TỪ KENNEDY ĐẾN NGÔ ĐÌNH DIỆM:
MỘT HUYỀN THOẠI PHẢI DẸP BỎ
Hoàng Nam Giao
Ngày
thứ Sáu, 22 tháng 11 năm 1963, đoàn xe chở Tổng thống Kennedy và phu nhân là bà
Jacqueline rẽ trái vào đường Elm và bắt đầu chạy vòng quanh quảng trường Dealey
Plaza thuộc thành phố Dallas - Fort Worth, bang Texas. Chiếc xe Limousine qua
khỏi tòa nhà Texas School Book Depository vừa đúng 12 giờ 30 trưa thì 3 tiếng
súng vang lên. Và vị Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ tử nạn. Năm đó ông John
Fitzgerald Kennedy 46 tuổi và là vị tổng thống Mỹ thứ tư bị ám sát lúc đang tại
chức.
Trước
đó đúng 20 ngày, cách trọn nửa trái cầu, một vị tổng thống Công giáo khác là
ông Ngô Đình Diệm, người đã từng được hai chính quyền Mỹ hết lòng yểm trợ nhưng
rồi lại bị bỏ rơi khi chánh quyền Kennedy quyết định ủng hộ một cuộc chính biến
lật đổ ông ta. Một ngày sau đó, ông Diệm bị hạ sát.
Trong
bối cảnh đó, để kỷ niệm 50 năm ngày Tổng thống Kennedy bị hạ sát (1963-2013), trong
số nhiều tài liệu và sách báo Mỹ đề cập đến cuộc đời và sự nghiệp của ông
Kennedy, có một số tài liệu nối hai cái chết nghiệt ngã nầy với nhau. Một trong
những tài liệu đó đã được nhật báo Người
Việt ở California giới thiệu với độc giả [1] . Tài liệu nầy
ghi lại cuộc phỏng vấn Sử gia Edward Miller [2] ngày 18-11-2013 quanh
câu hỏi “Nếu Tổng thống Kennedy không bị ám sát thì điều gì sẽ xãy ra cho Chiến
tranh Việt Nam ?” [Vietnam War: What If
JFK Hadn’t Been Assassinated ?] [3]
Cuộc
phỏng vấn quay quanh ba đề mục: (i) Tại sao người Mỹ quyết định ủng hộ một cuộc
thay đổi chế độ ?, (ii) Điều gì đã xảy ra sau chính biến 1-11-1963 ?, và (iii)
Điều gì sẽ xảy ra nếu TT Kennedy không bị ám sát ?
Đặc
biệt ngay trong cuộc phỏng vấn, sau khi nghe xong đoạn băng từ tính (vừa được
giải mật hôm 4-11-2013 [4]) về buổi nói chuyện của TT Kennedy 2
ngày sau khi ông Diệm bị giết, một câu trả lời của ông Miller trong đề mục
(iii) làm tôi lưu ý:
-
Ông
Young (hỏi): Nhưng ông nghỉ sao về trường phái cho rằng Chiến tranh Việt Nam đáng
lẽ đã không trở thành một thảm họa như ta thấy nếu TT Kennedy không bị giết ?
-
Ông
Miller (trả lời): Tôi không nghỉ rằng TT Kennedy sẽ chọn con đường leo thang ồ ạt
như TT Johnson đã làm; tuy nhiên, tôi cũng không nghỉ rằng ông ta sẻ chọn rút
quân tức khắc đâu. Tôi đoán rằng TT Kennedy sẽ chọn một loại giải pháp trung
dung, và có thể sẽ hành động như TT Obama tại Afghanistan sau đó vào năm 2009.
Dĩ nhiên, tại Afghanistan, TT Obama đã leo thang chiến tranh trong ngắn hạn, rồi
sau đó là rút quân theo từng giai đoạn. Một khi thực hiện điều nầy, tôi có thể
tưởng tượng được TT Kennedy sẽ tìm một giải pháp qua đàm phán, một loại dàn xếp
như thế nào để cho phép điều gọi là trung lập hóa Nam Việt Nam. [5]
“ …[không] leo thang ồ ạt” và “rút
quân theo từng giai đoạn” ! Như vậy thì cái luận điểm của những
người binh vực ông Diệm, nhất là những người Công giáo ở hải ngoại, rằng ông bị
giết vì chống lại chính quyền Mỹ muốn đưa quân vào Việt Nam có còn đúng không ?
Câu
hỏi đó dẫn tôi đến một bài viết của ông Đinh Từ Thức mà tôi muốn giới thiệu hôm
nay.
* *
*
Bài
viết gồm 2 phần và có tên là “50 năm sau
biến cố 1 tháng 11, 1963: xét lại nguyên nhân và hậu quả”. Bài được đăng trên
Kho lưu trử của “Tạp chí Da Màu”:
-
http://damau.org/archives/29801 (Phần
1, đăng ngày 1-11-2013)
-
http://damau.org/archives/29843 (Phần
2, đăng ngày 4-11-2013)
(Bài viết rất dài nên tôi không in lại ở
đây, xin độc giả cùng hai phe “lên án” cũng như “bênh vực” ông Diệm / chế độ Diệm
chịu khó đọc hai phần của bài viết rất cần đọc nầy).
Đây là một bài viết công phu của một người
thuộc phe bênh vực ông Diệm, với lập luận chặt chẻ và tài liệu khá cập nhật, vốn
là một điều rất hiếm hoi khi so sánh với những bài viết của các ông viên chức Đệ
nhất Cọng hòa cũ như Tôn Thất Thiện, Lâm Lễ Trinh, Cao Xuân Vỹ, Huỳnh Văn Lang,
v.v…
■ Bài viết chủ yếu nhằm xét lại một cách
rốt ráo chính biến 1-11-1963 vì, theo ông Đinh Từ Thức, “về nguyên nhân
của cuộc đảo chánh, có một “huyền thoại” cần xét lại.”.
Và huyền thoại đó là [nhấn mạnh là của HNG]:
“Trong suốt 50 năm qua, đã có rất nhiều
người, nhiều đến nỗi không thể liệt kê hết ở đây, gồm cả những “bình
luận gia”, “học giả” hay “sử gia”, hầu như ai cũng nói giống nhau, như
một sự thật hiển nhiên, không cần dẫn chứng, là Mỹ
đảo chánh để có thể mang quân vào trực tiếp tham chiến ở Việt Nam,
vì ông Diệm chống lại việc này. Theo “huyền thoại” này, Mỹ phải
lật ông Diệm như loại bỏ một chướng ngại vật, để có thể đổ quân vào
VN. Đặc biệt là khẳng định này
thông dụng trong dư luận người Việt, nhưng hầu như không được nhắc tới
trong tài liệu và sách báo của Mỹ. Tôi chỉ được biết vài ba
cuốn sách của Mỹ nói tới điều này, nhưng lại căn cứ từ sách báo
Việt ngữ.”
■ Rồi trong số “nhiều người đến nỗi
không thể liệt kê”, ông đã chọn những người mà ông cho là chứng nhân có thẩm
quyền để nói về vấn đề nầy là linh mục Cao Văn Luận, bác sĩ Trần Kim Tuyến, đại
sứ Ngô Đình Luyện, đại tá Nguyễn Hữu Duệ; và về người ngoại quốc thì có bà
Helen Hammer (tác giả của A Death in
November) và một Linh mục Jesuit Mỹ không nêu tên …
Ông Đinh Từ Thức viết [nhấn mạnh là của
HNG]:
“Trong cuốn A Death in November (ADIN)
xuất bản năm 1987, nói về cuộc đảo chánh năm 1963, bà Ellen J. Hammer viết nơi trang 121:
“Một người Việt quen thuộc nói: ‘Mọi người gần gũi ông Ngô Đình Diệm
đều biết rằng với ông, vấn đề chủ quyền của Việt Nam là tối quan
trọng, không có vấn đề nhượng bộ chuyện này với viện trợ ngoại
quốc.’” Và “Diệm nói trong riêng tư rằng người Mỹ đã từng đòi quyền
thiết lập căn cứ không và hải quân tại Vịnh Cam Ranh hay Đà Nẵng,
được điều hành bởi một cơ sở quân sự thường trực, và rằng họ đã
tăng gia áp lực kể từ năm 1961. Vào tháng Bảy năm 1962, trong một cuộc
kinh lý tại Vịnh Cam Ranh, ông đã chỉ một ngọn núi ở gần, nói với
các cận vệ rằng, ‘Người Mỹ muốn lập một căn cứ ở đấy nhưng tôi sẽ
không bao giờ chấp nhận điều đó.’ Cho đến tháng Tám 1963, ông đã nói
với Đại Sứ Pháp rằng ông sẽ không bao giờ làm theo những đòi hỏi
đó. Một số thành viên đảng Cần Lao
của ông coi sự từ chối này là một trong những lý do chính cho việc
lật đổ ông Diệm.”
Trong phần chú thích ở trang 336 về trang 121 có đoạn trích
dẫn trên, bà Hammer cho biết bà đã căn
cứ từ bài viết của Bác Sĩ
Trần Kim Tuyến, trên báo Hòa Bình, ngày 8 tháng 8, năm 1970.
Là Tổng Thư Ký tòa soạn báo Hòa Bình vào thời gian này, tôi biết về nguồn
thông tin của bà Hammer. Bài báo bà cho là Bác Sĩ Tuyến viết, là
loạt bài được mệnh danh “bút ký lịch sử” kéo dài nhiều tháng, mang tựa đề “Làm thế nào để giết một
tổng thống,” sau khi chấm
dứt, đã được xuất bản thành sách ở Sài Gòn. Tôi là người đặt tựa
cho loạt ký sự này. Khi bắt đầu đăng báo, Bộ Thông Tin không chịu, yêu
cầu đục bỏ, một phần sợ gây “sốc” trong dư luận, phần khác do áp lực từ
các tướng chủ chốt trong cuộc đảo chánh, sau khi bị Nguyễn Khánh cho đi an trí
một thời gian, đã trở lại là những nhân vật có thế lực, như Nghị Sĩ Quốc Hội.
Lúc ấy chế độ kiểm duyệt báo chí mới chấm dứt theo Luật 019/69, do Quốc Hội
thông qua, và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ký ban hành ngày 30 tháng 12, 1969.
Theo luật này, báo có quyền chỉ trích chính phủ, không bị kiểm duyệt, và chỉ có
thể bị tịch thu theo lệnh của tòa án. Dựa vào luật mới, tòa soạn nhất quyết
giữ y nguyên cả tên lẫn nội dung ký sự, không chịu đục bỏ hay thay đổi, với
lập trường là nếu Bộ Thông Tin thấy nhà báo phạm luật, cứ việc truy tố ra toà.
Ngày thứ hai, rồi ngày thứ ba liên tiếp, Bộ Thông Tin vẫn yêu cầu đục
bỏ. Từ ngày thứ tư, Bộ để yên.
Tác giả ký sự
là hai bút hiệu: Cao Vị Hoàng và Lương Khải Minh. Tuy hai bút hiệu,
thực ra chỉ có một người viết, trong khi dư luận, kể cả bà Hammer,
nghĩ rằng Lương Khải Minh là bút hiệu của Bác Sĩ Tuyến, nguyên giám
đốc sở Nghiên cứu Chính trị Phủ Tổng Thống; ngôn ngữ bình dân gọi là “Trùm mật
vụ”. Ông Tuyến không viết chữ nào
trong ký sự này, nhưng có giúp một cách gián tiếp. Với uy tín
thời Đệ Nhất Cộng Hòa, ông đã giới thiệu để người mang bút hiệu Cao
Vị Hoàng [6] có thể tới phỏng vấn các nhân vật quan trọng
của chế độ cũ. Lời kể của họ về anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Đệ Nhất
Cộng Hòa được ghi lại là chất liệu cho nội dung ký sự, không được kiểm chứng về độ chính
xác, nên khó có thể coi như sự thật lịch sử. Có thể nói Lương Khải
Minh chỉ là “bút hiệu danh dự” dành cho ông Tuyến, cũng như chiếc ghế
trống trong buổi lễ phát giải Nobel Hòa Bình năm 2010, được gọi là
chiếc ghế của ông Lưu Hiểu Ba, nhưng ông này chưa bao giờ ngồi ở đó.
Khi cuốn sách
của bà Hammer xuất bản ở Mỹ, qua câu chuyện điện thoại từ Mỹ với ông
Tuyến ở Cambridge, Anh, tôi đã có dịp cho ông biết về sự sai lầm của
tác giả, và hỏi ông có định lên tiếng đính chính không. Bác Sĩ
Tuyến trả lời rằng ông không muốn lên tiếng, sợ nhà báo kéo tới
phỏng vấn ầm ỹ, trong khi ông chỉ muốn sống ẩn dật. Tuy nhiên, ông
Tuyến cũng nói khi nào tôi có dịp
gặp bà Hammer, thì nhờ nói với bà ấy về chuyện sai lầm, để sửa lại
khi sách có dịp tái bản.
Gần đây, Finding the
Dragon Lady, một cuốn sách
mới xuất bản vào tháng Chín 2013 nói về cuộc đời bí mật của bà Ngô Đình Nhu,
tác giả là bà Monique Demery, đã trích một đoạn từ cuốn sách A Death in November,nhưng ngay cuốn ADIN lại trích từ hồi ký “Bên
Dòng Lịch Sử” của Linh Mục Cao Văn Luận, trong đó Cha
Luận kể lại cuộc gặp Tổng Thống Ngô đình Diệm tại Dinh Gia Long vào ngày 24
tháng 06, 1963. Cha Luận mới gặp nhiều chính khách quan trọng ở Mỹ, như Bộ
Trưởng Tư Pháp Robert Kennedy, Nghị Sĩ Mike Mansfield trở về, khuyên ông Diệm
nên nhượng bộ những đòi hỏi của Mỹ để tránh đảo chánh, nhưng ông Diệm không
chịu, đáp:
- Nếu bây giờ chúng ta nhượng
bộ một bước thì Mỹ sẽ lại đòi thêm, biết nhượng bộ đến bao giờ cho vừa lòng họ?
Tôi muốn võ trang đầy đủ cho Bảo an, Dân vệ, thanh niên chiến đấu. Mỹ không
chịu. Tôi muốn tăng cường quân đội, Mỹ từ chối không cấp vũ khí và phương tiện,
Mỹ chỉ muốn đưa quân qua Việt Nam mà thôi.
Có lẽ Tổng Thống
Diệm đã đề cập tới nội dung cuộc họp gữa phái đoàn Mỹ do tướng Taylor cầm đầu
và ông Diệm vào mùa Thu năm 1961 (sẽ nói thêm sau này) trong đó ông Diệm có yêu cầu Mỹ tăng viện
để tăng quân số, và Tướng Taylor đề nghị gửi
một đạo quân Mỹ từ sáu đến tám ngàn người tới VN – dưới danh nghĩa cứu lụt,
nếu cần – và ông Diệm đã đồng ý, nhưng ông Kennedy không chấp thuận.
Vào năm 2003, Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ, vốn là
Thiếu Tá Tư Lệnh Phó kiêm Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ
Phủ Tổng Thống khi xẩy ra cuộc đảo chánh 1963, nhờ tôi biên tập bản thảo
cuốn “Nhớ Lại Những Ngày Ở Cạnh
Tổng Thống Ngô Đình Diệm”. Ông Duệ
viết sở dĩ Mỹ đảo chánh, vì ông Diệm không chịu cho Mỹ đem quân
chiến đấu vào Việt Nam và lập căn cứ ở Vịnh Cam Ranh. Tôi hỏi ông
Duệ đã căn cứ vào đâu để viết như
vậy, ông trả lời “chuyện đó ai
chả biết”. Tôi xin ông cố nhớ lại để có thể kể tên đích xác một vài
người, sau giây lát suy nghĩ, ông nêu tên ông Trần Sử, bí thư của Tổng
Thống Diệm, lúc ấy đã qua đời. Trong cuốn sách đã dẫn, khi xuất bản, ông Duệ
viết trong phần nói về Đại Sứ Ngô Đình
Luyện rằng ông Luyện đã kể với ông Duệ:
Trước cuộc đảo
chính mấy tháng, có một linh mục thuộc
Dòng Jesuit Hoa Kỳ đã bí mật sang Anh gặp ông Luyện, muốn ông báo cho ông
Diệm biết là sớm muộn gì Mỹ cũng giúp cho cuộc đảo chánh lật ông Diệm. Khi ông
Luyện hỏi có thể làm cách nào để tránh được không, vị Linh Mục này khuyên ông
Diệm:
“Nên nhượng bộ
chính phủ Hoa Kỳ, đồng ý tất cả những gì người Mỹ muốn qua Đại Sứ Hoa Kỳ. (Theo
ông Luyện thì người Mỹ muốn Việt Nam nhường
cảng Cam Ranh cho người Mỹ trong một thời gian, như Phi Luật Tân nhường
cảng Subic, và để cho người Mỹ một thời gian vào Việt Nam)”.
Ông Luyện đã cấp
tốc từ London về Sài Gòn gặp anh mình, Đại Tá Duệ kể tiếp:
“Tổng Thống Diệm
nói sẽ nghiên cứu kỹ việc này và bảo ông Luyện sang gặp ông Nhu để bàn thêm.
Ông Luyện gặp ông Nhu và ông Nhu có vẻ chú ý và cũng đồng ý nhưng ông lo rằng
người Mỹ đòi mang quân vào và xử dụng Cam Ranh thì khó đựơc tổng thống chấp
thuận. Ông cũng lo rằng nếu ngừơi Mỹ mang quân vào thì Nga và Tầu sẽ giúp miền
Bắc nhiều hơn và có thể cũng đem quân vào nữa. Như vậy, Việt Nam sẽ là bãi
chiến trường đẫm máu.”
Đó là tất cả
những gì tôi được biết từ phía người Việt về chuyện người Mỹ muốn mang quân
chiến đấu vào Việt Nam và muốn xử dụng cảng Cam Ranh, tất cả đều do
những lời kể lại gián tiếp, không được chứng minh bằng tuyên bố hay văn kiện
chính thức.
■ Sau đó, tác giả Đinh Từ Thức đã
chịu khó “lặn lội” trong các ngõ ngách của bộ máy quyền lực của chính quyền Kennedy
xem có dấu tích nào nhắc đến kế hoạch tăng quân và/hoặc thuê nhượng Cam Ranh
không, nhưng ông đã không tìm ra được
tài liệu nào. Ngược lại, ông lại tìm ra những sự kiện sau đây:
- Quyết
định của chính quyền Mỹ ủng hộ cuộc chính biến 1-11-1963 khá phức tạp, không chỉ đến từ Tổng thống
Kennedy mà thôi.
- Lý do
họ ủng hộ cuộc chính biến không phải vì bị ông Diệm từ chối việc đổ quân Mỹ vào Nam Việt Nam mà vì cách cai trị thiếu dân chủ của
ông Nhu [7].
- Sau vụ
đổ bộ thất bại thê thảm ở Bay Of Pigs tại Cuba, và trước viễn ảnh của cuộc bầu
cử Tổng thống sắp tới, ông Kennedy không muốn có những cuộc phiêu lưu chính trị
tại nước ngoài nữa. Ông có ý định bỏ rơi miền Nam.
- Chính
quyền Kennedy không có ý định đổ quân vào miền Nam (ngoài 16,000 “cố vấn” hiện
hữu), lại càng không muốn chiếm đóng lâu dài như Cọng sản tuyên truyền. [8]
Từ đó, ông
đưa ra một nhận định chiến lược tất yếu [nhấn mạnh là của HNG]:
Sau đảo chính 1
tháng 11, 1963, phe chủ chiến Mỹ và phe chủ chiến Cộng Sản Bắc Việt đã gặp nhau
ở một điểm: Cả hai bên đều muốn Mỹ trực
tiếp tham chiến ở VN; Mỹ muốn sớm chiến thắng bằng quân sự, Bắc Việt muốn
Nam VN mất chính nghĩa để cũng sớm chiến thắng bằng quân sự. Vụ Maddox ở Vịnh
BV là hành động khiêu khích của cả hai bên.
Bộ Quốc Phòng và
các tướng lãnh Mỹ chống lại, hoặc ít nhất không đồng ý đảo chánh, vì vào trước
cuộc đảo chánh, tuy tình hình chính trị suy sụp, nhưng tình hình quân sự tương
đối còn tốt đẹp. [9]
Ngược lại, nhóm
người tích cực thúc đẩy đảo chánh thuộc Bộ Ngoại Giao, tất cả đều chống lại
việc đem quân chiến đấu vào Việt Nam.
Do đó, Việc Mỹ tham chiến ở Việt Nam không phải là nguyên nhân, mà là hậu quả
của cuộc đảo chánh 1-11, 1963.
■ Và để kết bài, ông Đinh Từ Thức
khuyên phe “bênh vực” ông Diệm rằng [nhấn mạnh là của HNG]:
Những người
yêu mến ông không cần hun đúc tình cảm của mình dựa trên một huyền thoại, là ông đã hy sinh chỉ vì chống
lại chủ tâm của Mỹ đưa quân chiến đấu vào Việt Nam. Chính nghĩa chỉ tồn tại khi dựa trên sự thật. Chính nghĩa dựa trên huyền thoại, cũng chỉ
là huyền thoại
* *
*
Dù
xét toàn bộ, ông Đinh Từ Thức và tôi không đồng ý với nhau về đánh giá “công và
tội” của gia đình ông Diệm (tôi nhấn
mạnh chử “gia đình”) cũng như của chế độ Đệ nhất Cọng hòa trong bối cảnh lịch sử
của nước ta, nhưng tôi lại tâm đắc với thái độ lương thiện và can đảm của ông
trong lời kết nhắn nhủ những “đồng chí” của ông ở trên. Chỉ xin được thay chử
“huyền thoại” bằng “sự dối trá”: Chính nghĩa mà dựa trên sự dối trá, thì cái
gọi là chính nghĩa đó cũng chỉ là sự dối trá.
Và tôi chỉ xin ghi lại một số suy nghỉ để kết bài:
1- Đây là lần đầu tiên tôi được biết một trí thức
Công giáo, một người pro-Diệm, chấp
nhận rằng nguyên nhân của chính biến 1/11/63 không phải là vì "huyền
thoại" TT Diệm chống Mỹ gửi thêm quân. Thái độ chấp nhận nầy thật là
hiếm và thật là chậm, nhưng chậm và hiếm còn hơn không !
2- Đây cũng là lần đầu tiên trong lãnh vực nghiên
cứu về chủ đề Ngô Đình Diệm mà tôi được biết một trí thức Công giáo “lật tẩy” lời
nói láo của các trí thức Công giáo nổi tiếng khác như Cao Văn Luận, Cao Xuân
Vỹ, Cao Thế Dung, ... và một cách gián tiếp, như một hệ luận, điểm mặt luôn những
người Công giáo khác đã từng khai thác lời nói láo nầy như Lâm Lễ Trinh, Nguyễn
Văn Chức, Nguyễn Hữu Duệ, Tú Gàn Lữ Giang, Huỳnh Văn Lang, ... và vô số âm binh
lãi nhải điệp khúc “ông Diệm bảo vệ quyền tự quyết quốc gia nên bị Mỹ giết” trên
các diễn đàn Internet.
3- Quan trọng hơn cả, bài viết nầy của ông Đinh Từ Thức đã chứng minh một
cách đầy thuyết phục rằng ông Diệm không chống việc Mỹ đem thêm quân mà còn xin
thêm quân Mỹ. Nghĩa là cuộc chính biến 1-11-1963 không vì lý do người Mỹ muốn
đưa thêm quân. Vậy thì lý do gì đã làm
cho người Mỹ ủng hộ cuộc chính biến nầy?
Tài liệu trong bài của
ông Đinh Từ Thức cũng như trong rất nhiều tài liệu khác cho thấy consensus của chính khách Mỹ năm 1963 là
chính phủ ông Diệm bất lực, không thể
thắng Cọng Sản như họ muốn dù đã được yểm trợ nhân lực, vật lực nhiều
như vậy trong một thời gian lâu
như vậy. Bản phúc trình của
Thượng nghị sĩ Mike Mansfield sau chuyến viếng thăm để tìm hiểu và đánh giá tình hình Việt Nam đầu năm 1963 chính là lời ai điếu báo hiệu ngày tàn
của chế độ Ngô Đình Diệm. Bản phúc trình đó chỉ rõ hai điểm quan trọng: chế độ
ông Diệm không thắng trên chiến trường VÀ không có khả năng thu phục được lòng quân
dân miền Nam. Từ đó, vị Thượng Nghị sĩ Dân Chủ đã từng ủng hộ ông Diệm từ ngày
đầu, khi ông Diệm mới chỉ là một chính khách vô danh tiểu tốt "lê gót" ở Washington, đã đặt một câu hỏi
cốt lõi: “Chúng
ta có thể thắng Cọng sản với Diệm không?”
4- Nhưng
theo tôi, hậu quả chính trị của câu hỏi đó cũng chưa phải là “nguyên nhân” nếu ông Đinh Từ Thức thật
sự muốn “xét lại” sau 50 năm. Tại vì
giản lược hóa chỉ còn một nguyên nhân
cho một biến cố phức tạp và to lớn như chính biến 1-11-1963 thì hoặc là không
hợp lý hoặc là không lương thiện. Trước hết, và nỗi cộm hơn cả, là tinh thần
cai trị quốc gia phi dân tộc và phản dân chủ của anh em gia đình ông Diệm. Đó
phải là nguyên nhân chính. Các nguyên nhân khác như áp lực của đồng minh Mỹ, phá
hoại của đối thủ Cọng sản, chống đối của các lực lượng quốc gia khác, hay uất ức
của quân đội khiến họ đã hai lần phản ứng bằng võ lực… chỉ là những nguyên nhân
to hay nhỏ, vần vũ chung quanh một nguyên nhân trục: Trong khung cảnh hoàng hôn
của phong trào giải thực và dưới gọng kềm của cuộc chiến tranh lạnh, miền Nam
Việt Nam đã bất hạnh bị cai trị bởi một gia đình có bản chất phong kiến độc tài
nặng tính Ky tô giáo Trung cổ. Đó là một
nguyên nhân văn hóa, nên có nhiều khả thể đúng là nguyên nhân chính.
Hoàng Nam Giao
22-11-2013
CƯỚC
CHÚ:
[1]
Người Việt Online ngày 18-11-2013: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNV2.aspx?articleid=177391&zoneid=19#.UouWDdJwpyI
[2]
Ông Edward Miller là Phó Giáo sư khoa Sử tại Đại học Dartmouth College. Ông cũng
là tác giả của cuốn “Misalliance: Ngo
Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam”, Harvard
University Press, 5/2013. Người phỏng vấn là ông Robin Young của chương trình Here & Now thuộc đài phát thanh WBUR
trong hệ thống NPR (National Public Radio), Boston.
[4]
Được giới thiệu trên BBC-Việt Ngữ: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/11/131104_kennedy_ung_ho_lat_diem.shtml
Cậ̣p nhật: 02:27 GMT - thứ hai, 4
tháng 11, 2013
[5]
YOUNG: But what about the school of thought that the Vietnam War wouldn't have
turned into the calamity it did if Kennedy hadn't been killed? Your thoughts on
that.
MILLER:
I don't think that he would have taken the path of massive escalation that
Johnson did; however, I don't think he would have opted for an immediate
withdrawal either. I suspect that Kennedy would have chosen some kind of middle
course, and I think that he might well have done something not unlike what
Barack Obama would later do in Afghanistan in 2009.In Afghanistan, of course,
Obama chose short-term escalation, followed by a phased withdrawal of U.S.
troops. Having done this, I can also imagine Kennedy trying to seek some kind
negotiated deal, some sort of settlement that would have allowed for the
so-called neutralization of South Vietnam.
[6]
Chú thích của HNG: Sau 1975, tại hải ngoại, rất nhiều người biết Cao Vị
Hoàng là bút hiệu của ông Cao Thế Dung, một nhân viên cũ của bác sĩ Tuyến và
cũng là một người gây rất nhiều tranh cải trong cộng đồng người Việt hải ngoại.
Ông cũng là người “nặn” ra một Đại úy Mỹ CIA tên là James Scott (trong tác phẩm
Làm Thế Nào Để Giết Một Tổng Thống?) mà ông khẳng định chính là người ném bom
tại Đài Phát thanh Huế đêm 8-5-1963, mở đầu cuộc đấu tranh của Phật giáo. Và dĩ
nhiên, bà Ellen Hammer lại nhắc đến sự kiện “đại úy Scott” nầy trong tác phẩm A Death in November như một sự kiện lịch
sử … có thật !. [Trần
Lâm, Làm thế nào để dựng đứng một nhân vật
lịch sử, @Talawas]
[7]
Chú thích của HNG: Điều nầy hoàn toàn phù hợp với rất nhiều công điện và
tờ trình của Bộ Ngoại Giao Mỹ trong năm 1963, khi ông Nhu bắt đầu tiếm quyền lãnh
đạo của ông Diệm và có những biểu hiện tâm thần bất bình thường. [Foreign
Relations of the United States,
FRUS 1961-1963, Vol III, Doc. 256 và FRUS
1961-1963, Vol IV, Doc.110 ]
[8] Chú thích của HNG:
Ngược
lại là khác, đã có lúc TT Kennedy đồng ý lập kế hoạch để rút 1,000 “cố vấn” ra
khỏi miền Nam Việt Nam trong khuôn khổ triệt thoái toàn bộ lực lượng võ trang Mỹ.
[Ngô Đắc Triết, Tổng thống Ngô Đình Diệm và Quân đội Mỹ, 11/2002, http://www.sachhiem.net/LICHSU/N/NgoDacTriet.php]
[9]
Chú thích của HNG: Tác giả Đinh Từ
Thức dùng cụm từ “nhưng tình hình quân sự tương đối còn tốt đẹp” là để vớt vát chút nào cho chế độ ông Diệm thôi.
Thật ra, ngay từ năm 1961, trong lúc
nền kinh tế quốc gia vẫn còn phụ thuộc nặng nề vào kinh viện Mỹ [Bernard C.
Nalty, Rival Ideologies in Divided Nations (Vietnam War), tr. 62; và
Frances Fitzgerald, Fire in
the Lake, tr. 101-104] thì tình hình an ninh hầu như bị suy sụp một cách đáng
quan ngại, nhất là ở nông thôn, nơi Việt Cọng kiểm soát 80% [Robert
Scigliano, Vietnam, A Country
At War] đến
nỗi ngày 10-10-1961, ông Diệm phải ban bố “tình trạng khẩn cấp trên toàn lãnh
thổ Việt Nam Cộng Hòa.” [Sắc lệnh số 209-TTP của Tổng Thống Phủ - Đoàn Thêm, Những
ngày Chưa quên” Đại Nam, 1967 – Nam Chi Tùng Thư tái bản] Và hai tháng sau,
ngày 7-12-1961, ông Diệm đã gửi thư cho Tổng thống Kennedy xin tăng thêm viện
trợ vì “Việt
Nam Cọng Hòa đang phải đối đầu với một thảm họa lớn nhất trong lịch sử” [Marvin E, Gettlemen, Vietnam History, Documents and
Opinionsm và Đoàn Thêm, Những ngày Chưa quên” Đại
Nam, 1967 – Nam Chi Tùng Thư tái bản].
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét