THÁI HẬU Ỷ LAN:
NỮ CHÍNH
TRỊ GIA KIỆT XUẤT VIỆT NAM
Lê Phước / RFI
Tượng Ỷ Lan Thái Hậu tại chùa Bà Tấm ở Gia Lâm
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, có rất ít phụ
nữ nổi bật trên chính trường. Đấy không phải là bởi vì phụ nữ nước ta không có
tài làm chính trị, mà bởi vì ngày xưa phụ nữ luôn bị kềm kẹp trong cái câu “tam
tòng tứ đức”, luôn sống trong cái cảnh “khuê môn bất xuất”.
Chính vì thế, nhân vật nữ nào được nổi bật thì ất phải là kiệt xuất lắm. Và
cách đây hơn 800 năm, lịch sử Đại Việt đã biết đến một phụ nữ kiệt xuất có tài
kinh bang tế thế: Thái Hậu Ỷ Lan.
Cô gái tựa gốc lan
Về nhân thân của bà Ỷ Lan, còn nhiều điểm chưa rõ. Xem xét các bộ sử liên
quan, đại khái bà sinh vào khoảng năm 1044 và mất năm 1117. Tên của bà sử cũ
cũng không thống nhất, có thuyết cho rằng bà tên là Lê Khiết Nương, có thuyết
thì bảo là Lê Thị Khiết, cũng có thuyết nói là Lê Thị Yến Loan. Lúc chưa vào
cung, bà là một cô gái hái dâu, chăn tằm ở làng Thổ Lỗi (còn có tên là làng
Sủi, nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Câu chuyện tiến cung của bà
khá lãng mạn, và cũng là nguồn gốc của tên Ỷ Lan, cái tên nổi tiếng đến mức mà
đời sau không ai còn chú ý đến tên thật của bà nữa. Sử cũ chép về câu chuyện
này đại để như sau :
Thuở ấy vào năm Quý Mão (1063), vua Lý Thánh Tông đã bốn mươi tuổi mà vẫn
chưa có con trai để truyền ngôi báu. Vua bèn thân hành đi cầu tự khắp các chùa
chiền, miếu mạo nhưng không hiệu nghiệm, nhà vua vô cùng lo lắng. Một sớm mùa
xuân, vua về viếng thăm chùa Dâu (tổng Dương quang phủ Thuận Thành) dân làng mở
hội nghênh giá. Trai gái, già trẻ các làng đều ra rước vua.
Đoàn xa giá của vua đi đến đâu, các làng lân cận nô nức, đổ xô về phía ấy.
Duy có một cô thôn nữ xinh đẹp của làng Sủi vẫn điềm nhiên hái dâu, xem việc
ngự giá của vua không có quan hệ gì đến mình. Lý Thánh Tông lấy làm lạ, bèn cho
đòi người con gái có vẻ "kiêu căng" đang đứng bên nương dâu kề gốc
lan ấy đến trước kiệu rồng để hỏi. Cô gái ung dung nhẹ nhàng tới quỳ tâu: “Thiếp
là con nhà nghèo hèn, phải làm lụng đầu tắt mặt tối, phụng dưỡng cha mẹ có đâu
dám mong đi xem rước và nhìn mặt rồng".
Vua thấy cô gái tuy ăn mặc quê mùa, nhưng cử chỉ thì đoan trang dịu dàng,
lời nói phong nhã, đối đáp phân minh, lễ nghĩa rành rành. Vua yêu vì sắc, trọng
vì nết, nên cho cô gái theo long giá về kinh đô. Về đến kinh đô, vua Thánh Tông
cho dựng cung Ỷ Lan với ý nghĩa là gợi nhớ lại câu chuyện nhà vua đã gặp cô gái
đứng tựa cây lan (Ỷ Lan tức là: tựa cây lan), và phong cho cô gái hái dâu làng
Thổ Lỗi làm Ỷ Lan Phu Nhân.
Chuyện hậu cung
Ba năm sau khi tiến cung, Ỷ Lan Phu Nhân hạ sinh cho vua Thánh Tông vị
hoàng tử đầu tiên, hoàng tử Càn Đức, tức vua Lý Nhân Tông sau này. Nhờ đó, Ỷ
Lan Phu Nhân được gia phong Ỷ Lan Thần Phi. Vào năm 1068, Ỷ Lan Thi Thần Phi hạ
sinh thêm một hoàng tử nữa, và được phong là Ỷ Lan Nguyên Phi (đứng đầu các
phi, chỉ sau Hoàng Hậu Thượng Dương lúc bấy giờ).
Năm 1072, vua Thánh Tông mất, con trai Nguyên Phi Ỷ Lan là Thái tử Càn Đức
lên ngôi lấy hiệu là Lý Nhân Tông. Tân vương sinh năm 1066, tức lên ngôi chỉ
mới 6 tuổi, do đó cần có Thái hậu buông rèm nhiếp chính. Theo điển lệ lúc bấy
giờ, bất kể là mẹ ruột của vua hay không, miễn là Hoàng hậu thì sẽ được phong
làm Thái hậu và được buông rèm nhiếp chính. Hoàng hậu của vua Thánh Tông là bà
Thượng Dương, và thế là Hoàng Hậu Thượng Dương được phong Thái Hậu nhiếp chính,
trong khi đó bà Ỷ Lan là mẹ ruột lại chỉ được phong là Thái Phi (đứng sau Thái
hậu). Tức vì con mình đẻ ra mà mình lại bị thua kẻ khác, nên Thái Phi Ỷ Lan mới
rấp tâm hại Thượng Dương Thái Hậu.
Sự việc xảy ra vào năm 1073, sử cũ chép như sau:
« Linh Nhân (tức bà Ỷ Lan-LP) có tính
ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng: “Mẹ
già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú qúy người khác được hưởng thế thì
sẽ để mẹ già vào đâu?". Vua bèn sai đem giam Thượng Dương Thái Hậu và
76 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh
Tông ».
Sau đó, vua Nhân Tông mới phong cho mẹ ruột làm Linh Nhân Thái Hậu nắm
quyền buông rèm nhiếp chính. Như thế, cô gái hái dâu làng Thổ Lỗi năm nào, sau
10 năm tiến cung, không chỉ trở thành mẫu nghi thiên hạ cai quản hậu cung, mà
còn nắm đại quyền điều hành đất nước.
“Rằng tôi chút phận đàn bà….”
Vụ bức tử Thượng Dương Thái Hậu và hơn 70 cung nữ nói trên là vết mờ trong
bức tranh sáng lạng về sự nghiệp của Thái Hậu Ỷ Lan. Sự việc đã bị các sử gia
phong kiến chỉ trích. Thế nhưng, ở đây có một điểm đáng chú ý, đó là sự chỉ
trích của các sử gia phong kiến vốn nặng tính Nho Giáo đã không quá gay gắt, mà
hơn nữa còn tỏ ra thông cảm.
Chẳng hạn như sử gia Nho Giáo Ngô Sĩ Liên phê rằng: “Nhân Tông là người nhân hiếu, Linh Nhân là người sùng Phật, sao lại đến
nỗi giết đích thái hậu, hãm hại người vô tội, tàn nhẫn đến thế ư? Vì ghen là
thường tình của đàn bà, huống chi lại là mẹ đẻ mà không được dự chính sự. Linh
Nhân dẫu là người hiền cũng không thể nhẫn nại được, cho nên phải kêu với vua”.
Một lần phạm tội sử sách đã không quên, nhưng các sử gia lại tỏ ra thông
cảm với cái chuyện “Ghen tuông vốn chuyện người ta thường tình” như cụ Nguyễn
Du đã nói trong Truyện Kiều. Sự cảm thông này có thể hiểu được, bởi vì đối với
đại cục, với dân với nước, Thái Hậu Ỷ Lan đã có những đóng góp vô cùng to lớn.
Hai lần nhiếp chính
Tài làm chính trị của Thái Hậu Ỷ Lan được thể hiện ngay cả khi bà còn là
Nguyên Phi. Số là vào năm 1069, vua Lý Thánh Tông cùng Lý Thường Kiệt mang quân
đi đánh nước Chiêm ở phía Nam, vua tin tưởng giao quyền nhiếp chính cho Nguyên
Phi Ỷ Lan. Sử cũ chép rằng : bà nguyên phi Ỷ Lan trị nước rất giỏi, khiến dân
tâm hòa hiệp, cõi nước thanh bình. Dân gian sùng đạo Phật, tôn bà là “Quan Âm”.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép một mẫu chuyện mà theo đánh giá của nhà sử học
Nguyễn Khắc Thuần là “Chút sĩ diện đáng yêu của vua Lý Thánh Tông” như sau : “Trận
này, vua đánh Chiêm Thành mãi không được, bèn rút quân về. Đến Cư Liên (Tiên
Lữ, Hải Hưng), vua hỏi thăm nhân dân, thấy nhân dân hết lời ca ngợi tài trị
nước của Ỷ Lan, vua mới thở than: “Kẻ kia là đàn bà còn làm được như thế, là
nam nhi lại chẳng làm được việc hay sao?”. Nói xong bèn quay lại đánh nữa và
thắng được”.
Lần nhiếp chính thứ hai xảy ra sau khi vua Lý Thánh Tông mất vào năm 1072.
Như đã nói, Thái Phi Ỷ Lan đã bức hại Thái Hậu Thượng Dương vào năm 1073 và
chiếm ngôi Thái Hậu nhiếp chính.
Thế nhưng, vừa nắm được quyền bính, Thái Hậu Ỷ Lan đã phải lèo lái chính
quyền nhà Lý cứu nguy cho chủ quyền dân tộc. Số là vào năm 1076, quân Tống xâm
lấn nước ta. Trước sức mạnh như vũ bão của giặc, Thái Hậu Ỷ Lan đã biết đặt lợi
ích quốc gia lên trên hiềm khích cá nhân. Chuyện là, trước đây, Lý Đạo Thành về
phe Thái Hậu Thượng Dương còn Thái Phi Ỷ Lan thì dựa vào Lý Thường Kiệt. Năm
1073, Thái Hậu Thượng Dương bị bức tử, Lý Đạo Thành bị giáng chức ra tận Nghệ
An.
Thế nhưng, để tạo được sức mạnh đoàn kết bên trong mà chống giặc ngoài,
Thái Hậu Ỷ Lan đã bỏ qua hiềm khích cũ và triệu Lý Đạo Thành về kinh giao cho
chức Thái Phó Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự trông lo nội chính, còn Lý Thường
Kiệt thì tập trung sức lực dẫn quân chống ngoại xâm. Một cách khái quát, triều
đình dưới quyền Ỷ Lan, văn có Lý Đạo Thành còn võ thì có Lý Thường Kiệt.
Và kết quả là cuộc chiến chống quân Tống năm 1076-1077 đã chiến thắng vẻ
vang với trận Như Nguyệt đi vào lịch sử. Và với sự bất tử của bài thơ Nam Quốc
Sơn Hà của Lý Thường Kiệt, một bài thơ được xem là ‘‘Bản Tuyên ngôn Độc lập’’
đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Chưa hết, trước khi đánh quân Tống, Lý Thường Kiệt đã mang quân đánh Chiêm
vào năm 1075 và giành được chiến thắng. Nên nhớ rằng, việc “Phá Tống, bình
Chiêm” của Lý Thường Kiệt diễn ra thành công khi ấy vua Nhân Tông chỉ là một
cậu bé lên mười. Và như thế, việc triều đình tất nhiên do Thái Hậu Ỷ Lan lãnh
đạo. Ỷ Lan chỉ là một người đàn bà sống trong cái xã hội do đàn ông thống trị
xưa kia, thì quả thật, nếu không có thực tài chính trị để điều hành đất nước,
thì bà cũng không dễ gì lãnh đạo nổi hai nhân vật kiệt xuất như Lý Thường Kiệt
và Lý Đạo Thành.
Đào tạo một minh quân cho đất nước
Thái Hậu Ỷ Lan rất hiểu nỗi đau khổ của nông dân. Khi Lý Thánh Tông mất,
con bà lên ngôi, bà đã làm được nhiều việc có ích cho dân. Ở nông thôn bấy giờ
có nhiều phụ nữ vì nghèo mà phải bán mình, đem thân thế nợ, không thể lấy chồng
được, bà Ỷ Lan đã lấy tiền bạc trong quốc khố chuộc những người ấy và đứng ra
dựng vợ gả chồng cho họ.
Thái Hậu Ỷ Lan rất hiểu rằng đối với người nông dân thì “con trâu là đầu cơ
nghiệp”, nên đã nhiều lần nhắc nhở vua Nhân Tông phạt nặng những kẻ ăn trộm
trâu và giết trâu. Tháng hai năm Ðinh Dậu (1117), giai đoạn trước khi bà mất,
bà còn nhắc nhở vua một lần nữa : “Gần
đây, người kinh thành và làng ấp có kẻ trốn đi chuyên nghề trộm trâu. Nông dân
cùng quẫn. Mấy nhà phải cày chung một trâu. Trước đây, ta đã từng mách việc ấy
và nhà nước đã ra lệnh cấm. Nhưng nay việc giết trâu lại có nhiều hơn trước”.
Lời khuyên vua trên đây chứng tỏ tuy Thái Hậu Ỷ Lan quan tâm theo dõi và lo
lắng đến đời sống nông dân. Không chỉ có thế, kinh tế Đại Việt bấy giờ cái
chính vẫn là nông nghiệp, bởi vậy chăm lo cho nông dân cũng chính là chăm lo
cho nền kinh tế đất nước. Tuy việc con trâu bề ngoài là chuyện nhỏ, nhưng lại
có ý nghĩa chiến lược rất lớn vậy.
Vâng lời mẹ, vua Lý Nhân Tông hạ lệnh truy bắt và trừng trị những kẻ chuyên
nghề ăn trộm trâu. Không những thế việc giết trâu ăn thịt những ngày giỗ đám
cũng bị hạn chế. Chính quyền Lý quy định ở Thăng Long cũng như tại các địa
phương trong cả nước cứ ba nhà lập một “bảo” kiểm soát lẫn nhau và cùng liên
đới chịu trách nhiệm về tội lạm giết trâu bò.
Ngoài những đóng góp nói trên, Thái Hậu Ỷ Lan còn có một đóng góp vô cùng
quan trọng mà không thể nào không nhắc tới, đó là bà đã sinh ra và đào tạo được
một minh quân cho đất nước như Lý Nhân Tông.
Các bộ sử đều ghi lại việc đất
nước phát triển phồn thịnh về mọi mặt dưới thời Lý Nhân Tông. Đặc biệt về giáo
dục, vào năm 1075, triều đình cho mở khoa thi tam trường để lấy người văn học
ra làm quan. Đây là kỳ thi đầu tiên ở nước ta, chọn được hơn 10 người trong đó
thủ khoa là Lê Văn Thịnh. Năm 1076, triều đình lập Quốc Tử Giám, được xem là
trường đại học đầu tiên của nước ta. Nền giáo dục Nho Học của nước Việt bắt đầu
từ đó.
Ta thấy trong giai đoạn này, vua Nhân Tông chỉ độ 10 tuổi, Lý Đạo Thành lo
việc nội chính, Lý Thường Kiệt thì lo đánh giặc ngoại bang, trên thì có Thái
Hậu Ỷ Lan lãnh đạo. Sử gia Trần Trọng Kim nhận định về giai đoạn này như sau:
“…trong thì sửa sang được chính trị,
ngoài thì đánh nhà Tống, phá quân Chiêm. Ấy cũng nhờ có tôi hiền tướng giỏi cho
nên mới thành được công nghiệp như vậy”. Và lẽ dĩ nhiên, để có được cái
“tôi hiền tướng giỏi” đó, thì người lãnh đạo tối cao là Thái Hậu nhiếp chính
phải có thực tài lãnh đạo.
Trở lại trường hợp của vua Lý Nhân Tông, khi lớn khôn, ông vẫn theo đường
lối mà mẹ ông đã làm khi nhiếp chính để xây dựng một đất nước phồn thịnh. Sử cũ
chép rằng, khi Thái Hậu Ỷ Lan mất, vua Nhân Tông đã làm theo đúng di nguyện của
bà là hỏa táng theo nghi thức Phật Giáo. Điều đó cho thấy vua có hiếu và kính
mẹ như thế nào. Và điều đó càng cho thấy, Thái Hậu Ỷ Lan có uy với triều đình
và với nhà vua như thế nào.
Thái Hậu Ỷ Lan mất vào năm 1117, còn vua Nhân Tông mất năm 1127, tức chỉ
cách nhau có mười năm. Có thể nói rằng, nhà vua chỉ được hoàn toàn “tự do” khỏi
sự ảnh hưởng của mẹ được 10 năm mà thôi. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ca ngợi tài
đức của vua Lý Nhân Tông như sau: “…sáng
suốt thần võ, trí tuệ hiếu nhân, nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp người
theo, thông âm luật, chế ca nhạc, dân được giàu đông, nước được thái bình, là
vua giỏi của triều Lý”. Và vua Nhân Tông càng tài giỏi, thì cái công giáo
dưỡng của Thái Hậu Ỷ Lan lại càng to lớn.
Học rộng biết nhiều
Phụ nữ ngày xưa chỉ quen việc « khuê môn bất xuất », còn việc học hành ra
thi thố với đời là đặc quyền của đấng mày râu. Thái Hậu Ỷ Lan xuất thân chỉ là
cô gái hái dâu thì chắc chắn không có điều kiện để học hành nhiều được. Sử cũ
không thấy chép là bà Ỷ Lan ăn học tới đâu, nhưng qua những thể hiện cụ thể, ta
thấy bà là người học rộng, biết nhiều.
Năm 1096, bà bày cỗ chay ở chùa Khai Quốc (tức sau này là chùa Trấn Quốc ở Thăng
Long), để thết đãi các sư. Tiệc xong, bà ngồi kê cứu đạo Phật với các vị sư già
học rộng. Bà có óc phán đoán, đòi hỏi các sư “nói có sách, mách có chứng”.
Chính những lời đối đáp giữa bà với các bậc cao tăng đã đặt nền tảng đầu tiên
cho việc ra đời của sách Thiền Uyển Tập Anh (nghĩa là Anh Tú Vườn Thiền) rất có
giá trị sau này. Xin trích một bài kệ bàn về chuyện sắc không trong tác phẩm
này :
Sắc là không, không tức sắc
Không là sắc, sắc tức không
Sắc? Không? thôi mặc cả,
Mới thấu được chân tông
Không là sắc, sắc tức không
Sắc? Không? thôi mặc cả,
Mới thấu được chân tông
Chỉ bốn câu thôi cũng đủ thấy trình độ tinh thông Phật Pháp của Thái Hậu Ỷ
Lan cao đến dường nào !
Nhiều ngôi chùa tháp có quy mô to lớn bề thế, có trang trí đẹp mắt đã được xây dựng lên trong “thời đại Ỷ Lan” này : chùa Giạm (Quế Võ, Hà Bắc) 1086, chùa Một Mái ở động Hoàng Xá (Quốc Oai, Hà Tây)1099, chùa Phật Tích (Tiên Sơn, Hà Bắc) 1100, chùa Bảo Ân (Ðông Sơn, Thanh Hóa) 1100, tháp Chương Sơn (Ý Yên, Nam Hà) 1108, chùa Bà Tấm hay còn gọi là Linh Nhân Từ Phúc (Gia Lâm, Hà Nội) 1105. Vẫn hay đó căn bản là do công sức và tài khéo của nhân dân, thế nhưng tất cả phải có sự cho phép và hỗ trợ của nhà cầm quyền, mà người nắm quyền tối cao lại là người rất sùng đạo Phật là Thái Hậu Ỷ Lan.
Ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu (1117), Thái Hậu Ỷ Lan mất, thọ trên 70 tuổi,
được vua Nhân Tông dâng thụy hiệu là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái Hậu. Đền
thờ chính của bà hiện ở Gia Lâm, Hà Nội. Ngôi chùa có tên là "Linh Nhân Từ Phúc Tự" (dân gian
thường gọi là "chùa Bà Tấm"), được bà cho xây dựng vào năm 1115. Đến
khi bà qua đời, ngôi đền thờ bà cũng được xây dựng tại đây. Từ đó đến nay, cụm
đền chùa này là nơi thờ Phật, và cũng là nơi tưởng niệm bà.
Đền
thờ Thái hậu Ỷ Lan hiện ở Gia Lâm. Dân gian thường gọi là "chùa Bà
Tấm" (DR)
Đến đây, có thể nói rằng, dù trong sự nghiệp của bà đã có một vết đen và vụ
bức tử Thượng Dương và hơn 70 cung nữ, thế nhưng dân gian vẫn xem bà như “Quan Âm tái thế”, hay là “Cô Tấm” trong
truyện cổ tích. Huống chi câu chuyện bức tử nói trên chỉ được sử sách chép lại
có mấy dòng, hoàn toàn không nói rõ bối cảnh và nguyên nhân sâu xa thật sự của
vụ việc. Thái Hậu Ỷ Lan xuất thân chỉ là một thôn nữ nhà nghèo mà lại tự rèn
luyện có được một kiến thức hết sức uyên thâm, đó là một tấm gương tự học lớn.
Bà không chỉ giỏi việc nước, mà còn đảm việc nhà khi đã đào tạo cho vạn dân một
vị minh quân như vua Lý Nhân Tông.
Bài học lớn nhất rút ra từ sự nghiệp chính trị của Thái Hậu Ỷ Lan có lẽ
việc : Vì lợi ích chung, bà đã biết gác lại hiềm khích cá nhân để huy động mọi
lực lượng có thể nhằm chống kẻ thù xâm lược. Khi giặc Tống xâm lăng, vua Nhân
Tông chỉ mới lên 10 tuổi, Thái Hậu Ỷ Lan phải thay vua lãnh đạo quân dân chiến
đấu chống kẻ thù. Bà đã gác lại tư thù để dùng người có thực tài như Lý Đạo
Thành làm Bình Chương Quân Quốc lo chuyện nội chính. Chiến công hiển hách của
Lý Thường Kiệt ngoài mặt trận sẽ không thể có được nếu như không có một hậu
phương vững chắc và thống nhất, mà cái hậu phương vững chắc và thống nhất đó đã
có được nhờ vào tài điều hành của Thái Hậu Ỷ Lan và tài trị nước của ông Lý Đạo
Thành.
Ai dám nghĩ một cô gái hái dâu quê mùa mà có được cái tài chính trị đến như
vậy? Cái tài chính trị đó có thể tóm lược qua câu trả lời của bà khi được vua
Thánh Tông hỏi về việc trị quốc, được sử cũ chép lại như sau: “Muốn nước giàu
dân mạnh, điều quan trọng là phải biết nghe lời can gián của đấng trung thần.
Lời nói ngay nghe chướng tai nhưng có lợi cho việc làm. Thuốc đắng khó uống
nhưng chữa được bệnh”.
Tài năng đó, đức độ đó đã góp phần khẳng định bản lĩnh của phụ nữ Việt nam,
đã đưa Thái Hậu Ỷ Lan vào hàng ngũ những nhà lãnh đạo chính trị kiệt xuất trong
lịch sử phong kiến Việt Nam, và đặc biệt là đã để lại cho hậu thế một bài học
quý giá về việc biết sử dụng hiền tài, và khi cần thiết thì biết gác lại hiềm
khích riêng tư để phục vụ cho lợi ích chung của đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét