HOÀNG NGUYÊN NHUẬN
(1938 – 24.07.2016)
Mối Tình Đoàn Hữu Hơn Ba Mươi Năm
Quán Như
Tôi
gặp Hoàng Nguyên Nhuận, anh em hay gọi là Anh Giàu, lần đầu tại chùa Ấn Quang
sau khi cuộc cách mạng 63 thành công. Đây là lần đầu ban chấp hành hai Đoàn
Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn và Huế gặp nhau. Không khí dĩ nhiên là phấn khởi vì
tất cả đang bận rộn tổ chức đại hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất lần
đầu tiên, kể từ khi vấn đề thống nhất Phật Giáo được đặt ra từ năm 1950. Người
quen biết cả hai bên là Tôn Thất Chiểu, đứng ra giới thiệu. Anh Giàu và anh
Phan Đình Bính lúc đó là hai người được anh em Sài Gòn ngưỡng mộ nhiều nhất vì
thành tích gan lì trong tù. Không hiểu sao tôi vẫn còn nhớ rõ ràng anh mặc áo
sơ mi tay ngắn mầu xanh nhạt, ít nói chỉ cười, khi cần phê bình thì giọng nói
như đanh đóng cột. Hai ban chấp hành Sài Gòn và Huế đang thảo luận phương thức
thống nhất để thành lập Vụ Sinh Viên Phật Tử. Một tháng sau, giáo hội thưởng
công cho anh chị em sinh viên Phật Tử Sài Gòn bằng cách tổ chức chuyến viếng
thăm Huế. Ra Huế tôi ít khi gặp anh xuất hiện, chỉ gặp các lãnh tụ khác như
Vĩnh Kha và Bửu Tôn. Nhưng anh em trong đoàn không ai quan tâm, vì phái đoàn
được mấy chị đoàn viên thuộc hai trường Nữ Hộ Sinh và Cán Sự Điều Dưỡng xinh
như mộng, dịu dàng như các cành trúc la đà và hấp dẫn hơn bánh bèo Vỹ Dạ, tiếp
đón! Không ai buồn nhớ tới Anh Giàu!
Từ năm
1964 đến 1966 Phật Giáo dùng sức mạnh của dân chúng - People Power - trong
những cuộc vận động để làm giảm cường độ chiến tranh, trong khi bộ ba McNamara,
MacGeorge Bundy và Maxwell Taylor nhất quyết leo thang chiến tranh. Anh em học
sinh, thanh niên, sinh viên và Gia Đình Phật Tử dĩ nhiên là đóng một vai trò
nồng cốt trong các vụ biểu tình chống Hiến Chương Vũng Tàu vào tháng 8 năm 1964
và Thủ Tướng Hương vào đầu năm 1965. Đây là thời gian mà sinh viên Phật Tử Huế
hoạt động hứng khởi nhất, và Anh Giàu "oai" như nhân vật Lý Hoàng
Phong trong quyển truyện Bản
Tango Cuối Cùng của Lệ Hằng.
Hai hoạt động nuôi dưỡng trí thức và nghệ sĩ, con tim và khối óc của phong trào
tranh đấu miền Trung, là tờ Lập Trường
và Tuyệt Tình Cốc và một sản phẫm
thành công nhất làm rung động con tim của nhiều thế hệ là Trịnh Công Sơn.
Hoàng Văn Giàu
Bút danh Hoàng Nguyên Nhuận
(1938-2016)
Tôi
chỉ bắt đầu thân cận với Anh Giàu vào năm 1967. Lúc đó nhờ Nguyễn Long, người
tổ chức tất cả các cuộc biểu tình chống Khánh, chống Hương và Thiệu-Kỳ ở Sài
Gòn Chợ Lớn, giới thiệu với thầy Minh Châu. Thầy xin biệt phái ba giáo chức từ
Bộ Giáo Dục về làm việc tại Đại Học Vạn Hạnh, là Long, Đoàn Viết Hoạt và tôi.
Long được Thầy Minh Châu thương mến nhất vì gan dạ và thường phải lẫn trốn cảnh
sát tại chùa Pháp Hội, tiền thân của Đại Học Vạn Hạnh. Tôi xin được một phòng
nhỏ trên lầu ba Trung Tâm Quảng Đức và Anh Giàu và một số sinh viên chạy thoát
từ Huế vào như Vĩnh Tùng, Vĩnh Kha, Huỳnh Ngọc Ghênh, Nguyễn Thế Côn, Trần Xuân
Kiêm và nhiều anh em khác nữa cũng vào ở lẫn lộn trong cư xá. Sau khi thi hành
chiến dịch ba giai đoạn của Rostow, chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ, dưới
sự trợ giúp công khai của Cabot Lodge, Kỳ dẹp tan được phong trào tranh đấu
miền Trung [1]. Kỳ và Loan cũng cho người ném lựu đạn ám sát Thầy Thiện Minh.
Hai người được lệnh ám sát sau đó đến gặp Thầy xin sám hối. Sau khi tạm bình
phục và trong khi Thầy Trí Quang đang tuyệt thực 100 ngày, Thầy Thiện Minh nắm
vai trò lãnh đạo và là người thực sự chủ động tất cả những chiến thuật chính
trị để đối phó với Thiệu-Kỳ. Theo lời thầy Trí Quang trong Tiểu Truyện Tự Ghi, Kỳ lúc đó đang tranh chấp quyền hành với Thiệu
để được đại diện quân đội ra tranh cử Tổng Thống, Kỳ có đến gặp các nhà lãnh
đạo Phật Giáo nhờ ủng hộ. Kỳ và cảnh sát của Loan biết là các sinh viên trong
phong trào tranh đấu miền Trung đến trốn tại Trung Tâm Quảng Đức và tại Đại Học
Vạn Hạnh, nhưng Kỳ không dại gì làm ông Ác dưới con mắt Phật Tử.
Thầy
Thiện Minh thay đổi chiến thuật, thay vì chống đối trực tiếp chánh quyền, Phật
giáo bắt đầu tham dự giới hạn vào các hoạt động chánh trị như đưa người ra
tranh cử hạ viện và thượng viện, ủng hộ ứng cử viên hoà bình Trương Đình Dzu
trong cuộc bầu cử tổng thống. Nếu Thiệu-Kỳ không gian lận, Dzu đã đắc cử tổng
thống [2]. Anh Giàu dĩ nhiên trở thành cánh tay mặt và là một cố vấn của thầy
Thiện Minh và chúng tôi thường gọi đùa anh là Ông Cố Vấn. Tôi có mặt trong buổi
Dzu đến trình bày về phương thức thực hiện hoà bình để thuyết phục thầy Thiện
Minh ủng hộ và Anh Giàu là người đại diện anh em để chất vấn Dzu. Dzu là bạn
học, hay là người cùng thời, với các người lãnh đạo trong Mặt Trận và ông cho
biết là ông được toà đại sứ Mỹ cam kết bảo vệ an ninh. Có lẽ Mỹ không muốn
Thiệu-Kỳ trơ trẽn độc diễn làm mất vết sơn dân chủ lòe bịp đối với các nước
khác, nên đưa con bài Trương Đình Dzu và các con bài khác ra tranh cử. Thầy
Thiện Minh đồng ý ủng hộ Dzu vì lập trường hoà bình và vì những ứng cử viên
khác không đủ tầm vóc lãnh đạo quốc gia.
Người
mà Phật Giáo hoàn toàn ủng hộ là Bác Sĩ Phan Huy Quát, nhưng sau khi bị Bùi
Diễm phản bội, nhận lịnh Mỹ để tìm cách trao quyền hợp pháp cho quân đội, BS
Quát ngán ngẫm nhân tình và nhất quyết giã từ chính trường. Thân phụ của Diễm
đã ủy thác cho BS Quát nhờ chăm sóc Diễm và BS Quát xem Diễm như là một đứa con
nuôi. BS Quát ngán ngẫm là phải! Tôi và Vĩnh Tùng nhận nhiệm vụ chuyển quyết
định ủng hộ Dzu của Giáo Hội cho các quý thầy Chánh Đại Diện tại ba tỉnh Bình
Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Khi trình bày lý do tại sao giáo hội lại ủng hộ
Dzu, tôi còn nhớ rõ phản ứng của thầy Tâm Hoàn. Thầy nói là dù mới gặp chúng
tôi lần đầu, Thầy tin tưởng chúng tôi ngay, không phải chỉ vì cái chứng minh
thư của Thầy Huyền Quang cấp, mà vì thái độ tha thiết của chúng tôi khi nói về
ước vọng hòa bình. Bình Định là quê hương của Dzu và là đơn vị mà Dzu được số
phiếu cao nhất, cho chúng tôi thấy rõ ước vọng và sức mạnh của quần chúng Phật
tử. Trong thời gian khó khăn sau khi phong trào tranh đấu Miền Trung bị đàn áp,
chúng tôi tìm cách tụ tập và củng cố tinh thần "anh em". Một số cán
bộ trung kiên của Phật Giáo sau 1966 không có đường lui nên đã vào khu với Mặt
Trận. Trường hợp của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân ở Huế, và Trần Triệu
Luật ở Sài Gòn là những thí dụ điển hình. Một số khác ra đầu thú và đóng vai
một thứ hàng thần lơ láo. Một số cán bộ khác bị Thiệu-Kỳ bỏ tù cho đến sau năm
1975 mới được ra tù [3]. Phần đông vẫn còn trung thành với giáo hội, nhưng tinh
thần bắt đầu dao động mạnh. Tôi còn nhớ một sinh viên trẻ, anh Vĩnh Lộc, có lần
hỏi tôi : "Mình với họ (Mặt Trận)
khác nhau ở chỗ nào?". Ở cư xá Quảng Đức có một sân thượng phía trước,
nhưng phải chịu khó trèo mới lên được. Anh Phạm Thế Mỹ và tôi rủ Vĩnh Lộc lên
uống trà và giải thích cho Vĩnh Lộc chỗ khác nhau giữa Phật Giáo và Mặt Trận.
Không biết lý luận của tôi có thuyết phục Vĩnh Lộc tới mức nào, nhưng Lộc bỏ ý
định vào khu. Sau đó Lộc thi rớt bên khoa học, bị kêu động viên vào Thủ Đức, và
chừng 2 tháng sau khi ra trường thì bị tử trận.
Trường
hợp Lộc ám ảnh tôi một thời gian lâu. Nếu tôi đừng cản Lộc, có thể anh ra khu
(có thể không) và có lẽ sống sót và hồ hỡi sau năm 1975 hay có thể bị chết vì
bom B52 như Trần Triệu Luật! Tôi nhớ lời đối thoại giữa chị Cao Ngọc Phượng
(bây giờ là Sư Cô Chân Không) và Đổ Trung Hiếu tự là Mười Anh - do chính anh ta
kể lại... Khi Đổ Trung Hiếu hỏi tại sao Phật Tử chống Mỹ và Thiệu kịch liệt như
vậy mà lại không ủng hộ Mặt Trận, chị Phượng trả lời: "Anh có lý tưởng của anh, điểm nào phù hợp
tôi sẽ hết lòng giúp anh. Tôi không cản trở hay làm hại anh, nhưng tôi cũng
không theo anh". Trong khi bị cộng sản cầm tù, Anh Giàu cũng bị hỏi
nhiều lần tương tự và câu trả lời cũng tương tự. Trong thời gian này chính tôi
cũng bị dụ dỗ. Anh Phan Long Côn, bạn thân của anh Trần Văn Long, một sinh viên
tranh đấu đã nếm mùi chuồng cọp ở Côn Đảo, có một lần đến thăm, cho mấy trái
xoài. Sau một hồi chuyện trò, anh nhập đề thẳng, hỏi tôi có muốn vào thăm khu
giải phóng không. Nếu muốn anh sẽ đưa đi. Tôi từ chối vì có nhiều người đi
trước báo động là khi đã vào thăm khu giải phóng, các cán bộ Mặt Trận sẽ báo
tin cho Tổng Nha Cảnh Sát biết để "đóng cửa chặt cầu", lúc đó không
muốn ủng hộ hay làm việc cho Mặt Trận cũng không được. Tôi kể dài dòng thể độc
giả thấy những khó khăn của Giáo Hội, và của riêng cá nhân Anh Giàu, khi không
chịu đầu Hán mà cũng không chịu quy Tào.
Chính
trong thời gian này Đức Tăng Thống ra một thông điệp hòa bình kêu gọi cán bộ
Phật tử không nên gia nhập các lực lượng chánh trị "thiếu giác ngộ",
bên này cũng như bên kia. Trong Thông Điệp Hoà Bình mùa xuân Kỷ Dậu 1969, Đức
Tăng Thống Thích Tịnh Khiết xác nhận thế đứng của Phật Giáo rất rõ ràng: Chiến
tranh ở Việt Nam là hậu quả của một tranh chấp ý thức hệ và nạn nhân là người
dân Việt Nam bình thường, đã bị hy sinh và tiếp tục bị hy sinh và nhục nhằn
trong một cuộc chiến bất công. Nếu còn ai nghi ngờ về lập trường chống đối
chiến tranh và chống đối các thế lực tranh chấp, Đức Tăng Thống tuyên bố tiếp:
"Chúng ta tiếp tục chống đối những
thế lực chính trị vô minh đã làm dân tộc đau khổ. Những từ ngữ viện trợ, giúp
đỡ cũng như từ ngữ giải phóng cần phải được xem xét cho thật kỹ. Viện trợ không
phải để qua mặt những người nhận và bắt buộc họ phải tuân lịnh người cho. Giải
phóng không có nghĩa là dùng súng để thanh toán những người không đồng chính
kiến với mình" [4]. Những ai quen với lý luận và văn phong của Anh
Giàu, đều biết là thông điệp của Đức Tăng Thống có dấu ấn của Anh Giàu.
Những
Phật tử trung kiên nhất quyết không chọn con đường chiến tranh của các chánh
quyền quân phiệt, nhưng cũng nhất quyết không ủng hộ Mặt Trận, lâm vào một tình
trạng lưỡng đầu thọ địch. Anh Giàu là một thí dụ điển hình. Anh bị bọn
Giê-Su-Ma fundamentalists (để giữ được ái ngữ, tôi không dịch chữ này ra tiếng
Việt!) gọi Anh Giàu là thân cộng, cánh tay nối dài của cộng sản. Bọn hàng thần
lê láo như Lê Tuyên và Ngô Văn Bằng tấn công thầy Thiện Minh và nhất là Anh
Giàu, gọi bằng những lời lẽ thô bỉ và trân tráo trên tờ Công Luận. Nhóm chủ
trương thành phần thứ ba mà không có quần chúng, nhóm Tin Sáng, bất mãn vì Anh
Giàu chống phá âm mưu lợi dụng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (Ấn
Quang), nên đã gọi Anh Giàu là giáo gian. Khi Anh Giàu nhân danh Vụ Trưởng Sinh
Viên Phật Tử Vụ giải tán Đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn - Vạn Hạnh đang bị các
sinh viên trong Mặt Trận thao túng, sinh viên Trần Văn Long (hiện là Phó Giám
Đốc Ban Du Lịch thành phố Hồ Chí Minh) đem súng dọa bắn anh! Thiệu sau khi đã
thanh toán tay chân của Kỳ trong vụ "bắn lầm" trong vụ Mậu Thân,
Thiệu ra lịnh bắt Thầy Thiện Minh và các sinh viên tranh đấu tại Trung Tâm
Quảng Đức, ghép tội Thầy về tội chấp chứa đào binh! Anh Giàu cũng như một số
anh em khác vào tù và sau đó đưa nhập ngũ và phục vụ ở Sư Đoàn 21 ở Chương
Thiện U Minh.
Khi
tôi trở lại làm việc tại Bộ Giáo Dục vào đầu năm 1970, anh đã được biệt phái về
Tổng Cục Chiến Tranh Chánh Trị (xem bài phỏng vấn). Sau 1966 tất cả báo chí của
Phật Giáo đều bị đóng cửa. Anh Giàu được Vũ Khắc Khoan mời viết cho tờ Vấn Đề. Vấn Đề cũng được sự cộng tác của
Nguyễn Trần Kiềm, Kiềm là bạn học của Anh Giàu hồi Trung học và bây giờ là một
nhân viên tòng sự tại Tổng Thống Phủ, tức là mật vụ. Thế là Anh Giàu có thêm
một cái mũ mới là CIA. Tôi lúc đó cũng phải chạy qua "tỵ nạn", viết
cho các tờ bào văn nghệ như Ý Thức
của nhóm Việt, tờ Trình Bày và Làm Dân của Thế Nguyên. Thế Nguyên là
dân "Bắc Kỳ, Công Giáo, Di Cư" ba yếu tố bảo đảm là Thế Nguyên chỉ là
những nhà văn phản kháng chế độ nhưng vẫn chống cộng! Nhưng sau 75, Thế Nguyên
thực ra là một nhà văn nằm vùng thứ thiệt! Tôi gặp được nhà thơ Sâm Thương và
anh chịu chạy tiền để làm tờ Văn Mới.
Ra được hai số thì cả hai số đều bị Bộ Thông Tin đưa ra toà! Tuy nhiên Văn Mới
ra được hai tập khảo luận, Nỗi Băn Khoăn
Của Kim Dung của Nguyễn Mộng Giác, bị Bộ Thông Tin "phối hợp nghệ
thuật" bỏ phần bình luận về chánh trị, và quyển Phạm Duy Đã Chết Như Thế Nào, bài diễn thuyết của Nguyễn Trọng Văn
ở trường Đại Học Văn Khoa. Sau này tôi mới biết là Anh Giàu không an tâm khi
thấy tôi hợp tác với các nhóm các nhà văn đối lập Ki-tô giáo, sợ tôi không đủ
bản lĩnh để đối phó! Tuy nhiên có một tai nạn mà Anh Giàu tới ngày nay cũng
chưa biết.
Trong
tờ Văn Mới số 1 tôi có chỉ trích vụ Nhân Văn Giai Phẩm, cho là chánh quyền đã
động tới quyền thiêng liêng của nhà văn. Một nhà văn nằm vùng của nhóm Việt,
Hồng Hữu (hình như là bút hiệu của Trần Duy Phiên) viết một bài đả kích tôi
thậm tệ trên tờ Đối Diện. Để đả thông
vấn đề, Sâm Thương tổ chức một buổi họp thân hữu trong đó có Hồng Hữu, Tiêu Dao
Bảo Cự, Nguyễn Trọng Văn, Sâm Thương và hình như có cả Nguyễn Mộng Giác. Cuộc
thảo luận không đi đến đâu vì tôi nhất quyết giữ lập trường Trung Đạo của Phật
Giáo. Tuy nhiên tôi để ý là bình thường Nguyễn Trọng Văn là một người lý luận
sắc bén và nói chuyện rất duyên dáng, thế mà bữa đó dè dặt không dám bênh tôi.
Cũng như các văn nghệ sĩ Phật tử khác, một mặt bị chánh quyền Miền Nam kết tội
là làm phương hại đến công cuộc chống cộng, một mặt khác các nhà văn đỏ chỉ
trích là chỉ có "tình yêu nước chung chung", nghĩa là không chịu ủng
hộ Mặt Trận. Trong nhóm Việt tôi thân nhất với Bảo Cự. Khi tôi sắp đi Úc du
học, Bảo Cự từ cao nguyên gửi cho tôi một bức thư, khẩn khoản yêu cầu tôi hủy
bỏ chuyện du học vì sợ nhiều người hiểu lầm là nhận học bổng của CIA! Nhiều mũ
thì không sợ đen da!
Sau
1975, tôi mất liên lạc với Anh Giàu. Khi gặp Hồ Công Lộ, một sinh viên tranh
đấu cũ, thì biết là anh đã bị nhốt vào Trại Phan Đăng Lưu tức Đề Lao Gia Định
cũ. Và Lộ cũng cho biết là anh đã được thả. Đầu năm 1982 thì mấy ông "oan
gia" lù lù sang Úc. Người thứ nhất là nhà thơ Phan Việt Thủy. Thủy ra
trường cùng năm, dạy cùng tỉnh. Lúc ở Tuy Hoà, anh rủ tôi và anh Trần Huyền Ân
"hốt hụi" làm báo. Nghe lời xúi dại, tôi đồng ý nhưng báo chỉ ra được
một số thì chết. Lý do anh Trần Huyền Ân, thay vì làm thơ, viết một truyện ngắn
tố cáo ông chỉ huy trưởng Tiểu Khu tham nhũng! Anh Ân bị tống ra mặt trận và
anh em viết báo Hiện Diện bị an ninh
theo dõi. Vừa mới chân ướt chân rao tới Úc, Thủy lại rủ làm báo. Kỳ này không
hốt hụi nữa nhưng mỗi tuần mỗi người nhịn một thùng bia để góp tiền in báo. Anh
Giàu cũng lục đục qua và được tôi rủ viết. Tờ Vietnam Times ra đời. Tội nghiệp Phan Việt Thủy, một người hiền
lành và ít dính líu đến chánh trị cũng bị liên lụy và chụp mũ vì anh là chủ bút
tờ Vietnam Times. Khi Anh Giàu vừa tới Úc được một tuần, tờ Chuông Sài Gòn của bọn Giê-Su-Ma
fundamentalist chạy một tít tám cột: Một Tên Việt Cộng Vừa Tới Úc. Tuần sau, tờ
báo nay phong anh Giàu từ Việt Cộng lên tới Việt Gian. Lúc bông đùa, Anh Giàu
nói thà là mang mũ Việt Cộng hơn là Việt Gian, vì Việt Gian liên hệ đến từ ngữ
bán nước. Và tên chủ nhiệm tờ báo này sau đó làm gì? Chỉ vài năm sau y là một
trong những thương gia đầu tiên qua Hà Nội để dắt mối cho các công ty Úc.
Đối
với cái đám Giê-Su-Ma fundamentalists, chống cộng chỉ là một nghề kiếm cơm,
không hơn không kém. Không phải chỉ có đám Giê-Su-Ma fundamentalists tỏ ra thù
hận Anh Giàu, có nhiều con sư tử trùng cũng nhào vô đánh hôi. Mấy con sư tử
trùng này bu quý thầy như... dòi, mong lợi dụng cửa chùa vào tư lợi riêng. Bọn
chúng không ngần ngại gì đem vào chùa cái đám tà ma ngoại đạo để lũng đoạn Phật
sự, nên khi nghe quý thầy có ý mời anh về lo việc chùa, các tên sư tử trùng này
ra một tờ báo công khai hăm dọa tính mạng anh. Khi thấy anh viết cho tờ Pháp
Bảo, và khi thấy ban trị sự của chùa này toàn là những Phật tử có ăn học, nên
các con sư tử trùng công khai nhục mạ Thầy trụ trì trong một buổi họp và bỏ
hình Hồ Chí Minh vào thư viện và đi bán rao là Thầy trụ trì nhận tiền từ
Canberra để xây chùa (Hồng Ân). Về mặt chính trị bọn sư tử trùng theo bợ đỡ cái
đám phụ nữ liên đới, phục quốc, giải phóng mà ai cũng biết là cơ sở của đám
Giê-Su-Ma fundamentalists. Có những con sư tử trùng đổi mầu như những con thò
lò chánh trị, hết viết cho tờ Quê Mẹ
(Úc), sau đó nhào vô viết chuyện con gà con chó cho báo chùa, rồi cũng nhào vô
hít ra hít vô với pháp hiệu chữ Chân và mới gần đây còn lập hội cư sĩ phục
quốc! Những con sư tử trùng bao vây cả hai chùa lớn và không bỏ dịp nào để phá
hoại lục hòa của quý Thầy. Một tên Giê-Su-Ma fundamentalist, mà một tờ báo gọi
là ông Hoàng Tộc Túng Tiền, đã cay cú vì Thầy trụ trì cho đăng các bài viết của
Anh Giàu, có lần nghĩ lầm là những bài viết ký tên Quán Như cũng là bài của anh
Giàu, nên đã viết bài ám chỉ anh là Cộng Sản. Lý do: Hồ Chí Minh đã viết sách
báo với nhiều bút hiệu như Trần Dân Tiên, Nguyễn Ái Quốc. Anh Giàu cũng viết
báo với nhiều bút hiệu, nên Anh Giàu đích thị là cộng sản. Quả thật Anh Giàu
lấy nhiều bút hiệu, từ Hoàng Nguyễn Tùy Anh, Chung Hoàng, Ngô Chu Hà ở Lập Trường, Tùy Anh ở Vấn Đề và Hải Triều Âm, Giới Tử khi viết những bài về chánh trị tôn giáo và
những bài văn nghệ lã lướt thường ký tên là Hoàng Nguyên Nhuận. Lâu lâu nổi
hứng anh lấy bút hiệu lạ hoắc như Huỳnh Công Hòe. Nhưng chưa bao giờ bài anh ký
tên Quán Như, bút hiệu của tôi đã dùng trên các tạp chí ở Việt Nam từ năm 1969.
Năm 1970 nhà văn Võ Hồng đã nêu tên hai cây viết trẻ mà ông thích nhất: Cung
Tích Biền về văn và Quán Như về khảo luận. Bọn Giê-Su-Ma fundamentalist đầu óc
thường thiếu chất xám, tâm tư chứa đầy sân hận và lợi lộc, bất cần lẽ phải, đặt
ra trăm ngàn chuyện, chụp cho anh mọi thứ mũ. Năm 1967 tôi sống, làm việc và ăn
nhậu với Anh Giàu bằng xương bằng thịt ở Trung Tâm Quảng Đức, thế mà bỗng nhiên
vào 1968, anh trở thành Tướng Hoàng Văn Giàu về Huế lãnh đạo mặt trận Bình Trị
Thiên! Từ nhà tù Phan Đăng Lưu bỗng nhiên có nhiều nguồn tin là anh được gửi đi
Nga tu nghiệp sau 1975! Hết Giáo Gian tới Việt Gian, hết CIA tới Việt Cộng. Gần
đây bọn sư tử trùng còn thì thào là anh và nhóm Chuyển Luân muốn chiếm chùa
(sic)!
Bài
phỏng vấn của tôi là một trong những nguồn tài liệu để hoàn thành quyển sách
nghiên cứu về Phật Giáo Nhập Thế; Phong Trào Tranh Đấu của Phật Giáo Năm 1963 và 1966, được viết bằng Anh Ngữ (Vietnamese Engaged Buddhism., The Struggle
Movement of 1963-1966). Anh bị chụp
mũ và kết án quá nhiều, và theo tinh thần pháp lý Tây Phương, anh đã không được
xử theo đúng công lý (natural justice). Người kết án phải được quyền biện hộ.
Anh rất ngần ngại khi phải biện hộ. Vạn bất đắc dĩ anh mới phải phân trần với
đám người mà anh hay nói: "trước mặt tôi không có mấy anh, sau lưng tôi
cũng không có mấy anh!" Một trong những câu Anh Giàu hay nói là: "tôi không có thành tích để khoe khoang, tôi
chỉ có khổ đau để làm bằng chứng".
Nhưng
có những vấn đề lịch sử cần soi sáng. Hy vọng những khổ đau của Anh Giàu, cũng
như của hàng triệu người khác trong chiến tranh Việt Nam, sẽ giúp người Phật tử
thấy rõ con đường chính trị tỉnh thức mà Phật Giáo đã theo đuổi từ các triều
đại Lý Trần, cho đến thập niên 60 và 70 tới nay. Riêng cá nhân tôi, tôi xin cám
ơn anh đã nuôi dưỡng tình đạo hữu, đoàn hữu trong suốt hơn ba mươi năm dài.
Quán Như
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét