Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

“ÁNH SÁNG TU GIÁC” CỦA THÍCH CHÚC ĐẠI

Trần Tiên Long

Subject: ÁNH SÁNG TUỆ GIÁC 
From: "qtran" 
Date: Sat, December 26, 2015 6:51 am

Kính thưa quí đọc giả,

Đứng trước một vấn đề chưa biết rõ thực hư, con người chúng ta thường có hai thái độ: hoặc nhắm mắt tin theo những gì được chỉ dạy; hoặc xử dụng trí tuệ để suy xét cho đúng đắn. Thiên Chúa giáo đề cao thái độ nhắm mắt tin và thăng hoa nó thành một nhân đức lớn tối quan trọng, đứng trên tất cả mọi đức hạnh, đó là nhân đức tin. Ngược lại, Phật Giáo thì lại dạy trí tuệ là ánh sáng tối thượng để đoạn tận các lậu hoặc, chứng ngộ giải thoát.
Vậy trong hai thái độ, hoàn toàn mâu thuẫn theo tính loại trừ nhau, thái độ nào là thái độ thích hợp nhất đối với mỗi người trong chúng ta?
 
Tôi là một người Công Giáo được giáo dục theo truyền thống văn hóa Thiên Chúa Giáo ngay từ khi mới sinh ra đời. Cứ mỗi khi có vấn đề, tôi thường cầu nguyện xin Chúa soi sáng tâm trí; nhưng Chúa vẫn cứ yên lặng, ngoại trừ những lời dạy bảo của các ông linh mục thay mặt Chúa. Khi khôn lớn hơn, hiểu biết thêm một chút, tôi mới ngộ ra rằng đó là lý do tại sao người ta muốn dạy tôi phải nhắm mắt tin. Có dịp đọc Kinh Thánh, tôi mới hiểu rằng những gì mà từ xưa nay tôi vẫn tin như đinh đóng cột là Lời Chúa thì thực ra chỉ là những lời của con người phàm tục.
Với ý muốn làm sáng tỏ hai thái độ đối nghịch trước những vấn đề chưa rõ ngọn ngành, tôi xin chuyển đến quí đọc giả bài Ánh Sáng Tuệ Giác của tác giả Thích Chúc Đại để quí vị tường. Chọn lựa thái độ nào là quyết định hoàn toàn tự do của mỗi người.

Trân trọng,
Trần Tiên Long


Ánh Sáng Tuệ Giác

Thích Chúc Đại



Trong hành tinh này, ánh sáng là một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá đối với con người và vạn vật đang hiện hữu. Ánh sáng tạo nên sự quang hợp hữu cơ của các loài sinh vật trong thế giới tự nhiên, là chất liệu để giúp cho muôn hoa được đâm chồi trổ nhụy và hiến tặng cho đời những đóa hoa tươi thắm nhất. Ở một khía cạnh khác của cuộc sống, ánh sáng sẽ làm xua tan đi những bóng đêm tăm tối của cuộc đời. Ánh sáng trong Đạo Phật được nói đến với tên gọi là Trí tuệ. Trí tuệ ấy sẽ là ngọn hải đăng đưa người vượt qua biển mê, là ngọn đèn soi đường dẫn lối đưa hành giả đi vào đạo lộ giải thoát. [1] Với ý nghĩa thiêng liêng ấy, Đức Phật đã giảng dạy trong trong Kinh Tăng Chi Bộ về bốn loại ánh sáng. Kinh chép như sau:
Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ánh sáng. Thế nào là bốn ?Ánh sáng mặt trăng, ánh sáng mặt trời, ánh sáng ngọn lửa, ánh sáng trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ánh sáng này. Và này các Tỷ-kheo, loại tối thượng trong bốn loại ánh sáng là ánh sáng trí tuệ.[2]

Bốn loại ánh sáng trên, trong Tăng Chi Bộ Kinh cũng gọi là bốn loại hào quang,[3] là bốn ánh lửa, [4] bốn ánh chiếu, [5] bốn ánh đèn.[6] Ở đây, chúng ta thấy rằng ánh sáng mặt trời thường biểu hiện cho sự ấm áp, hơi ấm của mặt trời là diệp lục tố cho muôn vật sinh sôi nảy nở. Ánh sáng của mặt trăng là sự nhẹ nhàng, huyền diệu và lung linh. Ánh sáng ấy có tác dụng xua tan bóng đêm ở mọi nẻo đường và soi sáng mọi ngõ ngách của muôn lối về. Ánh sáng của lửa sẽ sưởi ấm cho chúng ta trong đêm đông buốt giá, hơn thế nữa ánh sáng của lửa cũng là thể hiện cho sự vươn lên của kiếp người. Ánh sáng của trí tuệ là kim chỉ nam, là la bàn định hướng cho mọi hành giả hướng về đời sống hướng thượng, đời sống ấy chính là an lạc giải thoát.

Tại sao Trí Tuệ là ánh sáng tối thượng nhất trong bốn loại ánh ? Bởi vì ánh sáng của Trí Tuệ luôn là yếu tố cần thiết và cũng là chi phần đầu tiên trên bước đường đoạn tận các lậu hoặc, chứng ngộ giải thoát. Điều này được minh chứng trong  kinh A Hàm, Đức Phật đã nêu lên sự sai khác của người ngu và người trí. Trong đó sự sinh khởi của nguy hiểm, tai họa, tức giận hay bị vô minh tham ái che lấp, làm cho hành giả không thể vượt thoát sanh tử khổ đau chỉ hiện hữu trong người ngu. Còn trái lại đối với người trí thì tất cả những khổ đau trên đã nêu đều vắng bặt.

Kinh đã ghi chép như sau:
Tăng Chi, III-1 : "Phàm có sợ hãi nào khởi lên, này các Tỷ-kheo, tất cả sự sợ hãi đó khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những nguy hiểm nào khởi lên, tất cả những nguy hiểm ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những tai họa nào khởi lên, tất cả những tai họa ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí ... Như vậy người ngu có sợ hãi, người trí không sợ hãi, người ngu có nguy hiểm, người trí không có nguy hiểm, người ngu có tai họa, người trí không có tai họa. Này các Tỷ-kheo, không có sợ hãi đến với người trí, không có nguy hiểm đến với người trí, không có tai họa đến với người trí"

Tương Ưng, II-12-19 : "Này các Tỷ-kheo, bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc, thân này của người ngu được sanh khởi. Vô minh ấy, người ngu không đoạn tận. Tham ái ấy, người ngu không tận trừ. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, người ngu sống phạm hạnh không phải vì chơn chánh đoạn tận khổ đau. Do vậy, người ngu khi thân hoại mạng chung, đi đến một thân khác. Do đi đến một thân khác, vị ấy không thoát khỏi sanh già chết, sầu bi khổ ưu não. Ta nói rằng vị ấy không thoát đau khổ" . "Và này các Tỷ-kheo, bị vô minh che đậy, bị tham ái hệ phược, thân người Hiền trí được sanh khởi. Vô minh ấy, người hiền trí đoạn tận. Tham ái ấy, người hiền trí tận trừ. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, người hiền trí sống phạm hạnh vì chơn chánh đoạn trừ khổ đau. Do vậy, người Hiền trí, khi thân hoại mạng chung không đi đến một thân khác, vị ấy giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.Ta nói rằng: Vị ấy thoát khỏi đau khổ."

Ngoài ra, khi bàn về ánh sáng của tuệ giác, trong “Đại Trí Độ Luận” Bồ Tát Long Thọ đã luận giải như sau :  Bồ-tát dạy chúng sanh nên học trí tuệ. Trí tuệ là sáng suốt, thứ nhất gọi là mắt tuệ. Nếu không có mắt tuệ, tuy có mắt thịt vẫn là đui. Tuy có mắt mà không khác súc sanh. Nếu có trí tuệ, tự phân biệt được tốt xấu, không theo lời người khác; nếu không trí tuệ, theo người dắt đông dắt tây; như trâu, lạc đà bị xâu mũi đi theo người. Trí tuệ trên hết thảy pháp hữu vi, được bậc thánh nhân ái, vì hay phá pháp hữu vi. Như trong Kinh nói: Trong các thứ báu, trí tuệ quý báu hơn hết. Trong hết thảy đồ sắc bén, đao trí tuệ sắc bén hơn hết. Ở đảnh núi trí tuệ, không còn lo sợ, xem các chúng sanh khổ não, đều thấy tất cả. Lưỡi dao trí tuệ hay cắt đứt sợi xích phiền não sanh tử vô thỉ. Năng lực trí tuệ còn làm cho đầy đủ sáu Ba-la-mật, được vô lượng Phật đạo không thể nghĩ bàn, thành nhất thiết trí, huống chi Thanh văn, Bích-chi Phật và các việc tốt thế gian. Trí tuệ ấy tăng trưởng thanh tịnh không thể bị trở hoại, ấy gọi là Ba-la-mật. Chúng sanh nghe rồi, an trú trong Bát-nhã ba-la-mật.”[7] 

Từ những dẫn chứng của kinh văn và luận tạng, chúng ta có thể nhận biết rằng, tuệ giác là nguồn mạch sinh khởi của tất cả thiện pháp, là điều kiện tiên quyết trong tất cả các pháp môn tu tập của Phật Giáo, là nhân tố cơ bản để đưa đến quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác .[8] Là công cụ truyền đạo và hành đạo của Bồ Tát. Đồng thời, Tuệ giác cũng chính là bước đi đầu tiên đi vào biển giác, và là bước đi cuối cùng chấm dứt sanh tử khổ đau.

Sở dĩ, con người mãi chìm đắm trong sanh tử khổ đau từ kiếp này sang kiếp khác, là do vắng mặt của ánh sáng tuệ giác. Chính vì thế, mỗi hành giả hãy tự thắp lên ngọn đèn tuệ giác, để soi rọi và phá tan màng vô minh hắc ám. Mỗi người hãy là chiến binh trí tuệ để diệt trừ tận gốc những tên giặc ngu si, phiền não đã làm não loạn đời sống của chính mình. Có như thế, chúng ta mới thực sự tìm thấy sự an lạc, thảnh thơi và những giá trị đích thực trong cuộc sống này.

Virginia Beach 13.08.2012
Thích Chúc Đại


[1] Nói đến trí tuệ của Đạo Phật thì phạm vi rất rộng. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ nêu lên một khía cạnh nhỏ mà thôi.
[2] Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch, “ Kinh Tăng Chi Bộ”,  Phẩm ánh sáng, II – 142, trang 79-80.
[3] Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch, “ Kinh Tăng Chi Bộ”,  Phẩm ánh sáng, I – 141, trang 79.
[4] Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch, “ Kinh Tăng Chi Bộ”,  Phẩm ánh sáng, III – 143, trang 80.
[5] Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch, “ Kinh Tăng Chi Bộ”,  Phẩm ánh sáng, IV – 144, trang 80.
[6] Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch, “ Kinh Tăng Chi Bộ”,  Phẩm ánh sáng, V – 145, trang 80-81.
[7] “Đại Trí Độ Luận”, quyển 30, Đại chánh tạng 25, trang 282, dòng 12-16.
[8] Hòa Thượng Thích Minh Châu, “ Trí tuệ trong Đạo Phật”: Mục đích của Đạo Phật là diệt khổ và đem vui cho mọi   loài, nhưng phải là người có trí mới biết được con đường đưa đến an lạc và hạnh phúc. Mục đích của Đạo Phật là giải thoát và giác ngộ, và chỉ có trí tuệ (Pannà) mới là phương tiện duy nhất đưa loài người đến bờ giải thoát và giác ngộ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét