Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013


HỒI KÝ NGUYỄN HỮU HẠNH: CÂU CHUYỆN ĐỜI TÔI


"Ông Nguyễn Hữu Hanh nguyên giữ những địa vị quan trọng về kinh tế, tài chánh trong chính quyền Việt Nam Cộng hoà cũng như trên trường quốc tế:

  • Cố vấn kinh tế, tài chánh cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, 1955-1962
  • Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, 1955-1962
  • Tổng giám đốc Ngân hàng Khuếch trương SOFIDIV, 1963-1965
  • Chánh sự vụ (Division chief) Ngân hàng Thế giới (World Bank), 1965
  • Chủ tịch Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thương tín, 1955-1960
  • Chủ tịch Ngân hàng Việt Nam Thương tín, 1955-1968
  • Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, 1965-1968
  • Tổng uỷ coi 4 bộ Kinh tế, Tài chánh, Thương mại, Kỹ nghệ, 1967-1968
  • Hội viên 1955-1968 và Chủ tịch Hội đồng Tối cao Tiền tệ và Tín dụng, 1967-1968
  • Quản trị viên phụ khuyết (Alternate executive director) Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 1968-1975
  • Cố vấn Sở Ngân hàng Trung ương-Quỹ Tiền tệ Quốc tế (Advisor, Central Bank Service Department, IMF), 1975-1981.
Cuốn hồi ký này thật ra được viết cho các con của ông. Từ sự thúc giục của nhiều người vì một số sự kiện lịch sử quan trọng được đề cập tới, hồi ký này đã được ấn hành cách đây trên một năm, với hai ấn bản độc lập Việt ngữ và Anh ngữ. Trong ấn bản lần đầu, để tránh đụng chạm, trừ tên những nhân vật ai cũng biết như Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ... tên các nhân vật bị đụng chạm được thay đổi. Từ đóng góp của nhiều người, rằng giá trị sử liệu của hồi ký sẽ mất mát khi tên nhân vật bị thay đổi, trong bản hiệu đính này tên thật được khôi phục. Một số nhận định thời sự cũng được thêm vào." [Trích từ Lời Giới thiệu]

Bản gốc cuốn sách này viết bằng tiếng Anh (Brushing the World Famous) và xuất bản ở Hoa Kỳ đầu năm 2004. Sau đó được điều chỉnh đôi chút và được anh Nguyễn Kiên Định giúp dịch ra tiếng Việt, xuất bản tại Hoa Kỳ vào tháng 4 năm 2004



CHƯƠNG IV

BƯỚC VÀO KHU VỰC TƯ
(Trích đoạn, 1956-1960: Vài chuyện về Anh em ông Diệm
và nhân sự trong chính phủ Đệ nhất Cọng hòa)

[…] Tháng 11/1956 sau khi đã hoàn tất việc tổ chức và sắp xếp lại Ngân hàng Quốc gia, tôi quyết định tiến công vào các vấn đề đã ám ảnh tôi hơn một năm qua: sự cần thiết phải thương lượng một hiệp định tiền tệ mới với Pháp, sự cần thiết phải chuyển số dự trữ bằng đồng Phật-lăng Pháp của chúng ta qua các đồng tiền hoán đổi được để tránh bị hao hụt thêm nữa trị giá dự trữ ngoại tệ của chúng ta, sự cần thiết phải thu hồi số trữ kim đang nằm ở Ngân hàng Quốc gia Pháp, sự cần thiết phải đòi lại số nợ của Ngân Khố Pháp và sự cần thiết phải cải thiện mối quan hệ tiền tệ, tài chánh với Pháp để đòi hỏi viện trợ kinh tế tài chánh của họ; đó là những mục đích chính của Việt Nam trong khi đối thoại với nước Pháp. Sau khi thông báo với Tổng thống Diệm, tôi đã đi Pháp một chuyến để viếng thăm Ngân hàng Quốc gia Pháp và Quai de Rivoli, tức Bộ Tài chánh Pháp, và bắt đầu thăm dò quan điểm của người Pháp về các vấn đề này. Tôi nghĩ rằng với tư cách là cố vấn của Tổng thống, với sự am hiểu vấn đề và nhiệt tâm phục vụ đất nước, tôi có thể đạt được một sự đáp ứng nào đó từ phía nhà cầm quyền Pháp. Tôi đã nhầm. Tôi cần phải có được sự uỷ quyền của Tổng thống Diệm. Nhà cầm quyền Pháp biết rõ rằng Diệm tập trung mọi quyền bính trong tay ông, biết tôi là người cố vấn tin cẩn của ông trong lãnh vực kinh tế tài chánh, nhưng họ không được thông báo chính thức về chuyến viếng thăm và công cán của tôi. Điều này chỉ được thực hiện về sau qua toà đại sứ Pháp ở Sài Gòn.

[…] Trong khi tôi đang mò mẫm dò đường trong các hệ thống chính trị và tài chánh rối rắm của nước Pháp, thì một người nào đó nói với ông Diệm rằng việc gởi tôi, một tay Tổng Giám đốc quèn, qua Paris để thực hiện một thoả ước tiền tệ phức tạp với nước Pháp, chỉ tốn thời gian vô ích, và tôi không thể nào tìm được một nhân vật Pháp đủ quan trọng và đủ quyền lực để nói chuyện, chứ đừng nói là thương lượng – sau này tôi biết người đó là vị Bộ trưởng phủ Tổng thống, anh ta đã nói những lời này với Nhu, em của Tổng thống Diệm. Ông Diệm bèn gởi điện cho toà đại sứ ở Paris, biểu chuyển cho tôi một thông điệp ra lệnh tôi quay về nước ngay. Nhưng một người em của ông Diệm, Ngô Đình Luyện, người đang làm đại sứ nước Anh, lúc ấy tình cờ có mặt ở Paris. Tôi tới gặp Luyện và kể cho anh ta nghe tất cả công việc móc nối của tôi. Luyện khuyên tôi cứ ở lại để tiếp tục công việc và anh sẽ gọi điện cho Tổng thống Diệm ngay lập tức. Nhưng tôi vẫn cứ rời Paris bay về nước với ý nghĩ phải đương đầu với Diệm và những kẻ phá rối tôi một lần chót cho xong.

Khi tôi gặp Diệm ngày hôm sau, và kể cho ông nghe những gì tôi đã làm ở Paris, ông nhận ra rằng ông đã nghe những lời tố cáo phi lý và dối trá sai lệch. Tôi nói với ông là trong mấy năm qua chúng ta đã mất một số rất lớn trị giá ngoại tệ dự trữ vì việc mất giá liên tục của đồng Phật-lăng Pháp. Sự mất mát này có thể đã lên tới hàng mấy chục triệu Mỹ kim trong những cuộc phá giá đồng Phật-lăng dự trữ ngoại tệ cuả xứ ta. Và tôi nói thêm rằng một vụ phá giá nữa sắp xảy ra, xét theo tình hình của nền kinh tế Pháp trước khi Pinay cải cách tiền tệ.
…. Bây giờ thì ông đã thấy rõ ràng hơn bao giờ hết sự mất mát dự trữ ngoại tệ, sự cần thiết cấp bách phải thoát khỏi khu vực đồng Phật-lăng Pháp và đề ra một mối quan hệ tiền tệ mới với nước Pháp. Đó là một điều mới mẻ mà ông Diệm mới học được, thậm chí ông không nói cho vị phó Tổng thống của ông biết, càng không nói với các tay Bộ trưởng Tài chánh, Bộ trưởng Kinh tế và Bộ trưởng Ngoại giao. Đó là cách mà ông Diệm cai trị đất nước: ông ta xử lý các vấn đề quốc gia giống như là chuyện riêng của ông. Điều này vừa tốt lại vừa xấu, tốt bởi vì như vậy ông hoàn toàn chú tâm tới vấn đề; và xấu vì ông giữ tất cả mọi chuyện cho riêng ông, không chịu chia sẻ những thông tin mà tôi đưa cho ông với bất cứ ai trong chính phủ, có lẽ chỉ chỉ hé lộ đôi chút cho phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ; nhưng ông cũng nói vắn tắt cho Nhu biết về những gì tôi làm ở Paris, việc này giúp tôi khỏi những chuyện rắc rối do Nhu và Thuần gây ra nữa.

[…]  Tất cả những kết quả ấy, thu được trong khoảng thời gian từ 1955-1962, không phải dễ dàng. Về sau nhiều khi tôi nghĩ đến những gì tôi đã thương thuyết được với chánh phủ Pháp và dành lại cho đất nước lúc đó, tôi cảm thấy mình đã đem lại cho nước nhà, vừa mới độc lập, bao nhiêu điều quan trọng; vậy mà bên cạnh, không có một phái đoàn nào giúp đỡ, và sau lưng, ở nước nhà, không có một Bộ trưởng hay Thống đốc nào, có trách nhiệm về những vấn đề này, có một tí hiểu biết để giúp. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi, quay lưng nhìn lại, thấy mình đã làm được nhiều như vậy, nhất là lúc phải đương đầu với bao nhiêu nỗi khó khăn về phía Pháp cũng như bên phía Việt Nam. Nhưng trái lại với lẽ thường tình, khó khăn về phía Việt Nam, nhiều hơn là về phía Pháp! Đáng lý ra, phần khó khăn về phía Pháp phải nhiều hơn, vì đây là lần đầu tiên Pháp phải giải quyết những vấn đề hết sức quan trọng cho một thuộc địa cũ; hơn nữa các vấn đề còn có một màu sắc chính trị rất tế nhị, có thể có hậu quả rất nguy hại cho Pháp trong khuôn khổ nền thuộc địa còn nguyên lúc đó. Không một lời khen, không một lời cảm ơn, ngay cả ông Diệm cũng vậy, chỉ có lòng tin hoàn toàn của ông - mặc dầu sau này tôi mất hết tin tưởng nơi ông… Chỉ có những người khác, ghanh ghét đố kị và phá phách công việc của tôi mà thôi. Nhưng tôi cũng phải nhận một điều là nếu không có ông Diệm, tôi đã không bao giờ làm được việc. Cũng như nếu không có ông Pinay, tôi cũng đành phải bó tay mà thôi.

Về phía Việt Nam các bộ trưởng hay thống đốc các bộ liên hệ không đủ sự hiểu biết các vấn đề trong ngành tài chánh hải ngoại, dự trữ ngoại tệ, hoán đổi tiền tệ, nợ bên ngoài, của đất nước, không thể phân tách những sự kiện này, nên nói chung, không làm gì được để giúp đất nước thành một quốc gia độc lập trên mặt kinh tế và tài chánh và nói riêng, cũng không giúp gì cho công việc của tôi được. Bao nhiêu quan chức của các bộ liên quan ganh tị với sự thành công và uy tín của tôi, thường hay tạo ra rất nhiều khó khăn cho công việc của tôi. Nhưng tôi cũng được một phần an uỉ, là các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang tìm kiếm những người có khả năng, đã quan sát công việc của tôi ở trong nước một cách kỹ lưỡng khi tôi thiết lập các tổ chức kinh tế tài chánh mới và hệ thống tài chánh hải ngoại cho Việt Nam; họ cũng thấy rõ những quyền lợi tối quan trọng trong cuộc thương lượng của tôi với chính quyền Pháp.

Thật ra, tôi cững không trách những vị đốc phủ sứ, những quan chức Việt Nam, các vị có bằng cao cấp mà không đúng ngành chuyên môn, vì dưới chế độ thực dân, những vấn đề quan trọng của một nước độc lập như tôi kể trên, đều được chánh phủ “mẫu quốc” lo lắng, nghiên cứu, thi hành và giải quyết ở Paris, và nước thuộc điạ không được dự vào một phần nào trong việc quản trị và thi hành những chánh sách đó; ngay cả những quan chức người Pháp ở thuộc điạ cũng không được hoàn toàn hiểu rõ và chỉ biết thi hành những mệnh lệnh của Paris gởi về mà thôi. Cho nên khi Tổng thống Diệm đặt những vị đốc phủ hay quan lại hay thạc sĩ, tiến sĩ, Ph.D vào những địa vị đứng đầu một cơ quan quan trọng mới được thành lập, thì họ mù tịt, không biết tìm đâu ra những trách nhiệm của họ và cách thi hành nhiệm vụ. Tôi được may mắn hơn, là tôi học hỏi đúng ngành, gặp những người Pháp và ngoại quốc trong nghề, trong khi đi thương thuyết với các phái đoàn chuyên viên, những vấn đề chánh yếu của đất nước và tôi luôn luôn cố gắng tìm hiểu thêm các vấn đề khi được chánh khách ngoại quốc thết đãi; đối với tôi một bữa tiệc tôi mời họ hay họ mời tôi, là một dịp để học thêm, tìm hiểu thêm các vấn đề quan trọng cho đất nước; cũng như khi đang còn đi học đại học, tôi thường dùng những tháng hè để đi tập sự và học hỏi thêm, chứ không đi chơi hay đi nghỉ mát như những sinh viên Việt Nam khác. Tôi vừa làm vừa học, và nhờ có căn bản học hành chuyên môn khá cao, tôi đã tiến lên rất nhanh trong những ngành chuyên môn, lắm lúc vượt hẳn những quan chức ngoại quốc ngồi đối diện với tôi.

[…] Thế nhưng mải lo cho những vấn đề sống còn của một quốc gia mới thành lập, tâm trí bị thu hút vào chuyện bảo vệ và thúc đẩy các quyền lợi của đất nước, tôi thường quên mất những mối quan hệ cá nhân trong công việc hàng ngày. Tôi đã tạo được tên tuổi cho mình cả ở trong lẫn ngoài nước, nhưng tôi cũng đã làm mích lòng một số người và tạo ra một số kẻ thù ở trong và ngoài chính quyền. Trừ những người làm việc gần gũi với tôi và những người hiểu rõ tôi, còn thì người ta không thích tánh thẳng thắn của tôi, thậm chí không thích cả sự thanh liêm của tôi và chắc chắn là không thích quyền lực của tôi. Nhưng đa số vẫn phục sự hiểu biết chuyên môn của tôi và kính trọng tính trung thực của tôi. Đám thương gia Chợ Lớn nói với nhau rằng có lẽ tôi là người duy nhất trong chính phủ Việt Nam thực sự lương thiện, nhưng họ cũng nói thêm là khó mà đối phó với tôi và không ai có thể đánh lừa tôi được; tôi hiểu rõ công việc của mình và không chịu nhượng bộ dễ dàng.

Xung quanh ông Diệm và anh em của ông có một lô người bám theo kiếm chác. Tôi thường nhận được lời yêu cầu giúp đỡ họ nhưng tôi thường từ chối bởi vì cách làm của họ không chính đáng và những điều họ đề nghị chẳng đúng phương thức làm ăn. Người đứng đầu của cả nhóm này là Ngô Đình Thục, anh cả của ông Diệm; Diệm rất thương và kính trọng ông ta. Mặc dù là một giám mục Thiên Chúa giáo, Thục rất sát trần tục, ông ta dính líu vào một lô chuyện làm ăn dưới cái cớ là gây quỹ để mở mang trường đại học Đà Lạt, ngôi trường mà ông ta bảo trợ. Một người trong đám phụ tá của ông ta từng tới gặp tôi nhiều lần để xin vay tiền cho một trong các công ty của Thục chuyên khai thác lâm sản và xuất khẩu gỗ. Bởi vì cách hoạt động của các công ty này cũng không hợp thức cho lắm và nguồn tài chánh của nó cũng không ổn định nên tôi buộc phải từ chối. Hình như Thục có than phiền với Diệm, vì một ngày nọ ông Diệm bảo tôi nên giúp đỡ cho người anh của ông bởi vì ông ấy đang cố phát triển giáo dục cho dân chúng. Tôi rất ngạc nhiên khi nghe điều này, bởi ông Diệm không bao giờ can thiệp vào việc làm ăn của ai và cũng không bao giờ lên tiếng xin chiếu cố cho ai. Tôi nói với ông Diệm nếu các công ty của ông Thục làm ăn bình thường như các doanh nghiệp khác và tài chánh ổn định hơn thì tôi sẽ rất vui lòng giúp đỡ, bởi vì Ngân hàng Việt Nam Thương tín của tôi có nhiệm vụ phải hỗ trợ cho các công ty Việt Nam. Nhưng đám người điều hành các công ty của Thục lại ưa hoạt động bằng cách đòi được đặc ân và quyền ưu tiên hơn là hoạt động bình thường, và vì vậy tôi bắt buộc phải từ chối. Có lẽ tôi là người duy nhất dám nói “không” với Diệm; tất cả mọi người đều quỵ luỵ trước ông ta (có lẽ chỉ trừ Nhu và Thục), không ai dám từ chối ông điều gì. Đám phụ tá của Thục không bao giờ tới gặp tôi nữa. Trong chuyện này tôi có dịp chứng kiến sự chính trực và liêm khiết của Diệm: kể từ ngày đó ông không nhắc tới chuyện này nữa. Tôi luôn luôn kính trọng ông Diệm vì sự thanh liêm của ông, nhưng sau khi Hoàng Khắc Thành lên thay tôi cầm đầu Ngân hàng Việt Nam Thương tín, thì Thục và đám bộ hạ như Nguyễn Văn Bửu đâm ra được nhiều sự dễ dãi khi xin hỗ trợ của ngân hàng – gần như không giới hạn. Dưới sự điều hành của Thành, phương thức hoạt động của ngân hàng đã thay đổi một cách triệt để; anh ta sẵn sàng thoả mãn bất cứ yêu cầu nào của những người có quyền thế, không cần biết nó có chánh đáng hay không.

Thành vốn tốt nghiệp cùng trường với tôi, trường H.E.C., và được tập sự vài năm ở Đông Dương Ngân hàng. Sau đó anh ta về làm việc ở Ngân hàng Việt Nam Công thương, một ngân hàng thương mại nhỏ, và được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc, nhưng vài tháng sau thì anh ta bị sa thải, lý do chánh thức đưa ra là vì thiếu năng lực. Tôi biết rằng anh ta rất có năng lực nhưng anh ta rất hống hách và tự cao. Sau đó tôi mới biết anh ta bị sa thải vì một lý do khác. Anh ta tánh tình nóng nảy, thường nhục mạ nhân viên bằng tiếng Pháp, với một ngôn ngữ rất thô lỗ; ban giám đốc và nhân viên đã than phiền rất nhiều với hội đồng quản trị, và hội đồng đành phải sa thải anh ta. Tôi nghĩ rằng Việt Nam còn rất thiếu chuyên viên và người có năng lực, không thể để mất một người như vậy, vì vậy tôi đã kêu anh ta vào và cho anh ta làm phụ tá cho tôi, với chức Tổng kiểm soát. Kể từ đó anh ta không nói năng thô lỗ nữa; và tôi cũng tìm mọi cách để tránh cho anh ta đụng chạm với nhân viên. Anh ta làm việc lặng lẽ trong văn phòng, tỏ ra khiêm tốn, nhưng lại rất khó khăn với khách hàng, họ đều ghét làm việc với anh ta. Vì vậy hầu như tôi chỉ sử dụng anh ta cho công việc nội bộ và không để anh ta tiếp xúc nhiều với khách hàng. Anh ta cứ luôn miệng nói sẽ vào một nhà thờ đi tu. Nhưng sau này khi tôi đã từ chức khỏi Ngân hàng Việt Nam Thương tín và anh ta lên thay tôi theo lệnh của Nhu vào năm 1961, anh ta hoàn toàn thay đổi phong cách và bắt đầu chơi trò chính trị. Anh ta trở nên nhiều tham vọng; và bắt đầu tán tỉnh những người có quyền để dễ thăng chức. Anh ta chấp nhận làm bất cứ điều gì để làm vừa lòng cấp trên. Sau khi tôi rút lui khỏi Ngân hàng Quốc gia cũng đóng tại cơ sở này, anh ta lại càng được tự do hơn, thay đổi hoàn toàn chính sách của ngân hàng để có thể đáp ứng yêu cầu đám người có quan hệ với gia đình ông Diệm. Anh ta cố hết sức để làm vừa lòng Nhu, người em và là cố vấn chính trị đầy quyền lực của ông Diệm, và Nguyễn Đình Thuần, Bộ trưởng phủ Tổng thống; thế rồi anh ta cưới một cô gái do Nhu giới thiệu. Ta có thể thấy tham vọng và danh vọng có thể thay đổi một con người như thế nào! Từ một con người khiêm tốn luôn miệng nói đi tu, anh ta bắt đầu chơi trò chính trị, xun xoe với cấp trên, rồi sau đó lấy vợ! Anh ta đi lệch khỏi các chính sách mà tôi đã vạch ra cho ngân hàng, anh ta càng ngày càng nới rộng các khoản tín dụng cấp cho đám bạn bè dòng họ của Nhu, những người mà trước đó tôi đã từ chối không cho vay. Anh ta giúp đỡ Ngô Đình Thục, cũng lại là người anh của Diệm mà tôi đã từ chối. Tất cả những con người khả nghi chung quanh Diệm và gia đình ông giờ đây có thể tới xin anh ta vay tiền. Ngân hàng đã mất đi tính chất ban đầu của nó và càng ngày càng trở nên một chỗ nương tựa chính trị và tài chánh cho Đảng Cần lao của Nhu và các thành viên trong gia đình Diệm. Những người tốt trong ban giám đốc ngân hàng rất thất vọng và than phiền rất dữ, những thành viên có mưu đồ chính trị bắt đầu ngoi lên; tính chất chuyên môn của ngân hàng mất dần.

Thành dùng đạo Thiên Chúa để cầu cạnh Diệm, Nhu và Thục. Anh ta chính là người đã làm cho ông Diệm một đôi khi quên mất sự thanh liêm chính trực của mình. Nếu ông Diệm can thiệp vào để đòi đặc ân cho đám bà con, điều này tôi không chắc lắm, thì tôi cũng không trách ông Diệm. Tôi chỉ trách Hoàng Khắc Thành, kẻ đã mở toang cánh cửa tham nhũng cho cả gia đình ông Diệm. Sau khi đã mua chuộc được sự giúp đỡ của Diệm và Nhu bằng cách đó, anh ta trở nên rất hách dịch, cả ở trong lẫn ngoài Hội đồng Tiền tệ Tối cao. Một ngày kia phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, vốn biết anh ta đã từng làm việc dưới quyền tôi, đã hỏi tôi tại sao anh ta lại hách dịch như vậy và khi anh ta làm việc với tôi thì anh ta có hách dịch như vậy không. Tôi nói với Thơ rằng trước khi anh ta tới ngân hàng tôi, thì anh ta làm việc cho một ngân hàng khác và rất hách dịch, vì vậy anh ta bị đuổi; giờ đây anh ta chơi trò chính trị và đã leo lên một địa vị cao mới, anh ta nghĩ rằng mình đã thành đạt và đã có thể coi thường thiên hạ. Đó là lý do vì sao anh ta bị tống vô tù sau khi Diệm bị lật đổ bởi cuộc đảo chánh 1963, trong lúc Thơ vẫn an toàn và được các Tướng lãnh bầu lên làm Thủ tướng.

[...] Tôi rất vui mừng với vị trí của mình bên cạnh ông Diệm, với việc tôi có thể phục vụ đất nước mà không để bị dính vào chuyện chính trị như những người khác; nhưng nó cũng nhiều lần làm tôi phải nhức đầu. Từ năm 1960, những cơn nhức đầu của tôi trở thành trầm trọng khi ông Diệm càng ngày càng trở nên độc tài với người ngoài và càng dễ dãi đối với gia đình ông. Con người bí mật Ngô Đình Nhu, người luôn luôn tạo cho mình một vẻ ngoài huyền bí và được dân chúng khiếp sợ, càng lúc càng có thêm quyền lực, còn người em phóng khoáng hơn của ông Diệm là Ngô Đình Luyện càng ngày càng yếu thế. Vợ của Nhu, “bà Nhu”, con người tai tiếng và mâu thuẫn, càng ngày càng bị công chúng thù ghét và sự có mặt của bà ta trong dinh tổng thống càng ngày càng phủ bóng đen lên ông Diệm. Tôi đã cố gắng cứu ông ra khỏi vòng vây của đám phụ tá khúm núm và nịnh bợ, khỏi đám anh em hống hách và thiếu thực tế của ông đang làm ông bị cô lập với thế giới bên ngoài. Ông Diệm thật tình không biết điều gì đang xảy ra ở bên ngoài dinh tổng thống. Tôi cố gắng thông báo với ông những gì đang thực sự xảy ra trên đất nước càng nhiều càng tốt, nhưng việc ấy không dễ dàng. Ngay cả những lãnh tụ lớn như Diệm cũng chỉ muốn nghe những tin vui và ghét nghe những tin xấu; sự xu nịnh và những lời khen giả dối thường được chào đón niềm nở hơn là sự thật đơn giản.

Từ năm 1956, Nhu bắt đầu tổ chức chi nhánh Đảng Cần Lao của mình, phát triển nó vào cơ quan chánh phủ, vào các xí nghiệp của nhà nước; tất cả mọi nhân viên dân sự và quân sự phải vào đảng (tôi không vào); họ phải trả đảng phí hàng tháng và phải móc tiền túi ra đóng góp quà cáp cho bọn “chóp bu” trong đảng. Công ty Đường Quốc gia là một công ty độc quyền nhà nước đã làm lời được một số tiền khổng lồ. Trương Văn Tố, một trong những tay chân của Nhu điều hành công ty này, mỗi tháng đóng một số tiền đáng kể cho kỳ bộ Sài Gòn-Chợ Lớn; một người bạn của tôi làm việc cho công ty Đường đã kể tôi nghe về khoản đóng góp này. Một ngày kia, sau buổi họp thường lệ với Diệm, tôi kể ông nghe câu chuyện. Mặt ông đỏ bừng và sắt lại: cơn thịnh nộ nổi tiếng của ông sẵn sàng bùng nổ. Khi tôi kể xong và chuẩn bị ra về thì ông Nhu mở cửa bước và – ông ta là người duy nhất có quyền làm vậy. Diệm xây gương mặt đỏ gay về phía Nhu và hỏi anh ta có thật như vậy không. Gương mặt Nhu tái như xác chết khi anh ta thấy tôi ở đó, kế bên Diệm. Anh ta ném cho tôi một cái nhìn hằn học, lẩm bẩm vài tiếng trong miệng nhưng không trả lời; theo quan niệm thông thường của người Việt Nam và cách tôi học với ông giám đốc Kredit Bank, thì những người mặt cắt không ra một giọt máu như vậy là người rất trí trá; họ sẽ không đánh anh ngay đâu, họ chờ đến lúc anh ít cảnh giác nhất mới ra tay – đó là trường hợp của những người tôi đã kể ở trước và sau này nữa. Vào lúc đó tôi đã tự nhủ với mình là anh ta sẽ không quên đâu và tôi phải coi chừng anh ta tìm cách trả thù mà không hề lộ cho tôi biết!

Diệm hét lên với Nhu: “Tôi không muốn có lối nộp tiền cho đảng như vậy! Chấm dứt ngay!”. Tôi cảm thấy lúng túng nên chào từ giã. Ngày hôm sau người bạn tôi ở công ty Đường gọi điện cho tôi hỏi tôi đã làm gì với cái tin anh báo với tôi hôm trước. Tôi cười lớn. Anh ta bèn nói là ở bộ phận kế toán của công ty anh, người ta đang sửa lại sổ sách lung tung. Hai ngày sau, khi tôi lại gặp Diệm, ông nói với tôi một cách ngây thơ rằng ai đó đã làm cho tôi hiểu sai về chuyện đóng tiền. Đó chỉ là chuyện giao dịch làm ăn giữa công ty Đường và hãng kinh doanh của đảng ở Sài Gòn-Chợ Lớn.

Tôi nói gì được? Tôi làm gì được? Nó chỉ làm cho tôi thêm thất vọng với Diệm và chế độ của ông. Ba bốn sự cố như vậy, cùng thái độ hách dịch và cung cách làm ăn cậy quyền cậy thế của Nhu, những lời đồn đãi không ngớt về chuyện Hoàng Khắc Thành giúp đỡ đám anh em dòng họ và tay chân của Diệm, cũng như sự tin tưởng ngây thơ của ông với đám người xu nịnh bao quanh, lần lần làm tôi nhận ra thấy sự yếu đuối của ông và sự khó khăn của tôi khi một thân một mình chống lại số cận thần xu nịnh càng ngày càng đông đang xúm xít quanh ông. Những người giúp Diệm, phần đông các bộ trưởng và công chức không dám nói sự thật cho ông hay, hoặc không dám đương đầu với cơn thịnh nộ của ông nếu báo tin xấu. Tất cả bao vây ông đêm ngày và cô lập ông với thế giới bên ngoài.

Trở thành con người luôn luôn phản kháng mỗi khi nhận định tình hình và chỉ là một tiếng nói lẻ loi còn chưa bị chi phối bởi quyền lợi riêng tư, tôi càng ngày càng bực bội và thất vọng trong công việc hàng ngày. Trong lúc đó vì nhiều cơ quan quốc tế nhìn thấy kinh nghiệm của tôi, tìm cách tiếp xúc với tôi; tôi bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc từ chức và ra nước ngoài làm việc, để có thể có một thời gian đánh giá lại tình hình trong nước, nơi cuộc chiến tranh đang càng ngày càng trở nên khốc liệt.

Thế rồi thình lình một biến cố xảy ra trong gia đình tôi, và tôi mất tất cả mọi thứ. Thêm vào đó, sự chán nản với chế độ Diệm làm tôi mất hết quyết tâm và nghị lực. Tôi quyết định từ chức. Ngày hôm sau tôi tới gặp Diệm sau một đêm thức trắng, suy nghĩ và nhìn thật sâu trong lòng mình. Diệm miễn cưỡng chấp nhận việc từ chức của tôi ở Ngân hàng Việt Nam Thương tín, nhưng yêu cầu tôi tạm ở lại Ngân hàng Trung ương cho tới khi ông tìm ra được người thay thế. Diệm không bao giờ bao giờ thay thế tôi ở Ngân hàng Trung ương.

Đó là ngày 15/9/1960.

Tôi vẫn tiếp tục nhiệm vụ Tổng giám đốc ở Ngân hàng Trung ương mà lòng không vui; ngân hàng này nằm cùng một toà nhà với Việt Nam Thương tín. Tất cả lòng can đảm và phấn khởi của tôi đã mất hết. Hoàng Khắc Thành bắt đầu trò chính trị của anh ta, lui tới Ngô Đình Nhu và Nguyễn Đình Thuần để xúc tiến việc thăng chức nhằm thế chỗ tôi. Tôi cũng chẳng hề quan tâm, trong lòng tôi chỉ còn một ước muốn điều duy nhất là rời khỏi công việc và chính phủ. Tôi không làm cố vấn kinh tế tài chánh cho ông Diệm nữa; và tôi cũng không dự các buổi họp của Hội đồng Tiền tệ Tối cao nữa. Nhưng ngay cả khi tôi còn ở đó, còn đứng đầu Ngân hàng Trung ương trong cùng một toà nhà với Thành và chỉ cách văn phòng anh ta một vài trăm thước, Thành vẫn cảm thấy đã đủ quyền lực chính trị với sự nâng đỡ của Nhu và Thuần; anh ta thay đổi hoàn toàn chính sách của Việt Nam Thương tín và bắt đầu phân phát các khoản tiền vay cho đám bạn bè dòng họ của Ngô Đình Thục, Ngô Đình Nhu và Nguyễn Văn Bửu. Anh ta chấp nhận nhiều việc làm ăn mờ ám của họ và sẵn sàng đối đãi đặc biệt với bất cứ vụ kinh doanh nào có liên quan đến gia đình của Diệm và Nhu. Tôi ngao ngán đến nỗi tôi quyết định tới gặp Diệm lần thứ hai để nộp đơn từ chức. Diệm còn do dự nhưng Nhu thì hối ông chấp nhận. Cuối cùng Diệm cũng miễn cưỡng chấp nhận, nhưng ông ta cấp cho tôi một kỳ nghỉ phép sáu tháng ở Pháp với đầy đủ lương bổng, coi như là để chữa bịnh, nhưng thật sự là để cho tôi có thể nghỉ ngơi thoải mái sau một biến cố tâm lý như vậy. Tôi không yêu cầu được ưu đãi, nhưng dù sao đây cũng là một trường hợp cư xử đặc biệt ở một con người khắc khổ như Diệm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét