Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014


POST SCRIPTUM CỦA MỘT BÀI VIẾT

 Nguyễn Kha

Cuối tháng Bảy năm 2014, tôi có viết bài “Đức Dalai Lama, Ông Ngô Đình Diệm và mặc cảm tội lỗi của Nhóm Hoài Ngô” và sau đó được một số blog và web phổ biến trên Internet.
Mục đích chính của bài viết là để giúp một số bạn Phật tử kiểm chứng xem vào ngày 20-3-2013, Đức Dalai Lama có tuyên bố tại chùa Viên Giác ở  Hannover (Đức quốc) rằng “cố TT Ngô Đình Diệm, một vị Tổng Thống Công Giáo, đã âm thầm gửi hàng tấn gạo để cứu khổ những người Phật Giáo Tây Tạng” như lời của một “chị Hoa Lan” nào đó đã kể trên các diễn đàn điện tử hay không?
Vì mục đích chính là như thế nên nội dung bài viết chủ yếu xoáy vào việc tìm kiếm và giải trình những thông tin với độ khả tín chấp nhận được, đã mô tả hay tường thuật lại buổi giảng pháp của Ngài Dalai Lama hôm đó. Và kết luận của tôi là: “ … không có câu chuyện hoang đường “Đức Dalai Lama bồi hồi khi kể lại sự giúp đỡ của cụ Diệm” đã “âm thầm gửi hàng tấn gạo để cứu khổ những người Phật Giáo Tây Tạng.” như “chị Hoa Lan” đã gian trá phịa ra.”. [1]
Cuối bài viết, tôi cũng thêm một phần phụ, thử lý giải vì sao có hiện tượng Đức Dalai Lama lại một lần nữa (trước đó là vụ giải thưởng Magsaysay) trở thành đối tượng bị “lôi kéo” vào những chuyện bịa đặt thị phi trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Và tôi kết luận: “Chỉ có Đức Dalai Lama, trong tình trạng hỗn loạn rối rắm của chính trị Việt Nam, đã trở thành nạn nhân của những thủ đoạn gian xảo của nhóm hoài-Ngô mà thôi.” [2]
Bạn đọc có thể đọc toàn bộ bài viết của tôi ở đây: http://hoangnamgiao.blogspot.com
/2014/07/uc-dalai-lama-ong-ngo-inh-diem-va-mac.html
Thế rồi mới đây, ngay sau lễ Lao Động (Mỹ), một người bạn có chuyển cho tôi text bài viết của tác giả Trần Trung Đạo với tựa đề “TT Ngô Đình Diệm đã từng giúp gạo cho dân Tây Tạng tỵ nạn tại Ấn Độ?” đăng trên Blog Chuyển Hóa Việt Nam:
 https://changevietnam.wordpress.com/2014/08/28/tt-ngo-dinh-diem-da-tung-giup-gao-cho-dan-tay-tang-ty-nan-tai-an-do/
 
Trong phần đầu của bài viết, thông qua hai nhân chứng là Hòa Thượng Thích Như Điển (Phương trượng chùa Viên Giác tổ chức buổi lễ), và chị Hoa Lan “thật” (một nữ Phật tử có tham dự,  và sau đó có viết bài kể lại buổi lễ), tác giả cho biết hai nhân chứng đều xác định trong thời gian buổi lễ diễn ra ở chùa Viên Giác hôm 20-3-2013, hoàn toàn không có chuyện   “Đức Dalai Lama bồi hồi khi kể lại sự giúp đỡ của cụ Diệm” đã “âm thầm gửi hàng tấn gạo để cứu khổ những người Phật Giáo Tây Tạng.”. Đúng như kết luận trong bài viết của tôi.
Tôi xin mượn cái Post Scriptum nầy để cảm ơn hai vị nhân chứng và tác giả Trần Trung Đạo trong chuyện nầy. Cả ba vị đã giúp khẳng định thêm câu chuyện của “chị Hoa Lan” chỉ là một chuyện hoang đường [3].  Do đó, trong giới hạn bài viết của mình, đối với tôi, the case is closed !
Trong phần thứ nhì của bài viết, tác giả Trần Trung Đạo cho biết nhờ nỗ lực của Hòa Thượng Thích Như Điển, lần đầu tiên chúng ta được tiếp cận với một văn kiện chính thức, đề cập đến chuyện Việt Nam tặng gạo cho dân tỵ nạn Tây Tạng. Đó là tài liệu có tựa đề “India Parliament On the Issue of Tibet – Rajya Shaba Debates, 1952-2005” do “Tibetan Parliamentary and Policy Research Centre” công bố năm 2006. Tài liệu nầy cho biết:
(i)             Vào ngày 19-12-1960, Thủ Tướng Shri Jawaharlal Nehru xác nhận rằng ngoài 3 chính phủ khác (Úc, Mỹ và Tân Tây Lan) tặng hiện kim, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã tặng (donated) 1,300 tấn gạo cho chính phủ Ấn Độ (at the disposal of Government of India) để cứu trợ dân tỵ nạn Tây Tạng.
(ii)           Và vào ngày 30-4-1962, Bộ Trưởng Ngoại Giao Shrimati Lakshmi Menon cũng xác nhận  (Yes, Sir) rằng Chính phủ Nam Việt Nam (the Government of South Vietnam)  đã đề nghị tặng (offered) 200 tấn gạo để cứu trợ dân tỵ nạn Tây Tạng tại Ấn Độ.
Bạn đọc có thể đọc toàn bộ tài liệu gốc ở đây:
           http://www.tpprc.org/publication/rajya_sabha_debates_on_tibet-2006.pdf 
Đây là một tài liệu có thể tin cậy được, cho nên từ nay, về quan hệ Việt-Ấn trong lãnh vực giúp người tị nạn Tây Tạng trong giai đọan đầu thập niên 1960’s, cá nhân tôi sẽ dùng tài liệu nầy để tham chiếu và sẽ viết như sau:
“Cùng với một số quốc gia Tây phương, Chính phủ Việt Nam Cọng Hòa đã gửi cho Chính phủ Ấn Độ tổng cọng 1,500 tấn gạo trong hai năm 1960 và 1962 để chính phủ nầy cứu trợ dân tỵ nạn Tây Tạng (xem India Parliament On the Issue of Tibet – Rajya Shaba Debates, 1952-2005)”. 
Không có tên ông Diệm, tên ông Nehru, hay tên của Đức Dalai Lama!
Chuyện cứu trợ tị nạn đó có giá trị còn nhỏ hơn những thành quả mà ông Diệm đạt  được trong giai đoạn đầu chấp chánh, nhưng là nguyên thủ quốc gia, ông Diệm xứng đáng được khen thưởng qua động thái vừa từ thiện vửa chính trị nầy. Tuy nhiên, cũng với tư cách là nguyên thủ quốc gia đó, ông cũng phải chịu trách nhiệm về những thất bại và tội ác xãy ra trong chế độ do ông (và các anh em ông) lãnh đạo. 
Đến đây, Post Scriptum của tôi đã có thể chấm dứt.
Tuy nhiên, chỉ đặc biệt dành riêng cho những “thám tử lịch sử” lương thiện, quan tâm đến sự thật 101% và muốn biết thật chi li từng chi tiết, thì tài liệu Ấn Độ India Parliament On the Issue of Tibet – Rajya Shaba Debates, 1952-2005 mà Hòa Thượng Thích Như Điển tìm ra, có hai “vấn nạn” không … ăn khớp với một tài liệu khác của Việt Nam:
1-      Sau đề mục (entry) ngày 30-4-1962 về trả lời của Bộ trưởng Ngoại Giao Ấn xác nhận (“Yes, Sir”) rằng “Chính phủ Nam Việt Nam đề nghị tặng 200 tấn gạo”, tôi tiếp tục đọc hết cả tài liệu, cho đến entry cuối cùng ngày 3-3-2005 (nghĩa là gần 43 năm sau), mà vẫn không thấy“đề nghị tặng” 200 tấn gạo đó có biến thành hiện thực hay không?
Như vậy, tổng cọng là 1,300 hay (1,300+200=) 1,500 tấn gạo?
May sao, chúng ta có một vị Cử nhân Luật là công chức cần mẫn và lương thiện, đã ngồi tỉ mĩ sưu tập và ghi lại những chuyện đã qua. Và trong tác phẩm “1945-1964  - Việc Từng Ngày Hai Mươi Năm Qua” ông đã ghi ngày “15-3-1962 . – Chánh-phủ VN gửi 200 tấn gạo giúp dân tị-nạn Tây-Tạng, …” [4]Người đó là ông Đoàn Thêm, Phó Đổng lý Văn phòng trong dinh Tổng thống Diệm.
Bây giờ là các câu hỏi dành cho quý vị “thám tử lịch sử” lương thiện: Ngày 15-3-1962, Chính phủ VN đã gửi gạo đi mà sao sau đó một tháng rưởi, ngày 30-4-1962, ông Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Ấn Độ lại vẫn nói là Việt Nam chỉ mới “đề nghị tặng” (“offered”) ? Tại sao lại có tình trạng không ăn khớp về thời gian tính như vậy? Hay 200 tấn gạo có gửi đi nhưng … không đến? Tài liệu sai, nhầm, thiếu, không đáng tin? Hay chính hai ông công chức Ấn và Việt đều … lẩm cẩm dùng nhầm dữ liệu?
2-      Trong khi dữ liệu 200 tấn gạo ở trên được ông Đoàn Thêm ghi đầy đủ như thế, hơn hẳn tài liệu của một “Trung Tâm Nghiên Cứu” của Ấn Độ, thì ngược lại, tôi không tìm được một ghi chú (entry) nào về 1,300 tấn gạo trong cùng tác phẩm đó của ông! 
Thủ tướng Nehru xác nhận vào ngày 19-12-1960  rằng Chính phủ Việt Nam Cọng Hòa đã tặng (“donated”) 1,300 tấn gạo. Tôi đọc lại Việc Từng Ngày của ông Đoàn Thêm từ trang 250 (“2-4-1959  - Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đã vượt biên sang Ấn Độ”) đến trang 285 (ngày “19-12-1960”, lúc Thủ Tướng Nehru ra điều trần), tuyệt nhiên không thấy một ghi chú nào về việc Chính phủ Việt Nam gửi gạo qua Ấn Độ để giúp dân tỵ nạn Tây Tạng cả! Như vậy, tổng cọng là  (1,300+200=) 1,500 hay chỉ 200 tấn gạo?
Bây giờ là các câu hỏi dành cho quý vị “thám tử lịch sử” lương thiện:  Ta thấy tác giả Đoàn Thêm rất tỉ mĩ và rốt ráo, chuyện “Núi lỡ ở Chí Lợi”, chuyện “Cháo cá sấu tăng giá ở Singapore”, chuyện “Nhà văn Hồ Thích từ trần ở Đài Loan” ông đều ghi, thế mà chuyện lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam gửi gạo qua Ấn Độ cho dân tị nạn Tây Tạng, với số lượng nhiều đến 1,300 tấn, sao ông không ghi vào? Rồi cựu Đại úy Lê Châu Lộc (nguyên sĩ quan tùy viên của ông Diệm), ông Huỳnh Văn Lang (nguyên Phụ tá Bí thư cho Thủ tướng Diệm), cũng không biết có chuyện 1,300 tấn gạo nầy, đến nỗi phải bịa ra chuyện ông Diệm dùng tiền giả tưởng của giải thưởng Magsaysay mà ông không được đề cử, để gửi cứu trợ cho Đức Dalai Lama (xin xem bài viết đã dẩn của tôi ở trên).
Tài liệu sai, nhầm, thiếu, không đáng tin ? Hay hai ông công chức Ấn và Việt đều … bị bệnh Alzheimer trước tuổi? Hay 1,300 tấn gạo “ma”, có … phép tàng hình, bị ông Diệm “âm thầm” giấu chính phủ và quốc dân gửi qua Ấn Độ như “chị Hoa Lan” Internet đã khẵng định? 
Xin chúc càc “thám tử lịch sừ” lương thiện tìm được (những) tài liệu bất khả phủ bác để giải tỏa hai vấn nạn trên hầu sự kiện lịch sử nầy được sáng tỏ hơn!

*  *  *

Tài liệu mà Hòa Thương Thích Như Điển tìm ra và bài viết của tác giả Trần Trung Đạo là những đóng góp tốt trong nỗ lực tìm hiểu lịch sử. Tôi trân trọng thái độ của hai vị đó trong “sự cố” Đức Dalai Lama bị vu khống về một tuyên bố mà Ngài không nói.  Và lại càng làm cho tôi thấy mình đúng hơn trong đánh giá những thành phần hoài-Ngô (như loại “chị Hoa Lan” trên Internet) đang làm nhiễu loạn thông tin do hành vi gian dối của họ.
Riêng về sự kiện chính phủ Việt Nam đã gửi cho chính phủ Ấn Độ 1,500 tấn gạo để cứu trợ dân tỵ nạn Tây Tạng vào đầu thập niên 1960, động thái đó vẫn không làm thay đổi được đánh giá của tôi về Công và Tội của ông Ngô Đình Diệm và các anh em của ông như một tập đoàn lãnh đạo chính trị ở thượng tầng quyền lực, và nền Đệ nhất Cọng Hòa như một chế độ chính trị tại miền Nam Việt Nam đang đối mặt sống chết với chế độ miền Bắc. Đánh giá đó của tôi, về đại thể, không khác lắm với đánh giá của hai người làm văn hóa đã từng sống (và một người đã  từng chết) dưới thời ông Diệm làm Tổng thống. Nên xin nhắc lại ở đây để kết bài:
Một người là ông Nhất Linh Nguyễn Tường Tam“Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử cả. Sự việc đem các đảng phái quốc gia đối lập ra xét xử là một trọng tội đối với quốc gia, chỉ đưa đất nước rơi vào tay Cộng Sản. Vì thế tôi tự hủy mình cũng như Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu là để cảnh cáo những ai chà đạp mọi thứ tự do.” [Tôi nhấn mạnh]
Và một người là ông Doãn Quốc Sỹ: “Bảo là người Mỹ đã giết Diệm. Không! Diệm đã chết trong lòng dân tộc từ lâu. Mỹ chỉ đến lượm xác sống của y.” [Tôi nhấn mạnh] [5]

NK/9-2014

CƯỚC CHÚ :
[1] Năm ban hành Hiến Pháp của Đệ Nhất Cọng Hòa cũng là năm tôi chuyển trường từ Pellerin (Huế) vào trường Bénilde ở Nha Trang. Frère Amédé, nghiêm khắc và trắng như một ông Tây, dạy kèm tôi Piano mỗi chiều thứ Bảy. Frère thường răn đe chúng tôi rằng “người đã gian dối thì việc ác nào họ cũng dám làm”. Bây giờ, Frère đã mất, ngôi trường cũ cũng không còn, nhưng lời dạy đó vẫn như một kim chỉ nam óng ánh trong đời tôi. Do đó mà cũng giống nhiều người khác, tôi rất ghét, và sợ, những kẻ gian dối.
 [2] Sau đó, vào ngày 28 tháng 7, tôi có liên lạc với “The Office of His Holiness The Dalai Lama” tại Himachal Pradesh ở Ấn Độ để xin xác nhận về tuyên bố của Ngài Dalai Lama tại chùa Viên Giác ở bên Đức vào tháng 3/2013. Nhưng, theo tôi đoán, với một lịch trình làm việc dày đặc của Văn Phòng, những vấn đề “ô trược” như thế nầy khó được các vị Tăng sĩ và Cư sĩ phụ tá của Ngài ưu tiên quan tâm đến. Cho nên đến khi viết bài nầy, tôi vẫn chưa nhận được hồi âm. Vã lại, trả lời của quý vị ấy, bây giờ đối với tôi, không còn cần thiết nữa. 
[3] Để tránh trường hợp vì không đọc bài của tôi trước nên có thể hiểu lầm khi đọc bài của tác giả Trần Trung Đạo, có 2 chi tiết nhỏ cần lưu ý bạn đọc: (i) Tĩnh từ “hoang đường” mà tôi dùng là để đánh giá chuyện kể của “chị Hoa Lan” chứ không phải để nhận xét tính hư thực của  chuyện ông Diệm tặng gạo. Và (ii), trạng từ “âm thầm” là của “chị Hoa Lan” Internet chứ không phải của tôi. 
[4] Đoàn Thêm, 1945-1964 Việc Từng Ngày Hai Mươi Năm Qua, Xuân Thu, Los Alamitos, trang 317:
[5] Người Việt Đáng Yêu, Nhà xuất bản Sáng Tạo, Sài Gòn, 1965. Đăng lại trên Tạp chí Việt Nam Hải Ngoại số 8, California, Hoa Kỳ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét