Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013


GIÁO SƯ ĐẠI HỌC NOTRE DAME XỬ TRÍ
“HUYỀN THOẠI” TỬ ĐẠO CỦA CƠ ĐỐC GIÁO
(Notre Dame professor tackles ‘myth’ of Christian martyrdom)

Liz Goodwin

 

Bà Candida Moss, một giáo sư chuyên về lịch sử Cơ Đốc giáo thời sơ khai tại Đại học Notre Dame [một Đại học Công giáo ở tiểu bang Indiana] và là một tín hữu Công giáo thuần thành, muốn đập tan (shatter) điều mà bà gọi là “huyền thoại” Tử đạo trong niềm tin Cơ Đốc giáo.

Trong một tác phẩm mới đây, bà viết rằng tại các lớp giáo lý dạy vào ngày Chủ nhật, chuyện kể về các tín đồ Cơ đốc thời sơ khai bị bắt tại các buổi tụ họp trong các hầm mộ bí mật, và sau đó bị bọn La Mã độc ác ném cho sư tử ăn thịt thì đều chỉ là chuyện hoang đường. Thật ra, trong 250 năm đầu tiên của lịch sử Cơ Đốc giáo, người La Mã hầu như chỉ xem các tín đồ tôn giáo nầy như những hội viên lắm chuyện  của một giáo phái mê tín.

Giáo sư  Candida Moss cho rằng chính quyền chỉ mạnh tay  ngược đãi tín đồ Cơ đốc trong khoảng 10 năm, mà cũng không ngược đãi liên tục. Bà nói rằng nhiều truyện kể được biết đến nhiều nhất về các Thánh tử đạo Cơ đốc giáo thì hoàn toàn bịa đặt (entirely fabricated).

 
Luận đề gây nhiều tranh cải nầy được trình bày trong tác phẩm “Huyền thoại bị Ngược đãi: Những Tín đồ Cơ đốc Sơ kỳ đã Phát minh ra Chuyện Tử đạo như thế nào” ("The Myth of Persecution: How Early Christians Invented a Story of Martyrdom", HarperCollins, New York, 2013), đã làm bà nhận được nhiều email với nội dung thù hằn và bị vài đồng nghiệp lườm nguýt.  Nhưng bà  Moss vẫn cho rằng Giáo hội Công giáo La Mã và các nhà sữ học từ nhiều thế kỹ nay đã biết rằng hầu hết truyện tín đồ Cơ đốc tử đạo thì hoặc là bị cường điệu hoặc là được ngụy tạo ra (exaggerated or invented).

Một nhóm nhỏ các Linh mục học giả ở thế kỹ thứ 17 đã bắt đầu sàng lọc lại các huyền thoại, hoài nghi (discrediting) không những các chuyện tô vẽ các vị Thánh (kể cả chuyện Thánh George đâm chết con rồng) mà còn quăng bỏ (tossing out) luôn những truyện rất phổ biến về các thánh tử đạo Cơ đốc buổi sơ kỳ.  

Các sữ gia, kể cả giáo sư Moss, cho rằng chỉ có một nhúm (handful) chuyện tử đạo trong 300 năm đầu tiên của lịch sử Cơ đốc giáo - gồm cả dưới triều đại vị vua Nero tàn bạo và ghét tín đồ Cơ đốc - là có thể kiểm chứng được. (Nữ thánh Perpetua gốc Carthage trong tấm ảnh chụp kiếng cửa sổ nhà thờ dưới đây, là một trong sáu vị tử đạo nỗi tiếng thời Cơ đốc sơ kỳ, mà bà Moss tin rằng đã thật sự bị giết vì tín ngưỡng của mình).  

Theo giáo sư Moss, hầu hết chuyện Thánh tử đạo là “cường điệu” và “ngụy tạo”,
nhưng chuyện nữ thánh Perpetua, một trong 6 chuyện tử đạo, thì có thật

Giáo sư Moss chắc rằng khi tín đ Cơ đốc bị hành quyết, thường thì  không phải vì niềm tin tôn giáo mà vì họ không chấp hành luật lệ La Mã . Nhiều điều luật dẫn đến việc hành quyết tín đồ Cơ đốc thì không đặc thù nhắm vào họ  - như luật đòi hỏi tất cả các công dân La Mã đều phải tham gia vào lễ tế thần linh công cọng - nhưng vì họ từ chối tuân thủ các luật nầy và các tập tục xã hội La Mã đã khiến họ bị giết. 

Giáo sư Moss cho rằng những tín đồ Cơ đốc sơ kỳ thì “cộc cằn, âm mưu và vô lễ”, bà nhấn mạnh rằng họ không chịu tuyên thệ, không chịu đi lính hay tham gia vào bất kỳ sinh hoạt nào khác của xã hội La Mã.

Có lúc, bà Moss gần như ở trong tình trạng lâm sàng (clinical) khi cố gắng phân biệt giữa sự ngược đãi thật sự và có hệ thống những tín đồ Cơ đốc vì lý do tín ngưỡng, với hành động bạo lực lúc có lúc không (intermittent) chống lại họ vì họ không chịu tuân thủ [ước lệ xã hội].

Bà viết rằng “Nếu ta định nghĩa ngược đãi là hành vi thù địch đối với một nhóm nào đó vì niềm tin tôn giáo của họ, thì chắc chắn rằng người La Mã thấy thật quan trọng phải cố tình nhắm vào tín đồ Cơ đốc. Nhưng nếu không định nghĩa như thế thì đây chỉ là một hành động khởi tố (prosecution) chứ không phải ngược đãi (persecution)”.

Bà cho rằng với sự ngược đãi thật sự của chính quyền, các nạn nhân sẽ không còn chổ để điều đình khi cố gắng thuyết phục chính phủ ngừng nhắm vào họ. Nhưng khi luật lệ của chính quyền vô tình dẫn đến sự ngược đãi, thì nạn nhân vẫn còn chổ để đối thoại và thảo luận cách thay đổi những luật nầy.

Giáo sư Moss nói rằng “Lý do tôi phân biệt như thế là để trong trường hợp có người điểm mặt riêng bạn, tra tấn bạn vì bạn là tín đồ Cơ đốc - chuyện đã thật sự xãy ra trong một vài năm – thì trong trường hợp đó, bạn không thể điều đình gì được. Bạn sẽ không có cơ hội để kháng cự hay chống lại. [Tuy nhiên] trong trường hợp có những bất đồng … thì vẫn có chổ để thảo luận”.       

 

Bà Moss nhắc đến bộ luật Y tế mới của Mỹ [Affordable Care Act of 2010] đòi hỏi các công ty bảo hiểm phải trả chi phí ngừa thai như là ví dụ về một bộ luật vô tình nhắm vào các tín đồ Cơ đốc nhưng lại bị diễn giải như một cuộc tấn công trực tiếp vào tín ngưỡng của họ.

Rất giống như sắc lệnh của Hoàng đế Diocletian bắt tất cả công dân La Mã phải tham dự lễ hy sinh cho thần linh (mà bà Moss mô tả như Lời thề Trung thành “Pledge of Allegiance” phải đọc trước vài buổi lễ công cọng của Mỹ), bà Moss cho rằng yêu cầu bảo hiểm trả chi phí ngừa thai không phải được ban hành để nhắm vào hay để phân biệt đối xữ tín đồ Cơ đốc. (Tín đồ Cơ đốc và các thành phần dân chúng khác từ chối dự lễ hy tế vào thế kỹ thứ tư đã bị tàn sát. Còn các tổ chức Cơ đốc không muốn trả chi phí ngừa thai theo đạo luật của thế kỹ 21 nầy thì bị phạt)

Đại học Notre Dame là một trong hàng tá đại học tôn giáo đã kiện [chính phủ] về đạo luật trả tiền kiểm soát sinh đẻ nầy, họ cho rằng cung cấp cho nhân viên và sinh viên loại bảo hiểm sức khỏe trả tiền các biện pháp ngừa thai thì vi phạm quyền tự do tôn giáo của đại học.

Bà Moss nói rằng có vài tổ chức trong cộng đồng tôn giáo đã định kiến rằng đạo luật trả chi phí ngừa thai nầy là một sự cố tình ngược đãi tín đồ Cơ đốc thay vì xem đó như một chính sách sai lầm, thì điều nầy chỉ làm cho họ khó điều đình mà thôi.

Bà nói rằng “dán cái nhản hiệu “ngược đãi”[lên đạo luật] thì cũng như nói “Chúng ta đang bị tấn công, chúng ta đang bị ngược đãi. Phe bên kia không có lý do để làm điều nầy và chúng ta phải chống lại. Chúng ta không nên đàm phán hoặc thỏa hiệp”.

Giáo sư Moss cho biết riêng cá nhân bà, bà đã chống lại quyết định của đại học Notre Dame khi kiện đạo luật nầy. Bà nói “Tôi nghĩ rằng Đại học Notre Dame không kiểm soát chuyện tôi tiêu pha lương của tôi như thế nào, do đó đòi kiểm soát loại chăm sóc sức khỏe mà mỗi người chọn lựa thì có lẽ đó không phải là điều chúng ta nên làm. Tôi nghĩ rằng các định chế Công giáo nên phó thác chuyện đừng dùng biện pháp ngừa thai cho nhân viên của họ”.

Giáo sư Moss nói rằng cái “mặc cảm ngược đãi” (persecution complex) các tín đồ Cơ đốc buổi sơ khai đã ảnh hưởng đến cuộc tranh luận chính trị tại Mỹ thời hiện đại. Bà nói thêm rằng có những đài truyền hình cáp nhai đi nhai lại rằng tại Mỹ đã cố tình có một “Cuộc chiến chống lại Lễ Giáng sinh” (War on Christmas) là một ví dụ cụ thể về huyền thoại tử đạo của thời hiện đại.    [Bà Moss muốn nói đến khuynh hướng càng lúc càng lan rộng của người Mỹ và các tập đoàn kinh doanh đại siêu thị tại Mỹ đã từ từ không dùng cụm từ “Merry Christmas” nữa mà dùng “Greeting Seasons” để quảng cáo hoặc chúc tụng nhau vào dịp lễ hội cuối năm dương lịch - LND]

Năm ngoái, trong chiến dịch tranh cử sơ bộ đảng Cọng Hòa, khi vị cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich biện giải rằng đang có một cuộc chiến tranh “gây hấn” chống lại Cơ đốc giáo trên toàn lãnh thổ, bà Moss nghe như vang vọng một cuộc thánh tử đạo ngụy hình (apocryphal martyrdom)     

Giáo sư Candida Moss nói bà tin rằng đánh tan những điều hoang đường về tử đạo của Hội thánh sơ kỳ thì sẽ [không vì thế] mà giảm thiểu tình trạng ngược đãi tôn giáo đang xãy ra trên thế giới.

Bà nói rằng: “Tôi hoàn toàn thông cảm với mối quan tâm của những người chỉ trích tôi là khi viết một tác phẩm như thế nầy, có thể tôi sẽ làm cho người ta bớt chú ý đến tình trạng ngược đãi trên thế giới. Tôi có quan tâm  đến tình trạng nầy chứ. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải quan tâm  đến những người bị đàn áp. ...”

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét