Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014


Giới thiệu Sách mới

“CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA THIỀN CHÁNH NIỆM”
của
Quán Như Phạm Văn Minh

                       
Hình bìa của tác phẩm “Cơ Sở Khoa Học Của Thiền Chánh Niệm
Tác giả: Quán Như Phạm Văn Minh, Nxb Hồng Đức (Việt Nam, 2014)
Tủ sách Đạo Phật Ngày Nay

Lời nói đầu

Hai năm trước (2011) tôi bị bệnh nặng phải vào bệnh viện điều trị hai tuần. Đây là một cú sốc lớn vì đây là lần đầu tôi bị bệnh một trận chí tử. Trong khi chờ khám xem có mắc bệnh ung thư ruột hay không, hàng đêm tôi nằm trằn trọc ngó trần căn phòng bệnh viện, bao nhiêu chuyện cũ trong quá khứ lại ùn ùn kéo về. Muốn hay không tôi cũng phải đối đầu với quá khứ, phần lớn là những chuyện không muốn nhớ. Vợ và ba con của tôi vào thăm hàng ngày và chưa bao giờ tôi thấy tình gia đình ấm cúng đến mức đó. Bấy lâu nay tôi hưởng tình yêu gia đình êm ấm đó mà không chịu để ý tới.

Jon Kabat Zinn nhắc tới một người phụ nữ thú nhận là bà chỉ ‘ngoảnh mặt đi’ trong phút chốc, khi ngoảnh lại thì thấy ’10 năm’ đã qua đi, và tệ hơn nữa là bà không còn nhớ đã làm gì trong thời gian đó. Cũng thế tôi chỉ ngoảnh mặt đi một khoảnh khắc, 30 năm trôi qua. Đến khi ngoảnh lại, tôi hoang mang không biết trong thời gian đó tôi trôi giạt bồng bềnh ra sao, nhưng chắc chắn tôi đã có nhiều hành động làm tổn thương nhiều người, dù ý thức hay không ý thức.
Những đêm nằm cô đơn trong bệnh viện, bên cạnh một bệnh nhân khác được một linh mục làm lễ cuối cùng (final rites) ba lần, nhưng bà nhất định bám cuộc sống. Đêm nằm nghe bà rên la tôi nghĩ đến cái chết của chính mình, lòng thực bình yên mà sao buồn quá.

Trong thời gian chờ soi ruột xem có bị ung thư hay không, tôi không còn hỏi câu “why me?” như mấy lần bị tai nạn trước, tôi nhớ đến lời Thiền sư Kapleau khi biết là mình bị bệnh ung thư, ông cũng nói ‘cần sám hối ba nghiệp tội’ khi phải đối diện với cái chết!
Buổi tối, mấy cô y tá vào an ủi và dặn dò, nói nếu biết thì ráng tập Mindfulness Meditation, giúp cơ thể và tinh thần đối kháng với buồn bã và tuyệt vọng. Tôi có hơi ngạc nhiên sao cô lại nhắc tới Chánh niệm một cách tự tin. Tôi quy y từ 50 năm trước, đọc và nghiên cứu sách Phật, nhất là sách Thiền. Tôi đã đọc cuốn sách Zen Philosophy, Zen Practice của thầy Thiên Ân, bổn sư của tôi, nhiều lần; đó là chưa kể vào các năm 70’s tôi cũng đã đọc rất nhiều sách về Thiền và theo trào lưu lúc bấy giờ làm cả ‘thơ Thiền’, ngông ngông nghênh nghênh làm như thể mình là Thiền sư ‘thứ thiệt’! Tôi đi vào Phật giáo bằng ngã trí thức, nói theo thuật ngữ Phật giáo bằng con đường “Văn, Tư” nhưng không bằng con đường “Tu”.

Cuối cùng tôi không phải mắc bệnh ung thư ruột, nhưng trong khi bị xuất huyết ra nhiều tôi bị một hệ quả là bị Ischemia (Thiếu máu cục bộ), một hình thức Stroke. Vì thế được chuyển qua ban thần kinh não bộ để xem não có bị hư hại gì không. Lần đầu tiên tôi qua máy scan não CT và fMRI, chui mình vào một ống khổng lồ, trong khi các chuyên viên gõ vào ống inh ỏi để xem phản ứng của não. May mắn là não bộ không có hư hại gì nặng và cũng không ảnh hưởng đến cơ quan nào trong thân thể. Khi được xuất viện tôi hứa lần này không những Văn, Tư mà tôi còn phải Tu, và lần này không còn tán gẫu về Thiền mà thực sự tập Thiền.

Khi bắt đầu đọc Thiền Chánh Niệm bằng Anh Ngữ tôi ngạc nhiên về mối quyết tâm quảng bá pháp môn này, được biết như là Mindfulness Meditation. Đây là thái độ ‘đem Chùa đến cho Phật tử’ thay vì chờ Phật tử đến chùa, mà tôi nghĩ là thích hợp hơn trong thời đại Tin học. Thứ hai là sự hiểu biết chính xác và thấu đáo về giáo lý đạo Phật, dù họ chỉ là những nhà khoa học. Đó là chưa kể đến ngôn ngữ trong sáng, không mù mờ và khó hiểu như trong các bài ‘triết lý’ về Thiền, có thể nhờ họ đọc kinh Phật với tinh thần khoa học và áp dụng những phương pháp khoa học mà họ đã được huấn luyện trong các trường đại học nổi tiếng và uy tín ở Mỹ (nhiều Đại học hàng đầu thuộc Ivy League).

Tôi vừa đọc và vừa thực tập nên phải nói ngay tôi chỉ là một hành giả sơ tâm, biết gì nói đó để quý vị nào thích muốn bổ túc TU thêm vào kiến thức Văn, Tư, viên ngọc bích mà chính các khoa học gia đều nhìn nhận và tán thưởng. Chúng ta đúng là hình ảnh của những người Cùng Tử trong kinh Pháp hoa, không biết hay bỏ quên một viên kim cương trong tay áo, để chạy theo những ảo tưởng tâm linh giả mạo.
Chúng ta chỉ có một đời sống và chỉ có một thân thể để sống trong đời này, chúng ta có bổn phận phải gìn giữ thân thể khỏe mạnh đến một mức có thể được. Muốn vậy chúng ta phải thường xuyên quán niệm thân thể, làm quen lại thân thể của mình mà chúng ta lãng quên vì mãi sống trong thất niệm, từ ngày này sang ngày khác. Jon Kabat Zinn nói thực hành Chánh Niệm là cuộc hành trình trở lại tìm chính ta để có thể ‘biết mình’ hơn và thương yêu mình hơn.

Tôi đã viết hai tác phẩm Vietnamese Engaged Buddhism, The Struggle Movement of 1963-1966 (2002), về phong trào Phật giáo tranh đấu cho Hòa Bình mà tôi nghĩ là phản ảnh trung thực cho  Chánh Kiến theo tinh thần tôn trọng sinh mạng chúng sinh của Đạo Phật, chủ trương ‘bất bạo động’ No Harming mà tôi có nói  trong một chương. Tác phẩm thứ hai là Kinh Tế Phật Giáo (2012) là Chính Mệnh, và tác phẩm này hy vọng phản chiếu trung thực Chánh Niệm. Ba cái Chánh trong chuỗi Bát Chánh Đạo, từ Chánh Kiến đến Chánh Mệnh và bây giờ, Chánh Niệm.
    
Vietnamese Engaged Buddhism, 
The Struggle Movement of 1963-1966 (Nxb Văn Nghệ, USA 2002)
Kinh Tế Phật Giáo (Nxb Văn Hóa - Văn Nghệ, Việt Nam 2012)

Tác phẩm Cơ Sở Khoa Học Của Thiền Chánh niệm nhắm tới những độc giả và sinh viên Phật tử trẻ có thể có nhiều ưu tư giống tôi về nhu cầu hiện đại hóa những hình thức hoằng pháp cần thiết trong thời đại Tin học bùng nổ. Riêng cá nhân tôi, đây là tác phẩm viết như một lời tạ lỗi những người thân yêu trong gia đình về những tổn thương tình cảm và đời sống tôi đã gây ra trong những ngày sống trong thất niệm, túy sinh mộng tử, “I ask for your forgiveness”.

Quán Như Phạm Văn Minh
Pháp danh Quảng Trí


MỤC LỤC / Cơ Sở Khoa Học Của Thiền Chánh Niệm

Chương Một: Cơ Sở Khoa Học của Thiền Chánh Niệm
Chương Hai: Thiền Sức Khỏe và Thiền Giải Thoát
Chương Ba: Một vài định nghĩa về Thiền Chánh Niệm
Chương Bốn: Nền Tảng Đạo Đức của Thiền Chánh Niệm
Chương Năm: Chánh Niệm và Duyên Khởi
Chương Sáu: Chánh Niệm và Phi Công Tự Động
Chương Bảy: Những Phát Kiến Khoa Học Đưa Đến ‘Cách Mạng’ Chánh Niệm
Chương Tám: Vật Lý Mới Và Đạo Học Đông Phương
Chương Chín: Thực Phẩm Và Sức Khỏe
Chương Mười: Phần Thực Tập (1)
Chương Mười Một: Phần Thực Tập (2)
Chương Mười Hai: Tạm Kết Luận
Chương Mười Ba: Các Bài Thực Tập
Chương Mười Bốn: Phần Phụ Lục - Tham Khảo




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét