Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014


PHẬT GIÁO VÀ HÒA BÌNH CHÂN THỰC

Nguyên Giác


Phật Giáo là hòa bình, không chỉ riêng cho người tu học, mà cho cả xã hội. Và độc đáo là, trong một thế giới đầy khắp những cuộc thánh chiến, Phật Giáo vẫn tồn tại cũng là một hy hữu – và do vậy, nhiều nhà hoạt động trên toàn cầu đã tin rằng Phật Giáo có thể đóng một vai quan trọng trong việc gìn giữ hòa bình thế giới.

Tác nhân hòa hài của Phật Giáo là điều ai cũng thấy hiển nhiên, tuy rằng có nơi và có lúc, một vài Phật Tử cực đoan, trong một số hoàn cảnh cá biệt.

Phương pháp thiền chánh niệm của Phật Giáo cũng được nhiều chính phủ đem dạy trong quân đội, trong trạị tù -- những nơi đối diện với chiến tranh hay bạo lực, và nơi lòng người dễ bất an. Giá trị hòa bình của Phật Pháp đang được ca ngợi và tu tập ở nhiều nơi, trong nhiều cộng đồng.
Đó là điểm độc đáo của Phật Giáo. Chúng ta có thể nhớ rằng Tổng Thống George W. Bush đã hàm ý rằng cuộc chiến của ông ở Iraq là thiện chống lại ác, là lành chống lại dữ -- đó là ngôn ngữ Kinh Thánh, không phải ngôn ngữ bang giao quốc tế. Bởi vì, thiện và ác là hai kháí niệm trừu tượng, trong khi chiến tranh và hòa bình là những hoàn cảnh xã hội cụ thể của những dân tộc cụ thể, và của từng cá nhân cụ thể -- không có gì trừu tượng hay mơ hồ, nơi những người  tham dự thánh chiến đều nhân danh Thượng Đế của họ để đi tàn sát người thờ một đấng Thượng Đế khác.

Ngôn ngữ thánh chiến của TT Bush hiển lộ trong bài diễn văn ở Trường Võ Bị West Point năm 2002: “We are in a conflict between good and evil, and America will call evil by its name.” (Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến giữa thiện và ác, và Hoa Kỳ sẽ gọi cái ác bằng đúng tên của nói.)
TT Bush đã chỉ diễn lại từ Kinh Thánh Cơ Đốc, sách Romans 12:21:
Do not be overcome by evil, but overcome evil with good.” (Đừng để bị đánh bại bởi cái ác, nhưng hãy đánh bại các ác bằng cái thiện.”
Cũng trong Kinh Thánh, nơi sách Isaiah 5:20:
Woe to those who call evil good and good evil...” (Sầu khổ cho những ai gọi ác là thiện, và gọi thiện là ác...”
Trong tháng 6-2003, Tướng tình báo Hoa Kỳ William G. Boykin đứng thuyết trình trong nhà thờ Good Shepherd Community Church tại Sandy, Ore., chiếu các hình dương bản về Osama bin Laden, Saddam Hussein và Kim Jung Il (lãnh tụ Bắc Hàn), nói:
Why do they hate us? The answer to that is because we're a Christian nation.... We are hated because we are a nation of believers. Our spiritual enemy will only be defeated if we come against them in the name of Jesus.” (Tại sao họ thù chúng ta? Câu trả lời rằng, vì chúng ta là một đất nước Cơ Đốc... Chúng ta bị căm thù vì chúng ta là quốc gia của những người có đức tin. Kẻ thù tâm linh của chúng ta sẽ chỉ bị đánh bại nếu chúng ta nhân danh Chúa Jesus để chống lại họ.)

Câu hỏi là: Phật Giáo nằm ở đâu trong cuộc thánh chiến toàn cầu đó? Thực sự, trong tận cùng của Phật Giáo, cuộc “thánh chiến” thực sự nằm trong tâm của mỗi Phật Tử: họ luôn luôn phải giữ tâm chánh niệm, luôn luôn phòng hộ tâm ý để xa lìa tham sân si, luôn luôn thấy các pháp sinh khởi trong tâm và ngoài xã hội đều là do duyên mà khởi – và do vậy, họ sẽ tùy thuận nơi từng quốc độ họ cư trú, để dấn thân vào chợ theo cách riêng, và đó là khi Vua Trần Nhân Tông dẫn quân ra trận để đánh dẹp quân Bắc phương, và rồi về lại ở nơi một góc núi sân chùa.
Nghĩa là, Phật Tử không có thánh chiến theo nghĩa những cuộc thánh chiến đang diễn ra ở toàn cầu, và họ cũng không hề nhân danh bất kỳ một đấng nào để trừu tượng hóa một cuộc chiến dưới trần gian cho thành một cuộc chiến tìm lên cõi trời – nơi các khoa học gia như Albert Einstein cũng đã nói thẳng rằng không hề có Thượng Đế nào tạo ra thế gian này cả.
Do vậy, với đặc tính hòa binh và khoa học, Phật Giáo đã hiển lộ với sức quyến rũ lớn đối với giới trí thức, từ lĩnh vực khoa học cho tới nghệ sĩ.

Vấn đề là, giữa những cuộc thánh chiến, khi nhiều tôn giáo bị các chính phủ vận dụng và  lèo lái (1), Phật Giáo có thể làm được hay không để tự hòa nhập với dân tộc trong mọi quốc độ, để gìn giữ cho dân tộc đó không tham dự một số cuộc thánh chiến lẽ ra có thể tránh, hay để có thể làm hòa cho những cuộc thánh chiến đó? Đó là vị trí cực kỳ khó, và không ai có thể trả lời được.
Và vấn đề nữa, khi giới trí thức Châu Âu, Hoa Kỳ và Ả Rập bám lấy chiếc phao Phật Giáo, họ có thể sẽ hội nhập vào Phật Pháp thêm những điểm nhìn của Cơ Đốc Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, vân vân. Đó là lý do có các danh từ mới, như: chữ JewBu, còn gọi là JuBu, là viết tắt của Jewish Buddhist, chỉ người gốc Do Thái Giáo tu thêm một số phương pháp Phật Giáo, hay đã quy y thành Phật Tử.
Một điều cũng nên suy nghĩ: giáo lý hòa bình của Phật Giáo có thể được các chính phủ địa phương vận dụng, hội nhập với các tín ngưỡng khác ở địa phương để khắc phục cái hung hăng ở các tôn giáo khác và để dùng như một phương tiện để trị an xã hội?

***

Có thể nhìn thấy một thí dụ ở Trung Quốc, nơi chế độ chính thức vẫn là vô thần, và vẫn một quốc gia theo chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nhà nước Bắc Kinh nhìn thấy cần phải dựa vào Phật Giáo để làm cho hòa hài xã hội. Một phần, để dễ dàng làm cho an lòng dân ở Tây Tạng, và cũng để có thể kết hợp lòng dân Hoa Kiều toàn cầu, kể cả để vuốt ve nhà nước Đài Loan.

Khi hai tượng Phật khổng lồ có từ thế kỷ thứ 6, nơi vách núi Bamiyan, miền Trung Afghanistan, bị quân Taliban dùng mìn phá hủy vào tháng 3-2001, cả thế giới văn minh sững sờ... Nhà nước Trung Quốc ngay lập tức nghĩ ra một độc chiêu: cho hàng trăm thợ đá, tạc một pho tượng Phật khổng lồ theo mô hình Bamiyan ở Leshan, tỉnh Sichuan.(2)
Bạn có thể nghĩ rằng chính phủ TQ giỏi nghề làm hàng copy, hay có thể nghĩ rằng đây là cách để tăng thương vụ du lịch. Nhưng nếu chúng ta thấy các võ tăng Thiếu Lâm lưu diễn khắp toàn cầu, nhiều người chúng ta có thể nghĩ rằng nhà nước TQ đã trở thành Phật Tử thuần thành, hay ít nhất cũng đang diễn trò vận dụng tôn giáo để trị an xã hội.

Cũng nên nhìn từ chiều ngược lại: nhà nước Trung Quốc đã từng cáo buộc nhiều Linh mục Thiên Chúa Giáo làm gián điệp cho Sở Tình Báo Hoa Kỳ OSS (tiền thân của CIA) từ cuối thập niên 1930s.
Xem trang 150 của sách “A New History of Christianity in China,” tác giả Daniel H. Bays, nêu cụ thể trường hợp Linh mục Vincent Lebbe và LM Thomas Megan được Sở OSS tuyển dụng (và đó cũng là một lý do TQ cấm Đạo Thiên Chúa La Mã hoạt động).
  


Chính những kinh nghiệm quá khứ đã cho Bắc Kinh thấy  rằng CIA hiện nay vẫn có thể sử dụng những phương pháp cũ, hoặc sẽ có thể vận dụng các tôn giáo  mới để làm suy yếu chế độ. Do vậy, dễ hiểu tại sao Bắc Kinh chụp ngay cơ hội làm tượng Phật, và vẫn luôn luôn tổ chức nhiều lễ hội Phật Giáo để an toàn trăm bề, và được tiếng lành hy vọng đồn xa, trong khi vẫn bàn tay sắt với người Tây Tạng.

***

Trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi Giáo ở Bắc Phi và Trung Đông, tôn giáo có bị vận dụng hay không? Đó lại là chuyện khác, nơi đây, chúng ta muốn nêu nghi vấn rằng, giáo lý hòa bình của Đức Phật có được sử dụng trong cuộc chiến chống Hồi Giáo cực đoan hay không? Chính xác, chúng ta không biết rõ câu trả lời.
Tuy nhiên, có thể có trường hợp nào Phật Giáo đã được hội nhập với Hồi Giáo để trở thành những nguyên tắc sống mới, cho hòa bình hơn? Nghĩa là, kết hợp giáo lý (hay bóp méo giaó lý?) vì những mục tiêu trần gian? Hay vì một trực giác tâm linh của một thế hệ mới trong thời của thánh chiến này?

Về phương diện học thuật, đã có một tác phẩm quan trọng, tựa đề “Common Ground Between Islam and Buddhism” (Điểm Chung Giữa Hồi Giáo và Phật Giáo) của Reza Shah Kazemi (tốt nghiệp Tiến sĩ Tôn giáo Đối chiếu ở University of Kent, Hoa Kỳ năm 1994).
Làm sao có thể tìm được điểm chung giữa kháí niệm Thượng Đế trong Hồi Giáo với bất kỳ khái niệm nào trong Phật Giáo, một tôn giáo không công nhận có Thượng Đế?
Tuy nhiên, trong thời thánh chiến bùng nổ khắp nơi, những cuộc đối thoại tôn giáo liên tục được thực hiện, lý tưởng hòa bình và phương pháp tu học hòa bình của Phật Giáo đã nổi bật, và đã trở thành chiếc phao cho tất cả các quốc gia đa tôn giáo bám víu, nếu không công khai như ở Trung Quốc thì cũng lặng lẽ như ở Singapore.

Tác phẩm của Kazemi đã đáp ứng nhu cầu nhấn mạnh yếu tố hòa bình vào các xã hội có khuynh hướng Hồi Giáo. Sách này có lời giới thiệu của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời 14, và lời giới thiệu của Hoàng Tử Ghazi bin Muhammad, người ở vị trí Cố Vấn Tối Cao về Tôn Giáo của vua Jordan.   
Học giả Elena Lloyd-Sidle nhận định về cuốn sách trên:
Although Buddhism is clearly non-theistic, the ultimate Reality affirmed by Buddhist thought, and the supreme goal sought by it, is proposed to correspond closely with the Essence (al-Dhāt) of God in Islam.” (Mặc dù Phật Giáo hiển nhiên là phủ nhận Thượng Đế, nhưng công nhận có Thực Tại tối hậu và đó là mục đích tối cao để phải tìm đến – nơi này [trong sách Kazemi] được giải thích là có nghĩa rất gần với Yếu Tính của Thượng Đế trong Hồi Giáo.)  
Có đúng như thế không? Hẳn là nhiều Phật Tử không đồng ý. Nhưng nhiều học giả Tây Phương  muốn nói như thế, và trong các hội nghị liên tôn, các khái niệm nhấn mạnh tới hòa bình trong Phật Giáo (và dĩ nhiên, cả trong Hồi Giáo) đều được nhấn mạnh nhiều hơn là nói tới dị biệt.
Đặc biệt, Kazemi cũng có tác phẩm biên khảo về một hệ phái Hồi Giáo, tưạ đề "Sufism: Love and Wisdom" (Hồi Giáo Sufism: Yêu Thương và Trí Tuệ) in năm 2006.
Tựa sách hiển nhiên là rất Phật Giáo, kiểu Phật Tử ưa nói, là từ bi và trí tuệ.
Chưa hết, Kazemi còn có một bài viết năm 2011 trên tạp chí Religions (tạp chí cổ vũ hòa đồng liên tôn), tưạ đề "Loving Compassion in Islam and Buddhism: Rahma and Karunā" (Yêu Thương Từ Bi trong Hồi Giáo và Phật Giáo: Rahma và Karuna).

Những công trình như thế rất tốt cho hòa bình thế giới. Nhưng câu hỏi là, giáo pháp Đức Phật có thể sẽ tới một lúc bị hiểu nhầm, bị ngộ nhận không?
Đó cũng nên là quan tâm của người học Triết Học.
Trên tập san Triết học (triethoc.edu.vn) ngày 26-3-2014, học giả Bùi Văn Nam Sơn có bài viết tựa đề “Từ hậu - hiện đại đến hậu hậu - hiện đại trong tư tưởng tôn giáo,”  trong đó cũng nói về một số khuynh hướng tôn giáo mới.
Bài này đăng lại trên báo Văn Hóa Nghệ An ngày 19-4-2014.
Thực ra, nguyên khởi bài này đượtác giả họ Bùi ghi là “Bài tham luận hội thảo quốc tế: Chủ nghĩa Hậu hiện đại và tôn giáo mới, tổ chức tại Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ngày 14.06.2013.”
Như thế, qua hội thảo quốc tế này, chính phủ và học giới VN cũng bộc lộ quan tâm về hiện tượng các tôn giáo mới.

Tác giả Bùi Văn Nam Sơn đặc biệt giớí thiệu với học giới VN về 3 trào lưu tôn giáo mới.
Theo tác giả:
Cả ba tìm cách tích hợp khoa học, lý tính và tâm linh theo cách mới mẻ, bằng cách nối kết tính khách quan của khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn và tâm lý học với tính chủ quan phê phán hậu-hiện đại.”
Trong đó, người học Phật có thể chú ý đặc biệt tới, trích:
A. H. Almaas[7], với cách “tiếp cận Kim Cương”, tìm cách mở ra con đường tâm linh hiện đại tích hợp các truyền thống minh triết Đông-Tây với tâm lý học miền sâu, dành sự chú ý đặc biệt đến cách thức trải nghiệm cá nhân về Bản chất đích thực của Tồn tại. Trong khi Tồn tại là bản tính đích thực của thực tại thì Bản chất là phần tồn tại tạo nên bản tính đích thực của cá nhân. Nó phải được thể nghiệm trong Hiện tại với nhiều chất lượng phương diện khác nhau như từ bi, cương nghị, ý chí, an lạc, v.v…”(hết trích)
Ghi chú [7] được họ Bùi ghi chú là:
[7] Xem: A. H. Almaas: Essence: The Diamond Approach to Inner Realization, 1986.”
Tưạ sách trong ghi chú trên có thể dịch là “Yếu Tánh: Phương Pháp Kim Cương để Nội Chứng,” in năm 1986.
Nghĩa là, mới đọc tựa sách, đã thấy ngay ngôn ngữ Phật Giáo Tây Tạng. Nhưng có phải đây là đúng là Phật Giáo Tây Tạng?
Tác giả A.H. Almaas hiện cư ngụ ở Hawaii, ngoài việc viết sách, rao giảng tôn giáo riêng, ông cũng mở các khóa nhập thất.
Khóa nhập thất sắp mở vào cuối tháng 5-2014 có tên là “Quasar 2014 Retreat: Tantra of Everyday Life” (Nhập Thất 2014 Thiên Hà: Mật Pháp của Đời Sống Hàng Ngày).
Ngôn ngữ rất đặc chất Phật Giáo Tây Tạng.

Đạo sư này tên thật là Hameed Ali, sinh năm 1944 tại  Kuwait (quốc gia Ả Rập này có 60-70% là Hồi Giáo Sunni, và 30-40% là Hồi Giáo Shias), vào Mỹ năm 18 tuổi. Khi ghi danh học bậc Tiến Sĩ ở đại học UC Berkeley, đột nhiên ông chuyển hướng tâm linh. Và bây giờ, ông rao giảng một tôn giáo kiểu như tổng hợp giữa Hồi Giáo và Phật Giáo.
A. H. Almaas đã viết một bài tưạ đề “God as Essence” (Thượng Đế là Yếu Tính) trên trang web riêng của ông, được ghi là trích tứ sách “For the Love of God” (Vì Lòng Yêu Thương Thượng Đế) in năm 1990, trong đó có hội nhập một số yếu tố ngộ nhận Phật Giáo như Kazemi (đã nêu trên):
I was brought up, in a Muslim community, with a belief in God...
... Essence is not something we have to work toward, for it is what we truly are...
... this presence revealed itself to be the inner nature of everything, and I began feeling more and more that this living conscious-ness, this pure essence of being, was God. I called it Truth, Reality, Being, or God...
...God can be seen in His beingness and God can be seen in His essence.”(hết trích)
Dịch:
“Tôi trưởng thành trong một cộng đồng Hồi Giáo, với niềm tin vào Thượng Đế...
...Bản tánh không phải là cái gì chúng ta phải làm cho ra, mà nó chính là cái chúng ta thực sự là... Hiện thể này tự hiển lộ nó để là bản tánh bên trong tất cả, và tôi đã bắt đầu cảm thấy mạnh mẽ hơn rằng cái ý thức sinh động này, cái yếu tánh trong sạch của hữu thể, chính là Thượng Đế. Tôi gọi đó là Sự Thật, Thực Tại, Hữu Thể, hay Thượng Đế...
...Thượng Đế có thể được thấy trong Sự Hữu của Ngài, và Thượng Đế có thể được thấy trong Yếu Tánh của Ngài.” (hết dịch)

Đó cũng là ngô nhận rất lớn của rất nhiều học giả (và đạo sư) quốc tế khi nói về  Phật Giáo. Cả Kazemi và Almaas cũng muốn đồng nhất Phật Tánh với Thượng Đế. Có thể đây là nhu cầu liên tôn cần ngăn chận thánh chiến từ những người Hồi Giáo cực đoan? Hay chỉ là ngộ nhận vì họ thực sự không hiểu và không trải qua những kinh nghiệm tu học Phật pháp?
Hãy nhớ rằng, Cơ Đốc Giáo và Hồi Giáo tin rằng: Thượng Đế sinh ra vũ trụ.
Hãy đọc kỹ đoạn văn vừa dịch trên, chúng ta thấy ngay rằng các học giả quốc tế đã ngộ nhận về Phật Tánh, còn gọi là Bản Tánh, hay Tự Tánh, khi họ cho đồng nghĩa với Thượng Đế. Điều nguy hiểm là, Almaas đang sử dụng ngôn ngữ Phật Giáo Tây Tạng, như chữ “Kim Cương” hay chữ “Tantra”...

Thực sự, Bản Tánh không hề sinh ra vũ trụ nào hết, cũng không là bất kỳ pháp nào hết.
Mà căn bản là: tất cả các pháp, tất cả vũ trụ, tất cả đều do duyên sinh ra.  Lý duyên khởi đã nói rằng không hề có pháp nào độc lập tự hữu. Nếu không tin lý duyên khởi, tất cũng sẽ không tin Tứ Thánh Đế, và không còn gì là Phật Pháp.
Do vậy, nói Bản Tánh, hay nói Tự Tánh, chỉ có nghĩa là Vô Tự Tánh. Vì làm gì có pháp nào tự sinh, tự hữu. Lý duyên khởi này còn được xương minh là Tánh Không, hay Không Tánh. Và hoàn toàn không có nghĩa là có cái Tánh Không nào tự hữu.
Nếu nói rằng Phật Tánh đồng nghĩa Thượng Đế, hẳn là phá hoại Phật pháp vậy.
Do vậy, nếu nói Phật Tánh là có, tất là sai; nếu nói Phật Tánh không có, tất cũng sai. Ngôn ngữ này phải lìa tứ cú. Trong khi đó, nếu bạn nói rằng “nếu nói Thượng Đế là có, tất là sai,” thì người Hồi Giáo cực đoan có thể chặt đầu bạn liền.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhiều lần giảỉ thích minh bạch, nhưng các học giả (và đạọ sư) quốc tế không chịu đọc (và học) kỹ.

Trong bản tin tựa đề “The Essence of Emptiness” (Cốt Tủy của Tánh Không), ngày 30-10-2011, kể chuyện Đức Đạt Lai Lạt Ma thăm Nhật Bản, dạy về Bát Nhã Tâm Kinh (Heart Sutra).
Trích dịch như sau:
Dĩ nhiên, Tánh Không  không giống như không có gì hết, Ngài nhấn mạnh... Ngài nói, ‘Nếu tôi đang ngồi ở đây, nơi đâu là Đạt Lai Lạt Ma? Phần nào của tôi là Đạt Lai Lạt Ma? Và nếu bạn nghĩ về bạn, phần nào là bạn? Nơi nào cái ‘bạn’ đó  từ đâu tới? Có phải là thân xác của bạn? Hay tay bạn? Hay tâm bạn?
...
Nếu bạn ghét ai đó, nơi nào là người đó? Phần nào trên cơ thể đó là người đó? Nó hầu như chỉ trong đầu của bạn. Và tương tự, [hãy tự nêu câu hỏi như thế] khi bạn thương ai đó. Nếu bạn ghét ai đó, chúng ta có thể gần như nói, ai là ‘bạn’ và ai là ‘người kia’? Tự do tới chỉ khi bạn cắt bỏ ảo giác và sự phóng chiếu
...
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, ‘Dính chấp vào cái hiển lộ có vẻ là thật là điều làm cho tâm chúng ta không sáng suốt. Và cũng vậy, là cái in hình của cái hiển lộ như là thật.’
Khi một cậu bé hỏi, là hai hình ảnh phóng chiếu đó có thể kết làm bạn hay không, Đức Đạt Lai Lạt Ma đàò sâu cuộc thảo luận về các pháp hiện ra như nó là. Ngài nói, ‘Chúng ta vừa ăn trưa xong, và đó là có thật. Và cũng có thật là thân xác vừa mới ăn trưa đó. Nhưng nếu quý vị đi tìm cái tự ngã, sẽ không tìm được ở nơi đâu.
...
 ‘Đôi khi chúng ta cực kỳ giận dữ  đối với ai đó, thậm chí thù nghịch nữa. Nhưng chính xác là, chúng ta giận nhắm vào đâu? Thân xác người đó? Hay tâm người đó? Thực sự, người chúng ta ghét đó không hề hiện hữu. Người này gọi là kẻ thù: người đó ở đâu? Khi chúng ta khảo sát chân thực, chúng ta không thể tìm ra hắn...
...
Ngài kết luận: ‘Bản tánh của Tánh Không là, tất cả các pháp đều tùy thuộc vào tất cả các pháp khác. Và tại Nhật Bản, các bạn có nền khoa học cao cấp, nhưng các bạn không thể mua hòa bình nôi tâm bằng khoa học. Các bạn phát minh ra nhiều máy ảnh, nhưng máy ảnh không chụp được tâm của bạn. Chưa đâu!
Khi một người đàn ông từ đại chúng hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma về vô thường, trong tương quan tới trận động đất ở Nhật bảy tháng trước, Ngài nói rằng có hai mức độ vô thường” cái thứ nhất thấy được, hiển nhiên. Nhưng vô thường cũng đang xảy ra, từ từ, từng giây đồng hồ. Do vậy, cái thấy rõ chỉ là một hiển lộ đột ngột của cái đang luôn luôn diễn tiến. Ngài nói, ‘Trí tuệ về Tánh Không đôi khi được ví như mẹ của Phật Giáo, trong tất cả mọi thừa, mọi tông phái. Còn Bồ Đề Tâm, tức lòng từ bi, là cha...” (Bản gốc ở đây: http://www.dalailama.com/news/post/762-the-essence-of-emptiness)

Nhắc lại chỗ Đức Đạt Lại Lạt Ma nói, bản tánh của Tánh Không là tất cả các pháp đều tùy thuộc vào tất cả các pháp khác. Câu nói này là lý duyên khởi, là phủ nhận rốt ráo mọi kháí niệm Thượng Đế của Cơ Đốc hay Hồi Giáo.
Phương pháp Đức Đạt Lai Lạt Ma hướng dẫn trên gọi là “analytical meditation” (thiền phân tích), dùng nhiều câu hỏi để khảo sát tâm mình.
Điều cũng cần cảnh giác rằng, nhiều đạo sư đang có khuynh hướng nói rằng đạọ nào cũng là đạọ, và tất cả các đạo đều nói như nhau về nguyên lý tối hậu. Nhưng thực sự là khác hẳn: Phật Giáo là dùng lý duyên khởi, và do vậy sẽ là sai nếu có ai nói rằng Phật Tánh cũng là Thượng Đế.

Hãy nhớ rằng, hòa bình chỉ thực sự có khi mọi người cùng nhận ra Tánh Không của các pháp, tất nhiên lòng căm thù không còn nữa, vì không thấy có ai thù ghét và không thấy có ai bị thù ghét.
Trong khi tất cả những người tin vào Thượng Đế đều có lý do để nhân danh đấng tối cao đó để tàn sát, để thánh chiến.
Ngắn gọn, Phật Giáo mới là hòa bình thực sự.


GHI CHÚ:

(1) Sở Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ CIA đã rải Kinh Thánh Cơ Đốc trong vùng Đông Dương, và đã dùng một số giáo sĩ làm tai mắt... (Thiện Pháp. Nhìn Về Ảnh Hưởng Tôn Giáo. Link: http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-94_14-1_5-50_6-1_15-1_4-20290_17-94/nhin-ve-anh-huong-ton-giao.html#detail)

(2) BBC, Oct 5, 2001: Buddha rises again. (http://news.bbc.co.uk/2/hi/south_asia/1581411.stm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét