Đạo Phật là đạo giác
ngộ. Giác ngộ là thấy tánh. Muốn thấy tánh thì tu thiền, như đức
Thích Ca Mâu Ni do thiền dưới gốc cây Bồ Đề mà giác ngộ thành Phật.
Cho nên, mục đích tối hậu của thiền Phật Giáo là thành Phật, là
giác ngộ chân tánh. Vì vậy, Thiền Tông chỉ nói đến “kiến tánh thành Phật,” không
nói gì khác.
Nhưng không phải ai cũng
có đủ căn cơ để tu thiền mà kiến tánh thành Phật ngay trong sát na hiện
tiền, hay chí nữa cũng là trong đời này. Cho nên, trong Thiền Tông
cũng có đốn ngộ và tiệm tu, cũng có Nam Năng và Bắc Tú. Thậm chí
thâm tín Phật Pháp như Vua Lương Võ Đế thì có mấy ai, vậy mà trước
câu nói trực chỉ của Tổ Sư Đạt Ma “Xây chùa, tạo tượng đều không có công đức,” cũng không
thể tự mình mở lối lên Thiếu Thất! Vì lẽ đó, để độ người hữu duyên
theo căn cơ sai biệt, thiền cũng khai mở nhiều cửa phương tiện từ
sơ cơ tiệm thứ điều tức, điều thân, điều tâm, đến hốt nhiên đại ngộ
ngay nơi chiếc lá rơi.
Ngày nay thiền trở thành
liệu pháp trị bệnh thân tâm một cách hữu hiệu được phổ biến khắp
mọi nơi trên thế giới, từ bệnh viện y khoa, công ty thương mại đến
trường học và quân đội. Có thể nói chưa bao giờ thiền được đại
chúng hóa như bây giờ. Tuy nhiên, theo quy luật xã hội, cái gì được
đại chúng hóa thì không tránh khỏi trở thành sản phẩm xã hội, mà đã
là sản phẩm xã hội thì khó giữ được phẩm chất tinh ròng và nguyên
vị của nó. Đó chính là trong cái được có cái mất! May thay, còn có
những người ngày đêm âm thầm gìn giữ tinh yếu của thiền như các
thiền sư chân truyền trong các thiền viện thâm nghiêm, hay như cuốn
“Thiền Tập” của Cư Sĩ Nguyên Giác.
“Thiền Tập” và tác giả (2012)
Một trong những đặc điểm
của cuốn “Thiền Tập” của Cư Sĩ Nguyên Giác là tác phẩm này chứa
đựng một bản đồ toàn diện về pháp môn thiền từ bước đầu căn bản chỉ
dạy cách ngồi thiền, cách điều tức, điều thân và điều tâm, đến
những phương thức thiền tập diệu dụng cao siêu của cả ba truyền
thống Phật Giáo: Tây Tạng, Nam Truyền, và Bắc Truyền. Đó là đặc
điểm bởi vì có rất ít hay đúng hơn rất hiếm sách viết về tu thiền
bằng tiếng Việt mà có đầy đủ pháp môn từ sơ cơ đến thượng thừa như
vậy.
Điểm đặc biệt khác nữa
là người biên dịch “Thiền Tập” là Cư Sĩ Nguyên Giác không phải chỉ
là một học giả trên lý thuyết mà chính là một hành giả thiền trên
bốn mươi năm và được truyền thụ trực tiếp từ những bậc thiền sư đạo
cao đức trọng trong chốn thiền môn như Thiền Sư Tịch Chiếu, Viện
Chủ Chùa Tây Tạng ở Bình Dương, Việt Nam. Cư Sĩ Nguyên Giác cũng là
tác giả của cuốn “Vài Chú Giải Về Thiền Đốn Ngộ,” được xuất bản
trên hai mươi năm trước tại Hoa Kỳ, và hàng chục tác phẩm nghiên
cứu và dịch thuật khác về Phật Giáo.
Trong “Thiền Tập” của Cư
Sĩ Nguyên Giác đề cập đến ba truyền thống thiền của Phật Giáo Tây
Tạng, Nam Tông và Bắc Tông, với những pháp môn tinh yếu và phổ
truyền nhất của mỗi hệ thống. Trong đó, với Phật Giáo Tây Tạng thì
có pháp môn Đại Thủ Ấn, Đại Toàn Thiện; với Phật Giáo Nam Truyền
thì có pháp môn Thiền Minh Sát; với Phật Giáo Bắc Truyền thì có
pháp môn Thiền Mặc Chiếu, Thiền Công Án.
Đôi khi người mới tu thiền nghĩ rằng phép thở là
bước đầu vào thiền nên không có công dụng mầu nhiệm gì lắm. Nhưng
không, trong “Thiền Tập” cho chúng ta thấy về diệu dụng bất khả tư
nghì của phép thở như sau:
“Mặc dù thiền tập hơi thở chỉ là bước đầu thiền tập, nó có
thể rất là mãnh liệt. Chúng ta có thể thấy từ pháp tu này là chúng
ta có thể đạt được an tĩnh nội tâm và sự an lạc chỉ bằng cách kiểm
soát tâm, mà không dựa vào bất kỳ điều kiện bên ngoài nào. Khi dòng
niệm lắng xuống, và tâm chúng ta tịch tĩnh, một niềm hạnh phúc sâu
thẳm và sự an lạc tự nhiên khởi lên. Cảm thọ về sự an lạc và sự
sung mãn giúp chúng ta đối phó với sự bận rộn và khó khăn của đời
sống thường nhật.”
Khai thị về pháp đốn
ngộ, “Thiền Tập” trích dẫn lời dạy của Thiền Sư Hám Sơn chỉ thẳng
cội rễ của mọi pháp chỉ là “ảo giác và vô tự tánh,” tất cả đều
“phóng hiện từ chân tâm,” như sau:
“Để thiền tập, ngươi trước tiên phải dẹp bỏ hết mọi kiến
thức và hiểu biết, và chỉ nhất tâm đưa tòan lực của ngươi đặt lên
một niệm. Tin vững chắc vào [chân] tâm của ngươi rằng, nguyên thủy
nó thanh tịnh và sáng rõ, không một chút trì trệ nào hết – nó thì
sáng và hoàn thiện, và bao trùm khắp Pháp giới. Trong tự tánh, thì
không hề có thân, không hề có tâm, không hề có thế giới, mà cũng
không hề có vọng niệm nào, không hề có bất kỳ thọ tưởng nào. Ngay
trong khoảnh khắc này, chính ngay một niệm này tự nó đã là vô sinh.
Tất cả mọi pháp đang hiển lộ trước ngươi bây giờ thực ra là ảo giác
và vô tự tánh – tất cả vạn pháp đó đều là phản chiếu phóng hiện từ
chân tâm của ngươi.”
Phần cuối của “Thiền
Tập” Cư Sĩ Nguyên Giác giới thiệu và trích dịch bài Kinh “Bahiya
Sutta” trong Tiểu Bộ Kinh kể chuyện Đức Phật dạy bài pháp khẩn cấp
cho Người Áo Vỏ Cây chứng A La Hán ngay tức thì khi nghe Phật dạy
và đã viên tịch không lâu sau đó. Bài pháp này cho thấy người nghe
pháp Phật có thể đốn ngộ thánh quả tức thì ngay trong lời dạy của
vị đạo sư. Xin trích lại đoạn Kinh mà Đức Phật dạy cho ngài Bahiya
để độc giả tường lãm:
“Thế này, Bahiya, ông nên tu tập thế này: Trong cái được
thấy sẽ chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái
được nghe; trong cái được thọ tưởng sẽ chỉ là cái được thọ tưởng;
trong cái được thức tri sẽ chỉ là cái được thức tri.’ Cứ thế mà tu
tập đi, Bahiya.
“Khi
với ông, này Bahiya, trong cái được thấy chỉ là cái được thấy…
[nhẫn tới]… trong cái được thức tri chỉ là cái được thức tri, thì
rồi Bahiya, ông sẽ không là ‘với đó.’ Này Bahiya, khi ông không là
‘với đó,’ thì rồi Bahiya, ông sẽ không là ‘trong đó.’ Này Bahiya,
khi ông không ‘trong đó,’ thì rồi Bahiya, ông sẽ không ở nơi này,
cũng không ở nơi kia, cũng không ở chặng giữa. Thế này, chỉ thế
này, là đoạn tận khổ đau.”
Cư Sĩ Nguyên Giác viết trong “Thiền Tập” về sự
chứng đắc qủa vị A La Hán tức thì của Người Áo Vỏ Cây:
“Nhưng, làm cách nào ngài Bahiya -- một người đời thường, chưa
từng quy y hay thọ giới gì cả… mà lúc tìm nghe pháp thì vẫn còn
mang phong thái ngọai đạo, với kiểu lấy vỏ cây làm áo, và được gọi
tên bằng Bahiya Áo Vỏ Cây -- sau khi nghe bài pháp yếu vài câu lại
có thể “hốt nhiên đốn ngộ” và xóa sạch ác nghiệp muôn đời ngàn kiếp
để vừa khi bị bò húc chết là nhập Niết Bàn vô dư ngay? Có nghĩa là,
ngay khi tâm vừa đốn nhập được, thì vô lượng nghiệp tội sẽ không
còn ràng buộc được nữa? Như vậy, khỏang cách giữa một người đời
thường cho tới ngôi vị Thánh Quả A La Hán thực ra chỉ cách nhau vài
sát na tâm? Thực ra, ngài Bahiya đã tu từ vô lượng kiếp rồi, đã là
một tỳ kheo từ thời Phật Ca Diếp. Không có gì là tự nhiên cả, và
ngài Bahiya sau này được Đức Phật nói là trường hợp chứng đạo mau
nhất, xuất sắc nhất.”
Có được khoảnh khắc “hốt
nhiên đốn ngộ” thì phải tu từ vô lượng kiếp cho nên, thiền là phải
tập, phải tu tinh tấn mỗi sát na, mỗi giờ, mỗi ngày trong đời sống.
“Thiền Tập” là cuốn sách rất bổ ích cho mọi người, mọi căn cơ. Xin
hãy vào các trang mạng trên để đọc “Thiền Tập” của Cư Sĩ Nguyên
Giác và học cách thực tập thiền.
Xin cảm niệm công đức của tác giả và trân trọng
giới thiệu đến bạn đọc.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét