Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016


30-4-1975 – KTS NGUYỄN HỮU THÁI
KỂ LẠI GIÂY PHÚT LỊCH SỬ TẠI DINH ĐỘC LẬP


Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái (nguyên Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn năm 1963-1964) có mặt tại Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30-4-1975. Ông trở thành một trong nhiều nhân chứng lịch sử quan trọng trong ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chúng tôi có dịp trò chuyện cùng ông sau 41 năm ngày đất nước thống nhất.

PV: Xin ông kể lại cho bạn đọc Petrotimes được rõ hơn về không khí ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập?
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái: Thật ra nội các Dương Văn Minh từ sáng 30/4/1975 đã đi đến quyết định bàn giao chính quyền cho cách mạng, cho nên không khí tại Dinh Độc Lập là nôn nóng chờ đợi quân cách mạng tới. Binh sĩ bảo vệ Dinh Độc Lập được lệnh buông súng, không kháng cự.
Bản thân tôi tuy đến Dinh Độc Lập khá sớm nhưng là để tìm người bạn Tổng trưởng thông tin Lý Quý Chung ra đài phát thanh Sài Gòn nói lên tiếng nói cách mạng. Sau đó lại cùng anh bộ đội Bùi Quang Thận lên nóc dinh cắm cờ, khi quay xuống sân thì chúng tôi đã nhìn thấy nhóm tướng Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu (Thủ tướng) cùng bộ đội ra đài phát thanh để chính thức tuyên bố đầu hàng.
Sau này, nghe Chính ủy Bùi Văn Tùng kể lại: “Sự gặp gỡ lần đầu giữa những người của 2 bên chiến tuyến không khỏi có những lời qua tiếng lại nhưng 2 bên đã quyết định nhanh chóng ra đài phát thanh cùng tuyên bố chiến tranh đã chấm dứt”.
PV: Đến hôm nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về sự kiện ngày 30-4, còn quan điểm của ông?
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái:Đối với thế hệ chúng tôi, ngày 30/4/1975 là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu mốc hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước. Thế hệ chúng tôi lớn lên trong bối cảnh đất nước không có một ngày bình yên nên việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình cho Việt Nam là tất cả. Hạnh phúc đó khó nói thành lời. Bản thân tôi cũng tận mắt chứng kiến cảnh tượng anh em Bắc Nam sum họp một nhà như một cuộc đoàn tụ gia đình lớn.

PV: Là người từng tiếp xúc với ông Dương Văn Minh, một nhân vật có dấu ấn rất lớn trong sự kiện 30-4, quyết định của Tướng Minh giúp tránh cho một Sài Gòn đổ máu trong ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh 20 năm, ông đánh giá thế nào về ông Dương Văn Minh?
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái: Bản thân tôi đã tiếp xúc với Tướng Minh từ năm 1963-1964 khi ông còn là Chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mạng (xem như Quốc trưởng) khi nhóm ông lật đổ chính thể Ngô Đình Diệm, và biết ông nghiên về khuynh hướng trung lập thân Pháp. Có lẽ do lập trường này mà ông không được người Mỹ ưa thích, phải lưu vong đến năm 1969 mới được về lại Việt Nam. Lúc đó ông Minh có ý định chuẩn bị ra tranh cử tổng thống với chiêu bài trung lập, chấm dứt chiến tranh. Chính ông cùng thầy Trí Quang (Phật giáo Ấn Quang nghiêng về hòa hợp hòa giải dân tộc) đã đích thân ủng hộ tôi ra tranh cử dân biểu Quốc hội Sài Gòn như thành phần thứ ba, nghiêng về phía cách mạng.
Vào cuối cuộc chiến, có lẽ mong muốn ban đầu của nhóm tướng Minh là vận động cho giải pháp chính phủ liên hiệp 3 thành phần như đã ghi trong Hiệp định Paris. Nhưng vào mấy ngày chót, tôi nghĩ nhóm ông đã quyết định bàn giao chính quyền cho phía cách mạng càng sớm càng tốt. Vì rõ ràng nhóm ông lo sợ không kiểm soát được quân đội Sài Gòn, dễ xảy ra hỗn loạn cướp bóc kiểu ở Đà Nẵng…Và nhất là không muốn đổ máu thêm một cách vô ích giữa người Việt Nam.  

PV: Nhưng đến nay, vẫn còn nhiều cách đánh giá khác nhau về nhân vật Dương Văn Minh?
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái: Bản thân tôi ít muốn tranh luận về vấn đề này. Chỉ xin ghi lại lời của 2 nhân vật thuộc 2 phe đối nghịch là Chủ tịch Ủy ban quân quản Sài Gòn- Gia Định, Tướng Trần Văn Trà và Tướng Dương Văn Minh trong buổi lễ trao trả tự do cho nội các Việt Nam Cộng hòa tối 2/5/1975.
Tướng Trần Văn Trà phát biểu: “Trong cuộc chiến đấu lâu dài này không có ai là kẻ thắng ai là kẻ bại. Toàn quân và toàn dân Việt Nam là người chiến thắng, chỉ có đế quốc Mỹ xâm lược là kẻ chiến bại… Đây là niềm hãnh diện chung của tất cả nhân dân Việt Nam chúng ta”.
Còn Tướng Dương Văn Minh trả lời thật chân tình: “Ngày hôm nay, đại diện cho các anh em có mặt tại đây, tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự thành công của Chính phủ cách mạng trong công cuộc vãn hồi hòa bình cho đất nước.Tôi nghĩ rằng với hành động của mình, tôi đã góp phần tránh một cuộc đổ máu vô ích cuối cùng cho Sài Gòn. Đó là phần đóng góp cụ thể của tôi trong cuộc chiến đấu này. Riêng cá nhân tôi, hôm nay tôi rất hân hoan khi 60 tuổi, trở thành một công dân của một nước Việt Nam độc lập”.
PV: Sau năm 1975, ông có dịp tiếp xúc với các nhà báo nước ngoài có mặt tại Dinh Độc Lập ngày 30-4? Cách nhìn nhận của họ về sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam ra sao, thưa ông?
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái: Ngày đó, ở Sài Gòn còn rất nhiều nhà báo người nước ngoài và họ chính là những nhân chứng khách quan nhất, loan đi những bài tường thuật trung thực, gửi các hình ảnh sống động. Hầu hết họ rất bất ngờ về những gì họ đã tận mắt nhìn thấy: chấm dứt một cuộc chiến tranh đẫm máu 20 năm mà trông giống như một cuộc đoàn tụ gia đình lớn. Do đó, các tuyên truyền xuyên tạc về miền Bắc xâm lăng miền Nam, tắm máu trước đó bỗng chốc trở thành trò dối gạt…    

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, lực lượng thứ ba có đóng góp không nhỏ vào sự kiện ngày 30-4, kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài 20 năm? Là một nhân chứng trong ngày trọng đại của dân tộc, ông có thể phân tích vai trò của thành phần thứ ba?
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái: Nguyên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 2005 đã xác nhận điều này với tư cách người lãnh đạo cách mạng vùng Sài Gòn - Gia Định thời đó. Ông nói, phải ở chiến trường mới thở phào nhẹ nhõm khi nghe Tướng Dương Văn Minh đầu hàng sáng 30/4. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của lực lượng thứ ba từ sau Hiệp định Paris 1973, gồm nhiều nhóm, nhiều phía cả trong lẫn ngoài nước đã tác động mạnh mẽ đến nội các Dương Văn Minh vào những ngày cuối tháng 4/1975.
Bản thân tôi trước đó cũng vận động nhóm thầy Trí Quang và luật sư Vũ Văn Mẫu (Thủ tướng nội các Dương Văn Minh) bên Phật giáo, kể cả các tướng lãnh Việt Nam Cộng hòa hoặc các nhóm trí thức trung lập khác nhau ở Sài Gòn, và nhất là đa số tầng lớp nhân dân mong muốn hòa bình… Tất cả đều hưởng ứng việc bàn giao chính quyền, chấm dứt chiến tranh trong hoà bình.   
PV: Theo ông, chúng ta phải làm sao để câu chuyện hòa hợp – hòa giải dân tộc đạt kết quả cao hơn mong đợi sau 41 năm ngày nước nhà thống nhất?
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái: Hòa hợp, hòa giải nên được chủ động thực hiện từ bên thắng cuộc là phía cách mạng. Hơn 40 năm đã trôi qua, chúng ta không thể để mãi chủ nghĩa lý lịch, phân biệt đối xử tồn tại, nhất là đối với lớp trẻ lớn lên sau ngày giải phóng đất nước. Phải làm sao cho tất cả mọi con dân Việt không phân biệt gốc gác, thành phần cùng được góp tay xây dựng đất nước. Tôi vẫn ước gì tinh thần hòa hợp, hòa giải thực sự diễn ra vào ngày 30/4/1975 ấy ở Sài Gòn sống mãi giữa những người con dân đất Việt hôm nay.
PV: Xin cảm ơn ông!

Thiên Thanh (thực hiện)





Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016


“ĐẠI TƯỚNG DƯƠNG VĂN MINH, CÔNG VÀ TỘI”

Trọng Đạt / Đàn Chim Việt

     LNGT- Bài viết dưới đây của tác giả Trọng Đạt, phổ biến trên Đàn Chim Việt trong dịp kỷ niệm 30/4/2012, nhằm chứng minh rằng ông Dương Văn Minh “không có tội mà cũng chẳng có công” trong biến cố sụp đổ của Sài Gòn và miền Nam Việt Nam vào năm 1975. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả ở vế đầu, “không có tội”, nhưng chỉ đồng ý một phần với vế sau, “cũng chẳng có công”, vì phân tích của tác giả chỉ dựa trên một yếu tố quân sự trong một giới hạn thời gian nhất định của những tháng cuối cùng trước lúc Sài Gòn thất thủ, mà không lý đến những yếu tố quan trọng khác trong suốt cuộc chiến gần 20 năm tại Việt Nam.

     Tuy nhiên, những dữ kiện trong bài nầy, ít nhất, cũng phá vỡ một huyền thoại mà người Việt chống Cọng ở hải ngoại, từ hơn 30 năm qua, đã bám vào nó để biện minh cho lý do thất trận của quân đội VNCH. Đó là huyền thoại, hay đúng hơn là lời chạy tội, rằng Vì ông Minh ra lệnh buông súng đầu hàng nên họ phải thua trận. Huyền thoại nầy là vỏ bọc cho một lời chạy tội nhằm che lấp và/hoặc bóp méo ba dữ kiện:

     - Thứ nhất, ngày 29-4-1975, 16.30 chiều ông Minh mới nhậm chức Tổng Thống, và ngày 30-4-1975, lúc 10.30 giờ sáng, ông Minh mới ra lệnh trao nạp vũ khí cho quân Mặt trận GPMN. Vậy thì TRƯỚC NGÀY ĐÓ, kể từ cuộc triệt thoái Ban Mê Thuột vào trung tuần tháng 3, trong gần 50 ngày, đã có hàng vạn quân nhân Quân lực VNCH trên cả 4 vùng chiến thuật bỏ đơn vị, tan hàng, vất vũ khí, cởi quân phục tìm đường thoát thân cho đến 10.30 giờ sáng ngày 30-4, là theo lệnh ai? là vì lý do gì? Lệnh đó không phải là lệnh của ông Minh, lý do đó không đến từ ông Minh, vậy thì tại sao cứ lấy lý do vì “ông ra lệnh đầu hàng” vào sáng 30-4 đó để để biện minh cho hành động buông súng của chính mình và để đổ “tội” cho ông?

     - Thứ nhì, giả dụ ông Minh, hay cụ Hương, hay bất kỳ vị lãnh tụ của VNCH nào vào lúc 10.30 giờ sáng ngày 30-4-1975 đó, ra lệnh cho rất ít đơn vị còn cầm súng phải tử thủ để “bảo vệ miền Nam” thì  ai là  người “tử thủ”,  đơn vị nào sẽ quyết chiến, và súng ống đạn dược đâu để tử thủ theo chiến lược gì?     Quan trọng nhất, sau 55 ngày nhận chịu hết thất bại nầy đến thất bại khác, sau 55 ngày tan rã hết quân khu nầy đến quân khu khác, sau 55 ngày sức tàn lực kiệt, hổn quan hổn quân, và trực thăng Mỹ thì đang vần vũ trên trời để bốc người di tản ra hạm đội 7 …, thì ai là người chịu nghe lời “tổng thống”, vâng lệnh thượng cấp, để tiếp tục chiến đấu chiếm lại Cao nguyên, lấy lại miền Trung và đẩy lui Cọng quân về lại sông Bến Hải, … mà bây giờ lại bất nhân bất nghĩa đổ tất cả  tội lên đầu một người ?

     - Cuối cùng, tâm cảnh của quân dân Việt Nam Cọng hòa vào lúc 10.30 giờ sáng ngày 30-4 chủ yếu chỉ có hai loại: (i) Hoặc là đã chán ngán cuộc chiến tranh vốn quá nhiều hủy hoại và tang tóc từ gần 10 năm qua nên nhìn những ngày cuối tháng Tư như hồi chung cuộc của cuộc chiến mà không cần biết đến tương lai sẽ ra sao, miễn chấm dứt được chiến tranh; (ii) Hoặc là hốt hoảng bảo vệ thân mạng gia đình mình trong buổi hoàng hôn của VNCH bằng cách vượt biển trốn ra nước ngoài hay đợi quân “giải phóng” vào tiếp quản địa phương. Đó là tâm trạng “tự buông súng”, tâm trạng “chờ đợi hòa bình”, tâm trạng “sợ sệt buông xuôi” của tuyệt đại đa số quân dân miền Nam lúc Cọng quân đã dàn quân ở cửa ngõ Sài Gòn. Vậy thì cứ kết tội ông Minh ra lệnh đầu hàng trong khi chính mình đã tự đầu hàng trong tâm trí rồi, đã cuống quít vất bỏ vũ khí, thì có phải là … một “tiện lợi lịch sử” vô lương thiện cho mình không ?

     Quân đội Việt Nam Cọng hòa đã có nhiều cá nhân là anh hùng trong 20 năm chiến đấu. Nhưng 55 ngày cuối cùng của mùa Xuân năm 1975, dù vị Tổng Tư lệnh Quân đội có phạm những lỗi lầm chiến lược và sau đó, từ ngày 24-4, đã đào thoát ra nước ngoài, thì cuộc rút lui thê thảm tại miền cao nguyên, và tình hình “tự đầu hàng” bạc nhược ở suốt miền Trung, đã chứng tỏ đó là một quân đội không anh hùng chút nào hết trong 55 ngày đó ! Nhưng tồi tệ hơn cả, và phản anh hùng hơn cả, là cho đến gần 4 thập kỹ sau, những người cựu quân nhân đó, bây giờ tóc đã điểm sương sống đời tha hương, vẫn không có đủ can đảm và lương thiện để nhận tội của mình trước lịch sử như một tập thể, mà lại đổ tất cả lên đầu chỉ một người đồng ngủ đã từng chia sẽ màu cờ sắc áo là ông Dương Văn Minh.

      Nhưng thật ra, chiến dịch “đổ tất cả tội lên đầu một người”, mà người đó phải là Dương Văn Minh chứ không phải ai khác, có lý do của nó và có người lãnh đạo nó. Đó vốn là âm mưu của một thế lực tôn giáo muốn trả thù cho lãnh tụ cũ của họ đã bị ông Minh cầm đầu cuộc cách mạng lật đổ vào năm 1963. Thế lực đó là Công giáo Việt Nam, và lãnh tụ đó là ông Ngô Đình Diệm. Cho nên, trên các diễn đàn hải ngoại, nhất là diễn đàn truyền thông Công giáo, từ nhiều năm nay, ta thấy khi phân tích về nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của VNCH, ai cũng có tội, người nhiều kẽ ít. Từ quân nhân đến đảng phái chính trị, từ trí thức đến công chức, tất cả đều san sẽ cái “tội làm mất nước” với nhau, ngoại trừ lực lượng Công giáo Việt Nam là được trắng án, không có tội gì cả, dù 20 năm của miền Nam chống Cọng đã được lãnh đạo bởi hai ông Tổng thống Công giáo, dù kinh viện và quân viện của Mỹ để chống Cọng đã chảy vào túi thế lực Công giáo nhiều nhất trong cả hai nền Đệ nhất và Đệ nhị CH.

     Và cũng khi phân tích lý do “mất nước”, những tay biện giải Công giáo đã bỏ qua rất nhiều yếu tố quan trọng và to lớn khác trong một vấn đề phức tạp như chiến tranh VN, đã bỏ qua một khoảng thời gian 12 năm (1963-1975) với bao biến động khác ở tầm quốc gia cũng như quốc tế, để đơn giản và khô cứng kết luận rằng vì “đảo chánh Cụ 1963” nên “mất nước 1975”!.
Dương Văn Minh lật Cụ 1963 thì Dương Văn Minh phải làm mất nước 1975. Vì vậy mà “tất cả tội đều đổ lên đầu một người”!
      Cái logic tàn bạo và gian xão đó, được lập đi lập lại nhiều lần trên các hệ thống truyền thông của Công giáo, đã lợi dụng được mặc cảm tội lỗi, đã khai thác được hội chứng thất trận của anh em cựu quân nhân, và vận dụng được lòng căm thù của cựu tù nhân cải tạo. Thế lực Công giáo đã thiết kế và triển khai một huyền thoại để ru ngũ và xoa dịu được những ẫn ức và dồn nén tâm lý của các tổ chức cựu quân nhân ở hải ngoại. Thế là như Ponce Pilate ngày xưa khi xử tội Chúa Giêsu, anh em cựu quân nhân bị tẩy não tư duy mà không biết, tưởng rữa được vết nhơ trên bàn tay chiến bại của mình. Dù đó không phải là sự thật, dù đó là không lương thiện.

     Nhưng lịch sử không đứng về phía kẽ thắng, lại càng chẳng đứng về phía kẻ bại. Lịch sử đứng về phía sự thật.

      LNGT
***

 Đại Tướng Dương Văn Minh, Công Và Tội
Trọng Đạt / Đàn Chim Việt


       Sau khi miền Nam VN mất về tay Cộng Sản ngày 30-4-1975 nhiều người kết tội Dương Văn Minh đầu hàng giặc, dâng nước cho Bắc Việt, họ nói vì ông mà miền Nam mất. Những người cảm tình với Dương Văn Minh nói ông có công cứu Sài Gòn và miền Nam Việt Nam thoát chết, “nếu ông không ra lệnh đầu hàng thì nó pháo kích chết hết !!!” Sau khi ra Hải ngoại trả lời phỏng vấn báo chí ông nói : “Tôi không cứu được nước nhưng tôi phải cứu dân”.
      Sự thực ông ấy không có tội mà cũng chẳng có công, dù ông có hay không ra làm Tổng thống ‘hơn một ngày rưỡi’ thì tình hình miền nam VN và Sài Gòn cũng vẫn y nguyên như thế. Hẳn mọi người đều biết, vào thời điểm ấy miền nam VN hầu như vô chính phủ, các vị Tổng thống, Thủ tướng, các vị Bốn sao, Ba sao, các ông lớn…đều đã “tẩu vi thượng sách”, Việt Cộng đang tiến quân vào.

      Ngược dòng thời gian tháng 11-1972 khi sắp ký Hiệp định Paris, Hoa kỳ đã vội vã cung cấp cho VNCH khoảng gần 600 máy bay các loại gồm : 200 máy bay phản lực chiến đấu, khoảng 340 trực thăng các loại và mấy chục máy bay vận tải, thám thính, ba tiểu đoàn pháo binh 175mm, hai tiểu đoàn thiết giáp M-48, 286. (Theo Nixon, No More Vietnams, trang 170-171). Miền Bắc bị thiệt hại nặng sau trận mùa hè đỏ lửa 1972, họ mất khoảng 100 ngàn quân, 700 xe tăng (Nguyễn đức Phương- Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 587), lại nữa cuối 1972, TT Nixon cho B-52 oanh tạc dữ dội Hà nội, Hải phòng đánh phá tan nát bộ máy chiến tranh của Bắc Việt”( No More Vietnams. Trang 158). Sau ngày ký Hiệp định Paris 27-1-1973, VNCH yên tâm vì tiềm năng quân sự miền Nam mạnh hơn miền Bắc.
      Tuy nhiên tình hình thay đổi rất nhanh, cán cân lực lượng hai miền đã đảo ngược từ 1974, CS quốc tế vẫn tiếp tục viện trợ quân sự đều đặn cho Hà Nội: Giai đoạn 1969-1972 BV được Nga, Trung Cộng viện trợ 684,666 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật. Giai đoạn 1972-1975 họ nhận được 649,246 tấn hàng vũ khí, số lượng hàng viện trợ của hai giai đoạn tương đương nhau.(Bản tin của BBC.com ngày 5-10-2006). Theo Kissinger, Hà nội đã xin được viện trợ của Xô viết tăng gấp bội. Thàng 12- 1974,  một
viên chức cao cấp Nga viếng Hà Nội lần đầu tiên kể từ sau ngày ký Hiệp định Paris . Tổng tham mưu trưởng Nga Viktor Kulikov tới tham dự họp chiến lược với Bộ chính trị BV, nay họ bãi bỏ hạn chế trước đây. Xô Viết đã chở vũ khí viện trợ quân sự cho Hà Nội tăng gấp 4 lần trong những tháng sau đó. Nga khuyến
khích BV gây hấn (Years of Renewal trang 481).

      Trong khi đó miền Nam bị Quốc hội Mỹ xiết cổ từ từ, Hạ Viện Mỹ 1972 Dân chủ chiếm đa số 242 ghế, Cộng Hòa 192 ghế, họ chống đối chiến tranh VN rất mạnh, trước hết họ cắt giảm quân viện xương tủy mỗi năm khoảng 50%: Từ 2,1 tỷ tài khóa 1973 xuống còn một tỷ tài khóa 1974 và xuống còn 700 triệu tài khoá 1975, cón số này thực ra chỉ bằng 500 triệu vì dầu thô lên giá, tiền mất giá (theo Henry Kissinger, Years of Renewal trang 471). Ngày 15-8 -1973 ban hành luật của Quốc hội cắt bỏ tất cả các ngân khoản dùng trực tiếp gián tiếp cho các hoạt động quận sự Mỹ tại Đông Dương. Ngày 7-11-1973 Quốc Hội ban hành luật War Powers Resolution hạn chế quyền Tổng thống trong chiến tranh, Tổng thống muốn đem quân ra ngoại quốc phải đưa ra Quốc hội để trói tay hành pháp thì số phận của VNCH coi như đã được quyết định rồi .
      Kỳ bầu cử Hạ viện Mỹ tháng 11-1974, Dân chủ chiếm đại đa số, tỷ lệ 66.9% Hạ viện với 291 ghế, Cộng Hòa 144 ghế. Dân chủ chống chiến tranh Đông Dương quyết liệt, cắt bỏ bất cứ ngân khoản viện trợ nào giành cho Đông Dương. VNCH lâm vào tình trạng đen tối. Hậu quả của cắt giảm quân viện khiến cho miền Nam ngày càng thiếu thốn tiếp liệu đạn dược. Từ tháng 7-1974 quân đội chỉ xử dụng khoảng 19 ngàn tấn đạn một tháng so với 73 ngàn tấn một tháng thời gian trước đó, hoả lực giảm trên 70%. Theo ông Cao Văn Viên nạn đào ngũ (Những ngày cuối VNCH trang 79) khiến cho quân số thiếu hụt. Hàng tháng lính đào ngũ trung bình lên tới 1,5 hay 2 phần trăm tổng số quân và như vậy hàng năm quân đội mất đi gần 1/4 quân số, hàng năm phải tuyển mộ từ 200 tới 240 ngàn người để thay thế số thương vong, đào ngũ nhưng trên thực tế không tuyển mộ được đủ số tân binh như phỏng định vì nạn trốn quân dịch.

      Cuối 1974 đầu 1975, CSBV đánh chiếm Phươc Long để thăm dò Mỹ. Trước nguy cơ sụp đổ, TT Thiệu gửi thư cho TT Ford xin Viện trợ bổ túc 300 triệu. Tháng 3-1974 BV tấn công chiếm Ban Mê Thuột, Quốc hội Mỹ bác bỏ khoản viện trợ cho miền Nam và không chuẩn chi cho năm tới 1976.
     Tình hình quân sự ngày càng thê thảm, ông Cao Văn Viên (Những Ngày Cuối VNCH, trang 92) cho biết vào tháng 2-75, đạn tồn kho chỉ còn đủ dùng khoảng 30 ngày. Tháng 4-1975, đạn tồn kho ở bốn kho dự trữ tuột dốc xuống mức thấp nhất chỉ đủ xài từ 14 đến 20 ngày. Kể từ sau Hiệp định Paris, VNCH không còn trông cậy vào yểm trợ của B-52 nữa.
     Cuối tháng 3-1975, do kế hoạch tái phối trí lực lượng sai lầm của TT Thiệu đã khiến VNCH mất hai quân khu I và II, mất luôn cả hai quân đoàn 1 và II trong hai tuần lễ từ 14-3 tới 30-3-75. VNCH mất 5 sư đoàn bộ binh (22, 23, 1, 2, 3), 11 liên đoàn Biệt động quân, mất gần hết 2 sư đoàn tổng trừ bị.. vũ khí đạn dược coi như mất hết, một phần lớn lọt vào tay Cộng quân.
      BV hối hả đưa nốt 3 sư đoàn tổng trừ bị (thuộc quân đoàn 1) vào Nam, Hà Nội dùng mọi phương tiện không quân, hải quân, đường bộ để chuyển quân gấp rút vào Nam bao vây Saigon. Họ dốc toàn bộ lực lượng vào Nam. Lực lượng tham chiến của BV vào khoảng gần 20 Sư đoàn (gồm 4 quân đoàn 1, 2, 3, 4 và đoàn 232, sáu trung đoàn đặc công, 6 trung đoàn độc lập). Vũ khí đạn dược của BV gấp bội lần năm 1972.

     Trong thời gian này tại Hoa Thịnh Đốn Kissinger báo cáo trong phiên họp Nội các:
     “Toàn bộ lực lượng của QĐBV hiện đã vào nam, chỉ cần một Lữ đoàn TQLC là ta có thể chiếm hết miền Bắc, một sự vi phạm trắng trợn (Larry Berman, No Peace No Honortrang 266). Ông cũng nói “Chúng ta không còn tiền để chơi ván bài”, sự thật Hành pháp đã bị Quốc hội trói tay.
     Ngày 10-4-1975, VNCH còn hy vọng vào viện trợ khẩn cấp 722 triệu do TT Ford đưa ra Quốc hội, ngày 18-4 ngân khoản này bị bác bỏ. Nhiều chính khách nhận định khoản viện trợ này nếu được chấp thuận cũng chỉ kéo dài thêm sự hấp hối của miền Nam mà thôi. Ngày 21-4-1975, TT Thiệu từ chức, Phó Tổng Thống Trần văn Hương lên thay, mấy ngày sau ông Thiệu và Thủ tướng Khiêm rời Sài Gòn ra đi hôm 24-4.
      Trở lại chuyện ông Dương văn Minh. Sải gòn có nhiều tin đồn về việc ông Dương Văn Minh sắp lên làm Tổng Thống thay Trần Văn Hương.
     Cụ Hương lên thay ông Thiệu được bốn năm ngày bèn ngỏ lời với đồng bào về hiện tình đất nước trên đài phát thanh Sài Gòn, giọng sướt mướt, vừa nói vừa khóc.
     “Thưa đồng bào, tình hình hiện nay vô cùng bi đát… Một vùng Hai miền Trung đã hoàn toàn tan rã, vùng Ba, vùng Bốn nay cũng đã bị nhiều sứt mẻ. Rồi mai đây những trận đánh sấmsét sẽ đổ xuống và rồi thủ đô Sài Gòn này sẽ thành cái núi xương sông máu. Tôi đã nghĩ đến cái cảnh núi xương sống máu ấy và
đã bàn với anh Dương văn Minh, tôi có nói với ảnh như  vầy “Bây giờ tôi bàn giao chính quyền cho anh, nhưng bàn giao để anh tìm cái giải pháp hoà bình cho đất nước chứ bàn giao choanh để anh đầu hàng thì bàn giao làm gì. . hở trời!!. .
     Người dân vừa sợ vừa thông cảm cho cụ già vì cụ quá thật thà, cụ đã đem hết mọi bí mật quốc gia nói huỵch toẹt trên đài phát thanh! Thực ra nay cũng chẳng còn bí mật gì để giữ.

      Những lời đồn nay đã thành sự thật, ông Dương văn Minh sẽ lên làm Tổng thống. Theo lời kể của ông Nguyễn đình Toàn trong bài “Đại Tướng Dương Văn Minh: Em Làm Chứng Cho Goa” (Người Việt Dallas, tháng 4-2011), ông Toàn và các ông Đỗ đình Tứ, Nguyễn Văn Bình đi thuyết phục Dương Văn Minh ra nhận nhiệm vụ, Đại tướng thất vọng nói:
     “Đại Tướng trầm ngâm suy nghĩ, cúi đầu xuống một lúc rồi nói: “Em thấy đó, tối hổm Trung Tướng Đôn đã trình bày cho chúng ta biết về tình hình quân đội, về khả năng tái phối trí của quân đội… quân của mình hầu như tan hàng hết rồi, không thể nào có thể tái phối trí được nữa, quân tản mạn, phân tán khắp nơi, còn các kho vũ khí, súng đạn của mình trên nguyên tắc là dự trữ từ 3 đến 6 tháng, nay cũng không còn kiểm soát được nữa. Cả chục sư đoàn Cộng Sản Bắc Việt đang áp sát Sàigòn, hàng chục ngàn hỏa tiễn 130 ly và 222 ly đang sẵn sàng bắn vào đây. Ngay cả chủ quyền tối thiểu của mình cũng không còn, phi trường Tân Sơn Nhất người Mỹ họ ra vào tự do, muốn đưa ai đi thì đưa, họ dùng đoàn xe MP và Thủy Quân Lục Chiến mở đường để đưa người của họ vào, Quân Cảnh mình có chặn lại cũng bị MP và Thủy Quân Lục Chiến Mỹ lên đạn uy hiếp nên đành phải để cho họ đi… Tình hình như vậy em bảo làm sao mà ” Goa ” dám nhận nữa? Vậy em nghĩ sao?
     Ông Toàn và mấy người bạn nói:
     “Nếu Đại Tướng thương nước thương dân thì Đại Tướng phải biết hy sinh chứ? Nếu bây giờ Đại Tướng nói tình hình nó nguy hiểm như thế, nó khó khăn như vậy mà Đại Tướng không nhận nữa… thì Đại Tướng đâu có thương dân thương nước,
     Tôi thuyết phục Đại Tướng cả gần tiếng đồng hồ như vậy, hai anh bạn tôi cũng nói thêm vào. Cuối cùng Đại Tướng nhìn thẳng vào tôi và nói:
     “Bây giờ em nói sao? Em nói “Goa” phải ôm, nó là cái vạc dầu đang sôi, em biểu “Goa” ôm, “Goa” ôm rồi “Goa” chết một mình sao?
     Nghe lời thuyết phục của ông Toàn, về sau Đại Tướng Minh nhận ra trách nhiệm cứu nước.

    Tình hình quân sự khi ấy vô cùng nguy khốn. Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn Tư lệnh Quân đoàn Ba VNCH tổ chức phòng
thủ Sài Gòn trên 5 tuyến chính với khoảng cách tới trung tâm thành phố xa hơn tầm pháo của đại bác 130 ly của BV.
     Phía Tây Bắc là Tuyến Củ Chi. Tuyến Bình Dương ở phía Bắc. Tuyến Biên Hoà phía Đông Bắc. Tuyến Vũng Tầu và Quốc lộ 15 phía Đông. Tuyến Long An phía Nam . Lực lượng mỗi tuyến chưa tới một Sư đoàn trong khi VNCH gần hết đạn phải đương đầu với một lực lượng địch đông gấp năm, sáu lần với hỏa lực áp đảo.
     Chiều ngày 28-4, Đại Tướng Dương Văn Minh lên nhậm chức Tổng Thống do Cụ Trần Văn Hương trao lại. Ông đọc diễn từ ngỏ lời cùng đồng bào, một lúc sau, năm máy bay CS ném bom phi trường Tân Sơn Nhât gây kinh hoàng cho cả thành phố Sài Gòn.
     Ðúng bẩy giờ, đài BBC đọc bản tin tóm tắt về tình hình VN :
     “- Hôm nay tại Sài Gòn ông Dương Văn Minh được cử lên giữ chức vụ quyền Tổng thống thay thế ông Trần Văn Hương để chuẩn bị cho một cuộc đầu hàng.
     -Năm phi cơ lạ ném bom phi trường Tân Sơn Nhất.
     -Nhiều loạt súng nổ tại Sài Gòn không biết thuộc phe nào.”
     Qua phần bình luận và nhận định người xướng ngôn cho biết lễ bàn giao chức vụ Tổng thống tại Dinh Ðộc lập chứng tỏ cho thấy sự tan rã của chính quyền Sài Gòn.
      Sáng ngày 29-4, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đọc Văn thư của Tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu cơ quan Tùy viên quân sự DAO phải rút lui trong vòng 24 giờ đồng hồ. Ngay sau đó đoàn trực thăng gồm 80 chiếc từ hạm đội vào phi trường Tân Sơn Nhất và tòa Ðại Sứ Mỹ để di tản 1,000 người Mỹ và 6,000 người Việt ra ngoài hạm đội sau 19 giờ bay liên tục.
     Tối 29-4 ông Dương Văn Minh vẫn kêu gọi các lực lượng Quân đội VNCH trên đài phát thanh, lời kêu gọi lập đi lập lại suốt đêm.
     “Các vị Tư lệnh Quân đoàn, Sư đoàn hãy giữ vững vị trí và chờ lệnh mới
     Các Tướng Tư lệnh Lý Tòng Bá, Lê Minh Đảo, Lê Nguyên Vỹ, Trần Quang Khôi… đã chiến đấu rất anh dũng trong những giờ phút cuối cùng nhưng không cứu vãn nổi tình thế. Cộng quân đã phá vỡ các phòng tuyến VNCH và tiến vào Thủ đô Sài Gòn.

Lúc 10 giờ rưỡi sáng 30-4-75, ông Dương Văn Minh kêu gọi các cấp quân đội giao nạp vũ khí cho  Quân đội  Cộng Hòa miền nam VN nơi gần nhất để tránh đổ máu vô ích. Lúc 12 giờ trưa, Quân dội BV tràn vào dinh Độc Lập bắt ông Dương Văn Minh lên đài phát thanh tuyên bố đầu hàng không điều kiện.
      Tính ra ông Dương Văn Minh làm Tổng thống từ chiều tối ngày 28 -4 cho tới 12 giờ trưa 30-4 thì chỉ được có hơn một ngày rưỡi, chưa tới hai ngày. Nhiều người trách ông không rút về Quân khu Bốn tiếp tục chiến đấu nhưng vấn đề không đơn giản, nếu làm được thì người ta đã làm rồi. Khi ông vừa lên nhậm chức thì CSBV tấn công hối hả, ông chưa kịp trở tay thì đã bị địch xông vào dinh Độc lập thộp cổ rồi. Vấn đề rút về Quân khu Bốn không đơn giản, đạn dược còn bao nhiêu? tinh thần còn bao nhiêu? chiến đấu được bao lâu? Cầm chắc cái thua trong tay rồi chết thêm có lợi ích gì không?

     Tác giả Vũ Ánh trong bài: 30 Tháng 4, 75 Và Cụ Nguyễn Văn Huyền, đăng trên trang mạng Nguoivietboston tháng 4-2012 đã tiếp xúc với Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền khi ông tới đài Truyền hình Sài gòn chiều tối 28-4-1975. Cụ Phó cho biết đã nhịn nhục vào Tân Sơn Nhất gặp phái đoàn CS chỉ để yêu cầu họ đừng tấn công bằng hỏa tiễn vào Sài Gòn, chết người thêm vô ích. Cụ nói khi ông Thiệu bỏ đi ai cũng biết tình hình cuối cùng sẽ bi đát như hiện nay, cụ ra nhận trách nhiệm khi biết rõ không còn phương cách nào có thể cứu vãn được. Trước khi cụ quyết định nhiều người ngăn cản đừng dại gì làm việc trong hoàn cảnh này nhưng là kẻ sĩ thì không thể thiếu trách nhiệm được, thời bình thì xe ngựa xênh xang, khi đất nước tan hoang thì bỏ trốn.
      Nhiều người trách ông Dương văn Minh đầu hàng giặc, nhưng nếu ông không ra cứu nước thì tình hình cũng không khác gì hơn. Chiều 28-4 các vị Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh Quân đoàn Ba đã “tẩu vi thượng sách”. Cụ Hương biết làm gì hơn? Cụ cũng sẽ lên đài phát thanh than thở, khóc lóc cùng đồng bào và Cộng quân cũng sẽ tiến vào dinh Độc Lập bắt tuyên bố đầu hàng, hoặc một người thay mặt cụ tuyên bố hàng. Ông Dương Văn Minh chẳng có tội gì với đất nước.

     Nhiều người khen ông Minh có công cứu nguy Sài gòn, nếu ông không lên làm Tổng thống và nếu không kêu gọi đầu hàng thì Việt Cộng đã pháo kích chết hết, thành phố tan nát. Như đãnói ở trên Tướng Toàn thành lập năm tuyến phòng thủ Sài Gòn cách trung tâm thành phố 27 cây số, bằng tầm pháo cùa đại bác 130 ly của quân thù.
     Tại trận Ban Mê Thuột tháng 3-1975, Cộng quân không đánh theo lối bóc vỏ mà đánh chiếm thị xã trước rồi từ đó mới đánh ra
các quận bên ngoài. Khi đánh Sài Gòn thì ngược lại, họ đánh theo lối bóc vỏ, tấn
công phá sập các tuyến phòng thủ bên ngoài rồi mới tiến vào trung tâm thành phố. Mà thực ra sau khi vòng đai bảo vệ Sài Gòn sụp đổ thì các ổ kháng cự bên trong thành phố không còn bao nhiêu, VC chẳng cần phải pháo kích cho tốn đạn, ông Dương Văn Minh cũng chẳng có công trạng gì.
       
© Trọng Đạt   © Đàn Chim Việt
—————————
Tham Khảo:
Richard Nixon: No More Vietnams , Arbor House, New York 1985
Henry Kissinger: Years of Renewal- Simon & Schuster 1999
Walter Isaacson: Kissinger A Biography Simon & Schuster 1992.
Larry Berman: No Peace No Honor, Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam -The Free press 2001
Marvin Kalb and Bernard Kalb: Kissinger; Little, Brown and company 1974
The Word Almanac Of The Vietnam War: John S. Bowman – General Editor, A Bison-book 1985
Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war.
Nguyễn Kỳ Phong: Vũng Lầy Của Bạch Ốc, Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam 1945-1975, Tiếng Quê Hương 2006
Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.
Cao Văn viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hoà, Vietnambibliography 2003
Vũ Ánh: 30 Tháng 4, 75 Và Cụ Nguyễn Văn Huyền, Nguoivietboston.com, tháng 4-2012..
Nguyễn Đình Toàn: Đại Tướng Dương Văn Minh: “Em làm chứng cho Goa nha!”, Người Việt Dallas, tháng 4-2011.



Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016


 ĐỪNG TRÁCH TẠI SAO MỸ BỎ VNCH ...

Góp Gió


      Có một số phần tử tàn dư Cần Lao hoài Ngô ở hải ngoại cho tới bây giờ, sau hơn nửa thế kỷ, thế mà họ vẫn cứ tiếp tục to mồm vu cáo Mỹ phản bội VNCH khi giết TT Ngô Đình Diệm năm 1963, và vì giết ông Diệm cho nên VNCH mới mất vào năm 1975. Đó là luận điệu hồ đồ hiếp dâm lịch sử, chối bỏ sự thật. Sự thật đó là miền Nam VNCH bị mất năm 1975 bởi 2 ông Tổng thống Công Giáo.
     Theo nhận xét của chúng tôi, người Mỹ không bao giờ phản bội VNCH, mà chính 2 ông tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu đã phản bội người Mỹ. Theo truyền thống của dân tộc Mỹ, khi người Mỹ đi tới đâu, hay giúp đỡ cho bất cứ quốc gia nào, thì họ cũng đặc biệt quan tâm cổ võ cho vấn đề Tự Do Dân Chủ và Nhân Quyền. Hiến pháp phải có tam quyền phân lập và bầu cử tự do. Phải có tự do đối lập để tranh đua và thay nhau lên cầm quyền, v.v… Người Mỹ quan niệm rằng, chỉ có tự do dân chủ và tôn trọng nhân quyền, thi hành đúng theo Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền thì mới có thề chiến thắng được nạn độc tài CS. ĐÚNG.
    Vậy chúng ta thử xét xem, hai ông tổng thống VNCH cai trị người dân ra sao?

     1.- TT Ngô Đình Diệm chủ trương độc tài Cần Lao Công giáo trị và gia đình trị bằng cách:
     a.-  Lén lút duy trì Dụ số 10 của Vua Bảo Đại qua mặt người Mỹ (sợ bị cúp viện trợ), chủ trương độc tôn Công giáo, chèn ép các tôn giáo khác và chỉ có duy nhứt Đảng Cần Lao được phép hoạt động, tất cả các đảng phái khác đều bị tiêu diệt hết (Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Dân Xã Đảng, v.v…).
     b.- Ông Diệm dùng Mật Vụ Cần Lao đàn áp và thủ tiêu đối lập. Bầu cử thì gian lận. Các anh em ông Diệm mỗi người là lãnh chúa của một vùng, nắm quyền sanh sát người dân trong tay, hét ra lửa. Bản Hiến pháp thì chỉ có độc viện dân biểu, không có “Tam Quyền Phân Lập” (tức không cóTối Cao Pháp Viện); không có đảng phái đối lập trong quốc hội (độc đảng Cần Lao), lại dành cho TT Diệm quá nhiều quyền hành. Vừa hết 2 nhiệm kỳ ông ta lại cho sửa Hiến pháp để có thêm nhiệm kỳ thứ 3. Vậy thì tự do, dân chủ ở chỗ nào?
     c.- Ngoài ra ông Diệm còn lạm quyền, bắt người dân phải suy tôn mình “Ngô Tổng thống muôn năm”. Vào rạp hát, ngoài việc đứng nghiêm chào Quốc kỳ và hát Quốc ca, người dân còn bị bắt buộc phải hát bài “Suy tôn Ngô Tổng thống”. Chỉ riêng chuyện nầy thôi, đủ thấy cái tham vọng biến miền Nam thành của riêng của dòng họ Ngô, và ông Diệm trở thành một ông VUA trên thực tế. Dòng họ Ngô với Đảng Cần Lao và Thiên Giáo trong tay, sẽ thống trị đời đời tại miền Nam.
     d.- Hoa Kỳ đồng ý dể cho ông Diệm tập trung quyền lực, cứng rắn trong giai đoạn đầu để ổn định tình thế. Nhưng khi đã ổn định xong, Hoa Kỳ khuyên ông Diệm cần sửa đổi Hiến pháp vào nhiệm kỳ 2, để cho người dân được dễ thở, cũng như được hưởng quyền tự do dân chủ.  Nhưng ông Diệm ngoan cố không chịu nghe, tiếp tục lộng hành đàn áp luôn cả Phật giáo. Hoa Kỳ cố kiên nhẫn làm áp lực… thì ông Diệm quay ra lén lút đi đêm định bắt tay với CS để đuổi Mỹ… mưu toan phản bội đồng minh, phản bội nhân dân miền Nam. Quân đội VNCH bất đắc dĩ phải hợp tác với HK lật đổ Diệm.

     2.- TT Nguyễn Văn Thiệu qua nền Đệ Nhị VNCH với một bản hiến pháp thật tiến bộ, thể hiện rộng rãi quyền của công dân. Hiến pháp cũng đòi hỏi Đệ Nhị VNCH phải thực hiện “đa đảng” để các đảng phái thi đua nhau lên cầm quyền… Quả thật là lý tưởng. Thế nhưng, TT Thiệu lại cũng tập tểnh làm độc tài :
    a.- TT Thiệu dùng tiền bạc để lủng đoạn quốc hội, mua chuộc các vị dân biểu, nghị sĩ để củng cố quyền hành. Ông Thiệu cũng dùng tiền bạc để mua chuộc các lãnh tụ các đảng phái làm phân hoá các đảng phái truyền thống như Quốc Dân Đảng, Đại Việt Cách Mạng, Dân Xã Đảng, v.v… Khiến không có một đảng phái nào hoạt động được. Trong khi đó thì TT Thiệu ra lịnh biến các quân nhân và công chức thành “Đảng viên Đảng Dân chủ do ông sáng lập” – (tức chế độ độc đảng như CS Hànội, và Đảng Cần Lao của Đệ I VNCH).
     b.- TT Thiệu cũng dùng tiền bạc để mua chuộc thành phần gia nô trong quốc hội soạn thảo Luật Bầu Cử thật khắc khe, như lập đảng phái phải xin phép hợp lệ, khai báo con số đảng viên và nộp danh sách đảng viên có địa chỉ đầy đủ cho Bộ Nội vụ.. Đồng thời phải hội đủ một con số đảng viên quy định nào đó mới được ra ứng cử, v.v… Điều nầy khiến không ai muốn công khai làm đơn gia nhập Đảng vì lo ngại cho sự an toàn của cá nhân. Vì thế đã không có bất cứ đảng nào hội đủ điều kiện để ra tranh cử Quốc hội... Và đảng Dân Chủ của TT Thiệu độc chiếm Quốc hội biến thành Quốc hội gia nô. Đây là một hành động lăng nhục quốc dân VN.
     c.- Và để củng cố địa vị cai trị quốc gia trọn đời, TT Thiệu nhân danh thời chiến, quân sự hoá guồng máy chánh quyền…biến thành một ĐẢNG KAKI. Từ Tổng thống, Thủ tướng, ngành Cảnh sát, Thông tin, các tỉnh trưởng, Quận trưởng, thậm chỉ Xã trưởng cũng là Quân Đội biệt phái. Và cũng chính vì vậy, guồng máy chánh quyền biến thành một hệ thống THAM NHŨNG từ trên xuống dướinạn mua quan bán chức tràn landẫn đến các vụ buôn lậu quy mô điển hình như vụ buôn lậu chuyên chở bằng xe quân đội có Quân Cảnh hộ tống… được biết dưới cái tênCòi Hụ Long An”… long trời lở đất. Nhục ơi là nhục! Dĩ nhiên là người Mỹ rất bất bình, nhưng khuyên can, áp lực TT Thiệu thế nào cũng không được.
    d.- TT Thiệu biết người Mỹ bất bình, và ông ta có thể bị ám sát bất cứ lúc nào như chính ông ta đã giết TT Diệm năm 1963. Nhưng với guồng máy quân sự chặt chẽ của Đảng Kaki từ trên xuống dưới, tướng Trần Thiện Kiêm, Thủ tướng nắm luôn cả hai bộ Quốc Phòng và Nội Vụ, TT Thiệu vẫn ngang ngạnh không chịu nghe ý kiến cố vấn nguời Mỹ đòi dân sự hoá chánh quyền, đặc biệt vị Thủ Tướng phải là DÂN SỰ. Người Mỹ cũng phải đành cắn răng chịu đựng  qua cái chết bất ngờ của GS Nguyễn Văn Bông bị ám sát, làm người Mỹ mất hy vọng có đối thủ ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai với TT Thiệu như Quốc Hội HK mong đợi.
     Người Mỹ đặt rất nhiều kỳ vọng vào GS Nguyễn Văn Bông. Ông là Lãnh Tụ Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiếnđối lập với chánh quyền; Ông lại là Viện trưởng Đại Học Quốc Gia Hành Chánhđào tạo ra các Quận trưởng, Tỉnh trưởng, những viên chức cai trị có kiến thứcCó nhiều tin đồn, người Mỹ nhiều lần đề nghị với TT Thiệu đề cử GS Bông vào chiếc ghế Thủ Tướng “dân sự” thay cho Đại tướng Trần Thiện Khiêm, nhưng TT Thiệu cứ làm ngơ kéo dài thời gianHầu như giới chánh trị đối lập tại Sàigòn cũng tin rằng GS Bông sẽ là ứng viên rất sáng giá ra tranh cử chức Tổng thống nhiệm kỳ 2 đối lập với T/t Nguyễn Văn Thiệu. Ông Thiệu rất e ngại GS BôngÔng Thiệu cố duy trì các Tỉnh trưởng và Quận trưởng Quân đội để “khống chế” ảnh hưởng các người “học trò” của GS BôngVà cũng có thể vì thế mà ông bị “ám sát”? Phía chánh quyền thì công bố GS Bông bị VC ám sát. Nhưng trong giới chánh trị và dân chúng ở thủ đô Sàigòn thì không mấy ai tin.
     Và rồi, khi tranh cử nhiệm kỳ 2,  TT Thiệu đã dùng đủ mọi thủ đoạn để loại cả hai tướng Dương Văn Minh và Nguyễn Cao Kỳ ra khỏi cuộc đua. TT Thiệu nhân danh Đảng Dân Chủ ứng cử Độc Diễn và đắc cử trong ô nhục. Cho đến lúc này người Mỹ mới hiểu rằng không bao giờ miền Nam VNCH có dân chủ, và cũng không bao giờ miền Nam có thể thắng được CS Chiến tranh càng kéo dài càng tốn tiền của xương máu của người Mỹ. Mặt khác, áp lực quần chúng nước Mỹ đòi hỏi phải đem lính Mỹ trở về, không thể hy sinh cho một chế độ tham nhũng, thối nát phi dân chủ…  Và rồi, TT Nixon đành phải phái Kissinger đi đêm với cả TC và Nga để Mỹ được rút quân trong danh dự.
     Điều đáng chú ý nữa là, cũng như TT Diệm, hết hai nhiệm kỳ tổng thống , TT Thiệu lại cho quốc hội sửa hiến pháp để ứng cử thêm nhiệm kỳ 3.
    Thế là nguời Mỹ đành chịu thua bỏ cuộc!

     Xin hãy nhìn kỹ xem, Đài Loan và Nam Hàn có ông tổng thống nào lì lợm vô liêm sỉ như 2 ông tổng thống của VNCH hay không? Và vì họ tổ chức bầu cử tự do, các vị lãnh đạo được người dân lựa chọn thông qua lá phiếu lên cầm quyền. Quyền Tự Quyết Dân Tộc được tôn trọng triệt để.Cũng vì thế mà bọn CS Tàu đã không thể thành lập được Mặt Trận Giải Phóng Đài Loan; còn CS Bắc Hàn cũng không thành lập được Mặt Trận Giài Phóng Nam Hàn.  
      Hãy nhìn xem, cho tới nay người Mỹ vẫn còn đóng quân trên lãnh thổ Nam Hàn để bảovệ họ không bị CS thôn tính.
     Vậy thì ta không nên trách nguời Mỹ tại sao bỏ VN.  Với sự  hy sinh hơn 58 ngàn đứa con của họ để bảo vệ chánh nghĩa tự do tại VNCH là một sự hy sinh vô bờ  bến của một đồng minh lớn Hoa Kỳ dành cho đồng minh bé nhỏ VNCH!  Liệu có bất cứ quốc gia trên thế giới nào dám hy sinh cho dân tộc VN chúng ta như Hoa Kỳ hay không?

 GÓP GIÓ 

Nguồn: KBCHN.NET

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016


30 THÁNG TƯ 1975,
NHÌN VÀ  SUY NGH Ĩ  CỦA MỘT NHÂN CHỨNG

Trích đoạn từ Hồi ký Nguyễn Hiến Lê
(Tập II, Chương XXII, Nxb Văn Nghệ, USA, 1988)

 


Vừa đánh vừa đàm – Hiệp định Paris

Từ năm 1965, Mĩ đã dùng phi cơ oanh tạc Bắc việt, có ý buộc Bắc phải điều đình. Mãi đến giữa 1968, hai bên mới bắt đầu thương thuyết với nhau ở Parỉs. Mĩ buộc Bắc phải rút hết quân về. Bắc cũng đòi Mĩ phải rút hết quân về. Nam không chấp nhận Mặt trận Giải phóng. Bắc đòi phảí chấp nhận. Từ đó đến 1973 họ vừa đàm vừa đánh. Để làm áp lực, Mĩ oanh tạc mỗi ngày một mạnh hơn, nhưng càng oanh tạc thì thái độ của Bắc càng cứng rắn, dân chúng càng sát cánh với nhà cầm quyền. Phá hủy khu kĩ nghệ Thái nguyên, Bắc cũng không núng, oanh tạc các đường sắt, đê điều họ cũng không núng; Nga và Trung hoa càng viện trợ khí giới, đại bác. hỏa tiển, phi cơ cho họ.
Cuộc oanh tạc lớn nhất xảy ra năm 1972, sau vụ Bắc việt đại tấn công thành phố Quảng trị, san phẳng thành bình địa. Liên tiếp mười hai ngày, Hà nội bị dội bom. Mĩ còn thả thủy lôi trên các sông Bắc Việt, nhất là biển Hải phòng, không cho tàu Nga ra vô. Trung hoa chỉ lên tiếng phản đối gọi là, còn Nga thì trước sau làm thinh. Một số người ở Sài gòn nguyền rủa Mĩ mà cũng nguyền rủa cả Nga lẫn Trung hoa.

Chúng ta nên để ý: năm 1972, Nixon, tổng thống Mĩ qua thăm Mao rồi thăm Nga, chắc chắn là để tìm một giải pháp cho chiến tranh Việt nam, có lẽ vì vậy mà Mĩ mới dám ngang tàng dội bom Hà nội và phong tỏa hải cảng Hải phòng.
Cả thế giới bất bình với Mĩ: một anh khổng lồ mà ăn hiếp một chú bé, dùng những đòn nặng như vậy, thật vô liêm sỉ. Chính dân chúng Mĩ cũng chê kẻ cầm đầu của họ. Một triết gia Anh, Bertrand Roussell, lập một tòa án ở Na uy (?) để xử tội Mĩ.
Dội bom Hà nội 12 ngày rồi Mĩ ngừng để thương thuyết với Bắc Việt, và ngày 27-1-73, Mĩ, miền Nam Việt nam kí với Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng hiệp định Paris có nhiều nước chứng kiến: Nga, Trung hoa, Pháp, Anh.
Tôi không nhớ rõ nội dung hiệp định đó, đại khái là Mĩ rút hết quân về. Bắc cũng vậy; Nam và Bắc trao đổi tù binh với nhau; ở miền Nam sẽ có một chính phủ lâm thời gồm ba thành phần: người của chính phủ miền Nam, người của Mặt trận Giải phóng và một số người không đứng về phe Nam hay phe Bắc, do hai chính phủ Nam và Giải phóng đề cử, số người đó là thành phần thứ ba.

Những bí mật trong chiến tranh Việt Mĩ

Trong chiến tranh Việt Mĩ có nhiều bí mật tôi không hiểu nổi. Mĩ thay Pháp ở Đông dương để chặn làn sóng cộng sản Trung hoa tràn xuống Đông nam Á. Vậy là mới đầu Mĩ thù Trung hoa, sau tại sao lại thân thiện với Trung hoa? Chỉ vì thị trường hàng tỉ người ở Trung hoa chăng? Hay là còn vì Mĩ biết Trung hoa thù Nga từ 1960, mà Trung hoa yếu hơn Nga, cho nên đứng về phía Trung hoa để cho thế lực của Nga giảm đi?
Nga, Hoa đều phải giúp Bắc Việt để chống Mĩ, nhưng cả hai đều gờm nhau: có hồi Trung hoa không cho khí giới Nga viện trợ đi qua Trung hoa để tới Bắc Việt, còn Nga thì không muốn Bắc Việt lệ thuộc vào Trung hoa nhiều quá. Nhờ uy tín và sự khéo léo của Hồ Chí Minh mà Bắc Việt giữ được tình hòa hảo với hai nước đó.

Hình như Nga có hồi khuyên Bắc Việt nhượng bộ Mĩ. Tại sao? Và chính trong hội nghị Paris, Trung hoa cũng muốn vậy chăng? Có phải là cả ba cường quốc Mĩ, Nga, Hoa đều muốn cho miền Nam trung lập, không lệ thuộc vào nước nào chăng?
Còn nhiều bí mật nữa, các sử gia chưa thể công bố được, mà các phóng viên báo Âu Mĩ chưa hề xuất bản một cuốn nào về chiến tranh Việt Mĩ, cho nên chúng ta đành chịu, không hiểu chút gì về những âm mưu của các nước anh chị để định đoạt thân phận của chúng ta.

Ngay từ 1968. trong bài tựa cuốn Bài học Israel tôi đã viết:
“Thực dân nào, bất kì đông hay tây, cũng chỉ nghĩ tới quyền lợi của họ trước hết; còn có lợi cho họ thì họ giúp, hết lợi thì họ bỏ và đàn áp. Do thái bị Anh bỏ rồi Nga bỏ; Ai cập bị Mĩ bỏ, rồi Nga bỏ (…)
“Càng đọc lịch sử thế giới tôi càng thấy đi theo thực dân thì luôn luôn lợi bất cập hại. Phải là một dân tộc có thực lực, có bản lãnh cao, có tài chống đỡ giỏi thì mới có thể khỏi bị họ lợi dụng, nhưng nếu lỡ mà gắn bó với họ thì sớm muộn, thế nào cũng khốn đốn, điêu tàn với họ. Còn các nước nhược tiểu thì chỉ đem thân ra làm quân tốt thí cho họ trên bàn cờ quốc tế. Có lẽ chính Israel cũng hiểu như vậy nên năm 1967 họ đòi trực tiếp thương thuyết với Ả rập, không muốn Nga, Mĩ làm trung gian.
“Nội một điều này cũng đủ cho ta suy nghĩ. Từ sau thế chiến đến nay, cường quốc nào cũng đua nhau chế tạo võ khí cho thật tinh xảo, có sức mạnh tàn phá mỗi ngày một khủng khiếp. Năm nào cũng có những phát minh mới, thành thử võ khí nào tối tân nhất cũng chỉ ít năm hóa cổ lỗ. Họ có liệng xuống biển không, có phá hủy không, hay phải tìm cách “tiêu thụ” mà tiêu thụ ở đâu? Có ở trên đất họ không?”

Đoạn đó, năm 1979, đầu chiến tranh Việt Hoa, môt cán bộ Nam bảo tôi, bây giờ đọc nó mới thấm thía. Và cuốn Bài học Israel được nhiều người tìm mua ở chợ sách cũ mà không còn.
Đầu năm 1972, thấy Nixon sắp bỏ rơi miền Nam, tôi chua chát viết bài “Sau 18 năm tiếp xúc với người Mĩ” đăng trên tạp chí Bách Khoa. Xin dẫn dưới đây một đoạn:
“Họ (người Mĩ) đã tiêu hai trăm tỉ Mĩ kim, hi sinh năm chục ngàn thanh niên, trút hàng triệu tấn bom, làm cho non triệu người mình bi giết, hằng vạn hằng ức mẫu vườn ruộng, hằng ngàn làng mạc bị tàn phá, gây biết bao tang tóc, mấy trăm ngàn phế binh, cô nhi quả phụ, non mười năm rồi mà vẫn chưa giải quyết nổi chiến tranh này (…), rốt cuộc phải tìm cách thương thuyết.
Thương thuyết mấy năm không xong, bây giờ một mặt họ lo vuốt ve Trung cộng (mới mấy năm trước là kẻ thù số 1 của họ) hi vọng tìm một giải pháp cho Đông dương, một mặt họ cấp tốc Việt hóa chiến tranh để rút lui. Họ hai trăm triệu người, một dân tộc hùng cường nhất thế giới, trút hết cả gánh nặng bảo vệ “tiền đồn thế giới tự do” như họ nói, bảo vệ “tân biên cương” của họ như họ chủ trương, lên vai 17 triệu dân Việt nam, mà lại tính cắt hết viện trợ kinh tế nữa, như vậy có khác gì họ chạy làng, đánh trống bỏ dùi không? Lương tâm họ ở đâu nhỉ? Thể diện của họ ở đâu nhỉ?”

Giọng gay gắt như vậy mà sở kiểm duyệt không bỏ một chữ, chỉ vì niềm phẫn uất của tôi là tâm trạng chung của mọi người.
Thơ văn, cả nhạc phản chiến nữa xuất hiện rất nhiều, mà phản chiến tức là phản Mĩ, chính quyền mới đầu còn cấm, sau làm thinh. Ai cũng ghét bọn lính Mĩ; chúng có nhiều tiền. nhiều vật dụng, nhiều đồ xa xỉ (đồ P.X.: dầu thơm, thuốc lá thơm, quần áo. máy thu thanh, tủ lạnh…) tới đâu là mở những hộp đêm ở đó, gây cái nạn trụy lạc, mãi dâm, gái bán “bar”, trai “phi xì ke” (ma túy); chúng ăn cắp, ăn quịt, bán chợ đen… Ngay những kẻ rút rỉa tiền của chúng cũng khinh, ghét chúng. Chúng quả là một đoàn quân chiếm đóng và hành động như một đoàn quân chiếm đóng. Mĩ thất bại ở Trung hoa và Việt nam, nguyên nhân chính ở đó. Mà các thực dân da trắng không nhiều thì ít như vậy hết, tệ nhất là Mĩ. Nếu phe tư bản không thay đổi chính sách thì dần dần đệ tam thế giới sẽ theo phe Cộng hết mặc dầu dân chúng không ưa chế độ độc tài của Nga, Trung hoa.

Mĩ rút về, quân Nam tan rã. Chiến tranh chấm dứt

Đúng là Mĩ chạy làng. Họ vội vã rút hết quân về, và khi không còn một lính Mĩ nào ở Việt nam nữa thì Bắc, Nam lại choảng nhau. Chủ trương Việt nam hóa chiến tranh của Nixon đã được thực hiện.
Mới đầu Nixon cũng cho phi cơ từ Phi luật tân hay đảo Guam trợ chiến với quân đội của Thiệu; nhưng khi nửa triệu quân Mĩ còn ở trên đất miền Nam, quân đội của Thiệu đã không có tinh thần thì bây giờ làm sao có tinh thần được? Thiệu xin thêm viện trợ tiền bạc và võ khí, quốc hội Mĩ không cho, Thiệu nổi khùng, chửi Mĩ thậm tệ hơn một giờ trên đài truyền hình.
Ngày 10-3-75 Việt cộng tấn công Ban mê thuột, ngày 11-3 Ban mê thuột thất thủ.
Ngày 15-3, Thiệu họp các tướng. quyết đinh bỏ Pleiku, Kontum một cách vội vàng, để lại hàng núi chiến cụ. Hai trăm ngàn dân bị bỏ rơi, mạnh ai nấy tự tìm cách thoát thân; Cộng quân chặn đường pháo kích; hai vạn dân bỏ mạng, hằng ngàn người kiệt sức, chết dọc đường.
Ngày 19-3 Quảng trị di tản.
Hôm sau, An lộc thất thủ, sau một thờí gian bị bao vây ngày đêm bị đại bác, hỏa tiễn nã vào.
Kế đó là Huế, Quảng ngãi, Đà nẵng, Qui nhơn, Nha trang bị Cộng quân chiếm một cách rất dễ. Cũng có một vài tướng rán chống cự, nhưng quân lính không tuân lệnh thì chỉ còn cách đào tẩu để thoát thân.
Đà lạt bỏ ngỏ, Phan rang đầu hàng, Phan thiết tan rã.
Ngày 21-4 Xuân lộc thất thủ (trước đó bốn ngày, Nam vang lọt vào tay Khmer đỏ). Thiệu từ chức, Trần văn Hương lên thay. Ít bữa sau Thiệu dắt vợ con qua Đài loan, đem theo không biết mấy tấn vàng.
Ngày 26-4, Trần văn Hương yêu cầu lưỡng viện bu người khác thay ông để thương thuyết với Mặt trận Giải Phóng.
Hôm sau đại tướng Dương văn Minh được bu lên thay Hương.

Ngày 30-4, Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng, kêu gọi buông súng cho đỡ chết dân. Mười hai giờ trưa, tướng Trần văn Trà ngồi xe thiết giáp tiến vào dinh Độc lập. Chiến tranh chấm dứt.
Có sách hay báo nói: trong chiến tranh Việt Mĩ này, miền Nam chết khoảng 200.000 quân, miền Bắc chết non 1.000.000 quân; thường dân cả hai miền chết trên một triệu. Trong số này chắc không kể những thường dân miền Nam chết trong khi chạy loạn tháng 3 và tháng 4-1975. Bi đát hơn cuộc chạy loạn của dân Paris tháng 6-1940 nhiều.

Từ miền thượng xuống miền đồng bằng, từ Huế vô Phan thiết, Biên hòa, trên khắp các lộ xe hơi, xe căm nhông chật đường, nhích từng thước một; dân chúng dắt díu, bồng bế nhau chạy. Vợ hay con chết ở dọc đường, đành phải vùi nông ở ngay bên đường rồi chạy… Chạy để tránh cuộc tàn sát ở Huế tết Mậu thân mà người ta không sao quên được. Tới bờ biển Qui nhơn, Nha trang, Phan thiết… người ta nhảy ùm xuống biển, cố lội ra mấy tầu của Mỹ. Người trên tầu cũng là dân tị nạn, xô đẩy, có khi chém vào tay kẻ ở dưới biển đòi leo lên. Trẻ em chết đói, chết khát, chết bệnh ở trên bãi biển, cha mẹ gạt nước mắt, vủi thây chúng xuống cát.
Ở các phi trường, cảnh còn hỗn độn hơn nữa. Người ta bỏ lại hết các va li quần áo, tiền của, vàng bạc để cố leo lên phi cơ, mà cũng bị hất xuống, thế là của cải mất hết mà vẫn không thoát thân. Phi trường Tourane như vậy, phi trường Nha trang, Biên hòa đều như vậy, mà ngay phi trường Tân sơn nhất cũng vậy. Nghe nói có người bám lấy đuôi một chiếc xc Jeep để vào phi trường, bị xe kéo lết cả câv số.

Không có trận Điện Biên Phủ ở miền Nam – tướng Mĩ hứa từ trước như vậy và họ giữ đúng – nhưng còn nhục nhã gấp chục lần Điện Biên Phủ nữa vì họ chịu thua trước rồi, có chống cự tới cùng đâu. Thà như quân Pháp ở Điện Biên Phủ mà còn được tiếng anh dũng. Chính người Mĩ cũng nhận chưa bao giờ nước Mĩ thất bại lớn như vây. Nguyên nhân thất bại cũng như Pháp mà lại mang tiếng phản bạn.
Vậy là hiệp định Paris kí ngày 27-1-73, chưa ráo nét mực đã bị xé. Ai xé trước? Lỗi tại ai? Không biết. Chỉ biết trong mười hai tháng đầu sau hiệp định, trung bình ở Việt nam chết thêm 1.000 người mỗi tuần nữa.
Năm 1976 có thuyết cho rằng tướng Võ Nguyên Giáp không cho quân Bắc tiến vô quá Đà nẵng, nhưng rồi không cản được. Có thực vậy không? Cũng không biết. Vận mạng của bốn năm chục triệu dân Việt do cái gì quyết định? Không ai biết được.
*
Chiển tranh Việt-Mĩ chấm dứt sau 15 năm nếu kể từ ngày Mặt trận Giải phóng chính thức thành lập (1960), dài gần gấp hai chiến tranh Việt-Pháp.
Theo P. Singh trong Le jeu des puissances en Asie (Marabout 1974) thì chiến tranh đó làm thiệt hai triệu mạng người (chắc cho cả hai bên) và ở Việt nam cả Nam lẫn Bắc, Mĩ đã liệng trung bình nửa tấn bom xuống mỗi héc-ta đất.
Mĩ đã đổ vào chiến tranh đó trên 200 tỉ đô la.