Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

SAO MAI SAO HÔM

Lý Nguyên Diệu


Cuối năm Quý Tỵ (1/2014), hai vì sao định mệnh đã vĩnh viễn rời khỏi bầu trời lang thang của tôi.
Đầu tiên là ngôi sao Mai êm đềm tên là Pete Seeger đã hướng dẫn con tim trong tuổi hai mươi của tôi đến với loài người trong ý nghĩa từ bi toàn vẹn như câu hát Phạm Duy “kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai”.
Sau đó là một ngôi sao Hôm của trí tuệ tên là Trần Chung Ngọc đã soi sáng màn đêm tâm linh của tôi đang đi vào tuổi “tri thiên mệnh” xuyên qua bức tường tôn giáo bất khả dụng để trở về với đạo thờ cúng ông bà như một thực chứng vô thần khó thể bàn cãi.
Với thiên văn học thì hai vì sao nầy chỉ là một, nhưng với tôi thì tuy một sao nhưng lại xuất hiện hai lần, được đặt hai tên và quan trọng nhất là đã đem đến hai ý nghĩa khác nhau vào tâm thức của tôi ở hai thời điểm khác nhau.   


Phải, Pete Seeger (1919-2014); và Trần Chung Ngọc (1931-2014) 

Ở cái tuồi hai mươi, khi tóc còn xanh, mắt còn sáng, đầu óc còn dạt dào mênh mông như một cửa biển rộng mở, tôi sẵn sàng đón nhận từ ngọn sóng lăn tăn đến vầng thái dương huy hoàng. Và cửa biển đó là một bờ biển kéo dài khoảng 20 cây số phía bắc biên giới hai nước Đức và Đan Mạch mà tôi đã được một chàng hippy thả xuống, sau một chuyến đi “ké xe” (hitch hiking) kéo dài từ thủ đô Tây Bá Linh, để lọt vào một trại họp bạn thanh niên quốc tế. Chính ở trại nầy tôi đã được nghe lần đầu tiên cái tên Pete Seeger và bài hát phản chiến lừng danh “Where have all the flowers gone?” qua giọng ca đầy rung động của một nữ sinh viên đại học Malmo miền nam Thụy Điển trong bập bùng của đêm lửa trại trên bờ biển Bắc Âu. Bài hát vòng tròn nầy là những câu hỏi và câu trả lời nối nhau:

Những đoá hoa đã đi đâu rồi? Chúng đã bị các cô nàng hái mất.
Những cô nàng đã đi đâu rồi? Họ đã cất bước vu quy theo chồng.
Những anh chồng đã đi đâu rồi? Họ đã khoác nhung y đi làm chiến sĩ.
Những chiến sĩ đã đi đâu rồi? Họ đã đi vào lòng những mộ chí.
Những mộ chí đã đi đâu rồi? Chúng đã biến đi dưới những đoá hoa.
Những đoá hoa đã đi đâu rồi? Chúng đã bị các cô nàng hái mất.

Cho một thanh niên đến từ vùng lửa đạn của Việt Nam như tôi trong thập niên 1960, bài hát vòng tròn về những đoá hoa nầy phải dẫn ngay đến ba câu thơ ngắn gọn đầy tràn bi cảm của Hữu Loan:

… Tôi về không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới thành bình hương tàn lạnh vây quanh …

Từ bình hương tàn lạnh đó, chiến tranh, với tất cả cuồng nộ khốc liệt vô nghĩa lý của nó, đã bị gió cuốn đi trong “Blowin’ in the wind”, đã bị “Le Déserteur” đóng cửa bỏ đi, đã bị bất bạo động của Gandhi, của Martin Luther King Jr., của Nelson Mandela, của ông Đạo Dừa ở Bến Tre làm cho tỉnh ngộ.  
Sau khi Pete Seeger vĩnh viễn ra đi chiều 27 Tết (27-1-2014) ở tuổi 94, tờ nhật báo Los Angeles Times đã nhắc lại một câu của ông nói lên cái bản chất thực tiễn mà vẫn đầy Thiền vị của Pete Seeger: “Take it easy, but take it”.  Cách thoáng dịch trọn vẹn nhất của 6 chữ nầy có lẽ là câu hát của Trịnh Công Sơn: “Cuộc đời đó có bao lâu (take it easy) mà hững hờ (but take it)”.

Hai ngày sau khi chào tiễn biệt Pete Seeger thì một vì sao khác cũng theo luật sinh-lão-bệnh-tử mà rụng rơi. Vì sao Hôm rực sáng đó là Trần Chung Ngọc đã xuất hiện từ từ qua những bài viết trên Internet triền miên mà thấm thía như những trận mưa dầm xứ Huế. Cái ướt át sũng nước của những cơn mưa lũ ngập tràn tinh thần dân tộc cao độ của Trần Chung Ngọc có thể làm cho nhiều người được sảng khoái mà cũng có thể làm cho nhiều người khác bị cúm lạnh. Một tuần sau ngày ông qua đời, tôi Google tên “Trần Chung Ngọc” và có khoảng 26 triệu “hit”. Một cách mơ hồ, có thể chia ra gồm 10 triệu hit khen, 10 triệu hit chê và 6 triệu hit là từ bài viết của chính ông.
Những bài khen Trần Chung Ngọc đã đưa ông lên đến mấy từng mây xanh. Những bài chê thì dìm ông đến tận đáy bùn đen. Dưới đây là một đoạn chê coi như là chừng mực của tác giả Giao Luu trong bài “Phản biện bài viết của GS Trần Chung Ngọc về Bên thắng cuộc” đăng trên Facebook cách đây gần một năm (ngày 27/2/2013):

“Sau khi đọc qua 1 số bài viết của tác giả Trần Chung Ngọc (TCN) trên trang sachhiem.net tôi rút ra 1 nhận xét chung là GS hay có cách viết hết sức công phu, rất nhiều dẫn chứng, viện dẫn rất nhiều sách vở của các ông Tây bà đầm, mà tác giả hay gọi là "Các vị khoa bảng". Các vị này không phải ai cũng có cơ hội, điều kiện kiểm chứng xem họ là ai, tư tưởng thế nào, thân thế sự nghiệp ra sao và những điều họ nói ra (để GS dẫn chứng) có đáng tin không. Tôi vốn xuất thân khoa học tự nhiên nên trọng logic trong tranh luận hơn là dẫn chứng tràn lan mà thiếu lý luận. Chắc vì dẫn chứng nhiều quá nên các bài viết của GS trên sachhiem.net đều rất nhiều màu sắc, kiểu chữ, đậm nhạt, nghiêng, gạch chân, bôi màu...để cho độc giả dễ phân biệt và thú thực là xem rất chóng mặt.” [1]

Giao Luu có thể được coi như một độc giả trung bình, hoặc có lẽ dưới trung bình, dù có cho biết là “xuất thân khoa học tự nhiên nên trọng logic” nhưng hình như không đọc nhiều sách nên phải thố lộ “sách vở của ông Tây bà đầm” “không phải ai cũng có cơ hội, điều kiện kiểm chứng xem họ là ai”. (Có lẽ độc giả nầy sống ở thời tiền-Internet hoặc chưa bao giờ bước chân vào một thư viện. Nếu không thì độc giả nầy thuộc loại đã được truyền giáo là chỉ nên để cho một người khác, một ông thần ông thánh nào đó tìm hiểu, lý luận, quyết định dùm mình.) Trong khi bài viết của Trần Chung Ngọc luôn luôn kể ra xuất xứ, nguồn gốc của cuốn sách và của tác giả được trích dẫn một cách đầy đủ như một thói quen tự động của những học giả (scholar). Không quen với đọc sách nghiên cứu thì độc giả Giao Luu nầy bị “rất chóng mặt” là điều không đáng ngạc nhiên như người chỉ ngồi dưới đáy giếng bỗng được lên ngồi máy bay bị hoa mắt với bầu trời xanh mây trắng, nắng vàng mà “niềm tin” chưa bao giờ cho họ được thấy.

■ Đó là điểm đặc biệt thứ nhất trong những bài viết của Trần Chung Ngọc: Những bài của ông vén màn ra cho độc giả Việt Nam thấy những sai lầm trong niềm tin của tôn giáo của họ. Và kỹ thuật vén màn của ông là dùng chính những chuyên gia về tôn giáo đó, những “ông Tây bà đầm” của văn hoá Thiên chuá giáo đã nghiên cứu trong các Đại học Âu Mỹ, nhất là những linh mục, nhà tu mà người Công Giáo Việt Nam gọi một cách lễ phép là những “Đức Cha, Đức Ông, Đức Cố” giúp vén bức màn vô minh, chiếu ánh sáng lên sự thật.
Đây là một đoạn tiêu biểu của Trần Chung Ngọc trích từ bài “Khi Giáo Hoàng nói về Khoa học”:

“Giáo hoàng nói rằng chính Gót của ông ta đã sáng tạo ra Big Bang, mà không đưa ra bất cứ một bằng chứng nào. Nhưng nếu vậy thì sách Sáng Thế trong Cựu Ước ông ta vứt đi đâu?
Nhưng thật là thú vị, vì từ nhiều năm trước tôi đã đọc được câu sau đây của S. T Joshi: “Bao giờ ta cũng có thể quả quyết rằng chính Gót đã tạo ra Big Bang, nhưng sự hiện hữu của Gót phải được thiết lập một cách độc lập trước khi chúng ta có thể cho rằng Gót đã làm nổ Big Bang.” [S.T. Joshi, God’s Defenders: Why They Believe and Why They Are Wrong, Prometheus Books, New York, 2003, p. 17: It could always be asserted that God himself caused the Big Bang, but God’s existence must be established independently before one can assume that he triggered the Big Bang.]” [2]

■ Điểm đặc biệt thứ hai của Trần Chung Ngọc là thuyết phục người đọc bằng cách dùng các chuyên gia của tôn giáo đó đưa ra những dữ kiện chính xác khó thể “tư nghì” rồi để cho chính độc giả tự lý luận hầu tự đi đến kết luận theo đúng tinh thần “tự mình thắp đuốc lên mà đi”.
Điều nầy giải thích vì sao một độc giả trung bình như Giao Luu phải than thở “dẫn chứng tràn lan mà thiếu lý luận” mà quên đi chính Giao Luu không biết dùng cái óc của mình để lý luận. 
Kỹ thuật nầy của Trần Chung Ngọc có thể thấy qua đoạn như sau trong bài “Nói với những người Ca-Tô Việt-Nam”:

“8. Giáo hội dạy và tín đồ tin:
John 3: 16: “Thiên Chúa quá thương yêu thế gian đến nỗi ban Con duy nhất của Ngài, để những ai tin vào Người sẽ không bị luận phạt, nhưng được sống đời đời.”, và câu tiếp theo, John 3: 18: “Người nào không tin vào Giê-su thì đã bị đầy đọa rồi, vì người đó không tin vào đứa con duy nhất của Thượng đế.
Đọc Tân Ước, chúng ta thấy là Giê-Su, vì hoang tưởng mình là con Thiên Chúa của Do Thái, nên khẳng định là nhiệm vụ của ông ta xuống trần chỉ để cứu dân Do Thái mà thôi và còn dạy các môn đồ chỉ được truyền đạo trong dân Do Thái mà thôi, ngoài ra còn tỏ ra thái độ rất ghét những người không phải là Do Thái: Matthew 1: 21, Matthew 15:24: Luke 1: 33(Matthew 15: 21-28), Matthew 10: 5-6, Matthew 10: 23. Vậy các tín đồ Ca-tô Việt Nam hãy tự hỏi nếu mình “tin vào Người” thì mình có bao nhiêu hi vọng được có một cuộc sống đời đời với Chúa trên một thiên đường mà Giáo hoàng John Paul II đã phủ nhận sự hiện hữu.” [3]
 
■ Điểm đặc biệt thứ ba, và theo tôi là điểm quan trọng nhất, là Trần Chung Ngọc tuy viết về khá nhiều chủ đề: Tôn giáo, chính trị, khoa học, thời sự, … nhưng cái tâm điểm để trở về thì luôn luôn là tinh thần dân tộc (gần giống như người Công Giáo đi “đường nào rồi cũng dẫn đến La Mã”.) Chỉ cần có một tí tinh thần dân tộc thì sẽ được ông chấp thuận và khen ngợi. Chỉ cần có một tí phi dân tộc hay phản dân tộc là sẽ làm cho ông khinh bỉ, nặng lời một cách không tương nhượng. Phải thấy được tinh thần dân tộc tối đa đó của Trần Chung Ngọc thì sẽ hiểu được vì sao ông ít có giọng văn ôn hoà. Cũng như luật pháp nước nào cũng phải xử án nặng tối đa những người phản quốc.
Trích đoạn sau đây trong bài “Vài Nhận định khi đọc bài phát biểu của ông Ngô Quang Kiệt” cho thấy một Trần Chung Ngọc yêu nước tuyệt đối:

“Ngô Quang Kiệt: Trước hết ông chủ tịch có nói rằng: Uỷ ban nhân dân TP đã tạo rất là nhiều điều kiện cho Giáo Hội Công Giáo trong những năm qua nhất là dịp Lễ Noel… chúng ta phải công nhận trong những năm gần đây có nhiều điều kiện, thế tuy nhiên khi như thế, khi nói tạo điều kiện vẫn còn mang cái tâm lý xin cho: tức là cái này là ân huệ tôi ban cho anh đó. Nhưng mà cái tôn giáo là cái quyền tự nhiên con người được hưởng. Và nhà nước vì dân cho dân phải có trách nhiệm tạo cái điều đó cho người dân chứ không phải cái ân huệ chúng tôi xin. Không có. Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là cái ân huệ “xin cho”.
TCN: Ông Kiệt chỉ biết một mà không biết hai. Tôn giáo là cái quyền tự nhiên của con người được hưởng, ông nói đúng. Tuy nhiên còn phải xét đó là cái tôn giáo nào, và sự thực hành tôn giáo đó có phương hại gì đến quốc gia dân tộc hay không. Bài học của Mỹ, nước tuyệt đối tôn trọng quyền tự do tôn giáo, nhưng chính quyền Mỹ đã dùng đến xe tăng dẹp tan giáo phái của David Koresh ở Waco, Texas. Ở Việt Nam, nếu tôn giáo đó là công giáo thì tôn giáo đó đã có một lịch sử ô nhục phản bội quốc gia, làm tay sai cho Pháp để đưa đất nước vào vòng đô hộ của Pháp. Ông Kiệt có dám lên tiếng phủ nhận sự kiện lịch sử này không?” [4]

Bài viết của Trần Chung Ngọc thường bị chỉ trích ở hai điểm: Văn phong nhiều khi bộc trực và có quan điểm bênh vực chính quyền Hà Nội. Điểm thứ nhất có thể hiểu được khi đọc kỹ sẽ thấy ông chỉ “bộc trực” với các thành phần phản dân tộc. Chính ông cũng công nhận phải “làm ông Ác” trong sứ mạng “trừ tà”. (Bài: “Duyên nợ của tôi với Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo”). Điểm thứ hai là một trường hợp như phim Lã Sanh Môn (Rashomon) của Nhật. Sự việc có thể nhìn thấy qua nhiều lăng kính để trở thành nhiều sự thật. Điểm quan trọng nhất, theo tôi, là ông đã phải chọn lựa cái ít xấu giữa hai cái xấu. Đứng từ lập trường dân tộc của ông, đảng Cộng Sản tuy có rất nhiều khuyết điểm nhưng vẫn là lực lượng chính dẫn đầu cuộc giải phóng dân tộc thoát khỏi ách đô hộ gần 100 năm của thực dân Pháp và kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ bằng thành quả thống nhất đất nước. Trong khi Giáo hội Công giáo Vatican và một số giáo dân bản địa đã giúp thực dân Pháp xâm chiếm và đô hô Việt Nam đồng thời tiến hành một trận chiến thay thế văn hoá tam giáo của Việt Nam bằng văn minh độc thần và văn hóa duy lợi của Tây phương.

Bây giờ thì ngôi sao Hôm hiển hiện khí phách tên là Trần Chung Ngọc đã rời cõi ta bà sau 83 năm vui buồn để về miền miên viễn nhưng tôi tin là tinh thần dân tộc của ông sẽ ở mãi với những người có tinh thần dân tộc. Niềm tin nầy không vô cớ mà đặt căn bản trên một nền móng vững chắc và đồ sộ là những cuốn sách và hàng trăm bài viết mà tác giả Trần Chung Ngọc đã để lại cho những người Việt đặt sinh tồn của dân tộc Việt lên ưu tiên cao nhất.

Tuy rằng một Pete Seeger đầy tính nhân bản đã ra đi. Tuy rằng một Trần Chung Ngọc đầy tình dân tộc đã ra di. Nhưng chúng ta vẫn luôn luôn có thể lạc quan cho tiền đồ của dân tộc, của nhân loại vì bầu trời vẫn còn hằng hà sa số những vì sao. Những vì sao sẽ mọc Hôm nay và những vì sao sẽ mọc ngày Mai. 

                                                                                                             
LÝ NGUYÊN DIỆU
Garden Grove, đầu tháng 2/2014.

ớc Chú:







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét