Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014







Đề tài này có thể rất tế nhị. Nếu là người Việt mà nói “tôi không tự hào là người Việt” thì chắc chắn sẽ bị “ném đá” như Hồi giáo ném đá những người ngoại tình. Một cuốn sách có tựa đề là “Tôi tự hào là người Việt Nam” mới xuất bản và đã bán hết 10000 cuốn đủ để nói đề tài này làm ấm lòng rất nhiều người như thế nào. Tôi chưa đọc quyển sách đó, nhưng đọc phần nhận xét của báo chí thì thấy hình như hàm lượng tri thức không cao (1). Đọc qua bài tường thuật một hội thảo cùng chủ đề cũng chỉ thấy những phát biểu chung chung. Vậy chúng ta có lí do gì để tự hào là người Việt Nam? Tôi nghĩ thành thật mà nói, chúng ta không có nhiều lí do. Khi tôi hỏi về câu này, nhiều người có học và suy nghĩ nói thẳng rằng họ không tự hào là người Việt Nam. Ở đây, tôi thử đóng vai một “devil advocate” về đề tài này.

Điều gì làm cho người ta tự hào là thành viên của một cộng đồng dân tộc? Nói đến tự hào dân tộc, có lẽ người Nhật có lòng tự hào cao nhất nhì thế giới. Năm 2008, kết quả điều tra xã hội ở Nhật cho thấy 93% người Nhật tự hào là người Nhật (2), và tỉ lệ này cao hơn Mĩ (85%). Con số này ở Nhật năm 1986 là 91%. Khi được hỏi điều gì làm cho họ tự hào là người Nhật thì 72% trả lời là yếu tố lịch sử, truyền thống và văn hoá, 43% trả lời là phong cảnh thiên nhiên. Ngoài ra, 28% chọn sự ổn định xã hội và an toàn, và 28% khác chọn đặc tính dân tộc làm cho họ tự hào. Người Nhật quá tự hào đến nỗi họ không nhận trợ giúp trong cơn bão Fukushima.
Riêng tôi muốn bổ sung những yếu tố trên và nghĩ đến 6 yếu tố sau đây: truyền thống và văn hoá, kinh tế, giáo dục & khoa học, xã hội ổn định, phong cảnh thiên nhiên, và trách nhiệm với cộng đồng thế giới. Phải nói ngay rằng xét đến 6 yếu tố này thì chúng ta rất khó mà tự hào là người Việt.

Truyền thống và văn hoá nghèo nàn & thiếu bản sắc tích cực

Thật khó chỉ ra một nét văn hoá đặc thù nào mang tính Việt Nam. Hỏi một người Việt Nam bình thường chỉ ra một nét văn hoá định hình Việt Nam, chắc chắn người đó sẽ lúng túng. Điều này dễ hiểu vì chúng ta khởi đầu từ một nền văn minh nông nghiệp (lúa nước) nhưng lại chịu ảnh hưởng bởi văn hoá Tàu cả ngàn năm. Hệ quả của sự ảnh hưởng đó để lại cho VN những đặc điểm mà chúng ta đều có thể nhận ra như tính vọng ngoại, chuộng bạo lực, tính vị kỉ, tính khoa trương bề ngoài và thiếu thực chất bên trong, v.v. Một nhà văn hoá xuất sắc là Đào Duy Anh từng nhận xét về người Việt Nam (trong “Việt Nam văn hoá sử cương”) như sau:
Về trí tuệ thì người Việt Nam đại khái thông minh, nhưng xưa nay ít thấy có người trí tuệ lỗi lạc phi thường; sức ký ức thì phát đạt lắm, mà giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, thích văn chương phù hoa hơn là thực học; Não tưởng tượng thường bị não thực tiễn hòa hoãn bớt cho nên dân tộc Việt Nam ít người mộng tưởng, mà phán đoán thường có vẻ thiết thực lắm; Sức làm việc khó nhọc, nhất là người ở miền Bắc, thì ít dân tộc bì kịp; Cảm giác hơi chậm chạp, song giỏi chịu đau đớn cực khổ và hay nhẫn nhục; Tính khí cũng hơi nông nổi, không bền chí, hay thất vọng; Hay khoe khoang trang hoàng bề ngoài, ưa thích hư danh; Thích chơi bời cờ bạc; Não sáng tác thì ít, nhưng mà bắt chước, thích ứng và dung hòa thì rất tài; Người Việt Nam lại rất trọng lễ giáo, song cũng có não tinh vặt, hay bài bác chế nhạo”.
Nói tóm lại những đặc tính về người Việt trên đây chẳng làm cho chúng ta tự hào. Những nét văn hoá đó càng lộ ra khi người Việt bắt đầu hội nhập quốc tế hay định cư ở nước ngoài. Chúng ta đã từng đọc và nghe những câu chuyện người Việt ăn cắp trong các siêu thị ở Nhật, Singapore, Úc, v.v. Chúng ta cũng từng nghe biết người Việt hám ăn và phung phí ra sao. Nhiều người biện minh rằng đó chỉ là số ít và chỉ tập trung vào một nhóm người ít học. Nhưng biện minh đó không thuyết phục, khi chúng ta biết rằng những người Việt ăn cắp ở nước ngoài là những người có học, là quan chức đang làm việc trong cơ quan công quyền, thậm chí đang hành nghề giảng dạy về đạo đức sống! Chúng ta cũng biết rằng sự hám ăn của người Việt nổi tiếng đến nỗi nhà hàng Thái Lan và Nhật phải để những tấm biển viết bằng tiếng Việt cảnh cáo. Phải nhìn nhận những thực tế đó, chứ không nên trốn tránh.

Ngay cả người Việt định cư ở nước ngoài cả vài chục năm vẫn giữ những bản sắc chẳng có gì đáng tự hào. Ở Úc, người Việt là một sắc dân có nhiều thanh thiếu niên ngồi tù. Cộng đồng người Việt ở Mĩ được xem là khá thành công, nhưng thực tế vẫn cho thấy đó là một cộng đồng nghèo và họ thường sống co cụm với nhau và thiếu khả năng hội nhập như cộng đồng người Nhật, Phi Luật Tân hay Hàn Quốc. Vì sống co cụm với nhau nên chúng ta dễ thấy bản sắc văn hoá của người Việt được duy trì như thế nào. Hãy đến những khu thương mại của người Việt ở Sydney, chúng ta dễ dàng thấy đó là những khu tấp nập buôn bán, nhưng nhìn kĩ thì sẽ thấy sự dơ bẩn, ồn ào, mất trật tự, và chen chúc chật hẹp. Nhìn kĩ hơn, chúng ta sẽ thấy hàng quán người Việt chỉ là ăn uống chứ không có những sinh hoạt mang tính văn hoá nào cả.

Về chính trị, VN cũng chẳng có gì đáng tự hào. Nền tảng chính trị VN trước đây (ở miền Bắc) và sau này (cả nước) lệ thuộc vào Tàu và Liên Xô. VN vẫn theo một chủ nghĩa lỗi thời và đã hết sức sống, một chủ nghĩa mà nơi khai sinh ra nó đã khai tử nó hơn 20 năm trước đây. Người Việt chẳng phát kiến được một chủ thuyết chính trị nào, mà chỉ rập khuôn theo chủ nghĩa Mao – Stalin. Không thể nào tự hào khi mà chính quyền ra rả mỗi ngày bảo người dân phải làm gì và giảng giải rằng yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội!

Người Úc tự hào vì họ có nền chính trị dân chủ, mà trong đó người dân có tự do thực hiện hoài bảo của mình, và chính phủ không lên lớp dạy bảo người dân phải làm gì hay làm ra sao. Người Mĩ tự hào vì họ có một nền dân chủ ổn định và hào hiệp giúp đỡ nhiều nước khác trên thế giới. Người Việt chúng ta khó mà tự hào như người Úc hay người Mĩ về tiêu chí chính trị.
Nhiều người Việt Nam rất tự hào rằng VN đã đánh thắng các đế quốc sừng sỏ nhất như Tàu, Pháp, và Mĩ. Chiến tranh là giải pháp của người thích cơ bắp chứ đâu phải là biện pháp của người thông minh. Vả lại, chiến tranh nhân danh chủ nghĩa và đánh thuê hay đánh dùm cho kẻ khác thì càng chẳng có gì để tự hào. Nhưng để thắng Pháp, thắng Mĩ, thì hàng triệu người Việt phải hi sinh, và đất nước nghèo mạt cho đến ngày hôm nay. Đằng sau những cái vinh quang chiến thắng là biết bao sai lầm và tội các đã bị che dấu. Người Thái Lan tự hào vì họ tránh được chiến tranh và giữ được hoà bình. Người Nhật chấp nhận đầu hàng trong cuộc chiến quân sự nhưng lại thắng trên trận chiến kinh tế, và họ tự hào điều đó. Tôi nghĩ nếu VN tránh được chiến tranh mới là điều đáng tự hào, chứ chiến tranh –- bất kể thắng hay thua –- thì chẳng có gì đáng tự hào. Làm người hùng vài phút để sau này mang tật suốt đời và rách nát thì rất khó xem đó là niềm tự hào.

Thất bại về kinh tế

Cho đến nay, dù chiến tranh đã kết thúc gần 40 năm, VN vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới. VN không có bất cứ một tập đoàn kinh tế nào làm ăn thành công; tất cả những “VINA” hoặc là đã thất bại thê thảm, hoặc đang trong tình trạng thoi thóp. Nói đến Hàn Quốc người ta nghĩ đến Samsung, Kia, Hyundai; nói đến Nhật người ta nghĩ đến Toyota, Honda, Mazda, Sony, Panasonic, Toshiba và vô số các thương hiệu khác; còn nói đến VN chúng ta không có bất cứ một thương hiệu nào trên thế giới. Đến một cây kim, vít ốc, VN vẫn chưa sản xuất đạt chất lượng.

Trước 1975 ở miền Bắc cuộc Cải cách ruộng đất đã để lại nhiều “di sản” tiêu cực cho nền kinh tế nông nghiệp. Trước 1975, có thể nói kinh tế miền Bắc không đáng kể, trong khi kinh tế miền Nam phát triển khá, tuy chưa bằng Hàn Quốc nhưng cũng tương đương hay xấp xỉ các nước trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng sau 1975, với chính sách cải tạo công thương và hợp tác xã nông nghiệp đã dẫn đến tình trạng suy sụp kinh tế, sản lượng nông nghiệp suy giảm thê thảm, và đời sống người dân vô cùng khốn khó một thời gian dài. Gần đây, một loạt tạp đoàn kinh tế bị sụp đỗ đã gây thiệt hại đáng kể cho kinh tế nước nhà. Ngay cả hiện nay, mỗi năm có gần 50 ngàn doanh nghiệp đóng cửa. Có thể nói không ngoa rằng trong suốt 70 năm qua, kinh tế VN đi từ thất bại này đến thất bại khác.

Bất cứ so sánh nào cũng khập khiễng, nhưng cần phải nhắc lại yếu tố thời gian rằng nước Nhật chỉ cần 20 năm là đạt được trình độ phát triển của các nước Âu Mĩ, Hàn Quốc cũng chỉ mất 20 năm để vươn mình thành một quốc gia tiên tiến, và gần nhất là Singapore cũng chỉ mất khoảng thời gian đó đến đưa thu nhập bình quân đầu người lên con số 55182 USD. Còn ở VN, thu nhập đầu người đến nay vẫn chưa đạt con số 2000 USD.

VN cơ bản vẫn là một nước nghèo. Theo World Bank, tỉ lệ nghèo ở VN tuy có cản tiến, nhưng vẫn ở mức ~21%. Ấy thế mà chính quyền VN thì tuyên bố rằng tỉ lệ nghèo chỉ 7%! Cái nghèo ở VN phải nói thật là thê thảm. Báo chí hôm qua mới đưa tin một em bé học sinh vì quá đói nên đã chết trên đường từ trường về nhà. Trước đó, một bà mẹ và 3 con đã vào rừng treo cổ tự tử vì nghèo đói. Ở miền Tây Nam bộ, một bà mẹ tự tử chết để người đi phúng điếu và lấy tiền đó nuôi con ăn học. Chưa bao giờ trong lịch sử VN có những trường hợp thương tâm như thế. Trong khi đó, có những đại gia bỏ ra hàng tỉ đồng để xây nhà cho chó mèo ở, có những người “đày tớ của nhân dân” sẵn tay vung tiền xây lâu đài, biệt thự cá nhân. Người Việt nào có thể nào tự hào khi đất nước có quá nhiều người nghèo như thế?

Giáo dục và khoa học làng nhàng

Những con số thống kê cho thấy người Việt Nam thiếu tính sáng tạo. Số bằng sáng chế đăng kí mỗi năm chỉ đếm đầu ngón tay và cũng chủ yếu do các công ti nước ngoài làm. Có năm VN chẳng có bằng sáng chế nào được đăng kí với nước ngoài. Số bài báo khoa học của VN trên các tập san ISI hiện nay chỉ khoảng 2000, chưa bằng số bài báo của một đại học lớn ở Singapore, Mã Lai, Thái Lan. Phần lớn (~80%) những bài báo khoa học của VN là do các nhà khoa học nước ngoài chủ trì hay giúp đỡ.

Người VN thường hay tự hào rằng VN có những người thợ khéo tay. Nhưng trong thực tế thì không phải vậy. Sự tinh xảo của người Việt chúng ta rất kém. Một người Pháp tên là Henri Oger (3) từng nhận xét về người Việt vào đầu thế kỉ 20 như sau:
“Thợ thủ công An Nam cũng bị nhận xét là kĩ thuật sơ sài, không được giảng dạy đầy đủ về nghề nghiệp, thiếu sáng tạo, không có những phẩm chất đã khiến cho người thợ ở châu Âu trở thành nghệ sĩ.”

Làm ẩu. Kĩ thuật sơ sài. Thiếu huấn luyện. Thiếu sáng tạo. Tất cả những nhận xét đó đều đúng. Không khó khăn gì để có thể đi tìm những bằng chứng thực tế làm cơ sở cho những nhận xét đó. Gần đây khi công ti thời trang Hermes muốn làm một cái cổng cho cửa hàng ở Hà Nội mà hết 5 đợt thợ VN làm đều không đạt, và cuối cùng họ phải nhờ đến một nhóm thợ từ Pháp sang để làm. Tôi đi qua cây cầu Nhơn Hội nhìn từ xa rất hoành tráng ở Qui Nhơn, nhưng đi trên cầu mới thấy họ làm rất ẩu, thô, và có khi nguy hiểm. Ngay cả cây cầu Rạch Miễu mới rầm rộ khánh thành cũng có nhiều vấn đề kĩ thuật, và cũng rất thô. Nhìn gần những tấm hình kí giả chụp trên cầu Rạch Miễu mới thấy cách làm của ta rất … hỡi ôi. Hình như người mình không có thói quen xem xét đến chi tiết, mà chỉ làm chung chung hay làm cho có mà thôi. Nhiều công trình của Việt Nam chỉ làm hình như nhằm mục tiêu khoe là “ta làm được”, rồi dừng ở đó, chứ không đi xa hơn. Thật ra, ngay cả “ta làm được” cũng không hẳn là làm được. Điều này rất tương phản với người Tây phương, những người mà khi làm cái gì họ cũng tính toán cẩn thận, xem xét từng chi tiết nhỏ, đánh giá lợi và hại một cách khách quan, v.v., cho nên khi công trình hoàn tất nó thường có chất lượng cao và lâu bền.

Việt Nam ta nổi tiếng làm gia công quần áo cho các công ti Tây phương. Quần áo họ gia công đẹp, và khi ra ngoài này, thường bán với giá rất cao. Nhưng còn hàng trong nước cũng do những công ti gia công đó làm với nhãn hiệu “chất lượng cao” thì sao? Nói ngắn gọn là chất lượng thấp thì đúng hơn. Họ cũng bắt chước may những cái cáo sơ mi hiệu Polo, Nautica, Tommy Hilfiger, v.v., nhưng nhìn kĩ thì họ bắt chước rất kém. Chỉ nhìn qua đường chỉ là thấy họ làm ẩu. Nhìn qua cách họ làm logo cũng dễ dàng thấy đây là đồ dỏm, bắt chước. Người Tàu cũng làm hàng nhái, nhưng họ nhái giỏi hơn người Việt. Hàng nhái của Tàu lợi hại đến nổi chúng ta khó nhận ra thật và giả. Còn hàng nhái của Việt Nam thì còn quá kém. Làm hàng nhái mà còn làm không xong thì chúng ta khó mà nói đến chuyện lớn được.

Do đó, có thể nói rằng người Việt thiếu tính sáng tạo, không tinh xảo và không khéo tay. Chẳng có gì đáng tự hào về giáo dục và khoa học. Có người lấy những tấm huy chương Olympic ra để tự hào rằng người Việt cũng thông minh chẳng kém ai, nhưng họ quên rằng đó chỉ là những con “gà chọi” chứ không hề đại diện cho đám đông dân số VN. Lại có người thấy người Việt thành công ở nước ngoài và nhận bừa đó là minh chứng cho sự thông minh của người Việt, nhưng họ quên rằng những người đó do nước ngoài đào tạo, chứ chẳng dính dáng gì đến VN. Kiểu “thấy người sang bắt quàng làm họ” như thế và kiểu lấy những tấm huy chương đó để tự hào là một sự ấu trĩ.

Xã hội bất an

Sẽ không quá đáng nếu nói rằng VN ngày nay là một xã hội bất an. Ở trên, tôi có nói người Việt chuộng bạo lực, và sự “ưa chuộng” đó thể hiện rất rõ trong thời bình. Tôi không rõ thống kê về tội phạm ở VN so với các nước khác ra sao (vì VN không công bố tỉ lệ này), nhưng vài số liệu gần đây cho thấy tình hình tội phạm càng ngày càng gia tăng. Trong thời gian 1992-1994, mỗi năm trung bình có 26344 vụ án hình sự được đưa ra xét xử ở toà; đến năm 2006-2008 thì con số này là 65761 vụ (4), một tỉ lệ tăng gần 2.5 lần!

Đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm giết người. Mỗi năm số vụ tội phạm giết người là hơn 1000 vụ và đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây. Chưa nơi nào có những vụ giết người vô cớ như ở VN: chỉ một cái nhìn cũng có thể dẫn đến cái chết! Vẫn theo thống kê, trong các vụ án giết người, giết người do nguyên nhân xã hội chiếm 90%, phần còn lại là chiếm đoạt tài sản (10%).
Một trong những tội phạm đang kinh tởm nhất là buôn bán phụ nữ và trẻ em, và VN đứng khá cao trong loại tội phạm này. Số liệu thống kê từ năm 1998 đến 2006 cho thấy lực lượng chức năng đã phát hiện khoảng 5000 phụ nữ và trẻ em bị buôn bán!

Chưa hết, tội phạm cưỡng hiếp phụ nữ ở Việt Nam cũng có hạng trên thế giới. Theo một thống kê gần đây, VN ở hạng thứ 9 về tỉ lệ tội phạm và nạn nhân bị cưỡng hiếp thấp (5). Singapore đứng đầu bảng về an toàn cho phụ nữ. Việt Nam là nước tìm kiếm “sex” trên Google nhiều nhất thế giới (6). Thử hỏi, chúng ta có thể tự hào với thứ hạng như thế?

Đó là chưa kể một loại buôn bán phụ nữ khác được quảng cáo ở các nước như Tàu, Đài Loan, Singapore và Đại Hàn. Chưa bao giờ người Việt Nam chịu nhục khi con gái VN được cho đứng trong lồng kiếng như là những món hàng để người ta qua lại ngắm nghía và trả giá! Thử hỏi, có người Việt Nam nào tự hào được khi đồng hương mình bị đem ra rao bán như thế. Xin đừng nói đó là những trường hợp cá biệt; đó là tín hiệu cho thấy một đất nước đang bị suy đồi về đạo đức xã hội.

Ở VN, bước ra đường là chấp nhận rủi ro tai nạn, thậm chí chết vì sự hỗn loạn của hệ thống giao thông. Thật vậy, tai nạn giao thông ở VN đã và đang trở thành nỗi kinh hoàng của không chỉ người dân địa phương mà còn ở du khách. Năm 2013 cả nước xảy ra 31,266 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9805 người và bị thương 32,266 người (7). Con số này tăng hàng năm. Số tử vong vì tai nạn giao thông thậm chí còn cao hơn số tử vong trong thời chiến!

Phong cảnh thiên nhiên và môi trường xuống cấp trầm trọng

Một trong những yếu tố làm cho người Nhật tự hào và người Úc cảm thấy may mắn là đất nước của họ có môi trường sạch sẽ và cảnh quang thiên nhiên xinh đẹp. Còn Việt Nam, khách quan mà nói không có những cảnh quang thiên nhiên hùng vĩ như Mĩ hay Úc, không có một môi trường xanh tươi và vệ sinh như Nhật. Ngoài ra, điều kiện khí hậu nhiệt đới rất khắc nghiệt, làm cho con người dễ bị và uể oải và ảnh hưởng đến năng suất làm việc.

Việt Nam là một trong những nước có mật độ dân số cao nhất thế giới. Với sức ép của sự tăng trưởng dân số, môi sinh đang bị đe doạ nghiêm trọng. Nếu chỉ tính những con sông dài hơn 10 km, VN có gần 2400 con sống, và đó là một tài sản quốc gia, một nguồn tài nguyên rất lớn. Nhưng hiện nay, phần lớn những con sông đó đang chết. Hầu hết những con sông chảy qua thành thị đều bị ô nhiễm nặng nề. Còn những con sông nhỏ ở vùng quê đang trở thành những thùng rác khổng lồ. Tất cả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và sinh hoạt của người dân.

Việt Nam cũng không có những đền đài lịch sử hoành tráng hay tinh tế như China, Ấn Độ, Nhật Bản, Kampuchea. Nhiều đền đài, chùa chiềng, bia miếu ở ngoài Bắc đã bị tiêu huỷ trong thời “Cải cách ruộng đất”, và sau này là chiến tranh. Ngay cả những đền đài còn “sống sót” cũng không được trùng tu và bảo trì nên càng ngày càng xuống cấp thê thảm. Người Kampuchea qua bao năm chiến tranh vẫn còn đền Angkor Thom, Angkor Wat để lấy đó làm niềm tự hào. Nhưng Việt Nam nói chung không có những công trình kiến trúc tinh tế và càng không có công trình hoành tráng để người dân có thể lấy đó làm tự hào.

Bủn xỉn với cộng đồng thế quốc tế

Một nhóm nghiên cứu ở Âu châu gần đây công bố bảng xếp hạng gọi là “Good Country Index” (GCI) đã cho thấy VN đội sổ trong số các nước tử tế trên thế giới. Bảng xếp hạng này cho thấy VN đứng hạng 103 (trong số 124 nước) về đóng góp cho hoà bình và an ninh thế giới. Còn về đóng góp vào các quĩ từ thiện và cung cấp nơi nương tựa cho người tị nạn thì VN đứng hạng 123, tức áp chót! VN không tham gia kí vào các công ước của Liên Hiệp Quốc; tuy nhiên kiểm soát được sự tăng trưởng của dân số. Tính chung, thứ hạng về tử tế của Việt Nam trên thế giới đứng hạng áp chót (124/125). Điều đáng nói hay cũng có thể xem là nhục là thứ hạng tử tế của VN chỉ đứng chung bảng với mấy nước “đầu trâu mặt ngựa” như Lybia, Iraq, Zimbabwe, Yemen (8). Làm sao người Việt Nam có thể tự hào khi đứng chung với những nước đó?

Sự bủn xỉn của VN thể hiện rõ nhất qua đóng góp vào quĩ dành cho nạn nhân sóng thần ở Nhật vào năm 2011. Trong đợt đó, VN đóng góp 200,000 USD. Chỉ hai trăm ngàn USD! Chúng ta có thể lí giải rằng VN còn nghèo nên đóng góp như thế là hợp lí. Nhưng lí giải đó có lẽ không thuyết phục. Thái Lan đã giúp nạn nhân sóng thần Nhật 65 triệu USD và 15 ngàn tấn gạo (9). So với tỉ trọng GDP, đóng góp của Thái Lan hơn VN 100 lần. Chúng ta có thể nào tự hào với mức độ đóng góp chỉ có thể mô tả bằng hai chữ “bủn xỉn” đó?

Nói tóm lại, đánh giá trên 6 tiêu chí (truyền thống và văn hoá, kinh tế, khoa học-giáo dục, xã hội, phong cảnh thiên nhiên, và sống tử tế với cộng đồng thế giới), VN đều không có gì để lấy làm tự hào. Truyền thống không có gì nổi bậc, văn hoá không có nét gì nổi trội và đáng chú ý, kinh tế thất bại và người dân sống trong nghèo nàn và lạc hậu, không có thành tích gì đáng kể trong khoa học và công nghệ, xã hội bất an, môi trường bị xuống cấp trầm trọng, và cư xử không đẹp với cộng đồng quốc tế.

Ngược lại, VN đã và đang là một gánh nặng cho thế giới. Sau 1975, hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi và các nước phương Tây đã cung cấp nơi định cư (nhưng VN thì chẳng nhận người tị nạn từ Duy Ngô Nhĩ). VN cũng là nước chuyên xin xỏ: suốt năm này sang năm khác, quan chức VN ngửa tay xin viện trợ từ rất nhiều nước trên thế giới. Xin nhiều đến nỗi có quan chức nước ngoài phàn nàn nói “Sao chúng mày nói là chúng mày rất thông minh và cần cù mà cứ đi xin hoài vậy. Dân xứ tao phải làm lụng vất vã mới có tiền cho chúng mày”. Thật là nhục. Xin người ta thì nhiều mà khi người ta gặp nạn thì VN chẳng đóng góp bao nhiêu.

Nếu không xin thì cũng đi vay. VN bây giờ là một con nợ quốc tế. Nợ ngân hàng thế giới, nợ ngân hàng ADP, nợ đủ thứ ngân hàng và nợ đủ các nước. Chính phủ thì nói nợ công của VN là 54% (10), nhưng các chuyên gia độc lập thì nói con số cao hơn nhiều và ở mức báo động đỏ (tức là sắp vỡ nợ?) (11). Con số có lẽ quá lớn để cảm nhận, các nhà kinh tế học ước tính dùm cho chúng ta: mỗi một đứa trẻ mới ra đời ở VN hiện nay phải gánh một món nợ công 1000 USD. Có người biện minh rằng nợ như thế vẫn kém Mĩ, nước được xem là mắc nợ nhiều. Nhưng xin thưa rằng người giàu sản xuất ra máy bay (như Mĩ) mắc nợ rất khác với người nghèo không làm nổi cây kim và con ốc (như VN) mắc nợ.

Đã ăn xin và đi vay mà lại còn tham nhũng và hối lộ. Tham nhũng đã đến mức độ mà những người đứng đầu đảng và Nhà nước xem là “quốc nạn”, là đe doạ đến sự tồn vong của chế độ. Tham nhũng hiện diện ở mọi cấp trong chính quyền. Hầu như đụng đến các cơ quan công quyền, không hối lộ là không làm được việc. Ngay cả quan chức cao cấp (bộ trưởng, thứ trưởng) khi cần làm việc nhà vẫn phải hối lộ. Bổ nhiệm vào các vị trí trong trường học, bệnh viện, cơ quan Nhà nước, v.v. tất cả đều phải hối lộ, phải “chạy”. Nói trắng ra là mua chức quyền. Hối lộ trở thành một văn hoá sống và làm việc ở VN. Tham nhũng đã trở thành một nguồn sống của quan chức và những kẻ có quyền. Không ngạc nhiên khi VN bị Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng tham nhũng hàng 116 trên 177 nước trên thế giới (12).

Còn trong quan hệ quốc tế thì nhiều quan chức nước ngoài nhận xét rằng các quan chức VN nói một đường làm một nẻo và có tính lươn lẹo. Điển hình gần đây nhất là vụ đặc phái viên Liên hiệp quốc về tôn giáo đã nói thẳng VN thiếu thành thật.
Do đó, không ngạc nhiên khi người VN cầm hộ chiếu VN ra nước ngoài không được chào đón thân thiện như người Nhật, Singapore, Hàn, Thái, Mã Lai, v.v. Một bản tin mới đây cho biết VN đứng hạng 81 về hộ chiếu được chấp nhận trên thế giới, tức miễn visa (13), và thứ hạng này còn thấp hơn cả Lào (80) và Campuchea (79). Tất cả những yếu tố đó cho thấy VN đang ở thế bất lợi trên trường quốc tế và không được cộng đồng quốc tế kính trọng.

Nhìn chung, Việt Nam như là một ông già nông dân nghèo khó nhưng thích trang hoàng bề ngoài, đầy sỉ diện nên thích làm anh hùng rơm, thiếu tính sáng tạo và tinh xảo nhưng lại hay khoa trương, và cư xử bủn xỉn hay quen nói láo với hàng xóm. Nếu phải tự hào là người Việt thì có lẽ đó là chuyện của tương lai.

NVT | 29-09-2014

1 nhận xét:

  1. Hoan hô, và cám ơn bài viết của tác giả Nguyễn Văn Tuấn, mong qúy "ngàì" lãnh đạo ghé đọc qua bài viết này, và tất cả những người dân như chúng ta nữa, nêu lãnh đạo trách nhiệm 70% thì người dân cũng là 30%. Hãy sửa đổi từ hôm nay, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất : Từ nay ra đường ta quyết không ồn ào, náo nhiệt, mất trật tự, chen lấn, cắt ngang hang, không khạc nhổ, không làm những cử chỉ xấu xa, không xả rác, luôn luôn tram tư tránh chuyện xấu, và một long muốn làm điều tốt. Nào bắt đầu từ hôn nay ngày 09/10/2014 nhé tất cả mọi người. Hay bảo nhau bắt đầu từ những con dân nhỏ tuổi tư 05 tới 80 tuổi, nào 1,2,3 bắt đầu...Dô ta...

    Trả lờiXóa