30 THÁNG TƯ 1975,
NHÌN VÀ SUY NGH Ĩ CỦA MỘT NHÂN CHỨNG
Trích đoạn từ Hồi
ký Nguyễn Hiến Lê
(Tập II, Chương
XXII, Nxb Văn Nghệ, USA, 1988)
Vừa đánh vừa đàm – Hiệp định Paris
Từ năm 1965, Mĩ đã dùng phi cơ oanh tạc Bắc việt, có ý buộc Bắc
phải điều đình. Mãi đến giữa 1968, hai bên mới bắt đầu thương thuyết với nhau ở
Parỉs. Mĩ buộc Bắc phải rút hết quân về. Bắc cũng đòi Mĩ phải rút hết quân về.
Nam không chấp nhận Mặt trận Giải phóng. Bắc đòi phảí chấp nhận. Từ đó đến 1973
họ vừa đàm vừa đánh. Để làm áp lực, Mĩ oanh tạc mỗi ngày một mạnh hơn, nhưng
càng oanh tạc thì thái độ của Bắc càng cứng rắn, dân chúng càng sát cánh với
nhà cầm quyền. Phá hủy khu kĩ nghệ Thái nguyên, Bắc cũng không núng, oanh tạc
các đường sắt, đê điều họ cũng không núng; Nga và Trung hoa càng viện trợ khí
giới, đại bác. hỏa tiển, phi cơ cho họ.
Cuộc oanh tạc lớn nhất xảy ra năm 1972, sau vụ Bắc việt đại tấn
công thành phố Quảng trị, san phẳng thành bình địa. Liên tiếp mười hai ngày, Hà
nội bị dội bom. Mĩ còn thả thủy lôi trên các sông Bắc Việt, nhất là biển Hải
phòng, không cho tàu Nga ra vô. Trung hoa chỉ lên tiếng phản đối gọi là, còn
Nga thì trước sau làm thinh. Một số người ở Sài gòn nguyền rủa Mĩ mà cũng
nguyền rủa cả Nga lẫn Trung hoa.
Chúng ta nên để ý: năm 1972, Nixon, tổng thống Mĩ qua thăm Mao rồi
thăm Nga, chắc chắn là để tìm một giải pháp cho chiến tranh Việt nam, có lẽ vì
vậy mà Mĩ mới dám ngang tàng dội bom Hà nội và phong tỏa hải cảng Hải phòng.
Cả thế giới bất bình với Mĩ: một anh khổng lồ mà ăn hiếp một chú
bé, dùng những đòn nặng như vậy, thật vô liêm sỉ. Chính dân chúng Mĩ cũng chê
kẻ cầm đầu của họ. Một triết gia Anh, Bertrand Roussell, lập một tòa án ở Na uy
(?) để xử tội Mĩ.
Dội bom Hà nội 12 ngày rồi Mĩ ngừng để thương thuyết với Bắc Việt,
và ngày 27-1-73, Mĩ, miền Nam Việt nam kí với Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng
hiệp định Paris có nhiều nước chứng kiến: Nga, Trung hoa, Pháp, Anh.
Tôi không nhớ rõ nội dung hiệp định đó, đại khái là Mĩ rút hết
quân về. Bắc cũng vậy; Nam và Bắc trao đổi tù binh với nhau; ở miền Nam sẽ có
một chính phủ lâm thời gồm ba thành phần: người của chính phủ miền Nam, người
của Mặt trận Giải phóng và một số người không đứng về phe Nam hay phe Bắc, do
hai chính phủ Nam và Giải phóng đề cử, số người đó là thành phần thứ ba.
Những bí mật trong chiến tranh Việt Mĩ
Trong chiến tranh Việt Mĩ có nhiều bí mật tôi không hiểu nổi. Mĩ
thay Pháp ở Đông dương để chặn làn sóng cộng sản Trung hoa tràn xuống Đông nam
Á. Vậy là mới đầu Mĩ thù Trung hoa, sau tại sao lại thân thiện với Trung hoa?
Chỉ vì thị trường hàng tỉ người ở Trung hoa chăng? Hay là còn vì Mĩ biết Trung
hoa thù Nga từ 1960, mà Trung hoa yếu hơn Nga, cho nên đứng về phía Trung hoa
để cho thế lực của Nga giảm đi?
Nga, Hoa đều phải giúp Bắc Việt để chống Mĩ, nhưng cả hai đều gờm
nhau: có hồi Trung hoa không cho khí giới Nga viện trợ đi qua Trung hoa để tới
Bắc Việt, còn Nga thì không muốn Bắc Việt lệ thuộc vào Trung hoa nhiều quá. Nhờ
uy tín và sự khéo léo của Hồ Chí Minh mà Bắc Việt giữ được tình hòa hảo với hai
nước đó.
Hình như Nga có hồi khuyên Bắc Việt nhượng bộ Mĩ. Tại sao? Và
chính trong hội nghị Paris, Trung hoa cũng muốn vậy chăng? Có phải là cả ba
cường quốc Mĩ, Nga, Hoa đều muốn cho miền Nam trung lập, không lệ thuộc vào
nước nào chăng?
Còn nhiều bí mật nữa, các sử gia chưa thể công bố được, mà các
phóng viên báo Âu Mĩ chưa hề xuất bản một cuốn nào về chiến tranh Việt Mĩ, cho
nên chúng ta đành chịu, không hiểu chút gì về những âm mưu của các nước anh chị
để định đoạt thân phận của chúng ta.
Ngay từ 1968. trong bài tựa cuốn Bài học Israel tôi
đã viết:
“Thực dân nào, bất kì đông hay tây, cũng chỉ
nghĩ tới quyền lợi của họ trước hết; còn có lợi cho họ thì họ giúp, hết lợi thì
họ bỏ và đàn áp. Do thái bị Anh bỏ rồi Nga bỏ; Ai cập bị Mĩ bỏ, rồi Nga bỏ (…)
“Càng đọc lịch sử thế giới tôi càng thấy đi theo
thực dân thì luôn luôn lợi bất cập hại. Phải là một dân tộc có thực lực, có bản
lãnh cao, có tài chống đỡ giỏi thì mới có thể khỏi bị họ lợi dụng, nhưng nếu lỡ
mà gắn bó với họ thì sớm muộn, thế nào cũng khốn đốn, điêu tàn với họ. Còn các
nước nhược tiểu thì chỉ đem thân ra làm quân tốt thí cho họ trên bàn cờ quốc
tế. Có lẽ chính Israel cũng hiểu như vậy nên năm 1967 họ đòi trực tiếp thương
thuyết với Ả rập, không muốn Nga, Mĩ làm trung gian.
“Nội một điều này cũng đủ cho ta suy nghĩ. Từ
sau thế chiến đến nay, cường quốc nào cũng đua nhau chế tạo võ khí cho thật
tinh xảo, có sức mạnh tàn phá mỗi ngày một khủng khiếp. Năm nào cũng có những
phát minh mới, thành thử võ khí nào tối tân nhất cũng chỉ ít năm hóa cổ lỗ. Họ
có liệng xuống biển không, có phá hủy không, hay phải tìm cách “tiêu thụ” mà
tiêu thụ ở đâu? Có ở trên đất họ không?”
Đoạn đó, năm 1979, đầu chiến tranh Việt Hoa, môt cán bộ Nam bảo
tôi, bây giờ đọc nó mới thấm thía. Và cuốn Bài học Israel được
nhiều người tìm mua ở chợ sách cũ mà không còn.
Đầu năm 1972, thấy Nixon sắp bỏ rơi miền Nam, tôi chua chát viết
bài “Sau 18 năm tiếp xúc với người Mĩ”
đăng trên tạp chí Bách Khoa. Xin dẫn
dưới đây một đoạn:
“Họ (người Mĩ) đã tiêu hai trăm tỉ Mĩ kim, hi
sinh năm chục ngàn thanh niên, trút hàng triệu tấn bom, làm cho non triệu người
mình bi giết, hằng vạn hằng ức mẫu vườn ruộng, hằng ngàn làng mạc bị tàn phá,
gây biết bao tang tóc, mấy trăm ngàn phế binh, cô nhi quả phụ, non mười năm rồi
mà vẫn chưa giải quyết nổi chiến tranh này (…), rốt cuộc phải tìm cách thương
thuyết.
Thương thuyết mấy năm không xong, bây giờ một
mặt họ lo vuốt ve Trung cộng (mới mấy năm trước là kẻ thù số 1 của họ) hi vọng
tìm một giải pháp cho Đông dương, một mặt họ cấp tốc Việt hóa chiến tranh để
rút lui. Họ hai trăm triệu người, một dân tộc hùng cường nhất thế giới, trút
hết cả gánh nặng bảo vệ “tiền đồn thế giới tự do” như họ nói, bảo vệ “tân biên
cương” của họ như họ chủ trương, lên vai 17 triệu dân Việt nam, mà lại tính cắt
hết viện trợ kinh tế nữa, như vậy có khác gì họ chạy làng, đánh trống bỏ dùi
không? Lương tâm họ ở đâu nhỉ? Thể diện của họ ở đâu nhỉ?”
Giọng gay gắt như vậy mà sở kiểm duyệt không bỏ một chữ, chỉ vì
niềm phẫn uất của tôi là tâm trạng chung của mọi người.
Thơ văn, cả nhạc phản chiến nữa xuất hiện rất nhiều, mà phản chiến
tức là phản Mĩ, chính quyền mới đầu còn cấm, sau làm thinh. Ai cũng ghét bọn
lính Mĩ; chúng có nhiều tiền. nhiều vật dụng, nhiều đồ xa xỉ (đồ P.X.: dầu
thơm, thuốc lá thơm, quần áo. máy thu thanh, tủ lạnh…) tới đâu là mở những hộp
đêm ở đó, gây cái nạn trụy lạc, mãi dâm, gái bán “bar”, trai “phi xì ke” (ma
túy); chúng ăn cắp, ăn quịt, bán chợ đen… Ngay những kẻ rút rỉa tiền của chúng
cũng khinh, ghét chúng. Chúng quả là một đoàn quân chiếm đóng và hành động như
một đoàn quân chiếm đóng. Mĩ thất bại ở Trung hoa và Việt nam, nguyên nhân
chính ở đó. Mà các thực dân da trắng không nhiều thì ít như vậy hết, tệ nhất là
Mĩ. Nếu phe tư bản không thay đổi chính sách thì dần dần đệ tam thế giới sẽ
theo phe Cộng hết mặc dầu dân chúng không ưa chế độ độc tài của Nga, Trung hoa.
Mĩ rút về, quân Nam tan rã. Chiến tranh chấm dứt
Đúng là Mĩ chạy làng. Họ vội vã rút hết quân về, và khi không còn
một lính Mĩ nào ở Việt nam nữa thì Bắc, Nam lại choảng nhau. Chủ trương Việt
nam hóa chiến tranh của Nixon đã được thực hiện.
Mới đầu Nixon cũng cho phi cơ từ Phi luật tân hay đảo Guam trợ
chiến với quân đội của Thiệu; nhưng khi nửa triệu quân Mĩ còn ở trên đất miền
Nam, quân đội của Thiệu đã không có tinh thần thì bây giờ làm sao có tinh thần
được? Thiệu xin thêm viện trợ tiền bạc và võ khí, quốc hội Mĩ không cho, Thiệu
nổi khùng, chửi Mĩ thậm tệ hơn một giờ trên đài truyền hình.
Ngày 10-3-75 Việt cộng tấn công Ban mê thuột, ngày 11-3 Ban mê
thuột thất thủ.
Ngày 15-3, Thiệu họp các tướng. quyết đinh bỏ Pleiku, Kontum một
cách vội vàng, để lại hàng núi chiến cụ. Hai trăm ngàn dân bị bỏ rơi, mạnh ai
nấy tự tìm cách thoát thân; Cộng quân chặn đường pháo kích; hai vạn dân bỏ
mạng, hằng ngàn người kiệt sức, chết dọc đường.
Ngày 19-3 Quảng trị di tản.
Hôm sau, An lộc thất thủ, sau một thờí gian bị bao vây ngày đêm bị
đại bác, hỏa tiễn nã vào.
Kế đó là Huế, Quảng ngãi, Đà nẵng, Qui nhơn, Nha trang bị Cộng
quân chiếm một cách rất dễ. Cũng có một vài tướng rán chống cự, nhưng quân lính
không tuân lệnh thì chỉ còn cách đào tẩu để thoát thân.
Đà lạt bỏ ngỏ, Phan rang đầu hàng, Phan thiết tan rã.
Ngày 21-4 Xuân lộc thất thủ (trước đó bốn ngày, Nam vang lọt vào
tay Khmer đỏ). Thiệu từ chức, Trần văn Hương lên thay. Ít bữa sau Thiệu dắt vợ
con qua Đài loan, đem theo không biết mấy tấn vàng.
Ngày 26-4, Trần văn Hương yêu cầu lưỡng viện bầu người khác thay ông để thương thuyết với Mặt
trận Giải Phóng.
Hôm sau đại tướng Dương văn Minh được bầu lên thay Hương.
Ngày 30-4, Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng, kêu gọi buông súng
cho đỡ chết dân. Mười hai giờ trưa, tướng Trần văn Trà ngồi xe thiết giáp tiến
vào dinh Độc lập. Chiến tranh chấm dứt.
Có sách hay báo nói: trong chiến tranh Việt Mĩ này, miền Nam chết khoảng 200.000 quân, miền Bắc chết
non 1.000.000 quân;
thường dân cả hai miền chết trên một triệu. Trong số này chắc không kể những
thường dân miền Nam chết trong khi chạy loạn tháng 3 và tháng 4-1975. Bi đát
hơn cuộc chạy loạn của dân Paris tháng 6-1940 nhiều.
Từ miền thượng xuống miền đồng bằng, từ Huế vô Phan thiết, Biên
hòa, trên khắp các lộ xe hơi, xe căm nhông chật đường, nhích từng thước một;
dân chúng dắt díu, bồng bế nhau chạy. Vợ hay con chết ở dọc đường, đành phải
vùi nông ở ngay bên đường rồi chạy… Chạy để tránh cuộc tàn sát ở Huế tết Mậu thân mà người ta không sao quên
được. Tới bờ biển Qui nhơn, Nha trang, Phan thiết… người ta nhảy ùm
xuống biển, cố lội ra mấy tầu của Mỹ. Người trên tầu cũng là dân tị nạn, xô
đẩy, có khi chém vào tay kẻ ở dưới biển đòi leo lên. Trẻ em chết đói, chết
khát, chết bệnh ở trên bãi biển, cha mẹ gạt nước mắt, vủi thây chúng xuống cát.
Ở các phi trường, cảnh còn hỗn độn hơn nữa. Người ta bỏ lại hết
các va li quần áo, tiền của, vàng bạc để cố leo lên phi cơ, mà cũng bị hất
xuống, thế là của cải mất hết mà vẫn không thoát thân. Phi trường Tourane như
vậy, phi trường Nha trang, Biên hòa đều như vậy, mà ngay phi trường Tân sơn
nhất cũng vậy. Nghe nói có người bám lấy đuôi một chiếc xc Jeep để vào phi
trường, bị xe kéo lết cả câv số.
Không có trận Điện Biên Phủ ở miền Nam – tướng Mĩ hứa từ trước như
vậy và họ giữ đúng – nhưng còn nhục nhã gấp chục lần Điện Biên Phủ nữa vì họ
chịu thua trước rồi, có chống cự tới cùng đâu. Thà như quân Pháp ở Điện Biên
Phủ mà còn được tiếng anh dũng. Chính người Mĩ cũng nhận chưa bao giờ nước Mĩ
thất bại lớn như vây. Nguyên nhân thất bại cũng như Pháp mà lại mang tiếng phản
bạn.
Vậy là hiệp định Paris kí ngày 27-1-73, chưa ráo nét mực đã bị xé.
Ai xé trước? Lỗi tại ai? Không biết. Chỉ biết trong mười hai tháng đầu sau hiệp
định, trung bình ở Việt nam chết thêm 1.000 người mỗi tuần nữa.
Năm 1976 có thuyết cho rằng tướng Võ Nguyên Giáp không cho quân
Bắc tiến vô quá Đà nẵng, nhưng rồi không cản được. Có thực vậy không? Cũng
không biết. Vận mạng của bốn năm chục triệu dân Việt do cái gì quyết định?
Không ai biết được.
*
Chiển tranh Việt-Mĩ chấm dứt sau 15 năm nếu kể từ ngày Mặt trận
Giải phóng chính thức thành lập (1960), dài gần gấp hai chiến tranh Việt-Pháp.
Theo P. Singh trong Le jeu des puissances en Asie (Marabout
1974) thì chiến tranh đó làm thiệt hai triệu mạng người (chắc cho cả hai bên)
và ở Việt nam cả Nam lẫn Bắc, Mĩ đã liệng trung bình nửa tấn bom xuống mỗi
héc-ta đất.
Mĩ đã đổ vào chiến tranh đó trên 200 tỉ đô la.
Nguồn trích dẫn: http://www.vietnamvanhien.org/HoiKyNguyenHienLe.pdf
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét