ĐỨC TIN LIỆU CŨNG CÓ BA BẢY
ĐƯỜNG?
Nguyên Cẩn
GN - LTS. Với sự
quan sát và cách nhìn của một Phật tử trí thức về các hiện tượng Phật giáo
trong xã hội hiện tại, trong mong ước xây dựng một nền Phật giáo chánh tín, GN
trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Phạm Văn Nga, pháp danh Nguyên Cẩn
về vấn đề đức tin và chánh tín.
Khi xã hội trống vắng niềm tin
Cách đây nhiều năm trong một chuyến công tác ở Moscow - Liên bang
Nga, ông chú tôi, một quan chức trong ngành điện lực, sau cuộc hội thảo chuyên
môn, giờ giải lao, một cán bộ cấp cao, một nữ phó tiến sĩ người Nga tâm sự: “Các anh may mắn hơn chúng tôi, các anh có
niềm tin vào tôn giáo hay một thứ tín ngưỡng nào đó, còn chúng tôi, sau khi
Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Đông Âu tan rã, chỉ còn sự trống
rỗng, hầu như chúng tôi chẳng biết tin vào điều gì bây giờ!”.
Ở các nước phát triển, nhiều người tìm đến với Phật giáo
vì
đó là lối sống có thể ứng dụng mọi lúc mọi nơi,
đem
lại lợi ích thiết thực cho mình, cho người, cho môi trường...
Niềm tin tôn giáo
Là một trí thức XHCN, chắc bà ấy khi đề cập đến niềm tin không
nhắm đến những tín ngưỡng như những nghi thức cầu nguyện hay những điều huyền
nhiệm mà cũng không phải là triết lý theo truyền thống Tây phương, vì theo
Edward Conze “Ở châu Âu, chúng ta hầu như
đã quen với lỗ hổng rất lớn giữa lý thuyết của các nhà triết học và và sự thực
hành của họ. Chẳng hạn như Schopenhauer và Herbert Spencer,… là những ví dụ nổi
bật. Nếu một nhà triết học ở đây chứng minh được rằng không có cái ta, lập tức
họ buông bỏ điều đó và hành xử như một người có bản ngã… Thật không dễ gì bài
bác một nhà triết học bằng cách chỉ ra rằng ông ta thô lỗ với vợ ông ta, ganh
tị với bạn đồng nghiệp, đã may mắn hơn ông ta, và đỏ mặt tức bực khi bị phản
bác… Trái lại trong Phật giáo tầm quan trọng là do lối sống, một đời sống thánh
thiện, buông bỏ sự dính mắc đối với thế giới này…” (*) .
Vậy cái niềm tin tôn giáo bà nói ở đây hẳn là những nguyên tắc
sống, thái độ sống, hành xử với tha nhân, cái nhìn về cuộc đời. Nói như nhiều
nhà nghiên cứu phương Tây, Phật giáo là một tôn giáo thực tế. Vì họ hiểu giá
trị của một ý tưởng phải được đánh giá và phê phán qua việc bạn có thể vận dụng
thế nào ý tưởng đó. Bất cứ nơi nào, hay ở bất kỳ ai, nếu người ta thấy những
tính cách từ bi, hỷ xả, tử tế, thanh thản, tự tin, người ta sẽ hiểu cái “triết
lý” thực tế phía sau những thái độ ấy và mức độ tu chứng của hành giả, không cứ
là tu sĩ hay cư sĩ…
Thế nhưng niềm tin của chúng ta hôm nay ở đâu khi nhìn lại xã hội
chúng ta những năm gần đây, người ta không khỏi lo âu, ái ngại vì nhiều thông
tin cho thấy các mặt của đời sống đều xuống cấp, nhất là văn hóa mà ánh xạ của
nó thể hiện qua các mặt ngôn ngữ, truyền thông và nhất là cách hành xử bạo lực
từ nhà trường ra đường phố, công sở… Ngay cả trong tình yêu người ta cũng phũ
phàng khi sẵn sàng giết, tạt a-xít, trói rồi đốt người yêu, người vợ và thậm
chí con mình (!). Sân hận dễ dàng bộc phát, tràn lan nhiều nơi.
Gương mặt người Việt Nam theo một số nhà xã hội học từ lâu nay đã
biến mất vẻ an nhiên, thay vào đó là những nét đề phòng. Họ căng thẳng vì đời
sống chăng? Có thể nhưng ngày xưa cha ông còn nghèo hơn chúng ta bây giờ mà? Họ
học theo phim ảnh Âu Mỹ hay những game bạo lực chăng? Nhưng ở những nước sản
xuất ra phim hay game đó, tỷ lệ tội ác thấp hơn chúng ta nhiều? Vậy thì vì đâu,
cơ chế thị trường chăng? Không, cái cơ chế ấy chỉ làm cho một số người trở nên
giàu có, phát triển lòng tham lệch lạc vì thiếu sức mạnh răn đe của luật pháp
hay người thi hành nương tay vì lý do gì đó (?).
Lòng tham hôm nay thể hiện qua sự nhũng nhiễu của một bộ phận quan
chức, qua hành vi thiếu lương tâm làm hàng gian hàng giả, hay kê giá lên nhiều
lần của một lớp tư sản đỏ, có sự tiếp tay của thể chế “lợi ích nhóm” lũng đoạn
đời sống.
Và niềm tin đặt sai chỗ
Nhưng có thật xã hội hôm nay thiếu niềm tin tôn giáo không? Có
người sẽ tranh luận rằng Phật giáo, chưa nói đến các tôn giáo khác, đang trong
giai đoạn “phồn vinh”, được bá tánh hết sức quan tâm và có rất nhiều tín đồ. Cứ
nhìn vào các lễ hội, người ta thấy chen chúc từ đầu năm đến cuối năm…Không cứ
chùa Hương, chùa Bái Đính hay những chùa nổi tiếng khác, mà dịp lễ Tết, chùa
nào cũng đông, người người đi chùa như trẩy hội, ngày rằm mồng một nhiều chùa
tấp nập, khói hương mờ một góc đường... Đáng mừng chăng?
Phật giáo, như chúng ta biết, không chỉ là triết lý sống thực tế
mà còn có những nghi lễ - nội dung tín ngưỡng, tôn giáo. Dù muốn dù không,
những loại hình nghi lễ đã phát triển xung quanh giáo lý của Ðức Phật.
Giáo đoàn của Ngài cũng đã trở thành một tôn giáo mà người ta sẵn
sàng trung thành, một tôn giáo có nghi lễ, tổ chức, đường lối, tiêu chuẩn riêng
để quyết định điều gì đúng điều gì không đúng, về mặt lịch sử, đó là một loại
Phật giáo khác với hình thức kết tập thuyết giảng ban đầu của Phật.
Ngày đó, người tu Phật chỉ hướng đến những chân lý mà Phật chỉ dạy
với tâm trí rộng mở, và tự do tư tưởng vì Phật giáo chủ trương giải thoát chúng
ta khỏi một đấng Thượng đế vô hình - toàn năng hay những ràng buộc siêu nhiên,
và nói chung khỏi mọi giáo điều. Thế nhưng, trong khi thực hiện những nghi lễ,
có không ít người đã lầm tưởng một số hình thức hay những cách biểu hiện
-phi-Phật giáo là nghi lễ chính thống hay tông phái “duy nhất” đưa đến giác
ngộ.
Và hiện nay, nhiều pha tạp khác len lỏi vào đời sống tôn giáo của
đạo Phật, gây nhiều ngộ nhận về giá trị “tâm linh” như ngoại cảm, đồng cốt,
lịch số, dâng sao - giải hạn…
Chúng ta có thể kể đến một hiện tượng được bàn tán, sôi nổi viết
thành sách, trên mạng, trên báo chí, là ngoại cảm. Xuất phát từ ước vọng tìm
lại hài cốt những chiến sĩ tử trận trong chiến trường, đã dấy lên phong trào
“Đi tìm đồng đội”. Rồi một đồn mười, mười đồn trăm, người ta đổ xô đi tìm và
trao niềm tin cho những “nhà ngoại cảm”. Thực hư cũng còn mơ hồ vì đã xảy ra
những vụ lọc lừa như vụ “cậu Thủy”, kẻ làm giả rất nhiều hài cốt, mập mờ đánh
lận con đen, để rồi vừa bị tuyên án chung thân cách đây một tuần. Có cả những
vị tu sĩ cũng tham gia vào hiện tượng ngoại cảm này.
Với vấn đề đồng cốt, một hiện tượng không những không bị cấm mà
còn được xem như loại hình văn hóa “phi vật thể”.Hòa thượng Thích Thanh Từ có
lần giảng dạy: “Những kẻ làm ông đồng, bà
cốt đều là người sống trong trạng thái bất bình thường. Bản thân họ đã mất hết
khả năng tự chủ, họ bị sai sử bởi một ma lực huyền bí nào đó. Khi ma lực ấy dựa
vào họ, liền lạm dụng các danh hiệu thánh, những bậc vĩ nhân của thuở xưa dùng
mạo xưng để lừa bịp người đời. Những kẻ yếu vía dễ tin nghe xưng danh hiệu
Phật, Bồ-tát hay những vị tiên thánh liền khiếp đảm kính tin. Họ không dám phê
phán đó là tà hay chánh…”.
Hòa thượng nhấn mạnh: “Không
khi nào các bậc Thánh phải gá vào thân kẻ phàm tục khác làm việc giáo hóa. Vì
các ngài đầy đủ thần thông biến hóa vô ngại. Như thế, những ma lực tựa vào đồng
cốt đều là sức của quỷ thần. Vì sợ người đời không tin, nên chúng mạo xưng
những danh hiệu cho to để gây uy tín. Biết rõ tính cách ma mị của chúng, người
Phật tử phải tránh xa, tuyệt đối không được phụ họa với chúng, huống là quy kính.
Có thế mới tỏ ra là người Phật tử chân chánh”(**).
Trong thực tế lâu nay, với nhu cầu về tín ngưỡng dân gian, nhiều
người đến chùa xin các thầy ngày giờ chôn cất, khởi sự công trình, khai trương,
cúng nhà mới…
Trong tạng kinh bộ Anguttaranikaya, Phật dạy: “Này các
Tỳ-khưu, chúng sanh hãy làm cho thân được trong sạch, khẩu được trong sạch, ý
được trong sạch. Thân khẩu ý trong sạch trong buổi sáng là ta có giờ an lành
trong buổi sáng, thân khẩu ý trong sạch trong buổi chiều thì ta có giờ an lành
trong buổi chiều”.
Ngài Maha Thongkham Medhivongs diễn giải thêm: “Người làm việc lành giờ nào thì ngày giờ ấy
là giờ lành. Người mong cầu an vui mà biết bố thí, cúng dường đến các bậc xứng
đáng cúng dường, các bậc phạm hạnh - sẽ được an vui. Sự cữ kiêng, cúng kiếng,
cầu xin đều là những việc làm không bổ ích chi cả. Người có chánh kiến không
nên làm những việc vô ích, vô bổ như thế” (***). Chúng ta
thấy những việc như xin xăm, bói quẻ cũng như những hình thức cầu may. Rủi may
là điều xảy ra không có duyên cớ. Phó thác hành động của mình, cho đến phó thác
cả quyết định của mình vào một lời giải đáp âm u được gán cho “tâm linh” - chỉ
tin mà không cần cơ sở lý luận. Cái gì không thành tựu thì đều đổ lên “số”,
“vận”, “khắc tuổi”…
Nếu hiểu nguyên lý nhân quả, thân tổng báo của chúng ta có lẫn
lành với dữ, khi nhân lành đến thì hưởng quả lành, nhân dữ chịu quả dữ. Người
mê tín gửi gắm tâm hồn vào sự huyền bí, vào thế giới vô hình, nhiều người mất
hết suy lý thực tế, phó thác cuộc đời của mình cho những “vì sao”, nghi lễ cầu đảo
bị dẫn dắt bởi những thầy cúng.
Một vấn nạn khác đang diễn ra, đó là hiện nay có nhiều người, kể
cả có học hành, địa vị xã hội thiếu nhận thức căn bản về Phật giáo, nhầm lẫn
Mật tông với những hình thức như thần quyền, sử dụng bùa chú và tin mãnh liệt rằng
đó là con đường ngắn nhất đưa đến giải thoát, giác ngộ, siêu việt mọi phương
pháp khác, bất chấp trì giới, thiền định, phát triển trí tuệ, gạn lọc tham sân
si. Đây là một ngộ nhận rất lớn mà Phật giáo chưa thấy một sự hướng dẫn nào rõ
ràng từ Giáo hội, các bậc cao tăng qua các phương tiện truyền thông mạnh dạn lý
giải và hướng dẫn họ một cách chính thống.
Xây dựng chánh tín từ đâu?
Ðức Phật đã từng dạy: “Ðừng vội tin tưởng điều gì vì dựa vào một
tập quán lưu truyền. Ðừng vội tin tưởng bất cứ một điều gì chỉ vịn vào uy tín
và thẩm quyền của một người nào đó. Ðừng tin tưởng điều gì vì có được nhiều
người nói đi nhắc lại. Hãy tin tưởng vào những gì mà người ta đã từng trải,
kinh nghiệm, thấy là đúng, thấy có lợi cho mình và người khác”.
Ðây là một thái độ dân chủ, khoa học mà những ai theo Phật cần
tiếp nhận, thấy rõ quyền tự do tư tưởng của chính mình.
Có người còn cho rằng Phật giáo không giống như một tôn giáo(religion), không
phải là học thuyết (doctrine), cũng không hẳn là triết lý (philosophy) hay
luân lý học (ethics) như quan niệm Tây phương, mà là lời giảng
giải của một bậc giác ngộ về con đường xây dựng hạnh phúc tương đối và hạnh
phúc thực sự trong cuộc đời, tự tại trong sinh tử. Nói cách khác, con đường đó
đưa đến diệt ham muốn, buông bỏ chứ không trói buộc, giảm lợi chứ không tăng,
đưa đến con người thiểu dục, xã hội tri túc, chứ không tạo ra những kẻ tham lam
vơ vét, khiến bất công tăng lên.
Đức Phật theo quan niệm một số triết gia là thầy thuốc - vô thượng
y vương, đã tìm ra nguyên nhân, đã đưa ra thuốc chữa và liệu pháp chữa trị,
được tóm tắt trong giáo lý Tứ Thánh đế. Ngài chỉ ra nguyên nhân của khổ, bản
chất của đời sống, cách diệt khổ. Tuy nhiên nếu có nghe, đọc, tranh luận, mà
không thực hành thì những lời dạy đó cũng vô nghĩa và không hiệu quả thiết
thực. Nhất là khi chúng ta đang sống trong một xã hội trống vắng niềm tin mà
ngày xưa chúng ta từng có, rất mạnh, rực rỡ như thời Lý-Trần hay cũng mạnh mẽ
trong những thời kỳ sau đó.
Chiến tranh qua đi, lẽ ra chúng ta phải xây dựng lại niềm tin hay
đức tin ấy nhưng buồn thay, nhiều hiện tượng khiến cho chúng ta thấy rằng mọi
chuyện lại đang đi về phía ngược lại. Khi người ta chạy theo những nghi thức mê
tín mà không còn tin vào lý nhân quả, vào duyên khởi, vào sự giải thoát và hạnh
phúc chân chính ngay trong kiếp sống này thì người ta sẽ làm bất cứ điều gì mà
không hề ăn năn sám hối, thành thực sửa sai, tránh làm điều sai quấy.
Chỉ cầu nguyện - có hiệu lực chăng?
Nhiều người quan niệm cầu nguyện tất yếu phải là chánh tín nhưng
thử hỏi nếu chúng ta chỉ cầu nguyện thôi thì mọi ước mơ ích kỷ đều được toại
nguyện, thì xin thưa, đó là mê tín. Vì nếu chỉ cầu nguyện mà được, thì không
cần nói đến nhân quả nghiệp báo. Nhưng nếu mọi sự kiện xảy ra đều do nhân quả
thì cầu nguyện khó mà toại nguyện, vậy thì cầu nguyện làm gì?
Khi cầu nguyện, dù mang nghiệp nặng hay nhẹ, chúng ta cũng đã thực
hiện hành trì một trong những pháp môn căn bản vì chúng ta phải nghĩ tới Đức
Phật, các vị Bồ-tát khi niệm danh hiệu của các Ngài. Hành giả sẽ tin rằng vị
Phật hay Bồ-tát mình vừa cầu nguyện có năng lực làm mờ, làm biến đi những ác
niệm trong tâm hồn mình. Nhất là niềm tin đó phải chí thành. Hành giả phải nhận
thức sâu sắc tội lỗi của mình và hồi hướng công đức về thế giới của phẩm chất
an lành.
Khi chánh tín tâm thành tựu, bạn sẽ thanh tịnh hóa cuộc sống thực
tế của mình từ trong ý niệm. Hiểu và tin lý nhân quả, chúng ta khéo chuyển cái
xấu trở thành tốt, cái dở trở thành hay, nắm chắc quyền tự chủ, tạo dựng tương
lai tươi đẹp cho chính mình. Lý nhân quả vừa là khoa học vừa là sức mạnh chuyển
biến con người. “Có trời mà cũng có ta”.
Nếu ta nắm vững nguyên tắc nhân quả nghiệp báo như trên, thì chúng
ta có thể chuyển nghiệp ngay trong kiếp sống này. Cái đích của việc chuyển
nghiệp, tái tạo cá nhân là đến được trí tuệ tối hậu. Khởi đầu của việc chuyển
nghiệp là bắt đầu thay đổi hành nghiệp thiện và ác từ ba nghiệp thân, khẩu và ý
của chính mỗi cá nhân.
Niềm tin vào duyên sinh
Chúng ta hiểu vạn vật trong vũ trụ đều duyên sinh. Không một vật
nào tự thân có thể tạo ra chính mình mà phải là tập hợp gồm nhiều thành phần,
đơn vị. Lý duyên khởi vì thế rất phù hợp với tinh thần khoa học. Hiểu được lý
duyên khởi, chúng ta thấy rõ muôn vật trên thế gian đều tương sinh, tương tức
với nhau như nước và mây, như cây và hạt. Chúng ta không thể tách một cá thể
đứng ngoài xã hội, ngoài nhân loại. Hạnh phúc chung của một gia đình, một cộng
đồng phải là hạnh phúc tổng hòa của từng cá nhân gộp lại. Những quốc gia mà
giàu nghèo cách biệt quá xa không thể là một quốc gia hạnh phúc khi ‘kẻ ăn không
hết, người lần chẳng ra’. Người ta không tính GDP mà GNH (Gross National
Happiness - Tổng hạnh phúc quốc gia).
Tin vào duyên khởi là tin bằng trí tuệ, bằng nhãn quan khoa học.
Đó là chánh tín. Người có chánh tín là người có trí tuệ, người có trách nhiệm,
vì hiểu lý nhân quả và duyên khởi. Chúng ta xét một hiện tượng, một sự việc tốt
xấu, phát xuất từ nhân nào, sẽ chịu quả gì và sửa đổi lại điều kiện hay duyên
tạo ra nó vì mình là chủ nhân của mọi thành bại, đau khổ an vui. Nhờ đức tín,
con người mới cố gắng chuyển đổi, vươn lên trong mọi lĩnh vực. Một dân tộc có
đức tự tín, không bao giờ cam chịu khuất phục, chậm tiến. Có tự tín là có một
sức mạnh phi thường. Có tự tín, sự tu hành mới không thối chuyển.
Hòa thượng Thanh Từ có viết: “Bản
chất của đạo Phật là trí tuệ, là giác ngộ, làm sao dung nạp được mê tín. Nếu
người ta thấy trong chùa chiền hiện nay còn những hiện tượng mê tín, vội phê
bình đạo Phật mê tín. Đây là những oan tình của đạo Phật. Tất cả những kinh
Phật không có nói những việc mê tín ấy, chẳng qua một số người vì tùy tục, vì
thiếu hiểu Phật pháp vẽ bày ấy thôi.
Người học Phật chân chánh phải gan dạ loại bỏ
những tập tục sai lầm ấy, can đảm dứt khoát đập tan mọi tệ đoan làm suy giảm
giá trị Phật pháp. Có khi dẹp bỏ những điều đó, có thể thiệt thòi chút ít quyền
lợi của mình. Song chúng ta cương quyết vì Chánh pháp, chớ không vì lợi dưỡng,
vì đưa người ra khỏi đường mê, không vì sợ mất mát bản đạo. Được thế, chúng ta
mới xứng đáng là người lãnh đạo tín đồ mới”(**).
Đạo Phật đem lại một lối sống mà mình có thể ứng dụng mọi lúc mọi
nơi, đem lại lợi ích cho mình. Người nào quy y Phật, Pháp và Tăng với niềm tin
như vậy thì họ sẽ trở thành người Phật tử mà không cần một lễ nghi nào, không
một loại hình thức nào, không đăng ký, không thể lệ nào để phải làm theo. Vì
vậy mà, F.L Woodword, một trong những dịch giả nổi tiếng về những lời dạy của
Ðức Phật, đã từng nói Phật giáo là “tôn giáo tự mình làm lấy” (a do-it-yourself
religion).
Ðiều tối quan trọng ngày nay là nhận biết giá trị bức thông điệp
của Ðức Phật và sống theo những lời dạy ấy. Đó là không sát sinh,
không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, và không sử dụng các chất kích
thích làm mê mờ tâm trí. Đức hạnh cao hơn là bố thí, giữ giới -
những nguyên tắc đạo đức căn bản và thực hành thiền định.
Tư tưởng căn bản của Phật giáo là lý Nhân quả, Duyên khởi, Tứ diệu
đế, nền tảng cho tất cả các tông phái Phật giáo, Nguyên thủy, Đại thừa hay Kim
cương thừa - Mật tông, vốn đã hiện diện hàng ngàn năm nay trong đời sống người
dân Việt. Còn những hiện tượng hay nghi lễ gì đó mà không dựa trên những đạo lý
này thì mãi mãi chỉ là hình thức thức phù phiếm và không phải là “chánh đạo”.
Mong mọi người cẩn trọng!
Nguyên Cẩn
_______________
Ghi chú
(*) Edward Conze - Buddhism: Its Essence and
Development - bản Việt dịch của HT.Thích Quảng Độ (2015)
(**) Hòa thượng Thích Thanh Từ - Bước đầu học Phật -
2009
(***) Maha Thong Kham Medhivongs - Tìm hiểu Phật giáo -
bản Việt dịch của UPasakam Kim Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét