Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015


TẠI SAO THÁNH GANDHI
KHÔNG ĐƯỢC GIẢI NOBEL HÒA BÌNH?

Lời Người Dịch:

Trong các nhân vật lớn của thế kỷ 20 đã vì lý tưởng tự do và công bằng cũng như với ý chí kiên định và an nhiên để tranh đấu cho tổ quốc của họ trước bạo quyền như Hoà thượng Thích Quảng Đức (1897–1963), ông Nelson Mandela (1918–2013), Mục sư Martin Luther King, Jr. (1929–1968), Đức Dalai Lama thứ 14 (1935) và bà Aung San Suu Kyi (1945)… thì ông Mohandas Gandhi (1869–1948) đã nổi bật lên thành một biểu tượng cao cả của tinh thần bất bạo động, và bền bĩ ứng dụng nó như một nguyên tắc đấu tranh cho dân quyền và nhân quyền.

Trong khi tinh thần Đại Từ, Đại Bi của Hoà thượng Thích Quảng Đức đã trở nên bất diệt qua lời thơ thống thiết “Lửa, lửa cháy ngất toà sen; Tám, chín phương nhục thể trần tâm hiện thành thơ quỳ cả xuống; Hai vừng sáng rưng rưng; Đông Tây nhoà lệ ngọc…” (Vũ Hoàng Chương, 1963) cũng như sự kiên trì và hy sinh cho bình đẳng và tự do của Mục sư Martin Luther King, Jr., Đức Dalai Lama thứ 14, bà Aung San Suu Kyi, và ông Nelson Mandela đã được quốc tế công nhận với giải thưởng Nobel Hoà Bình cho cả 4 người trong các năm 1964, 1989, 1991, và 1993, thì ý chí và tinh thần bất bạo động mà biểu tượng là Thánh Gandhi lại chưa được Ủy ban Nobel Hòa Bình quan tâm đúng mức, tối thiểu là thể hiện qua động thái trao một giải thưởng Nobel Hoà bình cho vị Thánh (“Mahatma”) nầy.


Bồ tát Thích Quảng Đức và bốn khôi nguyên giải Nobel Hòa bình:
Martin Luther King, Jr. (1964), the 14th Dalai Lama (1989),
Aung San Sui Kyi (1991) và Nelson Mandela (1993)

Bản lược dịch dưới đây, từ bài viết của Oyvind Tonnesson, kể lại câu chuyện kéo dài hơn 10 năm của Uỷ ban Nobel Hoà bình của Na Uy và nhân vật Mohandas Gandhi cùng một số hành hoạt của ông liên hệ đến quyết định sau cùng của Uỷ ban Nobel này.
   

Gandhi và giải Nobel Hòa Bình
Oyvind Tonnesson – Nobelprize.org Peace Editor, 1998-2000
Viết ngày 1 tháng 12 năm 1999

Nhật Trầm lược dịch, tháng 11/2015, theo http://nobelprize.org/nobel_prizes/peace/articles/gandhi/
(Nobelprize.org là trang mạng chính thức của Nobel Foundation)

Mohandas Gandhi (1869-1948) đã trở thành biểu tượng đậm nét nhất cho tinh thần bất bạo động trong thế kỷ 20. Nếu hồi tưởng lại lịch sử vào thời gian đó thì nhà lảnh tụ người Ấn này đáng ra phải được lựa chọn để nhận giải Nobel Hòa Bình. Ông được đề cử nhiều lần nhưng chưa bao giờ được chọn để nhận giải thưởng này cả. Đâu là nguyên nhân và đầu đuôi câu chuyện là như thế nào?

Các mối hoài nghi sau đây đã nhiều lần được đưa ra: Phải chăng quan niệm của Ủy Ban Nobel Hòa Bình của Na Uy quá chật hẹp? Phải chăng những thành viên của Ủy Ban Nobel đã không thể cảm thông được sự tranh đấu cho tự do của những người không có gốc gác là Âu Tây? Hay phải chăng những thành viên người Na Uy của Ủy Ban Nobel đã không dám trao tặng giải thưởng cho nhà tranh đấu người Ấn Độ [LND: Nhằm chấm dứt nền đô hộ của Anh Quốc và mang độc lập về cho xứ sở] vì e ngại hậu quả tai hại cho mối giao hảo giữa Na Uy và Anh Quốc?
(Hình của Scanpix)
Gandhi đã được đề cử để nhận giải Nobel Hòa Bình trong những năm 1937, 1938, 1939, 1947, và lần cuối cùng là một vài ngày trước khi ông bị hạ sát vào tháng 1 năm 1948. Sự tiếc nuối cho thiếu sót đó đã được các thành viên gần đây của Ủy Ban Nobel bày tỏ một cách công khai. Khi trao tặng giải thưởng cao quý này cho Đức Đạt Lai Lạt Ma vào năm 1989, ông chủ tịch của Ủy Ban đã nói “(giải thưởng này) một phần là để tỏ lòng tưởng nhớ đến Mahatma Gandhi”. Tuy nhiên, Ủy Ban Nobel chưa bao giờ bình phẩm về những lời đồn đoán nhằm lý giải vì sao Gandhi không được bầu chọn. Cho đến gần đây, những nguồn tin lẽ ra có thể giải thích sự thiếu sót này vẫn chưa được công bố.

Mahatma Gandhi – Người Là Ai?

Mohandas Karamchand Gandhi – còn được suy tôn là Mahatma (Thánh) Gandhi – chào đời ở thành phố Porbandar, vốn là thủ phủ của một tiểu bang bây giờ mang tên là Bang Gujarat ở miền Tây Ấn Độ. Cha của ông lúc đó đảm nhiệm một chức vụ tương đương với chức Thủ Tướng. [LND: Trong thời kỳ bị Anh quốc đô hộ, xứ sở Ấn Độ có hàng trăm Tiểu quốc, Khu vực Hành chính, và Tiểu bang được tự trị trong việc nội chính] Còn mẹ của ông là một tín đồ rất sùng bái Ấn Độ giáo. Bà và cả gia đình Gandhi theo một nhánh của Ấn Độ giáo coi sự bất bạo động và lòng khoan dung giữa các tôn giáo là điều rất quan trọng. Nền tảng tôn giáo này của gia đình đã được coi là lý do chính đưa Gandhi vào vị trí mà ông ta có trong lòng xã hội Ấn Độ về sau này. Những năm cuối thập niên 1880, Gandhi xuất ngoại đi Anh Quốc để theo học Luật khoa. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về Ấn Độ để hành nghề luật sư và, năm 1893, ông lại xuất ngoại đến thành phố Natal của Nam Phi để lo về vấn đề luật pháp cho một công ty Ấn Độ chuyên trao đổi mậu dịch.

Ở Nam Phi, Gandhi làm việc để cải thiện đời sống của cộng đồng Ấn Độ thiểu số. Công việc này, đặc biệt chống lại những luật lệ càng lúc càng có tính kỳ thị, đã làm nảy nở trong ông niềm tự hào về nguồn gốc Ấn Độ của mình, về tôn giáo của mình, và một ý chí sẳn sàng hy sinh. Ông đã rất thành công khi đưa ra phương pháp bất bạo động trong cuộc tranh đấu đòi hỏi những quyền làm người căn bản cho cộng đồng Ấn Độ. Phương pháp này, “satyagraha” – hay “sức mạnh của sự thật” – có tính lý tưởng đến cao độ: Dù không bác bỏ nguyên tắc sử dụng luật lệ để cai trị, người Ấn sẽ chống lại những luật lệ không hợp lý hay có tính áp đặt. Và dù sẳn sàng chấp nhận sự trừng phạt khi vi phạm các luật lệ đó, mỗi người phải an nhiên tự tại, và với quyết tâm, chối bỏ tính hợp pháp của luật lệ đó. Với phương pháp này, người ta mong đối thủ -- khi trước là chính quyền tại Nam Phi và sau này là nhà nước Anh Quốc ở Ấn Độ – phải thừa nhận tính bất hợp pháp của các đạo luật do chính họ đưa ra.

Khi Gandhi hồi hương vào năm 1915, những thông tin về sự thành công của ông ở Nam Phi đã được loan truyền rộng rãi tại quê nhà. Chỉ trong vài năm, thời Đệ Nhất Thế Chiến, ông đã trở thành nhà lãnh đạo của Nghị hội Toàn quốc Ấn độ (Indian National Congress). Trong thời gian giữa hai trận thế chiến ông đã khởi động một loạt những cuộc vận động bất bạo động chống lại nhà nước Anh Quốc. Cùng lúc, ông nỗ lực đoàn kết những người Ấn Độ theo Ấn giáo, Hồi giáo, và Ky-tô giáo, và đấu tranh để giải phóng những người nằm trong tầng lớp “cùng đinh, hạ tiện” (untouchables) của xã hội Ấn. Trong khi những người Ấn Độ đồng chí hướng đương thời với ông áp dụng phương pháp bất bạo động chỉ như một vũ khí mang tính chiến thuật thì ông lại nâng bất bạo động lên như một nguyên tắc. Chính quan niệm chắc nịch, không khoan nhượng này của ông đã khiến cho mọi người kính phục dù họ có khác quan điểm chính trị cũng như niềm tin tôn giáo đi nữa. Ngay vị quan tòa người Anh, vốn đã cho ông vào tù, cũng phải công nhận Gandhi là một nhân vật đặc biệt, hiếm có.

Lần đề cử đầu tiên để nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình

Một số những người ngưỡng mộ Gandhi thuộc mạng lưới ủng hộ Gandhi gọi là Hội “Những người bạn của Ấn Độ” (Friends of India) được thành lập tại nhiều nơi ở Âu Châu và tại Mỹ vào đầu thập niên 1930. Các Hội này đại diện cho nhiều khuynh hướng. Những người mộ đạo thì khâm phục Gandhi vì sự sùng đạo của ông. Giới quá khích và chống quân phiệt thì rất có cảm tình với triết lý bất bạo động của ông và ủng hộ ông như một người dám chống lại chủ nghĩa đế quốc.

Năm 1937, một đại biểu của nghị viện Na Uy (Norwegian Storting), ông Ole Colbjornsen thuộc đảng Lao Động (Labour Party), đề cử Gandhi là người được nhận giải Nobel Hòa Bình vào năm đó. Tên ông nằm trong danh sách ngắn ngủi gồm mười ba ứng viên của Ủy Ban Nobel. Nhưng bài viết đưa ra lý do để đề cử Gandhi lại không phải do ông Colbjornsen viết mà do những người phụ nữ lãnh đạo chi nhánh tại Na Uy của Hội “Những người bạn của Ấn Độ” soạn thảo. Dĩ nhiên, nội dung của bài viết này hoàn toàn tốt đẹp về Gandhi.

(Hình của Scanpix)
Lúc đó Cố vấn cho Ủy Ban Nobel là giáo sư Jacob Worm-Muller. Là người viết bản báo cáo về ứng viên Gandhi, ông đã có một cái nhìn có tính phê phán hơn. Một mặt ông rất hiểu sự ngưỡng mộ dành cho Gandhi như một cá nhân: “Không ngờ vực gì nữa, (Gandhi) là một người tốt, cao quý, và rất khổ hạnh – đó là một người nổi tiếng đáng được quần chúng Ấn Độ tôn vinh và yêu mến.” Mặt khác, khi đánh giá Gandhi như một lãnh tụ chính trị, vị giáo sư người Na Uy này lại mô tả không thuận lợi lắm. Ông viết, “(Gandhi) từng có các bước ngoặt trong chủ trương của mình mà những kẻ ủng hộ đã không thể giải thích một cách suôn sẽ. (…) (Gandhi) là một người tranh đấu cho tự do mà cũng là một kẽ độc tài, một người rất lý tưởng mà cũng là một người theo chủ nghĩa quốc gia. Ông ta thường là Giê-su nhưng, một cách bất chợt sau đó, cũng là một chính trị gia tầm thường.”

Nhiều người trong phong trào hòa bình thế giới đã chỉ trích Gandhi. Vị cố vấn cho Ủy Ban Nobel đã trích dẫn những chỉ trích này khi cho rằng Gandhi là một người chủ trương hòa bình nhưng không kiên định, rằng đáng ra Gandhi phải biết những cuộc vận động bất bạo động chống lại Anh Quốc thế nào cũng biến chất thành ra bạo động và khủng bố. Đây là điều đã xảy ra trong cuộc vận động bất hợp tác trong các năm 1920,1921 khi một đám đông ở Chauri Chaura tấn công một trạm cảnh sát, giết đi một số cảnh sát viên và nổi lửa đốt luôn trạm này.

Một số những người chỉ trích không có gốc gác là Ấn Độ thì cho rằng Gandhi đã tỏ ra theo chủ nghĩa dân tộc (Ấn Độ) quá nhiều. Trong bản báo cáo, giáo sư Worm-Muller đã bày tỏ sự ngờ vực là những lý tưởng của Gandhi chỉ hạn hẹp nhắm vào Ấn Độ nhiều hơn là có tính phổ quát ra toàn thế giới: “Người ta có thể nói rằng cuộc đấu tranh nổi tiếng của (Gandhi) ở Nam Phi là chỉ để cho người Ấn mà thôi, chứ không phải cho những người da đen mà hoàn cảnh sống còn tồi tệ hơn nữa.”

Cuối cùng, người được giải thưởng Nobel năm 1937 là Lord Cecil ở Chelwood. [LND: Lord Cecil of Chelwood là một luật sư, chính trị gia, và là nhà ngoại giao của Anh Quốc. Ông là một trong những người gầy dựng nên Hội Quốc Liên, tiền thân của Liên Hiệp Quốc] Chúng ta không biết Ủy Ban Nobel của Na Uy có xem xét lời đề cử Gandhi một cách nghiêm túc cho năm đó hay không, nhưng có thể là không. Ông Ole Colbjornsen lại đề cử Gandhi vào các năm 1938 và 1939, nhưng phải mười năm sau nữa tên của Gandhi mới được thêm vào danh sách ngắn các ứng viên của giải Nobel Hoà Bình.

1947: Thắng lợi và Thất bại

Năm 1947, những lời đề cử ứng viên Gandhi lại được gởi đến Bộ Ngoại Giao của Na Uy trong các bức điện tín đánh đi từ Ấn Độ. Những người đề cử gồm B.G. Kher, Thủ tướng của Bombay; Govindh Bhallabh Panth, Thủ tướng của United Provinces; và Mavalankar, Chủ tịch Quốc hội Ấn Độ. Những luận cứ đưa ra để ủng hộ ứng viên Gandhi được viết theo cách viết điện tín. Ví dụ Govind Bhallabh Panth viết: “Để nhận giải Nobel năm nay tiến cử Thánh Gandhi vị kiến trúc sư của quốc gia Ấn Độ là người tiêu biểu nhất của luân lý và đạo đức và là người cổ súy hữu hiệu nhất cho nền hòa bình thế giới ngày nay.” Danh sách rất ngắn của Ủy Ban Nobel chỉ có tên của sáu người và Mohandas Gandhi là một trong sáu người đó.

Sử gia Jens Arup Seip, người cố vấn cho Ủy Ban Nobel lúc bấy giờ, viết trong bản báo cáo chủ yếu về vai trò của Gandhi trong lịch sử chính trị của Ấn Độ sau 1937: “(Các biến cố trong) mười năm sau đó, từ 1937 đến 1947, đưa đến thắng lợi vĩ đại nhất và thất bại lớn lao nhất của Gandhi và phong trào của ông ta. Đó là nền độc lập của Ấn Độ và sự chia cắt quốc gia Ấn Độ [LND: Để khai sinh Hồi quốc – Pakistan].” Bản báo cáo mô tả lối hành xử của Gandhi trong ba cuộc xung đột, tuy khác nhau nhưng lại liên hệ hỗ tương, mà Nghị hội Toàn quốc Ấn Độ (Indian National Congress) phải giải quyết trong thập niên cuối cùng trước ngày độc lập: Cuộc tranh đấu giữa Ấn Độ và Anh quốc; Sự tham dự của Ấn Độ trong Đệ Nhị Thế chiến; và Xung đột giữa hai cộng đồng Ấn và Hồi. Đối diện với tất cả biến cố này, Gandhi vẫn luôn luôn kiên định giử vững nguyên tắc bất bạo động của mình.

Bản báo cáo của ông Seip không phê bình Gandhi một cách gắt gao như bản báo cáo mười năm trước đó của Worm-Muller. Tuy vậy, bản báo cáo thuận lợi này vẫn không thể hiện một cách rõ rệt sự ủng hộ ứng viên Gandhi. Ông Seip cũng viết một cách vắn tắt về sự chia cắt quốc gia Ấn Độ đang xảy ra lúc đó và sự hình thành của quốc gia Hồi giáo Pakistan. Ông kết luận: “Người ta coi rằng, như được trình bày trong nhật báo The Times ngày 15 tháng 8 năm 1947, nếu ‘cuộc giải phẩu vĩ đại’ vốn là sự phân chia quốc gia Ấn Độ, không dẫn đến tình trạng đổ máu ở kích thước lớn lao thì những lời giáo huấn của Gandhi, những nổ lực của đám đông theo ông ta và chính sự hiện diện của ông ta, phải chiếm phần quan trọng trong công trạng đó.” Nhưng lịch sử đã chứng minh ngược lại với lời kết luận có hơi sớm này. [LND: Trong “cuộc giải phẩu vĩ đại” này máu đã đổ, người đã chết, và bạo động đã xảy ra]
(Hình của Scanpix)
Sau khi đọc bản báo cáo, Ủy Ban Nobel có lẽ đã được cập nhật hóa hơn về đoạn cuối của cuộc đấu tranh dành độc lập của Ấn Độ. Tuy nhiên, trong quá khứ, chưa bao giờ giải Nobel Hòa Bình lại được trao cho một cuộc tranh đấu như vậy cả. Thành viên của Ủy Ban cũng phải xem xét những vấn đề như có nên chọn Gandhi là biểu tượng của bất bạo động, cũng như ảnh hưởng chính trị gây ra do sự chọn lựa một lảnh tụ Ấn Độ nổi tiếng sẽ là gì khi mà liên hệ giữa hai quốc gia, Ấn Độ và Hồi Quốc, đã không có gì là hòa hoãn trong mùa Thu năm đó?

Sau này chúng ta được biết từ nhật ký của ông Gunnar Jahn, Chủ tịch Ủy Ban Nobel, rằng khi các thành viên chuẩn bị để quyết định vào ngày 30 tháng 10 năm 1947, hai thành viên tạm thời là Herman Smitt Ingebretsen (thuộc nhóm Ky-tô bảo thủ) và Christian Oftedal (thuộc nhóm Ky-tô cởi mở) đã phát biểu thuận lợi cho Gandhi. Năm trước, hai vị này đã ủng hộ mạnh mẽ cho ông John Mott, một lảnh tụ của tổ chức YMCA. [LND: Ông John Mott được giải Nobel Hòa Bình năm 1946] Dường như hai vị này thường ủng hộ những ứng viên nào có thể là biểu tượng của đạo đức và niềm tin tín ngưỡng trong một thế giới đang bị đe dọa vì những xung đột xã hội và tư tưởng. Tuy nhiên, trong năm 1947, hai vị này đã không thuyết phục được ba thành viên kia của Ủy Ban Nobel. Martin Tranmael, vị chính trị gia của đảng Lao Động (Anh), rất do dự trong việc trao giải Nobel Hòa Bình cho Gandhi giửa lúc Ấn Độ và Hồi Quốc đang có mâu thuẫn, và Birger Braadland, cựu Bộ trưởng Ngoại Giao, đã đồng ý với Trammael. Họ nghỉ rằng Gandhi quá thiên vị về một trong hai phe hiếu chiến. Thêm vào đó, Trammael và Jahn (chủ tịch Ủy Ban Nobel) được biết là trong một buổi gặp gỡ để cầu kinh cách đó một tháng, Gandhi đã nói lên điều cho thấy ông có ý định bỏ cuộc trong nổ lực kiên trì chống lại chiến tranh. Dựa trên một bức điện tín của hảng thông tấn Reuters, nhật báo The Times đã tường trình dưới tựa đề “Ông Gandhi (nói) về cuộc chiến tranh với Hồi Quốc” vào ngày 27 tháng 9 năm 1947 như sau:
“Trong buổi gặp gỡ và cầu kinh tối hôm nay, Gandhi đã nói rằng tuy ông luôn chống lại mọi hình thức chiến tranh nhưng  nếu không có cách nào khác để đạt được công lý từ Hồi Quốc và nếu Hồi Quốc tiếp tục ngoan cố từ chối không công nhận lỗi lầm đã được chứng minh của họ và tiếp tục coi nhẹ lỗi lầm đó thì Chính phủ Liên minh Ấn Độ sẽ phải gây chiến chống lại nó (Hồi Quốc). Không ai muốn chiến tranh nhưng ông (Gandhi) cũng không thể khuyên người khác tiếp tục chịu đựng sự bất công. Và nếu tất cả người Hồi bị tiêu diệt vì lý do chính đáng thì ông ta cũng không quan tâm. Nếu xảy ra chiến tranh thì những người Ấn đang cư ngụ trong Hồi Quốc không thể đóng vai nội công. Nếu không trung thành với Hồi Quốc thì họ nên rời khỏi Hồi Quốc ngay. Những người Hồi trong hoàn cảnh tương tự mà trung thành với Hồi Quốc cũng nên rời khỏi Ấn Độ.”
(Hình của Scanpix)
Gandhi đã phản ứng ngay lập tức bằng cách tuyên bố rằng bản tin đó trung thực nhưng không đầy đủ. Tại buổi gặp gỡ để cầu kinh đó Gandhi đã nói thêm rằng ông không bao giờ thay đổi (quan niệm chống chiến tranh) và rằng “cá nhân của ông không có chổ đứng trong trật tự mới, nơi người ta muốn có một binh chủng lục quân, hải quân, không quân và bất kỳ binh chủng nào khác.”

Cả Jahn và Trammael đều biết rằng bản tin ban đầu là không đầy đủ, nhưng họ đã bắt đầu rất ngờ vực. Trong nhật ký, Jahn trích dẫn chính ông ta nói rằng: “Mặc dù ông (Gandhi) là nhân vật vĩ đại nhất trong số các ứng viên – chúng ta có thể nói thật nhiều điều tốt đẹp về ông ta – chúng ta phải nhớ rằng ông không chỉ là một lảnh tụ cho hòa bình mà trước nhất và trên hết ông là một người yêu nước.  (…) Hơn nữa, đừng quên rằng Gandhi không ngây thơ đâu. Ông là một nhà luật học xuất sắc và cũng là một luật sư.” Dường như vị chủ tịch của Ủy Ban Nobel ngờ rằng câu nói của Gandhi một tháng trước đó là một bước cố ý để làm thoái chí ý muốn gây hấn của Hồi Quốc. Do vậy, ba trong số năm thành viên đã không chấp thuận trao giải Nobel Hòa Bình cho Gandhi trong năm 1947. Thay vào đó, giải thưởng được trao cho đạo Quakers.

1948: Trao giải thưởng cho người đã khuất?

Thánh Gandhi bị ám sát vào ngày 30 tháng 1 năm 1948, hai ngày trước khi hết hạn đề cử ứng viên cho giải Nobel Hòa Bình. Ủy Ban Nobel nhận được sáu lá thư đề cử Gandhi. Trong số những người và nhóm đề cử là đạo Quakers cũng như Emily Greene Balch, người đã nhận giải trước đó. [LND: Bà Emily Greene Balch nhận giải thưởng vào năm 1946, cùng một năm và chia sẻ giải thưởng với ông John Mott] Đây là lần thứ ba tên tuổi của Gandhi được viết vào danh sách rất ngắn – năm này chỉ có ba ứng viên – của giải Nobel Hòa Bình. Ông Seip, cố vấn của Ủy Ban Nobel, viết bản báo cáo về những hoạt động của Gandhi trong năm tháng cuối của đời ông. Ông Seip kết luận rằng Gandhi, xuyên suốt cuộc đời của ông, đã đóng dấu ấn sâu sắc lên thái độ đạo đức và quan điểm chính trị được sử dụng như chuẩn mực cho một số lớn nhân vật trong cũng như ngoài quốc gia Ấn Độ, “Về phương diện này chúng ta chỉ có thể so sánh Gandhi với giáo chủ của những tôn giáo.”

Giải Nobel Hòa Bình chưa từng được trao cho người đã khuất. Tuy nhiên, theo quy chế của Tổ chức Nobel (Nobel Foundation) vào lúc đó thì, trong một số hoàn cảnh nào đó, giải Nobel Hòa Bình vẫn có thể được trao cho người đã khuất. Do vậy Gandhi vẫn có thể được nhận giải thưởng. Nhưng vì ông không là thành viên của bất kỳ tổ chức nào, lại không để lại một tài sản hay chúc thư nào, thì ai sẽ có tư cách để nhận số tiền thưởng đây?  August Schou, Giám đốc Viện Nobel Na Uy (Norwegian Nobel Institute), đã yêu cầu một người cố vấn khác của Ủy Ban Nobel, luật sư Ole Torleif Roed, xem xét những hậu quả cụ thể nếu Ủy Ban trao giải sau khi người nhận đã mất. Ông Roed đề nghị một số giải pháp khả thi mang tính tổng quát và cuối cùng đã hỏi ý kiến một số tổ chức phát giải thưởng của Thụy Điển. [LND: Ủy Ban Nobel Thụy điển phát giải thưởng Nobel trong một số ngành còn Ủy Ban Nobel Na Uy chỉ phát giải thưởng Nobel Hòa Bình] Câu trả lời là không nên phát loại giải thưởng đó. Họ cho rằng giải thưởng cho người đã khuất chỉ có thể được phát nếu người nhận qua đời sau khi được Ủy Ban Nobel quyết định chọn lựa.

Ngày 18 tháng 11 năm 1948, Ủy ban Nobel Hòa Bình của Na Uy tuyên bố không chọn ứng viên nào cả cho năm đó (1948) vì đã “không có ứng viên nào phù hợp mà còn sống cả”. Chủ tịch Ủy Ban, ông Jahn, viết trong nhật ký: “Riêng tôi thì không có một chút ngờ vực nào là nếu phát giải thưởng dành cho người đã khuất thì sẽ đi ngược với ý định trong chúc thư (của ông Nobel)”. Theo vị Chủ tịch, ba thành viên trong Ủy Ban Nobel đã đồng ý với ông, chỉ một mình ông Oftedal là thuận trao giải thưởng cho người đã khuất cho Gandhi.

Sau này, có những lời đồn đoán rằng khi Ủy Ban Nobel tuyên bố “không có ứng viên nào phù hợp mà còn sống cả” thì, ngoài Gandhi, họ cũng muốn ám chỉ đến vị sứ giả hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở Palestine, Công tước Bernadotte của Thụy Điển, người đã bị ám sát vào tháng 9 năm 1948.  Ngày nay, lời đồn đoán này đã được chứng minh là không có căn cứ vì Công tước Bernadotte đã không được đề cử năm 1948. Như vậy thì cũng hợp lý để nói rằng nếu Gandhi sống thêm một năm nữa thì ông đã được mời đến Oslo để nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình.

Nguyên nhân nào khiến Gandhi không hề được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình?


Cho đến 1960, giải Nobel Hòa Bình chỉ được trao cho người châu Âu và người Mỹ. Hồi tưởng lại quá khứ, có lẽ Ủy Ban Nobel Na Uy đã có một cái nhìn quá chật hẹp. Gandhi khác biệt rất xa với những người từng được giải thưởng cao quý này. Ông không phải là một chính trị gia đúng nghỉa hay là người đề xuất một điều luật quốc tế nào cả. Ông cũng không phải là một người chuyên hoạt động nhân đạo hay là một người chuyên tổ chức vận động hòa bình trên thế giới. Nếu được lựa chọn thì ông sẽ thuộc vào những người được giải Nobel Hòa Bình với quá trình mới và khác.

Không có dấu hiệu gì trong văn thư lưu trữ của Ủy Ban Nobel Na Uy cho thấy khả năng đã có những phản ứng chống đối từ phía Anh Quốc nếu giải thưởng được trao cho Gandhi. Do đó người ta có thể loại bỏ đi giả thuyết cho rằng Ủy Ban Nobel không chọn Gandhi vì e ngại quyết định đó sẽ khiêu khích Anh Quốc.

Năm 1947, cuộc xung đột Ấn - Hồi và lời tuyên bố của Gandhi trong buổi cầu kinh (khiến người ta có cảm tưởng ông đã chối từ chủ nghĩa hòa bình) có lẽ đã là lý do chính làm đa số thành viên của Ủy Ban Nobel không chọn ông là người trúng giải. Khác với tình thế hôm nay, khi đó Ủy Ban Nobel Na Uy đã chưa có truyền thống dùng giải thưởng cao quý này để làm chất xúc tác đưa đến những thỏa hiệp hòa bình cho các mâu thuẩn khu vực.

Vào những tháng cuối cùng của đời mình, Gandhi đã làm việc không ngơi nghỉ để mong chấm dứt bạo động giữa người Ấn và người Hồi sau khi đất nước Ấn Độ bị chia cắt. Chúng ta biết rất ít về những cuộc thảo luận của Ủy Ban Nobel Na Uy về ứng viên Gandhi cho năm 1948 – ngoại trừ câu trích dẫn trong nhật ký của ông chủ tịch Gunnar Jahn – nhưng điều rõ ràng là Ủy Ban Nobel đã nghiêm túc khi xem xét khả năng trao giải thưởng cho người đã khuất. Cuối cùng Ủy Ban Nobel, vì lý do thể lệ, đã không trao giải thưởng cho bất kỳ ai trong năm 1948 để rồi trở lại với chuyện trao giải thưởng năm sau đó mà vẫn không đụng đến số tiền thưởng đã dành cho năm 1948. Điều này khiến nhiều người đã trầm tư rằng vị trí để tên Mahatma Gandhi trên danh sách những người từng nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình đã được để trống một cách yên lặng và trang trọng.

Oyvind Tonnesson
Nhật Trầm dịch, 11/2015


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét