ĐỌC LẠI “LA SƠN PHU TỬ ”
CỦA HOÀNG XUÂN HÃN
CỦA HOÀNG XUÂN HÃN
Cao Huy
Thuần
Tượng
đài La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723-1804) tại xã Nam Kim,
huyện
Nam Đàn, tỉnh Nghệ An – Hình bìa tác phẩm La Sơn Phu Tử,
ấn
bản đầu tiên, nhà xuất bản Minh Tân, Paris 1952
Bác Hãn – xin được gọi như vậy như đã gọi lúc Bác sinh thời – viết
lời Tựa cho tác phẩm La Sơn Phu tử vào tháng 5 năm
1945, ba tháng trước Cách Mạng Tháng Tám, lúc mà Bác là nhân vật chủ chốt được
vua Bảo Đại mời vào Huế để cùng với một số trí thức danh tiếng khác bàn việc
thành lập Chính phủ Trần Trọng Kim, chấm dứt chế độ thuộc địa Pháp. Trong thời
gian ấy, quân đội Nhật vẫn nắm giữ thực quyền nhưng tuyên bố ủng hộ Việt Nam
độc lập, thống nhất. Pháp chưa đi hẳn, Nhật còn ở lại, chiến tranh giữa phe
Đồng Minh và Nhật đã sắp đến hồi ngã ngũ, tương lai Việt Nam chưa biết trôi về
đâu, nền độc lập vừa tuyên bố chỉ mới có giá trị trên lý thuyết. Tuy vậy, ai mà
không thấy hừng lên một chân trời sáng sau 80 năm mịt mù nô lệ?
Vua Bảo Đại nói gì với bác Hãn và với ông Trần Trọng Kim khi hội kiến? Câu nói
mà bác Hãn ghi nhớ nhất là : “Từ trước đến giờ, các anh muốn nước Việt
Nam độc lập, bây giờ có cơ hội thì lại chối, mình không chịu độc lập, thế rồi
sau này nói thế nào?” (1). Theo bác Hãn, câu nói ấy đã thuyết phục được ông
Trần Trọng Kim. Bác Hãn thì khỏi cần phải thuyết phục, chính Bác đã tích cực
nhận lãnh trách nhiệm đề cử người vào chính phủ đầu tiên trước tháng Tám.
Tóm tắt tình thế là như vậy để hiểu tâm trạng của Bác khi Bác hạ một câu kín
đáo xót xa trong bài Tựa: “Vả bây giờ, nước ta đương qua một thời kỳ biến,
nền độc lập mới xây. Từ hồi Pháp thuộc, đến lúc thoát ly, có nên xuất, xử thế
nào, cũng có lắm người nghị luận. Họa chăng gương Phu tử sẽ đủ cho người soi”.
Soi ai? Soi Bác. Soi cái gì? Soi lẽ xuất xử. Tại sao? Vì dư luận phân tán. Dư
luận thời trước đã phân tán trên thái độ xuất xử của Phu tử. Dư luận thời nay
còn có thể phân tán hơn trên thái độ xuất xử của Bác. Và duyên cớ sâu xa gì
khiến cho dư luận phân tán? Tính chính đáng của quyền lực đương thời. “Nền độc
lập” mà Bác nói ở trên là độc lập khi Nhật chưa đi. Đây là sợi chỉ đỏ nối kết
hai trường hợp: của nhân vật trong sách và nhân vật viết sách. Nói một cách
khác, bác Hãn mượn sử để bày tỏ nỗi lòng. Một nỗi lòng u uẩn không khuây.
Về nỗi lòng của nhân vật Nguyễn Thiếp, bác Hãn đã phân tích tường tận. Chúng
tôi ngày nay chỉ xin trình bày thêm chút ít ý kiến thô thiển, hạn chế vào cái
sợi chỉ đỏ vừa nói ở trên. Tôi nghĩ: La Sơn Phu tử là khổ nhân của ba áp lực.
Áp lực thứ nhất là chứng bệnh vĩ cuồng, nói nôm là điên. Dù bệnh có khi dài vài
tháng, có khi ngắn vài ngày, một chứng bệnh tái đi tái lại từ trẻ không thể
không ảnh hưởng đến tâm lý hành động, muốn xông ra với đời hay muốn rút lui về
núi. Trong những cái cớ mà Phu tử viện ra để từ chối lời mời tha thiết của
Nguyễn Huệ, thân không an lạc không phải là chuyện vẽ vời. Nhưng cớ ấy cũng chỉ
là nhỏ thôi.
Áp lực thứ hai là thời thế. Chưa bao giờ lịch sử Việt Nam rối bời đến thế.
Trịnh Nguyễn phân tranh, đất nước chia hai, rối bời lãnh thổ đã đành. Chiến
tranh, bắt lính, sưu dịch, mất mùa, đói khổ, loạn lạc nổi lên khắp nơi, xã hội
bất an, triều đình bất lực, kẻ sĩ bó tay, cả miền Bắc quyền lực rối tung, dân
tình than oán. Nếu Phu tử ra làm quan, chẳng lẽ tham gia đàn áp dân? Vậy thì học
để làm gì, đi thi để làm gì? Kinh bang tế thế, chắc là Phu tử không có cái chí
ấy. Chắc cũng không có cái tài ấy. Nếu Phu tử có cái chí, cái tài ấy, còn hào
kiệt nào hơn Nguyễn Huệ để vẫy vùng phỉ chí nam nhi? Lượng sức mình mà không
xuất, cớ ấy cũng không phải là bịa đặt ra. Nghĩ cho cùng, thời loạn mà gặp được
anh hùng, như Nguyễn Trãi gặp Lê Lợi, kẻ sĩ nào có chí lớn mà không mơ ước?
Rồng nào không mơ ước bay lên với mây? Nhưng Nguyễn Huệ không phải là Lê Lợi mà
Nguyễn Thiếp cũng không hẳn có “con mắt tinh đời” để “anh hùng đoán
giữa trần ai mới già” như Kiều đoán Từ Hải khi vừa liếc mắt. Trong con
mắt Nguyễn Thiếp khi nhận được thư đầu, Nguyễn Huệ chỉ là anh phiên bang thuộc
người nước ngoài. Tại đâu cái nhìn của bậc danh sĩ ấy có phần hạn chế? Tại vì
cái áp lực thứ ba, và đây mới chính là mấu chốt của vấn đề.
Áp lực thứ ba ấy là ý thức hệ Khổng giáo, mà đặc biệt ở đây là tính chính đáng
– légitimité trong tiếng Pháp – nguyên tắc mà sách vở chính
trị ngày nay dùng để cắt nghĩa tại sao mọi người đều chấp nhận, như một sự thực
hiển nhiên, quyền hành nằm trong tay ai đó, một người, một gia đình, một tập
thể, một đảng... Với chính thể quân chủ, tính chính đáng ở Việt Nam hồi đó nằm
trong tay vua Lê. Nhưng tính chính đáng ấy với quyền lực hồi đó không đi đôi
với nhau vì thực quyền nằm trong tay chúa Trịnh. Vua Lê có triều đình, chúa Trịnh
cũng có triều đình, mà là triều đình thật. Vua Lê lập thái tử, chúa Trịnh cũng
lập thế tử, cha truyền con nối, đúng nguyên tắc. Ý thức hệ Khổng giáo cắt nghĩa
nguồn gốc của quyền hành là thiên mệnh. Ai biết ý Trời lúc đó là muốn cái gì,
chẳng lẽ là muốn một ông vua cứ việc lung lay nằm trong tay của một ông chúa cứ
việc kềm kẹp? Lại như một nguyên tắc cứng nhắc, đạo đức Khổng giáo in vào đầu
sĩ tử phương châm “trung thần bất sự nhị quân”. Nghĩa là, trên thực tế,
sĩ tử Bắc Hà cứ việc khóc lóc với một ông vua bất lực, và ông ấy càng bất lực
lại càng được thương. Một mặt các vị cứ khóc với vua, một mặt cứ cong lưng với
chúa. Nguyễn Thiếp khóc vua, nhưng Nguyễn Thiếp không phục chúa, thế thì Nguyễn
Thiếp chỉ có một con đường thôi là làm người hiền ở ẩn. Đạo đức Khổng giáo về
xuất xử cho phép và hoan nghênh.
Đọc ba bức thư gửi đi của Nguyễn Huệ và thư phúc đáp của Nguyễn Thiếp, người
đọc ngày nay có thể chảy nước mắt cho lịch sử bi đát của nước ta hồi đó: Nguyễn
Huệ đề niên hiệu là Thái Đức, Nguyễn Thiếp đề niên hiệu là Cảnh Hưng. Nguyễn
Thiếp gọi miền Nam của sông Gianh là “quý quốc”, là nước khác, không
phải nước tôi. Ý Trời trong đầu Nguyễn Huệ đã đổi khác. Ý Trời trong đầu Nguyễn
Thiếp vẫn chặt cứng bê tông dù lịch sử sắp sang trang. Và lịch sử hoành tráng
sang trang! Trang mới mở ra với Bắc Bình Vương tung quân ra Bắc, diệt Trịnh,
chấm dứt hai trăm năm khống chế vua của con cháu Trịnh Kiểm, hai trăm năm cái
mặt trời chính đáng của nhà Lê cứ lặn dần, hai trăm năm sĩ tử Bắc Hà bất lực
trong hoàng hôn của một chế độ chính trị không biết thay đổi, hai trăm năm cùng
chung nhau bám chặt vào một cái đầu “Tử viết”, không đặt dù một dấu hỏi về cái
lẽ thiên mệnh đã hết bùa chú trong tay nhà Lê. Hai trăm năm! Nghĩ lại mà rùng
mình. Hai trăm năm đằng đẵng ngâm mãi một bài học. Dù kính bái Phu tử đến đâu
đi nữa, người đời nay vẫn phải lạy Phu tử để nói một câu vô lễ: vậy mà Phu tử
đem bài học ấy ra dạy lại cho Bắc Bình Vương:
“Họ Trịnh tiếm quyền đã hai trăm năm. Tướng quân đánh một trận mà dứt được,
lấy đất đai mà trả lại cho nhà Lê. Như thế, ai nói là không phải anh hùng. Nếu
nhân người nguy, lợi dụng tai họa người, nếu trước vì nghĩa mà sau vì lợi, thế
là gian hùng”.
Bác Hãn khen câu nói. Tôi hiểu, vì Bác là nhà Nho, đại Nho. Nhưng
chúng tôi, hậu sinh của Phu tử ở thế kỷ 21 này, chúng tôi không thể nhìn lịch
sử như Phu tử nhìn. Chúng tôi không thể quan niệm chữ “đức” một cách cứng nhắc
trong bối cảnh đặc biệt ấy. Khổng Tử dạy phải lấy đức để trị nước. Ngài dạy thế
không sai. Nhưng, thưa Ngài, nước chúng tôi hồi đó quá loạn, loạn triền miên,
loạn đã hai trăm năm, loạn từ trong dân, loạn trong triều đình, loạn cả trong
thâm cung bí sử, Ngài nghĩ rằng Nguyễn Huệ vẫy gươm để trả đất cho cái vua Lê
bất lực ấy thì nước chúng tôi sẽ yên chăng? Ngài nghĩ rằng một bậc anh hùng như
Nguyễn Huệ có thể lui cui làm cái công việc trả đất như một anh tướng quèn chí
không cao hơn cái chân vịt? Ngài nghĩ con rồng ấy có thể yên phận làm con dun? Nguyễn
Huệ có bao giờ phất cờ “phù Lê diệt Trịnh” giả dối đâu mà sợ mang tiếng
gian hùng trong lương tâm? Lịch sử của nước chúng tôi có lúc hưng lúc vong, lúc
vong là vì không biết cách chấm dứt một chế độ suy thoái, không biết cách thay
đổi từ chế độ này qua chế độ khác, khư khư bám riết vào cái tính chính đáng mà
Ngài dạy, dù nó đã hết sinh khí, phản tiến hóa. Với Nguyễn Huệ, nước chúng tôi
có cái cơ may thắp lên rạng đông sau hai trăm năm nhấp nhem một chế độ lụi tàn
như đèn hết bấc. Có cái đức nào lớn hơn, hợp hơn với dân tộc chúng tôi như cái
vận may hai trăm năm một thuở ấy?
Sau câu dạy ấy của Phu tử, gia phả chép: “Huệ sợ”. Chắc chắn gia phả
chép đúng sự thật: Huệ sợ. Nhưng sợ cái gì? Sợ một câu nói đúng đạo đức? Sợ
lương tâm? Đâu phải thế! Sợ cái mà Nguyễn Huệ đang sợ: chiếm đất không khó,
chiếm lòng người mới khó. Nhất là chiếm một cái lòng bo bo dán vào quá khứ, một
cái văn hóa không biết mở ra với tương lai, một thổ âm chưa quen với cái giọng
Bình Định Tây Sơn khó nghe của một miền Nam đã quá lâu năm biền biệt. Như là
một chính trị gia lão luyện, Nguyễn Huệ cần một đại túc nho để làm cái việc mà
sách vở chính trị ngày nay gọi là chính đáng hóa (légitimation) nghĩa là
xây dựng và củng cố tính chính đáng chưa có ở Bắc Hà. Thời cuộc đã giúp Nguyễn
Thiếp giải quyết nhanh cái mối tơ vò trong đầu ông khi Lê Chiêu Thống đã chạy
dài và Tôn Sĩ Nghị quỳ gối dâng lên Nguyễn Huệ cái mâm vàng “chính đáng” cùng
với một đoàn tùy tùng hai mươi vạn tướng hổ binh hùng. Đống Đa chấm dứt nhà Lê.
Thư từ trao đổi không còn vướng vít Cảnh Hưng niên hiệu.
Trở về lại với bác Hãn của chúng tôi, bác Hãn mà chúng tôi đã có cái may mắn
gần gũi. Bác soi gương Phu tử và Bác thấy Bác trong đó. Bác thấy ba cái áp lực
mà Phu tử đã là khổ nhân. Bác thấy Bác cũng đã nếm mùi ba cái khổ đó.
Áp lực thứ nhất: tất nhiên Bác không có chứng cuồng vĩ. Nhưng nếu đừng hiểu
nghĩa đen mà chỉ nói đùa với nghĩa bóng thôi, thì người nào khác thường chẳng
có chút gì đó “điên điên” dưới mắt thiên hạ? Cái chút “điên” ấy tạo ra cái
duyên, cái đẹp, cái hấp dẫn, cái đặc biệt của một cá tính. Chính bác Hãn, trong
bài Tựa lần thứ hai, viết rằng La Sơn Phu tử là một “cá nhân đặc biệt”, một “cá
tính đặc biệt”. Chắc Bác cũng vậy. Nói rộng ra thêm, và nới rộng Hà Tĩnh của
Bác ra thành Nghệ Tĩnh, hình như đó là cá tính đặc thù mà người đời thường xưng
tụng dưới danh hiệu “ông đồ Nghệ”. Một khi “ông đồ Nghệ” đã khí phách rút lui ở
ẩn, đã xử, đừng hòng ai kéo được ông ra khỏi núi. Tuế nguyệt cứ
xoay, đá vẫn trơ gan với thời cuộc.
Thời cuộc là áp lực thứ hai. Bác Hãn nhấn mạnh câu nói của vua Bảo Đại: các anh
nói độc lập, vậy mà khi độc lập đến, các anh không nắm lấy sao? Cho nên Bác
nắm. Thế là Bác xuất. Nhưng thời cuộc vượt qua Bác nhanh quá, miệng
lưỡi người đương thời chế diễu cái “độc lập bánh vẽ”. Từ trên ban xuống, độc
lập ấy bị cuốn phăng trong khí thế hừng hực dâng lên từ một phong trào cách
mạng có căn cứ địa, có quần chúng, có lãnh đạo, có gươm dáo, có cả cờ với sao
nữa: Bác có con đường nào khác đâu ngoài theo hoặc là xử? Bác xử.
Nhầm một bước vào chính trị, Bác không bước một bước thứ hai. Suốt đời. Thậm
chí, Bác không bao giờ về nước nữa từ khi rời Hà Nội năm 1951. “Ông đồ Nghệ” tự
giận mình chăng? Giận một người thông minh xuất chúng mà để cho chính trị nó
lừa quá dễ dàng? Nhưng, thưa Bác, chính trị là nghề của lừa, Bác giận làm gì?
Bác cứ sống với chúng cháu như một người trí thức, Bác nghiên cứu, Bác viết
sách, ấy là tiên trong đời. Nhưng đâu có phải bác cháu chúng ta không biết nhìn
thời cuộc, không biết ông Trời đang ngả cái bóng thiên mệnh về đâu?
Tính chính đáng: ấy là áp lực thứ ba. Ngày trước, Bác có thỉnh thoảng cộng tác
với tờ Thanh Nghị mà khuynh hướng chính trị là “Độc Lập và
Dân chủ”, có thêm chút đuôi “xã hội”. Thanh Nghị phải
chăng giữ vai trò tạo “chất men văn hóa” cho Cách Mạng tháng Tám? Chủ nhiệm tờ
tạp chí có tiếng ấy ở Hà Nội, luật sư Vũ Đình Hòe, xác minh rằng nhóm của ông
không có ý thức như vậy. Nhưng, ông viết tiếp, theo lời kể của một người khác,
“đó chính là ý kiến của Hoàng Xuân Hãn”. Nghĩa là bác Hãn nghĩ rằng
trong nhóm Thanh Nghị không phải ai cũng một dòng chính kiến
như mình. Mà quả thật vậy, đầu tháng 7 năm 1945, nhiều vị trong Thanh Nghị họp
nhau tại Hà Nội “để xác định dứt khoát: theo ai?” Bác Vũ Đình Hòe cho biết như
vậy và kể tiếp với một chữ nhưng: “nhưng không thuyết phục nổi nhau. Thế là,
tuy vẫn quyến luyến và tin cậy lòng yêu nước của nhau, họ chia tay, người vô
Huế, kẻ lên chiến khu”. Bác Hòe lên chiến khu. Phan Anh vô Huế. Nhưng ông
Trời nghiêng về ai thì tất cả đều thấy như nhau. Cho nên bác Hãn di chúc với
bạn đồng hành: “Trước lúc từ giã Phan Anh, tôi dặn các sự đã bàn: tôi sẽ
đồng tình từ chức và khuyên những người cách mạng sẵn sàng lập chính phủ mới”.
Hoàng Xuân Hãn (1908-1996)
Giống như Nguyễn Thiếp
với Quang Trung, bác Hãn chung thủy với cái tính chính đáng mới mà lịch sử đã
trao cho Tháng Tám. Nhưng cũng giống như Nguyễn Thiếp, Bác chọn cái đường lối
xin tạm gọi là... thứ ba. Thứ ba giữa xuất thứ thiệt và xử thứ
thiệt. Ấy là đường lối mà Nguyễn Thiếp đã đề nghị với Nguyễn Huệ trong thư phúc
đáp thứ hai, sau khi “xin được ở yên cho trọn vẹn”. Để làm gì?: “Để
ngày khác đứng ngoài mà làm một người cố vấn dự bị, thế mới phải hơn ”.
Đã cố vấn mà còn dự bị ! Bác Hãn cũng có lần làm cố vấn như thế, mà hơn cả
dự bị: Bác tham gia phái đoàn của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa dự Hội
nghị Đà Lạt tháng 4 năm 1946. Nhưng chỉ lần ấy thôi. Sau đó, thỉnh thoảng Bác
cũng có đóng góp ý kiến, nhưng cũng chẳng bao nhiêu, đóng góp cái lòng thiết
tha yêu nước thì đúng hơn.
Chính cái đường lối “thứ ba” ấy đã châm mồi cho bao nhiêu dư luận,
tất nhiên là từ hai phía. Phe thủ cựu thì chê Nguyễn Thiếp đã xuất. Phe hiện
đại thì chê Nguyễn Thiếp đã xử. Phe địch phe ta, hai phe đều xơi ta cả. Tất
nhiên là thế thôi. Nếu Phu tử sống ở thời đại này, chắc cụ đã nghe mòn tai cái
cụm từ “đi giữa hai lằn đạn”. Có người vì dại dột mà đi. Có người ung dung. Bác
Hãn khen Phu tử “ung dung” mà đi, mà đứng, như cột cầu giữa hai dòng nước xoáy.
Cũng khen cụ không kém, bác Vũ Đình Hòe, nguyên bộ trưởng tư pháp, dịu một chút
giọng, xuống một bémol, nhận định cụ “xuất ít thành công” mà
“xử, ở ẩn lâu, quá lâu”, “ra giúp đời quá nhanh, quá ít”. Bác Hòe
nhận định như vậy là chung cho cả hai, cả Phu tử và bác Hãn.
Về Nguyễn Thiếp, đúng là ít thành công khi xuất. Tựu trung, đóng
góp được Nguyễn Huệ khen ngất trời là chỉ một câu. Câu nói phải đánh nhanh để
thắng gọn khi quân Thanh vừa chiếm Thăng Long. Nhưng cái chiến lược thần tốc
ấy, Nguyễn Huệ đã tính sẵn trong đầu khi cất quân từ Phú Xuân. Dù sao, nói
trúng ý nhau cũng là tri kỷ rồi. Ngoài câu nói ấy, sự nghiệp xuất của Phu tử
đúng là chẳng bao nhiêu. Nhưng, xét công của Phu tử, đâu phải chỉ tính mấy cái
việc hữu hình. Nguyễn Huệ đâu có chủ yếu chờ đợi ở bậc danh nho ấy việc chấm
thi hay dịch kinh. Chủ yếu là cái việc vô hình mà Nguyễn Huệ lo canh cánh bên
lòng: chính đáng hóa một giấc mộng đế vương, một triều đại mới, một trang sử
mới.
Dù Phu tử rút lên núi,
có hề chi! Tấm lòng của Nguyễn Huệ chiếu sáng đến Thăng Long. Ba lần gửi thư,
tự tay chấp bút thư nữa, rồi chiếu, rồi gặp, ba lần gặp trước khi vua tôi trùng
phùng tại kinh đô mới, chế độ mới, cái gương cầu hiền thiết tha có một không
hai ấy trong lịch sử, cái gương ấy, chẳng lẽ Nguyễn Huệ chỉ muốn cho Phu tử soi
riêng một mình? Chẳng lẽ Nguyễn Huệ không nhắm đến trí thức Bắc Hà? Chẳng lẽ
thời đó không biết vận tốc của tiếng đồn? Chẳng lẽ ngày nay chúng ta không nghĩ:
chiến dịch đánh vào lòng người càng mạnh khi lòng thành của Nguyễn Huệ càng lớn?
Nếu Phu tử sống ở thời nay, chắc cụ học thêm được một chữ nữa: chữ “vận”. Ấy là
“trí thức vận”. Ấy là “trí vận”. Nói như vậy không phải để hạ giá đạo đức hành
động của Nguyễn Huệ xuống hàng mánh lới chính trị. Bởi vì, dù là chiến thuật
chính trị đi nữa, Nguyễn Huệ, người thực hiện chiến thuật, đã làm sáng rực một
nhân cách anh hùng, cây gươm biết hạ mình trước cây bút, viết lên một trang sử
đẹp như tiểu thuyết, đẹp như huyền sử. Nguyễn Thiếp được bác Hãn xưng tụng bởi
vì Nguyễn Huệ quá đẹp. Nhưng chính vì Nguyễn Huệ quá đẹp mà nhân vật Nguyễn
Thiếp không khỏi bị người đời nay có chút phiền trách, dù là trách yêu. Rất
khéo, bác Vũ Đình Hòe trách Phu tử, dù gì đi nữa, cũng “phần nào cố chấp”.
Rồi rất khéo, và rất thân tình, bác Hòe nhẹ nhàng đặt câu hỏi: “tôi nghĩ có
lẽ học giả Hoàng Xuân Hãn cũng thế chăng?”.
Về Nguyễn Thiếp, cố chấp thì chắc là có rồi, nhưng cố chấp mà vẫn đẹp, vẫn sáng
rực một nhân cách để trí thức ngày nay nhìn đó mà cư xử trong mối quan hệ với
quyền lực. Một cung cách, một mẫu mực trí thức vượt thời gian: ung dung, thẳng
thắn, khiêm tốn, không hề khuất phục.
Còn bác Hãn cố chấp hay không, chúng tôi, trí thức ngày nay, nghĩ rằng chừng
nào ước mơ của nhóm Thanh Nghị ngày xưa, “Độc Lập và Dân chủ” chưa thực
hiện được trọn vẹn cả hai vế, chừng đó chúng tôi không dám trách Bác là cố
chấp.
Cao Huy Thuần
(1) Trả lời phỏng vấn đài RFI (Thụy Khê thực hiện) I. Những
cuộc tiếp xúc khó quên, trong : La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn,
Tập I. Nhà xuất bản Giáo Dục, Hà Nội, 1998.
(2) Vũ Đình Hòe: Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Phu Tử và nhóm
Thanh Nghị, trong: La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn. Tất cả
những trích dẫn sau đó đều cùng một xuất xứ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét