ĐỌC SÁCH “VIỆT NAM
1945-1995” [2/5]
của Lê Xuân Khoa
của Lê Xuân Khoa
Mấy vấn đề
cần trao đổi
(Phần 2/5)
Chu Sơn
III/ Cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất (1945- 1954) đã kết thúc như thế nào
Như ở trên tôi đã nhận xét: mặc dù đặt tên cho phần II của cuốn sách là Chiến Tranh chống Pháp và Tị Nạn 1954, và đặt tên cho chương 4 (chương đầu của phần II) là Hội nghị Genève và Hai Nước Việt Nam, nhưng Lê Xuân Khoa đã không nghiên cứu đầy đủ về cuộc chiến và hội nghị Genève, ông chỉ khai thác một cách tùy tiện một số sự kiện có liên quan đến Hội nghị để thu hút độc giả vào những mục tiêu ông muốn nhắm.
Mục tiêu Lê Xuân Khoa muốn nhắm là
gì?
Chưa cần tiếp cận nội dung, độc giả
dễ dàng nhận biết ý đồ của Lê Xuân Khoa khi nhìn qua tiêu đề phần II và chương
4 :
– Chiến Tranh chống Pháp và Tị Nạn
1954.
– Hội nghị Genève và Hai Nước Việt
Nam.
Tị nạn và chia cắt là hai cái đích
mà Lê Xuân Khoa muốn nhắm:
Tị nạn là tị nạn Cộng Sản. Chia cắt
là tội của Cộng Sản. Bởi Cộng Sản là “nguyên nhân gốc” hàng đầu, và cũng là “nguyên
nhân gốc” cuối cùng.
Mở đầu chương II Lê Xuân Khoa viết:
“Cuộc chiến tranh Việt – Pháp,
sau gần chín năm tàn phá điêu linh với khoảng một triệu người chết và bị thương
đã được các cường quốc kết thúc ở Hội nghị Genève ngày 20 tháng 7 năm 1954
bằng việc chia cắt Việt Nam làm đôi với hai chính thể hoàn toàn đối lập ở hai
miền Nam – Bắc. Thật ra Hiệp định Genève chỉ thỏa mãn được yêu cầu cấp thiết
của Pháp là vấn đề ngưng bắn trong khi không có khả năng đảm bảo một nền hòa
bình lâu dài, vì Quốc Gia Việt Nam (được đổi tên là Việt Nam Cộng Hòa kể từ
ngày 23 tháng 10 năm 1955) không chịu công nhận hội nghị này.”
(LXK sđd tr 163).
“Nhưng như đã thấy kết quả Hội
Nghị Genève chỉ là những thỏa hiệp về ngưng bắn ở ba nước Đông Dương đúng với
sự mong muốn của Pháp”. (LXK sđd tr 190).
Hai đoạn trích dẫn trên: đoạn thứ
nhất mở đầu phần nhập đề, đoạn thứ hai lấy từ phần kết luận của cùng chương 4
Lê Xuân Khoa viết về Hiệp định Genève. Mà Hiệp định Genève, theo Lê Xuân Khoa,
“chỉ là những thỏa hiệp ngưng bắn ở ba nước Đông Dương đúng với sự mong
muốn của Pháp.”
Khi một cuộc chiến tranh xâm lược
và chống xâm lược mà qua đàm phán đã kết thúc theo sự mong muốn của nước đi xâm
lược (trong trường hợp này là Pháp), như Lê Xuân Khoa đã nhận định, thì tất
nhiên nước đi xâm lược đã đạt được những mục đích cơ bản đề ra lúc ban đầu. Và
nước bị xâm lược (trong trường hợp này là Việt Nam) chẳng gặt hái được gì ngoài
chết chóc thương tật, đất nước bị tàn phá, chia cắt, dân tộc bị chia lìa, quốc
gia bị nợ nần lệ thuộc.
Do tác giả Lê Xuân Khoa nhận định
như vậy nên tôi đề nghị ông cùng độc giả quay trở lại những gì ông đã viết về
tình cảnh của Việt Nam vào thời điểm 1945, mục tiêu của hai bên Pháp – Việt
trước khi nổ ra chiến tranh, và những nét chính diễn biến cuộc chiến tranh cho
đến khi kết thúc hội nghị Genève.
Ở chương II (Những Yếu Tố Bên
Ngoài), các trang 75, 77, 78, 79 và nhiều nơi khác trong Việt Nam 1945-1995 tập I, Lê Xuân Khoa cho độc giả thấy
rằng vào thời điểm 1945, đối với Pháp thì Đông Dương thuộc Pháp (Indochine
française) là một liên bang gồm 5 xứ: Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Lào và Cam Bốt.
Cái Đông Dương thuộc Pháp này, theo
tôi (Chu Sơn) : thực dân Pháp đã bắt đầu xâm lược từ 1858, thiết lập sự đô
hộ toàn phần từ 1884 (Hòa ước Patenôtre), bị Nhật chia quyền cai trị năm 1941 và
đảo chánh tháng 3-1945, Nhật đầu hàng ngày 14 tháng 8-1945. Chiến tranh thế
giới II kết thúc, quân Pháp hăm hở tái chiếm Đông Dương nhằm đặt nó trở lại
trong khối Liên Hiệp Pháp. Cuộc tái chiếm Đông Dương của Pháp được hai nước Anh
và Trung Hoa (hai nước được Đồng minh giao trách nhiệm giải giới quân Nhật đầu
hàng ở hai đầu vĩ tuyến 16) tiếp tay tạo điều kiện, đặc biệt được Hoa Kỳ đồng
thuận (giai đoạn 1945- 1950), và chung lưng gánh vác (1950-1954, Mỹ chịu
75 % kinh phí, cung cấp vũ khí, hỗ trợ ngoại giao và đe dọa trực tiếp tham
chiến).
Trong khi đó Việt Minh – Cộng Sản
đã chuẩn bị từ trước, lợi dụng khoảng trống quyền lực (Nhật đầu hàng – quân
Đồng Minh chưa vào) làm Cách mạng tháng Tám, hình thành nhà nước Việt Nam Dân
Chủ Cộng Hòa, tuyên bố độc lập, kêu gọi Mỹ và thế giới ủng hộ, khẩn khoản đề
nghị Pháp thương lượng hòa bình hai bên cùng có lợi (Việt Nam độc lập trong
khối Liên hiệp Pháp, các quyền lợi kinh tế, văn hóa của Pháp được tôn trọng,
bảo đảm…). Nỗ lực tối đa của Việt Minh – Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đặc biệt là
Hồ Chí Minh, bị thất bại. Bởi Pháp đã muốn quay trở lại Đông Dương bằng bạo lực
quân sự.
Cuộc chiến tranh Việt – Pháp nổ ra
tại Nam Bộ ngày 23 tháng 9, ở Bắc Bộ ngày 20 tháng 12-1946. Việt Minh – Cộng
Sản đã không bị tiêu diệt trong một thời gian ngắn như tính toán của các tướng
lãnh Pháp, mà vẫn tồn tại và lớn mạnh. Pháp nhận ra mình đã bị sa lầy nên mưu
đồ giải pháp Bảo Đại để thành đạt mục tiêu bằng hai giải pháp kết hợp: quân sự
và chính trị, trong bối cảnh thế giới bắt đầu thời kỳ chiến tranh lạnh giữa hai
phe Tư Bản – Cộng Sản. Bên cạnh Pháp còn có Mỹ, Anh, Trung Hoa Quốc Gia và
nhiều quốc gia khác cùng quỹ đạo.
Từ 1945 đến cuối năm 1949 Việt Minh
(VNDCCH) đánh Pháp một mình. Từ năm 1950 sau lưng Việt Minh (VNDCCH) có Trung
Quốc, Liên Xô và các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa.
Chiến tranh phát triển đến đỉnh
điểm là cuộc đụng đầu quyết định tại Điện Biên Phủ. Tứ cường Anh, Nga, Pháp, Mỹ
quyết định tổ chức hội nghị Genève để đình chỉ chiến sự hầu tránh cuộc chiến
tranh mở rộng trên bình diện thế giới. Trận Điện Biên Phủ kết thúc. Pháp đại
bại. Việt Minh đại thắng.
Hội nghị Genève họp ngày 8-5, kết
thúc ngày 20-7-1954 trên danh nghĩa gồm 9 nước tham dự: Anh, Nga (đồng chủ
tịch), Pháp, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (hai nước trực tiếp tham chiến), Mỹ,
Trung Quốc và ba phái đoàn : Quốc Gia Việt Nam, Vương quốc Lào, Vương quốc
Cam Bốt, nhưng quyền lực nằm trong tay ngũ cường: Anh, Nga, Mỹ, Pháp, Trung
Quốc. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là nước trực tiếp tham chiến và đánh thắng Pháp
tại Điện Biên Phủ tiếng tăm vang dội, nhưng tiếng nói tại bàn hội nghị không
tương xứng với tiếng súng trên chiến trường. Ba phái đoàn trong khối Liên hiệp
Pháp (Quốc Gia Việt Nam, Vương quốc Lào, Vương quốc Cam Bốt) không được phát
biểu chính thức, tiếng nói của họ không được lắng nghe.
Thực tế hội nghị Genève diễn ra bởi
hai bên.
– Bên này gồm Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa, Liên Xô và Trung Quốc.
– Bên kia gồm Pháp, Anh và Mỹ.
Do Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và
Pháp trực tiếp đánh nhau nên sau diễn văn khai mạc của hai trưởng đoàn đồng chủ
tịch Hội nghị: Anh, Liên Xô (Eden và Molotov), Phạm Văn Đồng và Georges Bidault
kẻ trước người sau trình bày lập trường đàm phán và các điều kiện của mình.
Lập trường và điều kiện của hai bên
xa cách nhau rất lớn, nhưng cuối cùng Hội nghị đã được dàn xếp sau hơn hai
tháng đấu tranh căng thẳng và gay cấn. Hội nghị diễn ra giữa chừng, Pháp thay
đổi chính phủ và trưởng đoàn đàm phán. Pierre Mendès France thay Joseph Laniel
làm thủ tướng kiêm ngoại trưởng, thay Georges Bidault làm trưởng đoàn đàm phán
với tuyên bố sẽ kết thúc Hội nghị trong 30 ngày, điều chỉnh lập trường từ không
điều đình với Việt Minh đến chấp nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa làm đối tác đàm
phán với những điều kiện gần với tuyên bố chung của Mỹ – Anh làm tại Hoa Thịnh
Đốn bởi Eisenhower và Churchill (ngày 29-6-1954). Tuyên bố chung Mỹ – Anh rất
gần với kết quả hội nghị Genève.
Lê Xuân Khoa mô tả thủ đoạn của Pháp
tại hội nghị Genève như sau:
“Trước tình hình nguy ngập về
quân sự tại Điện Biên Phủ, các nhà lãnh đạo Pháp đều chỉ mong muốn đạt được một
thỏa hiệp đình chiến với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong khi vẫn tiếp tục duy
trì Quốc Gia Việt Nam trong khối Liên Hiệp Pháp. Để đạt được mục đích ấy, ngoại
trưởng Georges Bidault và thủ tướng Joseph Laniel đều không bỏ lỡ một cơ hội nào
có thể hù dọa đối phương về khả năng Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự vào Việt Nam
nếu hội nghị Genève thất bại. Ngay cả khi chính phủ Laniel sụp đổ vì không
thuyết phục được chính quyền Eisenhower công bố ý định tham gia cuộc chiến ở
Đông Dương, thủ tướng Mendès France vẫn không quên nhắc nhở Liên Xô và Trung
Quốc về hiểm họa quốc tế hóa chiến tranh Đông Dương với sự tham gia không thể
tránh được của Hoa Kỳ” (LXK sđd tr 164).
Để phối hợp với thủ đoạn đàm phán
của Pháp, Hoa Kỳ chỉ cử thứ trưởng ngoại giao Walter Bedell Smith làm trưởng
đoàn tham gia hội nghị, sau đó lại thay Walter B. Smith bằng Alexis Johnson,
một nhân vật thấp hơn để chứng tỏ thái độ lấp lửng tiêu cực của mình đối với
Hội nghị. Bom nguyên tử và kế hoạch hành quân Vautour (Kền kền) cũng được Hoa
Kỳ sử dụng làm áp lực trong suốt thời gian trước và sau khi hội nghị khai diễn.
Trong khi đó Liên Xô và Trung Quốc
có những vấn đề quốc nội vô cùng nghiêm trọng cần giải quyết và những tham vọng
mới trong công cuộc bang giao quốc tế cần thực hiện, nên chuyển đổi sách lược
từ đối đầu sang chung sống hòa bình với phương Tây (phe Tư Bản) hầu tránh xung
đột trực tiếp với Mỹ.
Ngoài ra Pháp đã tận dụng vị trí,
vai trò của mình tại châu Âu, trong Cộng đồng phòng thủ châu Âu (thuộc khối
NATO) mà Mỹ đang ráo riết vận động thành lập, và là một trong năm thành viên
của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, cùng những quyền lợi bảo lưu tại châu Á để
điều đình với Liên Xô, Trung Quốc trong quá trình diễn ra Hội nghị Genève. Như
thế ngoài các hội đàm tay ba Liên Xô – Trung Quốc – Việt Nam và Mỹ – Anh – Pháp
trước khi hội nghị Genève khai mạc, bên ngoài hội trường Genève, còn có những
đàm phán, mặc cả, thuyết phục (Lê Xuân Khoa gọi là đi đêm) tay đôi giữa Pháp –
Mỹ, Anh – Mỹ, Pháp – Anh, Pháp – Liên xô, Pháp – Trung Quốc, Việt Nam – Liên
Xô, Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Pháp để điều chỉnh lập trường và cắt giảm
các điều kiện nhằm kết thúc Hội nghị theo “sự mong muốn của Pháp và sự nhục
nhã thua thiệt của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do bị Liên Xô, Trung Quốc áp đặt
và phản bội” (LXK sđd các tr:165, 166, 167, 168…).
Lê Xuân Khoa đặc biệt ngưỡng mộ tài
năng đàm phán và thuyết phục của Mendès France. Ông dành nhiều trang trong
chương 4 (Hội nghị Genève và Hai Nước Việt Nam) để mô tả các thủ pháp mà
Mendès France đã sử dụng trong quá trình đàm phán. Lê Xuân Khoa so sánh các
điều kiện Mendès France và Phạm Văn Đồng đưa ra để kết luận Mendès France đã
thắng và Phạm Văn Đồng đã “cúi đầu cam chịu” (từ của Lê Xuân Khoa) ký
kết một hiệp định trong thua thiệt và nhục nhã.
Lê Xuân Khoa cố tình làm cho người
đọc sách của ông quên rằng: Phạm Văn Đồng không chỉ thương lượng với những điều
kiện do Mendès France đưa ra, mà trước đó, Phạm Văn Đồng còn đã đấu tranh với
lập trường và những điều kiện cứng rắn của Pháp do Georges Bidault tuyên bố
trong phiên họp mở màn hội nghị, qua đó Pháp không chịu thương lượng trực tiếp
với Việt Minh – mà chỉ thương lượng với Trung Quốc về một nước Việt Nam trung
lập, chia hai với chính phủ Quốc Gia do Bảo Đại cầm đầu trực thuộc chính quyền
Liên Hiệp Pháp ở phía Nam và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do Hồ Chí Minh cầm đầu ở
phía Bắc, và đặc biệt, sau lưng Pháp còn có đế quốc Mỹ, một siêu cường hàng đầu
thế giới không bị sứt mẻ gì sau hai cuộc đại chiến, đang hăm hở nhảy vào Đông
Dương.
Để mô tả diễn biến của hội nghị
Genève theo chủ đích của mình, Lê Xuân Khoa đã đặc biệt nhấn mạnh đến quyền lực
và sự phản bội của Liên Xô và Trung Quốc đối với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa,
trong khi cố tình giảm nhẹ các áp lực của Mỹ đối với cả Pháp lẫn Liên Xô, Trung
Quốc và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa về một nguy cơ chiến tranh kéo dài, mở rộng
với kế hoạch hành quân Vautour, bom nguyên tử và những khả năng khác.
Theo tôi con át chủ bài thực sự tại
Hội nghị Genève là Hoa Kỳ, Mendès France chỉ căn cứ vào lập trường và những
điều kiện do Hoa Kỳ đưa ra (thể hiện qua thông cáo chung được ký bởi Eisenhower
và Churchill ngày 29 tháng 6 tại Hoa Thịnh Đốn) để điều đình với đối phương
nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thua thiệt sau chín năm tiến hành cuộc tái
chiếm chẳng những bất thành mà còn bị sa lầy và đại bại (tại Điện Biên Phủ),
chứ không hề có việc hội nghị đã diễn ra và kết thúc như mong muốn của Pháp,
như Lê Xuân Khoa nhận định.
Thông cáo chung Anh – Mỹ gồm 7
điều, Lê Xuân Khoa đã chép lại như sau :
1/ Bảo tồn sự toàn vẹn và độc lập
của Lào và Cam Bốt bằng việc bảo đảm sự rút quân của các lực lượng Việt Minh ra
khỏi hai nước này.
2/ Bảo tồn ít nhất phân nửa phía nam
của Việt Nam, nếu có thể được, một vùng đồng bằng (nhóm từ “một vùng đồng bằng”,
Lê Xuân Khoa cố tình rút gọn từ nguyên văn: “một cứ điểm trên vùng đồng bằng
Bắc bộ” – Chu Sơn), trong
khi lằn phân ranh không được vượt quá phía nam Đồng Hới (phía bắc vĩ tuyến 17).
3/ Không áp đặt lên Cam Bốt hay
Lào, hay ở phần lãnh thổ được bảo tồn của Việt Nam những điều kiện hạn chế khả
năng duy trì chế độ chính trị ổn định không cộng sản, nhất là quyền của họ đủ
lực lượng bảo vệ an ninh quốc nội, được nhập cảng vũ khí và có thể yêu cầu sự
giúp đỡ của các cố vấn nước ngoài.
4/ Không gồm có một điều khoản chính
trị nào có thể đưa đến việc mất cho Cộng sản những vùng đất bảo tồn.
5/ Không loại bỏ khả năng thực hiện
sau này việc thống nhất Việt Nam bằng những phương cách hòa bình.
6/ Cho phép những người muốn dời
chỗ ở từ một vùng này sang một vùng khác ở Việt Nam được di chuyển trong những
điều kiện hòa bình và nhân đạo.
7/ Dự liệu một hệ thống kiểm soát
quốc tế hữu hiệu.
Đọc kỹ thông báo chung Anh – Mỹ từ
cách sử dụng từ: “Bảo tồn” (ở điều 1, điều 2) “không áp đặt”, “không gồm có”,
“không loại bỏ”, “cho phép” (ở điều các 3, 4, 5, 6) ở đầu các câu, đến nội dung
của mỗi điều khoản, chúng ta thấy đây là thông điệp chỉ dẫn cho Mendès France
trong các cuộc đàm phán với đối phương. Chúng ta thấy dấu ấn thông điệp này
trong các văn kiện Hiệp định Genève đặc biệt Tuyên bố chung của 9 nước tham gia
hội nghị không có chữ ký, tuyên bố riêng của Mỹ ngày 21-07-1954 và hành động
của Mỹ về sau.
Chúng ta thấy việc chia cắt Việt
Nam làm hai nằm ở điều 2 của bản thông cáo Anh – Mỹ. Chúng ta thấy việc bảo tồn
các vùng đất còn lại (Lào – Cam Bốt, Nam Việt Nam) để không rơi vào tay Cộng
Sản nằm ở điều 1, điều 3. Chúng ta thấy việc Mỹ và Quốc Gia Việt Nam không ký
vào Tuyên bố cuối cùng của 9 nước kết thúc hội nghị Genève nằm ở điều 4 (không
có một điều khoản chính trị nào có thể đưa đến việc mất cho Cộng sản những vùng
đất được bảo tồn), để rồi Thông báo cuối cùng (của hội nghị) không có chữ
ký (của nước nào).
Như thế việc chia cắt Việt Nam làm
đôi không hề là tội lỗi riêng của Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa như Lê Xuân Khoa đã cố tình nhấn mạnh qua những bình luận trích dẫn nhằm
phục vụ cho chủ đích ban đầu của ông, mà là xu hướng chung của các cường quốc
(mà Mỹ là nước hùng mạnh hàng đầu) trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế
như đã xảy ra ở “hai nước Đức” và hai miền Nam – Bắc Triều Tiên.
Không hiểu tại sao viết về hội nghị
Genève mà không có một văn kiện chính thức nào như Hiệp định đình chỉ chiến sự
tại Việt Nam, Bản Tuyên bố cuối cùng không có chữ ký của 9 nước tham dự Hội
nghị cũng chẳng thấy Lê Xuân Khoa ghi chép lại nguyên văn làm bằng chứng cho
những nhận định của mình. Đọc kỹ các văn bản ấy tôi không thấy một từ, một câu
nào nói rằng Hội nghị Genève đã “chia cắt Việt Nam làm đôi” với hai chính thể
hoàn toàn đối lập ở hai miền Nam – Bắc như Lê Xuân Khoa đã khẳng định cả. Thậm
chí trong bản Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam, tất cả các câu có nhóm
từ “vĩ tuyến 17” đều đi liền với các thuộc từ “vĩ tuyến quân sự tạm thời”.
Trong Tuyên Bố Chung còn nói rõ hơn: “Trong tất cả mọi trường hợp vĩ
tuyến 17 không được xem là ranh giới chính trị hay lãnh thổ”. Vậy thì
vấn đề chia cắt Việt Nam làm đôi, vấn đề vĩ tuyến 17 là “ranh giới chính
trị, ranh giới lãnh thổ” nằm ở đâu trong thực tế Việt Nam và Đông Dương
trước và sau hội nghị Genève?
Chẳng hiểu vì vô tình hay cố ý Lê
Xuân Khoa đã không xâu chuỗi các động thái, các công đoạn của sách lược Hoa Kỳ
từ sau thế chiến II thành một hệ thống chiến lược của nước này đối với Việt
Nam, Đông Dương, Đông Nam Á và châu Á, để từ đó phanh phui ra ý đồ đích thực
của Mỹ tại hội nghị Genève. Theo tôi, tại hội nghị Genève Mỹ đã lựa chọn một
thái độ, một thủ đoạn ngoại giao mà Lê Xuân Khoa cho là sai lầm (LXK sđd tr
196- 208) để từ đó dành cho Hoa kỳ “những bài học” “có vẻ đúng” với một thái độ
“xem ra chân thành”. Thực tế là Lê Xuân Khoa đã không chịu tiếp cận chủ nghĩa
chống cộng thánh chiến và học thuyết Đô mi nô (phòng thủ từ xa – Chu Sơn) mà
Hoa Kỳ đã hình thành và vận dụng từ sau thế chiến II kết thúc. Từ việc Hoa Kỳ
giao quyền cho Anh và Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch đưa quân vào Đông Dương để
giải giới quân Nhật, ủng hộ Pháp tái chiếm thuộc địa, đến việc vận động các
quốc gia cùng quỹ đạo công nhận ngoại giao chính phủ Quốc Gia Bảo Đại, đến việc
thành lập các nhóm cố vấn và viện trợ quân sự (MAAG), để qua đó tiến hành các
chương trình, các kế hoạch viện trợ và cố vấn các vấn đề chiến lược bên cạnh bộ
chỉ huy tối cao của Pháp tại Đông Dương, thúc đẩy Pháp nhanh chóng “Việt Nam
hóa chiến tranh”, khuyến dụ chính phủ Quốc Gia, các phe nhóm chống Cộng bản địa
tích cực hơn, chủ động hơn trong việc tiếp nhận quyền lực từ ông chủ Pháp, đặc
biệt qua đó tuyển mộ nhân viên CIA và “tìm chọn ngựa” cho cuộc dấn thân chẳng
đặng đừng khi thời cơ đến. Thời cơ đó là Pháp đại bại ở Điện Biên Phủ và Hội
nghị Genève nhóm họp.
Tại hội nghị Genève, một mặt Hoa Kỳ
không muốn trực tiếp thương lượng hòa bình với hai nước Cộng sản đầu sỏ là Liên
Xô và Trung Quốc mà Hoa Kỳ cho là nguồn gốc của cái ác không cứu chữa được, và
một mặt, Hoa Kỳ không muốn bỏ mặc Pháp một mình đương đầu ngoại giao trong thế
yếu với đối phương để rồi do tình thế bức bách tại chiến trường mà nhượng bộ,
gây bất lợi tối đa cho Thế giới Tự do mà Hoa Kỳ nghiễm nhiên là quốc gia đứng
đầu (đế quốc Pháp đã lạc hậu, lỗi thời, bất lực). Do vậy mà Hoa Kỳ không từ bỏ
bất cứ một cơ hội nào để sắm sửa vai trò “thần chiến tranh” nhằm hù dọa đối
phương (bom nguyên tử, kế hoạch hành quân Vautour, cử trưởng đoàn tham gia Hội
nghị không cân xứng với các phái đoàn khác và dọa rút lui, phá bỏ hội nghị…).
Song song các thủ đoạn ngoại giao đó, Hoa Kỳ tích cực vận động để hình thành
Liên Minh phòng thủ Đông Nam Á (SEATO), đồng thời cùng với giáo hội La Mã, giáo
hội Pháp vận động chính phủ Pháp áp lực để Bảo Đại nhận Ngô Đình Diệm làm thủ
tướng chính phủ Quốc Gia thay Bửu Lộc.
Bảo Đại, nhân vật được thực dân
Pháp chuẩn bị để thực hiện các giải pháp trong thời bình (từ 1933 – 1945) cũng
như trong thời chiến (từ 1948 – 1954), trước sự chuyển giao quyền lực giữa hai
ông chủ, đã thực thà thốt lên :
“Chúng ta (Quốc Gia Việt Nam – Chu Sơn) không còn trông cậy vào Pháp được
nữa. Tại Genève người Mỹ là đồng minh duy nhất của chúng ta. Trước biến chuyển
của tình hình họ muốn thiết lập một hệ thống phòng thủ mới trong vùng Đông Nam
Á. Họ có thể giúp chúng ta tiếp tục chiến đấu với Cộng sản” (LXK sđd tr
187).
Như thế, tại hội nghị Genève, người
Quốc Gia không còn trông cậy vào Pháp được nữa, bởi vì Pháp bị bắt buộc rút lui
khỏi Đông Dương, từ bỏ mục tiêu mà họ muốn tái chiếm từ sau thế chiến II. Trước
tình thế đó, người Quốc Gia quay về phía Mỹ.
Bởi vì người Mỹ muốn “ bảo
tồn những vùng đất còn lại ” (Nam Việt Nam, Lào và Cam Bốt) và
biến chúng thành tiền đồn của thế giới Tự Do nhằm ngăn chận chủ nghĩa Cộng sản
tràn xuống Đông Nam Á.
Chính Lê Xuân Khoa đã viết mấy dòng
ở trang 197 như sau:
“Chỉ vì tin tưởng ở giải pháp
quân sự trong công cuộc ngăn chặn chủ nghĩa Cộng Sản ở Đông Dương, khi Điện
Biên Phủ bị lâm nguy, Hoa Kỳ cố gắng thành lập một liên minh quân sự để cứu
Pháp. Khi những nỗ lực này bị thất bại, Hoa Kỳ chuẩn bị thay thế cho vai trò
của Pháp bằng một kế hoạch hậu Genève: Xây
dựng một chế độ dân chủ ở miền Nam Việt Nam để đương đầu với chính thể Cộng Sản
ở miền Bắc ”.
Chỉ hơn một tháng rưỡi sau khi Hội
nghị Genève kết thúc, Liên Minh phòng thủ Đông Nam Á ra đời (8-9-1954), khóa
chặt vòng đai phong tỏa Trung Quốc và Bắc Việt từ Triều Tiên, Nhật Bản, Đài
Loan, Nam Dương, Phillipin, Mã Lai, Singapor, Nam Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Thái
Lan. Vĩ tuyến 17 trở thành ranh giới chính trị “ chia cắt Việt Nam làm
đôi với hai chính thể hoàn toàn đối lập ở hai miền Nam – Bắc ”, như Lê
Xuân Khoa nhận định là như thế.
Có điều “tại Genève người Mỹ đã
không chọn Bảo Đại làm đồng minh” như ông đã xác tín, bởi sau lưng ông vua
sành sỏi ăn chơi đàng điếm này chỉ là một nhóm nhỏ của một triều đình An Nam lệ
thuộc, phong kiến, mục nát, lỗi thời, một bon trộm cướp du thủ du thực Bình
Xuyên và một bộ phận các giáo phái đã từng cộng tác với Pháp và Nhật.
Trong thời gian diễn ra hội nghị
Genève, người Mỹ đã đưa một nhân vật khác thay Bảo Đại làm người đứng đầu chính
phủ Quốc Gia (sau này là Việt Nam Cộng Hòa) là Ngô Đình Diệm, bởi sau lưng ông
quan nhiều tham vọng đạo dòng này còn có hàng triệu tín đồ Công giáo được lãnh
đạo bởi giáo hội Thừa sai Pháp và giáo hội La Mã, những đại diện cho một Thượng
đế toàn năng và không sai lầm, đã khẳng định công cuộc chống Cộng là một tín
điều để cùng nhau tiến hành cuộc thánh chiến.
Như thế, cuộc chiến tranh Đông
Dương lần thứ nhất, sau trận Điện Biên Phủ, cả hai phe (Pháp – Việt, Tư bản –
Cộng sản) đều muốn dừng lại vì cùng e ngại tình thế sẽ trở nên nguy hiểm nếu
chiến tranh tiếp tục sẽ phát triển theo chiều hướng rộng lớn, nguy hiểm hơn
(thế giới đại chiến).
Phe Thế giới Tự do muốn “bảo
tồn ” những vùng đất có thể được (để tổ chức lại thế trận) hầu tránh một
thất bại sau cùng. Phe Cộng Sản đành chấp nhận những thắng lợi nửa chừng để
khỏi phải đụng đầu trực tiếp với Mỹ.
Do cả hai bên cùng muốn dừng lại
nên chiến sự tạm thời đình chỉ (qua các văn kiện Hiệp định ký kết giữa Pháp và
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa), hòa bình tạm thời được lập lại với một giải pháp
chính trị nửa vời, giá trị pháp lý không được bảo đảm thể hiện qua bản tuyên bố
chung của 9 nước tham gia hội nghị không có chữ ký. Theo đó, tôi xin tóm lược:
1/ Pháp cam kết tôn trọng độc lập
chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam – Lào – Cam Bốt. Pháp và
Viêt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thỏa thuận đình chiến.
2/ Vĩ tuyến 17 được chọn làm ranh
giới quân sự tạm thời và khu phi quân sự được thiết lập ở hai bên vĩ tuyến 17
(dòng sông Bến Hải) nhằm ngăn chận các cuộc xung đột có thể xảy ra trong quá
trình hai bên thi hành hiệp định đình chiến. Trong mọi trường hợp vĩ tuyến 17
không được xem là ranh giới chính trị, lãnh thổ.
3/ Quân đội hai bên tập kết về hai
vùng do hiệp định quy định: Quân đội và chính quyền khối Liên hiệp Pháp (gồm
quân Pháp và quân Quốc Gia Việt Nam) rút về miền nam Việt Nam, quân đội Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa rút về miền bắc Việt Nam trong vòng 300 ngày. Trong thời
gian ấy hai bên trao trả tù binh, chuyển giao các cơ sở hạ tầng. Hai bên không
được trả thù những người đã tham gia bên này bên kia trong thời gian xẩy ra
chiến tranh.
4/ Hai bên Việt Nam, Lào, Cam Bốt
cam kết không tham gia bất cứ một liên minh quân sự nào. Cấm không được đưa vào
hai miền Việt Nam, hai nước Lào và Cam Bốt các vũ khí và nhân viên quân sự.
5/ Nhân dân các nước được bảo đảm
các quyền tự do, tự do đi lại từ vùng này qua vùng khác, tự do chọn chỗ cư trú
lâu dài.
6/ Hai nước Lào, Cam Bốt tổ chức
tổng tuyển cử trong vòng một năm để bầu ra chính quyền mới đại diện cho các
khuynh hướng chính trị theo thể chế trung lập. Hai miền Việt Nam hiệp thương
một năm sau (1955) để cùng nhau tổ chức tổng tuyển cử bầu ra chính quyền thống
nhất vào hai năm sau (1956).
7/ Pháp sẽ triệt thoái hoàn toàn ra
khỏi các khu vực đóng quân và tạm thời quản lí hành chính thông qua thảo luận
(điều kiện và thời hạn) với các chính quyền sở tại (Quốc Gia Việt Nam và Vương
quốc Lào).
8/ Một ủy ban kiểm soát quốc tế
được thành lập có vai trò và nhiệm vụ giám sát quá trình thực thi Hiệp định
đình chiến và Tuyên bố cuối cùng.
Hội nghị Genève kết thúc với kết
quả như thế. Các nước, các lực lượng liên quan nhìn nhận và phản ứng thế nào?
– Đối
với Pháp: Mục tiêu tái chiếm Đông Dương là đưa năm xứ của thuộc địa này
trở về với sự thống trị của Pháp như trước khi bị Nhật chia quyền và đảo chính
(3-1945).
Nay cùng đối phương ký kết Hiệp
định đình chiến để rút quân, tạm thời bảo lưu quân đội tại miền Nam, tại hai
căn cứ trên lãnh thổ Lào và sẽ triệt thoái hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam và
Lào trong vòng hai năm với sự thương lượng cùng chính quyền sở tại (Quốc Gia
Việt Nam và Vương quốc Lào) để ấn định thời gian và các quyền lợi sau khi rút
quân.
Như thế sau hiệp định Genève Pháp
còn lại những gì tại Việt Nam và Đông Dương mà Lê Xuân Khoa hết lời ca ngợi tài
năng và bản lĩnh của Mendès France như thế?
Về vĩ tuyến 17 cho dù là “ranh
giới chính trị của hai nước Việt Nam” và là nhượng bộ bất đắc dĩ của
phái đoàn Phạm Văn Đồng do áp lực của Liên Xô và Trung Quốc, như Lê Xuân Khoa
đã nhận định và nhấn mạnh, thì cuối cùng cũng chỉ là những thắng lợi của Mỹ, kẻ
bảo trợ mới cho Quốc Gia Việt Nam, chứ có phải của Pháp nữa đâu ?
– Đối
với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa: Khi tiến hành cuộc chiến tranh chẳng
đặng đừng với mục tiêu là giành lại độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ
cho một nước Việt Nam thống nhất. Tuy đánh thắng Pháp tại Điện Biên Phủ nhưng
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không còn được Liên Xô và Trung Quốc viện trợ để tiếp
tục đẩy mạnh chiến tranh đến thắng lợi cuối cùng, đành phải chấp nhận đình
chiến với một nửa đất nước giành lại được. Còn một nửa đất nước (miền Nam), Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa phải đương đầu với Mỹ và Quốc Gia Việt Nam để thống nhất
đất nước trong hòa bình theo tinh thần của hiệp định Genève, hay tiến hành một
cuộc chiến tranh khác với Mỹ và Việt Nam Quốc Gia để thống nhất đất nước.
– Đối
với Mỹ : Năm 1945, Mỹ chấp thuận cho Anh và Trung Hoa của Tưởng
Giới Thạch đưa quân vào Đông Dương giải giới quân Nhật đầu hàng, ủng hộ Pháp
tái chiếm thuộc địa nhằm tiêu diệt Cộng sản Việt Nam và ngăn chận Cộng sản
Trung Quốc từ biên giới Việt – Trung. Đến thời điểm 1954, mục tiêu đó bất
thành, theo quan điểm của Mỹ: Pháp đã áp dụng một thứ chủ nghĩa thực dân hẹp
hòi, lỗi thời. Mỹ muốn thay thế Pháp “bảo tồn” những phần lãnh thổ còn lại gồm
Nam Việt Nam, Lào và Cam Bốt, biến nó thành tiền đồn của thế giới Tự do. Tuyên bố
riêng của Mỹ ngày 21-7 tại Genève nhằm khẳng định mình không bị ràng buộc bởi
hiệp định Genève, đồng thời ngăn đe phe Cộng Sản phá bỏ hiệp định Genève, “đe dọa
hòa bình và an ninh thế giới”. Diễn đạt một cách cụ thể là: Không để Cộng Sản
miền Bắc (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) thống nhất đất nước bằng phương thức tổng
tuyển cử theo quy định bởi Tuyên bố chung của 9 nước tham gia Hội nghị không có
chữ ký. Tổng thống và ngoại trưởng Mỹ bấy giờ là Eisenhower và John Foster
Dulles nhận định rằng nếu tổng tuyển cử Hồ Chí Minh sẽ thắng với tỷ lệ
80 %. Trong trường hợp Cộng Sản miền Bắc tiến hành thống nhất bằng bạo lực
quân sự, Mỹ sẽ trừng trị bằng bạo lực quân sự. Để thực hiện chủ trương của
mình, Mỹ tích cực hỗ trợ mọi mặt cho Ngô Đình Diệm xây dựng ở miền Nam một chế
độ Cộng Hòa Thiên Chúa giáo như Mỹ đã làm tại Phillipin, một mặt Mỹ tổ chức
Liên Minh phòng thủ Đông Nam Á để bảo vệ miền Nam Việt Nam, Cam Bốt và Lào,
khóa chặt vòng vây bao quanh Trung Quốc và Bắc Việt từ Đông bắc Á xuống Đông
nam Á, và vĩ tuyến 17 trở thành ranh giới lãnh thổ của Mỹ ở Viễn Đông.
–- Đối với Quốc Gia Việt Nam và
Việt Nam Cộng Hòa: Cả hai đều chống lại Hội nghị Genève và Hiệp định
Genève, chống lại “sự cấu kết giữa thực dân Pháp và Cộng Sản Bắc Việt tay sai
Nga – Hoa chia đôi đất nước”, chống lại sự thống nhất đất nước theo phương
thức hội nghị Genève qui định qua Tuyên bố chung. Quốc Gia Việt Nam ra tuyên bố
riêng để bày tỏ quan điểm lập trường. Nói như thế nhưng làm thì:
– Cho đến khi Hội nghị Genève kết
thúc, phái đoàn Quốc Gia Việt Nam vẫn ngồi tại bàn đàm phán bên cạnh phái đoàn
Pháp mặc dù tiếng nói không được lắng nghe và đặc biệt trước đó 6 tuần Quốc Gia
Việt Nam đã được Pháp “trao trả độc lập hoàn toàn” qua hiệp ước Laniel – Bửu
Lộc (4-6-1954).
– Trong khi đó tại Việt Nam, Quốc Gia Việt Nam không tổ chức
kháng chiến để bảo vệ đất nước trước thực tế Thực dân và Cộng sản cấu kết chia
cắt ?
– Quốc Gia Việt Nam vẫn ở trong
khối Liên hiệp Pháp triệt thoái khỏi miền Bắc theo các điều khoản Hiệp định
Genève, kêu gọi tổ chức di cư, tổ chức định cư và xây dựng chính quyền Việt Nam
Cộng hòa theo kế hoạch viện trợ trực tiếp và toàn diện của Mỹ, từ chối nói
chuyện với miền Bắc để thống nhất đất nước theo tinh thần Hiệp định Genève.
Giả định rằng Quốc Gia Việt Nam là
một thực thể độc lập có khả năng bảo vệ quan điểm của mình trên vùng lãnh thổ
được hội nghị Genève phân chia (từ vĩ tuyến 17 trở vào) để “không bảo đảm
một nền hòa bình lâu dài” như Lê Xuân Khoa đã viết, thì theo tôi: Việt Nam
Cộng Hòa, hậu thân của Quốc Gia Việt Nam, là “nước” được hưởng lợi nhiều nhất
tại hội nghi Genève, và hiệp định Genève là cơ hội tốt nhất để “người Quốc Gia”
thực hiện lý tưởng (tự do dân chủ), lòng yêu nước và tình tự dân tộc của mình.
Luận chứng là: Cuộc chiến tranh
Việt – Pháp chấm dứt, Quốc Gia Việt Nam vốn là một giải pháp (LXK sđd trang 79)
của thực dân Pháp nhằm bổ sung, tăng cường sức mạnh để “tiêu diệt Việt Minh
Cộng Sản”, bỗng dưng trở thành chủ nhân ông của một nửa đất nước – một Miền Nam
mưa thuận gió hòa, đất đai phì nhiêu, tài nguyên rừng biển phong phú với Sài
Gòn hòn ngọc Viễn Đông, và đặc biệt có quyền hạn ngang hàng với Việt Minh Cộng
Sản trong các vấn đề quan trọng của đất nước.
Như thế không là may mắn, là cơ hội
ngàn năm một thuở cho Việt Nam Quốc Gia sao?
Thế nhưng không hiểu tại sao từ
Quốc gia Việt Nam với Bảo Đại, đến Việt Nam Cộng Hòa của Ngô Đình Diệm, và đến
cả Lê Xuân Khoa, đều cực lực phản đối tất cả những nguyên nhân đưa đến thắng
lợi, may mắn và cơ hội ấy với lập luận đầy mâu thuẫn và đạo đức giả rằng: chia
cắt đất nước là tội ác do Thực – Cộng âm mưu, cấu kết và thực hiện, chứ Quốc
Gia Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa không dính líu gì cả, 20 tháng 7 là ngày quốc
hận. Xin hỏi giáo sư Lê Xuân Khoa: Nếu không “ chia cắt ” thì lấy đâu
để Việt Nam Quốc Gia và Việt Nam Cộng Hòa có được một nửa đất nước, một miền
Nam như thế? Trước khi “chia cắt”, xin hỏi giáo sư Lê Xuân Khoa, có một Việt
Nam độc lập thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ không ? Hay Việt Nam chỉ là ba
trong năm xứ Đông Dương thuộc Pháp ?
Giả định rằng:
“Hội nghị Genève… chia cắt Việt
Nam làm đôi với hai chính thể hoàn toàn đối lập ở hai miền Nam – Bắc” như
Lê Xuân Khoa kết luận, theo tôi vẫn tốt hơn:
“Một Việt Nam với ba xứ Nam Kỳ
thuộc địa, Bắc Kỳ, Trung Kỳ bảo hộ nằm trong Đông Dương thuộc Pháp”.
Không phải chỉ có thế, mà chắc chắn
cả tác giả Lê Xuân Khoa và tôi đều không tin vấn đề đơn giản đến thô thiển như
vậy.
Tôi hiểu rằng khi viết những dòng,
những câu đơn giản như thế, khi sử dụng những từ mang nhiều tính chất kích động
như thế, Lê Xuân Khoa vẫn bảo lưu trong ông một cán bộ tuyên truyền cấp cơ sở
của Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên không đơn giản Lê Xuân Khoa chỉ là một cán bộ
tuyên truyền của Việt Nam Cộng Hòa, ông còn là một nhà giáo, một người muốn làm
nghiên cứu khoa học, ông đã tỏ ra thành thật và chừng mực nào đó đã tiếp cận
vấn đề khi dành cho Hoa kỳ những bài học. Ông đã viết ở trang 205 trong cuốn
sách của mình như sau:
“Quyết định của Hoa Kỳ khi ủng
hộ Pháp trở lại Đông Dương để ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô và Trung Quốc
trong khu vực Đông Nam Á được chứng minh là sai lầm…”
Ở trang 207 ông viết tiếp:
“Quyết định thứ hai rõ ràng sai
lầm của Hoa kỳ là bất hợp tác với Liên Xô và Trung Quốc tại hội nghị Genève
1954. Mặc dù vừa thua nặng ở Điện Biên Phủ và đang lâm vào tình trạng tuyệt
vọng về quân sự, Pháp vẫn dựa vào uy thế của Mỹ để mặc cả khiến cả hai đại
cường Cộng Sản đều chìu chuộng và bắt ép Việt Minh phải chấp nhận một bản hiệp
định không xứng đáng với những điều kiện của phe chiến thắng. Hoa Kỳ quá lo
ngại về hiểm họa bành trướng của Cộng Sản mà không nhận ra rằng quyền lợi của
Liên Xô lúc đó không phải ở Viễn Đông còn Trung Quốc thì đang thay đổi chính
sách đối ngoại, muốn hòa hoãn với khối tư bản để đáp ứng các nhu cầu quốc nội
sau những hao tổn quá lớn cho hai cuộc chiến ở Triều Tiên và Việt Nam…”
(xem chương Bốn, chương Năm)
“Ngoài ra cả hai đại cường Cộng
Sản đều không muốn có một Việt Nam mạnh nhưng độc lập. Nếu Hoa Kỳ chính thức
tham gia hội nghị Genève và có một cuộc thương thuyết riêng rẽ với Nga Sô và
Trung Quốc thì có thể đạt được một bản thỏa ước quốc tế về Đông Dương với một
giải pháp chính trị có khả năng ổn định lâu dài hơn, khác với bản hiệp định
đình chiến giữa Pháp và Việt Minh ” (xem chương Bốn, chương Năm).
Như thế, theo Lê Xuân Khoa qua phần
trích dẫn này, cái gốc của chiến tranh Đông Dương là: Pháp đã sai lầm ngoan cố
tái chiếm thuộc địa, và Hoa Kỳ cũng đã sai lầm khi ủng hộ cuộc tái chiếm đó. Và
việc hội nghị Genève, cũng theo Lê Xuân Khoa, không đưa đến một giải pháp chính
trị bền vững và Hòa bình không được bảo đảm là do Hoa Kỳ đã không thương thuyết
riêng với Nga Sô và Trung Quốc, trong khi hai nước Cộng Sản đầu sỏ này vì những
lý do riêng rất chính đáng muốn hòa hoãn với phương Tây, đặc biệt đối với Mỹ.
Lê Xuân Khoa đã viết nguyên văn như thế này, tôi xin chép lại:
“…quyền lợi của Liên xô không
phải ở Viễn Đông…”
“…còn Trung Quốc thì đang thay
đổi chính sách đối ngoại, muốn hòa hoãn với khối tư bản để đáp ứng nhu cầu quốc
nội sau những hao tổn quá lớn cho cuộc chiến Triều Tiên và Việt Nam.”
Như thế theo Lê Xuân Khoa, nếu Hoa
Kỳ trực tiếp thương lượng riêng với Liên Xô và Trung Quốc thì:
“Có thể đạt được một bản thỏa
ước quốc tế về Đông Dương với một giải pháp chính trị có khả năng ổn định lâu
dài…”
Tạm thời tôi không tranh luận với
Lê Xuân Khoa rằng là: “Liệu nếu Hoa Kỳ thương lượng riêng với Liên Xô và
Trung Quốc tại Genève thì có thể đạt được một bản thỏa ước quốc tế về Đông
Dương với một giải pháp chính trị ổn định lâu dài…” hay không?
Tôi nghĩ rằng Lê Xuân Khoa đã không
hiểu hết, hoặc không muốn hiểu ý đồ của Mỹ theo như sách lược của họ về Viễn
Đông vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Việt – Pháp mới nêu ra giả định
đó.
Theo tôi một khi Mỹ muốn ngăn chận
Trung Quốc và Cộng Sản Bắc Việt ở vĩ tuyến 17 thì đương nhiên vấn đề chính trị
ở Đông Dương và Việt Nam không thể ổn định lâu dài, cũng như trước đó năm 1945,
khi Hoa Kỳ ủng hộ Pháp trở lại Đông Dương thì lẽ đương nhiên chiến tranh Việt –
Pháp không thể tránh được.
Có điều những nhận định của Lê Xuân
Khoa qua hai đoạn trích dẫn trên chứng tỏ ông đã bước đầu mường tượng ra vai trò
chủ đạo của Mỹ tại Việt Nam, Đông Dương và Đông Nam Á từ sau hội nghị Genève.
Cũng như những bài học lịch sử Lê Xuân Khoa dành cho Pháp, những bài học lịch
sử ông dành cho Hoa Kỳ tuy chưa là những thành tựu khoa học nhưng là những gợi
ý tích cực để độc giả truy nguyên bản chất đích thực của các cuộc chiến tranh
tại Việt Nam và Đông Dương từ sau thế chiến II đến 1975, khi Hoa Kỳ rút bỏ hoàn
toàn khỏi Việt Nam và Đông Dương.
Cách lý giải của Lê Xuân Khoa qua
hai đoạn trích dẫn trên cũng là những gợi ý để người đọc sách của ông lật ngược
vấn đề với những chữ NẾU như ông viết: “Nếu Hoa Kỳ…”
Tôi xin bắt chước Lê Xuân Khoa mà
đặt vấn đề với những chữ Nếu trước những biến cố quan trọng ngược dòng thời
gian trong lịch sử Việt Nam cận hiện đại:
1/ Vấn đề được đặt ra với chữ Nếu
thứ nhất:
“Nếu Hoa kỳ không chủ động hất
cẳng Pháp, không hăm hở nhảy vào Việt Nam (và Đông Dương) để “bảo tồn những
vùng lãnh thổ còn lại” (như thông cáo chung Anh – Mỹ ngày 29- 6-1954) thì liệu
cuộc chiến tranh “ của Mỹ ở Việt Nam ” có xảy ra không ? ”
Câu trả lời chắc chắn là không.
Trong trường hợp đó, cuộc nội chiến
Nam – Bắc có xảy ra không?
Câu trả lời là không với hai khả năng, và có với một khả năng:
+ Là không với điều kiện chính quyền miền Nam
chấp nhận thua trong cuộc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước được dự trù bởi
hiệp định Genève.
+ Là không khi chính quyền miền Nam bày tỏ một
đường hướng chính trị hòa hoãn mà qua đó chính quyền miền Bắc hy vọng có thể
thống nhất đất nước bằng hòa bình.
+ Là có khi chính quyền miền Nam bắt khước một
cách dứt khoát và quyết liệt các đề nghị hiệp thương thống nhất đất nước của
miền Bắc. Khi đó cuộc nội chiến sẽ xảy ra và kết thúc nhanh chóng mà không tàn
phá khốc liệt, dữ dội như cuộc chiến tranh với Mỹ. Và miền Bắc sẽ không lệ
thuộc trầm trọng vào Liên Xô, Trung Quốc và phải trả giá quá đắt như Lê Xuân
Khoa đã cáo buộc.
2/ Vấn đề đặt ra với chữ Nếu thứ
hai :
“Nếu Pháp không “ngoan cố tái
chiếm Đông Dương” và “Hoa Kỳ không sai lầm khi ủng hộ cuộc tái chiếm đó” thì
“cuộc chiến tranh chống Pháp” có xảy ra không ? Và Việt Minh, Việt Nam Dân
Chủ Cộng Hòa có cầu viện Liên Xô, Trung Quốc để rồi đất nước dân tộc Việt Nam
phải gánh chịu các tổn thất nặng nề như Lê Xuân Khoa đã cáo buộc không”.
Câu trả lời chắc chắn là không.
3/ Vấn đề đặt ra với chữ Nếu thứ ba:
“Nếu năm 1858 liên quân Pháp – Tây
Ban Nha không tấn công vào Đà Nẵng mở màn cuộc xâm lược và thiết lập công cuộc
đô hộ toàn phần lên đất nước Việt Nam năm 1884 thì liệu nhân dân Việt Nam có
tiến hành các cuộc chiến tranh vì độc lập tự do từ đó đến 1954 – Hội nghị
Genève không ?”
Lại thêm một câu trả lời phủ định.
4/ Vấn đề đặt ra với chữ Nếu thứ
tư :
“Nếu từ đầu thế kỷ 17 không có
sự việc ba mũi giáp công (các thương đoàn, các giáo đoàn và các hạm đội) của
các nước Tây phương (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha…, và cuối cùng là Pháp) vào Việt
Nam thì có xẩy ra các cuộc đụng độ dẫn đến chiến tranh suốt bốn thế kỷ mà đỉnh
cao là hai cuộc chiến tranh Đông Dương từ 1945 – 1975 không ?”
Lại thêm một chữ không cho câu trả
lời.
5/ Vấn đề đặt ra với chữ Nếu thứ
năm :
“Nếu cuộc xâm nhập của các nước
phương Tây vào Việt Nam từ thế kỷ 17 chỉ với những thương đoàn, những giáo đoàn
mà không có những hạm đội đi kèm thì liệu có xảy ra các cuộc chiến tranh
không ?”
Cũng vẫn là câu trả lời với chữ
không.
6/ Vấn đề đặt ra với chữ Nếu thứ
sáu :
“Nếu sự xâm nhập của phương Tây
vào Việt Nam với những thương đoàn, những hạm đội, những giáo đoàn (không phải
là giáo hội thừa sai) tiến hành một phương thức truyền đạo giống như những đệ
tử đầu tiên của giáo chủ Jésus đi vào La Mã (hòa bình và chịu đựng) thì liệu
chiến tranh có xảy ra không ? Câu trả lời là có, nhưng chiến tranh sẽ kết
thúc nhanh chóng hơn và mức độ tàn phá cả con người và của cải vật chất, tài
nguyên sẽ giảm nhẹ rất nhiều. Khi ấy chiến tranh sẽ không mang màu sắc “thánh –
nội chiến”, khi ấy khối đoàn kết dân tộc không bị phá vỡ. Khi ấy lực lượng
kháng chiến sẽ được tăng cường và lực lượng xâm lược sẽ mất đi một hậu thuẫn to
lớn là đa số những giáo dân công giáo, và hội nghị Genève sẽ không kết thúc với
việc Mỹ thay thế Pháp kéo theo một Ngô Đình Diệm thay thế Bảo Đại, để rồi nói
như Lê Xuân Khoa : “Không bảo đảm một nền hòa bình lâu dài”
Nhưng lịch sử không diễn ra theo
những giả định của người đời sau. Và những chữ Nếu ở trước các câu hỏi của
người đặt lại vấn đề rốt cùng chỉ là những tiếc nuối khôn nguôi, những tiếng
thở dài phẫn nộ, những lời cảnh báo khẩn thiết trước bọn cầm quyền mù điếc nắm
quyền sinh sát ở các phía đối nghịch của một thế giới thường trực biến động và
ngày một xấu hơn.
Những giả định lịch sử rốt cùng
cũng chỉ để mua vui một vài trống canh cho những kẻ trầm tư, những người tự
giằng xé mất ngủ với điều kiện người đặt vấn đề sáng suốt, lương thiện và chân
thành.
Trở lại cùng với Lê Xuân Khoa và
đoạn văn trích dẫn trên với cái cốt lõi mà lẽ ra ông nên xem là mấu chốt khi viết
về hội nghị Genève, đằng này ông lại giấu nó trong tiểu mục “Bài Học Lịch Sử”
dành cho Hoa Kỳ.
Tôi xin chép lại một câu trong đó:
“ Mặc dầu thua nặng ở Điện
Biên Phủ và đang lâm vào tình trạng tuyệt vọng về quân sự, Pháp vẫn dựa vào Mỹ
để mặc cả khiến cả hai đại cường Cộng sản đều chiều chuộng và bắt ép Việt Minh
phải chấp nhận một bản hiệp định không tương xứng với những điều kiện của phe
chiến thắng ”.
Thì ra “tài năng và bản lãnh đàm
phán” của Mendès France mà Lê Xuân Khoa vô cùng ngưỡng mộ và hết lời ca
ngợi nằm ở con bài tẩy Hoa Kỳ và sự“chiều chuộng” mà Môlôtôp và Chu Ân Lai
dành cho Pháp, đồng thời bắt ép Việt Minh phải chấp nhận một thỏa hiệp không
xứng đáng với những điều kiện của phe chiến thắng” thực chất là để tránh
một cuộc đụng đầu phiêu lưu với Mỹ – cường quốc duy nhất có bom nguyên tử (vào
thời điểm đó – 1954) và giàu mạnh nhất thế giới chứ không phải tài năng của
Mendès France và uy thế của nước Pháp.
Và vấn đề sẽ được lật ngược:
Nếu không lo ngại về một cuộc đụng
đầu với Mỹ, “hai đại cường Cộng sản sẽ không bắt ép Việt Minh”…, và phái
đoàn Phạm Văn Đồng sẽ không lâm vào tình thế mà Lê Xuân Khoa mô tả một cách
sảng khoái rằng là : “Đảng Cộng sản đã cúi đầu nhục nhã” (LXK sđd).
Như thế cái “nguyên nhân gốc (từ của Lê Xuân Khoa) để Việt Minh phải chấp nhận một bản
hiệp ước không tương xứng với những điều kiện của phe chiến thắng” xuất
phát từ siêu cường Mỹ chứ không phải từ Liên Xô và Trung Quốc như Lê Xuân Khoa
đã nhiều lần nhấn mạnh trong chương 4 (Hội nghị Genève và hai nước Việt Nam).
Có lẽ giáo sư Lê Xuân Khoa không phản bác nhận thức chung của đa số rằng là kẻ
cho vay nặng lãi là bất nhân thất đức, nhưng bọn đầu cơ trục lợi thì gian ác
bội phần và người ở trong tình thế phải đi vay nặng lãi để làm công việc chính
đáng (mà ông gọi là chính nghĩa) là nạn nhân chứ không phải là tội đồ.
Tôi tạm thời chấm dứt phần trao đổi
với tác giả Lê Xuân Khoa về đề tài “Hội nghị Genève và Hai Nước Việt Nam”
mà không thấy cần phải giải thích ai là kẻ đầu cơ, ai là kẻ cho vay nặng lãi,
ai là nạn nhân của một bối cảnh lịch sử mà câu tục ngữ Việt Nam có thể là một
ẩn dụ khái quát mang tính chất tượng trưng:
Dùi cui đánh đục
Dùi đục đánh săng.
Dùi đục đánh săng.
Đương nhiên nếu không có tay thợ
mộc mù quáng thì dùi cui không thể đánh đục, và dùi đục không thế đánh săng.
Tay thợ mộc mù quáng ở đây tôi muốn
nói tới sự khủng hoảng của nhân loại trên bình diện toàn cầu bắt đầu từ những
tiến bộ trong ngành hàng hải ở châu Âu dẫn tới những chuyến đi “Ấn Độ” của
Christophe Colomb (1492), của Vasco de Gama (1497)…, và sắc chỉ của giáo hoàng
Alexandre VI giao quyền tuyệt đối chiếm đất (buôn bán, khai thác tài nguyên) và
truyền bá Thiên Chúa giáo cho hai vương triều Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha trên
hai nửa bán cầu dọc theo kimh tuyến từ Bắc cực xuống Nam cực cách đảo Axores
một trăm dặm. (Linh Mục Trần Tam Tỉnh – Thập
Giá và Lưỡi gươm). Do vậy xin ông Lê Xuân Khoa yên chí là tôi không đổ
hết mọi tội lỗi và sự căm giận lên đầu bọn cầm quyền Mỹ – vì nó mà nhân dân
Việt Nam phải chấp nhận cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ II (với Mỹ) để giành
lại sự độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước, cho dù có muốn hay
không muốn ý thức hệ Cộng Sản.
IV/
Cuộc di cư từ miền Bắc của non triệu người vào miền Nam (1954)
là Di tản nội địa hay Tị nạn Cộng sản ?
Sở dĩ tôi dùng từ di cư là do hai từ Di tản nội địa và Tị nạn Cộng sản đối lập theo quan điểm của Lê Xuân Khoa, theo tôi, không phản ảnh đầy đủ thực tế lịch sử. Trong số 950.000 người vào Nam năm 1954 (LXK sđd tr258), theo tôi, vừa có Di tản nội địa, vừa có Tị nạn Cộng sản, nhưng chủ yếu là di tản nội địa.
Chương 6 với chủ đề Di Tản và Định Cư Tị Nạn 1954,
Lê Xuân Khoa dành 25 trang để chứng minh rằng: từ “ Di tản nội địa ” của Liên
Hiệp Quốc dùng trong trường hợp này là sai.
Ông đưa ra hai lý do để biện chính
cho quan điểm của mình: Một là: “Sự ngược đãi của chính quyền Việt Minh”.
Hai là “miền Nam là một nước riêng biệt theo hiệp định Genève” (LXK sđd
tr 239-240).
Về lí do thứ nhất ông khẳng định:
Tất cả “dân di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 là người tị nạn vì họ có ít nhất
là một lí do vững chắc để lo sợ bị ngược đãi (trong nhiều trường hợp đã bị
ngược đãi) ” (LXK sđd tr 239).
Lê Xuân Khoa cho rằng, nếu: “nhà
nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa… khoan thi hành chính sách cải cách ruộng đất
cùng phong trào chỉnh huấn nhằm thanh lọc hàng ngũ cán bộ trí thức thì số người
ra đi đáng lẽ không nhiều” (LXK sđd tr 122).
Như thế, chủ yếu những người tị nạn
1954 theo Lê Xuân Khoa là những cá nhân hay những gia đình từng là nạn nhân của
các cuộc Cải cách, Cải tạo trên miền Bắc trước – sau 1954. Tôi đồng ý với Lê
Xuân Khoa rằng là trong số những người có kinh nghiệm xương máu với chế độ Cộng
sản do các cuộc cải cách cải tạo nếu có hoàn cảnh thuận tiện và nhận được nhiều
hứa hẹn thì có một số người sẵn sàng chạy trốn chế độ, từ bỏ mồ mả tổ tiên, nơi
chôn nhau cắt rốn để tìm nơi cư trú lâu dài tốt đẹp hơn. Những người đó, theo
tôi, không cần Liên Hiệp Quốc định nghĩa thế nào, tôi cũng cùng Lê Xuân Khoa
khẳng định họ là Tị Nạn Cộng sản đích danh.
Nhưng có phải những người Tị Nạn Cộng
sản đích danh là toàn bộ 950.000 người di cư từ Bắc vào Nam năm 1954
không ? Hay những người Tị Nạn Cộng sản đích danh chỉ là một phần nhỏ
trong số đó.
Nếu tất cả đều là Tị Nạn Cộng sản
thì những cá nhân, gia đình, những cộng đồng đã cộng tác với thực dân Pháp và
chế độ phụ thuộc (gia đình công chức, quân đội, mật vụ tình báo viên, và cả địa
chủ, thương nhân đã từng cộng tác với Pháp, gọi chung là Người Quốc Gia) đi vào
Nam theo kế hoạch nào?
Và việc các chính phủ Mỹ, Pháp và
Quốc Gia Việt Nam, tổ chức rầm rộ cuộc di cư phải chăng chỉ để cứu vớt những
người Tị Nạn Cộng sản như Lê Xuân Khoa khẳng định, hay còn vì một lý do nào
khác?
Chẳng hạn Pháp với tâm thức của kẻ
thua cuộc có phá hết, vét sạch những gì, kể cả con người, sẽ làm lợi cho kẻ thù
thắng trận trên phần lãnh thổ mà mình bị buộc phải triệt thoái không?
Và Pháp có tập hợp những người đã
từng cộng tác nhằm làm tăng thêm lực lượng quần chúng sẽ ủng hộ tại Miền Nam
qua cuộc tổ chức di cư để bảo vệ quyền lợi của họ không?
Tiếp đến: Mỹ có quy tụ thêm những
binh lính của Đức Chúa Trời cho cuộc Thánh chiến chống Cộng Sản và “bảo vệ Miền
Nam – tiền đồn của thế giới Tự do” mà họ đang ráo riết chuẩn bị không?
Và đặc biệt chính quyền của ông Thủ
tướng người Công giáo Ngô Đình Diệm lấy ai làm hậu thuẫn cho mình khi phe cánh
của ông đang hăm hở chuẩn bị đương đầu với tất cả các thế lực thù địch tại miền
Nam bao gồm bọn tay sai trung thành của Pháp, phe cánh Bảo Đại, các đảng phái,
các giáo phái, Việt Minh Cộng sản và Phật giáo với quần chúng hậu thuẩn lên tới
90 %?
Tín đồ Công giáo trên miền Bắc
trước 1954 vào khoảng 1.400.000 người, chiếm tỷ lệ khoảng 8% đến 10 % dân
số (khoảng 14 – 16 triệu) mà số người di cư theo Chúa – Mẹ lên đến hai phần ba
trong tổng số 950.000. Như thế, 90 % người ngoại đạo chỉ đóng góp cho cuộc
tị nạn rầm rộ của Lê Xuân Khoa có một phần ba. (Vào khoảng 2 % dân số của
miền Bắc). Ông Lê Xuân Khoa không suy nghĩ gì về thực trạng này sao?
Lê Xuân Khoa đã sử dụng khá nhiều
những sách báo xuất phát từ các tác giả và chính phủ có liên hệ trực tiếp đến
cuộc di cư và đặc biệt của giới Thiên Chúa giáo làm tài liệu nghiên cứu.
Nhưng Lê Xuân Khoa đã không nghiên
cứu nguồn tư liệu sống là chính bản thân những người di cư trong đó có Lê Xuân
Khoa.
Nếu tác giả Lê Xuân Khoa muốn truy
tìm sự thật lịch sử theo nguồn tài liệu có giá trị khoa học hàng đầu này, hẳn
nhiên không thể không biết được các nội dung tuyên truyền của Mỹ, của Pháp, của
giáo hội Công giáo, của chính quyền Ngô Đình Diệm nhằm :
– Gây hoang mang lo sợ trong đông
đảo quần chúng rằng: nhiều đoàn quân Tàu đang tràn xuống miền Bắc sẽ cướp của,
giết người, hiếp dâm phụ nữ, hoặc Mỹ sẽ thả bom nguyên tử để tiêu diệt hết bọn
Cộng Sản vô thần.
– Hủy hoại niềm tin của người dân
vào chính quyền và các lãnh tụ Việt Minh Cộng Sản qua những thông tin được phát
tán do những nhân vật mạo xưng này nọ hoặc qua cửa miệng những “Đấng tiên
tri ” (thầy bói).
– Kích thích các niềm tin Công giáo
qua việc tổ chức Đức Mẹ xuất hiện ở nơi này nơi nọ để ra lệnh cho giáo dân đi
miền Nam cùng Đức mẹ, cùng Chúa, bởi hai Ngài đã vào Nam.
Một linh mục Công giáo, ông Trần
Tam Tỉnh, tìm thấy những sự thật lich sử này sau khi đọc The Pentagon Papers và khẳng định rằng chiến dịch tâm lí
chiến trên được dàn dựng và thực hiện bởi một sĩ quan tình báo Mỹ (CIA) tên là
Edward Lansdale, ông này đã có mặt tại miền Bắc từ đầu năm 1954, là nhà hoạch
định các kế hoạch di tản cho non một triệu người từ miền Bắc (Trần Tam Tỉnh – Thập giá và lưỡi gươm.
Nxb Trẻ 1988). Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Xuân Khoa cũng đã cho thấy có sử dụng The Pentagon Papers, sao ông không cho
độc giả biết những thông tin như thế?
Và lí do thứ hai (của Tị Nạn Cộng
sản) Lê Xuân Khoa đã khẳng định: “…nước Việt Nam đã bị chia làm hai vùng
lãnh thổ có đường biên cấm vượt qua được quyết định bởi một hội nghị quốc tế.
Thực tế có hai nước Việt Nam với hai chính quyền và hai chính thể chống đối
nhau” (LXK sđd tr 240).
Vấn đề “hai nước Việt Nam” tôi đã
thảo luận với Lê Xuân Khoa ở phần trên. Ở đây tôi nhắc lại: không có “một
Hội nghị quốc tế nào đã chia nước Việt Nam làm đôi với đường ranh giới không
được vượt qua” cả. Mà chỉ có: Một Hội nghị Genève tạm thời chia đất
nước làm hai vùng đóng quân và quản lí hành chánh trong khi chờ đợi cuộc tổng
tuyển cử vào hai năm sau (1956) để bầu ra chính quyền duy nhất cho một nước
Việt Nam hoàn toàn độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất. Vĩ tuyến 17 trong
mọi trường hợp không được xem là ranh
giới lãnh thổ hay chính trị (Tuyên bố chung của 9 nước tham gia hội nghị
Genève không có chữ ký). Do các nhà lãnh đạo cao cấp của Mỹ lúc bấy giờ (Tổng
thống Eisenhower và Ngoại trưởng John F. Dulles) nhận định rằng nếu tổng tuyển
cử thì 80 % dân số Việt Nam sẽ bỏ phiếu cho Hồ Chí Minh, nên dùng sức mạnh
vô địch của mình phủ định cuộc tổng tuyển cử đó nhằm “bảo tồn những vùng đất
còn lại” (miền Nam) làm tiền đồn cho thế giới Tự do (The Pentagon Papers).
Như thế, cái lí do thứ hai (người
dân di tản vượt qua biên giới quốc gia) Lê Xuân Khoa đưa ra để biện chứng cho
quan điểm “Tị nạn Cộng sản” không đứng vững, và vấn đề “tị nạn” có thể xếp lại
mà chẳng cần phải xem xét những tài liệu ông đã gạn lọc để làm bằng cớ cho
những nhận định của mình có chính xác và hợp lý hay không. Bởi tôi đã quá mệt
mỏi khi phải đọc quá nhiều những nhận định trái ngược nhau về một vấn đề hay
một sự kiện phổ biến trong cuốn sách của Lê Xuân Khoa. Ví dụ:
– Về kết quả của Hội nghị Genève, ở
Chương 3 (chính sách cải cách ruộng đất), trang 122 ông viết:
“Mặc dù theo hiệp định Genève
1954, việc chia đôi đất nước chỉ là tạm thời và một cuộc tổng tuyển cử sẽ được
tổ chức vào tháng 7 năm 1956 để cho nhân dân hai miền bỏ phiếu về vấn đề thống
nhất đất nước ”.
Ở Chương 6 (Di tản và Định cư Tị
nạn 1954) trang 240 ông lại viết:
“…nước Việt Nam đã bị chia làm
hai vùng lãnh thổ có đường biên giới cấm vượt qua, được quy định bởi một hội
nghị quốc tế. Thực tế có hai nước Việt Nam với hai chính quyền và hai chính thể
chống đối nhau”.
– Về Tuyên bố Cuối cùng (Lê Xuân
Khoa dùng từ Tuyên cáo) của hội nghị Genève.
Ở phần chú thích trang 122 chương 3
(chính sách cải cách ruộng đất) Lê Xuân Khoa viết:
“… với chữ ký của Anh, Nga (đồng chủ tịch), Pháp,
Cộng Hòa Nhân Dân Trung quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, Cam Bốt, Lào. Hai nước
tham dự là Hoa Kỳ và Quốc Gia Việt Nam không ký vào bản tuyên ngôn này”
Ở trang 187 Lê Xuân Khoa viết:
“Hội nghị Genève kết thúc, ngoài
những bản thỏa hiệp đình chiến…. còn có bản tuyên cáo của Hội nghị không có ký tên và không có sự đồng ý của Hoa Kỳ và
Quốc Gia Việt Nam”…
Ở trang 237 LXK viết:
“Điều kiện này được nhắc lại một
lần nữa trong bản tuyên cáo chung của những nước đã ký tên trên bản thỏa hiệp
Genève đã nhấn mạnh rằng những điều thỏa thuận “phải được triệt để thi hành” ”.
Tôi không phản đối bất cứ ai chống
Cộng, nhưng chống Cộng “vì cái bụng” như thực dân Pháp đã làm, chống Cộng vì
những giáo điều Trung cổ và cũng vì cái bụng như các giáo hội Công giáo đã làm,
chống Cộng vì chiến lược phòng thủ từ xa (học thuyết Domino) kết hợp với chủ
nghĩa thánh chiến như Hoa kỳ đã thực hiện, chống Cộng để độc tài gia đình trị
và Thiên Chúa Giáo toàn trị như anh em Ngô Đình Diệm đã làm thì tôi từ khước.
Đến đầu thiên niên kỷ thứ ba, sau cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai gần
bốn mươi năm mà Lê Xuân Khoa còn sử dụng Hội nghị – Hiệp định Genève và cuộc
“Di tản và Định cư Tị nạn” 1954 “để tái hiện lịch sử” và để, “hòa hợp hòa giải
dân tộc” như thế thì rõ ràng chính danh ông là người thừa kế các thế lực chống Cộng đã chứng tỏ lỗi thời và thất bại
ấy, mặc dầu ông tự cho mình khách quan, trung thực.
Việc tái hiện lịch sử tôi sẽ tiếp
tục thảo luận cùng giáo sư Lê Xuân Khoa trong chủ đề “Nội chiến hay Chiến
Tranh Ủy Nhiệm”.
Phần 1/5:
Phần 2/5:
Phần 3/5:
Phần 4/5:
Phần 5/5:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét