Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013


CẢM NGHĨ VỀ SỰ CÁO CHUNG
CỦA MỘT CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI 

Tiểu Dân


(Trích Bán Nguyệt san BÁCH KHOA [trang 1] số 165,
 Ngày 15-11-1963 – Sài Gòn - Tiểu Dân là bút hiệu của một Giáo sư Đại học Văn Khoa Sài Gòn)

 
Một chế độ lỗi thời phản tiến hoá, vừa bị đào thải. Một chế độ mới, hướng về Tự do thực sự, Dân chủ chân chính đang được xây dựng.

Những ngày hăng say, phấn khởi đầu tiên trong không khí Cách mạng thắng lợi qua rồi. Âm vang cuối cùng của một chế độ sụp nhào đã tắt lặng và tình cảm nhiệt nồng của con người cũng đã lắng xuống theo nhịp sống trở lại bình thường.

Và như thế là phải. Vì lịch sử từ bao giờ đến bây giờ vẫn không hẳn làm bằng cảm tính và nếu nhiệt tình là một yếu tố có giá trị động lực của phong trào cách mạng thì lý trí, nhận thức, mới là kim chỉ nam hướng dẫn cách mạng đi lên.

Quân dân miền Nam hân hoan chào mừng Quân đội làm Cách mạng lật đổ nhà Ngô

Người dân Việt còn nhiều việc phải làm, có thể nói, còn tất cả công việc phải làm. Một chế độ mới bắt đầu cũng có nghĩa là chúng ta bắt đầu một công cuộc xây dựng từ khởi điểm mới.

Đối với biến cố lịch sử vừa rồi, lẽ tất nhiên người trí thức với các tầng lớp nhân dân cùng chung một phản ứng: vui mừng và hy vọng một trật tự mới, tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên nếu đi sâu vào tâm tư của mỗi lớp người, ta có thể ghi nhận một vài sắc thái riêng tư. Nhân dân chịu áp bức, bóc lột nhiều, căm hờn sâu sắc những kẻ cầm đầu chế độ cũ và những phần tử đồng lõa có ý thức. Chế độ độc tài đổ sụp, họ đòi những kẻ ấy thanh toán tội lỗi nợ nần.

Người trí thức đau khổ nhất về mặt tinh thần. Họ đã tủi buồn, cay đắng nhìn những kẻ vô tài, vô đức hoặc hữu tài vô đức, trắng trợn múa may quay cuồng trên sân khấu xã hội, những thứ ngụy giá trị được chế độ độc tài khoác vào một lớp hào quang giả trá, dối lừa.

 Và bây giờ, trong vận hội mới, người ta đòi một sự minh định giá trị.

Cho nên, nếu nhân dân đòi hỏi một sự phục hồi Công Lý thì người trí thức lại có một nguyện vọng riêng: họ đòi hỏi phục hồi Chân giá trị.

Nhưng Chân giá trị nầy, chúng ta phải khách quan và thẳng thắng mà nhận rằng nó không phải là một thực thể toàn thiện. Qua chín năm dài sống dưới một chế độ độc tài phong kiến tàn ác sâu độc nhất trong quốc sử, mấy ai có thể nói lớn lên không hổ thẹn rằng đôi tay mình trắng, lương tâm mình nhẹ nhàng?

Không. Chân giá trị đã bị chế độ cũ vùi lấp phũ phàng. Nhưng không phải vì thế mà khi vùng dậy nó không tự thấy bị hoen ố ít nhiều vì bụi đất.

Để ý-thức sự thật nầy mà dựa vào đó ấn định một phương châm tranh đấu xây dựng một nền Tự do thật sự và Dân chủ chân chính, chúng ta nên suy gẫm ít nhiều về một chế độ độc tài đã ngự trị trên đất nước chín năm, và về trách nhiệm của mỗi người đối với chế độ ấy.

*   *  *
Đến đây người viết nhớ đã dùng đến hai lần ngôn từ “Tự do thật sự” và “Dân chủ chân chính”. Đáng lẽ chỉ cần nói: Dân chủ, Tự do. Cẩn thận như thế là vì chế độ cũ đã có thủ đoạn biến hoá nhiệm mầu của một tay phù thủy hiểm ác: bao nhiêu giá trị thiêng liêng, tốt đẹp, bao nhiêu danh từ cao qúi, đều bị tước đoạt thực chất, nội dung chân chính, để trở thành những yếu tố dối gạt, bịp lừa.

Tự do chỉ là tự do của những kẻ cầm đầu chế độ mặc tình thao túng, xem sinh mạng dân như cây cỏ, xem tài sản dân và nước như của riêng; mặt khác, Tự do còn là tự do xu-nịnh, tâng công, đàn áp, khủng bố những người không đồng quan niệm với giai tầng thống trị.

Dân chủ - mà báo chí Tây-phương gọi là Démocratie - chỉ là một chế độ quái dị, kết hợp tài tình sự tàn bạo dã man của Phong-kiến Trung-cổ và sự ác độc “khoa học” của Phát-xít.

Tình hình xuyên tạc các giá trị và ý niệm, danh từ, đã đưa đến một trạng nghịch phản lạ lùng trong sự việc nhận thức và đối chiếu giữa giá trị danh từ và sự thật.

Khi gia đình thống trị nói trắng, ta phải hiểu là đen và ngược lại. Khi họ nói Tổ-quốc, Quốc-gia, ta phải hiểu thêm: của kẻ cầm quyền.

chế độ Nhân-vị chính là chế độ trong đó có nhân vị con người bị chà đạp đau thương hơn đâu hết.

Tấn thảm kịch ấy đã kéo dài. Và nói chung, phải chăng người trí thức ít nhiều trong sạch, đã sống thu mình trong tình trạng “giải nhiệm tinh thần”, tuy không chấp nhận nhưng cũng không phản ứng hoặc phản ứng bằng lối sống “tiết sạch, giá trong”?

Nếu sự thiết lập một trật tự ngụy giá trị là một đặc điểm của chế độ cũ thì sự ngự trị bằng đường lối khủng bố là một đặc điểm khác của chế độ ấy. Và đứng về chúng ta, có lẽ điều đáng suy gẫm là kiểm điểm lại xem yếu tố nào nơi chúng ta đã bị những kẻ cầm đầu chế độ cũ khai thác để trong suốt một thời gian dài một nền thống trị xây dựng trên niềm sợ hãi đè nặng trên toàn thể nhân dân.

“Khi gia đình thống trị nói trắng, ta phải hiểu là đen và ngược lại. Khi họ nói Tổ-quốc, Quốc-gia, ta phải hiểu thêm: của kẻ cầm quyền
Hình năm con chuột (nhà Ngô) đục khoét miền Nam trên bìa báo Tự Do, Xuân Canh Tý (1960)

Năm 1958 – cách đây năm năm – trong một bài nhan đề “Những kẻ phá hoại chê độ”, đăng ở Bách Khoa số 43, ra ngày 15 tháng 10, ông Huỳnh-Văn-Lang, đã viết:

Xưa nay, ở trong gia đình ta quen sợ cha, sợ mẹ, sợ ông, sợ bà, sợ ma, sợ quỉ; sợ đây không có nghĩa là “kính” chút nào. Khi lớn lên ra ngoài đời sợ làng, sợ xã, sợ lính, sợ tráng. Khi hoạt động cái gì lại sợ Tây, sợ tà, sợ quan, sợ tướng. Chao ôi! Còn bao nhiêu thứ sợ nữa? Sợ mất lòng người – cái thứ sợ nầy nó gần có nghĩa như nịnh - sợ liên lụy đến thân phận, đến chức tước, đến gia đình.

Lúc làm tôi thì mảng lo nghĩ về sợ, làm chủ thì làm cho sợ. Ở dưới thì sợ trên, ở trên thì sợ trên nữa và như thế mãi. Rồi lại ở trên thì làm sợ dưới, ở dưới thì làm sợ dưới nữa và cũng như thế mãi …”

Tiếng nói phẫn uất ấy, cách đây năm năm, lẽ tất nhiên tắt biến trong những lời ca ngợi, những tiếng hoan hô chế độ.

Chính vì sự sợ hãi đã ngự trị ở mọi nơi, khắp chốn, cho nên ở các cấp, các ngành, cán bộ có một tác phong vô trách nhiệm triển khai đến độ lạ lùng. Quyền hành, địa vị, còn có thể có một thiểu số không thiết tha cho lắm nhưng trách nhiệm về công việc thì ai cũng lo gạt sang người bên cạnh, đẩy lên trên hay đùn xuống dưới, để người gánh chịu không phải là mình. Người ta trở thành quá dè dặt quá khôn ngoan, luôn luôn ngờ vực, né tránh những gì có thể gây phiền phức cho mình, có thể làm thương tổn mình về quyền hành, địa vị hay an ninh bản thân.

Tình trạng vô trách nhiệm phổ biến nầy đưa đến sự khoán trắng quyền hành cho những kẻ cầm đầu chế độ cũ. Một mặt chế độ độc tài bị suy yếu đi về sinh lực, mặt khác nó lại độc tài hơn trong tính chất.

Tuy nhiên, tiếng nói phẫn uất trên đây cũng có thể vọng vào tâm tư những người tự hiểu mình và âm thầm chua xót vì sự hiểu nầy.

Người trí thức hiểu nhưng không làm gì, hiểu mà đành thoái từ trách nhiệm. Không khí e dè, ngờ vực cắt đứt nguồn thông cảm. Người ta chỉ yên tâm khi đối diện với mình. Nhưng sự yên tâm ấy cũng rất là tương đối bởi vì cái Ta thật, thiết tha với Chân Thiện Mỹ bỗng chập chờn như cánh bướm vô tâm và người ta chỉ gặp một cái Ta giả định, dồi dào lý thuyết biện minh và ngôn từ phủ dụ.

Nhân dân đau khổ nhìn lên, tìm người trí thức. Nhưng người trí thức còn phải đi tìm mình. Giữa bên nầy và bên kia có sự xa cách của hai bờ đại dương; giữa người trí thức và chính mình có sự dối lừa của một huyễn tượng. Chưa bao giờ có những nỗi niềm cô đơn như thế!
 
*   *  *
Có thể nói những người cầm đầu chế độ cũ là những phần tử có ý thức trách nhiệm vô cùng sâu xa: đối với chính họ và gia đình thống trị.

Trong bài toán đối tượng phục vụ, họ đã dứt khoát loại trừ các dữ kiện xứ sởnhân dân. Họ có trọng tội nhưng họ đã chọn một con đường, và cứ tiến bước trên con đường ấy.

Điều đáng quan tâm là chúng ta, với quyền lợi và nguyện vọng khác biệt về căn bản, cũng đã bước theo con dường ấy.

Người ta nghe quen thuộc đến chán chường điệp khúc hùng hồn “Gia-đình, Cơm-áo” và điệp khúc khiêm tốn “mình làm gì được trong cái tệ chung?”

Thành thử có hai cảnh tượng lạ lùng: một bên là chế độ bơ vơ, một bên canh bạc sinh tồn đầy gian lận: ai cũng chăm chú giành phần được cho mình, nhưng cho kẻ khác phần thua thiệt.

Nhà độc tài không mong muốn gì hơn là được tự do uốn nắn chế độ nhằm phục vụ quyền lợi của mình. Với tác phong vô trách nhiệm đối với chế độ, ta đã trao toàn quyền cho họ. Thay vì cũng cố, khi còn có thể, và trên tinh thần trách nhiệm đối với xứ sở, nhân dân, nghĩa là chống lại ý hướng độc tài sơ khởi, ta đã vô tình làm suy yếu thêm một chế độ vốn đã bệnh hoạn. Bây giờ đây, khi ngọn gió Cách mạng đã quét sạch nhà độc tài và chế độ độc tài, chúng ta bỗng thấy xao xuyến trong lòng một nỗi niềm phức tạp: nửa vui hưởng nhờ thành qủa Cách mạng, nửa buồn tự thấy cũng bị thua thiệt, về một mặt nào.

Chế độ độc tài đã tạo nên một sự trạng oái oăm nữa: không chỉ lãnh tụ mà từ trên xuống dưới , từ trong ra ngoài, người ta đều có tác phong độc tài. Tác phong này phát triển theo tỷ lệ nghịch. Càng xa Trung ương, càng ở cấp nhỏ, người ta càng thấy có những mặc cảm dị kỳ: sợ quyền uy của mình bị ngờ vực hay không được chấp nhận đúng mức, sợ mình trở thành một bánh xe không ăn khớp, lạc lõng, phiêu lưu.

Trong guồng máy vận chuyển một cách nghiệt ngã nầy, người trí thức đã phản ứng như thế nào? Có lẽ phải nhận rằng người trí thức chống độc tài ngay từ trong bản chất của mình. Nhưng sự nhiễm độc không dành ngoại lệ. Nó vẫn diễn ra, tuy phức tạp, tinh vi hơn. Nếu có thể làm cái việc cắt xén trí thức ra làm nhiều phần thì người ta thấy rằng một phần bị nỗi niềm cô đơn da diết làm mòn góc cạnh, một phần tê liệt vì sự suy luận độc lập đã bị huyễn tượng của một niềm tin thần thánh hoá dối gạt loại trừ và phần cuối cùng – có nên nói chăng? – chìm sâu trong ý thức tự tồn.

Thản hoặc, có những phút giây đau xót quá người ta vùng dậy, chửi đổng vào thực tại. Nhưng chế độ độc tài vốn không chấp nhận tiếng xôn xao phản kháng, vốn bắt buộc phải có sự lặng im chịu đựng hay đầu hàng. Bởi vậy trong vắng lặng hãi hùng, dư âm của lời nguyền rủa hay tiếng chửi lại chỉ vọng vào tai mình, đầy mỉa mai.

*   *  *
Nghĩ đến những người cầm đầu chế độ cũ, chúng tôi liên tưởng đến nhà độc tài Kassem đã ngự trị ở quốc gia Irak một thời. Và đó không phải là đối tượng duy nhất để so sánh.

Chúng ta có thể nhận thấy ở các nhà độc tài nhiều điểm tương đồng: cảnh cô đơn, sự khinh rẻ của quần chúng, nhân dân, bệnh chủ quan hết sức trầm trọng và ngày chung cuộc bi thảm.

Người ta bảo rằng nhóm độc tài quá cố đã xây những cái hầm đặc biệt mà nóc trần dây hai thước, tường vách dày một thước bốn mươi. Một sự kiện nhiều ý nghĩa vì nói lên được sự cô đơn càng ngày càng sâu xa của bọn độc tài.

Họ ngờ vực tất cả và chỉ tin ở chính họ.

Và họ sống càng ngày càng thu mình lại trong những công trình phòng ngự vật chất; họ chỉ lo bom đạn, không biết sợ dư luận búa rìu, chỉ bám vào một cái ghế, một dinh lũy, không biết sợ mất chân đứng trong lòng người và trong thực tế khách quan.

Cho đến một lúc nào họ bỗng trông thấy sự thật thì đây cũng là lúc họ chợt nhận ra rằng không có công sự, sào huyệt nào kiên cố tuyệt đối cả và thực tại đã xuất hiện trước mắt họ dưới hình thức lưỡi dao hay họng súng Cách mạng.

Ngày tàn của kẻ độc tài phần nhiều bi thảm là vậy, dù họ ở Đại-Hàn, I-Rắc, Việt-Nam hay bất cứ nơi nào.

Tên “Ngô Đình Diệm” bị liệt kê trong Danh sách 100 Bạo chúa trong Lịch sử nhân loại
“Tyrants, Histrory’s 100 Most Evil Despots & Dictators”, Niguel Cawthorn, Arcturus Publishing (September 23, 2004)

*   *  *

Gẫm cho cùng không phải một con người cầm quyền nào hễ muốn độc tài là bỗng dưng có thể trở nên kẻ độc tài dễ dàng.

Về chế đô độc tài Staline, Djilas đã viết: “…Ở đây trong một phạm vi rộng hơn, chính thức hơn, sự thần thánh hoá con người Staline lộ liễu hơn và trực tiếp hơn. Bây giờ, tôi có thể nói rằng sự thần thánh hoá ít ra cũng là do những kẻ tả hữu của Staline và bộ máy thư lại của Nga-Xô vốn cần một lãnh tụ như thế, đã góp sức xây dựng nên. Trở nên một vị thánh thần, Staline đầy quyền uy đến nỗi dần dần ông ta không còn lưu ý đến những đổi thay trong các nhu cầu và nguyện vọng của những người đã ca ngợi ông. Khi con người nhỏ thấp, dị dợm ấy đi ngang qua các cung điện huy hoàng, tráng lệ, người ta lui ra hai bên, người ta nhìn theo với những đôi mắt kính phục và hớn hở và những kẻ cận thần thì lắng tai chờ đón những lời lẽ nhỏ nhặt của ông …”

Chúng tôi thấy rằng, do bản chất của họ, những người cầm đầu chế độ cũ đã tự “phong thần” cho họ rồi. Nhưng chúng ta – hay một phần đáng kể trong chúng ta – đã thần thánh hoá họ. Chính vì những người chung quanh đã thần thánh hoá kẻ độc tài đến độ mà cuối cùng y cũng tưởng y là linh thiêng thật.

Hàng rào quần thần xu nịnh suy tôn y mỗi ngày mỗi cao hơn, trong khi người dân mỗi ngày mỗi cúi đầu, khom lưng xuống; mãi đến lúc người dân muốn ngóc đầu lên, đứng thẳng dậy thì đã không được nữa rồi.

                                                                           *  *  *
Vấn đề của chúng ta không phải là triền miên ngắm nhìn những xác chết - của chế độ và con người độc tài – mà là rút kinh nghiệm lịch sử để suy gẫm và hành động trong những ngày mới.

Có lẽ ta nên để mặc thần Phục Hận đeo đuổi vong hồn nhà độc tài quá cố, lặp lại câu hỏi của lão Cain: “Mầy đã làm gì anh em của mầy?  

  Mà ta nên nghiền ngẫm chân lý nầy để đấu tranh xây dựng một chế độ chân chính Dân chủ và thực sự Tự do: “Một dân tộc thế nào thì có một chính quyền thế ấy.”

Nói khác đi, nếu chúng ta không muốn độc tài, không đớn hèn thụ động thoả hiệp, đầu hàng, thì không bao giờ có được chế độ độc tài. Nếu có chế độ độc tài – như đã xảy ra trong chín năm đau buồn – thì chính chúng ta bất cứ ai cũng đều có một phần trách nhiệm không nhỏ.

TIỂU DÂN
(Trích Bán Nguyệt san BÁCH KHOA [trang 1] số 165 Ngày 15-11-1963 – Sài Gòn)

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét