PHÁP NẠN
1963:
TƯỞNG NIỆM,
BẢN CHẤT VĂN HÓA,
TINH THẦN BẤT BẠO ĐỘNG
TINH THẦN BẤT BẠO ĐỘNG
(LQ) Trong khuôn khổ “Tuần lễ Phật đản
Phật lịch 2557” và kỷ niệm 50 năm Pháp nạn (1963-2013) tối ngày mùng 10 tháng
Tư Quý Tỵ (19-5-2013) tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế đã diễn ra
buổi thuyết trình với đề tài “Pháp nạn 1963: Tưởng niệm, bản chất văn hóa, tinh
thần bất bạo động” do GS Cao Huy Thuần diễn thuyết. Chư tôn Hòa thượng Chứng
minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh TT Huế, chư tôn Hòa thượng Thường trực Ban Trị sự
GHPGVN tỉnh, chư tôn đức Tăng, Ni các Tổ đình, Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, quý
vị lãnh đạo chính quyền các cấp tỉnh, Thành phố Huế, các thân nhân chư anh linh
Thánh Tử đạo và đông đảo các giới Phật tử đã đến dự. Buổi thuyết trình xúc động
như một buổi tưởng niệm chư vị Thánh Tử Đạo. Bản tin Phật đản xin trân trọng
giới thiệu toàn văn bài thuyết trình đến với quý độc giả.
Cách đây đúng 50 năm, đêm rằm tháng tư Phật Đản 1963, Phật tử cũng tụ tập ở chính công viên này. Bên phải (trái ?) của tôi là một ngôi nhà rất đẹp, lúc đó là trụ sở của Đài phát thanh. Bây giờ Đài phát thanh không còn nữa, nhưng trên đầu của chúng ta, trăng rằm hôm đó vẫn là trăng rằm hôm nay, và trăng ấy đã chứng kiến một cảnh hãi hùng.
Dưới
ánh sáng hiền từ của trăng đầu hạ, quần chúng Phật tử nô nức kéo nhau về đây để
nghe phát lại đại lễ Phật Đản hồi sáng tại chùa Từ Đàm. Sáng ở Từ Đàm, tối
trước Đài phát thanh, đó là thông lệ của Phật tử Huế mỗi rằm tháng tư. Nhưng
rằm tháng tư năm ấy không giống mọi năm. Buổi sáng ở Từ Đàm, Phật tử đã nghe
Thầy Trí Quang phản đối lệnh cấm treo cờ Phật giáo của chính quyền ông Diệm.
Cấm treo cờ là hành động miệt thị cuối cùng của một đại chính sách nhằm triệt
hạ Phật giáo như là một tôn giáo muôn đời của dân tộc. Cấm treo cờ là giọt nước
mắt làm tràn ly nước mắt nhẫn nhục mà Phật giáo đã chịu đựng trong suốt chín
năm. Giọt nước mắt ấy đã ứa ra từ hồi sáng ở Từ Đàm trong lời hiệu triệu của vị
lãnh đạo. Chính giọt nước mắt ấy đã thúc đẩy thêm bước chân nô nức của Phật tử
kéo nhau tụ tập trước Đài phát thanh này.
Phật Đản 1964 tại Sài Gòn
Nhưng
Phật tử không phải kéo nhau đến đó để khóc. Phật tử có cách khóc của Phật tử
trong suốt chín năm, thầm lặng nhưng hùng vĩ. Hùng vĩ để phản đối. Nhưng hùng
vĩ để phản đối trong tinh thần bất bạo động, như lời hiệu triệu hồi sáng ở Từ
Đàm. Tinh thần đó giúp Phật tử giữ được không khí lễ hội hàng năm. Phật tử
khóc, mà vẫn tươi cười, vì hôm đó là Phật Đản, là một ngày vui, là một lễ hội.
Già, trẻ, lớn , bé, quần chúng kéo nhau đến Đài phát thanh như đi hội. Trong
lòng Phật tử là nước mắt, nhưng trong lòng Phật tử đêm đó không hừng hực lửa
bạo động. Đó là điều quan trọng nhất mà chúng ta phải nhắc lại ở đây, vì đó là
tinh thần, vì đó là hình ảnh tiêu biểu của suốt mùa tranh đấu.
Trong
không khí một lễ hội hòa lẫn vui tươi và khắc khoải như vậy, quần chúng nóng
lòng chờ đợi một buổi phát thanh không đến. Loa phát thanh càng câm, quần chúng
kéo đến càng đông, vì ở nhà họ chỉ nghe quân nhạc bất thường phát ra từ máy.
Đêm hè rất nóng, và công viên nóng chật hơi người. Nóng đến nỗi khi xe xịt nước
kéo đến để buộc quần chúng giải tán, nước ấy cũng chỉ vừa đủ mát để tắm, không
ai nghĩ rằng sau nước là máu. Và sau nước là máu. Xe thiết giáp kéo đến. Năm
chiếc! Năm chiếc bao vây khuôn viên bé nhỏ này. Năm chiếc dàn ra như đi đánh
trận. Và súng nổ. Súng bắn bừa vào đám đông. Và lạ thay, bảy thi thể nát thây
trong máu là bảy em bé áo lam khi nãy vừa vô tư ríu rít chuyện trò với nhau để
chờ nghe chuông mõ. Bảy em bé đi lễ hội đêm rằm với vầng trăng ở trên đầu và
ngây thơ trên trán. Phải cần năm chiếc xe bọc sắt để bắn nát bảy em bé áo lam.
Không có hình ảnh nào biểu trưng hơn hình ảnh ấy, hình ảnh của bạo lực với
thiên thần. Chết như thế, không phải Phật giáo đâu, chính quần chúng, chính
niềm tin dân dã muôn đời của Việt Nam, đã xem như cái chết của thánh, chết linh
thiêng. Bạo lực đã mở màn tranh đấu Phật giáo bằng cái chết linh thiêng của
thánh, và Huế là đất thiêng đã được lịch sử chọn để nhận bảy cái chết linh
thiêng.
Chúng
ta sống trong thời đại khoa học và có bổn phận phải đào tạo tinh thần khoa học
trong gia đình, trong học đường. Nhưng đêm nay, giữa ánh nến chung quanh và
vầng trăng bí mật trên đầu, vầng trăng đã chứng kiến tất cả, chúng ta hãy dành
một phút cho linh thiêng ấy và hãy chiêm nghiệm sự lạ xảy ra trong đêm ấy, sự
lạ đầu tiên trong nhiều sự lạ đã xảy ra trong suốt mùa tranh đấu. Hãy tưởng
tượng không khí đàn áp trong đêm ấy và chính sách bóp kín mọi tin tức không để
lọt ra khỏi Huế của ông Diệm, ông Thục. Ai dám nghĩ rằng cuộc thảm sát ở Huế sẽ
dội vào tai thế giới? Ngay sau khi nổ súng, xác các em được tức tốc hốt về nhà
xác của bệnh viện, giấu kín trong một xó, không ai được biết, không ai được
nói. Có tiếng nổ trước Đài phát thanh chăng? Cả nước sẽ phải học, phải nói,
phải nghe: đó là lựu đạn của Việt cộng. Nhưng cái màn lưới giăng kín ấy không
che được mắt của một chứng nhân mà bước chân vô tình đã dẫn đến trước Đài phát
thanh, đứng ngay trước họng súng của chiếc thiết giáp mang tên "Ngô Đình
Khôi". Chứng nhân ấy là bác sĩ Wulff, giáo sư y khoa người Đức đang dạy
tại Đại Học Huế. Cho đến đêm rằm tháng tư năm ấy, bác sĩ Wulff chưa hề bước
chân đến chùa Từ Đàm, chưa hề biết gì về Phật giáo, chỉ biết như mọi người rằng
chế độ Diệm là chế độ độc tài, gia đình trị, tôn giáo trị. Đêm Phật Đản, vì tò
mò trước không khí khác lạ trên con đường Lê Lợi, và được sinh viên của mình
mời gọi, ông theo học trò đến Đài phát thanh, thong dong như một người đi hóng
mát đêm hè. Nhưng thiết giáp ùa đến, và súng nổ ngay trước mặt ông. Kể từ giờ
phút đó, bác sĩ Wulff tự khoác lên vai một trách nhiệm mới, trách nhiệm cao cả
của một người nói lên Sự Thật trong một thế giới dối trá. Ông đi về nhà, nhưng
vai trò bác sĩ hối ông tìm đến nhà thương. Ở nhà thương, người ta nói dối không
có ai chết và ông đã đi ra. Nhưng cái gì đã khiến ông đi vào nhà xác? Ánh mắt
của một người y công. Không có ánh mắt ấy, đố ai thấy được xác chết. Và bác sĩ
Wulff thấy gì? "Bảy thân người đầy
máu me. Năm cái xác không còn đầu. Bên cạnh cánh tay của một xác trẻ em không
đầu, một con mắt dính vào một ít da đầu và một khúc xương trán"
Cái
gì đã xúi bác sĩ Wulff đi vào nhà thương? Cái gì đã giúp ông đi vào nhà xác?
Các câu hỏi đó có thể không nên đặt ra nếu không có thêm câu hỏi này nữa, sự
việc này nữa. Từ nhà xác, ông đi vội đến nhà bạn đồng nghiệp, bác sĩ Krainick,
ở gần đấy, trong lúc bà Krainick đang đọc vào máy ghi âm bức thư thăm hỏi các
người con ở Đức. Vội vàng mở cửa và hốt hoảng nghe kể chuyện vừa xảy ra, bà quên
tắt máy ghi âm. Do đó, máy ghi lại hết lời tường thuật đầu tiên không đầy một
giờ sau khi thảm sát xảy ra. Cuốn băng nhựa ghi âm này đã làm bằng cớ đích xác
trước Liên Hiệp Quốc khi xét vấn đề đàn áp Phật giáo của ông Diệm. Cái gì đã
xui khiến bà Krainick quên làm động tác tắt máy, một động tác tự động?
Vẫn
chưa hết câu hỏi. Ở nhà xác, ông Wulff muốn chụp ảnh các xác chết nhưng không
có máy. Không có hình ảnh, lấy gì làm tin? Vậy mà sáng ngày hôm sau, trước khi
đi lên phi trường Phú Bài để tìm cách thoát ra ngoại quốc làm nhân chứng, một
người bạn xuất hiện, trao cho ông Wulff một
cuốn phim với đầy đủ hình ảnh các nạn nhân. Người bạn đã nhanh tay chụp được
ảnh nửa giờ trước khi cảnh sát cấm vào nhà xác. Không phải là phóng viên nhà
báo, cái gì đã giúp người bạn kia làm được một kỳ công như vậy?
Cái
gì, cái gì, cái gì? Cái gì nữa đây đã giúp ông Wulff đi trót lọt lên máy bay
trước mắt của lưới mật vụ với cuốn phim trong túi? Cái gì giúp cuốn phim trong
túi ông đi trót lọt qua Tân Sơn Nhất để đến Phnom Pênh? Giả sử không có cuốn
phim, giả sử không có băng ghi âm, giả sử ông Wulff không đứng trước họng súng, giả sử ông Wulff
bị bắt, lịch sử đã bị bịt mắt dẫn đi theo một hướng khác rồi chăng? Sự Thật đã
thua Dối Trá rồi chăng? Có anh ký giả ngoại quốc nào ở Sài Gòn lúc đó ngờ được
một thảm sát như vậy đã xảy ra ở Huế? Nói, có ai tin? Huế có gì lạ để thiên hạ
chú ý đâu, một thành phố hiền lành! Tất cả những sự lạ đó đã xảy ra và ông
Wulff là sự lạ cao quý mà chúng ta hôm nay thành tâm tưởng nhớ. Ông đã dám hy sinh
cả tính mạng của ông để hoàn thành một sứ mạng mà ông tự trao cho ông. Nhưng
cái gì, cái gì, cái gì, đã xui ông đến, cái gì đã giúp ông chui qua được lỗ
kim?
Cái
ấy, nhiều người sẽ trả lời: đó là may mắn, đó là tình cờ. Vâng, với đầu óc khoa
học, ta cũng muốn giải thích như thế. Nhưng đó là cách giải thích của người nằm
trong gối ấm chăn êm. Bất cứ ai đã từng lăn lưng vào nguy hiểm, mạng sống chỉ
còn treo trên sợi tóc, mấy ai chẳng có lúc nghĩ đến một cái gì khác vượt qua
hiểu biết, lý luận? Cái gì khác đó là lòng tin. Lòng tin vững thì bước đi chắc.
Bước đi chắc thì may mắn gặp. Đối với quần chúng Phật tử lúc đó, lòng tin giải
thích tất cả, vượt qua tất cả. Hòa Thượng Trí Quang có nói một câu, và câu đó
gạt phăng mọi lối giải thích dựa trên sự tình cờ. Hòa Thượng nói: "Trên đỉnh đầu tôi có Phật". Nếu
không có Phật trên đỉnh đầu, làm sao Hòa Thượng dám tay không đối mặt với bạo
lực? Bao nhiêu lần, cái chết đã chờn vờn trước mắt, vậy mà Hòa Thượng vẫn vượt
qua. Nếu không có Phật trên đỉnh đầu, làm sao Hòa Thượng không có chút rúng
động trong lòng? Mà một chút run trong hành động là thất bại, là chết. Tin ở ta
và tin ở thiêng liêng là một. May mắn đến từ đó.
Vậy
thì, với Phật trên đỉnh đầu, ta hãy dành một phút cho lòng tin vào thiêng
liêng, nhất là trong đêm tưởng niệm này. Đối với Phật tử, không có cái chết nào
là chết hẳn, cái chết nào cũng được tiếp nối bằng sự sống, nhất là những cái
chết linh thiêng. Cái mà người khác gọi là may mắn, gọi là tình cờ, ta gọi là
phù hộ. Cái mà người khác gọi là chết, ta gọi là sống. Sự sống đó đi theo hành
động của ta. Sự sống đó cho ta niềm tin. Sự sống đó phù hộ cho ta. Chính sự
sống linh thiêng đó đã đem bác sĩ Wulff đến với chúng ta. Các em bé chết, nhưng
các Thánh tử đạo sống. Sống để đặt đức Phật lên đỉnh đầu của bác sĩ Wulff, đưa
ông đến với Sự Thật, dẫn ông vượt qua mọi nguy hiểm. Đêm nay, chúng ta hãy
chiêm nghiệm sự sống linh thiêng đó để tiếp tục dõng mãnh bước đi trên đường
của chúng ta. Chúng ta càng dõng mãnh khi lòng tin đó càng vững chắc. Phải tin
rằng mỗi bước đi của ta đều có sự phù hộ. Tin như vậy thì không có gì phải sợ.
Suốt mùa tranh đấu, lòng tin ấy dẫn đầu. Suốt mùa tranh đấu, Phật giáo chỉ đọc
và chỉ áp dụng một câu kinh: "Vì tâm
không vướng ngại nên không hề khiếp sợ, vượt hết thảy khổ ách". Ông
Wulff chưa bao giờ là Phật tử, nhưng với chúng ta, ông đã là Phật tử vì trên
đỉnh đầu của ông có câu kinh ấy.
Lịch
sử Phật giáo 1963 để lại cho cả thế giới thêm một bài học nữa về lòng tin đó.
Đừng sợ! Vì ta có lòng tin, vì ta có phù hộ. Nhưng vô úy của Phật giáo cũng bắt
nguồn từ chữ "tâm" nói trên. Tâm không vướng ngại, vì đây là tâm của
từ bi. Hãy ghét cái ác mà tranh đấu, đừng ghét con người, vì trong mỗi người
đều có Phật. Chính vì thấy Phật cả trong đối thủ của mình nên mình mới có được
cả cái tâm vô úy. Ấy là lý thuyết suông chăng? Không, phải có một Phật Đản 63
để thế giới thấy rằng ngọn lửa Quảng Đức là thể hiện của lý thuyết ấy. Không có
biểu tượng nào oai hùng hơn về sự kết hợp của hai đức tính biểu trưng của Phật
giáo: vô úy và từ bi. Cái này có thì cái kia có; cái này là động lực của cái
kia. Sau thánh Gandhi, thế giới hiểu thêm thế nào là tranh đấu bất bạo động ở
Việt Nam. Gandhi đã lấy tuyệt thực và tính mạng để thức tỉnh cái ác của đế
quốc, để động viên dân tộc. Phật giáo Việt Nam đã lấy cái chết, lấy ngọn lửa để
thức tỉnh cái ác của độc tôn tôn giáo, để bảo vệ chính nghĩa. Cả hai đều không
có khí giới nào ngoài hơi thở của chính mình và một lòng tin không gì lay
chuyển. Đêm nay, chúng ta hãy chiêm nghiệm thêm sự lạ này, sự lạ tột cùng của
mọi sự lạ trong lịch sử: cái gì đã làm cho trái tim bồ tát không cháy? Để lại
một trái tim cho thế giới đầy hận thù này, đố ai tìm được một biểu tượng có ý
nghĩa hơn về đức từ bi. Báu vật này, đáng lẽ cả thế giới phải cung nghinh.
Nhưng
may mắn thay cho lịch sử 63, cũng là lịch sử của Huế, cũng là lịch sử của đất
nước, chúng ta có một đài thánh tử đạo, mà thành phố Huế tôn vinh, để kỷ niệm
cái chết linh thiêng đã mở màn cho cuộc tranh đấu bất bạo động. Cái chết của
bảy em bé không làm chấn động thế giới như cái chết của bồ tát Quảng Đức. Nhưng
thế giới hãy đến đây, đứng trước Đài kỷ niệm đơn sơ này, và ngẫm nghĩ cho kỹ
một hàng chữ không khắc trên Đài mà khắc trong lòng người, bất cứ người nào
đứng trước Đài, bất cứ quốc gia nào, bất cứ thời đại nào, bất cứ văn minh nào:
"Bạo lực nào cũng thất bại, Sự Thật
và Từ Bi là bậc chiến thắng muôn đời ".
Đó
là ý nghĩa của Phật Đản 63.
Cao Huy Thuần
20/05/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét