TRƯỚC
CƠN LỬA DỮ
Vĩnh Hảo
Đời
sống vốn bất toàn, vì tự bản chất, không có một cá thể nào (từ con người, gia
đình, xã hội, quốc gia) thực sự độc lập và có tự tính riêng của nó. Chính sự
tương hệ, tương thuộc giữa các cá thể đã làm cho hạnh phúc và khổ đau của một
người, không thể là điều riêng rẻ cá biệt của mỗi người ấy. Luôn có sự tác động
trực tiếp hay gián tiếp từ các yếu tố nguyên nhân, thuận duyên và nghịch duyên,
cùng kết quả, từ mọi phía ảnh hưởng lên đời sống của một cá nhân.
Bất toàn, vô thường, khổ đau, vì
vậy, là hệ quả tất nhiên từ nguyên lý duyên khởi, duyên sinh.
Nhưng trên thực tế đời sống, các
tai họa lớn ảnh hưởng đến số đông không phải đều do thiên nhiên, mà hầu như đều
do con người. Con người là tác nhân đáng sợ nhất gây tạo khổ đau cho kẻ khác
chỉ vì lòng tham lam của mình.
Khi một đảng phái, một chính
quyền, chỉ biết đến đặc quyền đặc lợi của mình, không quan tâm đến lợi ích của
số đông thì hậu quả nước mất, nhà tan chẳng phải là điều xa vời nữa. Không có
một triều đại thối nát, hại dân nào có thể tồn tại lâu dài khi nỗi thống hận
khổ đau của dân bị đẩy đến chỗ tận cùng bờ mé.
Nhưng làm thế nào mà con người
sống trong một xã hội, một đất nước, có thể thờ ơ, nguội lạnh, không màng đến
nỗi hiểm nguy đang trờ tới và bao nỗi thống khổ đang tràn ngập chung quanh! Chỉ
vì lửa chưa cháy đến nhà mình mà chỉ cháy ở đâu đó hay sao?
Lửa có thể cháy lan; mà một khi
đã có người cố tình phóng hỏa thì tai họa có thể đến bất cứ khi nào, bất cứ nơi
đâu.
Thật khó có thể lý giải về những
người trí
tuệ, từng quán sát tường tận căn nguyên và thực trạng khổ đau của kiếp
người, nhưng lại không thấy, không biết về những thảm họa môi trường đã và đang
xảy ra cho hàng triệu người chung quanh.
Thật khó hiểu về những người từ bi,
luôn quán sát và nghiệm chứng về nỗi thống khổ của sinh linh, xót nỗi đau của
muôn loài, nhưng lại không cảm, không nhận về những khổ đau mất mát của hàng
triệu người dọc suốt các tỉnh ven biển.
Và cũng thật khó giải thích về
những người uy
dũng, từng quán niệm về thân xác huyễn mộng, thế gian vô thường, sẵn sàng
hy sinh cả sinh mệnh để cứu người, cứu đời, mang lại phúc lợi cho tha nhân; lại
không thể cất lên được dù chỉ là một lời nói về sự thực, hay một cử chỉ tối
thiểu để bênh vực lẽ phải và công bình.
Im lặng (nếu không muốn nói là
thờ ơ, vô cảm) trước thảm trạng của một đại khối dân tộc, sẽ được đánh giá như
thế nào trong sử xanh mai hậu?
Chờ đợi cho đến khi nào mới gọi
là đúng lúc để nói một lời trung ngôn? Cho đến khi lửa cháy trên đầu ư? — Quá
muộn rồi.
Kẻ trí tuệ là người có thể thấy
trước điều xảy ra cho thiên hạ qua những nguyên nhân mà kẻ khác đã gieo, đang
gieo hoặc chuẩn bị gieo.
Kẻ từ bi là người có thể rơi lệ đau
xót cho nhân thế trước khi các thảm trạng rơi ập xuống thân phận bé nhỏ mong
manh của họ.
Kẻ uy dũng là người thấy biết và
cảm nhận sâu xa thực trạng thống khổ của con người và cuộc đời, mạnh dạn dấn
vào nơi hiểm nguy, mưu cầu lối thoát cho tất cả.
Một cá thể, một tổ chức (tôn
giáo hay đảng phái), không đủ trí, bi và dũng trước cơn lửa dữ, sẽ không xứng
đáng là một thành phần của đại khối dân tộc. Thái độ thờ ơ vô cảm sẽ cách ly
mình với con người và xã hội chung quanh, trong khi tự bản chất, mỗi cá nhân là
một mảng không thể tách rời trong tương quan trùng trùng với dân tộc và đất
nước mà người đó sinh ra.
Chúng
ta không thể tự nhận mình là một thành tố của dân tộc, nếu chưa bao giờ thấy,
cảm và hành động như một con người bi-trí-dũng giữa cuộc tồn sinh thống khổ
nầy.
Vĩnh Hảo
California,
21.8.2016
Ngụy biện hay dữ a!
Trả lờiXóaMột đốm cháy rừng, người ta đã khoanh vùng, cách ly chống cháy lan và dần xử lý. Đó là cách của trí huệ, điềm đạm, khôn ngoan.
Kẻ tiểu nhân vô năng trách sao thờ ơ. Lòng hắn không vui. Hắn muốn mọi thứ khuấy tung lên để cả khu rừng trở thành biển lửa.
Hóa ra... đóm lửa trên thực trạng, biển lửa trong lòng người.
Ngụy biện hay dữ a!
Trả lờiXóaMột đốm cháy rừng, người ta đã khoanh vùng, cách ly chống cháy lan và dần xử lý. Đó là cách của trí huệ, điềm đạm, khôn ngoan.
Kẻ tiểu nhân vô năng trách sao thờ ơ. Lòng hắn không vui. Hắn muốn mọi thứ khuấy tung lên để cả khu rừng trở thành biển lửa.
Hóa ra... đóm lửa trên thực trạng, biển lửa trong lòng người.