Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016


ĐỌC SÁCH “VIỆT NAM 1945-1995” [1/5]
của Lê Xuân Khoa

Mấy vấn đề cần trao đổi
(Phần 1/5)

Chu Sơn




Một người bạn thân thiết: anh TĐTL từ Mỹ về, đến thăm và cho tôi mượn cuốn sách có tựa đề: Việt Nam 1945-1995 (VN1945-1995), tác giả là Lê Xuân Khoa (LXK), sách do Tiên Rồng xuất bản năm 2004.
Ghi nhận sơ khởi của tôi khi lướt qua bìa bao: chắc là tác giả Lê Xuân Khoa viết về đại cương các mặt hoạt động của đất nước, xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XX. Gọn hơn: Lịch sử Việt Nam 1945-1995.
Ở bìa 1, ngoài tên sách, tên tác giả, tên nhà xuất bản như đã ghi ở bìa bao, còn có thêm: Chiến tranh, Tị nạn Bài học lịch sử, tập I

Ghi nhận tiếp theo của tôi là: sách Việt Nam 1945-1995 là một bộ nhiều tập, đây là tập I. Tập này Lê Xuân Khoa viết về hai chủ đề chính: Chiến tranh và Tị nạn. Sau phần nghiên cứu, tác giả viết thêm phần Bài học lịch sử.

Lật vào bìa 2, ngoài phần giới thiệu trình bày như ở bìa 1, nội dung cuốn sách được thu hẹp lại, chỉ còn: Tị nạn 1954  Bài học Bốn Cuộc chiến (1945-1979).

Đến đây tôi tự hỏi:
– Tại sao ngay từ đầu Lê Xuân Khoa không đặt tên cho công trình nghiên cứu của ông đại loại : Lịch sử tị nạn ở Việt Nam từ 1945 đến 1995, và Bài học Bốn cuộc chiến – để danh được chính và ngôn được thuận ?

Lại nữa, chưa có một nghiên cứu đầy đủ về các cuộc chiến tranh mà viết Bài học lịch sử, liệu có khách quan, chính xác và trung thực như tuyên bố của tác giả ở Lời Mở Đầu của cuốn sách (tập I) không ?

Tôi quyết định xếp sách vào tủ đợi trả lại cho anh bạn.

Một người quen khác, ông Trần Hân, nguyên là bí thư thành ủy Huế thời 1954-1955, người tử tù về từ Côn Đảo, trong một buổi tiếp xúc để tìm hiểu về phong trào Hòa Bình tại Huế sau hiệp định Genève, khi được hỏi về “Người Quốc Gia” cũng đề nghị tôi tìm đọc Việt Nam 1945-1995 của Lê Xuân Khoa. Ông Trần Hân nói : “Tôi là người trong cuộc, đứng một bên chiến tuyến, lại là đối tượng trực tiếp của sách lược Tố cộng, Diệt cộng đẫm máu, khốc liệt của chế độ Ngô Đình Diệm, 20 năm sống dở, chết dở ở các địa ngục trần gian: Trại thẩm vấn, Thừa Phủ, Chín Hầm, Côn Đảo, sẽ không có một giải đáp thích hợp cho câu hỏi của anh. Lê Xuân Khoa là Người Quốc Gia trăm phần trăm, hơn nữa, ông là Người Quốc Gia khoa bảng, một nhà giáo chuyên nghiệp. Anh hãy xem ông ta nghĩ gì, viết gì về chiến tranh và đặc biệt về phe Quốc Gia, mà ông ta là một thành viên”.
Thế là hai người thân quen với tôi có hai quan điểm dị biệt về các cuộc chiến tranh xảy ra trên đất nước trong nửa sau thế kỷ XX đều muốn tôi đọc cùng một cuốn sách. Dĩ nhiên cả hai đều muốn tôi chia sẻ cái nhìn của họ về lịch sử Việt Nam cận hiện đại. Sự tự tín của họ khiến tôi tò mò, mặc dầu đã một lần dứt khoát không đọc, nhưng rồi lại thay đổi quyết định: thử làm tên mù sờ voi, xem Lê Xuân Khoa là ai, ông đã viết gì trong cuốn Việt Nam 1945 – 1995 ?


Mở sách Việt Nam 1945-1995 tập I, truy cập thông tin trên mạng (VIETBANG.COM) tôi có được một tiểu sử sau đây:

1/ Lê Xuân Khoa sinh trưởng ở miền Bắc (Hà Nội ?).
2/ Lê Xuân Khoa là một nhà giáo chuyên nghiệp và khoa bảng tại Việt Nam trước 1975:
– 1950 dạy học ở Hà Nội.
– 1953 tốt nghiệp Văn khoa và Sư phạm.
– 1954 di cư vào Nam, dạy Trung học, viết sách giáo khoa cho Trung Tâm học liệu thuộc bộ Giáo dục (Việt Nam Cộng Hòa).
– 1960 du học Pháp, ghi danh tiến sĩ ở Đại học Sorbonne, đến Ấn Độ nhiều lần để nghiên cứu về triết học.
– Trở lại Sài Gòn dạy Triết ở Đại học Văn Khoa, dạy Văn minh Việt Nam ở các đại học: Đà Lạt, Minh Đức, Vạn Hạnh.
– Trở thành viện phó Viện Đại Học Sài Gòn.
3/ Lê Xuân Khoa còn là người hoạt động chính trị trong một thời gian dài:
 1975 di tản sang Mỹ. Là chủ tịch Tác vụ Đông Nam Á chuyên về Tị nạn. Được phụ tá ngoại trưởng Mỹ Funselth tuyên dương về những đóng góp tích cực trong công tác tị nạn và thỏa hiệp Mỹ – Việt về vấn đề định cư của tù nhân chính trị.
 1993 được bộ Ngoại giao Mỹ mời tham gia phái đoàn dự hội nghị của Ủy hội về An ninh và Hợp tác châu Âu.
4/ Phần cuối cuộc đời, ông trở lại nghề dạy học và viết sách:
 1997 là giáo sư thỉnh giảng và học giả ngoại trú tại trường Cao học Johns Hopkins ở Washington DC (Hoa Kỳ) về nghiên cứu Quan hệ Quốc tế và Chính sách Quốc tế . 

 Sau đó, Lê Xuân Khoa dành hết thời gian cho nghiên cứu và viết sách. Việt Nam 1945-1995 là một trong những công trình của ông.


* * *

Việt Nam 1945-1995, tập I, dày 568 trang, ngoài Mục lục, Lời cám ơn, Bảng chữ  tắt, Lời Mở Đầu in ở đầu sách, Lời kết, Phụ lục, Tài liệu tham khảo, Danh mục in ở cuối sách, sách chia làm 3 phần 10 chương:
Phần I gồm 3 chương có tựa đề : Những Nguyên Nhân Gốc của Tị Nạn (tr 31 – 158).
Phần II gồm 3 chương có tựa đề : Chiến Tranh chống Pháp và Tị Nạn 1954 (tr 159 – 270)
Phần III gồm 4 chương có tựa đề : Nội Chiến hay Chiến Tranh Ủy Nhiệm ? (tr 271 – 484).

Ở Lời Cám ơn và lời Mở đầu, Lê Xuân Khoa cho biết là ông đã dành nhiều thiện chí, tâm huyết và công sức để chuẩn bị, nghiên cứu, hoàn thành công trình. Những tư liệu, sự kiện, thông tin (ông chọn lựa: Chu Sơn), bình luận trong sách là chân thật, khách quan...

Có thể góp phần đáng kể cho những cuộc thảo luận về các quan hệ giữa cộng đồng người Việt ở hải ngoại và chính quyền trong nước” (LXK sđd tr 24).

Ông còn nói thêm là tài liệu, thời gian để tiến hành nghiên cứu và thực hiện cuốn sách là không hạn chế. Ông được các thư viện, trung tâm tư liệu lớn ở Mỹ, ở Pháp, nhiều giáo sư tiến sĩ, học giả, giám đốc công ty, bạn bè giúp đỡ, tạo điều kiện.

Với nhân thân, hành trạng, tâm huyết, công sức và đặc biệt thiện chí, tấm lòng vô tư của tác giả đối với lịch sử, hiện tại, tương lai của đất nước và cộng đồng người Việt ở hải ngoại như vậy là đáng trân trọng, khả tín (LXK sđd trang 24, 27). Điều đáng kinh ngạc là Lê Xuân Khoa không hề sử dụng nguồn tư liệu sống mênh mông là những người Việt Nam Quốc Gia” đang ở chung quanh ông, và những người Việt Nam Cộng Sản” cùng đại đa số quần chúng nhân dân đang ở trong nước với hằng hà sa số những tài liệu được làm nên từ họ (sách, báo, thơ, nhạc, họa).


Ở phần III, trang dẫn nhập (271), Lê Xuân Khoa viết:
“… Bởi vậy, tìm hiểu nguyên nhân của Tị nạn 1975 cũng là tìm hiểu nguyên nhân đưa đến chiến tranh và sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa”.

Ở chương 6 (phần II) trang 239, Lê Xuân Khoa viết:
Căn cứ vào hai định nghĩa này (tác giả trích dẫn ở trang 239) dân di cư từ Bắc vào Nam 1954 chính là người tị nạn”.

Từ luận điểm và nhận định đó, Lê Xuân Khoa từng bước dẫn dắt người đọc sách của ông đến kết luận: Tị nạn là tị nạn Cộng sản, do vậy nguyên nhân đưa đến chiến tranh chủ yếu cũng là Cộng sản, Cộng sản Quốc tế (Liên Xô, Trung Quốc) và Cộng sản Việt Nam. Còn Trung Hoa Quốc Gia, Pháp, Mỹ… chỉ là Những Yếu Tố Bên Ngoài, nếu có là “Nguyên nhân gốc”, cũng chỉ là “Nguyên nhân gốc” loại hai.

Bởi, theo Lê Xuân Khoa :
Không cần tiến hành cuộc chiến tranh chống Pháp – để rồi dù chỉ có chiến thắng cũng phải trả một giá quá đắt – vì chỉ trong vòng mấy năm sau Thế chiến thứ II các xứ thuộc địa trên thế giới, trừ một số nước ở Nam Phi, đều được trả độc lập mà không cần có chiến tranh (LXK sđd trang 193).

Lý giải và kết luận như trên là sợi chỉ xanh ngoắt ngoéo, gấp gãy để Lê Xuân Khoa xây đắp, chắp vá thành nền móng, khung sườn, tường mái và chất dính cho công trình của ông. (Thuật ngữ sợi chỉ xanh ngoắt ngoéo, gấp gãy dùng ở đây để đối xứng với thuật ngữ: Sợi chỉ đỏ xuyên suốt mà đảng Cộng Sản Việt Nam thường dùng đã quấy rối thính giác và đời sống của quần chúng Việt Nam suốt hàng chục năm liền từ sau 1975).


* * *

Lần theo sợi chỉ xanh ngoắt ngoéo, gấp gãy:


Ở phần I : Những Nguyên Nhân Gốc của Tị Nạn, Lê Xuân Khoa không nói rõ là tị nạn 1954 hay tị nạn 1975. Chắc là ông muốn nói đến gốc rễ của hai cuộc tị nạn. Ông đã trình bày theo thứ tự ưu tiên 1, 2, 3. Hai trong ba là Cộng sản. Cộng sản là “nguyên nhân gốc” thứ nhất – độc giả có thể hiểu là nguyên nhân đầu, nguyên nhân sâu xa. Cộng sản cũng là “nguyên nhân gốc” thứ ba – độc giả cũng có thể hiểu là nguyên nhân cuối cùng, nguyên nhân gần. Gom cả hai “nguyên nhân gốc” (1) và (3) lại thành nguyên nhân nội sinh, chủ yếu. “Nguyên nhân gốc” thứ hai tác giả gọi là: Những Yếu Tố Bên Ngoài – độc giả có thể hiểu là nguyên nhân thứ yếu. Từ tên gọi: Những Yếu Tố Bên Ngoài, đến thứ tự ưu tiên được sắp xếp (thứ hai), đến kết luận: “không cần tiến hành cuộc chiến tranh chống Pháp …, Lê Xuân Khoa muốn độc giả hiểu thêm rằng: Nếu không có Cộng Sản thì sẽ không có cuộc chiến tranh chống Pháp, không có hiệp định Genève, không có chia cắt đất nước, không có tị nạn 1954, không có chiến tranh chống Mỹ, và tất nhiên không có tị nạn 1975, không có chiến tranh với Trung Quốc ở biên giới phía Bắc và với Khơ Me Đỏ ở biên giới phía Nam (1979), không có suy sụp đất nước… không có lệ thuộc ngoại bang (Liên Xô, và đặc biệt Trung Quốc).


Mặc dù đặt tên cho phần II của cuốn sách là Chiến Tranh Chống Pháp và Tị Nạn 1954, nhưng Lê Xuân Khoa không nghiên cứu đầy đủ cuộc chiến tranh này, ông chỉ khai thác một số sự kiện có liên quan đến cuộc chiến tranh làm chất liệu cho nội dung ông cần đề cập là chia cắt đất nước và tị nạn 1954, với mục đích quy kết mọi trách nhiệm cho Cộng Sản. Không nghiên cứu đầy đủ chiến tranh, nhưng Bài học chiến tranh thì ông tỏ ra nhiệt tình vượt mức. Không những ông dành cho hai phía người Việt: Quốc Gia – Cộng Sản những chỉ dẫn mà ông cho là sâu sắc, trung thực, ông còn dành cho Pháp lẫn Hoa Kỳ những hiểu biết cần thiết cho tương lai mà ông gọi là bài học lịch sử. Có điều đối với Liên Xô và Trung Quốc, ông không có bài học nào cho chúng cả.
Viết về hiệp định Genève, nhưng chủ yếu ông viết về những áp lực, phản bội của Liên Xô, Trung Quốc đối với Hồ Chí Minh và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Đặc biệt ông quá ngưỡng mộ về những thắng lợi của Pháp với biệt tài đàm phán của Mendès-France. Ông cho rằng nhờ hiệp định Genève nên Pháp đã rút khỏi Việt Nam trong thắng lợi mặc dầu đã thua trận ở Điện Biên Phủ.


Viết về Di tản và Tị nạn 1954, Lê Xuân Khoa không đồng tình với từ Di tản sau chiến tranh của Liên Hiệp Quốc, ông chứng minh với những chứng từ, tư liệu – phần đông những chứng từ, tư liệu này ông lấy từ những sách báo của các tác giả cánh hữu và các Thừa sai người ngoại quốc để cáo buộc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã vi phạm hiệp định Genève. Ông khẳng định việc ra đi của gần một triệu người từ Bắc vào Nam sau tháng 7-1954 là Tị nạn Cộng Sản.


Nội Chiến hay Chiến Tranh Ủy Nhiệm là chủ đề phần III của cuốn sách. Ở phần này Lê Xuân Khoa trình bày nhận định của ông về bản chất cuộc chiến tại Việt Nam từ 1954 đến 1975. Chừng mực nào đó ông không đồng tình với tên gọi của các phe lâm chiến 
 Mỹ thì gọi là Chiến tranh Việt Nam (của Mỹ – Chu Sơn).
 Việt Nam Cộng Hòa thì gọi là chiến tranh chống Cộng Sản xâm lược.
 Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì gọi là chiến tranh chống Mỹ xâm lược và Ngụy tay sai (Mỹ – Ngụy) tại miền Nam.
 Lê Xuân Khoa thì gọi là Nội Chiến và Chiến Tranh Ủy Nhiệm. Ông không cho biết Liên Xô và Trung Quốc gọi cuộc chiến tranh này là gì, mặc dù, theo ông, hai nước này ủy nhiệm cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đánh Mỹ và phe Tư bản vì lợi ích của mỗi nước.


Cuộc chiến tranh Việt Nam 1954-1975 kết thúc, theo Lê Xuân Khoa là Mỹ rút quân, Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thắng nhưng với cái giá quá đắt…

Ông cũng không cho biết mục tiêu ủy nhiệm của hai nước Liên Xô, Trung Quốc là gì, có đạt được hay không khi ủy nhiệm cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa?

Điều đặc biệt là Lê Xuân Khoa không nói gì đến công cuộc thống nhất đất nước và xây dựng Xã hội Chủ nghĩa sau 1975.


Cuối cùng, cũng như “Chiến Tranh Chống Pháp”, Lê Xuân Khoa đã chỉ cho các phe lâm chiến: Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Sản và Việt Nam Quốc Gia những sai lầm cơ bản, đồng thời ông cũng nhắn nhủ các bên những bài học cần ghi nhớ. Đối với Liên Xô và Trung Quốc, một bên ủy nhiệm, ông không chỉ dẫn cho chúng bài học nào.

Đặc biệt ở lời kết, Lê Xuân Khoa nhắn nhủ nhân dân Việt Nam và nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam ba bài học cần ghi nhớ để hướng về tương lai :
 1/ Trong quan hệ quốc tế chỉ có lợi ích quốc gia là quan trọng hơn cả.
 2/ Không có một chủ nghĩa chính trị nào là chân lí tuyệt đối.
 3/ Cần hiểu rõ ta, bạn và thù.


Đọc xong Việt Nam 1945-1995 tập I, phản ứng tự nhiên của tôi là xếp sách lại, đợi trả. Nói thật thà tôi quá thất vọng, bởi Lê Xuân Khoa, qua tác phẩm “tâm huyết”, “công phu” và “khách quan” của ông, đã thể hiện :
 Một khoảng cách quá lớn giữa những gì ông viết ở Lời Mở Đầu, ở các trang tóm lược đầu các phần, các chương, và những gì ông viết ở phần còn lại (nội dung) của cuốn sách.
 Cũng có một khoảng cách như vậy giữa hiện thực lịch sử và những gì Lê Xuân Khoa nắm bắt được để sử dụng cho mục đích của ông.
 Mới xem qua tôi có cảm tưởng cái gì Lê Xuân Khoa cũng biết, cũng giỏi, cũng làm thầy được cả. Nhưng đọc kỹ tôi thấy rằng cái biết, cái giỏi ấy chỉ là những thủ thuật ngoắt ngoéo, gấp gãy… khiến người đọc sách của ông hoài ghi thiện chí và khả năng chuyên môn mà ông đã bày tỏ khắp các chương mục trong cuốn sách, đặc biệt ở Lời Mở Đầu.


Để có một trao đổi nghiêm túc, đầy đủ cùng tác giả Lê Xuân Khoa, tôi e rằng cần phải viết lại một cuốn sách. Tôi không đủ sức làm công việc khó khăn này. Do vậy mà tôi định xếp sách, đợi trả. Nhưng khi nhớ lại hai người thân quen (đã giới thiệu ở trên), tôi thử thảo luận cùng Lê Xuân Khoa mấy vấn đề nêu ra từ tác phẩm của ông trong khả năng hạn chế của người đọc sách bình thường.


Bài viết này trình bày một góc nhìn trong một cuộc thảo luận rộng lớn cùng với nhiều góc nhìn khác nhằm: nói như Lê Xuân Khoa “Trả lại cho César cái gì của César và góp phần trả lại sự thật cho lịch sử Việt Nam cận hiện đại.

Còn Bài Học Lịch Sử: không thể có được, một khi chưa có những hiểu biết, những nghiên cứu thấu đáo và đầy đủ về các cuộc chiến tranh.


Sau đây là mấy vấn đề cần thảo luận.

I/ Nguyên nhân gốc của “Chiến Tranh Chống Pháp và Tị Nạn 1954” ?
II/ Có thể tránh được cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất không ?
III/ Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1945-1954) đã kết thúc như thế nào ?
IV/ Cuộc di cư từ miền Bắc của non một triệu người vào miền Nam (1954) là Di tản nội bộ hay Tị nạn  Cộng Sản?
V/ Lê Xuân Khoa viết gì về phe Quốc Gia trong sách Việt Nam 1945-1995 tập I.
VI/ Nội chiến hay chiến tranh Ủy nhiệm.
VII/ Vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc.

* * *

Trước khi bước vào cuộc thảo luận, lâm thời tôi bày tỏ sự đồng tình với tác giả Lê Xuân Khoa là mỗi người trong chúng ta (đồng bào Việt Nam) nên vượt qua những xúc động nhất thời để nhìn nhận lịch sử trong “tinh thần khách quan” và “ý thức trách nhiệm” (Tôi thêm các ngoặc kép – Chu Sơn)


Nhưng đồng thời tôi cũng mong có sự đồng thuận của bất cứ người Việt Nam nào: Sử gia hay không sử gia, thầy giáo hay học trò, Quốc Gia hay Cộng Sản, Thiên chúa hay Phật giáo…, cai trị hay bị trị, ở trong hay ở ngoài nước, hay chỉ là Việt Nam không màu cờ sắc áo… nên xác định chỗ đứng của mình để từ đó mà nhìn, mà suy nghĩ, mà nhận định các biến động lịch sử dân tộc. Như thế, mãi cho đến thời điểm này (2010), mặc dù còn có những góc nhìn khác nhau, nhưng không ai có quyền rời bỏ chỗ đứng chung duy nhất là Việt Nam.


Theo tôi, lịch sử Việt Nam từ thượng cổ, nói cho cùng, mãi cho đến thời điểm này, là lịch sử thành lập đất nước, xây dựng chính quyền, chống đuổi ngoại xâm và những nỗ lực của các nhà cầm quyền và cả dân tộc nhằm vượt thoát ra khỏi hậu quả của các cuộc chiến ấy nhằm xây dựng lại đất nước. Cũng có thể nói trong đa phần các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm đều có các cuộc nội chiến lớn nhỏ khác nhau hàm chứa bên trong. Công cuộc hòa giải – hòa hợp cũng là những nỗ lực không ngừng để hợp nhất, phát triển dân tộc và xây dựng mới đất nước.

Ngoại trừ cuộc xâm lược của Trung Hoa ở triều đại nhà Tống vào Đại Việt năm 1076 và cuộc xâm lược của Nguyên Mông lần thứ nhất, tất cả các cuộc xâm lược khác từ Nguyên Mông lần thứ hai, Minh, Thanh, Pháp, Mỹ đều có bóng dáng đậm nhạt khác nhau của một bộ phận người Việt Nam trong hàng ngũ các đoàn quân viễn chinh, trong chính quyền Liên hiệp, phủ Toàn quyền, hay Tòa Đại sứ…


Từ chỗ đứng Việt Nam và góc nhìn hạn chế của một công dân bình thường đang ở trong nước, một người đọc sách phổ thông (không phải là nhà nghiên cứu, sử gia…) tôi lần lượt thảo luận cùng Lê Xuân Khoa mấy vấn đề nêu trên.


I/ “Nguyên nhân gốc” (từ của Lê Xuân Khoa)
của cuộc chiến tranh chống Pháp và Tị Nạn 1954 ?

Trước khi đi vào nội dung chính của cuốn Việt Nam 1945-1995 tập I, Lê Xuân Khoa viết Lời Mở Đầu như tôi đã giới thiệu qua ở trên.

Trước khi đi vào nội dung từng phần (cuốn sách có 3 phần) Lê Xuân Khoa cũng viết một hai trang tôi gọi là dẫn nhập.


Ở Lời Mở Đầu và các trang dẫn nhập này tác giả giới thiệu nội dung chính của cuốn sách, của mỗi phần, đồng thời nêu ra những nhận định như là kết luận.

Mở đầu phần Một, Lê Xuân Khoa viết :
Lịch sử Việt Nam vào nửa sau thế kỷ XX là lịch sử của một đất nước bị chia đôi và bốn cuộc chiến tranh trước và sau cuộc chia cắt ấy. Cuộc chiến thứ nhất là cuộc chiến chống Pháp và chống Quốc Gia Việt Nam do Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (tức mặt trận Việt Minh) lãnh đạo (1945-1954). Cuộc chiến thứ hai là cuộc chiến giữa miền Bắc Cộng sản và miền Nam Quốc gia (1956-1975) với sự tham gia của hai khối đối đầu trong cuộc chiến tranh lạnh: Hoa kỳ chiến đấu sát cánh cùng với miền Nam, Liên Xô và Trung Quốc hậu thuẫn cho miền Bắc. Hai cuộc chiến tiếp theo giữa Việt Nam và hai đồng minh Cộng Sản: Trung Quốc (tháng 2/1979) và Cambuchia (1979-1989)” (LXK sđd trang 29).


Đọc qua đoạn này, tôi bị thu hút bởi mấy từ: Chia cắt (đất nước), chiến tranh, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (tức Mặt Trận Việt Minh). Tôi đã lọt vào mục tiêu Lê Xuân Khoa muốn nhắm. Các từ chia cắt (đất nước) và chiến tranh có nội dung rất xấu, cực kỳ xấu. Nó đánh thẳng, đánh trúng vào khát vọng sâu thẳm chính đáng của đại đa số quần chúng nhân dân là Thống nhất, và Hòa Bình. Cả hai cái cực kỳ xấu ấy (chia cắt, chiến tranh), theo Lê Xuân Khoa, đều do Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (tức Mặt Trận Việt Minh) tạo tác nên, hay ít ra là người chịu trách nhiệm chính, là thủ phạm hàng đầu. Bởi Cộng Sản (Lê Xuân Khoa ngụy trang bằng nhóm từ vô thưởng vô phạt : Quốc Gia – Cộng Sản), là nguyên nhân gốc của chiến tranh, của chia cắt, của tị nạn, tan nát và đói nghèo. Sự can dự trực tiếp hay gián tiếp của Pháp, của các tướng lãnh Trung Hoa Quốc Gia (từ của Lê Xuân Khoa), của Anh và của Mỹ đều là “Những Yếu Tố Bên Ngoài” (LXK sđd chương 1,2,3,4, phần I), có là “nguyên nhân gốc” cũng chỉ là hạng hai, đứng sau nguyên nhân gốc hạng nhất, đứng trước nguyên gốc hạng ba (đều là Cộng Sản).
Về mặt hình thức (tôi nói: về mặt hình thức), câu đầu trong đoạn trích dẫn trên chỉ đúng một nửa: chia cắt và chiến tranh.

Không hiểu vì lí do gì Lê Xuân Khoa bỏ quên ba sự kiện quan trọng khác là: Pháp hùng hổ quay trở lại Đông Dương, Việt Nam thống nhất đất nước và xây dựng Xã hội Chủ nghĩa (nói theo từ ngữ Cộng Sản) hoặc áp đặt cái được gọi là “Chủ nghĩa Xã hội” (nói theo đa số đồng bào Việt Nam). Sự bỏ quên này vì lí do gì?

Vì bất cứ lí do nào, việc bỏ quên ba sự kiện khổng lồ này khiến người đọc sách bình thường như tôi nghi ngờ thiện chí, tính khách quan, lòng trung thực và sự tôn trọng sự thật (từ của LXK) mà Lê Xuân Khoa đã hứa hẹn, cam kết ở Lời Mở Đầu.


Bỏ quên ba sự kiện khổng lồ này thì làm sao có được một hiểu biết thấu đáo về “bốn cuộc chiến tranh” (từ của Lê Xuân Khoa) và tình cảnh đất nước, tâm tình của đại đa số nhân dân sống trong cái đất nước được gọi là Độc lập, Hòa bình, Thống nhất ấy, làm sao hiểu được nguyên nhân đích thực của những “thuyền nhân” đã liều chết từ bỏ những giá trị ngàn đời: Đất nước và Dân tộc ?

Có khả năng Lê Xuân Khoa sẽ phản bác nhận định trên đây của tôi. Ông nói :
– “Đấy chỉ là mấy câu tóm lược”.

Thưa ông Lê Xuân Khoa, tôi đồng ý đó là mấy câu tóm lược. Mấy câu tóm lược là mấy câu đúc kết nội dung một đoạn, một chương, một phần, hay cả cuốn sách. Mấy câu này yêu cầu phải ngắn gọn nhưng không thể thiếu, không thể sai nội dung cần tóm lược, không thể gây hiểu lầm, ngộ nhận.

Ví dụ về tiểu sử tác giả Lê Xuân Khoa, có người viết :
“Lê Xuân Khoa sinh ở Huế, làm chính trị thiên Cộng, dạy học ở Sài Gòn và ở Mỹ.”
Câu này chưa phải là tiểu sử tóm lược của ông.

Cũng như thế, khi Lê Xuân Khoa viết :
“Lịch sử Việt Nam vào nửa sau thế kỷ XX là lịch sử của đất nước bị chia đôi và bốn cuộc chiếc tranh trước và sau sự chia cắt ấy.”

Câu này chưa phải là câu tóm lược lịch sử Việt Nam vào nửa sau thế kỷ XX.


Để không mang tội thất lễ với một đại sư lão làng, tôi buộc phải trở lại “định kiến ban đầu” là: Lê Xuân Khoa đã sử dụng thủ pháp ngoắt ngoéo để “cả vú lấp miệng em”, và “giả mù sa mưa bấc”. Cái thủ pháp ngoắt ngoéo này Lê Xuân Khoa sử dụng rất nhiều lần trong cuốn sách của ông. Tôi đưa thêm một thí dụ khác: Mở đầu chương I với tựa đề: Quốc Gia và Cộng Sản, Lê Xuân Khoa viết :
Tiếp nối truyền thống yêu nước chống xâm lăng từ ngày lập quốc, công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã được tiếp tục ngay sau khi Pháp hoàn tất cuộc chinh phục Việt Nam bằng hòa ước Patenôtre năm 1884, gần nửa thế kỷ trước khi đảng Cộng Sản Việt Nam được thành lập. Phong trào Cần Vương dưới sự lãnh đạo của vua Hàm Nghi từ 1885 vẫn hoạt động ngay cả khi nhà vua bị Pháp bắt được và đầy sang Algérie năm 1888. Hai cuộc khởi nghĩa khác do Nguyễn Thiện Thuật và Phan Đình Phùng chỉ huy bị dẹp tan trước cuối thế kỷ, nhưng cuộc nổi dậy của Hoàng Hoa Thám đã kéo dài được 30 năm cho đến khi ông bị giết 1913. Khi đã thiết lập được guồng máy thống trị vững vàng, chính quyền thực dân Pháp vẫn phải đương đầu với các phong trào giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu kiệt xuất như Phan Bộ Châu, Phan Châu Trinh, Hoàng Thân Cường Để, Trần Cao Vân và Nguyễn Thượng Hiền. Một trong những phong trào này được cầm đầu bởi Hoàng đế Duy Tân, mười sáu tuổi, do chính người Pháp đưa lên ngôi từ năm lên 7 thay cho vua cha là Thành Thái bị Pháp đầy sang đảo Réunion vì âm mưu chống Pháp. Cuộc khởi nghĩa thất bại năm 1916, vua Duy Tân bị Pháp bắt và cũng bị lưu đày ở đảo Réunion. Những tổ chức quốc gia chống Pháp sau đó đều xuất phát từ giới trí thức được đào tạo dưới nền giáo dục Pháp, đáng kể nhất là Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDD) ở miền Bắc, hai giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo ở miền Nam cùng với các nhóm chính trị và báo chí của một số trí thức du học ở Pháp về”. (LXK sđdtr 31,32)


Viết đoạn văn trên, Lê Xuân Khoa muốn độc giả, đặc biệt đảng Cộng Sản, hiểu rằng:

Những lãnh tụ kháng chiến chống Pháp và đồng chí, đồng bào của họ từ sau hòa ước Patenôtre (1884) như Hàm Nghi, Nguyễn Thiện Thuật, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Cường Để, Trần Cao Vân, Nguyễn Thượng Hiền, Thành Thái, Duy Tân… đều là người Quốc Gia cả. Và những tổ chức, nhân vật Quốc Gia sau đó (từ của Lê Xuân Khoa) như các trí thức Tây học, các đảng Quốc Dân Đảng, Đại Việt, các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo… đều là hậu duệ, thế hệ sau tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông. Cứ theo phát kiến này của Lê Xuân Khoa thì Hùng Vương, Bà Trưng, bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung đều là người Quốc Gia hết. Chỉ có: “Hồ Chí Minh là người Cộng Sản đầu tiên” tuy có lòng yêu nước, nhưng bị chỉ huy, điều động bởi Cộng sản Quốc tế (Comintern). Và theo Lê Xuân Khoa thì Hồ Chí Minh xuất phát từ một truyền thống, cội nguồn khác, gắn kết với đất nước, dân tộc sâu nặng, nhưng là thủ phạm của tấn bi kịch xung đột Quốc Gia – Cộng Sản.


Ông viết :
Mầm mống xung đột giữa Quốc Gia và Cộng Sản bắt đầu từ khi Nguyễn Ái Quốc từ Nga sang Trung Hoa năm 1924 để hoạt động cho Comintern” (LXK sđd tr35).

Để thực hiện mục tiêu của mình, Lê Xuân Khoa đã:
–1/ Thả rông ký ức lịch sử: Câu đầu của đoạn văn trích dẫn trên xin được chép lại:
Tiếp nối truyền thống yêu nước chống xâm lăng từ ngày lập quốc, công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã được tiếp tục ngay sau khi thực dân Pháp hoàn tất cuộc chinh phục Việt Nam bằng hòa ước Patenôtre, gần nửa thế kỷ trước khi đảng Cộng Sản Việt Nam được thành lập

Thưa giáo sư, nhà sử học Lê Xuân Khoa: “…công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã được tiếp tục ngay” từ tháng 5 năm 1858, khi liên quân Pháp Tây Ban Nha tấn công vào Đà Nẵng, chứ không đợi đến 1884, khi Pháp hoàn tất cuộc chinh phục Việt Nam như nhận định của ông. Và như thế khoảng cách giữa hai sự kiện: thời điểm cuộc kháng chiến bắt đầu, hay nói như ông, “cuộc kháng chiến tiếp tục ngay” từ 1858 đến thời điểm thành lập đảng Cộng sản (1930) là 72 năm (1858-1930), đúng ba phần tư thế kỷ, chứ không phải là 46 năm (1884-1930), “gần nửa thế kỷ”  như ông đã viết.

Như thế, do sự thả rông ký ức mà Lê Xuân Khoa đã rút ngắn thời gian kháng chiến của nhân dân Việt Nam đến 26 năm (72 – 46 = 26). Đề nghị ông giải thích sự suy giảm ký ức này. Phải chăng do thực tế sống ngoài lịch sử, đến khi ông bắt đầu làm nhà nghiên cứu, ông đã vơ được tài liệu nào vội sử dụng tài liệu đó?


Hai mươi sáu năm lịch sử thiếu vắng trong ký ức của Lê Xuân Khoa là chặng đường vô cùng quan trọng trong quá trình chống ngoại xâm của dân tộc. Không có chặng đường này, sẽ không có những chặng đường tiếp theo từ sau hiệp ước Patenôtre (1884), đến sau này.

Sự thả rông ký ức của một giáo sư kiêm sử gia như ông khiến người đọc sách, nhất là các thế hệ người Việt đời sau ở nước ngoài nếu không biết thêm một tài liệu, sách báo nào khác ngoài cuốn Việt Nam 1945-1995 tập I, sẽ có một khoảng trống rất lớn về các cuộc đề kháng, khởi nghĩa, chiến đấu của vua quan triều Nguyễn, của sĩ phu, nông dân ở Nam kỳ, Bắc kỳ, Trung kỳ trong 26 năm tiếp liền sau khi thực dân Pháp tấn công vào Đà Nẵng, đánh chiếm và thiết lập ách nô lệ lên các phần đất này của đất nước. Sự thả rông ký ức của giáo sư, nhà nghiên cứu Lê Xuân Khoa sẽ khiến các thế hệ người ngoại quốc gốc Việt đời sau có dịp quay trở về cội nguồn của mình sẽ “tò te” khi thấy các tên đường : Bến Nghé, Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Cầu Giấy, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu…

Có khả năng Lê Xuân Khoa sẽ phản bác lại: ông chỉ viết lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945-1995, đoạn trích dẫn ở trên chỉ là mấy câu tóm lược.


Đành rằng đó là mấy câu tóm lược. Nhưng mấy câu tóm lược ấy nếu được viết lại như sau :

Tiếp nối truyền thống yêu nước chống xâm lăng từ ngày lập quốc, công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã được bắt đầu ngay sau khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công vào Đà Nẵng (1858) mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam, gần ba phần tư thế kỷ trước khi đảng Cộng Sản Việt Nam được thành lập”.

Câu này có dài hơn câu của Lê Xuân Khoa tôi đã trích dẫn một chút, nhưng nó đầy đủ hơn, chính xác hơn mà không làm thay đổi mục tiêu Lê Xuân Khoa muốn truyền đạt.


– 2 / Lê Xuân Khoa đã làm một việc vô ích: Chủ đích của Lê Xuân Khoa khi viết câu tôi trích dẫn trên là để phục hồi ký ức lịch sử cho người Cộng Sản trong trường hợp ký ức của họ suy thoái. Trường hợp thứ hai nếu ký ức của người Cộng Sản chưa có vấn đề, Lê Xuân Khoa muốn cảnh báo họ: “Các người tuy còn nhớ lịch sử nhưng vì não trạng Cộng sản nên cố tình làm ngơ”.


Thưa giáo sư Lê Xuân Khoa, cả hai trường hợp trên đều không phải là sự thật. Tôi xin trưng bằng chứng :

– Trong bộ Đại Cương Lịch Sử Việt Nam Toàn Tập mà ông đã sử dụng, các sử gia của chế độ: Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn đã viết khá đầy đủ, tường tận về tất cả các cuộc kháng chiến, các phong trào yêu nước từ 1858 đến 1945 : Từ đề kháng của triều đình Huế, khởi nghĩa và kháng chiến của các sĩ phu, nông dân, và nhân dân Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Trung Kỳ, từ Cần Vương, Văn Thân, Nghĩa Hội, Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, Tây Du (Tây Du chỉ khuynh hướng tìm hiểu, học tập nền văn hóa, chính trị tại Pháp của Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh…) đến các vận động báo chí, kinh tế, xã hội, các đảng Tân Việt, Cộng Sản, Quốc Dân Đảng và cuộc khởi nghĩa Yên Báy… (Đại Cương Lịch Sử Việt Nam Toàn tập mục III chương 1,2,3,5, mục V, VI, VII chương 10…)

Thực tế này chứng tỏ ký ức lịch sử Việt Nam cận hiện đại của người Cộng Sản chưa suy thoái.


– Đảng Cộng Sản Việt Nam đã vận dụng các ký ức lịch sử một cách tối đa vào công cuộc vận động yêu nước trước và sau cách mạng tháng 8 – 1945: Mặt trận Việt Minh được thành lập (năm 1941) đáp ứng nhu cầu đánh Tây đuổi Nhật (Nhật vào Đông Dương năm 1940). Mặt trận này tập hợp chung quanh đảng Cộng Sản nhiều thành phần quần chúng khác nhau không phân biệt ý thức hệ, giai cấp, tôn giáo…

Cách mạng tháng Tám xảy ra, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời có sự tham dự và đóng góp công sức của nhiều thành phần quần chúng. Riêng ký ức thô thiển của một người bình thường như tôi cũng nhớ được các tên tuổi sau đây: nhà Nho, nhà Duy Tân Huỳnh Thúc Kháng, vua Bảo Đại, Ngự tiền Phạm Khắc Hòe, luật sư Phan Anh, bộ trưởng Bùi Bằng Đoàn, khâm sai Phan Kế Toại, các luật sư Vũ Đình Hòe, Vũ Trọng Khánh, các nhân sĩ trí thức Thiên Chúa giáo Ngô Tử Hạ, Nguyễn Mạnh Hà, Vũ Đình Huỳnh, các trí thức Tạ Quang Bửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Văn Huyên, Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Trần Đình Nam và rất nhiều những người ưu tú yêu nước khác tôi không nhớ hoặc không biết hết. Những vị này được sắp xếp, bố trí vào các vị trí chức vụ nhất nhì trong các tổ chức quần chúng, các cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền của Việt Minh và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Vì nhiều lí do khác nhau, một số nhỏ trong họ đã bỏ cuộc giữa đường: trở lại với Tây như Bảo Đại, hoặc về thành trùm chăn, có người sau này cộng tác với Ngô Đình Diệm (như Trần Chánh Thành). Đa số trong họ thất vọng trước thực tế xung đột ý thức hệ (Cộng sản – Tư sản, Độc tài – Dân chủ …) ngày càng khốc liệt, từng bước bị tước đoạt quyền lực, bị đẩy ra rìa nhưng vẫn bấm bụng ở lại với kháng chiến vì mục tiêu, vì lí tưởng độc lập của dân tộc, bấm bụng chịu đựng sự khinh miệt, bạc đãi và phản bội của những người Cộng Sản đã cùng nằm gai nếm mật. Họ – những người kháng chiến không Cộng Sản ấy – thà chịu thua kẻ nội thù, không thà làm tay sai cho bọn cướp nước. Thực tế lịch sử này chứng tỏ những cảnh báo của Lê Xuân Khoa là thừa. Bởi ông đã không nghiên cứu thấu đáo nguyên nhân sâu xa (mà ông gọi là nguyên nhân gốc) xảy ra sự xung đột mà ông gọi là Quốc Gia và Cộng sản. Thử hỏi sự xung đột ấy xảy ra trước, đồng thời, hay sau cuộc xâm lược và đô hộ của thực dân đế quốc? Nếu sự xung đột ấy xảy ra trước thời điểm thực dân Pháp đánh chiếm Việt Nam thì cũng có thể là một trong những nguyên nhân đưa đến chiến tranh Việt – Pháp. Tôi nói có thể. Tôi hoàn toàn không khẳng định. Đằng này sự xung đột ấy chỉ xảy ra vào giai đoạn cuối của cuộc xâm lược Pháp thì không thể là “nguyên nhân gốc” của chiến tranh chống Pháp và Tị nạn Cộng Sản được. Vả lại, nếu Cộng Sản là “nguyên nhân gốc” của chiến tranh chống Pháp thì:


– Làm thế nào để giải thích sự xung đột xảy ra giữa các đảng phái phe nhóm Quốc Gia như ông đã nhận xét có tính cáo buộc trong chương 1, phần I (Quốc Gia và Cộng Sản)


– Làm sao để giải thích sự thật lịch sử khi anh em Ngô Đình Diệm lật đổ Bảo Đại, triệt tiêu hết các đảng phái, các thế lực chính trị và cá nhân quốc gia khác để độc chiếm quyền lực?


– Làm thế nào mà hiểu biết thấu đáo trong vòng ba năm sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ (1963-1966) ở miền Nam đã xẩy ra hơn mười cuộc đảo chánh và bốn lần thay đổi chính phủ?


– Làm thế nào để biện minh cho người Quốc Gia số 1 Nguyễn Văn Thiệu hất cẳng người Quốc Gia số 2 Nguyễn Cao Kỳ và phe cánh ra khỏi cơ quan quyền lực cao nhất của Việt Nam Cộng Hòa màn II?


– Làm thế nào để giải thích tình trạng xung đột trong cộng đồng người Việt đang cư trú tại Mỹ?


Phải chăng Cộng Sản cũng là “nguyên nhân gốc” số 1 dẫn đến tình trạng người Quốc Gia xâu xé loại trừ lẫn nhau như Lê Xuân Khoa đã nghiên cứu để kết luận rằng Cộng Sản là “nguyên nhân gốc” dẫn đến Chiến tranh chống Pháp và Tị nạn 1954 ?


Đến thời điểm này (2010) mà người Việt Nam chúng ta còn đặt lại vấn đề đâu là nguyên nhân của cuộc chiến tranh Việt – Pháp, Pháp – Việt thì rõ ràng là chúng ta đã đứng ngoài lịch sử dân tộc, hoặc tim óc của chúng ta không bình thường. Tuy nhiên, bởi Lê Xuân Khoa đã đặt vấn đề bằng một khẳng định rằng Cộng Sản là hai trong ba “nguyên ngân gốc” của cuộc chiến tranh ấy, do vậy tôi buộc phải cùng ông giải mã lại vấn đề.

Như nhiều người trong chúng ta đã biết: Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, thực dân Pháp hùng hổ tái chiếm Đông Dương – trong đó có Việt Nam – để tiếp tục hành xử vai trò là chủ nhân ông mà chúng đã khẳng định hoàn toàn từ hiệp ước Patenôtre (1884). Hành động này của thực dân Pháp đặt nhân dân Việt Nam trước những lựa chọn:


– Hoặc là cúi đầu nhận chịu thân phận nô lệ, làm thân trâu ngựa cho kẻ cướp nước, động thái này một thiểu số trong cộng đồng dân tộc đã chọn lựa.


– Hoặc là tiếp tục cuộc kháng chiến dở dang mà các thế hệ Việt Nam đời trước đã khởi sự ngay từ khi Liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng – bắt đầu cuộc xâm lược thực dân của chúng. Đa số trong nhân dân đã chọn cách hành xử thứ hai: kháng chiến, cương quyết, đồng lòng đánh đuổi xâm lược để giành lại độc lập tự do cho đất nước, dù phải hi sinh, dù phải trả giá đắt.
Cuộc chiến đã xảy ra do không giải quyết được vấn đề (mâu thuẫn giữa thực dân Pháp và nhân dân Việt Nam) trong thương lượng hòa bình, mặc dầu về phía Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, đặc biệt là Hồ Chí Minh, đã nỗ lực hết sức để loại trừ chiến tranh. Chính Lê Xuân Khoa đã viết khá đầy đủ trong chương 2, phần I, và chương 5 phần II (sđd tr 75 – 121, tr 192 – 235) sự thật lịch sử này.


Như thế nguyên nhân của cuộc chiến tranh, đầu tiên và cuối cùng, gốc và rễ đều phát xuất từ thực dân, đế quốc. Không hề có chuyện cộng đồng bị xâm lược mâu thuẫn chống đối lẫn nhau trong quá trình chống đuổi ngoại xâm là nguyên nhân gốc của chiến tranh Việt – Pháp, Pháp – Việt.


* Trần Trọng Kim, một sử gia hữu khuynh, nhưng trong Việt Nam Sử Lược đã nhận định chính xác khi ông lên án ý đồ và biện pháp xâm lược của quân Minh vào nước ta bắt đầu từ 1405. Đối với ông tình trạng xung đột giữa nhà Trần suy thoái và hành động thoán đoạt bạo tàn của Hồ Quí Ly chỉ là cái cớ (Trần Trọng Kim : Việt Nam Sử Lược tr 194-199).

Như thế, theo Trần Trọng Kim, nguyên nhân các cuộc chiến tranh giữa quân Minh và nhà Hồ, giữa quân Minh và cuộc kháng chiến Lê Lợi là ý đồ và hành động xâm lược của nhà Minh Trung Quốc chứ không hề là nhà Hồ, dù Hồ Quí Ly là người chịu trách nhiệm chính trong những thủ đoạn tiêu diệt nhà Trần trước đó.


* Trong thế chiến thứ II, sau khi Phát Xít Đức xua quân tấn công tràn ngập nước Pháp, chính phủ Pháp đầu hàng (tháng 9-1940). Pétain thành lập chính phủ thân Đức. De Gaulle kêu gọi dân chúng khởi nghĩa với sự đồng tình tham dự của đảng Cộng Sản và đại bộ phận dân chúng Pháp. Trong quá trình cùng với Đồng Minh chiến đấu chống xâm lược Đức, phe de Gaulle đương nhiên đánh cả hai: xâm lược Đức và bọn tay sai đầu hàng. Nhân dân Pháp và các nhà viết sử của họ vào thời điểm đó và mãi mãi về sau nhận định thế nào về cuộc chiến tranh Pháp – Đức? Họ gọi quân Đức là Yếu Tố Bên Ngoài hay là bọn Phát Xít xâm lược? Và “Nguyên nhân gốc” của cuộc chiến tranh đó là Phát Xít Đức xâm lược hay là sự xung đột giữa Pétain – de Gaulle (Đầu hàng – Kháng chiến) như nhận định của Lê Xuân Khoa: Quốc Gia và Cộng sản trong chiến tranh Việt – Pháp ?

Trường hợp học giả Lê Xuân Khoa chưa vừa lòng với hai ví dụ phản biện trên, tôi xin đưa một giả định từ một hiện thực trước mắt làm ví dụ thứ ba:


* Quần đảo Hoàng Sa, một phần của Biển Đông và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974 đến nay. Nhân dân ở trong và ngoài nước căm giận hành động xâm lăng trắng trợn của bọn bành trướng. Ngoài những hội thảo, tuyên ngôn, tuyên cáo, sách báo, những cuộc tụ tập, biểu tình bỏ túi bày tỏ tình tự dân tộc của một số bộ phận, cá nhân người Việt trong và ngoài nước, chưa có một cuộc vận động, một phong trào quần chúng, một phản ứng chính trị, quân sự lớn mạnh nào nhằm phản đối và đánh đuổi quân xâm lược. Bởi chính quyền Cộng Sản trong nước – như cáo buộc của các nhóm, các cá nhân bất đồng chính kiến – là tay sai, lệ thuộc, hoặc hèn hạ cúi đầu trước sách lược thâm độc và hành động ngang ngược của bọn bành trướng Trung Quốc.

Giả định rằng vào môt thời điểm nào đó thích hợp, một Mặt Trận Giải Phóng Hải Đảo được thành lập và lãnh đạo do một người có tinh thần yêu nước mạnh mẽ, có tài thao lược và đặc biệt đã học được Bài học lịch sử từ Bốn cuộc chiến tranh đã xảy ra vào nửa sau thế kỷ XX, như Lê Xuân Khoa chẳng hạn, tất nhiên Mặt Trận Giải Phóng Hải Đảo do Lê Xuân Khoa lãnh đạo được đông đảo quần chúng khắp nơi đồng tình ủng hộ, tham gia…ngoại trừ nhà nước Cộng Sản đương quyền. Chiến tranh xảy ra giữa một bên là quân xâm lược Trung Quốc và bọn Việt gian Cộng sản tay sai đầu hàng, và một bên là nhân dân Việt Nam yêu nước dưới sự lãnh đạo của Mặt Trận do Lê Xuân Khoa điều khiển. Đề nghị sử gia, nhà lãnh đạo kháng chiến (giả định) Lê Xuân Khoa trả lời:

– “Nguyên nhân gốc” cuộc chiến tranh giả định trên là gì?
– Quân Trung Quốc là xâm lược hay chỉ là “Yếu tố bên ngoài”?
– Chính quyền Cộng Sản là công cụ, tay sai của xâm lược hay chỉ là một trong hai phía Việt Nam (Công Sản và Quốc Gia) như nhận định của Lê Xuân Khoa về Quốc Gia và Cộng Sản trong các cuộc xung đột và chiến tranh từ 1925 trở về sau ?


Câu hỏi tiếp theo:
– Sau những nỗ lực vô cùng to lớn, những hi sinh mất mát, đổ vỡ nặng nề… cuối cùng xâm lược Trung Quốc và bọn tay sai Cộng Sản, (ngụy quân, ngụy quyền) bị đánh bại: Hải Đảo được giải phóng và chính quyền tay sai trên đất liền bị lật đổ. Mấy triệu người Việt Nam cùng với quan thầy của chúng là Trung Quốc xâm lược “tháo chạy tán loạn” (nhóm từ này mượn của Frank Snepp). Ông Lê Xuân Khoa gọi cuộc tháo chạy này là gì ? Là “Tị nạn Quốc gia” như ông đã nhận định về cuộc “Tị nạn Cộng sản” sau khi cuộc chiến tranh chống Pháp kết thúc – hay cuốn cờ theo giặc? Có thể Lê Xuân Khoa bảo rằng giả định trên của Chu Sơn là không thích hợp. Bây giờ ông không còn là người Việt Nam về mặt pháp lí, nên ông không đủ danh nghĩa để phất cao ngọn cờ. Vả lại cho dù ông có còn là người Việt Nam, ông cũng không chọn con đường đánh nhau với Trung Quốc để rồi “dù có chiến thắng, cũng phải trả cái giá quá đắt”, bởi trước sau gì “Trung Quốc cũng sẽ trả lại Hoàng Sa và các đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa cho Việt Nam thôi.”


Cuộc thảo luận về “Nguyên nhân gốc” của chiến tranh chống Pháp (1945 – 1954) có thể tạm thời kết thúc ở đây.


II/ Có tránh được cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất không ?

Mở đầu chương 5 (phần II Bài Học Chín Năm) Lê Xuân Khoa viết:
Cuộc chiến 1945 – 1954 đã làm thương vong cho 172.708 người về phía Pháp. Trong đó có 31.716 binh sĩ thuộc ba nước Đông Dương. Số thương vong về phía quân đội Cộng Sản không được biết rõ, nhưng được phỏng định ít nhất là một triệu. Số dân thiệt mạng trong cuộc chiến vào khoảng 250.000 người. Phí tổn về phía Pháp tính đến 1950 chiếm từ 40% đến 45% ngân sách quốc phòng và trên 10% ngân sách quốc gia.
Trong những năm cuối cùng viện trợ Mỹ gánh chịu đến 75% chi phí. Về phía Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phí tổn không rõ là bao nhiêu, nhưng sự thiệt hại về tài sản của nhân dân và về những nguồn lợi kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh và cả những năm sau chiến tranh cộng với sự thiệt hại về nhân mạng đã cho thấy cái giá của chiến tranh là quá đắt. Cái giá ấy sẽ không đắt nếu chiến tranh là con đường duy nhất để dẫn đến độc lập, tự do, và hạnh phúc thực sự cho dân tộc. Nhưng cái giá ấy là quá đắt vì chỉ trong vòng mấy năm sau thế chiến thứ II các xứ thuộc địa, trừ một số nước ở Nam Phi đều được trả lại độc lập mà không cần phải có chiến tranh ” (LXK sđd tr 192-193).


Qua đoạn trích dẫn trên, Lê Xuân Khoa đưa ra hai giả định:
–- Một là “Cái giá chiến thắng” là không đắt “nếu chiến tranh là con đường duy nhất để dẫn đến độc lập, tự do và hạnh phúc thật sự cho dân tộc”.
–- Hai là “Cái giá chiến thắng” là “quá đắt vì chỉ trong vòng mấy năm sau thế chiến thứ II, các xứ thuộc địa trên thế giới trừ một số nước ở Nam Phi đều được trả độc lập mà không cần phải có chiến tranh ”.

Thật ra không có hai giả định về hai khả năng: Có chiến tranh hay không có chiến tranh, mà theo Lê Xuân Khoa chỉ có một khẳng định làm chức năng cáo buộc. Cáo buộc ai? Cáo buộc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã sai lầm làm nên cuộc chiến chống Pháp và phải chịu trách nhiệm về  “cái giá quá đắt” mà đất nước và dân tộc phải gánh chịu.
Nhóm từ “không cần phải có chiến tranh” có nghĩa đương nhiên là tránh được cuộc chiến tranh ấy. Đây là một mệnh đề khẳng định. Lê Xuân Khoa đã dùng mệnh đề khẳng định này để làm kết luận cho một giả thiết thiếu căn cứ và không có thực.


Lê Xuân Khoa đã đưa sự kiện: “Anh, Hà Lan và những đế quốc đã sớm từ bỏ các thuộc địa ở châu Á và ngay cả đế quốc thực dân ngoan cố nhất là Pháp cũng đã trả tự do cho hai xứ bảo hộ là Tunisie năm 1954, Ma rốc 1956 và các xứ thuộc địa ở Nam Phi năm 1958, Algérie năm 1962” làm bằng chứng để khẳng định rằng “Việt Nam nhất định sẽ được trả độc lập chỉ mấy năm sau thế chiến thứ II”.


Lối lập luận và nhận định có tính cách cáo buộc này không thỏa đáng về phương pháp lí luận sơ đẳng và đồng thời không phản ảnh đúng đắn hiện thực lịch sử.

Trường hợp Anh chẳng hạn: Anh từ bỏ Ấn Độ (1947) là sự thật. Nhưng Anh không từ bỏ Nam Phi là một sự thật khác. Hai sự thật này chứng tỏ Lê Xuân Khoa lí luận sai. Anh từ bỏ Ấn Độ không là tiền đề để Anh từ bỏ Nam Phi, càng không phải là một tất nhiên để Pháp “trả lại độc lập cho Đông Dương trong đó có Việt Nam chỉ mấy năm sau thế chiến thứ II” như LXK khẳng định.

Lại nữa, nếu Anh từ sau thế chiến thứ II kết thúc đã có ý định từ bỏ Ấn Độ thì căn cớ gì khi được Đồng Minh phân nhiệm đưa quân vào Đông Dương giải giới quân Nhật đầu hàng lại tiếp tay một cách tích cực cho hành động tội ác của đế quốc Pháp là tái chiếm Đông Dương? Khi viết đoạn văn này, Lê Xuân Khoa đã quên rằng chính ông đã viết một câu ngắn gọn ở trang 107:
Anh quốc không ưa (kế hoạch của Roosevelt về một tổ chức quốc tế bảo trợ cho các dân tộc Đông Dương môt thời gian nhất định trước khi họ có đầy đủ khả năng tự quản lí đất nước trong độc lập) vì sợ đế quốc của họ tan vỡ ”


Ở trang 81, Lê Xuân Khoa cũng đã viết:
Biết rằng Tổng Thống Hoa Kỳ F.D Roosevelt không muốn cho Pháp trở lại Đông Dương, de Gaudle đã vận động với Anh và được thủ tướng Churchill đồng ý giúp đỡ.”

Như thế, hành động tiếp tay cho Pháp tái chiếm Đông Dương là một cấu kết nhằm bảo lưu thuộc địa đã được Anh trù tính trước khi thế chiến thứ hai kết thúc. Và việc Anh trả lại độc lập cho Ấn Độ năm 1947 phải chăng sau khi đã rút được bài học kinh nghiệm bị sa lầy của đồng minh Pháp tại Đông Dương ? Còn một lí do nữa để Anh rút khỏi Ấn Độ là tùy thuộc vào phong trào bài Anh ở thuộc địa này cũng như cá tính của dân tộc Anh.

Từ bỏ Ấn Độ mà bám chặt Nam Phi phát xuất từ những tính toán thiệt – hơn, lợi – hại của một đế quốc thực dân chứ không hề là một hành động có sự thôi thúc nào khác.

Trở lại với Pháp là đối tượng chính của vấn đề đang bàn: Theo Lê Xuân Khoa trong đoạn trích dẫn trên: Sau thế chiến thứ II thế nào Pháp cũng theo gương Anh và Hà Lan…, trả lại độc lập cho Việt Nam thôi ”.


Nếu xác quyết của Lê Xuân Khoa là sự thật thì hà cớ gì Pháp phải hùng hổ đưa hàng trăm ngàn quân, tiêu tốn từ 40 % đến 45 % ngân sách quốc phòng, đến 10 % ngân sách quốc gia (trước 1950), nợ nần Mỹ đến 75 % chi phí chiến tranh cho 5 năm còn lại (từ 1950 đến tháng 7 – 1954), để rồi phải đầu hàng nhục nhã ở Điện Biên Phủ sau khi bị loại khỏi chiến trường đến 172.708 binh sĩ (bị thương vong) và đặc biệt trở thành đối tượng cho Lê Xuân Khoa phê bình là sai lầm, lạc hậu, tham lam, ngoan cố, lỗi thời, không thật thà…(LXK sđd: Bài Học Chín Năm…tr 193 – 196).


Giả định rằng: “Chỉ mấy năm sau thế chiến thứ II kết thúc thế nào Pháp cũng trả lại độc lập cho Việt Nam thôi” như Lê Xuân Khoa đã xác quyết – thì Lê Xuân Khoa có cơ hội nào để phê phán Pháp bằng những thuộc từ nặng nề như trên.

Và đây là câu hỏi quyết định: Có một lí do nào chính đáng để Pháp không trả độc lập cho Việt Nam vào thời điểm mấy năm sau thế chiến thứ II kết thúc? Tại Việt Minh hiếu chiến ư? Việt Minh là Cộng Sản ư? Hay là Hồ Chí Minh cầu viện Trung Quốc?


Cả ba lí do vừa nêu không có lí do nào là sự thật cả.

Chính Lê Xuân Khoa trong toàn bộ tác phẩm của mình, không có dòng nào chứng tỏ Hồ Chí Minh hiếu chiến cả, mà trái lại, theo Lê Xuân Khoa, Hồ Chí Minh là người thực tế, mềm mỏng, uyển chuyển và đã nỗ lực hết sức để mưu cầu giải quyết quyền lợi của hai nước, hai dân tộc Việt – Pháp trong hòa bình. (LXK sđd, Bài Học Chín Năm tr 211-234).

Lê Xuân Khoa cũng cáo buộc rằng là Pháp quay trở lại Đông Dương là để tái chiếm thuộc địa, và như thế chống Cộng chỉ là chiêu bài.

Còn việc Hồ Chí Minh cầu viện Trung Quốc chỉ bắt đầu từ năm 1950 gần 5 năm sau nổ ra chiến tranh Việt Pháp. Một câu hỏi nên đặt ra ở đây là: Liệu Pháp với sự hậu thuẫn cấu kết của đồng minh (Anh, Mỹ, Trung Hoa Dân Quốc) không quay trở lại thống trị Đông Dương thì Hồ Chí Minh có cầu viện Trung Quốc (để đánh Pháp) không ? Chắc chắn là không rồi.


Việc Pháp từ bỏ các thuộc địa châu Phi, theo những thông tin của Lê Xuân Khoa, chỉ diễn ra sau khi quân Pháp đã thất thủ ở Điện Biên Phủ. Điều này không bảo chứng cho một hành động tương tự của thực dân Pháp chỉ mấy năm sau thế chiến thứ II kết thúc, mà trái lại do kinh nghiệm tệ hại từ Đông Dương mà sau Genève Pháp đã bất đắc dĩ từ bỏ các thuộc địa ở châu Phi. Cuộc rút lui hậm hực này không có sự đồng thuận giữa chính quốc và thực dân thuộc địa, đã suýt gây nội chiến.

Mỹ là cường quốc giàu mạnh hàng đầu sau thế chiến thứ II có tác động quyết định đến mưu đồ tái chiếm Đông Dương của Pháp. Trong trường hợp Pháp có ý định từ bỏ Đông Dương “chỉ mấy năm sau thế chiến thứ II”, như Lê Xuân Khoa đã khẳng định, tất nhiên Mỹ không thể không biết. Đã biết tại sao Mỹ không có kế hoạch cụ thể thay thế Pháp trong vai trò ngăn chặn chủ nghĩa Cộng Sản ở Viễn đông như sách lược của Truman, mà đợi đến khi Pháp bị sa lầy, dẫn đến bại trận ở Điện Biên Phủ, Mỹ mới áp lực để Pháp chuyển giao quyền lực nhằm thực hiện cuộc thánh chiến với sách lược phòng thủ từ xa và học thuyết Đô mi nô?


Qua bốn câu mười dòng trích ở trên, Lê Xuân Khoa đã không đưa ra những lý giải thuyết phục và những bằng chứng lịch sử cụ thể để chứng minh cho những kết luận nhằm cáo buộc Việt Minh (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) “đã sai lầm tiến hành cuộc chiến tranh chống Pháp lẽ ra có thể tránh được, và do vậy phải chịu trách nhiệm về cái giá quá đắt cho dù đã đánh thắng Pháp trên chiến trường”.


Điều kỳ lạ là sau khi viết bốn câu mười dòng như thế, Lê Xuân Khoa lại viết nhiều chục trang để cáo buộc “Pháp đã sai lầm gây ra cuộc chiến tranh”, đồng thời biện hộ cho Hồ Chí Minh về những nỗ lực tối đa để mưu cầu giải quyết cuộc xung đột Pháp – Việt bằng giải pháp hòa bình, bảo đảm các quyền lợi chính đáng và lâu dài của hai đất nước và thiết lập mối quan hệ thân thiện giữa hai dân tộc.


Về những sai lầm, tội lỗi của Pháp, Lê Xuân Khoa viết:

1/ “Chỉ có Pháp là đế quốc duy nhất vẫn tiếp tục mưu toan duy trì quyền lực ở Đông Dương, làm hại chính nghĩa Quốc Gia ở Việt Nam và phải chuốc lấy thảm bại ở Điện Biên Phủ” (LXK sđd trang 78)
2/ “Cho đến ngày de Gaulle từ chức vào tháng giêng năm 1946, ông vẫn không thay đổi đầu óc thực dân lỗi thời đối với Việt Nam. Ông không chấp nhận điều đình với Việt Minh cho đến khi người Pháp phục hồi uy quyền ở Việt Nam” (LXK sđd tr 81).
3/ “Sau de Gaulle phải nói đến Thierry d’Argenlieu, người thay thế Decoux ở Đông Dương… D’Argenlieu vẫn tin tưởng có thể bắt ép Việt Nam bằng sức mạnh quân sự. Ông nhắc nhở Sainteny tuyệt đối không dùng từ ngữ “độc lập” khi điều đình với Hồ Chí Minh, và ngay cả sau khi hiệp định Sơ Bộ 6 tháng Ba chỉ cho Việt Nam qui chế một nước Việt Nam “tự do”, d’Argenlieu vẫn không muốn thi hành hiệp định này” (LXK sđd tr 83).
4/ “Pháp đã sai lầm gây nên chiến tranh và đã bỏ lỡ những cơ hội hòa bình” (LXK sđd tr87).
Chính sách tham lam và thiếu thành thật của giới lãnh đạo Pháp không phải chỉ áp dụng đối với Việt Minh mà đối với Bảo Đại và các đảng phái Quốc Gia. Tệ hơn nữa chính phủ Pháp đã lừa dối cả những đồng minh thân cận nhất của họ như chính phủ Nam Kỳ tự trị đến nỗi thủ tướng Nguyễn Văn Thinh phải tự tử…” (sđd tr 91, 92)

5/ “Mặc dầu đã thất bại về quân sự, chính phủ Pháp lúc đó vẫn còn mù quáng với tham vọng đế quốc của mình” (LXK sđd tr102).

6/ “Sai lầm của Pháp là đầu óc thực dân lỗi thời của những nhà lãnh đạo chính trị và quân sự trước xu thế chung của toàn cầu” (LXK sđd tr194).

7/ “Đầu óc thực dân ngoan cố và thiển cận không những chỉ thấy ở những chính trị gia bảo thủ… ngay cả những lãnh tụ tả phái như Marius Moutet hay Maurice Thorez cũng vẫn đặt quyền lợi của quốc gia lên trên những lý tưởng xã hội hay cộng sản” (LXK sđd tr194).
8/ “Vì chủ quan khinh địch nên Pháp đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trước và sau khi chiến tranh bùng nổ, để có sự ký kết với Hồ Chí Minh hoặc thi hành những hiệp ước đã ký, theo đó Pháp vẫn được hưởng nhiều quyền lợi, chẳng hạn như Hiệp định Sơ Bộ 6-3-1946, tạm ước Hồ – Moutet 14-9-1946” (LXK sđd tr 195)

9/ “Lỗi lầm quan trọng nhất của Pháp là thái độ đối với những người Việt Nam chân chính yêu nước, không theo Pháp, đã chống Pháp nhưng sẵn sàng liên kết với Pháp trong mục tiêu chống Cộng sản và có thể trở thành một đồng minh lâu dài của Pháp nếu Việt Nam được trả độc lập thực sự”…
Người Pháp đã không thành thực với cả những người Việt Nam Quốc Gia, ngay cả những người có khuynh hướng thân Pháp, vì mục đích chính là bảo vệ quyền lợi của Pháp tại Đông Dương” (LXK sđd tr 195).

Xin tạm dừng trích dẫn dài dòng nhưng chưa phải là tất cả những gì Lê Xuân Khoa phê phán, cáo buộc Pháp đã gây ra cuộc chiến mà ông gọi là chiến tranh Việt – Pháp hay chiến tranh chống Pháp.


Ngoài bốn câu mười dòng đã trích dẫn và bình luận như trên, trong bốn muơi trang tôi vừa đề cập và cả trong những trang khác có liên quan đến việc đang bàn (trang 193 – trang 208), Lê Xuân Khoa đã cho độc giả thấy Việt Minh và Hồ Chí Minh chẳng có con đường nào khác là chiến tranh cả.

Đầu hàng hay chiến đấu để bảo vệ độc lập chủ quyền cho Việt Nam? Theo Lê Xuân Khoa, Việt Minh, Hồ Chí Minh đã không đầu hàng, đã bất đắc dĩ chấp nhận “cuộc chiến tranh do Pháp đã sai lầm gây nên”.
Qua ngòi bút của Lê Xuân Khoa, Hồ Chí Minh được mô tả là một con người thực tế, uyển chuyển, chịu đựng trong đường lối, sách lược cũng như trong tất cả những biện pháp, hành động điều đình với Pháp nhằm giải quyết vấn đề Đông Dương – Việt Nam trong hòa bình.

Cũng theo Lê Xuân Khoa các đòi hỏi và thái độ của Việt Minh không cao giá, không cứng rắn quyết liệt như các đòi hỏi và thái độ của người Quốc Gia trong các cuộc điều đình với Pháp, Hồ Chí Minh thường bị các phần tử Quốc Gia cáo buộc nhu nhược, đầu hàng, bán nước… qua hiệp ước Sơ Bộ 6-3 và Tạm ước 14-9-1946.


Lê Xuân Khoa viết:
Ngay cả sau khi cuộc chiến toàn quốc mới bùng nổ, và liên tiếp ba tháng sau đó, Hồ Chí Minh đã tám lần gởi thư cho chính phủ, quốc hội và Tổng Thống Pháp yêu cầu lập lại ngay nền hòa bình để tránh cho hai nước chúng ta khỏi hao người tốn của và để xây dựng sự cộng tác và tinh thần thân thiện giữa hai dân tộc”. (LXK sđd tr 193).

Trong Bài Học Chín Năm (chương 5) phần dành riêng cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Lê Xuân Khoa không có một lời phàn nàn nào về lập trường và thái độ của Hồ Chí Minh và Việt Minh với Pháp. Ông chỉ một mặt phê phán nghiêm khắc đường lối của Việt Minh khi cầu viện Trung Quốc và Liên Xô (để đánh Pháp – Chu Sơn) từ năm 1950. Mặt khác ông lại làm luật sư biện hộ cho đường lối này.


Lê Xuân Khoa viết:
Dù sao chăng nữa trong tình thế khó khăn của Việt Nam năm 1950, giả thử Hồ Chí Minh vẫn còn giữ mối lo ngại ngàn đời của dân tộc đối với đường lối bá quyền của Trung Quốc, ông cũng chẳng có một cách chọn lựa nào khác nếu muốn tiếp tục cuộc chiến chống Pháp” (LXK sđd tr 212).

Viết câu này chẳng phải Lê Xuân Khoa đã nói giùm cho Hồ Chí Minh – Việt Minh rằng chẳng có con đường nào khác ngoài chiến tranh đó sao?

Phải chăng cùng một lúc có hai tác giả cùng tên Lê Xuân Khoa có lập trường mâu thuẫn trong cùng một vấn đề và cùng được trình bày trong cùng một chương, một phần của một công trình nghiên cứu.


– Một Lê Xuân Khoa viết bốn câu mười dòng ở trang 192, 193, để quy kết nặng nề:
Hồ Chí Minh đã sai lầm trong việc chọn con đường chiến tranh trong tình thế chiến tranh không phải là con đường duy nhất để rồi dù có chiến thắng… dân tộc Việt Nam phải trả một giá quá đắt…”

– Và một Lê Xuân Khoa thứ hai đã viết bốn mươi trang ở chương 2 và 5 để quy kết Pháp đã sai lầm, ngoan cố gây nên cuộc chiến, và đồng thời biện hộ cho Hồ Chí Minh là chẳng có con đường nào khác…

Phải chăng có một Lê Xuân Khoa Quốc Gia chống Cộng bằng mọi giá, mọi cách, bất chấp phương pháp suy luận sơ đẳng và những sự thật lịch sử phổ biến.
Và một Lê Xuân Khoa đứng giữa, tuy đã nhận biết sai lầm của Pháp nhưng bản thân ông đã không có một chọn lựa, dấn thân thích đáng trước tình cảnh đất nước bị xâm lược?


Là một người Mỹ gốc Việt, tuổi tác đã bước vào buổi xế chiều, chắc là Lê Xuân Khoa cảm thấy vương vấn tình tự đất nước quê làng, cũng như những đồng bào cùng cảnh ngộ: sự xung đột, giằng xé Xâm Lược – Kháng Chiến, Quốc Gia – Cộng Sản âm ỉ nơi một Lê Xuân Khoa vẫn chưa có cơ may hòa giải.


Trách nhiệm này thuộc về ai?

– Về phía “Pháp đã sai lầm gây nên cuộc chiến”?
– Về phía Việt Minh Cộng Sản đã chọn ý thức hệ vô sản như là một giải pháp duy nhất để giải đáp hai câu hỏi lớn và cấp bách là độc lập cho đất nước và hạnh phúc cho nhân dân?
– Hay về phía cá nhân Lê Xuân Khoa đã không nhận biết thật chính xác và hành động thật sự đúng đắn trong vị trí và nghĩa vụ của một thất phu hữu trách khi “quốc gia lâm nguy”?

Có lẽ thuộc về tất cả, kẻ ít người nhiều, kẻ chính người phụ, kẻ trước mắt người lâu dài. Nhưng nguyên nhân gốc (từ của LXK) của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất vẫn thuộc về xâm lược Pháp.


Tuy nhiên, hơn bất cứ ai, một thất phu hữu trách, nên tự kiểm điểm rằng mình đã đứng ở đâu, đã làm gì trước tình hình quốc gia lâm nguy?, đặc biệt y (kẻ thất phu hữu trách), muốn chứng tỏ rằng là người tiếp cận với chữ nghĩa thánh hiền? Trong trường hợp y (kẻ thất phu) đứng ngoài hay đứng cùng phe với thực dân xâm lược – kẻ mà theo Lê Xuân Khoa, đã ngoan cố, lỡ lầm gây ra cuộc chiến – thì cái giá của cuộc chiến tranh quá đắt còn gì để bàn thảo nữa?

 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét