Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

AI GÌN GIỮ TÂM NGUYÊN SƠ…

Nguyên Giác


 Đức Đạt Lai Lạt Ma, tuyệt vời. Tôi có nhiều cơ duyên với ngài... ngay cả từ thời rất là thơ trẻ, khi còn ở trong nước và khi chỉ mới đọc các bài báo sơ sài về ngài. Đất nước Tây Tạng và vị lãnh đạo này là một thế giới kỳ bí, không chỉ vì xa xôi cách biệt nhưng cũng vì niềm tin của dân tộc này rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma là hóa thân của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.
Tôi dễ dàng tin rằng các sư Tây Tạng có phép thuật thần thông, rằng pháp ngồi thiền cho tuyết rơi phảỉ tan chảy, hay chạy như bay trên các rặng núi là chuyện bình thường của các sư Tây Tạng, và do vậy Đức Đạt Lai Lạt Ma phải là tuyệt vời lắm. Dần dà, ra hải ngoại, đọc nhiều hơn, bản thân mưu sinh bằng việc dịch thuật tin tức, và rồi một số cơ duyên gặp ngài trực tiếp (nghề viết báo, vui là thế), lòng tin thơ trẻ năm xưa trở thành lòng yêu thương và kính trọng nhân vật kỳ bí đời thứ 14 này, kể cả khi ngài nói rằng ngài chỉ là một vị sư đơn giản, a simple monk, và mới đây là khi ngàì tuyên bố kết thúc truyền thống Đạt Lai Lạt Ma của Phật Giáo Tây Tạng.
Cũng như mọi đứa trẻ, tôi vốn ưa thích những chuyện kỳ bí. Thời mới 4 tuổi, tôi bị bệnh ghẻ nhiều kinh khủng, đưa tới nhiều bác sĩ chữa hoài không hết, rồi được mẹ dẫn tới một ngôi đền lên đồng ở đường Nguyễn Thông nối dài, khu này ngày xưa gọi là xóm Chuồng Bò, kế bên mấy ruộng rau muống. Bây giờ, nghe nói, quận 3 Sài Gòn không còn ao ruộng gì nữa, vì nhà dựng lên chi chít.
Tôi nhìn thấy lễ lên đồng nơi đây lần đầu tiên trong đời, và cũng là lần cuối trong đời. Sau khi múa hát, một vị cầm dao, kiếm, đâm xuyên  hai bên má, không thấy máu chảy hay đau đớn gì. Tôi kinh ngạc nhìn. Rồi vị pháp sư tới thắt dây ngũ sắc cho tên nhóc đầy bệnh ghẻ, nói với mẹ tôi là lễ chữa bệnh xong rồi. Vậy mà hết ghẻ. Nhưng tôi sau này nghĩ lại, vì lúc đó dì tôi đã hái lá ổi hàng ngày tắm cho tôi. Mẹ nói, có khi vì lá ổi mà hết ghẻ.
Chuyện kỳ bí nữa: tôi học môn võ Thần Quyền. Cũng lạ, vì những cơ duyên này trực tiếp cho tiếp cận với thế giới phi nhân, qua những câu thần chú được nói là của các ông Lục Khmer. Rồi tôi rời bỏ môn võ này, vì tự nhiên thấy là không phải, vì thấy hình ảnh Đức Phật ngồi dưới cội Bồ Đề đẹp quá, không dính gì tới cõi quơ tay múa chân này.
Tôi lại mua cuốn sách, tập Hatha Yoga, và tập pháp thiền Raja Yoga theo sách này.  Rồi trì chú Đại Bi theo hướng dẫn của một số thầy. Rồi sách Thiền in nhiều hơn, với các sách Thiền dich ra Việt ngữ bởi Trúc Thiên, Tuệ Sỹ, và nhiều vị khác. Rồi tập Thiền Chỉ Quán theo một cuốn sách nhỏ, bây giờ quên tên rồi, nhưng kinh nghiệm nàỳ thật tuyệt vời khi tự nhiên nhớ chữ Thể Chơn Chỉ trong sách này, tâm bất ngờ như bật sáng.
Để rồi tuyệt vời là khi gặp Thầy Tịch Chiếu ở Chùa Tây Tạng Bình Dương. Chỉ nói rằng, phải Thấy Tánh trước, rồi mới tu sau.Thầy nói ít, kể cả khi nói rằng pháp Tổ Sư Thiền này thực ra là không tu gì hết, hay chỉ là tu cái không tu, trong khi vị sư đệ của Thầy là HT Thường Chiếu ở Đồng Ông Cộ (Gia Định) lại nói nhiều hơn.  Trong đó, có hai vị sư huynh cùng thầy của tôi nơi đây, bây giờ cũng là người viết nhiều về Phật Pháp, là anh Nguyễn Thế Đăng (nhà sư, trụ trì một cái am nhỏ ở ngoại ô Sài Gòn, nhưng bút hiệu chỉ dùng tên đời) và Cư sĩ Thanh Liên, cũng là một người tích cực trong nhóm Viet Nalanda.
*
Bây giờ, đọc nhiều hơn, và đọc các nguyên bản tiếng Anh những lời dạy từ Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14, thấy rằng cốt tủy Phật Giáo Tây Tạng đúng là dạy như thế, theo lời ngài: Đạo Phật giảỉ thích rằng, tất cả các thức hay tất cả các tâm  sở đều ở trong bản tánh trong suốt và chói sáng (According to Buddhism, all consciousness or all cognitive mental events are said to be in the nature of clarity and luminosity) -- Buổi thuyết pháp các ngày 11-14 tháng 10-1991 tại New York City.
Thực ra, Đức Đạt Lai Lạt Ma trong những buổi thuyết pháp, và trong nhiều sách khác nhau, cũng dạy rất nhiều phương diện khác nhau của Phật Giáo. Kể cả các phương diện kỳ bí, tôi biết như thế, sau khi quen với nhà sư Geshe Tsultim Gyeltsen ở Long Beach, người từng được xem như Bộ Trưởng Ngoại Giao của Đức Đạt Lai Lạt Ma khi tiếp cận với phương Tây, và rồi trở thành bạn thân với Giáo Sư Tenzin Dorjee ở CSU Fullerton, một vị sư trở về đời thường và là người thông dịch cho nhiều buổi thuyết pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Hoa Kỳ.
Bởi vậy, cho xóa sổ truyền thống Đạt Lai Lạt Ma là một sự kiện lớn. Nhưng tôi không bất ngờ, vì hoàn cảnh chính trị là thế, và vẫn nhìn thấy rằng ngài sống y hệt như các vị sư thời Đức Phật, cũng khuyến tấn y hệt thời xưa như thế: sống xa lìa tham sân si.Nghĩa là, sống với Niết Bàn tự tâm.
Tôi sống bằng nghề làm báo, nên sóng gió đời thường nhiều lắm, chỉ lấy Phật Pháp làm niềm vui tối thượng. Nhiều khi, chỉ vì vài lỗi in ấn, như bản tin bị mất phần sau hay cách viết khó hiểu, hay các lỗi tương tự... là bị độc giả điện thoại vào, rầy mắng liên tục. Họ bỏ ra 25 cents mua báo, và có quyền như thế; đây cũng là đất nước của tự do. Thêm nữa, mỗi lần thấy một Linh mục hay Mục sư bước vào tòa soạn, nhờ phỏng vấn cho một sự kiện, tôi rất mực trân trọng vì không muốn độc giả nào nghĩ rằng có sự kỳ thị nào nơi đây.
Việc hằng ngày, dĩ nhiên, mang tính trần gian. Làm việc mệt nhọc, có khi 12 hay 14 giờ/ngày, niềm vui thường là khi gặp bạn trong giới văn học, khi thấy những bài thơ hay, khi đọc được truyện ngắn xuất sắc. Tất nhiên là cũng tự biết đang gây nghiệp thường xuyên; cho dù đã tránh né rất cẩn thận, nhưng khi viết về đời thường chính trị, xã hội... tôi vẫn dùng lối văn giễu cợt, chọc quê.  Thực sự, viết phê bình chuyện đời thường mà chữ nghĩa trang nghiêm như đang dịch kinh thì chẳng ai đọc; báo sẽ dẹp tiệm sớm. Tôi hoàn toàn đồng ý với câu người xưa nói rằng trong sách có thiếu nữ mặt đẹp như ngọc; đúng ra, văn chương còn đẹp hơn nhan sắc phụ nữ gấp nghìn lần. Do vậy, niềm vui cũng là những khi tôi dịch sang Anh văn các tác phầm của Inrasara, của Nguyễn Lương Vỵ, của quý Thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh, TT Thích Nhật Từ. ..
Riêng về lần dịch một tập thơ của Nguyễn Lương Vỵ (những dòng thơ tôi tin là hay như, hoặc hay hơn thơ Bùi Giáng), tôi tự buộc mình như nhập thất suốt nhiều tháng, mỗi ngày ăn rất ít, đi làm về là mở máy tính, vừa ngồi gõ, vừa quán tâm mình liên tục... vì tôi nghĩ, dịch thơ tên này có thể kéo mình xuống địa ngục. Thí dụ, mấy câu này của Vỵ chẳng đạo học tí nào, và rất mực là đau đớn trần gian:
Rồi thôi, đôi mắt ướt ngàn thâu
(Chẳng cần lãng mạn quái gì đâu!)
Phố chợ, tiếng rao khuya xót ruột
Âm rách vai, gió thốc trong đầu…
Và tôi (khổ quá, phải làm sao cho nó có tính xuất thế gian, dù là bất toàn) dịch là:
oh gone, the misty eyes of a thousand years
(needless to be romantic at all!)
the town grieves over the yelling of street vendors at night
the voice pierces shoulders, the wind blasts in the heads...
Nhưng chuyện trần gian đầy những đau đớn hàng ngày như thế, làm sao để có thể dìu nhau tới bờ giải thoát? Những khi suy nghĩ như thế, tôi lại nhớ tới ngài Đạt Lai Lạt Ma đang bước đi giữa cõi trần gian rất mực đau đớn.
*
Và hàng ngày, trong đời thường, khi ngồi đọc hàng trăm bản tin, chọn tin, dịch tin, dò lỗi, suy tính ưu tiên các bản tin – nghĩa là đủ thứ bản tin về tham sân si đời thường, từ hình sự tới đủ thứ... --  trong cả những lúc gần như kiệt sức mỗi buổi chiều, hay cả những lúc ứa nước mắt khi đọc tin quê nhà, tôi vẫn nhớ tới bản kinh trong Tương Ưng Bộ nói về tiêu chuẩn của người tu học: phảỉ xem tâm mình có khởi lên tham sân si hay không.
Kinh này là SN 35.152, tựa đề “Atthinukhopariyaayo Sutta: Is There a Criterion?”  dịch bởi
Maurice O'Connell Walshe (1), và Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch là “Có Pháp Môn Nào?” trong đó Phật dạy về cách nhìn tâm:
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, hoặc nội tâm có tham, sân, si, biết rõ: "Nội tâm ta có tham, sân, si"; hoặc nội tâm không có tham, sân, si, biết rõ: "Nội tâm ta không có tham, sân, si". Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, hoặc nội tâm có tham, sân, si biết rõ: "Nội tâm ta có tham, sân, si"; hoặc nội tâm không có tham, sân, si biết rõ: "Nội tâm ta không có tham, sân, si"...” (2) – Tương tự với tai, mũi, lưỡi, chạm xúc, thức...
Như thế, câu hỏi là, có những khoảnh khắc trong ngày, chúng ta thấy tâm mình không tham, không sân, không si... có phải đó là khoảnh khắc của Niết Bàn? Có phải giây phút đó là Thấy Tánh hay đốn ngộ  (nếu muốn sử dụng chữ này)?  Không dám khẳng định. Tôi luôn luôn cố gắng sống với tâm của một đứa trẻ sơ sinh, dù là đọc và học rất nhiều, và vẫn tránh chuyện tranh cãi, vì cần để tâm lực cho quá nhiều chuyện đời thường trong ngày. Tâm trẻ sơ sinh là không trụ tâm vào đâu cả, là vô sở trụ, tôi tập như thế từ lâu rồi, dù là vẫn đang làm mọi thứ phải làm trong đời.
Nói đơn giản là không tham sân si, nhưng khó vô cùng tận. Bởi vì trong cõi Bolsa này, bên cạnh chuyện cạnh tranh thương mại, đặc biệt là trong giới truyền thông và nghệ sĩ, chỗ nào cũng toàn là tuyệt sắc giai nhân. Có những khi nhấc điện thoại lên, có những người có giọng nói ru hồn người. Chiều về, sau khi tơi tả vì những trận mưa chữ Việt, chữ Anh hàng ngày, tôi lại nằm như chết, để toàn bộ thân và tâm như chết. Đây là cách rất hiệu quả: Tôi nằm duỗi thẳng người, hình dung rằng mình đã chết từ đầu tới chân, tất cả các tâm niệm biến mất, bắp thịt toàn thân thư giãn ra, chỉ còn luồng hơi thở phập phồng, dịu dàng. Thực sự, quen rồi, tâm thức về cái chết toàn thân này cũng dễ dàng hiện ra khi đi đứng nằm ngồi. Sau này, tôi đọc thấy ngài Milarepa (1052-1135) cũng từng dạy  cách này. 
Tôi nghĩ, hầu hết, khi niệm chết như thế, các niệm tham sân si biến mất. Nhưng nghĩ cho kỹ, cũng là một phần của pháp niệm hơi thở. Đoán như thế thôi, vì tôi không học Kinh Phật theo lối chính quy. Thường chỉ ưa đọc các bản tiếng Anh, vì dễ đối chiếu nhiều bản dịch khác nhau, qua công cụ tìm kiếm ở Internet. Thêm nữa, phải đối chiếu, vì đã thấy rằng dịch là công việc gian nan, không dễ gì dịch cho tuyệt hảo được, khi tôi dò 24 bản Anh dịch của 4 câu trong Kinh Pháp Cú. (3)
Tôi cũng từng tập Thiền Tứ Niệm Xứ. Ngài Đạt Lai Lạt Ma cũng dạy về Tứ Niệm Xứ. Trong đó có bản Anh dịch, tóm lược một khóa tu năm 2002 lưu ở Văn Khố Berzin, người biên tập là Sư Thubten Chodron.  Như thế, phức tạp quá. Thế nên, tôi thích nhất là cuốn “Mindfulness in Plain English” (Chánh Niệm Hướng Dẫn Bằng Tiếng Anh Đơn Giản) của nhà sư Tích Lan Bhante Gunaratana.
Đức Phật đã tách ra làm 4 phần khi tu Chánh Niệm, Mindfulness: Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Nghĩa là từ gần nhất là quán sát thân mình, trong đó rất mực gần và dễ nhận nhất là niệm hơi thở, như thế, tôi đã tập từ thời tập theo sách Thiền Chỉ Quán. Tới xa hơn là niệm thọ, rồi tới niệm tâm (chỗ này trừu tượng hơn, vì là dò xem dấu chân trâu), rồi niệm pháp... là xa và trừu tượng hơn. Nhưng rồi, tôi niệm gì, rồi cũng thấy là mình đang niệm tâm mình; hễ nhìn thấy bất kỳ những gì hiện ra trước mắt đều thấy tức khắc là hiện trong tâm mình, hễ nghe thấy bất kỳ tiếng nào bên tai là tức khắc nhận ra tâm mình đang hiển lộ...
Cuối cùng, tôi thích nhất là đơn giản hóa mọi chuyện, là cách nhận ra bất kỳ những gì khởi trong tâm mình. Sau này đọc nhiều, cũng thấy nhà sư Tây Tạng Thrangu Rinpoche nói tương tự: “Thiền định không phải là để thêu dệt hay để củng cố trạng thái [tâm] đặc biệt nào, nhưng chỉ đơn giản là tập kỹ năng nhận biết bất cứ những gì khởi lên trong tâm.” (Meditation is not supposed to be the fabrication or the reinforcement of some particular state, but simply the cultivation of the awareness of whatever is arising in the mind.) Chỉ nhận biết, và không trụ tâm vào đâu.
*
Nhưng tuyệt vời là những khi ngồi làm việc tới mệt nhọc, chân gần như tê liệt (như ngồi trên phi cơ nhiều giờ), rồi đứng dậy tập thể dục, tay đấm, chân đá và hốt nhiên nhận ra mình đang sống với Tánh Không, cái Emptiness... bất kể là trọn ngày đã hứng đủ thứ chuyện trần gian, và vẫn nhận ra có rất nhiều lúc tâm mình không tham sân si, không hề thấy cái tôi với cái của tôi. Hạnh phúc là như thế.
Đức Phật đã từng giải thích về Không...  Khi ngài  Mogharāja hỏi: Con phải quán sát thế giới này thế nào để không bị Tử Thần nhìn thấy?
Đức Phật trả lời: “Hãy luôn luôn tỉnh thức nhìn thế giới này như rỗng không, để gỡ bất kỳ cái nhìn nào về tự ngã. Với cách này, con sẽ đứng trên và vượt qua cái chết. Đây là cách quán sát về thế giới để không bị Tử Thần ngó thấy.” (4)
Câu hỏi tới đây là, định luật nhân duyên dẫn tới cái nhìn về Tánh Không trong các pháp. Vậy thì, Tánh Không đó là gì? Có phải như các Thiền sư nói rằng bản tâm hệt như gương sáng tròn lớn: Hán tới hiện Hán, Hồ tới hiện Hồ, và do vậy cảnh tới rồi đi như chim bay không lưu vết? Hay chỉ đơn giản, Tánh Không chỉ có nghĩa là “không có cái tôi, không có cái của tôi”?
Rồi một lần, Đức Phật dạy: "Các sư, chói sáng là tâm này. Và nó bị nhiễm trần vì phiền não bám vào. Các sư, chói sáng là tâm này. Và nó được giải thoát xa khỏi phiền não bám vào..." (5)
Như vậy, Thấy Tánh có phảỉ là khoảnh khắc của thấy cái chói sáng của tâm nguyên sơ đó? Khoảnh khắc thấy đó, hiển nhiên là xa lìa tham sân si, có thể gọi là đốn ngộ được không?
Dĩ nhiên, thiền tập là chuyện gian nan. Thêm nữa, câu trên cũng có thể hiểu nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa: tâm này (the mind) chói sáng là sau khi tu tập, sau khi xa lìa tham sân si (nói theo tiêu chuẩn đã nêu đầu bài). Tranh luận, như đã thấy trong lịch sử, có thể sẽ dẫn tới bất tận.
*
Trong khi đó, qua vài lần, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rất minh bạch:
"Niết bàn là gì? Cái căn bản dựa vào đó để có thể thành tựu Niết bàn được gọi là Phật tánh, tức là cái dòng bất biến an nhiên..."(6)
Hay như khi Đức Đạt Lai Lạt Ma dạy Tứ Diệu Đế ở chùa Saihoji Temple tại Nagano, Nhật Bản, ngày 21 tháng 6-2010: "Nhận ra Phật Tánh sẵn có trong tâm sẽ cho quý vị tự tin và cung cấp một chìa khóa cho đời sống hạnh phúc.(7)
Nhận ra Phật Tánh... dĩ nhiên, từ chỗ hiểu về khái niệm Phật tánh, tới chỗ kinh nghiệm còn là chuyện gian nan. Do vậy, Đức Đạt Lai Lạt Ma trong các sách đã kiên nhẫn, trước tiên là sử dụng nhiều phương pháp lý luận để nói về tâm, và rồi nói về pháp hành. Nghĩa là, củng cố lý luận trước, rồi mới tu tập sau.
Nhìn chung, Đức Đạt Lai Lạt Ma rất ít khi nói tới "Phật tánh" cũng vì sợ học nhân nhầm lẫn, và rất thường khi nói về Tánh Không, về Trung Quán, về Từ Bi... Vì rốt ráo, Phật Tánh (Buddha-nature) gợi cảm xúc về ngôn ngữ như là có, trong khi Tánh Không là cách nói chỉ ra là không, dễ tu hơn và dễ tránh ngộ nhận. Chỗ này, thực ra, Phật tánh như Phật Giáo Tây Tạng và Bắc Tông giải thích, là xa lìa cả có và không, xa lìa cả nhiễm và tịnh... y hệt như bài Bát Nhã Tâm Kinh.
Một vị sư Nam Tông tới gần với Thiền Tông về điểm này là ngài Ajahn Chah, khi gọi đó là Bản Tâm (Original Mind), dịch sát nghĩa như sau:
“Về tâm này... Trong sự thật, không có gì thực sự sai trái với nó. Nó trong bản chất là thanh tịnh. Trong nó [tâm này], nó đã sẵn bình an. Khi tâm này không bình an lúc này, chỉ bởi vì nó chạy theo các cảm xúc. Chân tâm không dính gì tới nó (The real mind doesn't have anything to it), nó chỉ đơn giản là (một phương diện của) Bản Nhiên. Nó bình an hay dao động bởi vì cảm xúc lừa gạt nó. Tâm không tu tập là si mê. Những trần căn tới và lừa gạt nó rơi vào hạnh phúc, đau khổ, vui và buồn, nhưng bản tánh thật của tâm không phải là mấy thứ đó. Vui và buồn không phảỉ là tâm, mà chỉ là cảm xúc tới để lừa gạt chúng ta. Tâm không tu tập sẽ lạc lối và sẽ chạy theo mấy thứ này; nó tự quên nó đi. Rồi chúng ta nghĩ rằng nó là chúng ta, những người trở nên loạn tâm hay trở nên thoải mái hay trở nên bất cứ thứ gì.
Nhưng thực sự, tâm này của chúng ta vốn sẵn bất động và bình an... thực sự bình an! Cũng như chiếc lá đứng bất động, khi không có gió  thổi. Nếu gió tới, lá lay động. Sự lay động này là vì gió – “sự “lay động” là vì các trần căn đó; rồi tâm chạy theo chúng. Nếu nó [tâm] không chạy theo chúng, nó không “lay động.” Nếu chúng ta biết trọn vẹn bản chất thật của các trần căn, chúng ta sẽ bất động.
Pháp thiền tập của chúng tôi đơn giản là thấy Tâm Bản Nhiên (Our practice is simply to see the Original Mind). Do vậy, chúng ta phảỉ luyện tâm để biết các trần căn, và không bị chúng lôi kéo đi. Để làm nó [tâm này] bình an. Chỉ như thế là mục tiêu của tất cả pháp thiền tập gian nan mà chúng ta phải trải qua.” (8)
Tâm này vốn sẵn bất động và bình an... Phải thấy Tâm Bản Nhiên... Tâm bản nhiên, tâm nguyên sơ... Những câu này của ngài Ajahn Chah y hệt như ngôn ngữ Pháp Bảo Đàn Kinh. Nghĩa là, cái khoảnh khắc nhận ra tâm đã vốn sẵn bất động và bình an có phải là đốn ngộ? Có phải là Thấy Tánh? Có phải khoảnh khắc đó là xa lìa tham sân si? Có phải tâm đó là tâm vô sanh, là không sanh diệt? Chỗ này Đức Phật có nói.
*
Đức Phật trong một lần dạy về Niết Bàn, đã nói về vô sanh:
“Các sư, có một cái không sanh, không trở thành, không được làm nên, không bị thêu dệt nên. Nếu không có cái không sanh, không trở thành, không được làm nên, không bị thêu dệt nên, sẽ không thể có sự chứng ngộ giải thoát ra khỏi cái sanh, cái trở thành, cái được làm nên, cái bị thêu dệt. Nhưng, một cách chính xác, bởi vì có cái không sanh, không trở thành, không được làm nên, không bị thêu dệt, nên sự giải thoat ra khỏi cái sanh, cái trở thành, cái được làm nên, cái bị thêu dệt mới được chứng ngộ.”(9)
Nghĩa là, có một cái bản nhiên đã bất động, đã xa lìa tham sân si. Đã có bao giờ người đời thường (thí dụ, một kẻ đầy tham sân si như tôi) có thể nhận ra cái tâm bất động này chưa? Tôi tin rằng tất cả mọi người đều đã từng có khoảnh khắc nhận ra cái tâm bản nhiên bất động, xa lìa tham sân si này. Tất cả mọi người đều đã từng Thấy Tánh, nhưng rồi lướt đi.
Dễ nhận ra là khi ngồi trước biển rộng. Sẽ có những giây phút thấy tâm mình xa lìa tham sân si, thấy không có cái tôi và cái của tôi, thấy biển và tâm như một. Chính lúc đó, sẽ thấy tâm mình không dính một pháp nào hết, tuy thấy sóng biển mênh mông gợn lên thật xa nhưng vẫn thấy tâm mình bất động. Trong khoảnh khắc đó, xa lìa cả động và bất động, xa lìa cả nhiễm và tịnh, như dường thời gian đứng lại – xa lìa cả quá khứ, vị lai, và cả hiện tại.
Không cần cảnh trước mặt bình an, ngay cả khi cảnh hiển lộ dữ dội, chúng ta vẫn có thể thấy tương tự như trên. Thí dụ, bạn đứng ở một góc rừng, nhằm ngày mưa gió, tiếng lá cây và tiếng mưa ào ạt, bạn đứng với thân người ướt mem nhìn dòng suối chảy xiết trước mặt... Khoảnh khắc đó, bạn có thể nhận ra tâm bạn xa lìa tham sân si, và bản hòa tấu mưa rừng chung quanh là tâm đang hiển lộ -- và tâm này hoàn toàn rỗng không, cho nên tất cả các âm thanh và hình ảnh hiện ra trong tâm mà vẫn không suy xuyển. Tương tự, khi ngồi nghe dàn hòa tấu cả trăm nhạc khí...
Hay thí dụ, khoảnh khắc buổi sáng chợt nghe tiếng gà gáy. Hẳn là nhiều người sẽ thấy rằng giây phút đó tiếng gà là tâm hiển lộ, tâm này xa lìa tham sân si. Đó là giây phút khi nhà sư Hương Nghiêm quét sân và nghe tiếng sỏi văng vào gốc cây tre; tiếng sỏi không huyền bí gì, chỉ vì lúc đó sư nhận ra tiếng sỏi là bản tâm hiển lộ, và tâm này xa lìa tham sân si.
Khoảnh khắc nhận ra tâm xa lìa tham sân si cũng có thể là khi nhìn thấy màu son trên môi một phụ nữ. Có khi nhìn thấy một màu son lạ (tôi cũng từng học vẽ, nên có quan tâm về màu sắc), tôi suy nghĩ có thể màu này là 2 màu đỏ và cam, nên tạo ra sự cố ý không đều, trông như màu son biến đổi trên môi. Tất nhiên, tôi đang sử dụng tâm phân biệt khi thắc mắc về màu son, cũng y hệt như khi dùng tâm phân biệt khi làm toán, khi làm thơ, khi chọn màu cho một bản vẽ, và vân vân.
Tâm phân biệt này không làm suy xuyển gì tới tâm vô phân biệt bản nhiên và bất động. Cũng y hệt như khi nhà sư Hương Nghiêm nghe tiếng sỏi văng vào gốc tre, vẫn biết đó không phải là tiếng gà gáy, không phải tiếng chim kêu... Và tâm phân biệt khi đó vẫn xa lìa tham sân si; giây phút đó, thời gian như đã biến mất.
*
Câu hỏi tới đây là, làm sao nhận ra tâm này bất động?
Thử lấy một thí dụ, khi bạn ngồi làm toán, với bút chì trên giấy hay với bàn gõ trên máy tính. Bạn đang ngậm viên kẹo sôcôla, tiếng nhạc vọng ra từ máy TV bên ngoài, quạt máy thổi sau lưng... Bạn đang chú tâm làm toán, những vẫn đang vô tâm nhận ra vị ngọt của kẹo, vô tâm nghe tiếng nhạc bên ngoaì vọng vào, vô tâm cảm nhận gió mát từ quạt máy. Nếu tâm này không bất động, không thể có thọ dụng cái toàn thể như thế.
Chính lúc đó, bạn đang sống cái toàn thể. Không còn cái phần mảnh nào hết. Cái tâm bản nhiên của bạn đang hiển lộ, đang tắm gội trong cái toàn thể, bất kể rằng bạn đang sử dụng tâm phân biệt vật lộn với các bài toán đại số hay hình học. Chính khi bạn nhận ra mình đang sống với cái toàn thể như thế, thời gian biến mất, vì sẽ không còn cái hôm qua và ngày mai, cũng là bạn đang sống với cái hiện tiền, hay ngắn gọn, đang sống với cái phi thời gian.
Bất kỳ ai cũng có lúc sống với những khoảnh khắc như thế, nơi đó bạn thọ dụng thế giới, và tham sân si biến mất. Pháp tu chỉ đơn giản là sử dụng tất cả các công cụ Đức Phạt đã dạy, là giới định huệ, là tứ niệm xứ, là chỉ quán, là niệm hơi thở, là ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm, là sám hối, là từ bi... để xa lìa tham sân si, một cõi tâm bạn đã từng có lúc nhận ra (mà chúng ta gọi cho gọn là đốn ngộ). Nghiệp lực rồi sẽ lôi kéo chúng ta trượt đi, nhưng khi đã thấy cõi quốc độ này xong, mọi chuyện đơn giản cực kỳ, và sẽ hiểu trọn vẹn Thiền Tông do Bồ Đề Đạt Ma truyền dạy.
Đó là khi Đức Phật cầm đóa hoa đưa lên, ngài Ca Diếp mỉm cười. Đơn giản vì các sư khác thấy là hoa, nhưng Ngài Ca Diếp thấy là bản tâm hiển lộ và mỉm cười vì khoảnh khắc này xa lìa cõi tham sân si (hy vọng Đức Phật và Ngaì Ca Diếp sẽ không rầy mắng những dòng chữ giảỉ thích này, nơi chữ chỉ thuần là chữ, và được viết với không có cái nhìn về “tôi” và “của tôi”).
*
Tuy nhiên, khi nói rằng "Giữ lấy Tâm Rỗng Sáng" cũng sai, hay ít nhất, cũng chưa đủ.  Chỗ này, chúng ta thử đọc lại cách nhà sư Lâm Tế truyền pháp, có những cách dạy khác nhau, tùy căn cơ người hỏi pháp.
Phương pháp là Tứ liệu giản:
- Có khi đoạt nhân không đoạt cảnh
- Có khi đoạt cảnh không đoạt nhân
- Có khi nhân cảnh đều đoạt
- Có khi nhân cảnh đều không đoạt
Phương pháp của ngài Lâm Tế được giải thích trong Lăng Nghiêm Tông Thông:
“Trong thiền môn thuần dùng Trí Huệ, duy chỉ có một tay Lâm Tế thật khó gặp một người thứ hai. Ngài thường nói : “Sơn tăng chốn này đoán định ba thứ Căn Khí : như hàng căn khí trung hạ đến, ta bèn đoạt Cảnh nó mà chẳng trừ Pháp nó. Nếu là hàng căn khí trung thượng đến, ta bèn Cảnh, Pháp đều đoạt. Như có người căn khí thượng thượng đến, ta bèn Cảnh, Pháp, Người đều đoạt. Như có người kiến giải xuất cách đến thì sơn tăng chốn đây bèn toàn thể tác dụng, chẳng cần Căn Khí. Các Đại Đức, đến trong ấy mà chỗ nỗ lực của học nhơn chẳng thông rõ phong đại, lửa đá, chớp xẹt tức qua liền vậy. Người học mà con mắt định nếu động, liền mất giao thiệp.
Tâm nghĩ tức sai, động niệm tức trái! Có người nào rõ biết, chẳng lìa trước mắt... Ôm lấy chẳng tụ, vứt đi chẳng tan. Tìm cầu liền mất xa, không cầu là trước mắt”....” (http://thuvienhoasen.org/a1229/quyen-viii)  
Tìm cầu liền mất xa, không cầu là trước mắt? Nghe y hệt như ngaì Ajahn Chah của Thái Lan.
Nơi đây, xin thử giảỉ thích 4 câu của sư Lâm Tế (qua hiểu biết rất mực thô sơ của tôi).
Câu đầu, dạy pháp phá Ngã Chấp, tức là "đoạt nhân, không đoạt cảnh". Giúp học nhân phá hết mọi thứ về “cái tôi” và “cái của tôi.” Mặt trời ấm hiện... là bắt đầu có trí tuệ.
Câu thứ 2 là, “Có khi đoạt cảnh không đoạt nhân.” Dạy cho học nhân phá hết mọi thứ chấp về cảnh, về pháp, về đối tượng của tâm. Nghĩa là, tất cả uẩn xứ giới đều không thực, đều là huyễn; chỗ này Kinh Viên Giác dạy là tri huyễn tức ly, là khi thấy tất cả các pháp trong hay ngoàì tâm đều là huyễn, tức khắc xa lìa tham sân si. Chỗ này nói, ngay cả Niết Bàn cũng là giấc mộng đêm qua. Câu thơ của dòng Lâm Tế chỗ này là: “Lệnh vua đã ban hành khắp thiên hạ, Tướng quân ngoài ải dứt khói bụi,” trong đó Lệnh vua là Tự Tánh hiển lộ.
Thí dụ, chuyện hai nhà sư, một nói phướn động, một nói gió động. Lục Tổ Huệ Năng thấy vậy, mới nói, chỉ có tâm hai sư động thôi. Nghĩa là, nhìn cảnh thấy tâm, cả tâm và cảnh nhất như, một thể.
Câu thứ 3 là, “Có khi nhân cảnh đều đoạt.” Nơi đây, giúp học nhân vào Tánh Không, nơi không thấy ta, không thấy người, không thấy có cái gì phiền não, không thấy có cái gì là giải thoát. Nơi đây, cả Tâm và cả Cảnh đều là Cái Không Rỗng Rang. Câu thơ giải thích là: Tịnh Phần bặt tin tức, Một mình ở một nơi. Nghĩa là, mình đi đứng nằm ngồi với Cái Không Rỗng Rang.
Thí dụ, chuyện phướn động vừa nêu. Lục Tổ Huệ Năng, sau khi nói rằng tâm hai sư động, ngài có thể nói thêm, rằng Tâm Bản Nhiên của quý vị vẫn bất động và rỗng rang.
Nhưng câu thứ 4, là ngài Lâm Tế chỉ dùng khi gặp người thượng căn: Có khi nhân cảnh đều không đoạt. Thế nào là nhân cảnh đều không đoạt? Sư đáp: Vua bước lên ngai, Lão quê ca hát. Nghĩa là không có pháp nào để tu hết, chỉ cần giữ Tâm Bình Thường thôi, vì Vua (Tự Tánh) đã ngồi vào ngôi hoàng đế rồi, lão quê muốn làm gì cũng chẳng suy xuyển.
Thí dụ, nêu tiếp chuyện phướn động ở trên. Chỗ này, Lục Tổ Huệ Năng có thể sẽ nói rằng, tất cả các pháp đều chẳng có động với tịch gì hết, đây là sống với những khoảnh khắc của cái toàn thể, khoảnh khắc của không còn gì gọi là thời gian. Còn gọi là Toàn Tướng Tức Tánh. Vì sanh và vô sanh đều không vướng vào tâm nữa.
*
Tới đây, câu hỏi có thể là, sau khi nhìn thấy khoảnh khắc của tâm xa lìa tham sân si, làm sao có thể thuận tánh khởi tu? Thực ra, đây là pháp môn không có cửa vào, chính giây phút nhận ra bản tâm là đã vào cửa rồi; đây cũng là pháp môn không có lối đi, vì đòi hỏi phải ngồi thiền cho tới khi thấy Tánh trước, rồi mới tự biết lối đi riêng, vì không mấy ai giống ai.
Tuy nhiên, tất cả các pháp Đức Phật dạy, dù là trong kinh Nam Tông, Bắc Tông, Kim Cang Thừa (PG Tây Tạng) đều tiện dụng và đều nên được thực tập để rồi tự mình chọn cách nào tiện lợi. Vì sau khi thấy rồi, sẽ không linh tinh lang tang nữa.
Tuyệt vời nhất có lẽ là đoạn văn này trong Tiểu Bộ Kinh (Khuddhaka Nikaya) khi Đức Phật dạy ngài Bahiya:
Thế này, Bahiya, ông nên tu tập thế này: Trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe; trong cái được thọ tưởng sẽ chỉ là cái được thọ tưởng; trong cái được thức tri sẽ chỉ là cái được thức tri.’ Cứ thế mà tu tập đi, Bahiya.” (10)
Hay là lời dạy của nhà sư Thái Lan Ajahn Chah (1918-1992) trong A Taste of Freedom:
“Chúng ta phải tu tập mà không tìm cầu bất kỳ thứ gì. Nếu chúng ta không tìm cầu bất kỳ thứ gì, những gì chúng ta sẽ nhận được? Chúng ta không nhận được gì hết! Bất cứ những gì bạn nhận được sẽ chỉ là cội nguồn cho   khổ đau, do vậy chúng ta tu tập hạnh không tìm cầu bất kỳ thứ gì.
Chỉ như thế gọi là “làm cho tâm rỗng rang” (making the mind empty -- vô tâm). Nó thì rỗng không, nhưng vẫn có sự hành hoạt. Cái rỗng không này là cái người ta thường không hiểu, nhưng những ai đạt tới nói, sẽ thấy giá trị khi nhận ra nó. Nó không phải là cái rỗng không của không có gì hết, mà nói là cái rỗng không vẫn nằm trong các thứ hiện hữu nơi đây.” A Taste of Freedom. (8)
Đọc ngài Ajahn Chah hoàn toàn không thấy khác gì với Thiền Tông. Dĩ nhiên, tu tập bao giờ cũng rất là gian nan.
Trong cuốn sách dạy về pháp Thấy Tánh, nhan đề “Meditation on the Nature of Mind” (Thiền Định về Bản Tánh của Tâm) của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời 14, có nói về  pháp “nhìn vào  niệm trước đã diệt, niệm sau chưa sinh”:
Ngài Milarepa cũng nói rằng: giữa hai niệm kế nhau,  cái thấy về pháp tánh liên tục khởi dậy. Hãy nếm lấy nó.” (Lord Milarepa also states: in between one conceptual thought and the next, gnosis continuously arises. Go taste it.” (11)
Một cách tuyệt vời nữa, cũng do ngài Milarepa (khoảng 1052- 1135), nói về 5 pháp an tâm:
Hãy để tâm tự nhiên như một em bé
Hãy để tâm như mặt biển không sóng gợn
Hãy để tâm trong suốt như ngọn lửa nến
Hãy để tâm không bận gì nữa y hệt một xác chết
Hãy để tâm bất động như một ngọn núi(12)
Dĩ nhiên, ngài Milarepa cũng dạy là phải Thấy Tánh trước, còn gọi là pháp Thiền Đại Thủ Ấn (Mahamudra) của PG Tây Tạng – và Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã viết tác phẩm “The Gelug/Kagyu Tradition of Mahamudra” về pháp thiền này.
Nơi những sách của ngài Đạt Lai Lạt Ma, tôi đã nhận ra Nam Tông, Bắc Tông, Kim Cang Thừa không dị biệt gì, trong tận cùng. Trên các trang giấy của ngài, tôi đã nhận ra hình ảnh của Đức Phật, của Lục Tổ Huệ Năng, của Ajahn Chah và của rất nhiều nhà sư tôi hàm ơn.
Tháng 7-2010, tôi đã bày tỏ lòng biết ơn Đức Đạt Lai Lạt Ma nhân dịp sinh nhật thứ 75 của ngài tại Quận Cam, trong cuộc triển lãm, nơi lễ khai mạc có tham dự của anh bạn thân GS Tenzin Dorjee và một pháí đoàn chư tăng tới từ Dharamsala– xem:http://tinyurl.com/ovg2jeg  -- và bây giờ, bùi ngùi trước tin rằng, truyền thống Dalai Lama sẽ kết thúc sau ngài. Sang năm 2015, sẽ là sinh nhật thứ 80 của ngài.
Và bây giờ, nếu đột nhiên, bạn thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện ra, và hét vào bên tai bạn... y hệt kiểu các sư Lâm Tế thời xa xưa, hãy nhận ra tức khắc rằng, chính  khoảnh khắc nghe đó là tâm hiển lộ ra và không dính mảy tham sân si nào. Tôi tin rằng sau tiếng hét đó, ngài sẽ cười rất mực khoái trá, một tiếng cười của tâm nguyên sơ từ nhà sư đơn giản này, nhưng rất mực từ bi và thâm sâu.

GHI CHÚ:
1. "In this, monks, a monk seeing an object with the eye recognizes within himself the presence of lust, hatred or delusion, knowing 'Lust, hatred or delusion is present in me,' or he recognizes the absence of these things, knowing 'There is no lust, hatred or delusion present in me.'
[Similarly for ear, nose, tongue, body (touch), mind.]





6. What is nirvana? The basis due to which it is possible to attain nirvana is called the Buddha-nature, or the naturally abiding lineage... (The Dalai Lama at Harvard, by Jeffrey Hopkins - 1988 - trang 104) Link: http://tinyurl.com/dalai-1

7. Nguyên văn: Awareness of one's innate Buddha nature will give self-confidence and provide a key to happy life. Link:http://tinyurl.com/lcoge7s

8. A Taste of Freedom by Ajahn Chah, 1994. Link: http://www.accesstoinsight.org/lib/thai/chah/atasteof.html#mind
9. There is, monks, an unborn — unbecome — unmade — unfabricated. If there were not that unborn — unbecome — unmade — unfabricated, there would not be the case that escape from the born — become — made — fabricated would be discerned. But precisely because there is an unborn — unbecome — unmade — unfabricated, escape from the born — become — made — fabricated is discerned.


11. Meditation on the Nature of Mind, by Dalai Lama. Link: http://tinyurl.com/kdsh426
12. The Tibetan Buddhism Reader, edited by Reginald A. Ray, trang 85:
Five Ways of Resting ~ Milarepa:
    Rest in a natural way like a small child.
    Rest like an ocean without waves.
    Rest within clarity like a candle flame.
    Rest without self-concerns like a human corpse.
    Rest unmoving like a mountain.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét