Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013


THÁNG MƯỜI MỘT, CHỢT NHỚ
VÀI BÀI THƠ VỀ CHẾ ĐỘ DIỆM

Phùng Quân

Nhà chính trị Ngô Đình Diệm đã chết gần nữa thế kỷ nhưng tương lai của con chiên Ngô Đình Diệm thì vẫn còn nhiều hứa hẹn. Thật vậy, thông qua những sinh hoạt chính trị và tôn giáo của Giáo hội Công giáo Việt Nam trong và ngoài nước, cũng như những động thái tôn giáo và ngoại giao của Vatican, ta có thể thấy rằng:

Về mặt đạo, ông Diệm sẽ được nhào nặn vẽ vời để bôm lên thành một thánh tử đạo Công giáo Việt Nam như các “thánh” hợp tác với quân xâm lăng Pháp đã từng được Giáo hoàng Gioan Phaolồ II hối hả và ồ ạt, thâu ngắn mọi thủ tục, bất chấp sự thực lịch sử, bôm lên 117 con chiên Tây Ta chỉ trong một năm 1988. Nhớ lại những năm cuối của thập niên 1980’ của thế kỷ trước, hành động gấp rút nầy rõ rang là để cứu nguy và hà hơi tiếp sức cho Giáo hội Việt Nam, lúc đó, đang bị tơi tả trong nước và tan tác ngoài nước. Còn trường hợp “thánh tử đạo” Diệm tương lai, là để tô son trét phấn cho cái tội gần 400 năm theo Tây phản quốc của lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Về mặt đời, ông Diệm sẽ được rửa mặt và đánh bóng để làm một biểu tượng chính trị hầu xây dựng lực lượng Công giáo và tập họp các  lực lượng chính trị vệ tinh (loại “đối kháng” trong nước hay “liên tôn chống Cọng” ngoài nước) để bây giờ thì tìm cách thanh toán thế lực đương quyền tại Hà Nội, và tương lai thì lại thiết lập một chế độ “Diệm không Diệm” để Công giáo hóa nhân dân Việt Nam.

“Tương lai” hai vế đạo - đời đó phù hợp hoàn toàn với sách lược bành trướng đạo Công giáo tại Á châu đã  được huấn thị trong Tông huấn “Giáo hội tại Á châu” (Ecclesia in Asia – John Paul 2, New Delhi, 1999). Đồng thời, hình ảnh tương lai đó cũng sẽ nuôi dưỡng và khích động được lực lượng giáo dân Việt Nam ở hải ngoại đang chao đảo trước tình trạng mục rã và thoái trào của Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới mà cao điểm là đại biến cố hơn 5000 Linh mục sách nhiễu tình dục gần 10.000 nạn nhân ấu dâm trên 26 quốc gia kéo dài trên nữa thế kỹ ! 1

Đó là ý đồ tôn giáo và thế cờ chính trị của Vatican mà ai tinh mắt một chút thì đều biết.

Vì thế nên từ gần 10 năm nay, tại hải ngoại, ta thấy một phong trào “tâm lý chiến” mà các Linh mục thì xảo ngôn về văn hóa (như “ông Trời” trong tín ngưỡng và phong tục Việt Nam vốn là hình ảnh … Chúa Trời trong Cựu Ước!; hay Nguyễn Du được gợi hứng từ Kinh Thánh để sáng tác Truyện Kiều, …); còn các con chiên loại Lâm Lễ Trinh, Nguyễn Văn Lục, Tú Gàn Lữ Giang, Cao Thế Dung, Tôn Thất Thiện, và đám lau nhau mới nổi như Chu Tất Tiến, Minh Võ, Nguyễn Lý Tưởng, …thì  pha chế tài liệu, ngụy trang nhân chứng để xuyên tạc và viết lại lịch sử thời đệ nhất Cọng hòa. Phong trào nầy, dĩ nhiên, chỉ huy động được các con chiên múa may ngòi viết mà thôi, còn những thành phần khác của dân tộc thì tuyệt đại đa số chẳng ai thèm tham dự vào cái màn phịa sử bất lương nầy  cả.

Hai luận điệu của đám “sử gia” hoài Ngô nầy thường dùng là:

1-     Phong trào Phật giáo chống Diệm là do Cọng sản lãnh đạo, còn tướng lãnh lật đổ Diệm là tay sai của CIA, cả hai phối hợp với nhau để giết ông Diệm vì ông Diệm bào vệ quyền tự quyết chống lại Mỹ. Đây là một luận điệu vừa phi lịch sử vừa … ngu ! Ông Diệm đã được Mỹ “bồng” về, kinh viện quân viện đổ vào miền Nam như thác cho Diệm làm con cờ xây dựng tiền đồn chống Cọng (Đầu năm 1963, đã công khai có 16,000 Cố vấn Mỹ tại miền Nam Việt Nam). Đến lúc vì độc tài thối nát nên bất lực không đóng nỗi vai trò con cờ nữa, lại phản chủ bắt tay với kẻ thù Cọng sản nên bị chủ dẹp đi, thì đó là thân phận đương nhiên của kẻ, từ đầu, đã chịu nhận làm con cờ cho ngoại bang. “Tự quyết” chổ nào, càng nói càng thêm nhục !

Thật ra thì Mỹ không dẹp cũng không được vì nhân dân miền Nam chống Cọng, trong đó có Phật giáo, muốn như thế. Đó là tất cả cái dynamique của chính trị miền Nam trong 4 năm 1960, 1961, 1962 và 1963. Không có lòng công phẩn cuồn cuộn của toàn quân toàn dân miền Nam, thì chẳng CIA nào, chẳng Cọng sản nào, chẳng Phật giáo nào một mình lật đổ được triều đình Diệm-Nhu-Cẩn với 1 đảng Cần Lao sắt đá, 5 cơ quan công an mật vụ tàn bạo, 4 đoàn thể quần chúng, và 1 Giáo hội Công giáo thiên la địa võng cả. Chỉ trong 8 năm cầm quyền (1955-1963)  mà đã 7 lần bị phe cùng chiến tuyến chống đối 2  , nghĩa là hầu như năm nào cũng có chống đối, thì đủ biết dù có Mỹ và Vatican sau lưng, Diệm đã chết trong lòng quân dân miền Nam từ lâu rồi. Nói như nhà văn Doãn Quốc Sỹ: Mỹ chỉ đến để lượm cái xác của Diệm3  mà thôi.
  

… dù có Vatican và Mỹ sau lưng,
Diệm đã chết trong lòng quân dân miền Nam từ lâu rồi 

2-     Vì lật đổ ông Diệm cho nên …..mất nước vào tay Cọng sản ! Làm như ông Diệm bị đổ năm 1963 thì đến năm 1965 đã phải “tháng tư gãy súng” rồi. Tương quan nhân-quả  dĩ nhiên là  có nhưng sự  kiện lật đổ Diệm, sau 12 năm dài và phức tạp (1963 đến 1975), không phải là  cái “nhân” chính yếu và duy nhất dẫn đến sự sụp đổ của miền Nam vào năm 1975. Ta biết rằng đệ nhị Cọng hòa kéo dài được những 12 năm thăng trầm, vậy thì “mất nước” chủ yếu là tại vì những yếu tố gì khác trong 12 năm dài đó chứ không thể giản lược quy về chỉ một nguyên nhân “lật đổ ông Diệm” từ hơn một thập kỷ trước như nhóm hoài Ngô gian xảo ngụy biện. Ngược lại là khác, nếu ông Diệm còn tại vị thì miền Nam đã tiêu tùng ngay sau khi Ngô Đình Nhu lén lút quân dân miền Nam (và đạp lên Hiến Pháp nhân vị chống Cọng 1956) để đi đêm với “đồng chí” Phạm Hùng từ năm 1963 rồi !

Nhưng khổ một nỗi là hai điều ngụy biện đó vẫn có người nghe vì ở hải ngoại không phải ai cũng chịu khó nghiên cứu, biết cách tìm tòi và  xử lý  tài liệu, và nhất là chịu suy nghĩ. Đã thế, tuyệt đại đa số các cơ sở truyền thông đều do Công giáo không chế, tạo thành một bệ phóng để tung hỏa mù lịch sử đầu độc người đọc. Ngoài ra, những cái gọi là “nghiên cứu lịch sử” nầy bao giờ cũng được bảo chứng bằng những con dấu “chống Cọng” to tổ bố và vài cái nón cối phât phơ  trên đầu để uy hiếp những ai “dám” phản biện lại họ.

Tuy nhiên, nỗ lực bất lương chính trị và mạo hóa lịch sử đó của các con chiên Vatican dù có thuyết phục được một số người nào đó trong một khoảng thời gian nào đó, thì cũng không thay đổi được lịch sử, và nhất là không thay đổi được bản án mà dân tộc đã dành cho chế độ Diệm. Nhân chứng lịch sử và vong linh những nạn nhân của chế độ Diệm, cả Quốc gia lẫn Cọng sản, còn nằm trên bàn thờ  hương khói hầu như khắp miền Nam (cũ). Số lượng tài liệu cả bằng Việt ngữ và ngoại ngữ, trong cũng như ngoài nước, còn tràn đầy ra đấy…

Đặc biệt, có một mảng tài liệu  mà người viết cho rằng có giá trị trung thực và lâu bền nhất, đó là thơ văn và phong dao truyền tụng trong dân chúng vào thời gian đó. Những tài liệu nầy thì trung thực vì mô tả sự kiện có thực ngay thời điểm vừa xảy ra, và lâu bền vì được nhân dân chấp nhận có đãi lọc, rồi học thuộc lòng mà  truyền khẩu vượt thời gian từ thế hệ nầy sang thế hệ khác.

Người viết bài viết nầy đã gần 70 tuổi, hiện ở Mỹ, chỉ căn cứ trên trí nhớ của mình và vài người bạn cùng trang lứa, cọng thêm cái tủ sách Việt ngữ của người con rễ, mà hôm nay cũng có thể ghi lại được một số bài thơ và câu vè “không bao giờ quên” về chế độ Diệm, để gửi đến Vatican với lời khuyên đừng “xía” vô chuyện của dân tộc Việt Nam nữa. Gần 400 năm đào tạo con chiên Việt Nam cúi đầu làm đạo quân thứ Năm cho giặc ngoại xâm chưa đủ sao ?

   *   *   *

Văn hóa nào đã tạo nên con người chính trị Ngô Đình Diệm.

Con người ông Diệm là tổng hợp của ba chiều kích văn hóa: Văn hóa phong kiến Tống nho, văn hóa Công giáo thời Trung cổ, và văn hóa Tây thuộc địa, trong đó ứng xử chính trị của “ông quan” Ngô Đình Diệm là phần thể hiện rõ nét nhất ba thuộc tính nầy. Vì vậy mà khi nói đến chế độ Ngô Đình Diệm thì người Việt Nam gọi ngay bằng hai chử “Ngô Triều”.

Ông Diệm lớn lên và được đào tạo bởi những quan lại già nua lạc hậu không theo kịp với dân trí mỗi ngày một tiến bộ, và đa số những vị quan này là những nịnh thần tham nhũng, làm tay sai cho Pháp. Bài thơ của Cụ Nghè Ngô Đức Kế dưới đây đủ nói lên cái tư cách “cu li” của lớp quan lại áo mão xênh xang nầy:

Cu li đành phận chớ ra oai,
Chuyên chế ăn quen thói cũ hoài.
Quân chủ cờ bay vui trước mắt,
Dân quyền trống đánh chán bên tai.
Bài, Liêm giảo hiểm khoe tài trí
Huề, Thụ thông minh gọi bất tài.
Cấm hết công môn tiền hối lộ,
Ngoài ra Tiềm Để mặc lòng ai. 4

“Bài, Liêm, Huề, Thụ” là tên bốn vị Thượng thư mà Bài là ông Nguyễn Hữu Bài, người đỡ đầu cho ông Diệm; và Huề là ông Thân Trọng Huề, ông ngoại của bà Ngô Đình Nhu.

Trong cái môi trường “giảo hiểm”, “bất tài”, “công môn tiền hối lộ” đó mà anh em giòng họ Ngô Đình lại thăng quan tiến chức vượt bực (Trong chế độ phẩm trật phong kiến phức tạp và  nặng nề  đó mà ông Diệm mới 33 tuổi đã làm Thượng thư đầu triều, tương đương với Thủ tướng) thì hẵn phải nhờ một lý do đặc biệt nào đó. Lý do đặc biệt đó đã được giới quan trường đương thời thú vị làm thơ chế giễu “vây cánh Ngô Đình” như sau:

LÀM QUAN NAM TRIỀU

Lênh đênh chiếc bách buổi ba đào,
Chèo lái xem chừng khó biết bao.
 Tôi tớ mấy người dâng lễ hậu,
Quan thầy mấy kẻ nặng hầu bao.
Chật trong bể hoạn thêm mình nữa,
Theo hết rừng “Hàn” biết kiếp nao.
Vây cánh Ngô Đình ghê gớm thật,
Mềm lưng dẻo gối chóng lên cao.  5
“Vây cánh Ngô Đình” chủ yếu gồm những ai? Gồm Ngô Đình Khả, Nguyễn Hữu Bài, Thân Trọng Huề … mà con đường hoạn lộ là những bước làm tay sai đắc lực cho hai thế lực là Bộ máy Thực dân đô hộ Pháp và Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris (MEP: Société des Missions Etrangères de Paris).

Bản chất chế độ Diệm

Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, đường Công Lý thì đi một chiều, đường Tự Do thì cấm xe xích lô, xe đạp, còn cổng chính của Tòa án thì bị đóng kín, thường dân phải đi cổng bên, nên thời đó có câu truyền tụng lúc đầu còn ở Sài Gòn nhưng sau lan ra khắp nước,  rằng:

Công Lý một chiều
Tự Do hạn chế
Tòa án đi cổng hậu

để mô tả nền độc tài và xã hội bất công của chế độ lúc đó 6, một chế độ tuy gọi là Cọng hòa” với tam quyền phân lập, nhưng thực tế là do một gia đình phong kiến và cuồng tín thao túng mọi định chế và sinh hoạt của quốc gia. Vì thế mà từ đầu năm 1961, dân chúng miền Trung đã âm thầm viết thành bản án lịch sử để lại cho hậu thế đời đời qua hai câu ca dao truyền miệng về bốn nhân vật trụ cột của gia đình đó:

Nhà Ngô có bốn gian hùng
Diệm ngu, Nhu ác, Cẩn khùng, Thục điên 
Bản chất của chế độ và chân tướng của cấp lãnh đạo lại càng hiện rõ hơn vào tháng 2 năm 1962 trong và sau khi dinh Độc Lập của anh em Ngô Đình Diệm bị 2 phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử oanh tạc. Ông Nguyễn Đôn Dư, bút hiệu Quỳ Ưu, ở Thừa Thiên đã ví sự kiện nầy như tình trạng “cháy nhà ra mặt chuột” và đã bí mật phổ biến bài thơ sau đây trong vòng bạn bè:
CHÁY NHÀ RA MẶT CHUỘT

Đục khoét xưa rày núp ở đâu?
Cháy nhà thấy chuột chạy lao nhao
Dương oai bà Hỏa vừa lên mái
Khiếp vía ông Thiên vội ló đầu
Rường cột rã rời phơi mặt địa
Cống chù quay quắt chổng hàm râu
Tai bay vạ gió đà ra rứa
Chĩnh nếp dòm vô đã sạch làu  7 .
Rồi đến mùa Hè năm 1963, sau 9 năm kềm kẹp nhân dân miền Nam và đẩy đại bộ phận quần chúng vào vòng tay “Mặt trận Giải phóng”, đồng thời làm tiêu hao sinh lực quốc gia, gia đình Ngô Đình phóng tay đàn áp Phật giáo và định dứt điểm tôn giáo nầy, ít nhất là trên nước Việt Nam, với kế hoạch Nước Lũ đêm 20 tháng 8. Ngày 22 tháng 8, với tư cách là Ngoại trưởng của chính phủ Diệm, ông Vũ Văn Mẫu cạo trọc đầu và sau đó từ chức Ngoại trưởng để phản đối nhà Ngô.

“Cảm phục khí phách và phong độ kẻ sĩ Vũ Văn Mẫu, ông Hoàng Đại Sâm (tức thi sĩ Hoàng Hoa Trang), một nhân viên cao cấp của Bộ Ngoại Giao, bèn nhờ bạn là ông Võ Khắc Văn viết cho mấy chữ Hán để khắc vào bức hoành phi tặng cho vị chỉ huy khả kính của mình. Ông Văn bèn viết bốn chữ: “Ngoại Vật Hoàn Giao”, vừa có chữ của nhà Phật, vừa có chữ “ngoại giao”, vừa nói lên được ý nghĩa thâm thúy của một hành động đầy triết lý sâu sắc.

Sau khi viết cho bạn bốn chữ để tặng vị Bộ trưởng vì chính nghĩa mà “cạo đầu từ quan”, Võ Khắc Văn cảm xúc trước một biến cố vừa đau thương vừa chua chát bèn làm một bài thơ, ghi lại một sự kiện lịch sử có tính cách “Giai thoại Làng Nho” hầu lên án Ngô triều để làm gương cho hậu thế. Bài thơ này may mắn được một bạn thân của ông Võ Khắc Văn hiện ở Hải ngoại còn nhớ, viết lại rồi gởi cho tôi để hiện diện trọng tập hồi ký này:

TRANH THỜI SỰ 1963


Chín năm bốn bận tráo quân bài,
Lừa lọc toàn tay dễ khiến sai,
Hót Cụ: Thuần Lương mồm bép xép,
Ôm Bà: Hiếu Nghĩa miệng lai rai,
Vỹ đem hiến Cố màu xanh trẻ,
Khương ước dâng Cha áo đỏ dài,
Riêng Mẫu cạo đầu, Tâm bị bắt,
Hỏi hàng khanh tướng đến phiên ai?

 
Bài thơ nhằm mô tả và đánh giá bản chất của chế độ qua những nhân sự tay sai mà trong chín năm cầm quyền, nào là cụ Diệm, nào là bà Nhu, nào là Cố vấn Nhu, nào là cha Thục, dù có muốn tráo trở quân bài thì cũng chỉ dùng toàn những tay “dễ khiến sai” như các Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần, Bùi Văn Lương, Ngô Trọng Hiếu, Huỳnh Hữu Nghĩa. Cũng bị liệt vào “hạng lừa lọc” là Cao Xuân Vỹ, Tổng Giám đốc Thanh niên Cộng hòa áo xanh, và Nguyễn Xuân Khương, Đại biểu Chính phủ Trung Việt đã quyết liệt đàn áp Phật giáo để Cha Thục được mặc áo Hồng Y màu đỏ. Trong hàng khanh tướng sạch dơ lẫn lộn đó chỉ còn ôngVũ Văn Mẫu là khí tiết từ chức và Bác sĩ Phạm Biểu Tâm, Khoa trưởng Đại học Y khoa Sài Gòn, công phẫn chống đối nên bị Mật vụ nhà Ngô bắt.” 8  

Tội ác của chế độ công an trị Ngô Đình Diệm
Nói đến chế độ Ngô  Đình Diệm là  nói đến chế độ gia đình trị, chế  độ  Công giáo trị. Và dĩ nhiên, Công an trị. Ở ngoài Trung, Ngô Đình Cẩn có cho tân trang chín cái hầm chứa vũ khí của quân đội Nhật dưới đất ở ngoại ô thành phố Huế để nhốt tù chính trị, nhốt Phật tử và những kẻ mà Cẩn định làm tiền. Ái Huyên, một nữ sinh trường Đồng Khánh ở Huế, nạn nhân của Cẩn, trong khi bị giam ở Chín Hầm đã sáng tác bài thơ:
Trước phong cảnh hữu tình ai có biết,
Rằng nơi đây địa ngục trần gian,
Nơi chứa chấp một chế độ bạo tàn,
Và cạnh đấy là cung vàng điện ngọc.
Du khách hỡi! Dừng lại đây nghe tiếng khóc,
Của oan hồn tử sĩ chết đau thương,
Những nấm mồ vô chủ suốt đêm trường,
Như quằn quại theo từng cơn gió buốt!
Trên nệm ấm kẻ bạo tàn đâu có biết,
Bao thân người chui rúc dưới tanh hôi,
Và nghe hồn khóc kể mãi không thôi! 9  

 Nhà Biệt giam P42 của Ngô Đình Nhu gần Sở thú ở Sài Gòn và Di tích Hầm số 2 (nơi giam tù chính trị đối lập)  trong hệ thống Chín Hầm của Ngô Đình Cẩn tại Huế

Nhà ngục Chín Hầm đó của Ngô Đình Cẩn ghê rợn đến nỗi trong bài thơ Vịnh Chuồng Cọp, một ẩn sĩ ở Huế đã tặng cho ông Cẩn một hỗn danh để lưu truyền lại cho hậu thế:

Một kiếp tàn hung Hùm Xám đó,
Muôn dân ghê rợn ác ôn này! 10  

Trong khi đó thì tại Sài Gòn, gần sở thú đô thành, Ngô Đình Nhu cho xây trại giam P-42 để tra khảo những thành phần quốc gia đối lập với chế độ. Một trong những người đó là cụ Trần Văn Hương, một trí thức “uy vũ bất năng khuất” của miền Nam, và sau nầy là Tổng thống một tuần (từ 21 đến 28-4-1975), đã từng cùng với 17 nhân sĩ khác ký bản Tuyên bố “Caravelle” để phản đối chế độ Diệm..

Ngồi trong tù, mỗi lần hồi phục được một chút tàn lực sau những lần thẩm vấn và tra tấn, cụ Hương thường làm thơ để giết thì giờ.

NGỒI TÙ MỘT LŨ

Này anh, này cụ, này là chú,
Lóc cóc vào đây ngồi một lũ,
Những tưởng buồn như chó mất nhà,
Nào ngờ vui quá bàn xôm tụ,
Thân này dẫu vướng chốn lao lung,
Nỗi ấy vẫn ghi trong phế phủ,
Xuống chó lên voi lắm chuyện đời,
Xưa nay diễn biết bao nhiệm vụ. 11

Và hãy nghe cụ Hương tả cảnh nhà ngục P.42 để thấy chế độ Diệm đã đày đọa người quốc gia như thế nào: 
P.42 – SỞ THÚ

Danh đồn khét tiếng đã từng nghe,
P.42 đúng thiệt nè!
Điện tụ, bình quay kêu ới ới,
Xà bông nước đổ, nuốt the the,
Tra đi tra lại kinh chưa hả?
Khai tới khai lui mệt quá hè.
Cụ, Cố, Cậu trù, Ma trổ ngón,
Thân tù dưới búa lại trên đe. 12     

(Ghi chú: Cụ là ông Diệm, Cố là ông Nhu, Cậu là ông Cẩn, trù là trù yểm, Ma trổ ngón là bọn mật vụ Cần Lao trổ tài tra tấn)

 
Bài hịch hài tội chế độ

Năm 1960, khi binh chủng Nhãy Dù tiến hành cuộc binh biến tại Sài Gòn để định lật đổ chế độ Diệm thì trong hàng ngũ của họ có sự tham gia của một số đảng viên của các đảng phái quốc gia yêu nước, nhất là các đảng có gốc gác tại miền Trung.. 

“Tại Quảng Nam, Một cán bộ cấp cao của Việt Quốc là ông Duy Nghĩa đã làm sẵn bài Hịch để khi cướp được Chính quyền thì sẽ tung ra kêu gọi toàn dân đứng lên cứu nước, nhưng chẳng may cuộc đảo chánh bất thành, bài Hịch bị chôn vùi trong bóng tối của bí mật cho mãi đến sau ngày 1-11-1963, bài Hịch mới được phổ biến. Tôi được một đồng chí của ông Duy Nghĩa là ông Lê Nguyên Long (hiện sống tại tỉnh Fresno, Hoa Kỳ) trao lại cho một bản sao của bài hịch này, xin ghi lại đây như một sử liệu để lưu truyền:

Hãy đứng lên, đứng lên như vũ bão,
Răng nghiến răng, tay nắm chặt, vung tràn,
Mắt long lên, hùng khí ngập không gian,
Cho điếng lạnh thứ tham tàn Cẩn, Diệm.
Vạn cánh tay giờ đây cùng tuốt kiếm,
Để lòe lên Chính nghĩa của non sông,
Để lòe lên tình đoàn kết nhiệt nồng,
Muôn màu sắc quốc gia non nước Việt.

Hỡi những ai, những con người khí tiết,
Đang trong tù hay đau khổ trùm chăn,
Hay khuất thân sống tạm bợ nhục nhằn,
Hãy đứng dậy giờ vinh quang lâm trận!
Như thác đổ, mưa nguồn, chớp sấm,
Như đảo điên một vũ trụ hôm nay,
Hớp men nồng cách mạng máu cuồng say:
Xưa “Sát đát” ngày nay ta “Sát địch”.

Hỡi muôn tim lặng nghe lời truyền hịch:
Nước diệt vong vì Cộng Sản bạo tàn,
Nước nguy vong vì lũ Diệm tham gian,
Gây nghiêng ngửa cơ đồ tuy nửa mảnh.
Muôn tim, muôn tim cùng nhau sát cánh,
Đạp phăng phăng chướng ngại lũ sài lang,
Để cùng nhau trong cách mạng huy hoàng,
Cùng xây dựng một chánh quyền “Vì Dân tộc”,
Một “Chính quyền Công bộc”
Với “Tự do, Dân chủ” được nêu cao.13

Nhiệm ý Thiên Chúa
Ông Diệm và  những người đồng đạo của ông tin rằng mọi sự trên đời đều do Chúa định đoạt. Nhưng khi gặp những sự kiện cực kỳ  vô lý  không thể  giải thích được (như  vì sao Chúa lòng lành mà  lại tạo ra dịch hạch giết hàng vạn người, hoặc tại sao Giáo hoàng có Chúa Thánh Thần che chở    vẫn phải di hành bằng xe Pop Moble bọc thép chống đạn, …) thì họ cho rằng đó là Ý  muốn mầu nhiệm của Thiên Chúa, loài người kh6ng thể hiểu được. Vì vậy mà cuối những bài diễn văn chính thức gửi quốc dân đồng bào, bất chấp 93% dân chúng không tin vào Chúa, ông Diệm vẫn luôn luôn kết thúc bằng câu “Xin Thượng Đế ban phước lành cho chúng ta”. Nhưng mặc bao nhiêu cầu xin của chính ông và đồng đạo, cuối cùng ông vẫn chết thê thảm đúng luật Nhân-Quả. Biết sẽ chết như thế là “Nhiệm ý của Thiên Chúa” nhưng trước đó ông vẫn cãi lời Chúa của ông với lời trối trăn cho tàn dư của ông rằng “nếu tôi chết thì trả thù cho tôi”. 
Một “nhiệm ý  Thiên Chúa” khác là sau ngày cách mạng 1-11-1963, một trong các biểu tượng của chế độ là tượng Hai Bà Trưng ở bến Bạch Đằng tại Sài Gòn đã bị sinh viên và dân chúng kép đổ sập. Đây là bức tượng tạc Hai Bà nhưng từ khuôn mặt cho đến vóc dáng thì lại giống như Bà Nhu và con gái Ngô Đình Lệ Thủy. Bà Nhu là Đệ Nhất Phu nhân, là Thủ lãnh Lực lượng Phụ nữ Bán Quân sự, là Chủ tịch Phong trào Phụ nữ Liên đới, và nhất là vợ ông Cố vấn thét ra lữa trong dinh Độc Lập… nên bà nghĩ bà và con gái  nếu không hơn thì cũng bằng hai bà Trưng Trắc Trưng Nhị khởi nghĩa chống quân Hán và dẹp yên 65 thành ở đất Lĩnh Nam, nên bà đáng được dựng tượng cho nhân dân miền Nam tôn thờ.. 
Tượng “Hai Bà Trưng” tạc theo khuôn mặt và vóc dáng hai mẹ con Bà Nhu nên bị sinh viên kéo sập và phần cái đầu bị dân chúng chở đi bêu xấu trên đường phố Sài Gòn

Trước hành động kiêu căng vô văn hóa đó của bà Nhu, nhà thơ Đông Hồ đã có bài thơ “Tượng Ai Đâu Phải Tượng Bà Trưng14  như sau:

Tượng ai đâu phải tượng bà Trưng
Tóc uốn lưng eo kiểu lố lăng
Đón gió lại qua người ưỡn ẹo
Chờ chim Nam Bắc dáng tung tăng
Khuynh thành mặt đó y con ả,
Điêu khắc tay ai khéo cái thằng!
Chót vót đứng cao càng ngã nặng
Có ngày gãy cổ đứt ngang lưng.
                                   
Đây một hình xưa nhục nước non
Thay hai hình mới đứng thon von
Mình ni lông xát lưng eo thắt
Ngực xú chiêng nâng vú nở tròn.
Tưởng đứng hiên ngang em với chị
Hóa ra dìu dắt mẹ cùng con
Dòng sông Bến Nghé, dòng sông Hát
Lưu xú lưu phương tiếng để còn.
Ngoài ra, khi nhìn gia đình họ Ngô tán gia bại sản để tiếng xấu muôn đời (không biết có do ý Chúa không), nhà văn lão thành Lãng Nhân Phùng Tất Đắc đã ví von anh em ông Diệm, từ em ruột đến em dâu, như giặc “Hoàng Sào”, một đám giặc cỏ ở tỉnh Sơn Đông cuối đời nhà Đường bên Tàu.:
NGÔ TRÀO

Trải qua một cuộc bể dâu,
Trông vời cố quận biết đâu là nhà?
Khéo oan gia, của phá gia,
Này là em ruột này là em dâu!
Cửa nhà dù tính về sau,
Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào! 15    

Vì là một loại Hoàng Sào nên dù ông Diệm không chết trong ngày chế độ ông bị lật đổ thì ông cũng đã chết trong lòng dân tộc từ lâu rồi. Cái chết của ông Diệm là một sự sụp đổ thê thảm của danh phận phẩm giá. Thê thảm đến độ học giả Lãng Nhân Phùng Tất Đắc và nhân sĩ Hoàng Trọng Thược đã phải ghi vào sách sử lời lên án năm anh em nhà Ngô bằng những câu thơ “nghìn năm bia miệng” để lại muôn đời 16

Vùi nông đôi nấm giữa đêm sâu,
Mười thước sau chùa đủ bể dâu.
Ba cỗ quan tài bốn lỗ huyệt,
Năm thằng Trời đánh một con Mầu.
Mới vừa Hăm Sáu còn nguyên thủ,
Mà đến Mồng Hai đã vỡ đầu.
Bảy Tám thu trường Ngô với Đĩ,
Ngô thì chín rụng Đĩ chơi đâu?   

[Ghi chú : “Năm thằng  là các ông Thục, Diệm, Nhu, Cẩn, và Luyện. Và “con Mầu” là Trần thị Lệ Xuân, tức bà Nhu]

   *   *   *

Chép và đọc lại mấy bài thơ trên để thấy một khi dân tộc đã lên tiếng, rằng :

Nhà Ngô có bốn gian hùng
Diệm ngu, Nhu ác, Cẩn khùng, Thục điên 
Và:
Nước nguy vong vì lũ Diệm tham gian,
Gây nghiêng ngửa cơ đồ tuy nửa mảnh.

thì nỗ lực của đám tàn dư hoài-Ngô tại hải ngoại, càng theo lệnh Vatican đánh tráo lịch sử thì càng làm rõ thêm căn tính nô lệ phi dân tộc của họ mà thôi. Thật tội nghiệp ! 

 
Phùng Quân
Long Beach, cuối tháng 10/2010


Người Việt đáng yêu (Doãn Quốc Sỹ), Chơi Chữ ( Phùng Tất Đắc); Cười, Nguyên Nhân và Thực Chất (Bs. Dương Tấn Tươi)



Biến cố 11-11-60  (Trần Tương)
Việt Nam  Máu Lửa Quê Hương Tôi ( Hoành Linh Đỗ Mậu


CƯỚC CHÚ :


2  7 lần: (i) Vụ mưu sát ông Diệm của tín đồ Cao Đài Hà Minh Trí tại Ban Mê Thuột,  (ii) Vụ nỗi loạn có võ trang của Quốc Dân đảng tại chiến khu Ba Lòng, (iii) Vụ 18 nhân sĩ và cựu cọng tác viên ra tuyên ngôn tại khách sạn Caravelle tố cáo và đòi cải cách chế độ, (iv) Vụ binh chủng Nhảy Dù và đảng phái chính trị làm binh biến, (v) Vụ hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử ném bom dinh Độc Lập, (vi) Vụ Phật giáo đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo và công bằng xã hội, và cuối cùng (vii) Cách mạng của quân đội vào tháng 11 năm 1963.

3 Doãn Quốc Sỹ , Người Việt đáng yêu, Sáng Tạo, Sài Gòn, 1965

4 Hoàng Trọng Thược, Tinh Thần Trào Phúng trong Thi Ca Xứ Huế, Sài Gòn 1973, tr. 317.

5 Hoàng Trọng Thược, Tinh Thần Trào Phúng trong Thi Ca Xứ Huế, Sài Gòn 1973, tr. 273.

6 Tôn Nữ K.C., Bây Giờ Tháng Mấy, bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại (số 23 ngày 1-5 1978), tr. 43.

7 Hoàng Trọng Thược, Tinh Thần Trào Phúng trong Thi Ca Xứ Huế, tr. 272.

8  Hoành Linh Đỗ Mậu, Việt Nam  Máu Lữa Quê Hương Tôi, Văn Nghệ, 1993, Chương 15, trang 511

9 Hoàng Trọng Thược, Tinh Thần Trào Phúng trong Thi Ca Xứ Huế, tr. 275.

10 Hoàng Trọng Thược, Tinh Thần Trào Phúng trong Thi Ca Xứ Huế, tr. 274

11Trần Tương, Biến cố 11-11-60, tr. 82. Sài Gòn: Đức Phổ, 1971

12 Trần Tương, Biến cố 11-11-60, tr. 58. Sài Gòn: Đức Phổ, 1971.

13 Hoành Linh Đỗ Mậu, Việt Nam  Máu Lữa Quê Hương Tôi, Văn Nghệ, 1993, Chương 11, trang 344

14 Nguyễn Hiến Lê , Tạp chí Bút Hoa ngày 1-4-1964. Trích lại từ Đời Viết Văn Của Tôi” (trang 200, 201).

15 Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, Chơi Chữ, tr.73,  Texas: Zielekz, 1979.

16 Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, Chơi Chữ, tr.186, Texas: Zielekz, 1979. Và Dương Tấn Tươi, Cười - Nguyên Nhân và ThựcChất, Sài Gòn: Phạm Quang Khai 1986, tr.170.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét