NGƯỜI BỊ TRUY LÙNG KHẮP HÀNH TINH
Đào Viên
I believe there is something out there
watching us.
Unfortunately, it’s the government
—Woody Allen
It is dangerous to be right when the
government is wrong
— Voltaire
Kể từ ngày 22 tháng 5, 2013 khi anh đến phi
trường quốc tế Sheremtyvo thủ đô Mạc Tư Khoa rồi biến mất luôn, anh đã trở
thành người bị truy lùng gắt gao nhất trên toàn thế giới. Anh đã được chính phủ
Nga cho tạm trú, nhưng không ai biết địa chỉ anh cư ngụ ở đâu.
Anh là Edward Joseph Snowden,
sắp 31 tuổi, người đã phanh phui những bí mật quốc gia của chính phủ Hoa Kỳ, mà
anh cho là làm tổn thương đến người công dân Hoa Kỳ.
Những người truy lùng anh, trước hết là chính
phủ Hoa Kỳ, muốn bắt anh về Hoa Kỳ để truy tố anh về tội phản quốc, đã tiết lộ
những bí mật quốc gia. Ngoài ra giới truyền thông quốc tế cũng muốn gặp anh để
phỏng vấn, để tìm hiểu rõ ràng hơn những chi tiết của chuyện này mà đến nay
không mấy ai biết rõ.
Ngày thứ Tư 28 tháng Năm 2014, một năm sau khi
anh biến mất tại Mạc Tư khoa, đài vô tuyến truyền hình NBC của Hoa Kỳ đã thu
xếp để gặp anh tại Mạc Tư Khoa. Phóng viên NBC là Brian Williams đã trực tiếp
nói chuyện mặt đối mặt với Edward Snowden trong sáu tiếng đồng hồ. Sau đó đã
phát tán cuộc phỏng vấn vô tiền khoáng hậu này trên đài NBC cho mọi người đều
biết.
Dưới đây là một bản tin của NBC trong dó có ít
đoạn cuộc phỏng vấn Edward Snowden tại Mạc Tư Khoa.
Kể từ ngày ấy, đã hơn một năm trôi qua, không
ai đã trực tiếp gặp lại con người đang bị truy lùng này nữa. Có chăng chỉ là những
cuộc phỏng vấn gián tiếp, thấy mặt nhưng không thấy người như ngày 10 tháng 3,
2013 anh đã nói chuyện với khán thính giả của South & Southwest Conference
qua Video Conference, hoặc ngày 20 tháng 3, 2014, cuộc phỏng vấn thu xếp bời Tổ
chức TED trong đó khán thính giả của TED chỉ thấy mặt của Ed Snowden trên một
màn hình lưu động, nghĩa là Ed Snowden có thể làm cho màn hình đó tiến tới, đi
lùi, xoay qua, xoay lại, để cuộc phỏng vấn được linh động hơn.
Một cuộc phỏng vấn mới nhất năm 2014
Vào giữa năm 2014, một nhà báo khác viết cho
tập san WIRED, ông James Bamford, 68 tuổi, đã quyết định làm một cuộc phỏng vấn
trực tiếp khác với Edward Snowden tại Mạc Tư Khoa. Ông Bamford không phải là
người xa lạ với giới báo chí truyền thông quốc tế. Ông đã sang Mạc Tư khoa
nhiều lần. Cũng như Ed Snowden, ông đã từng tố giác những lạm dụng của cơ quan
công quyền Hoa Kỳ, chà đạp quyền công dân trong nước.
Cũng như nhiều người khác trước ông, Bamford
không thể gặp được Snowden, mà phải qua người trung gian đại diện cho anh.
Người đại diện cho Ed Snowden lần này là luật sư Ben Wizner thuộc tổ Chức ACLU(1) (American Civil Liberty Union), một tổ chức
luật pháp, bất vụ lợi, phi đảng phái, bảo vệ quyền lợi dân sự cho công dân Hoa
Kỳ.
Tháng 6, 2014 ông Bamford nhận được một điện
thư trên máy vi tính, đã được mật mã hóa, viết rằng: “Chương trình thay đổi. Hãy đến Khách sạn___, ngồi chờ tại tiền
sảnh, mang theo một cuốn sách. ES sẽ đến gặp”
ES là Edward Snowden. Đến giờ hẹn, James Bamford ngồi sẵn nơi
tiền sảnh khách sạn, nhìn ra phía cửa ra vào, tay cầm quyển sách. Ông thấy
Edward Snowden tiến vào, vẫn mặc quần “jean” xanh, sơ mi trắng, vẫn đeo trên
vai, khoác ngoài áo vest, một túi vải đeo trên lưng, mắt đeo kính, nhưng dường
như không trông thấy James Bamford. Ông Bamford đã phải đứng dậy đi theo Ed
Snowden, hai người mới nhận ra nhau.
Thế là bắt đầu một cuộc phỏng vấn ba lần kéo
dài trong nhiều ngày giữa phóng viên Bamford và người đang bị truy lùng khắp
thế giới.
Ed Snowden đã dành một phòng riêng trên thượng
từng của khách sạn cho cuộc tiếp súc. Lên đến nơi, ông Bamford thấy Edward
Snowden, sau khi bỏ mũ, bỏ kính đen đeo mắt, bỏ túi vải trên lưng ra, trông
chẳng khác trước bao nhiêu. Anh trông chẳng khác một chàng sinh viên mới bắt
đầu vào đại học. Trước khi nói chuyện, Ed Snowden lấy điện thoại di động ra,
rồi tháo tất cả những cục pin ra để điện thoại di động không dùng được nữa.
Về phần Bamford, ông cũng cho biết ông để điện
thoại di động ở khách sạn ông ở. Ông không mang theo vì ông đã được những người
trung gian nói trước là một điện thoại di động, dù chưa bật lên, vẫn có thể bị
một cơ quan gián điệp biến thành một cái máy nghe “microphone” để nghe lén hai
người nói chuyện. Ông Bamford hiểu là tính mạng và số phận của Ed Snowden tùy
thuộc rất nhiều vào những biện pháp an ninh chống những hiểm nguy đang rình rập
vây bủa quanh anh.
Đời sống tại Mạc Tư Khoa
Nói chuyện về đời sống của mình tại Mạc Tư
Khoa, Snowden cho biết thế là anh đã sống trên một năm tại Nga rồi. Anh học và
biết nói chút ít tiếng Nga, thỉnh thoảng đi chợ tại một siêu thị, Anh tránh
không gặp nhiều người, không đến những nơi có nhiều người Hoa kỳ hay Tây Âu.
Tuy nhiên có một lần, khi anhvào một tiệm bán đồ về máy vi tính, một số người
Nga đã nhận ra anh. Anh vội ra dấu “suỵt!” không nói, bằng cách để ngón tay lên
môi rồi chuồn thẳng.
Snowden như vậy sống rất cô đơn tại Mạc Tư
Khoa. Anh vẫn hy vọng một ngày nào đó anh trở về Hoa Kỳ. Anh nói: “Tôi đã nói với chính phủ Hoa Kỳ là tôi sẵn sàng ngồi tù nều việc
đó có một ý nghĩa thực sự (serve the right purpose). Đối với tôi, quốc gia tôi
mới là quan trọng, quan trọng hơn cá nhân tôi. Tuy nhiên chúng ta không thể để
luật pháp (quốc gia) trở thành một khí giới chính trị (dùng để) dọa nạt những
ai dám đứng lên bảo vệ quyền (công dân) của mình. Trong trường hợp này, dù cuộc
thỏa thuận có tốt đến mấy, tôi vẫn không chịu”
Ed Snowden sống ở Mạc Tư Khoa, nước Nga, nhưng
anh lại làm việc theo giờ New York. Anh vẫn còn có nhiều người ủng hộ anh tại
Hoa kỳ, anh cần liên lạc với họ. Anh cũng muốn biết những người đả kích anh ở
trong nước là những ai và họ nói những gì. Tóm lại anh muốn nắm vững tình hình
chính trị bên nhà có liên quan đến anh ra sao, để anh liệu bề ứng phó.
Bao nhiêu tài liệu bị đánh cắp?
Trở về vấn đề căn bản và gay cấn nhất là
chuyện anh đã đánh cắp, sao chép ra bao nhiêu tài liệu mật của NSA (National
Security Agency) , đó là những tài liệu gì. Ed Snowden vẫn khẳng định là tất cả
những tài liệu mật anh đánh cắp được, anh đã đưa tất cả cho những nhà báo trong
nước để họ đem ra công khai những việc làm sai trái của chính phủ Hoa Kỳ. Anh
không mang bất cứ tài liệu nào sang Nga hết.
Những tài liệu này hiện đang ở trong tay ba
nhóm: nhóm First Look Media là nhóm truyền thông của ông Glenn Greenwald và bà
Laura Pointras. Nhóm của tờ The Guardian bên Anh Cát Lợi và nhóm ông Barton
Gellman, làm việc cho tờ báo The Washington Post. Họ đưa ra ánh sáng bao nhiêu
tài liệu thì NSA biết bấy nhiêu
Hỏi Ed Snowden, anh đã đánh cắp bao nhiêu tại
liệu, anh không thể xác định được, nhưng anh cho rằng con số 1.7 triệu trang
tài liệu của NSA đưa ra là quá đáng. Số tài liệu anh đã sao chép ra ít hơn
nhiều. Ở Hoa Kỳ mọi người không ai biết rõ điều này. Cơ quan NSA dường như đã
tỏ ra bất lực trong việc điều tra việc làm bí mật của anh, khi anh làm cho CIA,
NSA và các cơ quan tư nhân đấu thầu cho nhà nước như Dell, Booz Allen Hamilton.
Ed Snowden đã nói với ông Bamford là đáng lẽ
tình trạng không đến nỗi tồi tệ đến thế. Anh đã chỉ muốn đem ra công khai việc
làm sai trái của cơ quan công quyền chứ anh không muốn dấu diếm công việc anh
làm. Anh muốn NSA tìm ra được anh đã sao chép những gì, bao giờ, lúc nào. Bởi
vậy, theo lời anh, anh đã để lại một số dấu vết – mà anh gọi là digital bread
crumps – để giúp những điều tra viên trong công việc của họ sau này.
Anh làm như vậy cũng để chứng tỏ rằng anh làm
việc cho người dân Hoa Kỳ, chứ không phải là một điệp viên làm việc cho một
quốc gia thù nghịch. Anh làm như vậy để NSA thấy rõ những yếu kém trong việc
bảo mật quốc gia, để mà sửa đổi.
Ông Bamford và nhiều người khác tại Hoa Kỳ còn
cho rằng mọi việc trở nên rối rắm thêm vì rất có thể đã có nhiều kẻ khác, ngay
trong NSA, đã xì ra những tin mật, làm ra vẻ như chính Snowden đã xì ra.
Khám phá mới
Một trong những việc làm của chính phủ Hoa kỳ
khiến Ed Snowden rất bất bình là cơ quan NSA vẫn đều đều dò xét những người Ả
Rập Palestine sinh sống tại Hoa Kỳ, để rồi đưa lại tất cả những tin tức đó, từ
tên người, địa chỉ, điện thoại, những cuộc nói chuyện, những “e-mails” trao
đổi, cho cơ quan gián điệp, cơ quan phản gián (Unit 8200) của Do Thái xứ
Israel. Anh cho rằng nhiều người là công dân Hoa Kỳ, gốc Ả Rập Palestine, có
nhiều họ hàng bạn bè bên West Bank, Gaza hay Jerusalem. Những cuộc nói chuyện
riêng tư của người Palestine bao gồm chuyện tiền bạc, sức khỏe, tình trạng gia
đình, những khó khăn về kinh tế. Chính phủ Hoa Kỳ không những bỏ mặc không bảo
vệ công dân gốc Palestine mình, mà còn tiếp tay cho người Do thái xứ Israel,
dùng những tài liệu nghe lén trái phép đó, để truy lùng, bắt giam, ép làm gián
điệp, không kích, tấn công những người Palestine bản xứ ở West Bank, Gaza
mà họ cho là có hại cho họ. Như vậy rõ ràng là chính phủ Hoa Kỳ kỳ thị người
Palestine, bênh vực người Do Thái.
Ngoài ra Snowden còn thấy một tài liệu mật của
ông Keith Alexander, vị tướng hồi hưu Tổng giám đốc Cơ quan NSA, cho phép dò
xét, theo rõi thói quen xem những hình ảnh tài liệu khiêu dâm của một số chính
khách. Tài liệu còn cho thấy chính quyền, qua NSA, có thể dùng những tin tức
thâu lượm được để “hạ”, nghĩa là phá hủy uy tín của những chính trị gia đối
kháng với chính quyền. Anh đã đọc thấy tên của sáu vị chính khách là đối tượng
của NSA trong chuyện này.
Trong cuộc nói chuyện với ông Bamford, ES lần
đầu tiên nói tới một chương trình hết sức bí mật của NSA, một nhu liệu
(software) có tên là MonsterMind. Đây là một chương trình nhu liệu thực chất
ban đầu là để tìm ra dấu hiệu của một cuộc tấn công vi tính (hacking) từ ngoài
vào. Những dấu hiệu này có thể là một nhu liệu (algorithm) đả quen thuộc hay
một nhu liệu xấu (malware) đáng nghi. Khi nhận ra những tín hiệu này
MonsterMind sẽ ngăn chặn không cho vào rồi phá hủy ngay nhu liệu xấu đó.
Thực ra một nhu liệu như vậy đã có từ lâu rồi.
Sự khác biệt là ở chỗ MonsterMind có khả năng tự động ngăn chặn và phá hủy
không cần có sự can thiệp của con người. Đây chính là điều làm anh ES rất quan
ngại. Anh giải thích là một cuộc tấn công bằng nhu liệu, thường có thể làm cho
mọi người thấy là đã khởi sự từ những máy vi tính của một quốc gia thứ ba.
Những cuộc tấn công trong thế giới ảo có thể làm cho người ta có ảo tưởng như
thật.
Anh lấy một thí du. Một ngày nào đó, có một
người nào đó ở bên Trung Quốc dùng nhu liệu để khiến cho mọi người thấy có một
cuộc tấn công Hoa kỳ bằng nhu liệu, xuất phát từ nước Nga. Thế là chúng ta rất
có thể sẽ tấn công lại vào một bệnh viện ở Mạc Tư khoa chẳng hạn. Chuyện gì sẽ
xẩy ra?
Ngoài khả năng có thể bất ngờ gây ra chiến
tranh, Ed Snowden còn cho rằng NSA, với MonsterMind, đã vi phạm trầm trọng
quyền công dân được giữ những chuyện riêng tư của mình. Bởi vì muốn MonsterMind
hoạt động thật hữu hiệu, NSA phải có, tức là thu thập tất cả mọi tin tức từ
ngoại quốc gửi cho mọi công dân Hoa Kỳ trong nước. Có được những tin tức này,
tất nhiên NSA phải đọc và phân tách các tin tức đó; như thế nghĩa là NSA đã xía
vào chuyện riêng tư của người công dân. NSA đã vi phạm Tu chính án thứ Tư của Hiến
Pháp Hoa Kỳ, cấm không ai được đọc, xem xét những thư từ, liên lạc riêng tư mà
không được phép.
Phải làm gì bây giờ? Tương lai sẽ ra sao?
Sống tại Mạc Tư Khoa, nhưng Ed Snowden không
quan tâm đến cơ quan mật vụ NKVD rất đáng sợ của Nga. Anh rất lo bị dò xét
(hack) bởi những chủ nhân cũ của anh tức là CIA và NSA. Bởi vậy ES thay đổi máy
vi tính, thay đổi địa chỉ e-mail, thay đổi mật khẩu (password) luôn luôn. Anh
cũng biết rằng việc đó rất dễ xẩy ra.
Một điều khác làm ES rất lo ngại là mọi người
ở Hoa Kỳ dần dà sẽ nhàm chán với chuyện NSA, với chuyện chính quyền Hoa Kỳ dùng
NSA dò xét người dân, cũng giống như là lúc đầu chiến tranh làm mọi người lo
ngại, ít lâu sau cảm giác đó không còn nữa. “Một người chết là một thảm
trạng. Một ngàn người chết chỉ còn là một con số thống kê vô danh”
hay là “Hoa kỳ nghe lén bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, là một
chuyện gây tai tiếng xấu cho Hoa Kỳ, nhưng nghe lén 80 triệu dân Đức lại thành
một chuyện bình thường”.
Vậy Ed Snowden đã liều thân tố cáo nhà nước
nghe lén công dân Hoa Kỳ là chuyện vô ích sao?
Không hẳn vậy. Mới đây, công ty Apple và
Google đã cho ra đời một Hệ Điều hành – Operating Systems – mới, đặt trong
những điện thoại cẩm tay thông minh (Smart phone) trong đó có những thiết bị
khiến cho không ai có thể xâm nhập một cách dễ dàng để thu thập những tin tức
tài liệu cá nhân được. Ông Tim Cook, TGĐ Apple tuyên bố: “Mọi người trong chúng ta, ai cũng có quyền giữ những riêng tư của
mình”.
Trong điện thoại cầm tay mới của Apple, đã có
một thiết bị để cho người sở hữu chủ cài đặt một nhu liệu mật mã hoá
(encryption software) , rất rắc rối, của chính mình làm ra, khiến cho không ai
có thể vào xem những điện thư (e-mails), hình ảnh, địa chỉ người liên
lạc (contact list) của mình được. Ngay chính công ty Apple cũng không phá
được nhu liệu mã hoá cài đặt trong điện thoại để vào xem những tin tức của sở
hữu chủ.
Thông thường muốn giải mật một cái khóa mật
mã, dùng tất cả những chữ cái (alphabet) và chữ số, người ta phải mất lối 5
năm. Tuy nhiên với một máy siêu vi tính (super computer) của NSA, thời gian này
có thể giảm thiểu rất nhiều
Nhiều người cho rằng đây là hệ quả của việc
Edward Snowden đã làm. Tuy nhiên, giới chức lo về an ninh quốc gia đã tỏ ra rất
quan ngại đến những thiết bị mới của Apple và Google.
Phải làm gì bây giờ?
Ed Snowden tìm ra một lời giải cho vấn đề này.
Đó là kỹ thuật vi tính.
Anh nói: “Chúng ta hãy tin tưởng vào kỹ
thuật, đừng nghĩ đến bọn chính trị gia. Họ chẳng làm gì được đâu. Chúng ta có
phương tiện, có kỹ thuật để làm cho những vụ dò xét nghe lén của chính quyền
trở thành vô ích, không đi đến đâu.
Lời giải cho bài toán là chúng ta có một hay
nhiều phương thức mật mã hoá (encryption) thật chặt chẽ – không thể phá được –
cho tất cả mọi người. Một khi tất cả mọi liên lạc của người dân được đương
nhiên (by default) mật mã hoá một cách thật chặt chẽ, thì chúng ta có thể ngăn
chặn mọi dò xét nghe lén của chính quyền, không những tại Hoa Kỳ mà còn trên
toàn thế giới nữa”.
Bao giờ phương thức mật mã hóa chặt chẻ, không
ai phá nổi, được cung cấp cho tất cả mọi người? Đó là một kỹ thuật vi tính còn
xa vời. Ed Snowden sẽ còn phải sống xa quê hương những ngày vô định.
Tin mới nhất - Ngày thứ Tư 24 tháng 9, 2014, tổ chức
Right Livehood Foundation bên Thụy Điển đã trao giải thưởng “Right Livehood Award” cho Ed Snowden để vinh danh “người đã can đảm, khôn khéo tố cáo một cách vô tiền khoáng hậu
chính sách dò xét người dân của chính quyền, vi phạm quyền hiến định và tiến
trình dân chủ trong nước”. Người tổng biên tập của báo The
Guardian bên Anh, ông Alan Rusbridger cũng được chung giải thưởng này với Ed
Snowden.
Giải thưởng này được nhiều người coi là một
giải dự khuyết cho giải Nobel (Alternative Nobel Prize).
Ed Snowden từ Nga đã tuyên bố anh rất vui lòng
nhận giải thưởng này nhân danh những ai đã liều mình đứng ra chống cự chính
sách bất tuân pháp luật dò xét một cách quá đáng người công dân. Giải thưởng
này đã công nhận tính chính đáng của nhưng cố gắng đó.
Những người trúng giải thưởng được mời sang
Thụy Điển ngày 1 tháng Chạp 2014 để nhận lãnh giải thưởng này. Anh Ed Snowden
không chắc sẽ sang Thụy Điển được
________________________________________________________
(1) Tổ chức ACLU là một tổ chức bất
vụ lợi, phi đảng phái chính trị, có nhiệm vụ là “bênh vực, duy trì quyền lợi cá
nhân, quyền tự do của công dân Hoa Kỳ, đã được đảm bảo bởi Hiến Pháp và các đạo
luật của Hiệp Chủng Quốc Hoa kỷ. ACLU được thành lập năm 1920 bởi các vị Roger
Baldwin, Crystal Eastman, George Kessler, Helen Keller và Walter Nelles. ACLU
đã quy tụ được trên 500,000 thành viên và có ngân sách hàng năm trên 100 triệu
mỹ kim.
Cách đây không lâu, một vị Hòa thương Việt
Nam, sau khi mua được một cơ sở thuộc thị xã Garden Grove, California, đã nộp đơn
với thị xã để xin mở một chùa Phật giáo, nhưng không được vì sự chống đối của
người dân Hoa Kỳ trong vùng. Chùa đã được một luật sư người Việt làm việc cho
ACLU giúp đỡ. Nhờ sự can thiệp của ACLU, chùa đã được phép hoạt động.
_______________________________________________________________
Tháng 10, 2014