NHÂN CHỨNG VỤ THẢM SÁT
ĐÀI PHÁT THANH HUẾ 50 NĂM TRƯỚC
Nguyễn Thiện Tống
Ngày lễ Phật đản 50 năm trước nhằm ngày mồng 8 tháng 5 năm 1963 là ngày xảy ra
vụ thảm sát ở Đài Phát thanh Huế và đã trở thành ngày
mở đầu cho phong trào tranh đấu của Phật giáo dẫn đến sự lật
đổ chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm ngày 1 tháng 11 năm
1963.
Dư luận thời đó và đến hiện nay, hầu hết đều cho rằng vụ thảm sát tại Đài Phát thanh Huế
là do xe tăng và binh sĩ của Thiếu tá Đặng Sĩ gây ra. Nhưng chính
quyền Ngô Đình Diệm lúc đó lại đổ thừa vụ thảm sát do “Việt
Cộng ném lựu đạn”.
Tôi đứng cạnh xe tăng của Thiếu tá Đặng Sĩ vào giây phút lựu đạn nổ đêm
đó, xin kể lại những gì tôi chứng kiến về vụ thảm sát ở Đài Phát
thanh Huế để tưởng niệm những nạn nhân trẻ tuổi đã chết oan 50 năm trước.
TS PGS Nguyễn Thiện Tống
Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Hàng Không, Đại học Bách
khoa TpHCM
Từ lệnh cấm treo cờ Phật giáo đến lệnh
không cho phát thanh lại lễ Phật đản
Hằng năm vào dịp lễ Phật đản, khắp nơi ở Huế người ta trang hoàng trước
nhà, trước ngõ những cổng chào đầy cờ ngũ sắc của Phật giáo và nhiều lồng đèn
màu tạo ra một khung cảnh tưng bừng
đẹp mắt. 50 năm
về trước, lễ Phật đản được tổ chức vào ngày rằm
tháng tư năm Quý Mão, nhằm ngày 8 tháng 5 năm 1963.
Vài ngày trước đó, Tổng Giám mục Ngô
Đình Thục vừa
được Tòa thánh Vatican điều từ Vĩnh Long về địa phận Huế, đã không vừa lòng khi
thấy khung cảnh rợp cờ Phật giáo đó, nên ông đã gây ảnh hưởng đến người em là Tổng thống Ngô Đình Diệm khiến ông Diệm cho gửi
công điện ngày 6 tháng 5 đến các tỉnh thành ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo nơi
công cộng.
Ngày 7 tháng 5, cảnh sát ở Huế được điều động đi triệt hạ cờ Phật giáo
ở trước cổng
chùa và tư gia nhưng gặp phản ứng mạnh mẽ của đồng bào Phật tử. Chiều hôm
đó hàng ngàn
Phật tử biểu tình trước Tòa Tỉnh Thừa Thiên trên đường Lê Lợi ở Huế, đòi thu hồi lệnh cấm treo cờ Phật giáo. Trước phản ứng mạnh mẽ đó, Tỉnh
trưởng Nguyễn Văn Đẳng đã ra lệnh cảnh sát tạm thời cho phép treo cờ Phật giáo
vào dịp Lễ Phật đản ngày 8 tháng 5. Ông cũng thông
báo cùng các vị lãnh đạo Phật giáo ở
Huế rằng ông sẽ can thiệp vào Sài Gòn
để yêu cầu thu
hồi lệnh cấm đoán trên.
Theo thường lệ hằng năm, băng ghi âm buổi lễ Phật đản ở chùa Từ Đàm vào buổi sáng được phát lại qua Đài Phát thanh Huế
vào buổi tối. Nhưng lần này, chương trình phát thanh lại buổi lễ đó bị hủy bỏ
vào phút cuối.
Hàng ngàn đồng bào Phật tử tụ tập ở Đài Phát thanh
Cũng theo thường lệ hằng năm, vào buổi tối ngày lễ Phật đản, đoàn xe hoa
xuất phát từ chùa Từ Đàm chạy qua cầu Trường Tiền rồi diễn hành ở trung tâm
thành phố Huế. Tôi rời nhà đi xem xe hoa vào khoảng 7
giờ tối ngày 8 tháng 5.
Khi tôi đi xe đạp gặp đoàn xe hoa ở đường Lê Lợi gần trường Quốc Học thì
thấy một nhà sư trẻ nói qua loa phóng thanh cầm tay kêu gọi đồng bào Phật tử
đến Đài Phát thanh Huế để yêu cầu phát thanh lại buổi lễ đã được ghi âm ở chùa
Từ Đàm.
Khi đến Đài Phát thanh, tôi thấy một số người đã tụ tập
ở đó. Tôi để xe đạp bên lề đường Lê Lợi phía Viện Đại học Huế và đi vào đứng
gần trước cửa Đài Phát thanh.
Nhà sư trẻ và những người đại diện cho đồng
bào Phật tử đã dùng loa lớn ở Đài Phát thanh để nói chuyện với những người tụ tập. Khi đó Nhạc sĩ Ngô Ganh là Giám đốc
Đài Phát thanh đã có mặt nhưng không đủ
thẩm quyền giải
quyết.
Số người từ các nẻo đường đổ về
càng lúc càng
đông, choán cả đường Lê Lợi và bồn xoay tròn phía đầu cầu Trường Tiền. Đám đông
rất trật tự và ôn hòa chờ đợi theo lời hướng dẫn từ
loa phóng thanh.
Khoảng 9 giờ, ông Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng và
Thượng tọa Thích Trí Quang
đến. Mọi người
vỗ tay chào đón ông Tỉnh trưởng, và những người ở phía đường Lê Lợi được yêu cầu mở lối cho đoàn đi vào trong Đài Phát thanh. Mọi người có vẻ lạc quan chờ đợi
kết quả trong khi ông Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng và Thượng tọa Thích Trí Quang
bàn bạc với Giám đốc Ngô Ganh bên trong Đài Phát thanh.
Một lát sau đó tôi thấy xe chữa cháy xuất hiện ở gần bồn xoay tròn phía đầu
cầu Trường Tiền và có người phun nước vào những người tụ tập ở phía đó, rôi bị
nhiều người giựt vòi nước phun trả lại. Xe chữa cháy tắt nước và rút lui êm
thắm.
Xe tăng và lựu đạn làm chết 9 người
Khoảng 10 giờ, tôi bỗng thấy xe tăng xuất hiện trước
mặt, cản tầm nhìn của tôi về phía cửa Đài Phát thanh. Quanh xe tăng là những
binh sĩ với lưỡi lê cắm trước mũi súng trường. Họ được những người tụ tập ở Đài
Phát thanh cộng tác tránh đường mở rộng lối để chiếc xe tăng đó chạy từ
từ vào giữa sân
Đài Phát thanh.
Tuy nhiên, tôi linh cảm điều gì không hay sẽ xảy
ra nên lùi về bên hàng rào phía cầu Trường Tiền của đài Phát thanh. Tôi bỗng
thấy một sĩ quan mà sau này tôi mới biết là Thiếu
tá Đặng Sĩ, đứng lên trên chiếc xe tăng và bắn chỉ thiên 3 phát súng lục như để
làm hiệu lệnh.
Ngay sau đó, tôi nghe tiếng nổ rất lớn ở phía giữa
xe tăng và cửa Đài Phát thanh.
Tôi kinh hoàng xoay người leo qua hàng rào khá thấp của Đài Phát thanh và
chạy về hướng bờ sông theo dòng người quanh
tôi. Tôi nghe tiếng súng đạn rền vang và tiếng kêu la sợ hãi của những người
đang bỏ chạy.
Tôi chạy theo bờ sông một lúc thì thấy có lối dẫn ra đường Lê Lợi. Tôi chợt
nghĩ đến việc quay lại lấy chiếc xe đạp nên chạy ra hướng đó. Nhưng khi vừa ló đầu nhìn về phía Viện Đại học tôi thấy chiếc xe tăng
mang chữ “NgôĐình Khôi” đứng sừng sững ở giữa đường Lê
Lợi. Ngô Đình Khôi là tên người anh cả của ông Ngô Đình Diệm bị Việt Minh giết
vào tháng 8 năm 1945, khi ấy ông Khôi đang làm Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam i. Tôi
cũng thấy một số binh sĩ bắn súng loạn xạ như để xua đuổi mọi người tránh xa
Đài Phát thanh.
Tôi chạy trở lại phía bờ sông và hướng lên phía Bến đò Thừa Phủ, đủ xa chỗ xe tăng để băng qua đường Lê Lợi và đi vòng đến Bưu điện trên đường Lý Thường Kiệt
rồi tìm cách trở về đầu cầu Trường Tiền. Khi đó tiếng súng đã im và binh sĩ đã
tỏa ra đứng gác các nẻo đường quanh khu vực Đài Phát thanh không cho người dân
đến gần khu vực đó.
Mãi đến khoảng 12 giờ khuya tôi mới đến được đầu cầu Trường Tiền, nơi đó có một chiếc xe tăng trấn giữ. Khi đó, đèn đường khu vực Đài Phát thanh bị tắt hết nhưng ánh sáng trăng rằm giữa đêm khuya giúp tôi thấy quang cảnh ở đó như một bãi chiến trường hoang
vắng không một bóng người, chỉ ngổn ngang đầy dày dép và xe đạp. Đến khi đó, những người còn ở xa quanh Đài Phát thanh như tôi không biết rõ việc gì đã
xảy ra và cũng không biết có ai bị thương bị chết hay không.
Những binh sĩ trên xe tăng nói rằng họ được lệnh từ
Phú Bài ra đây bảo vệ Đài Phát thanh bị Việt Cộng tấn công. Nhóm người còn lại
nói: “Tụi tui là Phật tử tụ
tập yêu cầu cho phát thanh lại buổi lễ
Phật đản chứ Việt Cộng mô.” Những binh sĩ trên xe tăng cũng nhận mình là Phật tử
nên tỏ ra thân thiện với những Phật tử này.
Khi tôi đi đến phía đầu cầu bên tả ngạn cũng gặp một xe tăng nữa và binh
sĩ ở đây cũng cho biết là họ từ Phú Bài ra. Nhiều người lo lắng cho sự an toàn
của Thượng tọa Thích Trí Quang nên không chịu giải tán mà tụ tập đông dần lên ở
Thương Bạc. Đến gần 1 giờ sáng, Thượng tọa Thích Trí Quang trên xe buýt nhỏ
xuất hiện ở Thương Bạc kêu gọi Phật tử giải tán thì mọi người mới yên tâm về
nhà.
Chín nạn nhân của vụ thảm sát
Sáng hôm sau, ngày 8 tháng 5, các chùa báo tin có 9 người chết và được
phong Thánh Tử Đạo. Tuy nhiên có một người không theo Phật giáo nên gia đình
yêu cầu rút tên vào ngày sau. Vì thế ngày nay các tài liệu chỉ ghi lại tên tuổi
của 8 người như sau: (1) Nguyễn Thị Ngọc Lan, 12 tuổi, (2) Huyền Tôn Nữ Tuyết Hoa, 12 tuổi, (3) Đặng Văn Công
13 tuổi, (4) Dương Viết Đạt, 13 tuổi, (5) Nguyễn Thị Phúc, 15 tuổi, (6) Lê Thị
Kim Anh, 17 tuổi, (7) Trần Thị
Phước Tri, 17
tuổi, (8) Nguyễn Thị Yến, 20 tuổi.
Bảy trong tám người này là trẻ em dưới 18 tuổi. Khi đó tôi chỉ 16 tuổi. Họ cũng như tôi và phần lớn những người
khác tụ tập ở Đài Phát thanh hôm đó chỉ là những người muốn đi xem xe hoa đêm
lễ Phật đản thôi. Khi bắt đầu tụ tập ở Đài Phát thanh, tôi nghĩ rằng đoàn xe hoa chỉ tạm thời ngừng ở
đây rồi sẽ chạy qua cầu Trường Tiền và diễn hành ở trung tâm thành phố Huế một
khi băng ghi âm buổi lễ Phật đản ở chùa Từ Đàm vào buổi sáng được phát lại qua
Đài Phát thanh Huế.
Ai đã ra lệnh việc dùng xe tăng và súng đạn để đàn áp một cuộc biểu tình hòa bình và bất bạo động như thế làm cho những nạn nhân trẻ tuổi bị chết oan 50 năm trước?
Trong phiên tòa xử vụ án Đặng Sĩ đầu tháng 6 năm 1964, nhiều lời khai có
phần mâu thuẫn giữa các nhân chứng được đưa ra để xác định xem những nạn nhân trẻ em chết vì lựu đạn, vì chất nổ plastic, vì đại
bác hay vì xe tăng cán nát.
Đặng Sĩ khai rằng ông bắn chỉ thiên 3 phát súng
lệnh sau khi nghe hai tiếng nổ lớn mà ông cho là của lựu đạn do Việt Cộng ném
và khi đó xe tăng của Đặng Sĩ cách Đài Phát thanh 50 mét.
Tôi chắc chắn Đặng Sĩ tự biết mình
khai láo. Tôi thấy rõ ràng xe tăng của Đặng Sĩ đã chạy từ từ vào giữa sân Đài Phát thanh rồi ông
đứng lên bắn 3 phát súng lệnh trước khi tôi nghe tiếng nổ rất lớn ở phía giữa
xe tăng và cửa Đài Phát thanh.
Sau này, tôi cũng có nghe thêm điều nghi ngờ rằng lựu đạn được cố tình ném vào bên trong Đài Phát thanh
để ám sát Thượng tọa Thích Trí Quang, mặc dù việc đó có thể làm chết cả ông Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng và Giám đốc Ngô Ganh
của Đài Phát thanh. Tuy nhiên lựu đạn không làm bể cửa kính để lọt vào bên
trong Đài Phát thanh mà bị
trúng phần gỗ
của cánh cửa rồi văng ngược lại và nổ ngoài sân.
Bác sĩ Erich Wulff và các nhân chứng khác
Bác sĩ người Đức Erich Wulff là một nhân chứng
ở phía đường Lê Lợi khi xe tăng vào sân Đài Phát thanh và sau đó tận mắt thấy
các xác chết dưới ánh đèn nến lờ mờ ở nhà xác của Bệnh viện Huế. Bác sĩ Erich
Wulff đã nhờ người bạn là Raimund Kauffman chụp hình xác các nạn nhân ngay đêm
8/5 đó. Sau đó khi về đến khu cư xá giáo sư đại học, Bác sĩ Erich Wulff kể lại
biến cố vừa qua cho vợ chồng Giáo sư Krainick
và tình cờ được bà Krainick ghi âm lại. Giáo sư Krainick và Bác sĩ Erich Wulff
đã đem cuốn phim chụp hình những xác chết và cuộn băng nhựa ghi âm đó vào Sài
Gòn rồi bí mật gửi ra khỏi Việt Nam.
Trong hồi ký viết năm 1972 của mình, Bác sĩ Erich Wulff kể rằng khi đến nhà xác
“Không có ánh đèn điện. Dưới ánh sáng yếu ớt
của đàn bạch lạp,
chúng tôi thấy có bảy thân người đầy máu me được đặt trên ba bàn khám nghiệm
bằng đá. Từ chân đến ngực thân thể họ còn nguyên vẹn. Nhưng có năm cái xác –
tất cả là trẻ em – thì không còn đầu. Nơi một
người phụ nữ thì có những
vết đạn bắn vào cánh tay, vai và cổ.” Bác sĩ Erich Wulff cho rằng “Các xe thiết giáp đã bắn nát đầu các em
thiếu nhi, có lẽ vào lúc các em leo qua hàng rào của Đài Phát thanh và nhô đầu
ra trước.”
Bác sĩ Erich Wulff là nhân chứng khách quan và
có giá trị nhất, nhưng chính Bác sĩ Erich Wulff viết rằng khi thấy xe tăng đến
thì ông nhảy qua hàng rào Đài Phát thanh và đứng sang bên kia đường Lê Lợi để nhìn về phía Đài Phát thanh. Chính vì
thế Bác sĩ Erich Wulff không
ở vị trí để
thấy “các xe thiết giáp bắn nát đầu các em thiếu nhi” mà chỉ suy đoán như trên.
Ông Nguyễn Khắc Từ, Huynh trưởng
gia đình Phật Tử, người đã có mặt từ đầu đến cuối bên cạnh Thượng tọa Thích Trí
Quang ở Đài Phát thanh đêm đó, kể lại trên báo Liên Hoa năm 1965 rằng
“Một chiếc xe tăng mang tên Ngô
đình Khôi cán bừa lên cả người đồng
bào. Vài tiếng thét ghê rợn. Mặc kệ, họ cứ tiến vào
đám quần chúng. Giữa lúc ấy, 3 tiếng súng lục chát chúa khô khan vang lên, và
lựu đạn cay tung ra tứ phía. Từng loạt súng liên thanh và một tiếng nổ kinh hồn
rung chuyển cả đài phát thanh. Tiếng súng vẫn nổ.Trong
đài, chúng tôi vào ẩn trong phòng hoà
âm gồm các Thượng Tọa, Đại Đức, ông Tỉnh trưởng và một số
chúng tôi.”
Thật ra khi có tiếng nổ thì ông Nguyễn Khắc Từ đã ở bên trong Đài Phát
thanh cùng Thượng tọa Thích Trí Quang và ông Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng, cho
nên ông Từ không tận mắt chứng kiến những gì xảy ra bên ngoài để kể lại đúng sự
thật được.
Khi tôi thấy xe tăng ngay trước mặt tôi ở trong sân Đài Phát thanh thì đồng
bào Phật tử còn trật tự chờ đợi và xe tăng chưa cán vào ai cả. Chỉ sau khi Thiếu tá Đặng Sĩ bắn chỉ
thiên 3 phát súng lục như để
làm hiệu lệnh thì tiếng súng
đạn mới nổ rền và vụ thảm sát mới bắt
đầu.
Bác sĩ Erich Wulff kể lại trên báo Liên Hoa
vào tháng 5 năm 1964 rằng khi đến nhà xác “Tôi
thấy một cảnh tượng vô cùng khủng khiếp, 7 cái xác chết tan hoang, nhưng còn có
thể nhận ra được, kẻ bị văng óc vỡ đầu,
kẻ thì thân xác nát bấy, máu thịt đất cát cùng với óc não lẫn lộn be bét, còn
một cái xác khác thì hoàn toàn tan nát từng mảnh không sao nhận ra được.
Tám vị Thánh Tử Đạo
Bảy trong tám người chết là trẻ em dưới 18 tuổi. Với những “xác chết tan hoang” như Bác sĩ Erich
Wulff kể ở trên, và với những diễn biến mà tôi chứng kiến, thì tôi chắc rằng họ chết do xe tăng cán trong sân Đài Phát
thanh sau khi lựu đạn nổ.
Hiện nay ở ngã tư Lê Lợi – Hùng Vương, phía góc
Đài Phát thanh cũ có Đài Kỷ Niệm
Thánh Tử Đạo do Giáo hội Thừa Thiên phụng lập với danh sách như sau:
1. Tâm Đồng Đặng văn Công
2. Tâm Thanh Dương Viết Đạt
3. Tâm Thành Nguyễn Thị Yến
4. Tâm Thọ Nguyễn Thị Phúc
5. Tâm Hiền Lê Thị Kim Anh
6. Tâm Thuận Trần Thị Phước Tri
7. Tâm Chánh Nguyễn Thị Ngọc Lan
8. Tâm Tôn Huyền Tôn Nữ Tuyết Hoa
4. Tâm Thọ Nguyễn Thị Phúc
5. Tâm Hiền Lê Thị Kim Anh
6. Tâm Thuận Trần Thị Phước Tri
7. Tâm Chánh Nguyễn Thị Ngọc Lan
8. Tâm Tôn Huyền Tôn Nữ Tuyết Hoa
N T Tống
Phật lịch 2557 (Tây lịch 2013)
i
Ông Ngô Đình
Khôi làm tổng đốc Quảng Nam, đến năm 1943 thì về hưu (có nguồn tin nói bị Pháp
ép vì thân Nhật) -- chú thích của Diễn Đàn.
[Trích
nguồn: http://www.diendan.org/viet-nam/vu-tham-sat-dai-phat-thanh-hue
]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét