Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014


AI LÀM VUA BÙ NHÌN 
NƯỚC VIỆT NAM CỌNG HÒA NĂM 1963 ?

Nguyễn Kha


Tháng 8 năm 1963, một số biến động chìm và nổi đã đẩy cuộc khủng hoảng chính trị tại miền Nam Việt Nam vào một khúc quanh mới trầm trọng và phức tạp hơn.

“Nổi” là chiến dịch Nước Lũ của ông Ngô Đình Nhu nhằm tiêu diệt toàn bộ cấp lãnh đạo của phong trào đấu tranh của Phật giáo đồ. Trong đêm 20 rạng ngày 21/8, ông Nhu ra lệnh cho Lực lượng Đặc biệt (của Đại tá Lê Quang Tung) và Cảnh sát Chiến đấu mặc quân phục binh chủng Nhảy Dù (của Giám đốc Cảnh sát Đô thành Trần Văn Tư) ồ ạt và hung bạo tổng tấn công các chùa tại Sài Gòn. Kết quả là chính quyền bắt giam hơn 1,400 tăng Ni và Phật tử.[Xem FRUS 1961-1963, Vietnam, Điện văn 274, trang 613 và 614], và quân đội bị đài VOA cũng như dân chúng miền Nam hiểu lầm nên lên án hành động hung bạo nầy. Sau đêm đó, cuộc đấu tranh của Phật giáo tại Sài Gòn hầu như bị tê liệt, nhường đấu trường cho quần chúng mà tiên phong là lực lượng thanh niên sinh viên học sinh và giới trí thức thủ đô.

“Chìm” là một mặt ông Nhu tiến hành các động thái thỏa hiệp với Hà Nội qua trung gian Đại diện Ba Lan Mieczylaw Maneli trong Ủy hội Quốc tế Kiểm Soát Đình Chiến ICC; mặt khác, trước cả đêm kinh hoàng “Nước Lũ”, ông Nhu đã lên kế hoạch thực hiện một cuộc phản đảo chánh giả, đặt tên là Bravo 2, dùng Lực lượng Đặc biệt và vài đơn vị trung thành để chống lại cuộc đảo chánh thật (cũng đang trong quá trình hình thành và được ông Nhu ký hiệu là Bravo 1) của các Tướng lãnh để cuối cùng sẽ vừa vô hiệu hóa các Tướng lãnh vừa đưa ông Nhu lên thay thế ông Diệm làm Tổng thống. Đó là cách chuyển giao quyền lực bất chấp Hiến Pháp của chế độ Đệ Nhất Cọng Hòa theo “kiểu Ngô Đình Nhu! Như vậy, trong năm 1963, ông Diệm chỉ là một Tổng thống bù nhìn sắp mất chức, và người thực sự “cai trị” Đệ Nhất Cọng Hòa chính là ông em “cố vấn” Ngô Đình Nhu đang “bị vấn đề tâm thần” vậy.

Lẽ dĩ nhiên là các Tướng lãnh và giới chính trị Sài Gòn đã phong phanh biết được âm mưu “cướp ngôi” nầy. Cũng lẽ dĩ nhiên là các cơ quan tình báo nước ngoài của Pháp, Đài Loan, Vatican, … đều có ít nhiều thông tin. Nhưng nhiều dữ kiện và thông tin xác thực nhất là của Mỹ. Và kế hoạch nầy của ông Nhu nghiêm trọng đến nỗi cơ quan CIA tại Sài Gòn phải theo dõi và liên tục thẩm định để báo cáo về Washington.
Dưới đây là phần Việt dịch của Bản Ghi nhớ đề ngày 16 tháng 8 năm 1963 mà Phó Giám đốc Kế hoạch CIA (Richard Helms) gửi cho Phụ tá Ngoại trưởng đặc trách Viễn đông Sự vụ (Roger Hilsman) để lượng giá về tình hình tại Nam Việt Nam, trong đó có đính kèm hai Bản Phụ Đính (Attachment), phân tích khả năng ông Nhu có thể lên thay thế ông Diệm, và từ đó mô tả bộ máy quyền lực hổn loạn của ba anh em nhà Ngô.
Bản Ghi nhớ nầy được lưu lại trong Hồ sơ Lưu trữ FRUS của Bộ Ngoại giao Mỹ [Foreign Relations of the United States, 1961–1963, Volume III, Vietnam, 1963, Document 256], từ trang 569 đến 571.


■ NGÔ ĐÌNH NHU MUỐN THAY THẾ ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM
LÀM TỔNG THỐNG VIỆT NAM CỌNG HÒA VÀO NĂM 1963


[Đánh giá của CIA (theo Bản Ghi nhớ FRUS-1963.256)]

Bản Ghi Nhớ 256 (Memorandum) có hai Phụ Đính (attachments):
1- “Phụ đính 1” viết về các điều luật và quy tắc của Hiến Pháp khi xảy ra các trường hợp thay thế chức vụ Tổng thống Việt Nam Cọng Hòa, do đó sẽ không được dịch nguyên văn vì chỉ dùng để làm nền tham chiếu cho “Phụ đính 2”, vốn là phần phân tích và lượng giá của CIA tại Sài Gòn, sẽ được dịch toàn bộ.
2- Để đọc 5 Cước chú (footnotes) trong văn bản, xin xem nguyên văn Anh ngữ trong phóng ảnh “Bản Ghi Nhớ” ở cuối bài dịch.

[BẢN DỊCH BẮT ĐẦU …]
256 Bản Ghi nhớ do Phó Giám đốc Kế hoạch CIA (Helms) gửi cho Phụ tá Ngoại trưởng đặc trách Viễn đông Sự vụ (Hilsman) 1
Washington, ngày 16 tháng 8 năm 1963
ĐỀ MỤC: Kính chuyển Những Đánh giá về Tình hình tại Nam Việt Nam.
Đính kèm là những đánh giá do CIA Sài Gòn soạn thảo về tình hình bất ổn định của Chính phủ Việt Nam, và khả năng có một cuộc đảo chánh do cuộc khủng hoảng Phật giáo vẫn tiếp diễn. Những thảo luận trong buổi họp ngày 14 tháng 8 2 dựa trên cơ sở của những phúc trình nầy.
Thừa lệnh Phó Giám đốc (Kế hoạch)
W.E.Colby.
Phụ đính 1 3 [Bàn về các điều 32, 33, 34 và 41, 42 của Hiến Pháp VNCH - không dịch]
Phụ đính 2 4
ĐỀ MỤC: Khả năng Ngô Đình Nhu kế vị Tổng thống Ngô Đình Diệm
1-   Những tình huống khi Tổng thống Ngô Đình Diệm rời khỏi chính trường sẽ là những tiền đề cực kỳ quan trọng cho chuyện Ngô Đình Nhu kế vị làm Tổng thống Nam Việt Nam. Những khả năng đó gồm:
 a- Từ chức
 b- Chết tự nhiên hay chết vì tai nạn
 c- Bị ám sát
 d- Bị đảo chánh. Có thể bị giết nhưng không hẵn sẽ xảy ra như thế.
2-  Nhu, dĩ nhiên, là một thành viên của Quốc Hội, đơn vị nhà là tỉnh Khánh Hòa. Với sự loại trừ Diệm, Nhu có thể không vi phạm Hiến Pháp bằng cách dẫn điều 34 để từ đó nắm quyền Tổng thống không quá hai tháng, nếu từ đầu ông ta thuyết phục được Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ và Chủ tịch Quốc Hội Trương Vĩnh Lễ từ nhiệm chức vụ hiện tại và xếp đặt để ông ta lên thay thế Chủ tịch Trương Vĩnh Lễ. Sau đó, Nhu sẽ có thêm hai tháng để chuẩn bị và chiến thắng một cuộc bầu cử toàn quốc để đưa ông ta lên chức vụ Tổng thống một cách hợp pháp.
Trong kịch bản nầy, Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ là một yếu tố không lường được. Dù chưa bao giờ được xem như là một người đặc biệt có thế giá, ông ta có lẽ không phải là một người tầm thường (cipher) như Chủ tịch Trương Vĩnh Lễ và ông ta chưa bao giờ có dịp để chứng tỏ khí phách (mettle) của mình. Trong một cuộc khủng hoảng của Chính phủ VN, Thơ có thể lấy sáng kiến tạo ra đủ lực hổ trợ để ngăn chặn tham vọng của Nhu, ngay cả nếu ông ta (Thơ) cuối cùng không đủ sức để duy trì chức Tổng thống [theo hiến định] đủ lâu để hết nhiệm kỳ theo quy định của Hiến Pháp.
Dù rất khó thẩm định xem Nhu có thành công trong ván cờ thí (gambit) nầy hay không, trên lý thuyết, Nhu có thể thành công và tiến hành nước cờ của mình theo đúng luật pháp, ít nhất là theo tinh thần của luật pháp, với điều kiện Diệm từ chức chứ không phải bị đảo chánh. Rõ ràng là Nhu, người thứ nhì sau Diệm, hiện nay là quyền lực chính trị mạnh nhất tại Việt Nam.
3- Hậu quả của khả năng thứ tư, nghĩa là Diệm bi lật đổ bằng bạo lực, thì cơ hội để Nhu lên kế vị sẽ rất thấp dù ông ta dùng phương cách cách hợp hiến hay vi hiến. Mặc dầu có thể thừa nhận rằng Nhu có khả năng ở chức vụ lãnh đạo, trên phương diện kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức, và là động lực đàng sau chương trình Ấp Chiến lược, v.v…ông ta lại có quá nhiều người chống đối trong giới trí thức và giới có học trong quần chúng, kể cả giới quân nhân. Điều không thể tranh cải là cục nợ (liability) lớn nhất của ông Nhu chính là bà Nhu, mà các thành phần quần chúng nói trên cũng đã biểu lộ một thái độ thù nghịch cá nhân gay gắt vì họ cho rằng bà ta đồi bại (vicious), nhiễu sự (meddlesome), loạn óc (neurotic), hay có khi tệ hơn nữa.
Dù sự chống đối vợ chồng Nhu căn cứ trên thuần túy logic hay trên cảm tính bồng bột thì điều nầy cũng không quan trọng vì cái chính là sự chống đối đó hiện hữu, có thật. Sẽ rất khó, nếu không muốn nói là bất khả, để Nhu nắm được quyền bính, dù bằng cách nào, nếu anh ông ta bị đảo chánh lật đổ. Vợ chồng ông Nhu thoát chết là may mắn lắm rồi, vì thật ra đã có ít nhất là một âm mưu muốn ám sát hai vợ chồng ông ta với ông Diệm được giữ lại để chủ trì một chính phủ Việt Nam được tái định hướng.

4-  Trong một buổi nói chuyện với một quan sát viên Mỹ vào ngày 25 tháng 6 vừa qua (TDCSDB-3/655,297 và CSDB-3/655,373), 5 Nhu dần dần tự du mình vào một tình trạng tâm thần với xúc động cao độ (highly emotional state of mind). Một trong những tình trạng đó là Nhu đã biểu lộ sự chống đối mãnh liệt ông Diệm và chính phủ của ông ta, (he expressed strong opposition to Diem and his government) đến nỗi ta sẽ thiếu khôn ngoan nếu loại trừ hoàn toàn khả năng Nhu sẽ dư sức thử tiến hành một cuộc đảo chánh chống lại Diệm (Nhu would be capable of attempting a coup d’etat against Diem).
Đây không phải là lần đầu tiên Nhu biểu lộ một cách hung bạo như thế. Trong một buổi nói chuyện hai tháng trước đó mà Đặng Đức Khôi làm thông dịch cho Nhu nói chuyện với hai biên tập viên của báoTime/Life, Nhu trắng trợn nói rằng chế độ hiện tại (mà không bắt buộc với Diệm trong chế độ đó) phải bị tiêu hủy (the present regime must be destroyed). Nhu lập đi lập lại lời nói đó nhiều lần và để nhấn mạnh, ông ta còn thốt ra câu nói bằng tiếng La-tinh “Carthago delenda est” [NK: Lời hiệu triệu “Nước Carthage phải bị tiêu diệt” của Cọng hòa La Mã trong trận chiến tranh Punic vào thế kỷ thứ nhì]. Đã nhiều lần trong quá khứ, Nhu xác định rõ những nhận xét của mình bằng cách nói rằng ông ta xem chế độ Diệm chỉ như một giai đoạn chuyển tiếp và chỉ như một đứa bé của nhu cầu lịch sử (Diem regime as a transitional stage and the child of historical necessity), nhưng cho cả hai biên tập viên của Time/Life cũng như cho quan sát viên Mỹ hôm 25 tháng 6, Nhu đã không trình bày quan điểm trung gian [chuyển tiếp] đó là gì.
Một cách tổng quát, cơ may Nhu kế vị Tổng thống sẽ giảm thiểu khi cường độ bạo lực thay thế Diệm gia tăng, nhưng Nhu vẫn còn một khả năng lên làm Tổng thống ngay cả trong một tình huống bạo loạn, kể cả khi có thể Diệm bị ám sát, đó là tình huống chính Nhu tổ chức và kiểm soát cuộc bạo loạn nầy.

5- Điểm then chốt của mọi kế hoạch nhằm ngăn cản Nhu lên làm Tổng thống chính là Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, và kế hoạch hay nhất là tạo ra một ủy ban hành động được cả nước ủng hộ, nằm ngoài chính quyền hiện hữu, mà nhiệm vụ là trong trường hợp Diệm ra đi thì yểm trợ Nguyễn Ngọc Thơ lên làm Tổng thống và duy trì quyền lực đó cho ông ta theo đúng quy định của Hiến Pháp.

6- Chúng tôi bi quan về khả năng cải tiến hình ảnh đối nội cũng như đối ngoại cho Nhu bằng bất kỳ phương tiện nào mà chúng tôi có thể hình dung ra. Ông ta đã là đối tượng của vô số lời bình phẩm bất lợi tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài, và chuyện bà Nhu như một cục nợ thì cũng rất quan trọng như đã nhắc đến trên đây. Còn đối với Quân lực Việt Nam Cọng Hòa (ARVN), thì chỉ có Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh Quân Đoàn 4, là vị tướng duy nhất nổi tiếng ủng hộ Nhu rõ ràng – nhưng ngay cả điều nầy cũng phải định giá lại vì đó là một điểm cần tranh luận, không biết liệu binh sĩ của hai Sư đoàn mà Cao chỉ huy có trung thành với Cao không.
Do đó, thật khó để nâng tầm vóc của Nhu lên được trước mắt Quân lực VNCH cũng như trước mắt của quần chúng Việt Nam và của thế giới. Như các cấp chỉ huy của Quân đội VNCH đều rõ, ông Diệm luôn luôn tự mình kiểm soát việc bổ nhiệm các chỉ huy cao cấp trong quân đội, và vì vậy mà trong mục nầy, họ không có lý do thôi thúc gì để trung thành sâu đậm với Nhu cả.

7- Quan hệ giữa Nhu và Ngô Đình Cẩn gồm một số điều phức tạp. Từ nhiều năm, hai anh em đã khác nhau trên nhiều vấn đề, và đã khai sinh ra nhiều tổ chức chính trị nội bộ để thường tranh chấp nhau trên những chuyện như bổ nhiệm người vào các vị trí trung cấp và cấp thấp, hoặc những đặc quyền kinh tế béo bở. Bà Nhu lại cũng là một yếu tố vì bà ta và ông Cẩn vốn ghét nhau. Thêm nữa, Cẩn thường biểu lộ sự chê bai về óc phán đoán và tính thực tiển của khả năng lãnh đạo của Nhu. Tuy nhiên, trong một cuộc khủng hoảng mà Nhu nhắm làm Tổng thống, thì sau khi và chỉ sau khi Diệm biến mất, thì chỉ lúc đó, có lẽ Nhu có thể trông cậy vào sự yểm trợ của Cẩn, và Nhu sẽ hăm hở nỗ lực nhờ cậy Cẫn.
Phần lớn quyền lực của Cẩn ở miền Trung là đến từ Sài Gòn, và để duy trì quyền lực nầy trong một khoảng thời gian lâu dài, Cẩn đã cần một sự yểm trợ liên tục. Cẩn sẽ lý luận rằng với Nhu làm Tổng thống ở Sài Gòn, Cẩn sẽ có nhiều cơ may nhận được yểm trợ hơn là với một tập đoàn lãnh đạo khác. Ảnh hưởng của Cẩn trong một cuộc khủng hoảng thật ra độc lập với Sài Gòn vì chính quyền dân sự và quân sự tại các tỉnh [miền Trung], vốn được Cẩn ban cho và lưu giữ, nên họ đương nhiên đứng về phía Cẩn rồi (identification with him). Cẩn nắm giữ thủ hạ không phải vì họ trung thành với Cẩn mà vì họ ý thức được rằng không có Cẩn, họ sẽ rất có thể bị mất chức (without him, they could very likely lose their own positions).
Trong khi suy đoán về quan hệ của Cẩn đối với Nhu, và ứng xử của Cẩn nếu Nhu tiến chiếm quyền lực, kinh nghiệm quá khứ cho thấy trong một cuộc khủng hoảng, không thể luôn luôn trông cậy Cẩn sẽ đóng một vai trò thuần lý (cannot always be counted upon to play a rational role), ngay cả khi có dính líu đến quyền lợi thiết thân của Cẩn. Tuy là một chính trị gia khôn ngoan, Cẩn đã nhiều lần tỏ ra có xu hướng hoảng hốt trong trường hợp khẩn cấp, hay chỉ đơn giản tránh đối diện với tình huống mà Cẩn cho là sẽ gặp những vấn đề khó khăn.

8- Tóm lại, cơ may để Nhu lên làm Tổng thống được ước định như sau:
 a- Trong tình huống không phải một cuộc đảo chánh chống lại Diệm, cơ may để Nhu lên làm Tổng thống từ đầu là khá thuận lợi (fair)
 b- Trong một cuộc đảo chánh chống lại Diệm, chuyện Nhu lên làm Tổng thống hầu như không thể được (impossible). Không những thế, Nhu và vợ rất có thể trở thành nạn nhân của cuộc đảo chánh.
 c- Nếu chính Nhu tự mình chiếm lấy chức Tổng thống, cơ may cũng cố vị thế và duy trì quyền lực trong một thời gian dài là kém (poor)

[BẢN DỊCH CHẤM DỨT]

Bản ghi nhớ (Memorandum) số 256 của Bộ Ngoại giao Mỹ gồm 6 trang (569 đến 574) thuộc Tập Lưu trử FRUS (Foreign Relations of The United States, 1961-1963, Volume I I I, Vietnam 1963). Để đọc nguyên bản Anh ngữ của toàn bộ 6 trang, xem Nguồn đường link ở cuối bài viết.


“VUA LÊ” NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ "CHÚA TRỊNH" NGÔ ĐÌNH NHU 

Trong điện văn mã số “POL 15S VIET” đánh đi từ Sài Gòn, gửi cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lúc 7 giờ tối ngày 7/10/1963, Đại sứ Cabot Lodge đã chuyển về Washington một số thông tin để tìm cách giải thích thái độ chống Mỹ của ông Nhu. Trong một phần của điện văn đó, Đại sứ Lodge đã trích dẫn hai phát biểu của ông Nhu trả lời nhà báo Gambino trong cuộc phỏng vấn của Tuần báo L’Expresso tại Ý vào ngày 3/10/1963 (Bản dịch Anh ngữ của bài phỏng vấn nầy được kèm chung với Memo ngày 24/10 của chuyên gia Đông Nam Á Paul Kattenburg gửi cho ông Michael Forrestal, phụ tá của Cố vấn An ninh Quốc gia McGeorge Bundy). Nguyên văn tiếng Anh hai phát biểu đó là: 

1. “If the Americans were to interrupt their help, it may not be a bad thing after all” (“Nếu người Mỹ ngưng hổ trợ, thì đó chưa hẳn là một điều xấu đâu”) 
2. He said that if his father-in-law, former Ambassador Chuong, were to “come to Saigon, I will have his head cut off. I will hang him in the center of a square and to let him dangle there. My wife will make the knot on the rope because she is proud of being a Vietnamese and she is a good patriot” (Ông Nhu nói rằng nếu vị Bố vợ của ông ta, cựu Đại sứ [Trần Văn] Chương, mà “về Sài Gòn,tôi sẽ cho cắt đầu ông ta. Tôi sẽ treo cổ ông ta giữa một quảng trường và để cho xác ông ta treo lủng lẳng ở đó. [Chính] Vợ tôi sẽ buộc nút giây thòng lọng vì vợ tôi hãnh diện là một người Việt Nam và vì vợ tôi là một người yêu nước tốt lành”) 

Điện văn nầy được lưu trữ tại 2 trang 385 và 386 của Tập FRUS (Foreign Relations of the United States) của Bộ Ngoại Giao Mỹ, 1961-1963, Tập IV, dưới đề mục 186, tiểu mục 652.2.b.

Đao phủ chính trị 

Phát biểu thứ nhất là để ông Nhu gián tiếp nhắn nhe với người Mỹ và các “người anh em” về triển vọng một thế cờ mới nếu Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam. Hà Nội và Washington mà nghe câu đánh giá hoang tưởng nầy của một kẻ mang bệnh cuồng vĩ chắc sẽ điên đầu …Chính ông Mieczylaw Maneli, vị đại diện Ba Lan từng làm trung gian cho Hà Nội và ông Nhu liên lạc với nhau, sau nầy khi hồi tưởng lại, cũng đã phải phê phán rằng: "Cấp lãnh đạo của chế độ Diệm-Nhu đã bị bệnh cận thị nặng nề mà tôi có thể so sánh với căn bệnh của giới lãnh đạo Cọng sản kiểu Xít-ta-lin" [The leaders of the Diem-Nhu regime suffered from definite myopia which I might compare with the myopia of the Stalinist-type Communist leaders (Mieczylaw Maneli, War of The Vanquished, Harper & Row, New York 1972, trang 150)].

Và phát biểu thứ nhì là để ông trút nỗi căm thù của vợ chồng ông lên hành động của ông bố vợ / bố ruột Trần Văn Chương dám từ chức Đại sứ tại Mỹ (22-8-1963) để “phản đối chính sách nhiều người cho là ưu đãi đạo Thiên Chúa giáo La Mã của Tổng thống Ngô Đình Diệm” (theo New York Times) và sau đó đã vận động chính giới Mỹ để loại trừ cặp vợ chồng Ngô Đình Nhu-Trần Lệ Xuân ra khỏi chính trường hầu giúp ông Diệm vượt qua cuộc khủng hoảng tại miền Nam Việt Nam. 

Ngoài ra, ông Nhu đã chứng tỏ rất tâm đầu ý hiệp với vợ mình khi đơn phương nói dùm cho bà Nhu rằng đến Bố ruột mà bà sẽ còn giúp chồng buộc nút giây treo cổ, và lấy hành động đó để “hãnh diện là một người Việt Nam”, thì chuyện bà thích thú vỗ tay và sẳn sàng “cung cấp thêm xăng” để nhìn các nhà sư bị “nướng sống” chẳng có gì là lạ cả. Vì đúng là “nồi nào thì úp vung đó”! Chỉ lạ là cái niềm “hãnh diện” bệnh hoạn vô đạo đức và phi nhân tính đó không biết ông bà Nhu đã tìm được ở đâu trong “người Việt Nam” ? Hay là trong dân tộc Việt Nam, vào thời điểm đó tại miền Nam, đã có rồi một thiểu số bị “thổi hồn” để trở thành bệnh hoạn như thế ? 

Đúng là phong cách và ngôn ngữ của một tên đao phủ hiếu sát trên pháp trường chính trị, giết người không gờm tay! Với (người thân nhưng nay đã trở thành) đối lập chính trị mà ông Nhu còn công khai đòi "cắt đầu, treo cổ" như thế thì “dân chủ” ở đâu, “tự do” ở đâu trong cái gọi là nền Đệ Nhất Cọng hòa “Nhân vị Duy linh”? Cho nên ta không ngạc nhiên khi từ ngôi cao Cố vấn Chính trị trong dinh Tổng thống đầy quyền bính, kẻ "đao phủ chính trị" đó đã hoặc chủ mưu, hoặc ra lệnh, hoặc cho phép, hoặc đồng ý điều động một bầy thủ hạ mật vụ Cần Lao ác ôn như Lê Quang Tung, Dương Văn Hiếu, Nguyễn Văn Y, Nguyễn Văn Hay, Khưu Văn Hai, Trần Bữu Liêm, …. xem mạng người như cỏ rác, xây những nhà tù biệt giam vô luật pháp như P42, thiết lập danh sách người Mỹ sẽ bị ám sát để hù doạ nạn nhân, ra lệnh cho Đại úy Phi công Huỳnh Minh Đường thả bom đánh chìm chiến hạm HQ 401 đang chở tù nhân quân sự và chính trị trên đường ra Côn Đảo, gài bẫy thành viên Phái đoàn Điều tra Liên Hiệp Quốc chơi gái điếm để chụp hình làm chantage, và xuống tay thủ tiêu (dao đâm, súng bắn, nhét vào bao bố thả trôi sông, …) không biết bao nhiêu người yêu nước như Vũ Tam Anh, Tạ Chí Diệp, Hồ Hán Sơn, Ung Bảo Toàn, Trương Tử An, Nguyễn Tấn Quê … 
Nhật báo El Paso Herald Post (El Paso, Texas) ra ngày 5 tháng 10 năm 1963, trang 6, đăng tin Đại úy Phi công Việt Nam Huỳnh Minh Đường hạ cánh xuống phi trường Pochentong tại Phnom Penh xin tị nạn chính trị. (Nguồn: http://newspaperarchive.com/el-paso-herald-post/1963-10-05/page-6)

Cần lưu ý rằng cuộc phỏng vấn với báo L’Expresso nầy được diễn ra vào đầu tháng 10 năm 1963, khi miền Nam không còn phấn khởi và an ninh như từ năm 1955 đến 1959 nữa. 


Ba năm khủng hoảng 

■ Thật vậy, từ đầu năm 1960, ngày 26-1, lực lượng vũ trang của địch đã chiếm đồn Trảng Sập và gây tổn thất năng nề cho Sư đoàn 21. Tết Canh Tí năm đó, bìa báo Tự Do số Xuân in hình biếm họa vẽ 5 con chuột gậm nhắm trái dưa hấu miền Nam để "thú vật hóa" và chế diễu 5 anh em nhà Ngô, khiến Dinh Độc Lập điên lên, cho mật vụ đập phá tòa soạn và tịch thu những số báo còn lại. Rồi ngày 26-4, một tập hợp 18 vị nhân sĩ trí thức thuộc Khối Tự Do Tiến Bộ (còn gọi là nhóm Caravelle), tiêu biểu cho thành phần chính trị ưu tú của miền Nam, ra tuyên ngôn tố cáo chính quyền độc tài bất lực và đòi cải tổ chính sách. Hệ quả của tuyên ngôn nầy là 4 bộ trưởng thân tín từ chức ra đi (Lâm Lễ Trinh - Nội Vụ, Trần Trung Dung - Quốc Phòng, Trần Chánh Thành - Thông Tin, và Nguyễn Văn Sĩ - Tư Pháp). Hai tuần sau, ngày 11-11, lực lượng Nhãy Dù (Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông, Hoàng Cơ Thụy, Phan Quang Đán) tấn công và bao vây Dinh Độc lập đòi thay đổi lãnh đạo. Vào cuối năm, ngày 20-12-1960, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam ra đời tại Tây Ninh, thách thức tính chính danh của chính phủ Ngô Đình Diệm trên vũ đài chính trị trong và ngoài nước.
Hình trái: Hình bìa báo Tự Do của trí thức Sài Gòn, số Xuân Canh Tý (1960),
“thú vật” hóa 5 anh em nhà Ngô đang gậm nhắm miền Nam.
Hình mặt: Dân chúng Sài Gòn biểu tình lên án chế độ “Độc tài Gia đình trị” của chính quyền Ngô Đình Diệm trong dịp Binh chũng Nhãy Dù đảo chánh ngày 11-11-1960

 ■ Năm 1961 là năm tẻ nhạt về mặt chính trị nhưng lại cực kỳ tệ hại về tình hình an ninh tại nhiều tỉnh. Ngày 28-4, toàn dân đi bầu Tổng thống nhiệm kỳ II với kết quả mà ai cũng biết trước: Liên danh Ngô Đình Diệm-Nguyễn Ngọc Thơ thắng 88% số phiếu cử tri (hai liên danh kia chiếm 7% và 4%). Khoảng giữa năm, ngày 2-7, Hội nghị “Đại Đoàn Kết Toàn Dân Chống Cọng” do ông Nhu thiết kế và chủ trì nhằm tóm thâu và khống chế các sinh hoạt chính trị tại Sài Gòn. Nhưng Hội Nghị đã bị tan vỡ ngay từ đầu vì ý đồ của ông Nhu bị phát hiện nên các đảng phái thì đứng ngoài và giới sinh hoạt chính trị thì không hợp tác.
Trong khi đó, Việt Cọng tấn công và làm chủ nhiều quận huyện, thậm chí còn chiếm đóng trung tâm tỉnh lỵ Kiến Hòa (1-4). Đặc công Việt Cọng đặt bom và ném lựu đạn ngay tại Sài Gòn, xua 2,500 dân biểu tình phá rối cuộc bầu cữ Tổng thống nhiệm kỳ II (9-4) tại thủ đô. Địch khống chế Công trường Đa Nhim nhiều ngày, bắt và hạ sát Quận trưởng Đơn Dương. Ngày 28-6, đánh bại quân đội tại Tô Hạp (Khánh Hòa); và ngày 16-7, Tiểu đoàn 502 của địch đánh bại một Tiểu đoàn Dù tại Kiến Phong. Ngày 18-9, Việt Cọng đốt phá tỉnh lỵ Phước Thành, hạ sát Thiếu tá Tỉnh trưởng Nguyễn Minh Mẫn, và ngày 1-10, bắt cóc rồi hạ sát Đại tá Nguyễn Thụy Nam, Trưởng Phái đoàn Việt Nam liên lạc Ủy Ban Kiểm Soát Đình chiến…. 
Trước tình hình nguy ngập nầy, ngày 10-10, ông Diệm ký Sắc lệnh 209-TTP ban bố “tình trạng khẩn cấp trên toàn lãnh thổ”, yêu cầu Quốc Hội dành cho Tổng thống quyền được ban những sắc luật đặc biệt về an ninh, và ngày 7-12, ông Diệm gửi thư cầu cứu với Tổng thống Kennedy. 

■ Năm 1962 mở màn vào sáng 27-2 với một trái bom từ chiếc khu trục A-1H Skyrider của Trung úy Nguyễn Văn Cử thả xuống cánh trái Dinh Độc Lập, nơi có phòng ốc sinh sống và làm việc của gia đình ông Nhu. Vụ nầy do một số thành viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Quốc tổ chức. Phi công của chiếc khu trục thứ nhì là Trung úy Phạm Phú Quốc bị bắt, và bị phát hiện thuộc dòng dỏi danh gia của cụ Phạm Phú Thứ ở Quảng Nam (nơi ông anh trưởng Ngô Đình Khôi từng là một Tổng Đốc tham nhũng), lại càng làm cho anh em nhà Ngô ... đau nhói. Đã thế, tình hình chiến sự thê thảm đến nỗi ngày 31-3, ông Diệm đã phải gửi thông điệp chính thức cho nguyên thủ của 92 quốc gia trên thế giới yêu cầu yểm trợ Việt Nam Cọng Hòa chống lại xâm lăng của Cọng sản từ miền Bắc. Tình hình kinh tế cũng chẳng sáng sũa gì: Bernard Nalty (trong Rival Ideologies in Divided Nations) cho biết “Kinh tế Việt Nam đều phụ thuộc vào Kinh viện và Quân viện của Mỹ”, và điều tra của Robert Scigliano (trong Vietnam, A Country At War) xác nhận “Việt Cọng đã chiếm được 80% nông thôn của Việt Nam Cọng Hòa”. 
Gần cuối năm, Bác sĩ Phạm Huy Cơ, một chính khách tên tuổi, công khai đả kích chính sách độc tài gia đình trị, đã cùng một số chính trị gia thành lập Hội đồng Cách Mạng Quốc gia rồi thuyết phục Hoa Kỳ ngưng ủng hộ ông Diệm. Ông lập luận rằng nền độc tài gia đình trị của chế độ Diệm chỉ làm lợi cho Cộng Sản Hà Nội và Mặt trận Giải phóng. Dĩ nhiên, ông đã bị bắt giam ngay.

 Vua Lê Chúa Trịnh 

Tình hình trầm trọng, dồn dập và phức tạp trong ba năm 1960, 1961 và 1962 nầy đã càng ngày càng bộc lộ những khuyết điểm về khả năng lãnh đạo của ông quan Thượng thư Ngô Đình Diệm nhưng cũng đồng thời làm dấy lên những tham vọng của ông siêu cố vấn Ngô Đình Nhu.
Thật vậy, ngay từ khi ông Diệm lên làm Tổng thống một nước Cọng hòa hiện đại cho đến đầu thập niên 60’, tâm chất và kỷ năng của ông Diệm như một ông quan đầu tỉnh triều Nguyễn hình như vẫn không khá hơn được chút nào. Chính vị Đổng Lý Văn Phòng gần gũi của ông Diệm mô tả rằng “Trí não ông Diệm không quen lý hội sự gì trừu tượng và tổng quát. Ông chỉ ưa việc cụ thể mà ông hình dung được rõ mới chịu là cần, ông xét định về từng trường hợp và từng công tác dễ hơn là về toàn diện vấn đề. Ông có thể chỉ làm được một tổng thanh tra tẳn mẳn, sục sạo như viên kỹ sư Bigorne thời Pháp thuộc: Giá ông làm tổng thanh tra như Bigorne không chừng làm được việc hơn một Tổng thống …” (Đoàn Thêm, Những Ngày Chưa Quên, nxb Đại Nam, Sài Gòn 1969, trang 200).
Cho nên choáng ngợp trước nhiều biến động phức tạp và dồn dập của 3 năm qua, Vua Lê nhu nhược và bất tài đang từ từ phải chia sẻ quyền lực và nương dựa nhiều hơn vào một Chúa Trịnh càng lúc càng tham quyền. Các sử gia nghiên cứu về giai đoạn 3 năm đầu của thập niên 60’, xin chú ý đến hiện tượng chuyển quyền lý thú nầy để đánh giá cho đúng hai ông Nhu Diệm tội ai nặng tội ai nhẹ. Tại vì ông Nhu mới chính là kiến trúc sư và cũng là nhà thầu cố gắng chống đở nhưng cuối cùng lại phá nát ngôi nhà Đệ Nhất Cọng Hòa đã tơi tả trong khoảng thời gian đầy giông bảo nầy.

 Qua đến năm 1963, thì tình trạng “Vua Lê Chúa Trịnh” càng rõ nét song song với những biến cố sôi động trong năm nầy:
 Ngày 2-1 đầu năm là thất bại thê thảm ở trận Ấp Bắc, tỉnh Định Tường (trong quá trình triễn khai chiến lược Trực thăng vận và Thiết xa vận do Mỹ viện trợ) khiến nhiều giới chức trong và ngoài chính quyền Mỹ đặt lại vấn đề hiệu quả của các chương trình quân viện.
 Tháng 2, nhằm Tết Quý Mão, là lúc những mâu thuẩn quyền lực và quyền lợi nỗ lớn giữa các anh em Ngô Đình: Hai ông Diệm-Nhu một bên, hai ông Thục-Cẩn một bên, với bà Nhu nhảy nhót tung tăng đổ dầu vào lữa … Tháng 5 cho đến tháng 8 là phong trào đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo của Phật tử với vụ nỗ súng giết người ở Huế, cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức ở Sài Gòn, và cuộc tấn công "Nước Lũ" các chùa toàn quốc bắt giam hơn 1,400 Tăng Ni và Cư sĩ của Lực lượng Đặc biệt. Ngày 23/8, trong khi sinh viên học sinh thay thế Tăng Ni Phật tử (đã bị bắt giam) xuống đường rầm rộ thì Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Võ Văn Hải và Bộ trưởng Phủ Tổng Thống Nguyễn Đình Thuần đòi loại bỏ ông Nhu ra khỏi chính quyền. Một loạt các viên chức cao cấp khác như Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu, Đại sứ Trần Văn Chương cũng từ chức (hoặc bị đuổi như Giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị Bác sĩ Trần Kim Tuyến, Chủ tịch Quân ủy Đảng Cần Lao Trung tá Nguyễn Văn Châu). 

“… Từ lúc đó trở đi, những phản kháng của Phật tử tăng trưởng thành một phong trào lớn mạnh và có gốc rễ với sự yểm trợ rộng rải trong giới sinh viên, trí thức, và ngay cả vài người trong cộng đồng Công giáo. Biết rằng tình trạng bất ổn đã lan tràn đến giới quân sự và vài sĩ quan đang lên kế hoạch đảo chánh, ông Nhu đã ngấm ngầm dự định một kế hoặch cực kỳ rắc rối để nghiền nát phong trào Phật tử, đổ lỗi cho quân đội và chiếm đoạt quyền kiểm soát chính phủ của ông Diệm. Ông ta đã đi đến kết luận rằng anh mình [ông Diệm] quá mềm yếu nên không cai trị được nữa. Ông Nhu đã kêu ầm lên với [Trưởng] văn phòng CIA [tại Sài Gòn là] John Richardson vào tháng 6 rằng “Tôi chẳng thèm coi ông anh tôi [Diệm] ra gì nữa. Nếu một chính phủ không đủ sức áp dụng luật lệ được nữa, chính phủ đó sẽ phải đổ”. Ông Nhu còn nói thêm rằng chế độ nầy thì “quan lại và phong kiến” đến mức vô phương cứu chữa.”
[From that point, the Buddhist protests grew a powerful deeply rooted movement with broad support among students, intellectuals, and even some among Catholic community. Aware that unrest had spread to the military and certain officers were planning a coup, Nhu hatched a byzantine plan to crush the Buddhist movement, blame the military and seize the control of the government from Diem. He had concluded that his brother become too weak to rule. “I don’t give a damn about my brother,” Nhu exclaimed to CIA station John Richardson in June, “If a government is incapable to apply the law, it should fall.” The regime, he said, was incurably “mandarin and feudal”. (Randall B. Woods, Shadow Warrior, William Egan Colby and The CIA, nxb Basic Books, New York 2013, trang 219)].
Thái độ ông Nhu xem thường ông Diệm “không ra gì” đó, chính bà Nhu, gần 20 năm sau, trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1982, khi so sánh tương quan giữa ông anh Tổng thống Diệm và chồng bà cũng đã xác nhận rằng “ông ta [Diệm] biết rất rõ rằng chồng tôi có thể cai trị [đất nước] mà không cần ông ta, nhưng ông ta không thể cai trị nếu không có chồng tôi [Because he knew very well that my husband can do without him but he could not do without my husband (Chương trình “Vietnam: A Television History”, đài truyền hình PBS, phát hình năm 1983)]
Bản chép lại (Transcript) cuộc phỏng vấn bà Ngô Đình Nhu trong Chương trình “Vietnam: A Television History”, đài truyền hình PBS phát hình năm 1983

Cho nên, để hoàn tất một trong những mắt xích của chiến lược chống Mỹ - phế Diệm của mình, ngày 25/8, sau nhiều vận động của Pháp và Ấn Độ, lần đầu tiên, trong một buổi tiệc tại Bộ Ngoại giao, ông Nhu gặp đại diện của Bắc Việt là Trưởng đoàn Ba Lan Mieczyslaw Maneli tại ICC. Lần gặp thứ nhì vào ngày 2/9, Quốc Khánh của VNDCCH, ông Nhu mời ông Maneli vào Dinh Gia Long … đó là chưa kể những trao đổi bí mật khác qua hai "special envoy" Phạm Hùng và Trần Văn Dĩnh. 
Những biến cố dồn dập, phức tạp và trầm trọng đó, tích lủy từ 3 năm trước và lên đến cao điểm vào cuối Hè năm 1963, đã vượt khỏi khả năng cai trị và ý chí lãnh đạo của con người thơ lại khăn đóng áo dài Ngô Đình Diệm. Ông chỉ còn biết quay về với chuyện ông giỏi nhất và thích nhất: cầu nguyện với Chúa và hút thuốc lá liên miên. Vã lại, ông bà Nhu đã thay ông điều động việc nước từ lâu rồi. Những ngày đầu tháng 10 năm 1963, không cần những kế hoạch đảo chánh giả “Bravo1/Bravo2” cực kỳ rắc rối để cướp quyền ông Diệm, không cần cho nhân viên thay chân dung to lớn của ông Diệm tại Tòa Đô sảnh bằng chân dung của chính mình, ông Nhu cũng đã là, trên thực tế và bất chấp Hiến Pháp, Tổng thống Việt Nam Cọng Hòa rồi. Một tổng thống với tâm địa của một tên “đao phủ chính trị”.
 
And the rest is history … ! 

Ông Nguyễn Đình Thuần, Bộ trưởng Phụ tá Quốc Phòng rồi Bộ trưởng tại Phủ Tổng Thống của Đệ Nhất Cọng Hòa, người ra vào Dinh Gia Long hầu như hằng ngày, đã kể lại rằng “… Vào giai đoạn đó, Nhu sa vào vòng nghiện ngập và điều đó đã đẩy ông ta đến những trạng thái cực đoan… Người ta bắt đầu thấy những dấu hiệu điên loạn trên mặt ông ta, nhìn bất động như kẻ mộng du, với một nụ cười lạnh lùng cố hữu … (theo Rogers Hillman, To Move A Nation, Doubleday Inc. and Co., New York 1967, trang 480)

Đệ Nhất Cọng Hòa, 1960-1963: Vua Lê” Ngô Đình Diệm nhu nhược an phận  
Chúa Trịnh” Ngô Đình Nhu gian hùng hiếu sát


Thế cờ bí oan nghiệt - Một post-mortem 

Khi cùng ông Nhu trốn ra khỏi Dinh Gia Long ngày 2-11-1963, ông Diệm nghĩ rằng cùng đi với nhau, ông Nhu sẽ an toàn hơn. Ông Diệm đã nghĩ đúng một nửa vì trước đó, bạn cũng như thù, cọng tác viên cũng như đối lập, đều chỉ đòi hỏi ông bà Nhu rời khỏi nước và giữ ông Diệm làm Quốc trưởng (bù nhìn). Nhưng một nữa khác mà ông Diệm nghĩ không tới là theo đà cuộc khủng hoảng kéo dài từ năm 1960 chứ không phải từ vụ Phật giáo (5/1963), Chúa Trịnh Ngô Đình Nhu độc ác đã “tiếm quyền” Vua Lê Ngô Đình Diệm nhu nhược, thì tình cảm của quân dân miền Nam đã trở nên căm thù và uất hận ông Nhu như thế nào?

Ngày 2-11 đó là ngày họ, cả người sống lẫn người chết, đòi nợ máu của 7 năm bạo trị! Giá mà tại nhà ông ba Tàu làm kinh tài cho đãng Cần Lao tên là Mã Tuyên ở Chợ Lớn, khi toàn bộ những công cụ bạo lực của gia đình ông đều tự tê liệt hoặc tan rã như bọt sóng, ông Diệm để ông Nhu “nhảy núi” một mình, theo đường giao liên vào mật khu của Mặt trận Giải phóng Miền Nam rồi ra Hà Nội, còn ông về nhà thờ cha Tam để liên lạc với các Tướng lãnh thì có phải cơ may để cả hai ông vẫn toàn thây có phải lớn hơn không? Nhưng lịch sử không làm bằng những “giá mà”, và số phận đã làm cho “Diệm vô Nhu, Diệm héo - Nhu vô Diệm, Nhu tàn” nên họ đã không bỏ được nhau.

Bộ óc “mưu lược bá đạo” Ngô Đình Nhu đã không nghĩ ra được cách giải thế cờ bí oan nghiệt của chính anh em mình bày ra. Vì Nhân Quả là quy luật hằng hữu của kiếp nhân sinh, hay đó cũng là nhiệm ý của Thiên Chúa chăng ? Cho nên chính những anh em dòng họ Ngô Đình đã tự hại nhau mà không biết! Và lịch sử sang trang trong tiếng reo mừng thoát nạn của toàn dân thủ đô Sài Gòn trưa ngày 2-11-1963.

Nguyễn Kha

[Nguồn: Hai bài viết nầy của tác giả Nguyễn Kha được trích từ Tuyển tập “HỒ SƠ MẬT 1963 - Từ Các Nguồn Tài Liệu Của Chính Phủ Mỹ”, Thiện Pháp chủ biên, Thiện Trí Thức xuất bản, Hoa Kỳ 2013 http://thuvienhoasen.org/p60a17764/1/cac-ban-dich-tu-kho-du-lieu-bo-ngoai-giao-my ]




Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014


LTS – Hai tháng trước khi tiếng súng Cách mạng n ra vào ngày 1-11-1963 để chấm dứt chế độ độc tài Ngô Đình Diệm tại miền Nam Việt Nam, các Tướng lãnh trong quân lực Việt Nam Cọng Hòa đã từng khuyến cáo và mở cho ông Ngô Định Diệm một cơ hội để cải tổ chế độ hầu tranh thủ lại được niềm tin của quần chúng và vực dậy hiệu năng của chính phủ.
Tiếc rằng vào thời điểm đó, những động thái nầy đã quá trể: Theo tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ (FRUS) và Cơ quan tình báo Trung ương CIA, ông Diệm không còn hành xử như một Tổng thống nữa mà chính ông bà Ngô Đình Nhu đã đoạt quyền ông Diệm để đối phó với cuộc khủng hoảng, đẩy chế độ vào vũng bùn tội ác và nâng cuộc đấu tranh của thanh niên sinh viên trí thức Sài Gòn lên tầng cao mới, tạo tiền đề chính trị cho các Tướng lãnh và một bộ phận của chính quyền Kennedy quyết định thay đổi lãnh đạo của Việt Nam Cọng Hòa.
[Xem http://hoangnamgiao.blogspot.com/2013/10/phat-giao-va-cuoc-chinh-bien-1-11-1963.html ]
Phiếu Đệ Trình” ngày 5-9-1963 của các Tướng Lãnh mà Trang nhà Bauxite Việt Nam đăng lại dưới đây (từ Hồi ký của cựu Tướng Trần văn Đôn, bộ óc của cuộc Cách mạng 1963) là một tài liệu lịch sử cho thấy độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng 1963. Đồng thời cũng là một kinh nghiệm – như Bauxite nói rõ – cho những ai muốn thay đổi một chế độ độc tài. - NG .
[Nguồn: http://www.boxitvn.net/bai/30007, Bauxitvn đăng ngày 22-10-2014]


Vài hình ảnh của Cách mạng 1-11-1963 trên tờ báo LIFE
cho thấy phản ứng dân chúng như thế nào trước sự kiện lịch sử này
Quý nhất của bài dưới đây là ở những hình ảnh, chúng không chỉ rất sống mà còn góp phần nói lên một kinh nghiệm vàng cho người dân trên hầu khắp thế giới đang phát triển, nhưng cũng là cẩm nang số một cho đám lãnh tụ chóp bu cộng sản: mọi cuộc biểu tình trong các thể chế không có sự cai trị của CS rốt cuộc đều dẫn kẻ độc tài đi nhanh đến… bãi tha ma.

Vì thế mà không khó hiểu khi từ Trung Quốc đến Việt Nam đều bảo nhau cấm ngặt biểu tình, gán cho bất kỳ cuộc biểu tình yêu nước ôn hòa nào một cái mũ to khủng và là cái mũ độc nhất: PHẢN ĐỘNG, do những phần tử phản động xúi giục.

Từ chuyện này xin bạn đọc hãy thử đoán xem Luật biểu tình ở Quốc hội CHXHCN Việt Nam bao lâu nữa thì có, như lời đẹp của ông Thủ tướng?

Bauxite Việt Nam


Đầu của bức tượng "Hai mẹ con mụ Nhu" bị sinh viên Sài Gòn kéo sập, 
và bị sinh viên đập nát (Hình của Phòng Thông tin Hoa Kỳ tại Sài Gòn)



http://www.flickr.com/photos/13476480@N07/4170869078/” target=”_blank” rel=”nofollow”>


Hồi Ký Trần Văn Đôn
về cuộc đảo chánh 1-11-1963.

     Những phần tử Cần Lao luôn cáo buộc các tướng lãnh VNCH phản bội ông Diệm khi làm cuộc đảo chánh 1-11-1963. Họ không hiểu rằng Quân Đội đã làm hết sức mình can gián ông Diệm nhưng không được.

     Hãy nên nhớ, năm 1960, 18 nhà trí thức đã họp tại khách sạn Caravelle và đưa ra “Bản Tuyên Ngôn của 18 Nhân Sĩ Trí Thức Sàigòn” đề nghị Tổng thống Diệm cải tổ chánh trị một cách ôn hoà và xây dựng. Kế đến là cuộc biến động 11.11.1960 của các Binh Sĩ Dù, rồi tới cuộc oanh tạc Dinh Độc Lập ngày 27-2-1962… Tình hình đã cực kỳ nghiêm trọng. Nhưng Tổng thống Diệm vẫn bất chấp nguyện vọng của người dân.

     Ngày 5-9-1963, trước các biến động đe doạ tới chế độ, các Tướng Lãnh VNCH (gồm cả các Tướng Cần Lao) cũng bày tỏ nỗi quan tâm, đồng ký tên gởi lên Tổng thống Diệm một bản đề nghị, yêu cầu Tổng thống Diệm cải tổ chánh trị để cứu vãn tình hình…

     Và rồi… Tống Diệm cũng bất chấp !
     Và rồi… Cuộc Cách Mạng Thật Sự  ngày 1-11-1963 tất phải diễn ra !!
     Chúng tôi xin trích nguyên văn bản PHIẾU ĐỆ TRÌNH TỔNG THỐNG VNCH của các Tướng Lãnh VNCH được đăng trong quyển VIỆT NAM NHÂN CHỨNG của Tướng Trần Văn Đôn, trang 525.
***

VIỆT NAM NHÂN CHỨNG
*Trần Văn Đôn

16. Phần Phụ Lục.
      (Đây là phiếu đệ trình Tổng thống Ngô Đình Diệm đề nghị cải tổ đường lối cai trị và cải cách các bộ. Sự khước từ nầy đưa đến việc đồng ý thực thi kế hoạch đảo chánh năm 1963).

PHỤ LỤC 1:
PHIẾU ĐỆ TRÌNH
TỔNG THỐNG VIỆT NAM CỘNG HOÀ

Kính thưa Tổng thống,
     Với tư cách là những cán bộ tuyệt đối trung thành với Tổng Thống và được Tổng Thống ban phép trước nên chúng tôi mạo muội đệ trình Tổng Thống những đề nghị sau đây :
     Sở dĩ chúng tôi dám thượng trình Tổng thống là vì chúng tôi thiết nghĩ đến nay đã qua giai đoạn thứ hai của lệnh giới nghiêm mà Tổng thống và ông Cố vấn đã hứa cần khai thác tình trạng giới nghiêm về khía cạnh chánh trị hầu gây nên cuộc vận động tâm lý thứ hai.
     Sự thi hành phần thứ hai của Kế hoạch giới nghiêm, chỉ là sự giữ lời hứa của Thượng Cấp với các Tướng Lãnh.
     Điểm qua tình hình chung thì thấy rất khả quan, an ninh trật tự được bảo đảm phần nào. Tuy nhiên dư luận Quốc tế cũng như một phần Quốc nội còn cho rằng Tổng thống ban hành lệnh giới nghiêm chỉ để dẹp vụ tranh chấp Phật Giáo. Do đó một số ngoại nhân đang còn mưu mô tổ chức phá hoại chính thể, đánh đổ Tổng thống. Đa số nhân dân Việt Nam cũng có một tâm trạng khao khát một vài đổi mới trong bộ máy chánh quyền, một số nhân vật chánh trị, hành chánh.
     Chúng tôi biết chắc Tổng thống đang trù tính giải pháp thích ứng để ngoại quốc khâm phục, đồng thời cũng để quốc dân biết cuộc giới nghiêm là khởi điểm cho một cuộc Cách Mạng toàn diện, toàn dân, toàn quân, đem lại an ninh lâu dài cho dân chúng.
     Chính thể và qui chế Quốc gia đã do Hiến pháp qui định không thể nào thay đổi được. Do đó chúng tôi chỉ xin trình Tổng thống cứu xét để thực hiện thay đổi kế hoạch — phần hai ngay – phù hợp với kế hoạch Cách mạng chung của lệnh giới nghiêm.
     Phần hai của kế hoạch gìới nghiêm gồm những khoản sau đây:

I.- Cải cách chánh trị – Chế độ.
     1.- Thả ngay các Sư sãi, Tăng ni, Sinh viên, Học sinh do các Lực lượng Cảnh sát Chiến đấu và Lực lượng Đặc biệt giữ, vì xét thấy tình hình trở lại yên tĩnh, sau khi loại trừ các phần tử Cộng sản.
     2.- Cho tự do tín ngưỡng: Tuyên bố và thực thi ngay các điểm yêu cầu của Phật giáo bằng hành động. Cấm chỉ mọi bắt bớ giam cầm. Thực thi khoan hồng toàn diện, vô điều kiện, với các đoàn thể chính trị, Tôn giáo, Sinh viên, Học sinh, tranh đấu cho Phật giáo.

II.- Cải Cách Các Bộ.
     1.- Cử một Tướng lãnh giữ Bộ Quốc Phòng.
     2.- Cử một Tướng lãnh giữ Bộ Công Dân Vụ (để phối hợp các phương tiện truyền tin, tuyên truyền quân sự lẫn dân sự.
     3.- Cử một Tướng lãnh giữ Bộ Nội Vụ để cho dễ điều khiển các Tỉnh trưởng, Quận trưởng là những Sĩ quan Quân đội.
     4.- Các chức vụ Đại Biểu Chính phủ cũng xin cử Tướng Lãnh, đặt một Phó Đại Biểu hoặc Cố Vấn Chính Trị Hành Chánh dân sự. Về quản hạt Toà Đại Biểu xin sửa đổi cho ăn khớp với Vùng Chiến Thuật.
     5.- Chức Đô Trưởng Sài-gòn cũng xin giao cho một Tướng Lãnh vì trong giai đoạn tới cần phải nắm vững dân chúng trong Đô Thành. Sở dĩ chúng tôi xin đề nghị một số quân nhân không phải vì nguyên nhân tài giỏi hơn dân chính, mà chính kinh nghiệm những quá khứ cũng như hiện tại, quân nhân  đã tỏ ra tinh thần kỷ luật hy sinh và cương quyết hành động cao độ.
     6.- Về Bộ Quốc Phòng, xin Tổng thống cải biến thành Bộ Quân Lục để đảm trách nhiệm quản trị hành chánh. Còn những vấn đề thuần túy Quốc phòng sẽ do chính Tổng thống quyết định. Để chấp hành những quyết định của Tổng thống, cũng như để trình bày thêm ý kiến, xin Tổng thống thiết lập một Ủy Ban Quốc Phòng với quy chế tổ chức giống Ủy ban Trung ương Đặc trách Ấp Chiến Lược dưới quyền chủ toạ của Tổng thống, hoặc của một vị Bộ trưởng nào do Tổng thống đề cử.
     7.- Để đi đến vấn đề thanh lọc hàng ngũ công chức và gia tăng hiệu năng của các cơ quan chính quyền, chúng tôi xin Tổng thống :
     – Chính phủ ban hành lệnh chiến lược hoá tức là thành lập khu chiến lược trong các Bộ, Viện, Nha, Sở.
     – Thành lập thêm một cơ quan mới để thanh tra, giám sát công việc của Công chức cao cấp. Cơ quan nầy sẽ được Tổng thống ban cho quyền hạn rộng rãi, được hỏi bất cứ công chức cao cấp nào, bất cứ khi nào để diệt trừ nạn hối lộ, nhũng lạm công quỹ, hiếp đáp dân lành, bất tuân hành hoặc chấp hành sai lạc các Thượng Lệnh, v.v…
    – Cử một nhân vật của ta giữ nhiệm vụ kế hoạch hoá nhất là việc đào tạo nhân tài và kỹ thuật gia để sau nầy giữ những chức vụ then chốt trong chánh quyền.
     8.- Sau cùng để nắm vững nhân dân, xin Tổng thống ban lệnh cải tổ hoặc lập lại phong trào Cách Mạng Quốc Gia cho có quy cũ, đường lối học tập, sinh hoạt hẳn hoi, xây dựng bề sâu chớ không phải làm hình thức như lâu nay.
     Sau đây là danh sách các vị Tướng Lãnh phân phối đến các Bộ, kính đệ trình Tổng thống thẩm định và bổ nhiệm. Mỗi Bộ chúng tôi xin kính đề cử hai hoặc ba người để Tổng thống tiện bề chọn lựa.
     Kính thưa Tổng thống,
     Trên đây là một vài ý kiến xây dựng, chúng tôi trân trọng đệ trình lên Tổng thống với tư cách là những Cán bộ thành tâm, thiện chí, tuyệt đối trung thành với Tổng thống, xin Tổng thống tha thứ cho mọi sơ hở lỗi lầm.
                                                  Sài-gòn, ngày 5 tháng 9 năm 1963