ĐỌC SÁCH “VIỆT NAM
1945-1995” [5/5]
của Lê Xuân Khoa
của Lê Xuân Khoa
Mấy vấn đề
cần trao đổi
(Phần 5/5)
Chu Sơn
■ Thư [phản hồi] của tác giả Lê Xuân Khoa
LTS - Bài Đọc sách VIỆT NAM 1945-1995 của Lê Xuân Khoa của Chu Sơn đã đăng làm 4 kỳ trên Diễn Đàn từ ngày 31.10 đến ngày 8.11.2014. Chúng tôi xin đăng dưới đây lá thư của tác giả Lê Xuân Khoa đề ngày 11.11.2014.
Tất nhiên là cuốn sách của tôi, cũng như sách của bất cứ tác
giả nào, cũng có những điểm bất toàn và những điểm cần được thảo luận. Tuy
nhiên, tôi thấy không cần phải trả lời loạt bài này vì mấy lý do chính sau đây:
1. Cuộc tranh cãi sẽ kéo dài không biết đến bao giờ vì tôi
giữ vững quan điểm của tôi về nhũng vấn đề chính, như nội chiến và chiến tranh
ủy nhiệm. Trong 10 năm qua, tôi đã nhận được nhiêu ý kiến của thân hữu và độc
giả khắp nơi, trong và ngoài nước, hầu hết đều đồng ý với quan điểm của tôi. Có
một số hiệu đính và nhận xét hữu ích mà tôi trân trọng ghi nhận và sẽ sửa đổi
và bổ sung khi sách được tái bản lần sau.
2. Cuộc tranh cãi về chiến tranh Việt Nam, dù có đáng được
tiếp tục, cần được gác qua một bên trước nhiều vấn đề cấp bách liên quan đến sự
tồn vong của đất nước. Quan trọng nhất là làm thế nào để đối phó với hiểm họa
Trung Quốc và thay thế chế độ độc tài toàn trị. Chu Sơn có thể đã nhận ra những
lỗi lầm tai hại của lãnh đạo cộng sản, nhưng những nỗ lực của ông biện minh cho
"chính nghĩa" cộng sản trong cuộc chiến "chống Mỹ cứu
nước" vào lúc này trở nên lạc lõng, vô duyên trong khi hiện tượng "tự
diễn biến" hay "tự giác" đang lan rộng trong hàng ngũ đảng
viên các cấp. Không phải là ngẫu nhiên khi cuốn sách của tôi có nhiều độc giả
trong nước tìm đọc khiến trang blog AnhBaSàm đã xin phép tôi cho
đăng dần từng chương để cho độc giả đọc không mất tiền từ đầu năm 2013. Tạp chí
lịch sử Xưa
và Nay của
anh Dương Trung Quốc cũng đã trích đăng những trang tôi viết về chính phủ Trần
Trọng Kim, chắc chắn là Ban Văn hóa Tư tưởng (và ông Chu Sơn) bực mình không
ít.
3. Sau bài Việt Nam: Cơ hội cuối cùng và những Đột phá cần thiết (tháng Sáu 2014), tôi
đã thông báo trên các diễn đàn thân hữu là tôi sẽ không viết gì thêm về tình
hình Việt Nam. Tôi cũng đã từ bỏ mọi hoạt động tinh nguyện bên ngoài, trừ một
dự án NGO mà tôi cũng đã thật sự chấm dứt vai trò cố vấn cuối tuần qua. Ngoài
vấn đề tuổi tác và sức khỏe, tôi còn phải lo hết công việc gia đình vì nhà tôi
phải ngồi xe lăn không làm gì được. Thêm vào đó là tôi phải cố hoàn tất cuốn sách
về lịch sử tị nạn và cộng đồng đã bỏ dở quá lâu. "Giã từ vũ khí"
(mượn tên cuốn Farewell to Arms của Hemingway) bây giờ là đúng lúc, nếu không
muốn nói là đã trễ.
Dù không trả lời ông Chu Sơn, tôi thấy cần phải đính chính
một sai lầm quan trọng của tác giả này trong mục số VII: "Vấn đề hòa giải
hòa hợp dân tộc". Sai lầm này có thể do ông Chu Sơn hiểu lầm hay cố ý
xuyên tạc quan niệm của tôi về vấn đề này.
Chu Sơn viết : "Vậy thì đặt vấn đề hòa giải với
'chính quyền trong nước' như chủ trương của Lê Xuân Khoa là một việc làm, khó
lí giải được, và vô cùng nguy hiểm đối vơi đại đa số nhân dân là đối tượng
chuyên chính ngày càng siết chặt của 'chính quyền trong nước'". Nếu
Chu Sơn đã đọc những bài tôi viết về hòa giải dân tộc thì ông đã phải thấy rõ
là tôi đáp lại lời kêu gọi của các lãnh đạo "chính quyền trong nước"
với điều kiện là họ phải nhìn nhận những chính sách sai lầm trong quá khứ và
phải thực thi dân chủ, nhân quyền. Để minh xác quan điểm của tôi về "vấn
đề hòa giải hòa hợp dân tộc", không gì bằng cách đăng lại bài viết ngắn
gọn của tôi trên tờ Diễn Đàn của
anh để trả lời bài Chúng ta cần hòa hợp, không cần hòa giải của ông Bát Thạch
Kiều ngày 3 tháng 5 năm 2013. Nguyên văn bài của tôi (đăng ngày
7.5.2013, chú thích của Diễn Đàn) như sau :
Hoà Hợp Và Hoà Giải
Trong bài, "Chúng ta cần hoà hợp, không cần hoà
giải" của ông Bát Thạch Kiều (Diễn Đàn, 3.5.2013), tác giả nêu lên hai
điểm then chốt:
1.
Đại đa số người Việt hiện nay dù ở đâu cũng không còn
chịu trách nhiệm gì về cuộc chiến đã qua, thế thì còn cần gì nói đến hoà giải.
2.
Đất nước đang cần hoà hợp hơn bao giờ hết để mọi người
đồng lòng phát triển kinh tế và giữ gìn lãnh thổ, (nhưng) không thể có hoà hợp
nếu không có dân chủ.
Tôi chia sẻ ưu tư của tác giả nhưng có ý kiến khác như sau:
1.
Đúng là đại đa số người Việt hiện nay không chịu trách
nhiệm gì về cuộc chiến đã qua nhưng họ đang phải chịu nhiều hậu quả tai hại,
trực tiếp hay gián tiếp, do phe chiến thắng gây ra cho đất nước và dân tộc. Phe
thắng trận, cụ thể là giới lãnh đạo và hậu duệ của họ, qua bộ máy cai trị độc
tài và tham nhũng, đang áp dụng chính sách nô lệ hoá toàn dân và kết tội những
người yêu nước là kẻ thù.
Thế hệ người Việt sau 1975, dù không có trách nhiệm về cuộc chiến, vẫn có trách
nhiệm bảo vệ nền độc lập của tổ quốc và quyền tự do, hạnh phúc của người dân.
Thế hệ trẻ ở hải ngoại lại không thể quên những đau khổ, nhục nhằn mà gia đình
họ phải chịu sau ngày thống nhất, hay những thảm họa trên đường vượt thoát tìm
tự do mà ít nhiều gì họ cũng là nạn nhân. Nhớ đến quá khứ đau thương ấy không phải
để nuôi dưỡng thù hận mà chính vì cần có "sự công chính của lịch sử"
để đem lại sự hoà hợp dân tộc, nhờ vậy Việt Nam mới có thể trở thành một quốc
gia giàu, mạnh và dân chủ.
Tuy nhiên, mục đích ấy chỉ có thể đạt được khi chính quyền
thật tâm nhìn nhận những sai lầm đã qua và hoà giải với những người yêu nước
bất đồng chính kiến và những nạn nhân của chính sách bất công, tham nhũng. Đối
với người Việt Nam ở nước ngoài, chính quyền cũng phải "hoá giải hận
thù" bằng lới nói và hành động hoà giải cụ thể, thay vì chỉ kêu gọi
"hoà hợp một chiều" có tính cách chiêu hồi và khai thác "khúc
ruột ngàn dặm." Chỉ riêng chuyện "hoà giải với những người đã nằm
xuống" qua việc cho phép hội Vietnamese American Foundation (VAF) tu sửa
Nghĩa trang quân đội miền nam ở Biên Hoà và cải táng hài cốt những người đã
chết trong các trại tù cải tạo, đã phải mất 38 năm sau thống nhất mới thấy có
kết quả sơ khởi (ở đây phải ghi nhận công lao của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã
mạnh mẽ can thiệp với chính quyền trung ương và địa phương mấy năm trước.)
Bởi vậy, không thể đặt vấn đề hoà hợp mà không đề cập đến
vấn đề hoà giải: hoà giải giữa chính quyền với trí thức và nhân dân trong nước,
giữa chính quyền và cộng đồng hải ngoại. Chính quyền phải đi bước trước, và kết
quả của hoà giải là "win-win" chứ không phải "zero sum".
Nói cách khác, hoà giải phải có trước hoà hợp vì hoà hợp là kết quả đương nhiên
của hoà giải.
2.
Vấn đề hoà hợp dân tộc không nhất thiết phải đặt ra vì
người Việt Nam trong và ngoài nước không chống nhau. Chỉ có chính quyền là gây
chia rẽ, mâu thuẫn trong các thành phần dân tộc. Các thành phần dân tộc phải ý
thức rõ được điều ấy và tìm cách liên kết với nhau thì mới tạo được sức mạnh
đối thoại hay đối kháng với chính quyền. Chỉ khi đó, chính quyền độc tài mới có
thể thật lòng nói chuyện hoà giải và thực hiện tiến trình dân chủ hoá. Mẫu hình
Myanmar sẽ có thể được dùng làm cơ sở thảo luận và áp dụng thích hợp ở Việt
Nam.
Nếu chẳng may, chính quyền chọn quyết định dùng bạo lực để
đàn áp nhân dân thì đó chính là hành động tự sát.
Lê Xuân Khoa
Một ý kiến chót của tôi trước khi dừng bút là: ngay cả vấn đề
hòa giải hòa hợp quan trong này cũng cần được gác lại vì tình thế hiện thời đòi
hỏi toàn thể người Việt Nam ở trong và ngoài nước phải liên kết chặt chẽ với
nhau để thực hiện hai nhiệm vụ cấp bách là đánh bại Bắc Kinh trong âm mưu đô hộ
và Hán hóa dân tộc Việt, và thay đổi chế độ độc tài cộng sản bằng chế độ dân
chủ tự do thật sự.
Lê Xuân Khoa
◙
■ Tiếp theo bài đọc sách VIỆT NAM
1945-1995 và thư của tác giả Lê Xuân Khoa.
Nhân đọc thư của Lê Xuân Khoa trên Diễn Đàn ngày
11-11-2014
Tiếp theo bài Đọc sách Việt Nam 1945-1995 của Lê Xuân Khoa của Chu Sơn, Diễn Đàn đã đăng Thư của tác giả Lê Xuân Khoa. Dưới đây là
thư của Chu Sơn mà chúng tôi vừa nhận được. Xin cảm ơn hai tác giả đã phát biểu
chân thành và nghiêm túc, và xin chấm dứt cuộc tranh luận ở đây.
Thư [trả lời] của Chu Sơn
Để trả lời bài Đọc Sách của
tôi đăng liên tiếp 4 kỳ trên Diễn
Đàn từ
ngày 31-10 đến ngày 8-11-2014, Lê Xuân Khoa, tác giả cuốn Việt Nam
1945-1995, đã viết cho tạp chí này lá thư
đề ngày 11-11-2014.
Nguyên văn câu đầu của lá thư, Lê Xuân Khoa viết như sau: “Tất
nhiên là cuốn sách của tôi, cũng như sách của bất cứ tác giả nào, cũng có những
điểm bất toàn và những điểm cần thảo luận.”
Câu này mơ hồ và thiếu thẳng thắn, mặc dù tôi hoàn toàn đồng
ý với tác giả khi ông viết: “… sách của bất cứ tác giả nào (,) cũng có những
điểm bất toàn và những điểm cần thảo luận”. Tuy nhiên, như tôi đã giải
trình trong bài Đọc sách: Sách của Lê Xuân Khoa đã không “như sách của bất
cứ tác giả nào”, bởi: “những điểm bất toàn cần được thảo luận”
(nguyên văn của Lê Xuân Khoa) là ngoại hạng. “Thân hữu” và độc giả của Lê Xuân
Khoa có thể kiểm nghiệm bằng cách đối chiếu bài Đọc Sách của
tôi (Chu Sơn) với Việt
Nam 1945-1995 qua
bản in hay bản điện tử mà tác giả đã cho phép blog Anh Ba Sàm công bố (10 kỳ từ
31-1 đến 8-5-2013 để đối chiếu.
Câu thứ hai lá thư trên, Lê Xuân Khoa viết: “Tuy nhiên,
tôi thấy không cần phải trả lời loạt bài này vì mấy lí do sau đây”
Ông nêu ra ba lí do, tôi xin thảo luận cùng ông từng lí do
một theo thứ tự:
-- Câu đầu của lí do (1), Lê Xuân Khoa viết: “Tranh cãi
kéo dài không biết đến bao giờ vì tôi vẫn giữ vững quan điểm về những vấn đề
chính, như nội chiến và chiến tranh uỷ nhiệm”.
Như thế là “nội chiến và chiến tranh uỷ nhiệm” đại
diện cho những vấn đề chính của cuốn sách mà Lê Xuân Khoa vẫn “giữ vững quan
điểm”, không cần phải thảo luận nữa.
Tuy nhiên các từ “nội chiến” và “chiến tranh uỷ
nhiệm” chỉ xuất hiện bốn nơi trong cuốn sách của ông : hai nơi ở Lời Mở Đầu và hai nơi ở phần
III. Ở phần III : Nội
Chiến hay Chiến Tranh Uỷ Nhiệm là
đầu đề trình bày như một câu hỏi. Ở trang dẫn nhập (271) Nội Chiến hay
Chiến Tranh Ủy Nhiệm là
một kết luận.
Đặt vấn đề và kết luận như thế, nhưng trong phần chứng minh,
qua toàn văn của bốn chương 7, 8, 9, 10 (gồm 211 trang) của phần III, đặc biệt
là 40 trang của chương 7 (Sự Sụp Đổ của Việt Nam Cộng Hòa), Lê Xuân Khoa
đã giải trình trái lại : Không có gì là nội chiến và chiến tranh uỷ nhiệm trên
những trang viết còn lại của Lê Xuân Khoa cả. Chỉ có Mỹ và Việt Nam Dân Chủ
Cộng Hòa (Cộng Sản Bắc Việt) đã chủ động (từ của Lê Xuân Khoa) trong chiến
tranh cũng như trong đàm phán hòa bình. Việt Nam Cộng Hòa. Mặt Trận Giải Phóng
Miền Nam chỉ là công cụ, hay là lực lượng phụ thuộc. Liên Xô và Trung Quốc qua
ngòi bút của Lê Xuân Khoa, được mô tả như là hai nước Cộng Sản đàn anh bị đặt
để trong tình thế chẳng đặng đừng : “Phải gia tăng chi viện” (nguyên văn
của Lê Xuân Khoa), mặc dù đã áp lực này nọ. Tôi đã viết 22 trang để thưa với
giáo sư Lê Xuân Khoa về vấn đê này. (Xem bài Đọc Sách).
-- Câu đầu của lí do (2) Lê Xuân Khoa viết: “Cuộc tranh
cãi về chiến tranh Việt Nam, dù có đáng được tiếp tục, cần được gác qua trước
nhiều vấn đề cấp bách liên quan đến sự tồn vong của đất nước. Quan trọng là làm
thế nào để đối phó với hiểm họa Trung Quốc và thay thế chế độ độc tài toàn trị”
Theo tôi “để đối phó với hiểm họa Trung Quốc và thay thế
chế độ độc tài toàn trị”, không phải ngày một ngày hai, mà cả dân tộc, đất
nước phải gấp rút chuẩn bị sức mạnh để tiến hành chiến tranh hay đấu tranh trên
cả hai mặt trận quân sự và chính trị trong lâu dài. Cho dù phải chọn lựa giải
pháp nào thì vấn đề dân trí, dân khí, dân sinh phải được xem là quốc sách trước
mắt và mãi mãi về sau. Phạm vi của dân trí rất sâu và rất rộng trong thời hiện
tại, nhưng cấp thiết hơn hết là hiểu biết đầy đủ về quá khứ của dân tộc và tình
cảnh đất nước, khu vực và thế giới trong hiện tại. Do vậy mà cuộc thảo luận (Lê
Xuân Khoa gọi là tranh cãi) về chiến tranh Việt Nam cần được tiếp tục một cách
nghiêm túc và thẳng thắn, chứ không nên “gác qua” như ông đề nghị.
Một trong ba bài học lịch sử mà Lê Xuân Khoa dành cho đảng
Cộng Sản Việt Nam (và các phe lâm chiến trong cuộc chiến tranh từ 1945 đến
1995) là: “Cần hiểu rõ ta, bạn, thù” trong bất cứ cuộc chiến tranh hay “đối
phó” nào (LXK sđd, tr495). Theo Lê Xuân Khoa (và tôi cũng nghĩ thế), hiểm
họa mà đất nước dân tộc Việt Nam cần phải cấp bách “đối phó” trong hiện
tại là Trung Quốc, và chế độ độc tài toàn trị trong nước cần nhanh chóng “thay
đổi” (từ của Lê Xuân Khoa). Nếu không tiếp tục thảo luận sâu rộng, chân
thành và nghiêm túc để có một đồng thuận đầy đủ về lịch sử Việt Nam cận hiện
đại thì làm sao nâng cao dân trí ? Làm sao “hiểu rõ ta, bạn, thù” ? Làm
sao hòa giải – hòa hợp để có được sức mạnh đoàn kết dân tộc hầu “đối phó với
hiểm họa Trung Quốc”? Và cấp thiết hơn là để “thay thế chế độ toàn trị”?
Mặc dù chủ trương “vấn đề (đặt ra từ cuốn sách
Việt Nam 1945-1995) cần
được gác qua” nhưng Lê Xuân Khoa vẫn bảo chứng giá trị cuốn sách của ông
với bằng chứng: “… được
độc giả trong ngoài nước tìm đọc khiến trang blog Anh Ba Sàm đã xin phép tôi
cho đăng từng chương để độc giả đọc không mất tiền từ đầu năm 2013” “và
tạp chí Lịch sử Xưa và Nay của anh Dương Trung Quốc cũng trích đăng những trang
tôi viết về chính phủ Trần Trọng Kim, chắc là ban Văn hóa Tư Tưởng (và ông Chu
Sơn) bực mình không ít”. (thư Lê Xuân Khoa).
Theo tôi, một tác giả tự tin sẽ không lấy làm vui khi nhận
được những lời khen đơn giản đại loại như (hay quá, giỏi quá, chính xác quá…)
mà không có một chứng lí nào đi kèm. Lại nữa, khi Lê Xuân Khoa viết ké tên tôi
vào Ban Văn hóa Tư tưởng, ông đã làm một hành động chụp mũ không mấy đắt tiền.
Tuy vậy về mặt ngôn từ ông đã có đôi phần đúng khi đã cho rằng: “ông Chu Sơn (đã) bực mình không ít”.
Có điều ông đã bé cái lầm khi cho rằng tôi đã “bực mình không ít” vì
thấy sách của ông được đánh giá cao nên Anh Ba Sàm đã…, Dương Trung Quốc và tạp
chí Xưa và Nay cũng đã… Quả tình tôi
đã có “bực mình” tí chút, nhưng lo lắng nhiều hơn khi nghĩ rằng : Một
khi “Người Việt Cộng Sản” đã hòa giải hòa hợp đươc với một vài nhân vật
Quốc Gia tên tuổi nào đó thì cuộc đấu tranh để chuyển hóa chế độ từ độc tài
toàn trị qua chế độ dân chủ sẽ khó khăn và lâu dài hơn. Bởi mãi cho đến thời
điểm này, chưa bao giờ tôi tin vào thiện chí hòa giải – hòa hợp của bất cứ chế
độ độc tài toàn trị nào, độc tài toàn trị cộng sản lại càng không. Tất cả đều
là thủ đoạn chính trị. Đảng Cộng sản vẫn tăng cường tham nhũng, đàn áp phong
trào đấu tranh dân chủ, nhân quyền, và lệ thuộc ngoại bang – đặc biệt là Trung
Quốc nhiều hơn.
Trong mọi trường hợp, Lê Xuân Khoa luôn cho nhóm từ “Chống
Mỹ cứu nước” là một khẩu hiệu có tính cách bịp bợm của đảng Cộng Sản. Do
vậy mà ông viết: “trong khi hiện tượng “tự diễn biến” hay “tự giác” đang lan
rộng trong hàng ngũ đảng viên các cấp mà biện minh cho “chính nghĩa Cộng sản
trong cuộc kháng chiến “Chống Mỹ cứu nước”” như tôi đã làm trong bài đọc
sách là “lạc lõng, vô duyên”. Viết như thế, chẳng những Lê Xuân Khoa đã
chê bai miệt thị tôi, mà ông cũng đã chê bai miệt thị tất cả những ai, trực
tiếp hay gián tiếp, chống lại chính sách của Mỹ ở Việt Nam.
Theo tôi nếu không được nhân dân đồng tình ủng hộ thì dù đảng
Cộng Sản có thần thánh đến đâu cũng không thể Đánh Tây – Đuổi Mỹ để giành lại
độc lập và hoàn thành cuộc thống nhất đất nước được.
Do vậy không phải tôi biện minh, mà là tôi khẳng định : công
cuộc chống Mỹ cứu nước là nghĩa vụ của tất cả mọi người Việt Nam yêu nước.
Dù Lê Xuân Khoa có mắng mỏ McNamara thế nào đi nữa, thì tôi
vẫn tin vào lời tự xét của nhà lãnh đạo chiến tranh cao nhất của Mỹ hơn bất cứ
một sử gia hay một công dân Hoa Kỳ nào. Sau đây tôi xin chép lại lời của hai
vị:
Lời McNamara:
“Điểm số 3: chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa
quốc gia dân tộc là động lực thúc đẩy nhân dân (trong trường hợp này là Bắc
Việt và Việt Cộng) chiến đấu và chết cho những niềm tin và giá trị của họ - và
chúng ta vẫn tiếp tục lối đánh giá thấp đó cho đến tận ngày nay ở nhiều nơi
khác trên thế giới” (LXK sđdtr335).
Lời của Lê Xuân Khoa:
“Tệ hại hơn nữa là khi nhìn nhận chỉ có người Cộng Sản là
yêu nước, McNamara đã mặc nhiên kết tội Hoa Kỳ là đế quốc xâm lược” (LXK sđ
dtr335).
-- Về vấn đề Hòa giải dân tộc (lí do 3): Trong Bài Đọc Sách, tôi đã chỉ thảo luận cùng Lê
Xuân Khoa về những gì ông đã viết trong Việt
Nam 1945-1995. Còn những bài Lê Xuân Khoa viết ngoài cuốn sách tôi đã
đọc, thì tôi chưa thảo luận. Do vậy tôi đề nghị ngược lại là ông Lê Xuân Khoa
không nên căn cứ vào những bài viết sau này để bảo rằng tôi đã hiểu lầm hoặc cố
ý xuyên tạc.
Tôi trân trọng, chia sẻ với ông Lê Xuân Khoa về tuổi tác,
tình cảnh gia đình, và quyết định giã từ vũ khí.
CHU SƠN
17.11.2014
Nguồn:
http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/thu-cua-chu-son
Phần 1/5:
Phần 2/5:
Phần 3/5:
Phần 4/5:
Phần 5/5:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét