử hỏi một vị thiền sư: Con phải đi tìm Niết bàn ở đâu? Thiền sư
trả lời: Con đi tìm nó ngay trong sinh
tử!
Nó là sinh tử, nhưng nhìn cho sâu thì nó cũng chính là Niết bàn.
Sự thực tập hàng ngày của chúng ta phải thực tế. Với những bước chân, những hơi
thở, những lời nói, ta phải tạo ra bình an, hỷ và lạc từ những chất liệu không
bình an, không hỷ và không lạc. Ta phải luôn luôn sử dụng bùn để làm thành
sen, sử dụng phiền não để chế tác bồ đề. Đó là công việc của chúng ta. Công
việc chế tác hạnh phúc có liên hệ tới công việc xử lý phiền não. Xử lý được
phiền não là chế tác được hạnh phúc. Hai công việc đó tuy hai nhưng thật ra là
một. Ta đừng nên chạy trốn khổ đau, ta phải nắm lấy khổ đau và tìm cách chuyển
nó thành ra hạnh phúc. Ta ngã ở đâu thì chống ở chỗ đó mà đứng dậy.
Pháp
thoại ngày 01.12.2013 tại Xóm Thượng trong khóa An Cư Kiết Đông 2013-2014
(Làng Mai)
(Làng Mai)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét