KHÔNG PHẢI LÀ
CÁCH TỰ TỬ ĐƯỢC CHỌN
[Not the
Preferred Way to Commit Suicide in "Overthrow"]
by Stephen
Kinzer
Người Dịch: Trần Thanh Lưu
Stephen Kinzer là một nhà văn
và cũng là nhà báo Mỹ. Ông là một cộng tác viên kỳ cựu của báo New York
Times, từng tác nghiệp trong hơn 50 nước trên 5 châu lục. Trong thập niên
1980’, ông đã từng làm phóng sự về các cuộc cách mạng và biến động tại Trung
Mỹ. Vào năm 1990, ông được thăng chức Trưởng Nhiệm sở tại Berlin và viết về sự
biến dạng của các nước Đông Âu sau cuộc cách mạng nhung. Ông cũng đã là Văn
phòng trưởng của New York Times tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) từ 1996 đến 2000.
Hiện nay, ông dạy tại về Báo
chí và Chính sách Ngoại giao Mỹ tại đại học Northwestern University, bang
Illinois. các tác phẩm đã xuất bản của ông là Bitter Fruit: The Story of the American Coup in
Guatemala, với Stephen Schlesinger; (Doubleday, 1982); Crescent
and Star: Turkey Between Two Worlds, (Farrar, Strauss and Giroux, 2001); All the Shah's
Men: An American Coup and the Roots of Middle East Terror,
(John Wiley & Sons, 2003);Overthrow: America's Century of Regime Change from
Hawaii to Iraq, (Times Books, 2006); Blood of Brothers: Life and War in Nicaragua,
with a new afterword, (Harvard
University Press, 2007); A Thousand Hills: Rwanda's Rebirth
and the Man Who Dreamed It, (John Wiley
& Sons, 2008) - [Theo Wikipedia]
Dưới đây là trích đoạn từ
Chương 7 của Cuốn “Lật Đổ” (Overthrow, Times Book, New York City, 2006)
đề cập đến vai trò của Mỹ, nhất là thái
độ không đứt khoát của Tổng thống Kennedy vì lập trường thiếu thống nhất
của các phụ tá, trong cuộc lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm của quân dân miền
Nam..
Các cơ quan thông tấn chẳng bao giờ
ngủ nên không lạ gì khi Malcolm Browne, phóng viên của Associated Press ở Sài
Gòn, vẫn còn làm việc khi điện thoại văn phòng của mình reo lên vào tối ngày 10
Tháng 6 năm 1963. Người gọi là (Thượng tọa) Thích Đức Nghiệp, một nhà sư Phật
giáo mà Browne đã quen biết trong khi tác nghiệp về các cuộc xung đột leo thang
giữa Phật giáo đồ và chính quyền do Công
giáo-thống trị ở miền Nam Việt Nam. Ông nói với Browne rằng bất cứ ai xuất
hiện tại chùa Xá Lợi sáng hôm sau sẽ chứng kiến "một sự kiện quan trọng".
Tối
hôm ấy, nhà sư đã gọi vài phóng viên nước ngoài khác với cùng một thông điệp.
Chỉ có Browne coi đó là nghiêm túc. Ông đã viết nhiều về cuộc nổi dậy của Phật
giáo lan rộng và cảm nhận rằng nó sẽ có thể định hướng tương lai của Việt Nam.
Trước bình minh sáng hôm sau, ông và trợ lý người Việt khởi hành đến chùa. Họ
thấy chùa đông nghẹt các nhà sư trong tăng bào màu vàng nghệ và ni chúng với áo
màu lam. Không khí bên trong đã nóng, ngột, và ngào ngạt mùi hương. Khói cuồn
cuộn bay lên từ hàng trăm lò hương. Chư tăng ni lắng mình trong tiếng niệm
kinh.
Browne
chọn một chỗ ngồi. Một trong những ni cô đến gần ông, và trong khi bà rót trà,
ông có thể nhìn thấy dòng nước mắt chảy xuống trên mặt bà. Một vài phút sau đó,
TT. Thích Đức Nghiệp trông thấy ông và đến gần. Ông có một đề nghị đơn giản:
đừng vội rời "cho đến khi sự kiện kết thúc."
Browne
ngồi giữa cảnh này khoảng nửa giờ. Đột nhiên, theo một hiệu lệnh, các tăng ni
ngừng tụng kinh, đứng dậy, và nghiêm trang theo nhau ra khỏi chùa và kết thành
một hàng bên ngoài. Họ tập hợp phía sau một chiếc ô-tô Austin cũ chở năm nhà sư
và họ đi theo chiếc ô-tô qua các đường phố. Đoàn người dừng ở nơi giao lộ của
hai đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, một trong những con đường lớn của
thành phố. Những người biểu tình làm thành một vòng tròn để chặn tất cả các lối
vào.
Ba
nhà sư bước ra khỏi chiếc xe, một vị cao niên được nâng đở bởi những vị khác.
Những vị sư trẻ đặt một đệm vuông trên mặt đường tại trung tâm giao lộ và giúp
vị sư già yên vị theo kiểu ngồi kiết già tòa sen. Trong khi ngài lần hạt và lâm
râm niệm danh hiệu thiêng liêng A Di Đà Phật, "Vãng Sanh Cực Lạc," họ
lấy một thùng xăng từ xe và tưới một hỗn hợp xăng màu hồng-và-diesel lên ngài. Sau khi họ bước xa ra, ngài cầm một hộp
diêm, quẹt lên rồi thả xuống đùi mình. Ngay lập tức, lửa ôm trọn ngài.
Trình
tự cuộc Tự thiêu của HT Thích Quảng Đức được Malcome Browne
chụp ảnh
và sắp xếp lại (đánh số từ 1 đến 9) – World Press Photo 1963
Lưu ý hình số “2”: Ngồi trên vũng xăng lênh láng, HT Quảng
Đức bắt đầu
tự mình
bật que diêm cho lữa bùng lên (trong hình số “3”)
Khi gió thổi ngọn lửa khỏi mặt ông ta, tôi có thể thấy rằng
mặc dù đôi mắt nhắm kín, nét mặt của ông bị méo mó bởi nổi đau đớn cùng cực.
Nhưng trong suốt cuộc thử thách của mình, ông không bao giờ thốt lên một tiếng
hoặc thay đổi vị trí của mình, ngay cả khi mùi thịt cháy lan đầy không khí. Một
tiếng kêu van kinh hoàng từ đám đông, và tiếng tụng kinh rời rạc từ vài nhà sư
vì bị gián đoạn bởi tiếng la khóc của nỗi đau đớn. Hai nhà sư trương ra một
biểu ngữ lớn bằng vải (viết tiếng Anh), "Một Nhà Sư Tự Thiêu cho Các Đòi
Hỏi của Phật giáo,"
Choáng
váng bởi những gì ông đã nhìn thấy, như một phản xạ Browne bấm máy ảnh liên
tục. Sau một vài phút, một xe chửa lửa và nhiều xe cảnh sát với còi hú xuất
hiện, nhưng những người biểu tình nằm ngay ở phía trước các xe nầy và bám vào
bánh xe nên xe không thể tiếp cận được với giàn thiêu. Nhanh chóng ngọn lửa bắt
đầu dịu dần. Khi lửa tàn, vài nhà sư đã xuất hiện với một quan tài bằng gỗ và
cố gắng nâng xác chết của người đàn ông đặt vào đó. Tay chân của ông đã trở nên
cứng ngắt. Chiếc quan tài đã được mang về chùa Xá Lợi, cả hai cánh tay ló ra
ngoài. Một cánh còn bốc khói.
Những
tấm ảnh của Browne về nhà sư tự thiêu đã làm choáng váng mọi người trên thế
giới. Ngày hôm sau, một vị khách thăm Phòng Bầu Dục nhận thấy rằng Tổng thống
John F. Kennedy đã có một xấp ảnh nằm trên bàn làm việc của ông. Hình như chúng
tượng trưng cho sự tan rã của miền Nam Việt Nam và sự bất lực của tổng thống Ngô
Đình Diệm. Trong vài tháng kế tiếp, những hình ảnh này đã giúp thúc đẩy chính
quyền Kennedy hướng về một quyết định trọng đại. Diệm đã mất sự tin tưởng của
của chính quyền (Mỹ) và sẽ bị lật đổ.
۞۞۞
Đất
nước Việt Nam xanh tươi, uốn lượn như đuôi rồng dọc theo bờ biển ngoằn ngoèo
của Đông Dương, đã trở thành một thuộc địa của Pháp vào thế kỷ XIX. Nhiều thế
hệ của các gia đình người Pháp đã xây dựng cuộc sống ở đấy, khai khẩn rừng
thành những đồn điền cao su và biến Sài Gòn, thủ đô, thành một tiền đồn thuộc
địa lạ kỳ. Trong những năm hỗn loạn sau khi Thế Chiến II, tinh thần dân tộc và chống thực dân bùng lên ở Việt Nam cũng như nó
đã nổ ra tại những vùng đất xa xôi như Iran và Guatemala. Nhiều nhà lãnh đạo
nước ngoài đã không nhận ra sức mạnh của tinh thần đó. Kẻ đại cận thị lại là người Mỹ. Sự mù lòa của họ sẽ dẫn Hoa Kỳ đến
sự thất bại quân sự lớn nhất trong lịch sử của nó
Nhật
Bản đã chiếm đóng và kiểm soát Việt Nam trong chiến tranh thế giới. Một đoàn
quân du kích Việt Minh, đã tiến hành chiến tranh du kích chống lại kẻ chiếm
đóng, sử dụng vũ khí (và thuốc lá) do Mỹ thả xuống. Sau khi Nhật đầu hàng, nhà
lãnh đạo đảng, ông Hồ Chí Minh, một người trông có vẻ yếu đuối khoảng 50 tuổi
với một bộ râu mỏng, quyết định rằng đã đến lúc phải tuyên bố nền độc lập của
nước ông. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, trước một đám đông lớn tại phía bắc thành
phố Hà Nội, ông đã đọc một bài tuyên ngôn mà bất kỳ người Mỹ nào cũng cảm thấy
quen thuộc.
Ông
tuyên bố “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ
những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được
sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”
Theo
bản năng, ông Hồ nhắm đến Hoa Kỳ, một phần vì ông có điều mà theo một nhà sử
học gọi là “cả đời ngưỡng mộ người Mỹ” và một phần vì ông có ít đồng
minh khác. Nước Pháp, quyết định tái lập
quyền thống trị cũ của họ tại Việt Nam, từ chối công nhận chính phủ mới của
ông. Nước Anh, vốn sợ tấm gương của Việt Minh sẽ có ảnh hưỡng đến các thuộc địa
riêng của mình, cũng phản đối ông. Lãnh đạo cộng sản tại Trung Quốc và Liên Xô
lo sợ chủ nghĩa dân tộc của ông. Thật là hợp lý khi ông hướng về Washington để
mong được giúp đỡ.
Tất
cả nỗ lực của ông Hồ để thu hút sự hỗ trợ của Mỹ, trong đó bao gồm việc gửi thư
đến tổng thống Harry Truman và Tướng George Marshall, tỏ ra vô hiệu quả. Người
Pháp đã tái lập vai trò cũ của mình tại Việt Nam. Dần dần ông Hồ nhận ra rằng
nếu ông muốn làm cho đất nước của mình thực sự độc lập, Việt Minh đành sẽ phải
tham gia cuộc chiến tranh khác, lúc này chống lại thực dân Pháp. Cuộc chiến đạt
đến đỉnh điểm khi Dwight Eisenhower đảm nhận chức tổng thống năm 1953
Toán Biệt kích OSS của Mỹ với hai ông Hồ
Chí Minh và Võ Nguyên Giáp tại Tân Trào vào tháng 8 năm 1945 - Việt Minh chiếm
cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp vào tháng 5 năm 1954
Lúc
bấy giờ, người Pháp đã bị tả tơi sau bao năm chiến đấu chống du kích Việt Nam.
Họ kết luận, với nỗi đau lớn, là họ phải từ bỏ thuộc địa lộng lẫy của họ và
mong cầu hòa bình. Đầu năm 1954, các nhà đàm phán của Pháp và Việt Minh đã gặp
gở tại Geneva. Các nhà đàm phán từ Trung Quốc, Liên Xô, Anh, và Hoa Kỳ cũng có
mặt tại đấy. Bộ trưởng Ngoại giao Dulles cầm đầu đoàn đại biểu Mỹ. Một nhân vật
có tầm vóc ít nhất cũng ngang bằng, ông Chu Ân Lai, đại diện Cộng sản Trung
Quốc. Dulles vốn coi chế độ Trung Quốc chẳng khác gì ác quỷ, và khi một phóng
viên hỏi liệu ông sẽ gặp ông Chu, ông Dulles trả lời lãnh đạm: "Không, trừ
khi xe ô tô của chúng tôi đụng nhau"
Dulles
đến Geneva hy vọng ngăn chặn một thỏa thuận. Ông đã thành công rất ít trong
việc nầy, và rời khỏi nơi ấy sau một tuần. Không lâu sau đó, các nhà đàm phán
còn lại đồng ý một sự phân vùng tạm thời của Việt Nam dọc theo vĩ tuyến 17.
Cộng sản sẽ kiểm soát ở phía bắc và có thủ đô tại Hà Nội. Cựu đồng minh của
Pháp sẽ thành lập một chính phủ riêng ở phía nam, với thủ đô tại Sài Gòn. Sẽ có
các cuộc bầu cử toàn quốc trong hai năm, sau đó miền Bắc và miền Nam sẽ được
tái hợp. Trong khi chờ đợi, ngoại quốc không được gửi vũ khí hoặc quân đội vào
bất cứ bên nào của Việt Nam
Pháp
chấm dứt nền cai trị của mình ở Việt Nam với một buổi lễ thích nghi lặng lẽ.
Vào ngày 9 tháng mười 1954, dưới một bầu trời mưa, một nhóm nhỏ các binh sĩ tập
hợp quanh một cột cờ tại Sân vận động Hà Nội và hạ lá cờ tam tài xuống. Một
lính kèn thổi vài điệu sầu thảm. Không có bài hát hoặc bài phát biểu. Trong
vòng tám năm chiến tranh không chính đáng, Pháp bị tổn thất thảm hại với 44.967
người chết và 79.560 người khác bị thương.
Rất
ít người ở Hà Nội biết đến buổi lễ. Họ đã quá bận rộn chuẩn bị đón đoàn quân
Việt Minh chiến thắng của họ. Những ngày sau khi Pháp rút lui; 30.000 quân du
kích diễn hành vào thành phố. Chiến thắng của họ chưa hoàn thành, bởi vì Việt
Nam đã bị chia đôi, nhưng sự phân chia chỉ có hai năm thôi. ông Hồ Chí Minh đã
gây ra một cuộc bại trận kinh hoàng cho kẻ thù giàu mạnh hơn nhiều. Ông là
người nổi tiếng nhất của đất nước. Nhiều người Việt cho rằng qua cuộc bầu cử
năm 1956, ông sẽ được chọn để lãnh đạo đất nước của họ.
Ngoại
trưởng Dulles đã làm mọi cách mà ông có
thể làm để giữ cho Pháp lưu lại tại Việt Nam, nhưng họ vẫn quyết định ra
đi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ông ta chịu ngồi yên khi các cử tri
Việt bầu một người Cộng sản để lãnh đạo đất nước thống nhất của họ. Ông không
bao giờ xét tới khả năng tìm kiếm một cuộc hòa giải với ông Hồ. Thay vào đó,
ông ta đã ra tay phá bỉnh hiệp định Geneva bằng cách làm cho sự chia cắt đất
nước trở thành vĩnh viễn.
Chỉ
đạo dự án này đầy tham vọng này, Dulles đã chọn Đại tá Edward Lansdale, chuyên
gia chống phản loạn thành đạt nhất của Mỹ vào thời đó. Lansdale đã giành một
chiến thắng lớn trong việc đập tan quân du kích ở Philippines, hợp tác với một
nhà lãnh đạo người Phi nói được tiếng Anh, Ramon Magsaysay mà ông đã lôi ra từ
chỗ vô danh, tài trợ rộng rãi, điều động leo qua các cấp chính trị, và cuối
cùng đặt vào ghế tổng thống. Ông cần cùng loại đối tác cho dự án Việt Nam của
ông. Có một kẻ đang chờ đợi.
Ngô
Đình Diệm là một người sùng đạo Công giáo, xuất thân theo một con đường quan
lại Việt Nam khá dài. Ông đã học về hành chính công cộng [Ghi chú của người
dịch: từ trường Hậu Bổ], ở tuổi 30, đã làm Thượng thư Bộ Lại trong nội các thân
Tây của Hoàng đế Bảo Đại. Về sau ông nghiêng về nền độc lập nhưng vì do việc
chống Chủ nghĩa Cộng sản mạnh mẽ của mình mà ông đã từ chối tham gia Việt Minh.
Năm 1950, ông du hành tới Mỹ, nơi ông đã dành hai năm sống một cuộc sống tu sĩ
ẩn dật tại chủng viện Maryknoll tại Lakewood, New Jersey, và Ossining, New
York. Ông cũng đã có nhiều cuộc tiếp xúc chính trị quí giá. Thông qua sự trung
gian của kẻ chống Cộng hung hản là Hồng
y Francis Spellman, ông đã gặp các viên chức Bộ Ngoại giao và các thành
viên có ảnh hưởng của Quốc hội. Spellman đã đặc biệt giới thiệu ông đến các
chính trị gia Công giáo, trong đó có Thượng nghị sĩ John F. Kennedy của
Massachusetts.
Khi
người Mỹ phải tìm ra một người Việt Nam để thực hiện cuộc đấu thầu của họ tại
Sài Gòn, ông Diệm là một trong số ít người mà họ biết đến. Lúc bấy giờ, ông là
một người độc thân đẩy đà béo tốt 53 tuổi, sống ẩn dật tại một tu viện Benedictine
tại Bỉ. Dulles và Lansdale chưa hề gặp qua ông ta, nhưng Lansdale bảo chứng cho
lập trường chống-Cộng sản đáng tin cậy của ông ta, và đó là tất cả những gì
Dulles cần nghe. Nước Pháp không có ứng cử viên nào tốt hơn để đề nghị. Cả
Hoàng đế Bảo Đại dễ sai bảo đang sống tại Cannes cũng chẳng có ai. Vài tháng trước khi quân Pháp rút đi, ông
Diệm đã được đánh bóng cho hợp lệ. Ông đã bay từ Paris đến Sài Gòn, và nhậm
chức thủ tướng vào ngày tốt mà người Á đông gọi là ngày "song thất,"
ngày thứ bảy của tháng thứ bảy, ngày 7 tháng 7 năm 1954.
Lansdale
đã cho ông Diệm một vài ngày để ổn định, và sau đó đã đến gặp ông tại Dinh Gia
Long hoa lệ, trước đây là nơi cư trú của thống đốc Pháp. Rảo bộ xuống một trong
các hành lang của dinh nầy, ông đã đụng vào cái mà sau này ông mô tả là "một
người đàn ông tròn trịa trong bộ âu phục màu trắng", và hỏi xem Thủ
tướng Chính phủ Diệm đang ở đâu.
Người
đàn ông trả lời rằng “Tôi chính là Diệm đây”.
Đại
tá CIA Edward Lansdale và ông Diệm tại Sài Gòn vào năm 1955
Đó
là bước khởi đầu của một cuộc hợp tác dài, bất hạnh mà Lansdale đã che chở cho Diệm, và trong vòng một vài tháng đã cứu ông ta
khỏi hai cuộc mưu toan đảo chính, mà một cuộc đã bị dập tắt bằng cách hối
lộ các nhà lãnh đạo phiến quân với 12 triệu đô-la của CIA. Sau đó, ông đã phát
động các chiến dịch chống Cộng sản mà Dulles đã gửi ông đến để tiến hành.
Các
chiến thuật của Lansdale bao gồm từ phá hỏng các chiếc xe buýt của thành phố Hà
Nội cho đến mua chuộc thầy bói để tiên đoán sự khổ ải dưới nền cai trị của Cộng
sản. Một trong những kế hoạch lớn nhất của ông là giúp lập ra một cuộc di cư
của hàng trăm ngàn giáo dân Công giáo từ
Bắc vào Nam, thúc giục họ phải bỏ chạy với một chiến dịch gồm thông điệp phát
thanh tuyên bố “Chúa Kitô đã đi vào Nam” và “Mẹ Maria đã rời miền Bắc”.
Những điều này không gây ra được cuộc nổi loạn mà Lansdale đã dự kiến, và với
mỗi ngày trôi qua, cuộc bầu cử cả nước càng đến gần hơn. Mọi người đều nhận ra
rằng nó sẽ đưa ông Hồ, người cha già dân tộc lên làm tổng thống của một nước
Việt Nam thống nhất. Eisenhower đã đoán rằng "có thể là tám mươi phần
trăm dân số" sẽ bầu cho ông Hồ. Điều này đặt cho người Mỹ một vấn nạn
nghiêm trọng. Khi một phụ tá mang đến Bộ trưởng Ngoại giao Dulles một điện văn
từ ông Diệm đề nghị một lối thoát, ông đã đọc nó ngay lập tức.
"Ông
ta ngồi rất yên lặng," Paul Kattenburg Chánh Sự Vụ chuyên trách Việt Nam
của Bộ Ngoại giao nhớ lại. "Chúng tôi đều ngồi rất lặng lẽ. Tôi có thể
nhớ lại rõ rệt tiếng tích tắc của cái đồng hồ treo tường, và hơi thở nặng nề
của ông ta khi ông đã đọc xong tờ giấy – quay sang chúng tôi, một ít người
trong chúng tôi đã có mặt tại cuộc họp đó, và nói rằng, 'Tôi không tin Diệm
muốn tổ chức bầu cử, và tôi tin rằng chúng ta nên hỗ trợ ông ta trong vụ này.’"
۞۞۞
Việt
Nam dự trù bị chia đôi chỉ trong hai năm mà thôi. Điều ấy đã bị thay đổi sau
khi ông Diệm và Dulles quyết định không tổ chức cuộc bầu cử năm 1956 theo lịch
trình. Không có cuộc bầu cử thì không thể có sự thống nhất. Thay vào đó là hai
quốc gia mới ra đời: Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam.
Vào
cuối năm 1955, sau một cuộc trưng cầu dân ý mà, theo một phúc trình, ông đã
giành được 98,2 phần trăm số phiếu, ông Diệm đã lật đổ vua Bảo Đại và tự phong mình làm quốc trưởng. Ông đã
sử dụng quyền lực mới của mình để áp đặt một bản hiến pháp cho ông được toàn
quyền [cai trị]. Trong khi ông Hồ cai trị miền Bắc Việt Nam theo phong cách
truyền thống Cộng sản, thông qua một bộ chính trị gồm các đồng chí tin cậy, ông
Diệm đã lập một bộ chính trị của riêng mình, lấy từ những bà con thân tín. Họ
trị vì đất nước như là một gia đình.
Người
em trai nhỏ nhất của ông Diệm, Ngô Đình Cẩn, không nắm giữ chức vụ chính thức
nào nhưng đã cai trị miền Trung Việt Nam như một lãnh chúa phong kiến. Anh trai
trưởng, Ngô Đình Thục, là một tổng giám mục Công giáo và cũng là một nhà kinh
tài tham lam đã làm giàu bằng cao su, gỗ, và bất động sản. Một người thứ ba,
Ngô Đình Luyện đã trở thành đại sứ tại Anh. Kẻ quan trọng nhất và nổi nhất là
người em thứ tư của tổng thống, Ngô Đình Nhu, và bà vợ thích khoa trương của
Nhu. Ông Nhu, một kẻ ngưỡng mộ say mê Machiavelli, đôi khi được gọi là
"Rasputin người Việt," [Ghi chú của người dịch: Grigori Yefimovich
Rasputin là tên đạo sĩ, thuật sĩ Nga gian ác sống trong nội điện của Nga Hoàng
Tsar Nicholas II, và cũng là kẻ đã làm sụp đổ triều đại phong kiến cuối cùng Romanov
này của Nga] đã là cố vấn thân cận nhất và là bản-ngã-hoán-vị của Tổng thống
Diệm. Bà Nhu, một kẻ miệng lưỡi bảo vệ chế độ, đã từng nói bà ta không sợ chết
bởi vì "Tôi yêu quyền lực, và trong đời sau, thậm chí tôi có cơ hội đạt
được quyền lực còn mạnh hơn bây giờ."
“Bộ Chính trị” của ông Ngô Đình Diệm: TGM Ngô Đình Thục, Cố vấn Ngô
Đình Nhu
và vợ là “Đệ nhất Phu nhân” Trần Lệ Xuân, và “Lãnh chúa miền Trung”
Ngô Đình Cẩn
Quyết
tâm của Mỹ để bảo vệ sự độc lập của Nam Việt Nam khiến ông Hồ và các đồng chí
của mình phát động cuộc chiến tranh chống thực dân lần thứ ba của họ. Năm 1960,
họ tuyên bố một chiến dịch quân sự nhằm vào "việc tiêu diệt Đế quốc Mỹ và
bè lũ Ngô Đình Diệm". Vài tháng sau đó, một loạt các nhà lãnh đạo của các
nhóm đối kháng chính trị và tôn giáo ở miền Nam đã công bố thành lập một liên
minh mới, Mặt trận Giải phóng Quốc gia [Ghi chú của người dịch: Đúng ra là Mặt
Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam: hay gọi tắt là Mặt Trận Giải
Phóng, MTGP] để có thể đối đầu với chính quyền ông Diệm về chính trị trong khi
du kích bây giờ gọi là Việt Cộng, tiến hành cuộc chiến tranh trên chiến
trường.
Washington
coi sự hình thành của Mặt trận Giải phóng Dân tộc chẳng qua chỉ là một trò
tuyên truyền giựt gân của Cộng sản. Đó là một lỗi lầm thảm thiết. MTGP, một liên minh khá rộng của các đảng phái
chính trị thiên tả, trí thức thành thị, và các chuyên gia lớp trung lưu,
phát triển thành một phong trào mạnh mẻ trong nhiều tỉnh. Trong thời gian hai
hoặc ba năm đầu hình thành, và ở một mức độ nào đó, ngay cả về sau này, khi nó
trở thành trực tiếp liên minh với miền Bắc Việt Nam, nó có những quyền lợi khác
hẳn với những quyền lợi của người Cộng sản. Người Mỹ không bao giờ tìm cách
thăm dò những khác biệt ấy hoặc mở bất kỳ kênh liên lạc nào với lực lượng
thường dân chống Diệm.
Bộ
trưởng Ngoại giao Dulles ngã bệnh, nghỉ hưu, và mất năm 1958. Sau đó, Tổng
thống Eisenhower dường như hết còn quan tâm đến Việt Nam. Vào ngày 19 tháng 1
năm 1961, một ngày trước khi ông rời chức vụ, ông đã giới thiệu tóm tắt cho
Tổng thống-được bầu Kennedy về những điểm lộn xộn trên thế giới. Có nhiều
chuyện để nói. Chế độ thân Mỹ tại Lào đã bị sụp đổ. Một cuộc nổi loạn chống
thực dân đang hoành hành ở Algeria và một cuộc dấy động khác dường như sắp bùng
phát tại Congo. CIA đã đào tạo được một đội quân bí mật để xâm lược Cuba với hy
vọng lật đổ chế độ mới của Fidel Castro. Căng thẳng đã dâng cao tại Berlin. Tuy
nhiên phải mất vài tháng, cho Kennedy mới nhận ra được những khía cạnh kỳ quặc
của cuộc họp.
"Ông biết đấy," Kennedy tỏ sự ngạc
nhiên với một phụ tá, "Eisenhower không bao giờ đề cập đến nó, không
bao giờ thốt lên từ ngữ ‘Việt Nam.'"
Trong
nhiệm kỳ tổng thống của Kennedy, số binh
sĩ Mỹ tại miền Nam Việt Nam tăng từ 865 đến 16.500. Kennedy đã gửi phi cơ
chiến đấu, trực thăng, pháo binh nặng, và đủ các loại vũ khí khác, không có thứ
nào có thể xoay chuyển được chiến cuộc. Trong thực tế, như nhà báo và sử gia
Stanley Karnow đã viết sau này, Viện trợ Mỹ "thì nghịch lý, làm mất sinh
lực của chế độ Diệm."
Viện trợ, chủ yếu là quân sự, đã làm Diệm càng tin rằng ông
ta đang tiến hành một cuộc xung đột qui ước và nó củng cố sự đề kháng của ông
về các cải cách chính trị, kinh tế và xã hội. Hơn nữa, các đội quân của ông
càng lúc càng miễn cưỡng đối đầu thẳng thừng với Việt Cộng, mà càng ỷ lại vào
các cuộc không kích và pháo kích của Mỹ để làm công việc cho họ. Điều này phù
hợp với Diệm, người đã chỉ thị các sĩ quan của mình nên tránh thương vong. Trong quan điểm của ông ta, vai trò chính
của họ không phải để chiến đấu chống Việt Cộng mà để bảo vệ ông ta chống lại
các cuộc đảo chính có thể xảy ra.
Một
trong những đặc phái viên đầu tiên của Kennedy gửi đến Việt Nam - sẽ còn dài
dài nhiều nữa - là Phó Tổng Thống Lyndon
Johnson, người đã bay tới Sài Gòn vào Tháng 5 năm 1961. Khi trở về,
Johnson là một người tin tưởng vào “lý thuyết domino", bị thuyết phục rằng
nếu để Cộng sản chiếm được Nam Việt Nam, thì không mấy chốc họ sẽ đẩy cuộc
chiến của họ đến "bãi biển Waikiki." Trong một bài phát biểu của
mình, ông đã đi xa như khen ngợi Diệm như là "Churchill của Đông Nam
Á," mặc dù sau đó khi Karnow hỏi ông rằng ông có thực sự tin điều đó không,
ông ngập ngừng và trả lời "Cục
cứt họ, Diệm là thằng nhãi duy nhất mà chúng ta có ở đó."(Shit, Diem’s
the only boy we got out there – Lyndon Johnson’s interview, 1961, Saigon)
Với
dòng ngắn gọn ấy, Johnson kết tinh chính sách Hoa Kỳ tại Việt Nam trong cuối
thập niên 1950 và đầu thập niên 1960. Diệm là người thay chân Mỹ. Thiếu một nền tảng quần chúng, lôi ra từ
một nhóm tôn giáo mà chỉ đại diện cho 10 phần trăm dân số đất nước mình, bao
quanh bởi một gia đình tham nhũng và không màng đến công việc hàng ngày của
chính phủ, ông đã được lựa chọn bởi vì không ai khác phù hợp với đòi hỏi của
người Mỹ. Cũng như ở nhiều nước khác, người Mỹ tìm ở miền Nam Việt Nam một
người lãnh đạo vừa có thể là một người quốc gia làm hài lòng đám đông và vừa
còn có thể làm những gì Washington muốn, nhưng chỉ để thấy rằng họ không thể
nào có cả hai [điều kiện đó được]
Hai
thế lực đở đầu cho ông Diệm và
chế độ của ông: Vatican và Mỹ
Ông
Diệm trở nên khó chịu với vai trò của Mỹ ngày càng tăng ở nước ông. Đã hơn một
lần ông than phiền với đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn, Frederick Nolting, rằng quân
đội Mỹ chỉ làm gia tăng cường độ của cuộc xung đột bằng cách khiêu khích những
phản ứng mạnh mẽ từ phía Bắc. Dù vậy những toán lính, được gọi là "cố
vấn" như một cách để duy trì viễn tưởng rằng họ không tham chiến, ồ ạt
đổ vào. Giữa năm 1961 và 1963, họ tham
gia vào hàng trăm trận đánh, và máy bay Mỹ đã bay hàng ngàn xuất kích ném bom
chống lại các vị trí Việt Cộng. Trong cùng thời kỳ đó, 108 người Mỹ bị giết, và
Hoa Kỳ bị mất 23 máy bay.
Ông
Diệm than phiền về "tất cả các binh lính này tôi không bao giờ yêu cầu họ
đến đây." Trong một cuộc kinh lý Vịnh Cam Ranh, ông chỉ ra hải cảng và nói
với các phụ tá của ông, 'Người Mỹ muốn có một căn cứ ở đó, nhưng tôi không bao
giờ chấp nhận." Khi Đại sứ Nolting, sau một kịch bản được viết ở
Washington nói với ông rằng Hoa Kỳ muốn "chia sẻ tiến trình quyết định
trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và quân sự," ông trả lời "Việt Nam
không muốn thành một nước bảo hộ." Người ta bắt đầu gọi ông ta là một kẻ
được bảo hộ lừng khừng, một khách hàng từ chối cư xử giống như một khách hàng,
một kẻ múa rối tự giựt lấy dây của riêng mình. Tồi tệ nhất lại đến khi người em trai và cố vấn trưởng, Ngô Đình Nhu,
gợi ý rằng có lẽ là thời gian đã đến để thương lượng với Việt Cộng.
"Tôi
chống chủ nghĩa cộng sản từ quan điểm của học thuyết, nhưng tôi không chống
cộng sản từ quan điểm chính trị hay nhân đạo," Ông Nhu đã nói với một
phỏng vấn viên truyền hình vào mùa xuân năm 1963. "Tôi xem những người
cộng sản như anh em, con cừu đi lạc. Tôi không nghiêng về một cuộc tấn công
chống lại những người cộng sản bởi vì chúng tôi là một đất nước nhỏ, và chúng
tôi chỉ muốn sống trong hòa bình."
Màn
cuối trong vở kịch thống trị của Diệm đã hé mở. Vào ngày 8 tháng Năm, Phật tử
tụ tập ở Huế để đánh dấu ngày Đản sinh lần thứ 2.527 của Đức Phật. Bạo quyền
địa phương, Ngô Đình Cẩn - cũng là em trai của tổng thống - đã đồng ý quyết
định thi hành một nghị định cũ cấm quần chúng ăn mừng không được treo cờ ngủ
sắc của Phật giáo, mặc dù chỉ một vài ngày trước đó cả thành phố đều phất phới
biểu ngữ Công giáo đánh dấu kỷ niệm lần thứ 25 ngày Tổng giám mục Ngô Đình Thục
được thụ phong. Phật giáo đã bắt đầu một loạt các cuộc biểu tình phản đối. Cảnh
sát đã bắn vào họ, giết chết một người phụ nữ và tám trẻ em.
Lãnh
đạo Phật giáo đã phản ứng bằng cách tung ra một chiến dịch toàn quốc chống lại
Diệm. Họ phân phát tờ rơi, gặp gỡ với các nhà báo nước ngoài và tổ chức các
cuộc biểu tình và tuyệt thực. Người dân
hưởng ứng chính nghĩa của họ, thường ít dính dáng gì đến tôn giáo. Họ là
những người nghèo nổi lên chống lại những người giàu, người bình dân bất chấp
quyền lực của kẻ độc tài, và, theo lời phóng viên David Halberstam của New York
Times, "người Á đông thế kỷ XX, phản đối chống lại những người Á đông
già nua được uốn nắn từ một quá khứ quan lại."
Khi
ông Diệm đã không đáp ứng với phong trào này, các nhà lãnh đạo Phật giáo đã
thông báo rằng các nhà sư có thể tự sát như một cách để biểu lộ độ sâu của sự
tức giận của họ. Diệm coi thường mối đe dọa này. Nhiều người Mỹ tại Việt Nam,
bao gồm cả một số phóng viên tin tức, cũng coi thường như thế. Một người không
coi thường là Malcolm Browne.
Nhà
sư đã tự thiêu cho đến chết vào sáng ngày 11 tháng sáu có Pháp danh là Thích
Quảng Đức. Ông ở tuổi sáu mươi bảy, đã thành một tỳ kheo gần nửa thế kỷ, và
được tôn kính như là một Bồ Tát, một người đang trên đường đạt đến giác ngộ
nhưng chọn từ bỏ nó để giúp đỡ những người khác trở nên giác ngộ. Trong một lời
tuyên bố mà các đồng tu của ông phân phối sau khi ông chết, ông đã “kính cẩn”
cầu xin Diệm tỏ "lòng nhân đức và
lòng từ bi" đối với tất cả các tôn giáo. Thành viên to mồm nhất của
gia đình cầm quyền, Bà Nhu, trả lời bằng cách giểu cợt cảnh tượng mà bà gọi là
"nướng thịt". Bà nói rằng "Hãy để họ tự thiêu. Chúng tôi sẽ
vổ tay."
Chúc thư của HT
Thích Quảng Đức: “Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng
kính gởi lời cho Tổng Thống
Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân
và thi hành chánh sách bình đẳng
tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thủa.”
Bà Đệ nhất Phu
nhân Ngô Đình Nhu trả lời bằng cách giểu
cợt cảnh tượng
mà
bà gọi là "nướng thịt" rằng "Hãy để họ tự thiêu. Chúng tôi sẽ
vổ tay."
Không
ai ở Washington coi nhẹ cuộc tự thiêu. Nó là một phần của một dòng chảy đều đặn
các tin xấu từ Việt Nam mà Tổng thống Kennedy và các phụ tá của ông buộc phải
đối mặt trong suốt mùa xuân và mùa hè năm 1963. Du kích quân Việt Cộng đã thiết
lập quyền kiểm soát hơn 20 phần trăm của miền Nam Việt Nam và di chuyển tự do
trong một vùng rộng lớn gấp đôi. Quân đội Nam Việt Nam đã tõ lộ miễn cưỡng
chiến đấu. Tham nhũng trong giới quan quyền, được nuôi dưỡng bởi các chương
trình viện trợ Mỹ phủ phê, đã lan tràn. Ông
Diệm mất sự ủng hộ của dân. Để giữ trật tự, ông buộc phải cai trị bằng đàn áp,
phần lớn được điều hành bởi người em trai và cố vấn trưởng, ông Ngô Đình Nhu.
Một
trong các quyết định đầu tiên của tổng thống Kennedy sau khi nhà sư tự thiêu là
thay thế Đại sứ Nolting, một người Virginia phong nhã đã trở nên gần gũi với
Diệm. Ông Kennedy xem xét việc đề nghị Lansdale, nhưng có một quy tắc bất thành
văn là không được bổ nhiệm viên chức của CIA làm đại sứ, nên ông đã bỏ ý tưởng
ấy. Thay vào đó, ông đã chọn một nhân vật hoàn toàn khác hẳn, một trong những
đối thủ chính trị lâu đời nhất của ông, Henry Cabot Lodge, một trụ cột quý tộc
của Đảng Cộng hòa.
Lodge
đã đại diện cho tiểu bang Massachusetts tại Thượng viện cho đến năm 1952, khi
ông mất ghế vào tay ông Kennedy. Sau sự thất bại ấy, Ngoại trưởng Dulles sắp
xếp cho ông ta làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, nơi ông đã đóng vai trò hỗ trợ
trong việc lật đổ Jacobo Arbenz ở Guatemala. Năm 1960, ông Lodge là đồng ứng
viên với Richard Nixon trên phiếu của đảng Cộng hòa mà Kennedy và Lyndon
Johnson đánh bại. Sự nổi danh của ông, kinh nghiệm ngoại giao của ông, nền tảng
chính trị mạnh mẻ của ông tại Washington, và sự thành thạo về Pháp ngữ của ông
đã làm cho ông thành một sự lựa chọn hợp lý cho chức vụ ở Việt Nam. Kề cả cái
phả hệ đảng Cộng hòa của ông. Kennedy và các phụ tá của ông đều biết rằng chức
vụ ở Sài Gòn đầy rủi ro và thích cái ý tưởng có một đảng viên Cộng hòa để đổ
lỗi nếu mọi việc bị sai quấy.
Ông
Lodge tìm thấy Nam Việt Nam trong tình trạng hỗn loạn khi ông đến Sài Gòn vào
buổi tối ngày thứ Sáu, 23 tháng tám năm 1963. Tình trạng bất ổn ngày càng tăng,
khi có thêm cuộc tự thiêu của bốn nhà sư Phật giáo, và đã làm Tổng thống Diệm
đặt đất nước dưới luật giới nghiêm. Các đội cảnh sát đã tấn công chùa chiền
Phật giáo và bắt giữ hàng trăm nhà sư, trong đó có ngài tăng thống Phật giáo
tám mươi tuổi. Ở Huế họ đã đánh một trận chiến đường phố ác liệt tám giờ liền
chống lại những người biểu tình Phật tử.
Ngày
cuối tuần ấy tại Washington, trong một sự biểu lộ kinh hải của nhầm lẫn và sai
hiệu lệnh của chính quyền Kennedy đã vấp vào một tiến trình “thay đổi chế độ”
kết thúc bằng máu. Nó là đỉnh cao của tuần tranh cãi về cách đối phó với Diệm. Một số trong chính quyền tin tưởng rằng ông
vẫn còn là hy vọng tốt nhất cho miền Nam Việt Nam. Những người khác đã bỏ rơi
ông ta và phù phép cho sự sụp đổ của ông.
Ngày
thứ bảy, 24 tháng Tám, cả ba người ủng hộ Diệm mạnh nhất ở Washington đã ra
khỏi thủ đô. Ngoại trưởng Dean Rusk đang tham dự một trận đấu banh Yankees ở
New York, Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara thì đang nghỉ mát tại Wyoming,
và Tổng thống Kennedy đang ở tại nhà nghỉ mát trên Cape Cod. Vì thế bộ máy
ngoại giao của Mỹ đều nằm trong tay của ba viên chức cấp thấp hơn, tất cả đều
muốn Diệm bị lật đổ.
Người
hăng say nhất là Trợ lý Ngoại trưởng Ngoại giao Roger Hilsman, chuyên gia
trưởng của Đông Á Sự Vụ. Hilsman, đã một thời là lính đặc công ở Miến Điện
trong Thế chiến thứ II, coi mình là chuyên gia trên cả hai việc chống nổi loạn
và chính trị của Đông Dương. Vào ngày thứ Bảy ấy, ông đã thảo ra một điện thư
định mệnh gởi cho Lodge. Điện thư nầy ra lệnh cho ông Lodge nói trực tiếp với
ông Diệm rằng Hoa Kỳ "không thể chịu đựng được nữa một tình huống mà
trong đó quyền lực nằm hết trong tay của Nhu" và yêu cầu rằng Diệm cắt
đứt tất cả quan hệ chính trị với người em của mình. Nếu Diệm "vẫn còn
ngoan cố và từ chối," điện thư nói, "chúng ta phải đối mặt với khả năng rằng chính Diệm không thể được duy
trì."
"Phù
hợp với các điều nêu trên," điện thư đã kết luận, “Đại sứ và các nhóm
trong nước cần khẩn trương xem xét lại tất cả việc khả thi thay thế lãnh đạo và
thực hiện các kế hoạch chi tiết làm sao chúng ta có thể thay thế Diệm nếu điều
này trở nên cần thiết. "
Buổi
chiều hôm đó, Hilsman và một trong những đồng minh chính của ông, Phụ tá Ngoại
giao Everell Harriman, đi tìm George Ball, người đang Xử lý thường vụ Bộ Ngoại
giao trong khi Rusk vắng mặt. Họ tìm ra ông ta trên sân Golf Road tại Maryland.
Ball là thành viên thứ ba của bộ ba chống-Diệm ở Bộ Ngoại giao. Ông thích điện
thư của Hilsman và đồng ý điện thoại Kennedy và khuyên được gửi đi Sài Gòn.
Vì
lý do vẫn chưa được biết rõ ràng, tổng thống Kennedy đã không tập trung vào mức
độ nghiêm trọng của điện thư này. Ông có thể đã bị phân tâm bởi những thú vui
cuối tuần của ông. Ông George Ball đã dùng lời lẽ đúng cách trong lối kêu gọi
để trấn an tổng thống. Tổng thống Kennedy đã chỉ sửa một thay đổi nhỏ trong tin
nhắn, và rồi chấp thuận nó. Ông Kennedy nói: "Geoge à, nếu Rusk và Gilpatrick đồng ý, thì tiến hành".
Không
Rusk và cũng chẳng Phụ tá Quốc phòng Roswell Gilpatrick được tham vấn, nhưng
ông Ball đã không đề cập đến điều đó. Sau khi gác điện thoại, ông gọi Rusk tại
New York và nói với ông ta rằng ông đang chuẩn bị để gửi một điện thư đến Sài
Gòn mà Tổng thống Kennedy đã phê duyệt. Ngoại trưởng Rusk, cũng như thói quen
của mình, nói với họ rằng bất cứ điều gì Tổng thống chấp thuận đều tốt đối với
với ông ta. Thậm chí ông còn tăng cường điện thư với một câu mới: "Ngài
cũng có thể nói với các cấp chỉ huy quân sự tương ứng, chúng ta sẽ cung cấp hỗ
trợ trực tiếp cho họ trong bất kỳ thời gian tạm thời khi cơ cấu chính quyền
trung ương bị dứt đoạn."
Theo
thủ tục của Bộ Ngoại giao, một điện thư có tầm quan trọng như thế này phải được
chấp thuận không chỉ đơn giản bởi tổng thống và ngoại trưởng mà còn bởi bộ
trưởng quốc phòng, giám đốc CIA, và chủ tịch của ban Tham mưu trưởng liên quân.
Tất cả đã ngoài tầm liên lạc vào buổi tối thứ bảy ấy, thay vào đó, Ball kiểm
tra với các phụ tá của họ. Các quan chức ở cấp ấy né tránh phủ quyết chỉ thị
của tổng thống, và không ai giám làm vậy.
Một
khi các nhóm chống Diệm đã yên tâm với những sự chấp thuận này, họ chỉ cần lệnh
tiến hành cuối cùng của tổng thống Kennedy. Ông Michael Forrestal, một thành
viên của Hội đồng An ninh Quốc gia, gọi tổng thống để xin phép. Với sự ngạc
nhiên, ông thấy tổng thống đột ngột do dự. Ông đã có những xét lại. Ông Kennedy
đã hỏi rằng "Các ông có chắc mọi chuyện đều tốt đẹp không?"
Ông
Forrestal tìm cách trấn an tổng thống, và thế là xong. Lúc 9 giờ 43 phút tối
hôm đó, một nhân viên tại Bộ Ngoại giao gởi điện thư đi. Các cuộc tranh luận
đúng ra phải có trước đấy đã nổ ra vào buổi sáng thứ hai.
Một
Kennedy tức giận triệu tập các cố vấn ngoại giao của ông vào Nhà Trắng và bắt
đầu bằng việc khiển trách nghiêm khắc
Hilsman, Harriman, Ball, và Forrestal về cái mà ông gọi là "tính bốc
đồng" của họ. Tướng Maxwell Taylor, chủ tịch của Tham mưu Liên quân, cũng
bực mình không kém. Ông nói ông sẽ không bao giờ chấp thuận điện thư, và cáo
buộc những người soạn thảo nó là dàn dựng "một cuộc chạy nước rút hùng
hổ" mà chỉ khả thi trong một ngày cuối tuần. Phó tổng thống Johnson, Bộ
trưởng Quốc phòng McNamara, và giám đốc CIA John McCone tất cả đều cảnh báo
rằng việc lật đổ Diệm sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn là nó giải quyết. Cuộc tranh
luận kéo dài hơn bốn ngày họp hành, làm cho Kennedy tức giận và nãn lòng. Ông
than với một người bạn trong tuần ấy rằng "Trời ơi! Chính phủ của tôi đang tan rã!"
Tại
Sài Gòn, Đại sứ Lodge đã hăng say chuẩn bị cho cách “thay đổi chế độ.” Ông đã gửi tín hiệu đến các tướng bất đồng và
gởi một loạt các loại điện thư đến Washington thúc giục hành động nhanh chóng
chống lại Diệm. Trong một bức đề ngày 29 tháng 8, ông cảnh báo rằng nếu Hoa Kỳ
không "ra tay nhanh" Nam Việt Nam sớm có thể rơi vào tay các chính
trị gia thân cộng hoặc ít nhất là trung lập.
Chúng ta đang lao vào vào một tiến trình lật đổ chính quyền
Diệm mà không còn đường rút lui nào đáng nể. Không có lối quay trở lại bởi vì
uy tín của Hoa Kỳ đã được cam kết công khai cho mục đích này bằng biện pháp
lớn, và sẽ trở nên hơn thế khi sự kiện bị rò rỉ ra ngoài. Trong một ý nghĩa cơ
bản hơn, theo tôi, không có chuyện quay trở lại vì cuộc chiến không thể thắng được dưới một chính quyền Diệm.
Bản
điện thư ấy rõ ràng gây ấn tượng với Kennedy. Một vài ngày sau khi nhận được
nó, ông ngồi trên bải cỏ của nhà nghỉ mát ở Cape Cod giành cho một cuộc phỏng
vấn truyền hình với Walter Cronkite của CBS. Khi ông Cronkite hỏi nếu ông nghĩ
rằng chính phủ Diệm có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh, ông
Kennedy đã cho một câu trả lời mà cũng là một tín hiệu cho Sài Gòn: "Với
những thay đổi trong chính sách và nhân sự thì tôi nghĩ rằng nó có thể. Nếu nó
không thực hiện những thay đổi ấy, tôi nghĩ rằng cơ hội chiến thắng cuộc chiến
sẽ không rất tốt."
Khi
hai ông Diệm và Nhu nghe được điều này, họ hiểu rằng chế độ của họ đã gặp nguy
hiểm. Họ đành tìm một chiến lược mới. Ông Nhu quyết định đề xuất một cuộc tiếp
xúc hữu nghị với miền Bắc. Ngay sau đó, Mặt trận Giải phóng cho biết họ sẵn
sàng tham gia một chính phủ liên hiệp ở miền Nam, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc U
Thant kêu gọi “trung lập hóa” miền Nam, và sự thống nhất cuối cùng của Việt
Nam; Tổng thống Charles de Gaulle của Pháp tán thành ý tưởng; và đại sứ Pháp tại Sài Gòn bắt đầu làm việc bí
mật với một đồng nghiệp Ba Lan để sắp xếp địa chỉ liên lạc giữa các chính phủ
của miền Bắc và miền Nam Việt Nam, mặc dù không đủ bí mật để ngăn CIA biết
được họ đang làm những gì.
Chính
quyền Kennedy đang lựa chọn giữa hai sự chuyển đổi khủng khiếp là hỗ trợ một chính phủ tham nhũng và mất lòng
dân và đang thua trận, hoặc chống lưng cho một cuộc đảo chính lật đổ chính phủ
ấy.
Từ
những ưu điểm lịch sử, thực là hợp lý để hỏi tại sao không có ai gợi ý về sự lựa chọn thứ ba hiển nhiên. Hoa Kỳ có
thể đơn giản rửa tay khỏi cuộc khủng hoảng và để cho dân Việt Nam tự giải
quyết. Điều đó rất có thể sẽ dẫn đến việc thành lập một chính quyền Cộng sản
hay thân Cộng trên toàn bộ đất nước, nhưng đó, vẫn là những gì cuối cùng đã xảy
ra. Một cuộc rút quân vào thời điểm này đã có thể cứu hàng trăm ngàn sinh mạng,
tránh sự tàn phá của Việt Nam, và ngăn cho Hoa Kỳ một chấn thương quốc gia lớn
nhất kể từ cuộc nội chiến. Tại sao không có ai đề nghị điều đó?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét