VIẾT CHO ĐÚNG SỰ THẬT
Trần Gia Phụng
Trong bài tựa đề “Viết cho đúng sự thật” ngày
23-11-2009, ông Lữ Giang đã đề cập đến bài “Lý do cuộc đảo chánh ngày
1-11-1963” của tôi. Tôi cảm ơn ông Lữ Giang đã viết bài phê
bình bài viết của tôi, nhưng tôi thành thật thưa với ông, lối viết tự cao và
khiêu khích cố hữu của ông chỉ gây thêm mâu thuẫn, chứ chẳng có ích lợi gì
trong việc trao đổi, học hỏi với nhau.
Sở dĩ tôi nói chuyện học hỏi, vì có lẽ ông cũng còn nhớ
trước đây ông đã từng gởi sách qua nhờ tôi hiệu đính những sai lầm căn bản về
kiến thức sử học của ông để ông xuất bản. Nếu lúc đó tôi dùng ngôn ngữ
trịch thượng, thiếu lễ độ với ông, thì chắc chắn chẳng giúp ích gì cho ông Lữ
Giang cả. Bây giờ xem như ông hiệu đính bài tôi viết, thì cũng tốt
thôi nhưng với ngôn ngữ từ tốn thì có lẽ hữu ích hơn. Suốt đời chúng
ta luôn luôn phải học hỏi, và tôi cũng đang khao khát học hỏi đây, ông Lữ Giang.
Ông Lữ Giang chống việc chụp mũ “cộng sản” hay “chống
cộng”, chống việc chụp mũ“lề trái” hay “lề phải”,
nhưng ông Lữ Giang là người chụp mũ tất cả những ai viết trái ý ông là “lề
phải”, rồi “phịa sử”, hết người nầy phịa sử đến người khác phịa
sử, trong khi ông viết như thế nào, phịa hay không phịa, thì thiên hạ biết rõ.
Một điều tôi muốn nói trước với ông Lữ Giang là tôi
chưa bao giờ tự nhận tôi là “sử gia”. Trong những lần phỏng vấn
trên các đài phát thanh, truyền hình hay trên báo, tôi luôn luôn xác nhận tôi
là người học sử, nghiên cứu sử và cố gắng viết sử, chứ chưa bao giờ
tôi tự nhận tôi là sử gia. Nếu có báo hay đài truyền thanh hay
truyền hình gọi tôi là sử gia, thì đó là quyền của họ, tôi không thể cấm họ
được. Ông Lữ Giang nên lưu ý là nếu tôi viết “phịa sử”,thì
người ta thấy ngay, hiểu ngay và không tử tế với tôi đâu. Ông Lữ
Giang cố gắng viết cho đàng hoàng, nghiêm túc, tự nhiên sẽ có nhiều người gọi
ông là “sử gia”. Ông khỏi phải nhọc công xoi mói.
Bây
giờ, tôi xin trả lời từng điểm ông Lữ Giang (LG) đã
đưa ra.
1.- Chuyện
ải Nam Quan : Dù ông LG nói lui nói
tới theo ý của ông, nhưng ông không thể chối cãi rằng ải Nam Quan có hai nghĩa
: ải Nam Quan là một cái đèo hay đoạn đường đèo và kiến trúc trên
đèo. Trên đoạn đường đèo đó có hai phần kiến trúc : kiến trúc
của Trung Hoa và kiến trúc của Việt Nam. Ngang qua mặt ải do
người Trung Hoa xây trước là ranh giới giữa hai nước. Hình ảnh vẫn
còn đó. Bây giờ, Trung Cộng đã nuốt luôn công trình kiến trúc của
Việt Nam và nuốt luôn đoạn đường đèo đó, thưa ông Lữ
Giang. Nếu ông bảo tôi phịa, thì xin hỏi ông công trình kiến trúc về
phía Việt Nam do người Pháp chụp hình còn lưu lại, nay nằm ở đâu ?
2.- Bài đăng báo Bài “Lý do cuộc đảo chánh
1-11-1963” tôi không đăng trên dconline.net (LG viết 2 lần
trong bài của LG), mà tôi đăng trên danchimviet online edition. Xin
lưu ý ông LG có hai web site là D.C.V. Online và Danchimviet
online edition. Tôi đăng trên Danchimviet online edition và Danchimviet
online edition cũng không sợ ông đến nỗi như ông nói mà rút bài tôi
lại. Vì bài vở càng ngày càng chồng chất, nên những bài gởi lâu phải
vào hồ sơ lưu trữ, nhường chỗ cho bài khác. Không phải riêng danchimviet
online mà báo nào cũng thế. Bây giờ ông LG cứ vào kho lưu
trữ của web site nầy thì sẽ thấy ngay bài tôi vẫn còn đó. Như vậy,
không biết ông LG hấp tấp lộn địa chỉ web site, hay cố tình phịa ra để cho oai,
vì người ta sợ bài của LG nên phải cất bài TGP ? Mới
nhập đề đã thấy ai phịa rồi ?
3.- Ai ban hành dụ số 10 ? : Tôi viết : “Chính sách
tôn giáo của chính phủ Diệm dựa trên Dụ số 10 do chính phủ Trần Văn Hữu ban
hành ngày 6-8-1950 dưới thời quốc trưởng Bảo Đại.” Ông LG tỏ ra
rất hiểu biết về pháp luật, nhưng sau khi nói quanh co một đoạn về Trần Văn
Tuyên, ông LG lại viết : “Ông [luật sư Trần Văn
Tuyên] đã trình Thủ tướng Trần Văn Hữu phê chuẩn và gởi qua Pháp
cho Bảo Đại ký, vì lúc đó Bảo Đại đang ở Pháp.” Trước sau gì
cũng Trần Văn Hữu và Bảo Đại. Vậy tôi viết đúng sự thật hay
tôi phịa ra, thưa ông LG ?
4.- Ở mô cũng như rứa (từ
ngữ của LG) : Ông
LG cho rằng : "ông Trần Gia Phụng không hề biết rằng các
quốc gia lớn trên thế giới (như Pháp và Mỹ) cũng quy định không khác
gì Dụ số 10, vì Dụ số 10 cóp luật về hiệp hội của Pháp.” Ông nói
đúng, tôi không hề biết và cũng không cần biết những điều trên thế giới, vì
biết để làm gì? Tôi chỉ cần biết tại Việt Nam, dưới thời chính phủ
Ngô Đình Diệm, việc treo cờ được quy định như vậy, và được chính
quyền Diệm giải thích và thi hành theo cách của chính phủ Diệm, chứ
không thi hành theo cách các nước ngoài.
Giải thích và thi hành của chính phủ Diệm như thế nào thì cở
tuổi chúng ta, ông và tôi ai cũng biết. Nếu nói đến tài liệu của Đỗ
Mậu hay của Vũ Ngự Chiêu ông đều chê, thì mời ông vào thêm những tài liệu khác
của Trần Văn Đôn, Nguyễn Trân, và nhất là tài liệu của linh mục Cao Văn
Luận (chương 13 : “Chế độ bắt đầu nứt rạn”). Linh
mục Luận là một tu sĩ Ky-Tô giáo, không lẽ lại phịa ra để nói không
tốt về ông giám mục và ông tổng thống đồng đạo hay sao ?
Sau đây là lời LM Cao Văn Luận nói với đại sứ Nolting ngày
14-5-1963 tại Sàigòn :"Cách đây chỉ ít tháng, có nhiều cuộc lễ bên Công
giáo, như lễ tựu chức của giám mục (Ngô Đình Thục], và các
cuộc rước kiệu, bên Công giáo đã treo cờ khắp nơi bên ngoài khuôn viên nhà thờ,
sao lúc ấy không có lệnh cấm, và không thi hành lệnh cấm một cách
nghiêm chỉnh.” (L.M. Cao Văn Luận, Bên giòng lịch sử 1940-1975,
Sacramento: TanTu Research tái bản, 1983, tr. 233.) Như thế, trong
việc thi hành luật của chính phủ Diệm có khác nhau giữa Công giáo và Phật giáo
không, thưa ông LG ? Chính cái khác nhau đó giải thích
câu “chế độ đặc biệt cho các hội truyền giáo Thiên Chúa và Gia-Tô…”, chứ
cần chi phải giải thích dài dòng.
5.- Dụ số 10 không quy định việc treo cờ : Theo ông LG giải thích, dụ số 10 không quy
định việc treo cờ mà việc treo cờ được ấn định trong văn kiện bộ Nội vụ năm
1962. Thưa ông LG, đó là văn kiện nào thế? Văn kiện đó xuất
hiện ngày nào, xin ông LG vui lòng cho biết để chúng ta cùng vào Công
báo Việt Nam Cộng Hòa tìm lại. Tôi cũng cần tìm
lại để học hỏi thêm. Còn tướng Trần Tử Oai là đại diện của chính phủ
Diệm, thì phải nói tốt cho chính phủ Diệm, chứ tướng Oai biết nói gì hơn
? Nếu ông LG là luật sư bào chữa, ông luôn luôn phải nói tốt cho
thân chủ của ông. Trường hợp tướng Trần Tử Oai, nếu ông Oai nói khác thì sẽ bị
lột lon, cách chức nếu không thì đi tù. [Tôi xin thêm : Tôi
đã bỏ nhiều thời giờ để tìm trong sách Hai mươi năm qua của Đoàn Thêm về văn
kiện của bộ Nội vụ năm 1962 mà LG ông nói đến, nhưng tôi không
thấy. Ông LG có gặp trong sách đó thì xin cho tôi biết.]
Riêng tài liệu mà tôi có, thì nghị định số 358-BNV/KS ngày
9-7-1963 ấn định thể lệ treo cờ Phật giáo, và nghị định số 396/NV/KS ngày
29-7-1963 áp dụng thể lệ treo cờ cho các môn phái công nhận Phật giáo
kỳ. (Đoàn Thêm, Hai mươi năm qua 1945-1964 việc từng ngày,California:
Nxb. Xuân Thu tái bản không đề năm, tt. 254, 256.) Hai nghị định nầy xuất
hiện sau biến cố Phật giáo ở Huế và trước khi phái đoàn Phật giáo Thế giới đến
Sài Gòn ngày 24-10-1963, nên tướng Trần Tử Oai mới dựa vào đó để trả
lời. Ở đây, ông LG ghi thêm một điểm phịa nữa là văn kiện của bộ Nội
vụ ký vào tháng 7-1963 được ông Lữ Giang hóa phép thành năm 1962, để bào chữa
cho lập luận của ông. Ai phịa thế ông Lữ Giang ?
6.- Ngụy luận vì thiếu hiểu biết : Ông LG viết : “Điều thứ 44 (không
phải điều 45 như ông Trần Gia Phụng nói) của Dụ số 10 có quy định
: “Chế độ đặc biệt cho các hội truyền giáo Thiên chúa và Gia tô
và các Hoa kiều Lý sự hội sẽ ấn định sau.” Căn cứ vào điều luật
này, các tăng sĩ Phật giáo đấu tranh và ông Trần Gia Phụng cho rằng Dụ số 10 đã
ưu đãi Thiên Chúa Giáo (không nhắc gì đến Hoa Kiều Lý Sự Hội) ! “ (Ông
LG in đậm)
Như đã trình bày ở trên, luật lệ là một việc, giải thích và
thi hành là một việc. Cách giải thích của ông LG dựa vào sự thỏa
thuận giữa hai chính phủ Pháp và Quốc Gia Việt Namtheo Hiệp định Élysée. Nếu
chính phủ Diệm hiểu như vậy, và tỏ ra công bình trong việc treo cờ thì làm gì
sinh chuyện ? Đàng nầy, chính phủ Diệm hiểu theo cách của chính phủ
Diệm: Đó là “Chế độ đặc biệt” nghĩa là không bị ràng buộc
vào dụ số 10 nên như lời LM Cao Văn Luận nói với đại sứ Nolting
: “bên Công giáo đã treo cờ khắp nơi bên ngoài khuôn viên
nhà thờ, sao lúc ấy không có lệnh cấm, và không thi hành một lệnh cấm một cách
nghiêm chỉnh”. Trong trường hợp nầy ai là người ngụy luận và
thiếu hiểu biết thưa ông LG ? Không lẽ là LM Cao Văn Luận ?
7.- Chuyện “Bể tan vì chế độ đặc biệt” không
liên hệ đến bài nầy.
8.- Chuyện giám mục Ngô Đình Thục vận động để dược
phong hồng y : Ông
LG đưa ra ba điều kiện để được phong hồng y : “1)
Nếu lúc đó Tòa Thánh Vatican muốn nâng một giáo sĩ Việt Nam lên làm Hồng Y thì
người đó phải là Tổng Giám Mục Hà Nội hay Sài Gòn chứ không phải là
Huế. (2) Số giáo dân được rửa tội hàng năm đều phải ghi vào sổ rửa tội
và báo cáo cho Tòa Thánh biết, nên ông Diệm không thể muốn bắt ghi bao nhiêu
giáo dân cũng được. (3) Việc suy cử một giáo sĩ làm Hồng Y thường dựa vào đề
nghị của Hội Đồng Giám Mục và Khâm Sứ Tòa Thánh chứ không bao giờ dựa vào những
chuyện vớ vẫn như thế.”
Không ai cãi những điều ông LG đưa ra, nhưng đây là những
điều kiện để Tòa thánhVatican xét phong hồng y; còn việc vận động để được
phong hồng y là hoàn toàn chuyện khác. Nguyễn Tất Thành khi
đến Paris năm 1911 đâu có đủ điều kiện để vào học trường Thuộc
Địa Paris, mà vẫn làm đơn xin nhập học. Do đó giám mục Thục vận
động là một việc, còn Tòa thánh Vatican chấp thuận hay không là việc
khác. Lúc đó, mới xin ông LG mở luật của Tòa thánh ra.
Nếu sống trên đời ai cũng thực hiện đúng theo luật lệ thì làm
gì có chuyện mà bàn. Khổ nỗi, có nhiều người xem thường luật lệ, muốn làm
theo ý mình mới sinh ra nhiều chuyện. Mời ông LG hãy đọc câu nói của giám
mục Ngô Đình Thục với LM Cao Văn Luận tại Huế ngày 9-5-1963 : "Những
anh công chức và quân nhân nào mà treo cờ Phật giáo hôm ấy, tôi sẽ cho nó lên
Ban Mê Thuột hay Pleiku. Còn mấy anh “trọc” chùa Từ Đàm nếu cứ
lộn xộn thì sẽ cho đi Côn đảo.” (Cao Văn Luận, sđd. tr. 232.) Đây
là tôi trích nguyên văn lời tường thuật của một linh mục Ky-Tô
giáo La Mã chứ không phải là “phịa sử”, thưa ông Lữ Giang. Ông Ngô Đình
Thục quyền uy như thế thì chuyện ông vận động để được phong hồng y
là chuyện có thể xảy ra. Giám mục Thục vận động làm hồng y là chuyện
dân chúng lúc đó bàn tán xôn xao và một số tài liệu ghi lại. Ngoài
việc vận động để được phong hồng y, trong giới Ky-Tô hữu, ai cũng biết những
hoạt động của giám mục Thục. Có lẽ ông LG không cần nhắc chuyện dài
của giám mục Thục bị Đức giáo hoàng treo chén vì phạm luật sau năm 1975 ? Có
cần thiết không ông LG ?
9.- Viết theo “lề đường bên phải” : Như trên đã nói, bất cứ ai không viết theo ý ông
LG đều bị ông LG chụp cho một cái mũ là “phịa sử”, “lề phải, lề trái”, trong
khi chỉ riêng trong phạm vi bài nầy, tôi đã chứng minh ông LG hơn một lần phịa
chuyện.
Riêng tôi, tôi học sử và viết lại lịch sử theo những điều
tôi hiểu biết và tôi cố gắng tránh thiên vị và quá khích. Bằng chứng
là khi viết về “lý do cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963”, tôi
viết rằng tổng thống Ngô Đình Diệm chủ trương tập trung quyền
lực. Có người viết e-mail trách tôi là sao không nói ông Diệm độc
tài mà lại nói tập trung quyền lực ?
Có thể tôi viết sai vì sức học kém, vì ít đọc tài liệu, vì
những tài liệu tôi dùng bị sai, nhưng chắc chắn không phải tôi viết theo lề bên
phải hay bên trái. Dầu sao, tôi vẫn cảm ơn ông Lữ Giang vì nhờ ông
tôi mới có cơ hội viết thêm về một số vấn đề tôi chưa viết.
Có một điều cần nhấn mạnh là cá nhân người nào làm thì người
đó chịu trách nhiệm, đừng vì cá nhân đó theo tôn giáo nầy hay tôn giáo khác mà
đưa vấn đề thành sự đối đầu tôn giáo rất nguy hiểm. Ví dụ trường hợp
tôi viết về chế độ Ngô Đình Diệm, thì chế độ Diệm có điểm tốt mà cũng có điểm
không tốt. Rủi một điều là cái điểm không tốt nguy hại nhất cho chế
độ Diệm chính là vụ treo cờ Phật giáo mà ai đã từng ở miền Trung, nhất là ở Huế
và Đà Nẵng đều thấy và biết. Chuyện nầy cũng được các tác giả Ky-Tô
giáo viết lại, ví dụ cụ thể nhất là linh mục Cao Văn Luận. Từ cái
điểm không tốt nầy mới nẩy sinh ra đủ thứ chuyện, làm sụp đổ chế độ
Diệm. Cái điểm không tốt nầy thuộc về trách nhiệm cá nhân hai ông
Ngô Đình Thục và Ngô Đình Diệm chứ không liên hệ gì đến Ky-Tô giáo
cả. Phải tách bạch rõ ràng như thế để tránh những hiểu lầm đáng
tiếc, những chụp mũ vu vơ.
Như thế, tôi đã trả lời ông LG từng điểm
một. Cuối cùng, vì ông đã dùng một điển tích cũ để kết luận bài của
ông, nên tôi cũng xin phép dùng một điển tích cũ để kết luận bài
nầy. Trong Phật pháp, chuyện xưa kể rằng một hôm Đức Phật đến truyền giáo
tại một xứ nọ, có một người đàn bà đến dâng lễ lên Đức Phật.
Ngài biết rằng người đàn bà nổi tiếng hỗn láo trong làng,
nên Ngài hỏi : "Ngươi biếu cho ta những thứ nầy, nếu ta không
nhận thì ngươi làm gì ?”
Bà ta trả lời "Nếu ông không nhận thì tôi
đem về.”
Đức Phật ôn tồn bảo : "Lâu nay ngươi
hỗn hào chửi rủa người ta, người ta không nhận, vậy người hãy nhận lại đi.”
Vâng tôi xin tặng ông Lữ Giang câu chuyện nầy để từ nay về
sau, ông phê bình lịch sự, nghiêm túc, tôi xin tiếp thu, học
hỏi. Còn nếu với ngôn ngữ như trong bài viết “Viết cho đúng
sự thật”, thì xin ông tự mang về, chứ sẽ tôi không trả lời.
TRẦN GIA
PHỤNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét