Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013


GIÃ TỪ LÝ PHẬT TỬ HÔM NAY

Hoàng Nguyên Nhuận

 

Dương văn Minh - Tổng Thống thứ tư và cũng là Tổng Thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, qua đời ngày 6.8.2001 tại Pasadena, California, Hoa Kỳ thọ 85 tuổi.

Trong số những kẻ đầu đàn trực tiếp có ân nghĩa và nợ nần với dân tộc và tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn lịch sử 1954-1975, giờ chỉ còn lại hai: Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Khánh. Còn Bảo Đại, Ngô đình Diệm rồi Trần văn Hương một bên, Hồ chí Minh và Lê Duẩn một bên, thì kẻ trước người sau đều đã theo nhau vượt Sông Mê ghé quán Cháo Lú ... trước khi lên đường về cõi không tên.

Dương văn Minh ít ra cũng đã hai lần công khai đi vào lịch sử chính trị Việt Nam. Năm 1963 như một phản thần thí quân. Năm 1975 như một Lý Phật Tử đầu hàng quân nhà Tùy năm 603 để "không cứu được nước thì cứu được dân" như chính Dương văn Minh tâm sự.

Đại tướng Dương Văn Minh: "1963" và "1975"
Ngoài hai lần đó ra, những lần khác không quan trọng lắm. Như Đại Tá chỉ huy chiến dịch Hoàng Diệu đánh bật lực lượng Bình Xuyên khỏi ven đô chạy về Rừng Sát tháng 9.1955. Phụ tá của Dương văn Minh trong chiến dịch này là Trung Tá Nguyễn Khánh, kẻ đã phế triệt ông 8 năm sau đó. Như Thiếu Tướng chỉ huy chiến dịch Nguyễn Huệ truy kích lực lượng Bình Xuyên tháng 1.1956 và bắt được Ba Cụt ngày 13.4. Như Thiếu Tướng chỉ huy chiến dịch Thoại ngọc Hầu bình định lục tỉnh tháng 6.1956, kết thúc bằng vụ xử tử Ba Cụt tại Cần Thơ ngày 13.7.56. Dương văn Minh là một Ngô thì Nhiệm an định Bắc Hà cho Quang Trung, một Lê văn Duyệt giữ yên Nam Kỳ lục tỉnh cho nhà Nguyễn.

Dương văn Minh chính là trụ cột chống đỡ chính quyền non nớt của Ngô đình Diệm thời khai quốc trước nạn sứ quân lục lâm Lương Sơn Bạc núp dưới chiêu bài giáo phái do Pháp và Bảo Đại đỡ đầu. Nhờ công trạng đó mà đến tháng 8.56 Dương văn Minh được cất nhắc lên chức Tổng Thư Ký Thường Trực Bộ Quốc Phòng tương đương với Tổng Tham Mưu Trưởng, kiêm chỉ huy Phân Khu Sài Gòn-Chợ Lớn tương đương với Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô, kiêm Tư Lệnh chiến dịch Thoại Ngọc Hầu. Sau đó lên Trung Tướng và giữ chức Tư Lệnh Hành Quân Bộ Tổng Tham Mưu. Cho đến tháng 12.62 thì mất chức Tư Lệnh Hành Quân và chỉ còn hư danh Cố Vấn Quân Sự Phủ Tổng Thống. Tại sao Dương văn Minh thất sủng như thế thì có lẽ chỉ có anh em Ngô đình Diệm và Dương văn Minh biết rõ thôi.

Năm 1963, phong trào Phật giáo bùng lên từ ngày Phật Đản 8.5, trong khi chính quyền đang chủ trương dẹp gấp dẹp gọn phong trào này thì ngày 14.6 cái gọi là “Hội đồng Tướng lãnh” họp kêu gọi hai bên đoàn kết, bình tĩnh, tránh hiểu lầm, đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết, giải quyết trong tình huynh đệ. Là đàn anh của các tướng lãnh, hẳn Dương văn Minh không thể không có ý kiến quyết định khuyến cáo đó. Khuyến cáo đó có thể coi đó là một cách dằn mặt Phật giáo, và cũng có thể là một cách dằn mặt chính quyền. Cách nào đúng thì hơn bốn tháng sau mọi người đều đã thấy rõ qua chính biến 1.11.

Không có chính biến 1.11 thì lịch sử của chung Miền Nam và của riêng Phật giáo Việt Nam hẳn đã có một vài trang đẫm máu ngoại hạng và Miền Nam có thể đã tạm thời trở thành một Phi Luật Tân về tôn giáo. Thật vậy, khi cuộc vận động tự do và bình đẳng tín ngưỡng của Phật giáo vượt ngoài vòng tiên liệu và kiểm soát của mình thì chính quyền đã thẳng tay phát động chiến dịch Nước Lũ đêm 20.8 hốt tất cả thành phần lãnh đạo Phật giáo vào tù. Dĩ nhiên, không phải cho những người này nghỉ ngơi một thời gian rồi thả ra, để biểu tình tiếp hay ra để hưởng tất cả những quyền lợi nhân quyền, tự do hành đạo, tự do chính trị như các đồng bào công giáo!

Ai không theo ta là kẻ thù của ta. Nếu không có chính biến 1.11 do Dương văn Minh cầm đầu thì số phận những người bị chế độ xem là kẻ thù sẽ như thế nào? Hỏi như vậy tức những người Phật tử cũng như những thành phần đối lập với chính quyền từ vụ Bình Xuyên Hòa Hảo, vụ Ba Lòng, vụ Caravelle, vụ Phạm phú Quốc - Nguyễn văn Cử, vụ Nguyễn chánh Thi ... đều phải nhớ ơn Dương văn Minh và chính biến 1.11.1963.

Và không chỉ những người Phật tử biểu tình tranh đấu cám ơn Dương văn Minh mà cả những người trung kiên với Ngô đình Diệm cũng phải cám ơn Dương văn Minh nữa. Những người này có thể trách Dương văn Minh phản chủ khiến cho Ngô đình Diệm và Ngô đình Nhu bị thảm sát và có thể hận Dương văn Minh,nhưng hãy đừng hận đến độ quên cả tự hỏi rằng, nếu trong và sau ngày 1.11.1963 mà Dương văn Minh có dã tâm bật đèn xanh xúi dục hay nhắm mắt cho những phần tử cực đoan, các giáo phái đã bị truy bức chết lên chết xuống trước đây tìm cách trả thù 'chế độ cũ' hay 'Cần Lao ác ôn' thì chuyện gì sẽ xảy ra? Hoặc đặt câu hỏi ngược lại rằng nếu chính biến 1.11.1963 là do những người của Ngô Tổng Thống anh minh thực hiện (như kế hoạch Bravo của chính Ngô Đình Nhu) thì chuyện gì sẽ xảy ra? Cứ xem những gì đã xảy ra ở Indonesia sau khi Sukarno bị hạ bệ, ở Campuchia sau khi Pol Pot vào Nam Vang, ở Yugoslavia sau khi cộng hòa này tan rã, ở Rwanda trước đây và Bắc Ireland hiện nay thì phải thấy đa số người dân Việt đáng tự hào là đã không để cho máu đổ vì những hận thù chính trị hay tôn giáo.

Có người không muốn nhìn cái chết của anh em Ngô đình Diệm như hậu quả đương nhiên của trò chơi quyền lực vốn tàn độc bất nhân đã nhào vào chơi thì phải rán chịu, nên đã tìm cách đổ tội cho Dương văn Minh và Kennedy về cái chết của anh em nhà Ngô. Nhưng trách Dương văn Minh phản Ngô đình Diệm thì làm sao tránh khỏi trách Ngô đình Diệm phản Bảo Đại? Mặt khác, bảo rằng vì Kennedy chủ tâm giết Ngô đình Diệm nên chẳng bao lâu sau Kennedy mới bị chết thảm. Nhưng nếu bảo Kennedy chết thảm vì quả báo sát hại anh em nhà Ngô thì ba anh em nhà Ngô chết thảm vì quả báo nào đây? Không lý những người bênh anh em nhà Ngô lại muốn thiên hạ nghĩ rằng theo luật quả báo mà nói thì anh em nhà Ngô chết cũng chẳng oan chút nào sao?

Kennedy có chủ tâm giết anh em nhà Ngô không thì không chắc, nhưng Kennedy muốn phế bỏ nhà Ngô là chuyện thật. Tại sao? Câu trả lời có thể tìm thấy qua dòng tin ngắn Đoàn Thêm đã ghi lại trong quyển Hai Mươi Năm Qua 1945-1964 tr.348 như sau: '22.5.1963 - T.T Kennedy họp báo tuyên bố rất rành mạch và dứt khoát: Một: sẽ rút quân đội Mỹ khỏi VN bất cứ lúc nào nếu chính phủ VN yêu cầu. Một ngày sau khi có sự đòi hỏi đó, sẽ cho ngay một số quân về. Nhấn mạnh: đó là điều thứ nhất. Hai: Hy vọng rằng tình thế ở VN sẽ cho phép rút một số quân vào cuối năm nay, song e rằng cuộc tranh đấu còn gay go'. Như vậy, theo Kennedy, đánh hay đàm, tiến hay rút thì Mỹ cũng cần Miền Nam ổn định, không hỗn loạn. Ngô đình Diệm phải chịu trách nhiệm về thế nước lòng dân ổn định đó. Và trong lúc địch gia tăng quấy phá, tấn kích mà chính quyền Việt Nam lại đẩy gần 80% dân chúng vào thế đối kháng sống chết với chính quyền thì quả thực đó là một sai lầm không thể chấp nhận. Bằng chiến dịch Nước Lũ 20.8.1963, chính quyền Ngô Đình Diệm đã nói cho Hoa Kỳ biết là họ không cần thế nước lòng dân ổn định đó. Và họ có cách tái lập ổn định riêng của họ. Mỹ không chấp nhận điều đó và thế là Đệ Nhất Cộng Hòa bị dứt điểm. Kẻ được Mỹ nhờ đến là Dương văn Minh. Dương văn Minh đoán được ý Mỹ, không đòi Mỹ tiếp tay mà chỉ đòi Mỹ hứa là không phá bĩnh kế hoạch chính biến của phe mình thôi. Đó là quả quyết của Stanley Karnow, tác giả bộ sử đồ sộ Vietnam: A History. Karnow đã có cơ hội trò chuyện với Dương văn Minh cùng những người khác trong nhóm làm chính biến cũng như với đại diện của Tòa Đại Sứ Mỹ bên cạnh nhóm chính biến là Đại Tá Conein.

Kennedy và bộ tham mưu cần Dương văn Minh để tái tạo một thế ổn định mới, có thể là để cho Mỹ an toàn ra đi. Kennedy chết đột ngột, dự tính đó cũng bị bỏ rơi. Những người thay thế Kennedy không cần nhóm Dương văn Minh nữa. Cho nên Dương văn Minh làm quốc trưởng được mấy tháng thì bị Nguyễn Khánh lật. Vì Tổng Thống Johnson cần một quốc trưởng Miền Nam dám vác cờ Bắc tiến trong khi Dương văn Minh không muốn đánh mà cũng chưa dám đàm.

Năm 1963, Dương văn Minh không được Kennedy và Lodge trọng dụng, nhưng năm 1975, đã được Nixon-Ford và Martin xài đúng chỗ khi họ cần một người vác cờ trắng đầu hàng cho Mỹ êm thắm rút đợt cuối cùng. Dương văn Minh cố đẩy Trần văn Hương xuống để dành lấy ngôi vị quốc trưởng vì thành thật tin mình có thể cứu vãn được Miền Nam, hay chỉ tự lừa mình, hay vì bị người lừa để tin như vậy? Hay vì cả ba lý do đó hợp lực thúc đẩy? Chỉ có Dương văn Minh biết rõ mà thôi. Chiều 28.4.1975, sau khi Dương văn Minh tuyên thệ nhậm chức, một ngưòi bạn gặp anh Bùi Tường Huân lúc đó là Bộ Trưởng Quốc Phòng của Dương văn Minh báo cho biết là bên kia - tức Cộng Hòa Lâm Thời Miền Nam Việt Nam, đã chịu thương thuyết. Tôi thưa lại rằng thương thuyết chi mà thương thuyết! điều gấp rút bây giờ không phải là cứu Miền Nam hay Sài Gòn mà là cứu … các anh đó. Cách tiện lợi để làm chuyện ấy là dụ Đại Sứ Martin đến Dinh Độc Lập rồi bắt lại luôn và nói cho Martin biết: Tôi chết thì anh cũng chết, anh thoát thì tôi cũng thoát! Đệ Thất Hạm Đội của Mỹ ngoài khơi đâu có chịu để cho Đại Sứ Martin lọt vào tay đối phương. Vì phát ngôn bừa bãi vậy nên Hoàng tôi đã phải nghe chửi thề rồi bị mắng cho là bao giờ cũng chỉ thích làm loạn!

Chuyển biến tư tưởng của Dương văn Minh trong 72 giờ làm Tổng Thống hẳn phải là bão táp quay cuồng giữa tin và không tin thiên hạ, đánh và đàm, thương thuyết và đầu hàng, cầm cự và bỏ chạy... Tội nghiệp! Như tâm trạng của người Miền Nam và riêng Sài Gòn trong những ngày cuối cùng đó. Nhưng bị người lừa hay tự lừa mình hay quyết định tỉnh táo mà sai lầm đến đâu chăng nữa thì Dương văn Minh thực sự cũng đã có một quyết định đúng đắn mà cả dân tộc phải ghi ân đó là quyết định buông súng ngưng chiến. Một điều bi hài mà Dương văn Minh không hề nghĩ đến đó là khi tuyên bố ngưng chiến, Dương văn Minh không chỉ ký giấy khai tử Việt Nam Cộng Hòa mà còn vô tình khai tử luôn cả Cộng Hòa Lâm Thời Miền Nam Việt Nam! Việt Nam Cộng Hòa chết thì Cộng Hòa Lâm Thời Miền Nam Việt Nam cũng chết theo vì cả hai chỉ là những con chốt trên bàn cờ Mỹ-Bắc Việt.

Cho đến năm 1997, 25 năm sau ngày Việt Nam Cộng Hòa tiêu vong, Dương văn Minh đã nói một sự thật ít người nào chịu chấp nhận đó là người Mỹ viện trợ cho Miền Nam chiến đấu chống cộng vô giới hạn về nhiều mặt, trừ ba thứ là gạo, xăng dầu và đạn. Viện trợ Mỹ về ba thứ này được dứt khoát giữ ở mức đạn chỉ đủ bắn 6 tháng, xăng dầu và gạo chỉ dùng được 3 tháng là cùng! Năm 1966, Miền Trung không dám ly khai cũng vì lý do này. Năm 1970, Tướng Nguyễn văn Vỹ và chương trình Quỹ Tiết Kiệm Quân Đội bị giết chết từ trong trứng nước cũng chỉ vì muốn dùng số tiền tiết kiệm đó để tạo điều kiện cho quân đội VNCH khỏi bị những thúc bách hạn chế tiếp vận về gạo, đạn và xăng dầu đó. Điều này cũng giải thích tại sao Tướng Nguyễn khoa Nam tự tử và kéo những người thân tín nhất của ông chết theo sau ngày 30.4.1975 sau khi thất bại trong dự tính biến miền Tây thành khu tự trị để đương cự với địch.

Có một điều mà Dương văn Minh không nói và Hà Nội cũng không xác nhận đó là trong số xe bồn chở xăng dầu cung ứng cho chiến trường Sài Gòn có những chiếc không chở xăng dầu mà chở phọt-môn, chuẩn bị để tẩy uế Sài Gòn trường hợp Miền Nam không chịu buông súng và Bắc quân phải giải phóng Sài Gòn bằng pháo kích như Pol Pot đã làm ở Nam Vang! Về chuyện ác mộng pháo kích này thì mấy ai ở Sài Gòn mà không nhớ chuyện khôi hài ghi lại lời một ông lão hơi lẩm cẩm nhưng hay nói đã phát biểu sau ngày 30.4. Trong một buổi mít-tinh, ông cụ đã dơ tay xin phát biểu rằng: 'Tui cám ơn cách mạng đã về giải phóng chúng tôi nhanh chóng, cách mạng mà vào chậm chút nữa thì 'dziệt cộng' nó pháo kích như ở Nam Vang chắc chúng tôi chết hết rồi!' Thiên hạ cười quá trời khiến ông lão tỉnh người lại và hoảng hốt xua tay phân bua: 'Thôi! Thôi! Tui không dám dài dòng nữa đâu. Già cả lẩm cẩm, tui nói bậy cách mạng giết tui chết mất! Xin cách mạng tha tui!'

Dương văn Minh ra lệnh buông súng là đúng. Bởi ông không thể làm gì khác hơn nếu không muốn thịt rơi máu chảy hơn nữa. Người Sài Gòn và người Miền Nam phải nhớ ơn ông, cám ơn cái sai lầm của ông, nếu có, khi ông đoạt lấy chiếc ghế Tổng Thống. Đó cũng là sai lầm của Lý Phật Tử đầu hàng quân Tàu ngày xưa để tránh cho dân khỏi bị khổ đau chết chóc thêm nữa vì một cuộc chiến vô vọng. Miền Nam có đau khổ hay không dưới nền cai trị mới của kẻ chiến thắng, đó là chuyện khác. Và nỗi đau khổ dưới chế độ mới này cũng vô ích như nỗi khổ kéo dài cuộc chiến mà Dương văn Minh đã cố tránh, và tránh được. Vô ích vì nỗi khổ này chỉ bắt nguồn từ ảo tưởng và cuồng vọng. Dương văn Minh đã đánh bại kẻ chiến thắng về điểm này, không phải bằng nộ khí anh hùng mà bằng độ lượng từ tâm. Dương văn Minh không có ảo tưởng chiến thắng hay thủ hòa bằng quân sự như Lê Duẩn có ảo tưởng triệt để 'cải tạo Miền Nam để tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên XHCN'. Bao nhiêu trại học tập cải tạo là bấy nhiêu chứng tích của ảo tưởng này. Cái ảo tưởng không làm cho Sài Gòn tắm máu, nhưng làm cho Miền Nam tắm nước mắt và mồ hôi vô lối.

Mà thôi! Đó là chuyện để cho Lê Duẩn đôi co với Hồ chí Minh và Dương văn Minh dưới Suối Vàng nếu quả thật đã vượt Sông Mê, đã ăn cháo lú mà họ vẫn còn nhớ chuyện trần gian. Tự nhận thất bại đôi khi còn có ích cho đời hơn là tự cho mình thành công. Những người Việt còn sống có lẽ chỉ nên suy gẫm bài học Dương văn Minh để vừa buồn là đã phải làm người Việt Nam, vừa tự hào là đã làm người Việt Nam. Tương lai Việt Nam tùy thuộc phần lớn vào nỗi muộn phiền và lòng tự hào đó.

Xin vĩnh biệt Dương văn Minh, xin vọng bái Lý Phật Tử của Việt Nam thế kỷ 20

Hoàng Nguyên Nhuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét